NHỎ MÀ LỚN-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRÍ DỰ CUỘC THI VIẾT “LÀNG VIỆT THỜI HỘI NHẬP” CỦA BÁO NÔNG THÔN NGÀY NAY/DÂN VIỆT
Chả là bà Cóc Cái quan niệm rằng “phi thương bất phú” nên đến đâu cũng làm cái quán nho nhỏ. Thêm vài ly cái vợt và vài bình trà. Vậy là cà phê cóc bình dân đúng nghĩa ra đời.
Sáng nào Hoàng Em cũng ghé cà phê Cóc làm ly đen nóng. Xin rõ ràng vụ cóc nầy tí chút. Thuở xứ nầy mới khai thiên lập địa thì Nguyễn Văn Cóc thường gọi Cóc Bịch che cái chòi lá cho vợ bán hành tiêu ớt tỏi muối đường, trước mua vui, sau kiếm lời phụ thêm tí chút cho bữa ăn gia đình. Chả là bà Cóc Cái quan niệm rằng “phi thương bất phú” nên đến đâu cũng làm cái quán nho nhỏ. Thêm vài ly cái vợt và vài bình trà. Vậy là cà phê cóc bình dân đúng nghĩa ra đời.
Nhiều năm về sau con đường mưa bùn nắng bụi được nhựa hóa. Nhà cửa hai bên lộ khang trang hơn thì cà phê Cóc không còn cóc nữa. Vợt được thay thế bằng phin, ghế bàn dã chiến thay bằng hàng xuất khẩu. Bưng bê chào mời là các cô các cậu đẹp và xinh như mẫu thời trang trên sân khấu. Và cà phê thì giá cả gấp chục lần Cóc thời cũ – nghĩa là – cóc cũ năm ngàn thì cóc đời mới năm mươi nghìn một ly đen nóng. Mẹ cha ơi... cà phê gì mà đắt dữ vậy kìa?
Hãy nghe đại gia Hoàng Em nói:
• Năm chục phải rồi. Quán máy lạnh, nhạc hay, tiếp viên đẹp và lịch. Cà phê sạch. Không năm chục cho nó chết à?
Tiếng đại gia nhưng Hoàng Em có cái tướng bần cố nông hết chê. Cao mét sáu nhưng bề ngang không khiêm tốn nên lùn xủn. Tóc rễ tre trên cái đầu quá khổ rất là dị dạng. Ông bà có câu “trời cho cái vẻ bên ngoài, để che dấu cái sơ sài bên trong”. Nếu Hoàng Em bề ngoài thô kệch thì hai từ đại gia do đời phong tặng đã nói lên cái kỳ tài của ông ta ở xứ sở nầy. Kỳ tài ư? Xin hạ hồi phân giải. Còn bây giờ hãy theo dõi Hoàng Em một tí.
• Chào anh Hoàng.
Một gã áng chừng bốn mươi đứng lên chào đại gia. Đại gia bần cố nông bước đến và “mắt nhìn trờn trợn cầm tay trờn trờn”:
• Em là Phong. – gã trẻ nói - mời anh ngồi.
• Chào Phong. Khỏe chứ?
• Cám ơn anh. Em khỏe ạ.
Nhìn gã trẻ đại gia hỏi:
• Mi làm chi? – Đại gia người Nghệ An nên mi và tau ngay đầu môi.
• Dạ... em làm nấm Linh Chi. Nghe thiên hạ nói anh là chủ nhân của bẩy mươi lăm hecta Thanh Long nên tìm gặp cho biết.
• Mi bao nhiêu tuổi?
• Dạ... bốn mươi tám.
•Tau sáu mươi tám mi gọi anh là không thông. Gọi bằng chú nhé. Tau làm chi mà chủ những chừng đó héc ta. Mi làm được bao nhiêu hecta Linh Chi?
• Dạ... ba héc rưởi.
• Mệt không?
• Đừ luôn.
• Ba rưởi mà đừ thì tau làm chi nổi bảy lăm? Thiên hạ không biết nên nói quá. Tuy nhiên cũng không sai tí nào. Nhưng mà... khoan nói chuyện tau. Mi quê đâu? Vào đây lâu chưa?
***
Phong quê quán Hà Giang. Tốt nghiệp đại học Nông Lâm loại trung bình. Thời mà cuối đường đại học vá xe, đầu đường cao đẳng bán chè đậu đen thì ta biết làm chi? Phong lang thang về Y làm thuê làm mướn ở ba cái cơ sở nuôi và cấy nấm rơm nấm mèo của tư nhân. Chao ôi là đại học. Nấm rơm hả? Rơm rạ ủ rồi tưới nước vôi rồi cuốn lại từng bó cho ra luống rồi cấy meo chỉ cần sức và siêng chứ chả cần bằng. Nấm mèo thì sao? Chủ nhân các cơ sơ nuôi cấy đem về hàng chục xe tải mạt cưa gỗ cao su. Cho mạt cưa vào bịch nilon môi trường. Vì sao gọi là bịch nilon môi trường? Xin thưa bịch phải có độ dày là 0,12mm mới đủ sức chịu được áp suất và nhiệt độ cao khi cho vào nồi hơi để thanh trùng. Mỗi bịch nilon đựng 1kg mạt cưa và được nén thật chặt gọi là bịch môi trường. Những bịch nilông đựng mạt cưa khi được thanh trùng xong để nguội mới cấy meo giống vào. Việc cấy meo được thực hiện trong căn phòng đặc biệt sạch sẽ, trang bị đèn cực tím và những dụng cụ vô trùng khác. Dùng muỗng nhỏ múc một lượng meo giống đổ vào bịch môi trường, đậy nút kín lại là xong. Những bịch đã được cấy meo chuyển vào phòng tối, có nhiệt độ từ 25–30oC trong suốt 3 tuần…
Nghe Hoàng kể không riêng đại gia Hoàng mà cả khách cà phê Cóc cũng váng cả đầu. Đại gia chận lại:
• Ba cái vụ nuôi trồng để tao về mở gu gồ ra tra, mày kể một hồi tao loạn óc mất. Làm sao mày có đất để trồng Linh Chi nói nghe coi.
• Dạ... kỹ càng một chút vụ rơm và mèo là bởi con lấy vốn thực tế từ hai cái nầy để làm Linh Chi. Không thực tế là thua đứt chú ạ.
• Ô kê. Cái này thì tao hiểu. Tiếp tục đi.
Phong bay về Hà Giang thuyết phục hai ông bà già cho mình mượn đỡ mớ vàng cả đời họ dành dụm. Thôi thì để dành cho mày cưới vợ mày muốn thì tao giao. Được hai chục chỉ trong tay Phong thuê đất để làm chủ. Thiên hạ sao ta vậy và ta cũng thực tế hai loại nấm cả năm ròng há dễ thua sao? Thuê đất xong Phong cũng trang trại như người lớn. Cũng rơm rạ cũng phôi cũng giống má cũng bịch môi trường. Nhưng than ôi...
• Sao than ôi? - Đại gia Hoàng hỏi.
• Rừng nào sư tử đó chú ơi. Khi làm thuê làm mướn thì ta được thương yêu bởi ta là bầy tôi. Khi đứng lên làm chủ thì bị triệt không thương tiếc.
• Triệt làm sao?
• Ngoại trừ bọn du côn đến phá phách xin tiền để ăn nhậu gái gú chúng chơi một chiêu là con tắt thở luôn.
• Chiêu chi?
• Chúng cấm dân địa phương không được vào làm thuê trong cơ sở của con. Thuê cả hecta đất chỉ là chuyện nhỏ. Đầu tư vào mới lớn. Vàng của hai ông bà già là chuyện chút xíu. Thêm ba cây của cô bồ sinh viên mới là lớn chuyện.
• Lớn làm sao?
• Anh cô ấy xách mã tấu đến xin con tí huyết nếu không hoàn ba cây vàng cho em gái anh ta.
• Mày làm sao?
• Con nói rằng chung vốn làm ăn thì phúc cùng chia họa cùng hưởng. Nay đổ tội lên đầu em anh ngó được không?
Anh trai cô sinh viên nói:
• Mày cù rủ em tao làm chuyện trời ơi. Không trả tao sẽ cho mày ăn mã tấu.
• Rồi sao?
• Cô ấy sợ mất vàng thì ít mà sợ mất con thì nhiều nên nghe theo bỏ trốn khỏi Y... vậy là trăm năm đầu bạc luôn.
• Hiện nay chú mày ở đâu?
• Dạ ở thị xã LK.
• Cở sở Linh Chi ở đâu?
• Dạ... LK luôn.
• Úi chà... ba héc rưởi mà ở LK thì quá cha ông cố nội rồi?
• Nhưng khi con mới đến thì...
Năm nay con bốn mươi tám tuối – Phong tiếp tục – thì hơn hai mươi năm trước cái vùng đất hai tỷ bạc một sào tây hiện nay là dành cho lũ đi đày như Tô Vũ. Buồn ơi là buồn. Cô sinh viên nếu không vì mê trai thì bỏ Phong lâu lắc rồi. May quá. Khi đi cô có mang theo chút đỉnh nên ngoại trừ có cơm ăn, Phong cũng tậu được con rựa để phát rẫy làm nương. Đã qua những hai năm thuê mướn nên Phong không ngại chi nắng lửa mưa dầm. Vừa phát rẫy cho mình vừa phát thuê suốt mấy tháng ròng Phong được một sào. Sau ba tháng thành quả thu được là ba tạ bắp hạt. Mẹ cha ơi... làm ăn như vầy thì có mà chết. Nghĩ đi nghĩ lại Phong không bắp không đậu nành đậu phụng mà chơi nấm rơm. Và rơm rạ ở miền tha phương hội tụ chả phải mua. Mày không lấy tao đốt cũng vậy à – thiên hạ nói thế - lại thêm rằng – tao chán xứ nầy rồi, mày mua sào đất của tao không tao để lại cho - Ừ bao nhiêu anh để cho tôi.- Xưa kia tao phát hết ba mươi ngày công nay lấy hai chục thôi.
Thuở mà rừng sát bên đít thì đất đai nó bèo bọt rứa đó. Và lượng người tha phương vào Đông Nam bộ kiếm sống như nước lũ tràn bờ, trời còn cản không nỗi nói chi ba anh kiểm lâm. Với lại lương ba cọc ba đồng mấy anh cũng chán bỏ xừ. Phong từng làm ăn thất bát, sạch vốn thì chớ lại bị đời đả cho trí mạng nên cũng hiểu biết tí chút. Để được vung con rựa phá lâm Phong dụng rượu kết thân với quý anh. Ngà ngà hơi men Phong ngâm ngợi rằng : Uống rượu không phải để say. Uống rượu để biết đắng cay là gì. Uống rượu không phải để sầu. Uống rượụ để biết trong đầu có chi. Quý anh quý mến thằng trí thức lỡ vận này lắm nên mày muốn phát báo nhiêu thì phát. Phong phát thì ít mà rọc ranh giành rừng thì nhiều. Tha phương nhào vô hể thấy cây bự nào có khắc chữ Phong thì chớ có dại mà rờ vô. Ở xứ nầy thằng Phong là trùm đó.
Để ba mẫu rưởi đất hiện diện với đời Phong phải thuê người phá. Làm được điều nầy thì mười lăm Phong cũng chớ hòng. Chẳng qua nhờ con trai của Phong mà được. Gia đình bên vợ Phong chỉ có một mụn con gái. Cô bỏ nhà theo tình cha mẹ tuy có giận nhưng ruột đứt từng khúc. Ngày cô ẳm con về – ôi thôi – thằng cu kháu quá làm ông bà ngoại mê tít. Anh trai của cô lên rừng thăm thú cho biết . Thấy em rể nói về nấm mèo mộc nhĩ hấp dẫn quá bèn bỏ vốn làm chung. Chỉ trong hai năm nhờ cái vốn bên vợ Phong trở thành một ông chủ. Gã anh vợ từng xách mã tấu đòi xin Phong tý huyết phục lăn. Cho hay rằng có tiền mà không có cái đầu là bỏ. Và rằng có tiền có cái đầu mà không có thời cũng bỏ luôn. Và thời là gì? Nó hội tụ đủ các cái. Cái quan trọng nhất để nên thời không thể thiếu được là phải kinh qua gian khổ:
• Rồi Linh Chi linh chiếc ra làm sao? – Đại gia hỏi tiếp.
Linh Chi là môt loại nấm thần kỳ, không phải do tục truyền, mà là các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia khẳng định rằng nó có thể chữa các chứng bịnh như cao huyết áp, đau nhức, mệt mỏi, viêm khớp. Giúp an thần, chống suy nhược thần kinh kéo dài. Trị các chứng chán ăn, mất ngủ. Chống béo phì, giúp giảm cân hiệu quả. Chống ung thư, kháng siêu vi. Trợ tim, chống xơ vữa thành động mạch. Tăng cường hoạt động của nang thượng thận. Điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày, tá tràng. Điều trị bệnh tiểu đường…
• Bộ mày học thuộc lòng hả?
•Dạ… làm cái chi cũng phải tinh thông chú ạ.
• Nói tiếp vụ Linh Chi.
• Dạ… so với rơm và mèo thì Linh Chi một trăm lần khó hơn. Nó gồm có Thanh Chi, Hoàng Chi, Hắc Chi, Bạch Chi và Hồng Chi. Nó không dùng để ăn mà là chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Để cho ra một tai nấm Linh Chi thì không thể dăm ba câu mà nói cho thông được. Cái quan trọng là Linh Chi được chế biến cho ra trà ra cao và viên nén . Ngoại trừ máy móc dạng cao cấp và đặc thù tuy lớn, nhưng ta có thể vay mượn để đầu tư. Có cao có trà rồi để có đầu ra mới cực kỳ nhiêu khê. Chú biết không ba lọ cao đóng vô một hộp là một triệu rưởi thì chỉ có quý tộc mới dám xài…
• Rồi mi làm sao?
• Làm sao ư? Con chỉ mới làm cái công đoạn là quảng cáo trên mọi phương tiện nhưng vẫn chưa đạt được điều mong muốn. Nghe thiên hạ đồn chú là một siêu hạng trong vụ đầu ra của Thanh Long. Lại nghe rằng vụ vừa qua Thanh Long bò còn chê trong khi đó chú những bẩy mươi lăm hecta mà không có hàng để giao. Chú có chiêu chi xin chỉ giáo ạ.
• Đại gia cười mà rằng...
***
Hoàng Em quê Nghệ An. Có cha và anh hy sinh trong chiến tranh. Ông nội bị pháp tử hình vì theo Việt minh. Năm bá quyền xâm lược Em trực tiếp cầm súng bắn lại Tàu khựa. Sau những cái đã và đang có Em được cất nhắc lên làm quan. Nghe qua Em xuống bến sông quê múc nước rửa tai. Nhìn quê hương đất cày lên sỏi đá, đông không áo, hè không cơm Em khăn gói quả mướp, lên đường đi... Đức.
• Chú đi Đức? – Trùm Linh Chi tròn xoe mắt.
• Ừ... tao đi lao động hợp tác bên Cộng Hoà Dân Chủ Đức.
Sau khi bức tường được mệnh danh là ô nhục bị đập bỏ. Hoàng Em quyết định về cái dãi đất hình cong chữ S thân yêu:
• Sao vậy chú? Con thấy rất nhiều người ở lại không về.
• Mỗi người mỗi ý. Với tao có đi xa mới biết quê hương là đẹp. Và cái quan trọng nhất của đời người là chi? Không phải là tiền mà là danh dự. Loài người trên thế giới này có bốn màu da, da vàng. da đỏ, da trắng và da đen. Người da trắng tự cho mình là văn minh và thanh cao nhất thế giới. Họ xem những màu da khác là hạ đẳng... mi hiểu không?
• Dạ hiểu...
• Ở bên đó muốn có tiền gửi về nhà giúp người thân, dân ngụ cư như tao phải lao động cật lực chứ không phải chỉ ngày tám tiếng. Buồn, chán, nhớ nhà... và cô đơn quá. Ai về thì được bốn ngàn đô mỹ. Tao quyết định về.
• Tiền chi mà bốn nghìn hả chú?
• Cái năm Mỹ đánh I-rắc mi nhớ không? Ai đang hợp tác lao động mà về nước sẽ được bồi hoàn một khoản tiền. Kiểu của tao cũng vậy.
Hoàng Em về – và – may quá. Bao nhiêu tiền bạc sau chục năm tha phương được người thân tậu nhà. Lại có ba sào ruộng. Ăn rồi đi chơi nói láo là quá tuyệt. Nhưng cái máu phiêu lưu luôn đầy trong huyết quản. Hoàng Em vào Đông Nam bộ và lọt vào thủ phủ của thuốc lá. Xứ mà một năm làm những ba vụ. Thiên hạ lấy bắp vụ một cọng với đậu nành đậu xanh của vụ hai để ăn thua đủ với thuốc lá. Chỉ một thuốc lá dân rẫy tậu nhà mua xe là chuyện nhỏ.
Hoàng Em xông vào với tư cách làm thuê. Chỉ có làm thuê mới hiểu tường tận người và đất muốn chi. Một mẫu vụ đầu thu ba tấn bắp là bình quân. Vụ hai một tấn đậu. Đến thuốc lá thì ăn chắc một tấn thuốc loại một. Nếu bắp một ngàn một ký, đậu nành bốn thì thuốc lá năm mươi nghìn cho một ký lô. Trời ạ. Tất nhiên là làm thuốc lá thì vốn liếng bỏ vào không hề là chuyện nhỏ. Một mẫu ta phải có – ít nhất – năm mươi cái líp đan bằng mum và lồ ô. Muốn có con thuốc để trồng phải gieo hạt từ hai tháng trước đó. Khi con thuốc được hai lá phải vô bầu. Bầu thuốc khi trồng phải che để tránh nắng, nhưng chiều đến phải giỡ ra để thuốc con ăn sương từ ba đến bốn ngày. Che bằng chi? Xin thưa bằng lá của cây Giá tỵ. Đến mùa trồng thuốc lá, chủ vườn phải đặt hàng trước cho bầy trẻ con vụ nầy. Lá được thắt lại như cái nón và tất nhiên để cho ra cái vụ nón này cũng phải thuê. Bón phân cho thuốc cũng lớn chuyện. Chỉ được sử dụng phân bò và tí chút hóa học. Phân heo là bỏ. Chả hiểu tại sao bón phân heo là thuốc không cháy khi hút. Trong hai tháng rưởi từ lúc trồng cho đến thu, bón ba đợt phân. Muốn có đủ phân ta phải chuẩn bị trước. Vào mùa thuốc thì phân bò đắt như... vàng. Cây thuốc bắt đầu lớn thì ta phải liên hệ với thợ xắt trước cả hai tháng. Thợ xắt thuốc được mời từ xứ Cao Lảnh của miền Tây. Một thợ xắt đi kèm hai thợ phơi. Muốn họ là người của mình thì ứng tiền trước. Tất cả phải có tiền. Nhiều tiền.
Sau một năm cúi mặt, thậm chí tới mùa thu Hoàng Em còn bưng thuốc phơi thuê. Cái vụ bưng phơi này chỉ làm về đêm. Năm giờ chiều thợ đến nhà chủ thuốc. Sáu giờ họ lên ngựa và xắt cho đến tận sáng. Thuốc xắt ra phải được ăn sương thì mới ruộm một màu vàng. Sau một vụ Hoàng Em tinh thông từ a đến z. Anh cũng lên ngựa tập và xắt không thua chi một tay lành nghề.
Khi tinh thông và biết chắc ta sẽ thành công thì không làm là dại. Đúng không? Hoàng Em về nhà – ngoài trừ số tiền tích cóp – anh lấy chủ quyền nhà và ruộng đem thế chấp ngân hàng. Vẫn không đủ. Mượn luôn sổ đỏ nhà của em trai em rể. Vẫn không đủ. Gì mà dữ vậy kìa? Hoàng Em – đã không thì thôi chứ đã chơi là tới bến – Anh thuê một chục héc ta để ăn thua đủ với thuốc lá.
Và kìa.. thuốc lên xanh ơi là xanh, lá to bằng cái nón Huế. Đúng là đất ba-zan có khác. Sau khi bỏ hai lá thuốc chân, ba lá lòng ống Hoàng Em để lại đúng mười lăm lá thuốc cái. Mười héc ta đều tăm tắp thế nầy thì – thiên hạ nói – tỷ phú thuốc lá có mặt ở xứ này rồi. Cha Hoàng Em phải nói là số một la mã.
Đúng lúc đó một cây bão tràn tới.
***
Trên một chục héc ta Hoàng Em dựng năm cái chòi lá kể vào dạng khủng. Sâu một chục dài hai chục mét không khủng thì là chi? Và một cái chòi với chừng ấy diện tích để chứa lá thuốc khi thu hai héc ta cũng chả có chi là lớn. Ai chưa từng làm thuốc lá xuất khẩu ở miền Đông Nam bộ thì nghe đây. Lá thuốc to bằng cái nón Huế, dày bằng cái nón luôn thì khi thu một chục lá ôm trong tay là nặng. Một cây thuốc mỗi đợt thu chỉ hai lá là chứa một phần tư chòi. Lá thuốc được bó lại và ủ chín trong hai ngày. Khi lá thuốc vàng như “Hà nội mùa thu cây cơm nguội vàng...” là thuê bầy trẻ đến để suốt cọng, khi suốt phải vuốt và giũ cho cực sạch không một hạt cát nào vương vào. Vì sao có cát? Vì khi thu hoạch người hái để rơi lá thuốc xuống đất là thường, ngọn dao của thợ xắt mõng và non như gái đồng trinh, một hạt cát vương vào khi xắt là lưỡi dao ấy phải làm lại.
Năm cái chòi còn tan tành nói chi thuốc. Về sau thiên hạ nói rằng đây là cây bão lớn chưa từng trong chục năm trở lại. Hoàng Em bỏ miền Đông về Nghệ An tức khắc. Không bán nhà bán đất trả nợ ngân hàng thì có mà chết. Sổ đỏ nằm ở ngân hàng làm sao bán? Hoàng Em nói với người mua:
• Anh đưa cho tôi số tiền tôi đã vay, sổ đỏ về anh giao số còn lại.
Lại nói với em trai và em rể:
• Tau mà chết thì bây cũng ra thân ăn mày. Chi bằng bán đi còn dư chút đỉnh che chòi mà ở. Bi chừ trách tao cũng không được chi mô. Người còn thì của hãy còn. Bây tin tau đi.
Anh em thì cắng răng mà chịu chứ người ngoài thì sao? Một tay ở phố lớn cho Em vay hai trăm triệu. Trời ạ! Những năm chín mươi của kỷ hai mươi mà hai trăm triệu là bao nhiêu vàng hả trời? Để tính xem. Năm trăm ngàn một chỉ, một lạng là năm triệu. Vị chi bốn chục cây vàng. Và Hoàng Em là cái ông bà cố nội gì mà uy đến cái độ vay được nhiều vậy? Và có điên không khi dám cho vay chừng ấy? Xin thưa khi tao đã hành nghề cho vay thì của nả nhà mi và mi làm cái chi tao phải sành. Chủ cho vay vào tận nhà tận ruộng tận nơi Hoàng Em làm thuốc lá và tin rằng thằng ni giàu chắc. Hắn còn khen rằng thằng ni tuy tướng tá không ra cái dịch gì nhưng cái đầu là ngoại hạng.
Nghe tin Em bán nhà bán ruộng và bão tàn phá hết cơ ngơi. Chủ nợ cùng một toán xã hội đen thùi lùi đến ngay chòi ruộng. Trùm đen đúa hỏi:
• Nợ tính sao Hoàng Em?
Hoàng Em nhìn hắn:
• Tui nợ chi anh?
• Tao từ Hải Phòng vô đây và nghề của tao là đòi nợ thuê. Mày không trả là tao xin cái đầu về làm mắm.
• Tau bây giờ chỉ còn cái thân trơ trụi, và đang rất muốn chết, mày muốn cái đầu hay chưn tay chi thì cứ tự nhiên chặt, tau không phàn nàn chi mô.
• Mày thách tao à?
• Ừ.. tau thách mày luôn đó. Mi chặt tau thì mi đi tù. Tao hết nợ.
Đàn anh đen đúa ngớ ra vì vấp phải cọc. Chưa biết tính sao thì Em nhìn chủ nợ tiếp tục:
• Anh cho tui một con đường sống. Tui còn sống thì còn trả được nợ cho anh. Chừ tui chết là bốn mươi cây vàng của anh coi như bỏ.
Chủ nợ gầm lên:
• Tao sẽ kiện cho mày tù mọt gông.
• Anh mà kiện thì tui thua chắc. Án phí người thua là tui phải nộp. Chi bằng tiền đó để tui kiếm cách làm ăn mà trả nợ cho anh không hay hơn sao? Anh đã lỡ tin tui mà cho vay, xin anh tin thêm lần nữa được không?
• Tin là sao? Chừng nào mi trả?
• Cho tui thời gian là ba năm.
• Lời tính làm sao?
• Trả vốn thôi. Cho tui xin cái lời.
Chủ nợ đành ra về. Biết làm sao khi nó xem cái chết là giải thoát? Hoàng Em ngữa mặt lên trời mà rằng:
• Bộ giỡn với tui ha ông trời?
Nghe đến đây trùm nấm Linh Chi hỏi:
• Rồi chú làm sao?
Hoàng Em lại lên đường. Xe ngang qua cái xứ mà “gió như phang nắng như rang” tục gọi Phan Rang bèn dừng lại. Từng cầm cả núi tiền mà nay hóa ăn mày Hoàng Em chua chát lắm. Em lao vào vườn nho xin làm mướn. Được nửa năm lại vào tiếp Phan Thiết xem thiên hạ trồng Thanh Long rồi lại tiếp tục hành trình:
• Sao đi hoài vậy chú?
• Nhìn cái cảnh nông dân ta làm là tao chán.
• Sao vậy?
• Thấy mày trồng Linh Chi có ăn, tao cũng làm cho bằng vai phải lứa. Tao làm được thì một chục thằng khác cũng Linh Chi. Cuối cùng chủ tiệm vàng còn chết nói chi Thanh Long hay Nho. Nhưng cái tư duy con trâu đi trước cái cày theo sau của nông dân tao không buồn, không trách. Cái đáng buồn là cán bộ ta dốt nát và tham lam lắm mày ơi.
• Chú nói hơi quá...
• Quá cái con khẹc... tao nói thì tao chịu trách nhiệm câu nói của mình. Sợ cái chi mà im lặng? Để tao nói cho mày nghe...
Rằng thì là cán bộ ta xuống tận vườn khuyến khích nông dân, thậm chí cho vay vốn để làm. Mở rộng diện tích càng nhiều càng tốt mà không lường hậu quả là càng kéo càng cụt. Cho ra một giàn Nho hay một trụ Thanh Long đâu phải chuyện đùa. Vay được vốn ưu đãi, nông dân ta, phần đông là ít học nên a la xô vô làm vì bên trên đã đảm bảo đầu ra. Người người làm, nhà nhà làm... nhiều hồ sơ vay vốn quá nên muốn nhanh, ta phải biết giao lưu – và - ai cũng biết tiền cảm linh hơn tình cảm. Mười phần trăm lại quả cho cán bộ ấy sự đương nhiên. Ngày thu hoạch – mẹ cha ơi – rớt giá thảm thê. Bên mua không thèm ngó nên đành đổ cho bò.
Một vài tay thông minh bèn chơi trái vụ. Anh trái tôi cũng trái. Vậy là trái mùa tất tần tật. Ông bà ta đã răn “đừng thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Hậu quả là bò cũng chết vì bội thực nói chi người. Sau đó là Thanh long ruột vàng ruột đỏ. Khắp chợ thì quê đâu đâu cũng đỏ cũng vàng. Nghe đâu Thanh Long bổ lắm. Bổ ngửa là chắc nụi.
Bà con cô bác quay qua chửi cán bộ. Họ chửi cũng có lý có tình lắm. Nhưng cán bộ đâu có nghe. Trong phòng lạnh làm việc nghe sao đặng? Mà chửi lén chứ ngu sao công khai. Hoàng Em thì khác:
• Sao mày không học cái gì khác mà lại Nông Lâm?
• Thời của con câu “nhất y nhì dược tạm được bách khoa, hết đường mới chui vào sư phạm” vẫn còn linh lắm chú. Con thi được mười bốn điểm, may nhờ lý lịch là sắc tộc Tày và nhà ở vùng sâu vùng xa nên thêm ba điểm. Không Nông Lâm thì cái chi được nữa chú?
• Tao hoàn toàn không thành kiến với bất kỳ cái chi, nhất là sự học. Tao lao vào thuốc lá hay Thanh long bởi tao yêu nông nghiệp. Trước còn đi học tao cũng mong vào Nông Lâm. Nhưng... mày được ba điểm là không xứng đáng. Đứa được mười sáu điểm rưởi xứng đáng được vớt hơn và nó đã bị mày cướp mất một suất đại học. Và cái ngữ ăn may như mày, xong đại học, nếu gia đình có công cách mạng được làm cán bộ thì đất nước này ra cái dịch gì? Mày may mắn là lao vào thực tế nên thành công, chứ cán bộ là chết dân. Đó là chưa nói đến những tay xuất thân từ dân tộc nội trú và gian lận điểm đang ì ì xèo xèo trên báo đài. Tao nói rứa đó mày có buồn thì ráng chịu.
• Con có buồn chi đâu chú. Chú nói đúng mà.
Hoàng Em vào lại miền Đông. Làm mướn cho một tay Bình Định. Tay xứ Nẫu này có một héc ta cà phê. Trước nhà có vài trụ Thanh Long. Với vốn liếng làm thuê ở Phan Thiết, Em ra tay sửa sang chăm bón cho chủ. Thanh Long ở đất đỏ ba-zan rõ ràng là bụ bẩm tươi tốt hơn và – quan trọng là – trái to hơn gấp hai lần. Gã làm thuê Hoàng Em nghĩ rằng nếu mình có mẫu đất ở xứ nầy mà trồng Thanh Long thì hay quá.
Sau mươi tám tháng tha phương Em về thăm cha già mẹ yếu với hai bàn tay trắng nhách:
• Rồi làm sao chú có cái ngày hôm nay?
Hoàng Em chơi Đường thi:
• Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ. Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
• Là sao? Con không hiểu.
• Nghĩa là “Sơn cùng thủy tận ngờ hết lối. Liễu rũ hoa cười lại gặp làng”
Sau khi biết bố mẹ vẫn bình an vô sự và, em út vẫn mong một ngày mình... trả nợ. Em liền thân chinh đến gặp gã chủ đã cho mình vay bốn chục cây vàng. Chủ yếu để trấn an tao còn sống là còn có ngày trả nợ. Không gặp, nó cho cha mẹ em út ăn mã tấu thì ân hận muôn niên. Đúng lúc ấy Toàn – tên chủ nợ - đang bị du côn ga Vinh vây hãm. Một con nợ bị đòi nợ thuê chém và Toàn là đầu têu. Kẻ bị chém là em của anh lớn. Nguy tai. Thậm nguy tai. Hoàng Em đang trong nhà liền lôi Toàn tông cửa sau chạy trốn. Bọn du côn rượt theo. Biết chạy cũng không thoát nên Hoàng Em đứng lại nghênh chiến. Nếu dân Bình Định mười anh có võ hết sáu thì Nghệ An cũng xêm xêm. Hồi ở Đức, Hoàng Em cũng có ghé lò quyền anh luyện tập nên direct, choa, bạt-xivin và kut-xê cũng rành. Bọn sân ga thì mười xì ke hết sáu. Hoàng Em đập cho bốn du côn một trận nên hồn. Đe rằng:
• Thằng nào đụng vô thằng Toàn là tao giết.
Bọn du côn nể quá bèn xin kết nghĩa đệ huynh với Em. Riêng Toàn thì dập đầu thi lễ mà rằng:
• Tao cám ơn mày Em ơi. Không có mày bữa nay tao chuyển viện. Mày đang làm chi dẫn tao đi với. Tao quá chán nghề cho vay lãi rồi mày ơi.
Hoàng Em lôi Toàn vào miền Đông và xúi hắn tậu năm héc ta đất đỏ bazan:
• Thanh Long – Hoàng Em nói – lụt cũng không sợ nói chi bão. Mày nghe tao đi. Được làm vua thua làm giặc. Vô liều bất thành nhân.
Dân cho vay lời cắt cổ liều là số một.
***
Ngày nay – Hoàng Em tiếp tục – Thanh Long có mặt khắp nơi trên đất nước nầy. Thiên hạ trồng được cả trên đất bị nhiễm phèn. Nhiều nơi ở Đông Nam Á và những quốc gia ở Nam Mỹ và Trung Mỹ đều trồng được. Trung Quốc cũng vậy. Thanh Long không còn độc và lạ như vài chục năm về trước. Thanh Long trong hợp tác xã của tao – tao nói thật – luôn luôn hơn thị trường mười giá. Thiên hạ một ngàn thì của tao mười ngàn. Thiên hạ hai chục thì tao hai trăm. Nhưng mi có biết một ký Thanh Long của Đài Loan vào thời điểm nầy bao nhiêu không?
• ???
• Bốn trăm năm chục ngàn.
• ???
• Vì sao vậy? – Đại gia trầm ngâm – vì dân ta sính ngoại. Chỉ một cái mác, một con tem là các ông các bà quý tộc xứ ta nhào vô giật cho bằng được. Nó cũng chẳng bổ béo hay ngon hơn gì của xứ mình. Nhưng biết làm sao khi “sính” là bệnh của kẻ có tiền. Có rất nhiều người, mọi nơi trên thế giới đều biết nhưng không biết Thánh Địa Mỹ Sơn ở đâu. Tau có quen một thằng đọc rất nhiều sách, nhưng không biết ông Lê Lựu và Thời Xa Vắng là cái gì, nó chỉ đọc sách dịch. Sư cha bọn háo.
• Chú nói mô hình của chú là hợp tác xã?
• Đúng...
Hoàng Em đến tận trung tâm nghiên cứu lai tạo Viện Cây Ăn Quả Miền Nam SOFRI. Và vài nghìn trụ bê tông trên năm hec-ta đất của gã cho vay cắt cổ cấy toàn giống Thanh Long ruột đỏ. Thời này mà trắng hay vàng là xưa rồi. Vì sao xưa? Vì hầu như ai cũng biết những lợi ích thiết thực của loại trái nầy. Nào là chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ thống tiêu hóa, chống viêm khớp vân vân... và hàm lượng những hoạt chất cho ra những lợi ích ấy của thanh long đỏ hơn nhiều lần trắng hay vàng. Hao tốn vô song cái vụ ánh sáng cho vườn Thanh long. Thuở Hoàng Em ở xứ nầy lưới điện chưa về bởi hẻo lánh. Lao ném rồi Toàn phải theo bằng cách bỏ vàng cho Em tậu máy phát điện. Rồi nào là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền trả cho công nhân – mẹ cha ơi – từ ngày cải tạo đất cho đến thu hoạch là vài năm. Hoàng Em kỹ lắm, anh ta chăm chỉ đọc và lệnh cho công nhân chỉ để trái vừa đủ - sao cho – một trái phải một ký đi lên.
hủ nợ tên Toàn nhìn Thanh Long sau khi thu nằm một đống như quả đồi và, nhận ra mình nghe thằng Hoàng Em nầy là sai lầm to bự. Ăn mày thì có chứ ở đó mà hoàng với đế. Trời ơi! Thanh Long ăn chơi chứ ăn no làm sao được? Đã thế thằng khùng còn mua cả trăm thùng xốp cho Thanh Long vào. Một xe Kamax loại mười tấn trờ tới và Thanh Long đóng thùng được lên xe. Một trăm thùng, mỗi thùng bốn mươi ký vị chi là bốn tấn. Thêm một xe mười lăm chỗ ngồi. Trên xe là một chục nam thanh nữ tú:
• Mày tính làm chi hả Em?
• Đi bán chớ chi.
• Bán ở đâu và na bọn trẻ đẹp này đi làm chi?
• Đi hội chợ trái cây ở Cần Thơ. Đem bầy trẻ đi để rao bán.
• Đù mà... tao thua mi luôn.
• Chuyến nầy mà thua là tao tự sát.
Ở hội chợ Hoàng Em đưa trái Thanh Long lên cao và giới thiệu như một tay sơn đông mãi võ chính hiệu con nai vàng. Té ra tay nầy cũng có khiếu diễn thuyết chứ chơi sao? Hắn lại hò huế và hát dân ca các miền bằng cái giọng của miền ấy. Hắn còn chơi cả cải lương. Bà con cô bác xúm vô ăn thử Thanh long ruột đỏ cho biết. Ngon à nghe. Ngọt lắm luôn á. Bao nhiêu một ký vậy cô ơi? Dạ năm ngàn một ký. Mắc dữ vậy? Dạ không mắc đâu. Giống Thanh Long nầy xuất xứ từ Mêhicô của Trung Mỹ anh ơi chị ơi và bà con cô bác ơi...
Đến chiều của hôm đầu tiên bốn tấn không còn một trái.
Một gã Trung Quốc đến xí xô xì xào. Em cũng xí xô lại. Gì chứ tiếng Đức, Em còn biết nói chi tiếng Tàu. Thời gian làm thuốc lá Em ăn ngủ và nhậu nhẹt với Hoa kiều ngày một. Không rành sao được:
• Còn không? Tao lấy vài tấn. – Gã Trung Hoa nói.
• Còn. Nhưng không có ở đây.
• Ở đâu?
• Đồng Nai.
• Mày có thể giao hàng cho tao ở...
• Không. Tao bán tại vườn. Mày có nhu cầu thì đến.
• Tao lấy số lượng lớn. Giảm giá không?
• Không. Một trái hay một tấn hay mười tấn vẫn giá đó.
Hoàng Em nói với lính tráng rằng khi chơi ra chơi khi làm ra làm khi hát hò ra hát hò khi quảng cáo phải cho ra quảng cáo. Hết tâm hết lực vào công việc mà không thành là do trời phụ. Đặc biệt khi bán mua phải uy tín. Hàng giao đã số một phải là số một và tuyệt đối không hạ giá.
Vài nông dân ghé vào Thanh Long của Em xin ngón nghề. Em truyền thụ hết chiêu thức. Toàn nói:
• Mi điên à? Không nghe ông bà dạy “thà cho vàng hơn dẫn đàng đi buôn” sao?
• Trong thời hội nhập nầy có cho cả tấn vàng và cho luôn bí quyết mà không biết làm thì cũng thua. Mi tin tau đi.
Y như rằng. Thiên hạ lại kéo đến than rằng “Ông Em ơi. Sao của hàng của tui có thua chi của ông mà người ta không thèm luôn chứ nửa giá của ông là còn may lắm. Em nói : “Vậy thì bán cho tôi”.
• Còn hợp tác xã là sao? – Trùm Linh Chi lại hỏi.
• Tau kêu chủ vườn lại và nói rằng. Muốn đầu ra ổn định ta phải liên kết lại. Làm như tôi. Sao cho đủ và chất lượng chứ không cần nhiều. Một bằng mười chứ không cần mười mà chỉ một. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Vậy là hợp tác xã của tau ra đời và tất cả đều là chủ. Bảy mươi lăm héc ta nhưng những hai mươi hộ gia đình. Họ làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Hoàn toàn giống như mô hình hợp tác xã của ông nhà nước nhiều năm trước. Nhưng ông nhà nước thất bại bởi kẻ trên bờ người dưới ruộng. Đã quan liêu hách dịch mà thằng cầm cuốn sổ cây bút ngon lành hơn kẻ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tau nói mi hiểu không?
• Đầu ra thì sao chú?
• Hợp tác xã mà tao đang chủ trì tuy lớn nhưng lại nhỏ - rất nhỏ -. Nó lớn ở chỗ là thừa uy để giao cho đầu nậu Trung Quốc ngay tại chỗ. Nghĩa là vẫn cò con.
• Sao chú không xuất đi chính ngạch?
• Chính ngạch thì bị chèn ép đủ chuyện ngay tại cửa khẩu. Chỉ một lỗi nhỏ bọn thu mua tẩy chay ngay lập tức. Và đó là lý do tại sao hàng đoàn container xếp hàng chờ thối. Bọn lấy hàng của tao chỉ một cái vẫy tay là trót lọt. Thế giới nầy quốc gia nào cũng không thiếu bọn ăn dơ. Mi hiểu không?
Trầm ngâm một lát đại gia tiếp:
• Mày muốn đầu ra ngon lành ư? Cứ ngồi yên tại chỗ làm cho cực tốt sản phẩm và tăng giá lên. Ngươi tiêu dùng thấy tốt họ bỏ tiền ra đâu có tiếc. Và chính họ sẽ quảng cáo cho mi. Tao là vậy đó.
• Vậy là lớn chứ nhỏ sao được chú?
• Nhỏ chứ. Nhỏ xíu. Tao muốn không riêng Thanh Long của tao, mà là của tất cả phải thẳng tiến vào khắp nơi bằng chính ngạch chứ không là tiểu ngạch.