Tìm tòi thể nghiệm

2/10
9:32 AM 2019

“NẶNG” VÀ “NHẸ” TRONG ĐỜI NHẸ KHÔN KHAM CỦA MILAN KUNDERA

Nguyễn Thị Giáng Hương-Trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, ở Hội trường L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra buổi “Toạ đàm về dịch Kundera: Milan Kundera hay một cái tên bất tử” nhân dịp 90 năm ngày sinh nhà văn Pháp gốc Tiệp lừng danh. Kundera là cái tên quen thuộc trên văn đàn thế giới.

 

Sinh ra tại Brno, cộng hoà Czech nhưng định cư ở Pháp từ năm 1975, Kundera được xem là một trong những nhà văn lớn và có tầm ảnh hưởng rộng rãi của Văn học Hậu hiện đại phương Tây. Ngoài sáng tác tiểu thuyết, Milan Kundera còn được biết đến như một nhà lý luận nổi bật với những tiểu luận sâu rộng bàn về các vấn đề liên quan đến nghệ thuật văn chương được viết bằng ngôn ngữ Czech và đều được dịch sang tiếng Pháp. Có thể kể đến những sáng tác của Milan Kundera được bạn đọc khắp nơi trên thế giới đón nhận như: Lời đùa cợt (1967), Những mối tình nực cười (1968), Cuộc sống không ở đây (1969), Jacques và người thầy (1975), Điệu valse giã từ (1976), Sách cười và lãng quên (1979), Đời nhẹ khôn kham (1984), Nghệ thuật tiểu thuyết (1985), Sự bất tử (1990), Những di chúc bị phản bội (1992), Chậm rãi (1993), Bản nguyên (1998), Vô tri (2000), Màn (2005)… Tháng 3 và tháng 5/2019, ở Việt Nam cũng đã xuất bản trở lại hai cuốn tiểu thuyết: Sự bất tử và Chậm đánh dấu sự trở lại của Milan Kundera và cho thấy rằng đây là cây bút đang được độc giả đón đợi. Thế giới nghệ thuật trong các sáng tác của nhà văn hấp dẫn ở chỗ, đó là cuộc đời hiện sinh của con người trong dòng chảy bất tận của đời sống.

Đời nhẹ khôn kham là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng hơn cả của Milan Kundera viết năm 1982 và xuất bản lần đầu tiên năm 1984 tại Pháp. Bản tiếng Việt do dịch giả Trịnh Y Thư dịch từ bản tiếng Anh (The Unbearable Lightness of Being của Michael Henry Heim) xuất bản năm 2002 tại Hoa Kỳ. Lấy bối cảnh chủ yếu ở Praha trong những năm 60-70, tiểu thuyết đã mô tả đời sống của tầng lớp nghệ sỹ và trí thức của xã hội Czech đương thời, cùng với đó là gợi ra những vấn đề triết học căn cốt và sâu sắc. Tiểu thuyết xoay quanh bốn nhân vật: Tomas, Tereza, Sabina và Franz. Tomas được mô tả một bác sĩ gần 40 tuổi, sống vỏn vẹn có hai năm với người vợ đầu và có một đứa con trai. Sau những mệt mỏi, chán nản trong những ràng buộc, Tomas thoát ra khỏi vợ con và cha mẹ. Tomas ham muốn đàn bà nhưng anh sợ hãi họ.Và để dung hợp nỗi sợ hãi và lòng ham muốn, anh nghĩ ra thứ quan hệ với đàn bà mà anh gọi là “tình bạn xác thịt”, cho rằng một mối quan hệ chỉ hạnh phúc khi không có tình yêu và phải không xâm phạm quyền tự do, riêng tư. Tomas không bao giờ ngủ qua đêm với người khác và khế ước bất thành văn của tình bạn xác thịt quy định Tomas phải gạt bỏ tất cả tình yêu ra khỏi đời sống và anh ta không thể thuỷ chung. Đó cũng là cách anh ta nhẹ hoá cuộc sống vốn dĩ đã quá nặng nề. Trái với Tomas, Tereza là cô gái có một quá khứ đầy ám ảnh. Chán nản vô cùng với cuộc sống hiện tại và tình cờ gặp Tomas, trong chớp nhoáng, Tereza chạy theo tình yêu với Tomas, cô chung thuỷ, nhưng dĩ nhiên, chẳng thể thay đổi được nguyên tắc tình ái của anh ta. Cuộc sống với Tereza là chuỗi ngày nặng nề trong những giấc mơ và những cơn sốt khủng khiếp. Còn Sabina là một hoạ sĩ sống một cuộc đời phóng túng và không ràng buộc. Cô tìm thấy ở Tomas sự cộng hưởng về tinh thần. Họ ngủ với nhau và chia sẻ những câu chuyện về những người phụ nữ hay đàn ông khác mà họ gặp. Họ tự do trong mối quan hệ đó và không ràng buộc nhau bằng thứ tình yêu đạo đức đầy mô phạm của cuộc sống. Sabina thích sự phản bội và cuộc sống cứ như thể nhẹ bồng với cô nhưng suốt cuộc đời Sabina là cuộc hành trình vật lộn với nó. Franz được nói đến là một giảng viên ở Geneva, người tình của Sabina vài tháng và luôn ràng buộc tình cảm hai người bằng những chuyến du lịch nước ngoài. Franz đã có vợ và con gái nhưng anh ta lại mang nỗi lo canh cánh lo lắng sợ mất cô tình nhân vì với Franz, tình yêu không phải là phần nối dài đời sống xã hội, mà là phản đề của nó. Với anh, tình yêu là mong muốn “quy phục dưới gót chân người tình”, “yêu có nghĩa là luôn thấp thỏm đợi chờ cú đánh chí tử từ trên giáng xuống đầu mình”. Bốn nhân vật, bốn số phận cứ thể trêu đùa cái kiếp nhân sinh nhẹ bồng khôn kham và tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc hành trình mang tên: Trở về vĩnh cửu.

 “Trở về Vĩnh Cửu” bắt nguồn từ triết học Nietzsche, được hiểu là “thế gian diễn qua diễn lại cùng một khung cảnh, và mỗi lần như vậy con người bắt đầu sống lại cuộc đời mình” và đó là “giả thiết khoa học nhất trong những giả thiết”. Ý niệm “Trở về vĩnh cửu” khiến con người lo sợ bởi tin rằng những điều đã xảy ra có thể trở lại thêm một lần nữa và sự trở lại kéo dài đến vô tận. Chính vì thế, “trong thế giới của trở về vĩnh cửu, đè nặng lên mỗi động tác của chúng ta là một trách nhiệm khôn kham” và “đó là nguyên do tại sao Nietzsche gọi trở về vĩnh cửu là hệ luỵ nặng nề nhất của hệ luỵ”. Những tưởng khắc sâu những ký ức và lo sợ về sự trở lại khiến con người cảm thấy nặng nề thì cái “nhẹ” không trọng lượng – phạm trù đối nghịch với cái “nặng” lại đưa con người vào tình thế tự do nhưng vô nghĩa…

Kundera chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche và trong Đời nhẹ khôn kham, hàng loạt vấn đề được đặt ra:“chúng ta không bao giờ biết chúng ta muốn gì, bởi cuộc đời chỉ có một lần và chúng ta không thể so sánh nó với những kiếp trước hay cải thiện nó cho những kiếp sau được tốt đẹp hơn” hay “mọi thứ trong đời đều là trải nghiệm lần đầu và không được chuẩn bị”, cho nên “cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ xảy ra. Chúng ta sống chỉ một lần, tốt hơn đừng bao giờ sống”. Ngay cả khi Tereza rời bỏ Tomas trở về Praha, Tomas “trở về đời sống độc thân, đời sống mà có thời anh đoan chắc đó mới chính là định mệnh đời anh, ở đó anh thật sự là anh” hay ngay lúc đó “bước chân anh thốt nhiên nhẹ bẫng. Anh gần như bay lên. Anh đi vào cảnh giới huyền ảo của Parmenides: anh đang tận hưởng cái khinh phù ngọt ngào của nhân sinh” thì “chỉ cần có người đàn bà nào khác bên cạnh thì kí ức về Tereza sẽ khiến anh đau đớn khôn kham”. Rồi dù tự nhủ việc Tereza bỏ đi là sự giải thoát cho chính mình thì Tomas vẫn bị cái sức nặng anh chưa từng nếm trải đè lên người – đó là lòng trắc ẩn, bởi “ngay nỗi đau của chính mình cũng không thể nặng bằng nỗi đau mình cảm thấy cho người khác, chịu đựng giùm người khác, một nỗi đau mà cường độ được nhân lên bởi thần trí tưởng tượng và kéo dài ra bởi cả trăm tiếng dội vọng về”. Đó là lí do vì sao đến ngày thứ năm sau khi Tereza bỏ về Praha, Tomas bỏ ngang mọi thứ mà quay trở về Czech. Trong tình yêu đối với Tomas, “sự ghen tuông ở Tereza không phải giải thưởng Nobel, nó là gánh nặng, một gánh nặng anh phải đưa vai ra chịu đựng mãi cho đến khi gần nhắm mắt lìa đời”. Tereza đã từng nghĩ mối quan hệ giữa cô và Tomas dựa trên sai lầm ngay từ lúc ban đầu. Và dù yêu nhau, cưới nhau những hai người lại biến đời nhau thành địa ngục. Tất cả bắt nguồn từ sự tương khắc, khác biệt giữa hai người. Một Tomas cứng cỏi, mạnh mẽ, còn Tereza thì yếu đuối, mòn mỏi, “giống như xứ sở quê hương cô, cái xứ sở nói lắp bắp, thở hổn hển và không sao thốt lên nổi một câu nói tầm thường”. Sự im lặng, khuất phục tưởng như là điều nhẹ nhàng hơn hết thảy, nhưng hoá đó là sự nặng nề tuyệt đối nhất, bất lực và khôn kham nhất. “Một khi tình yêu của cô bị đem ra phơi bày trước mặt công chúng, nó sẽ có trọng lượng và biến thành gánh nặng”. Bi kịch của Sabina không đến từ những điều nặng nề mà là những điều vô trọng lượng, những điều nhẹ như tơ. Và “rơi xuống đời cô không phải một gánh nặng mà là cái nhẹ khôn kham của nhân sinh”. Còn với Tereza, “Cô biết cô đã trở thành gánh nặng của Tomas: cô trầm trọng hoá mọi chuyện, với cô, chuyện gì cũng có thể biến thành tấn thảm kịch, cô không thấu hiểu được sự nhẹ nhàng và tính cách hời hợt vui chơi của tình yêu xác thịt”. Và “tình yêu giữa hai người là cấu trúc bất đối xứng đến kì lạ: nó được chống đỡ bởi sự khẳng định tuyệt đối tấm lòng chung thuỷ của cô như toà lâu đài khổng lồ mà chỉ có một cột trụ duy nhất chống đỡ”. Tereza sở dĩ nhìn ra ở Tomas một cái phao cứu đắm giúp cô thoát khỏi những ghê sợ và đồng nhất của thế giới – thứ đã ám ảnh cô từ quá khứ khi còn sống với mẹ để được là riêng biệt. Cũng chính vì thế, Tereza biến sự chung thuỷ của mình dành cho Tomas trở thành cái cột chèo duy nhất chống đỡ mối quan hệ của hai người khi Tomas luôn bí mật qua lại với nhiều cô nhân tình. Thế nhưng, tình yêu mà Tomas dành cho Tereza lại không tương ứng và có phần bất xứng so với tình yêu mà Tereza dành cho Tomas, họ khác nhau trước hết là bản chất của mỗi người. Nếu Tomas mạnh mẽ thì Tereza lại yếu đuối, chính điều đó như sợi dây buộc chặt cuộc đời cô với Tomas bằng thứ tình duyên nặng nợ không thể dứt bỏ cho đến chết. Nếu Tomas có thể tách bạch tình yêu với tình dục, có thể vừa yêu Tereza vừa ngủ với hàng tá những người đàn bà khác thì Tereza lại chẳng thể can đảm mà rời bỏ tình yêu đầy sự chịu đựng ấy. Còn Sabina, cô tình nhân của Tomas, người sống với chân lý luôn phản bội của mình, cuộc đời của cô, như Tomas, tưởng chừng nhẹ nhưng hoá ra lại cũng nặng khôn kham. Sabina đi theo tiếng gọi của bản thân, rời xa Franz – người đàn ông suốt đời khao khát trở thành người đàn ông của cô để bước vào cuộc đời lưu lạc, không gia đình, không cha mẹ, không con cái, không tình yêu trên đất Mỹ. Bốn nhân vật, bốn sự lựa chọn, dù ban đầu là lựa chọn một giải pháp nhẹ bẫng để trốn chạy những gánh nặng khôn kham trong cuộc sống hay cố chấp buông mình vào bể sâu của sự nặng nề từ trong tâm khảm thì bốn nhân vật của chúng ta cũng không thể vì thế mà tránh né được những thăng trầm của một đời nhân sinh.

Tiêu đề đầu tiên mà Kundera dự định cho cuốn tiểu thuyết này là “Hành tinh của sự thiếu từng trải”. Theo đó, sự thiếu từng trải được xem xét như là một phẩm chất của số phận con người. Hay nói cách khác, người ta chỉ sinh ra một lần trong đời cho nên không bao giờ có thể bắt đầu lại một cuộc đời khác với những từng trải của cuộc đời trước đó. Và theo ý nghĩa đó, Trái đất là hành tinh của sự thiếu từng trải. Vì thiếu từng trải nên mọi hành động, số phận, cuộc đời đều là đầu tiên và duy nhất. Nặng – nhẹ cũng chính là những cách thế lựa chọn của con người trước cuộc đời. Chúc thư của Sabina yêu cầu sau khi chết hãy thiêu xác cô rồi ném tro lên không trung cho gió cuốn đi. Tereza và Tomas chết dưới con dấu của cái nặng, còn cô muốn chết dưới con dấu của cái nhẹ. Rồi cô sẽ nhẹ hơn không khí. Đó là cách làm nhẹ đi những mất mát, đau thương, là cách biến từ âm sang dương, từ nặng nề thành nhẹ bẫng theo quan điểm của Parmenides. Ý thức được nặng – nhẹ trong kiếp nhân sinh là giải pháp sống, giải pháp trở về vĩnh cửu.

Nguồn Văn nghệ số 39/2019

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *