Tìm tòi thể nghiệm

16/11
3:58 PM 2019

NHẬN DIỆN VÀ LÝ GIẢI CÁC HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC

Phạm Quang Long-Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học là một công trình mới của PGS, TS Phan Trọng Thưởng, tập hợp 17 bài tiểu luận nghiên cứu và các báo cáo khoa học của tác giả đã đăng trên các Tạp chí chuyên ngành hoặc công bố ở các Hội thảo khoa học do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức vài năm gần đây.

 

Nói như tác giả, tuy đây chỉ là sự nhận diện và lý giải các hiện tượng “từ quan điểm của cá nhân, mang tính cá nhân nhưng ít nhiều thể hiện quan điểm chung và định hướng chung trong hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay” (Lời nói đầu). Điều đó cũng tự nhiên bởi tuy là công trình của cá nhân nhưng vị trí công việc của anh cũng nói lên những “kết hợp” mà địa vị công tác của anh không thể không làm. Tính chất “ứng chiến” của các bài trong tập sách này khá rõ ở chỗ nó nêu và giải quyết những vấn đề đang được đặt ra trong đời sống văn nghệ nước nhà những năm gần đây. Nhưng nó không phải là những trao đổi, thảo luận mà là những ý kiến mang tính định hướng cho nhiều vấn đề bởi tác giả của những bài viết này đang giữ trọng trách ở cơ quan tư vấn các chính sách về văn nghệ cho nhà nước.

 

Nhìn vào hệ thống các vấn đề mà cuốn sách đã nói đến, thấy ngay tác giả không chỉ nhằm nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học cụ thể, mà phần lớn các bài đều xoay quanh việc lí giải nhiều vấn đề lý thuyết văn nghệ trong một hệ thống chặt chẽ, có vấn đề đã được bàn đến từ lâu nhưng vẫn còn đang dang dở về nhiều mặt và có vấn đề vẫn còn có những quan điểm đánh giá khác nhau. Cái đáng quý của một công trình nghiên cứu ở chỗ nó nêu đúng và trúng những vấn đề đang được quan tâm và giải quyết được những vấn đề ấy có căn cứ khoa học thuyết phục. Tôi nói đến những căn cứ được thừa nhận, có tính thuyết phục vì trong khoa học xã hội và nhân văn, khó có thể nói đến chuyện giải quyết một cách rốt ráo, một lần là xong; bởi mỗi thời kỳ, mỗi lý thuyết, mỗi cách tiếp cận có những cách đọc đối tượng khác nhau. Ở công trình này của Phan Trọng Thưởng thấy có điều đó. Những bài viết công phu nhất, mang tính hệ thống và thể hiện quan điểm của tác giả nằm ở những bài đinh của tập sách như Nhận diện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam; Nhận diện các khuynh hướng vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây; Lý giải thành tựu văn học thời kỳ đổi mới; Để có một nền văn học gắn bó với số phận của nhân dân và vận mệnh đất nước; Định hướng phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam - Quan điểm và phương pháp tiếp cận; Xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật - Thực trạng và vấn đề… Những bài này khi đặt cạnh nhau càng thấy rõ chủ ý của tác giả: ông muốn tập trung vào việc giải quyết một số vấn đề mang tính hệ thống lý thuyết tư tưởng và lý luận văn nghệ Việt Nam. Bởi vậy, các bài viết về chủ đề này về số lượng chỉ chiếm khoảng một phần ba tập sách nhưng lại đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về tư tưởng văn nghệ của nước nhà, công phu, bao quát nhiều lĩnh vực, có bài viết mang tính chất tổng kết và đánh giá cả một hệ thống những vấn đề quan trọng nhất của lý thuyết văn nghệ ngót một thế kỷ, có những vấn đề đã được giới chuyên môn bàn luận nhiều lần nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất; có những vấn đề đang là thời sự và ý kiến cũng rất khác nhau trong giới nghiên cứu và cũng có cả những bài viết về những vấn đề tuy không còn thời sự nữa nhưng vẫn cần những lí giải thêm như vấn đề bản chất, chức năng của văn học hay tự do sáng tác của nghệ sĩ v.v… Ở những bài viết này, cái nhìn lịch sử và những lý giải khách quan đem lại cho bài viết tính hệ thống và sự thuyết phục.

Xung quanh vấn đề nhận diện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, cho đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau ở cả những vấn đề khoa học lẫn cách tiếp cận đối tượng do những góc nhìn khác nhau. Bởi vậy mà trong khi lý giải một hiện tượng cụ thể hoặc vận dụng hệ thống lí luận vào để giải quyết những vấn đề hoặc những giai đoạn, xu hướng văn nghệ… nhiều người xuất phát từ những căn cứ khác nhau, đôi khi thiếu tính hệ thống và cũng không nhất quán nên về tổng thể, những lập luận và kiến giải khó thấu lý đạt tình. Ví dụ thì nhiều nhưng ở đây chỉ xin nhắc lại những cuộc tranh luận cách đây chưa lâu về những vấn đề quan trọng của lý thuyết văn nghệ như chức năng, bản chất, đặc trưng của văn nghệ, vai trò của người nghệ sỹ, mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị v.v… có tình trạng ý kiến của những người tham gia tranh luận không căn cứ vào tính hệ thống và hoàn cảnh lịch sử của những vấn đề và những hiện tượng cụ thể mà lại chỉ xem xét, đánh giá chúng trong một lát cắt thời gian nên mất tính khách quan và vì thế sự thuyết phục cũng không cao. Trong các bài viết về những vấn đề này Phan Trọng Thưởng đều nhằm nhận diện những nguyên tắc, tính hệ thống và lý giải những nội dung, tính chất, đặc điểm của hệ thống ấy trong cả tiến trình vận động của lịch sử văn nghệ và lý giải chúng từ những điều kiện hình thành nên lý thuyết văn nghệ. Phan Trọng Thưởng dành nhiều công sức cho việc cắt nghĩa sự hình thành của hệ thống lý luận văn nghệ hiện nay từ các thời ký cổ trung đại cho đến hiện nay. Một trong những điểm xuất phát quan trọng để lý giải sự hình thành của những lí luận văn nghệ theo Phan Trọng Thưởng “có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân từ tư tưởng nghệ thuật có vai trò quan trọng” (tr.22). Từ tư tưởng văn nghệ sẽ dẫn đến việc hình thành lý luận văn nghệ. Từ lý luận về văn nghệ sẽ dẫn đến những chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thực tiễn và điều đó để lại những dấu ấn rất rõ trong nội dung, tính chất, mục đích, chất lượng văn nghệ. Ông cho rằng lý luận văn nghệ Việt Nam được hình thành từ bốn nguồn mạch lý luận văn nghệ truyền thống, lý luận văn nghệ macxit, hệ thống quan điểm văn nghệ của Đảng, lý luận văn nghệ tiếp thu từ nước ngoài. Điều này có nhiều người đã nghiên cứu, tổng kết nhưng cách tiếp cận và cách lý giải có những điều khác với Phan Trọng Thưởng ở chỗ họ thiên về đánh giá những tác động của các quan niệm ấy qua những sáng tác cụ thể, từ góc nhìn của mình. Phan Trọng Thưởng lại trình bày quá trình, tính chất, phương thức và biến đổi những tư tưởng văn nghệ ấy cùng với những đúc kết, khái quát từ thực tiễn văn hóa - xã hội dân tộc mà nhiều thế hệ các nhà tư tưởng, nghệ sỹ, hoạt động xã hội… đã xây dựng nên những hệ giá trị tư tưởng - thẩm mỹ phù hợp với đời sống dân tộc. Ông vẫn mô tả và đánh giá nhưng cái nhìn của ông tỏ ra chừng mực và khách quan. Ngay cả khi bàn về quan niệm mỹ học macxit và hệ thống tư tưởng văn nghệ do Đảng lãnh đạo, Phan Trọng Thưởng cũng thể hiện một thái độ khoa học, không tuyệt đối hóa hay cường điệu hệ thống này và hạ thấp hệ thống khác. Ông cho rằng lý luận văn nghệ của ông cha hình thành trên tư tưởng “chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, là ý chí độc lập…” nhưng “ảnh hưởng từ Trung Hoa… cũng là một sự thực lịch sử” (tr.20). Đầu thế kỷ XX “những tư tưởng nghệ thuật mới từ phương Tây từng bước thâm nhập và phát huy ảnh hưởng tới tiến trình văn học nghệ thuật hiện đại” (tr.20). Và hiện nay “lý luận văn học và mỹ học macxit chân chính được xác định là nền tảng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật. Do vậy, vấn đề nghiên cứu, tiếp thu các tư tưởng văn nghệ nước ngoài nói chung, phương tây nói riêng cũng cần được định hướng rõ ràng” (tr.27). Cách nhìn nhận và đánh giá như vậy là đúng với tiến trình hình thành và vận động của lý luận văn nghệ nước nhà. Không chỉ xác định từng giai đoạn phát triển của tư tưởng lý luận văn nghệ và xác định những tính chất, nội dung và đặc điểm chủ yếu của nó (4 giai đoạn: từ thế kỷ thứ X đến giữa XIX, từ giữa thế kỷ XIX đến 1945, từ  1945 đến 1986 và từ 1986 đến nay), Phan Trọng Thưởng còn lý giải những yếu tố tác động tới quá trình hình thành và phát triển lý luận văn nghệ như từ truyền thống tư tưởng (tư tưởng triết học, mỹ học, văn chương, học thuật), thực tiễn lịch sử nghệ thuật, tư tưởng chính trị, các lý thuyết văn học nghệ thuật nước ngoài, hệ thống giáo dục, quá trình chuyển dịch các giá trị văn nghệ. Có thể nói trong bài viết quan trọng này của tác giả, những vấn đề trên được trình bày bài bản, hệ thống, có cơ sở thực tiễn thuyết phục. Có lẽ do dung lượng và do bố cục của bài viết, ông chưa bàn tới vấn đề từ tư tưởng văn nghệ ấy sẽ dẫn đến việc hình thành nên những lý thuyết văn nghệ cụ thể và nó tác động đến đời sống văn nghệ như thế nào, những thành tựu và bất cập của nó đối với đời sống văn nghệ. Làm được như vậy thì công trình sẽ hoàn thiện hơn.

Những bài viết khác đậm chất lý luận gắn với mạch bài viết này về đề tài lịch sử, bản chất của văn học, tự do sáng tác, lý luận văn học, nghệ thuật với giáo dục nhân cách và lối sống cho con người, chức năng dự báo của văn học, định hướng phát triển lý luận văn nghệ, quan điểm và phương pháp tiếp cận, xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật theo hướng nào? v.v… cũng công phu, thể hiện rõ quan điểm, lập trường, mang tính chỉ đạo kết hợp với những kiến giải có cơ sở khoa học. Ở những vấn đề tưởng đã định hình nhưng ông vẫn có những lý giải mới như khi bàn về bản chất văn nghệ, chức năng dự báo của văn học, vấn đề tự do sáng tác… Đặc biệt khi bàn về quan điểm tiếp cận định hướng phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam, thái độ tư tưởng và những luận giải khoa học của tác giả cũng rất rõ ràng, tránh được những hạn chế thường gặp nhiều người khác. Trong tình hình nhiều người (cả trong giới văn nghệ lẫn người ngoài giới) dường như đề cao chức năng giải trí của văn nghệ, tới việc làm thỏa mãn nhu cầu dễ dãi của đại chúng thì việc đánh giá lại và đề cao những phẩm chất cao cả vốn có của văn nghệ là điều cần thiết không chỉ ở những hiện tượng cụ thể mà còn liên quan đến những vấn đề cốt tử của văn nghệ. Nhiều bài viết của Phan Trọng Thưởng trong tập sách này cả khi đề cập tới vấn đề chung lẫn khi nói về một hiện tượng cụ thể cũng đều thể hiện thái độ ấy. Đó cũng là trách nhiệm xã hội cần ghi nhận nữa của ông.

Nguồn Văn nghệ số 46/2019

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *