Tìm tòi thể nghiệm

15/11
3:44 PM 2019

TÌNH QUÊ CÀNG NẶNG, CÀNG ĐẦY NGHĨA NHÂN

ĐỖ NGỌC YÊN (*)

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời mình với cả hai tư cách, một bạn đọc bình thường và một nhà làm lý luận, phê bình văn học chuyên nghiệp, tôi được đọc một tập thơ có tên là một thuật ngữ khoa học “Khái niệm” như này của nhà thơ Ngô Đức Hành (NXB Hội Nhà Văn, 2019). Thú thực, khi vừa cầm tập thơ tác giả ký tặng, tôi hơi ngờ ngợ, có chút bối rối và ngỡ ngàng. Thế nhưng,…

1. Theo tự bạch, nhà thơ Ngô Đức Hành sinh năm 1960, tại làng Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Có thể nói Can Lộc là một vùng đất địa linh, nhân kiệt với những tên tuổi như: chí sỹ Ngô Đức Kế, nhà thơ Xuân Diệu, nữ anh hùng La Thị Tám, GS. Viện sĩ vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, GS. TS. toán học Phan Đình Diệu, GS. TS. NGND. Trần Văn Huỳnh (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ- Địa chất); GS. TS. Nguyễn Thụ (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội); GS. Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ; Trung tướng, PGS. TS. Trần Văn Độ (Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), Thiếu tướng, GS. Lê Năm (Giám đốc Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác); GS. TSKH. Nguyễn Tử Cường; phó Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Trường Cửu; TSKH. Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội; TS. Trần Hồng Hà- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Doanh nhân Phạm Nhật Vương,…Còn trước đây, thời nào cũng không thiếu những anh hùng, nghĩa hiệp, nghệ sĩ, doanh nhân.

Ngô Đức Hành là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài viết báo, ông còn làm thơ, hiện sống và viết tại Hà Nội. Ông đã từng xuất bản các tập thơ:  Duyên Thơ (2010), Ví giặm quê mình (2015), Con đường rạ rơm (2017), Ballad đêm (2017) và Khái niệm (2019). Ngoài thơ ra, ông còn có 2 tập bút ký: Con đường xuyên rốn lũ (2006) và Khúc hát nơi đầu sóng (2008). Thơ Ngô Đức Hành ít nhiều đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu thích thơ ca, nhất là người miền Trung.

Sở dĩ tôi nói như vậy vì thơ của Ngô Đức Hành mang đậm bản sắc vùng miền với một giọng điệu riêng, khá độc đáo, lại viết theo khuynh hướng Tân cổ điển nên dễ đi vào lòng bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước, nhất là đối với một đất nước giàu truyền thống thi ca như Việt Nam, đến mức được nhiều người gọi là “Vương quốc thi ca”.

2. “Khái niệm” là tập thơ thứ 5 của Ngô Đức Hành, quy tụ 50 bài lục bát viết về nhiều đề tài, chủ đề trong các thời điểm và tâm trạng khác nhau. Có lẽ vì thế, nó đã tạo nên sự phong phú, đa dạng mà đối với một tập thơ cần có.

Đối với thơ điều ấy là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải có một giọng riêng để người đọc nhận ra bài, tập thơ ấy là của người này, chứ không phải của người khác. Nếu không có phát hiện mới về đề tài, chủ đề hay ít ra là làm mới những đề tài, chủ đề quen thuộc, không tạo được giọng điệu riêng thông qua các thủ pháp nghệ thuật từ lập tứ, chọn chữ, ngắt câu, xuống giòng, đến tạo điểm nhấn cho toàn bài, toàn tập thì loại thơ ấy chẳng khác vè dân gian là bao.  

Theo tôi, tập “Khái niệm” của nhà thơ Ngô Đức Hành chưa có những ý tưởng mới lớn lao, táo bạo làm ngỡ ngàng giới chuyên môn cũng như những ai thích săn tìm những vấn đề “đại sự”. Nhưng bù lại tập thơ có được giọng điệu riêng trong cách diễn ngôn về vùng đất Nghệ - Tĩnh, nơi có nhiều đặc trưng văn hóa mang đấu ấn vùng miền rất rõ nét, không trộn lẫn với bất cứ một vùng quê nào trên dải đất hình chữ S, mang tên Việt Nam này.

Một bài hay một tập thơ có được một cái gì đấy, dù rất nhỏ nhoi, khiêm nhường gọi là đóng góp của riêng mình cho đời sống thi ca Việt đương đại cũng đã là điều vô cùng quí giá đối với một nhà thơ.

Tôi đồng ý và chia sẻ với ý kiến của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, khi ông cho rằng: “Người gieo hạt trên cánh đồng, gặp thời lại được bàn tay chăm sóc khéo léo, hạt thóc vàng au, chắc chắn. Thế mà đôi khi người gieo gặp toàn hạt lép, trắng tay. Làm thơ cũng vậy, có bài, có câu hay, câu chưa hay, thậm chí dở… buộc phải vứt bỏ”... Thế mới biết công việc lao động văn chương- nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, đã những lắm nhọc nhằn, mà nhiều khi chẳng nên cơm, nên cháo gì. Nói như thế để thấy rằng những đóng góp của Ngô Đức Hành trong “Khái niệm” là rất đáng trân quý, dẫu rằng điều ấy chưa làm hài lòng chính tác giả cũng như tất thảy chúng ta.

Nhưng theo tôi, chỉ cần điều này, dù với người khó tính đến mấy cũng không thể nào không ghi nhận được, đó chính là tình yêu quê hương, xứ sở của nhà thơ được thể hiện một cách giản dị và chân thành nhất trong “Khái niệm”. Và đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt tập thơ. Tình yêu quê hương với những người thân, các bậc sinh thành, dung dưỡng mình là mẹ cha cùng những người bạn, người hàng xóm, cũng có khi là chính mảnh đất quê hương với những dòng sông, con đò, ruộng đồng, bến bãi,…

Ngay ở bài “Khái niệm I” Ngô Đức Hành đã không ngần ngại định nghĩa quê hương hết sức mộc mạc, cụ thể, nhưng cũng đầy lãng mạn trong thi tứ: “quê là đôi mắt em tôi/ là vàng quả duối ngày tôi tặng nàng/ quê là một chuyến đò sang/ người về bên ấy tôi sang bên này…”. Quê hương là ánh mắt thơ ngây của người con gái tuổi thiếu thời, là sắc vàng quả duối chín mọng được bạn trai hái tặng. Quê hương còn là những chuyến đò ngang dọc chở tuổi thơ về đôi ngả, để họ không còn là của nhau nữa, để vĩnh viễn mối tình “phải lòng mặt” ấy tưởng như nằm ngủ yên trong miền ký ức, mà chỉ nhờ vào những phút giây mặc khải của thi hứng sáng tạo của nhà thơ Ngô Đức Hành, ký ức ấy mới được thức dậy và trở nên lung linh trong tròn đầy tuổi thơ dù cho có đôi chút bùi ngùi, khi mỗi người một ngả. Nhưng nếu không có lỗi rẽ định mệnh ấy của tình yêu đôi lứa thuở thiếu thời, chắc gì hôm nay người đời đã có được những giây phút thăng hoa để tạo nên những vần thơ rất đáng đọc của thi sĩ Ngô Đức Hành.

Hình ảnh dòng sông, con đò và bóng dáng người ta lặn lội sớm khuya bên mom sông, tìm cái tép, cái tôm để nuôi con khôn lớn, những mong nuôi hy vọng vào tương lai, luôn hiện về trong tâm trí nhà thơ mỗi khi nhớ đến quê nhà: “con đò đưa anh sang song/ dọc ngang trời đất mêng mông tìm về/ à ơi, tiếng võng bờ tre/ ngóng cha mải miết ngược bè sông Con/ bến xưa vọng đến đầu non/ xuôi về cửa bể trăng non nghén dòng/ đò đầy chở rối tơ long/ câu thơ lạc lối long đong một đời/ con đò neo mãi thơ thôi/ bóng chim tăm cá còn người thì không/ à ơi, su (sâu) như đáy lòng/ để sông chảy mãi dùng dằng. Đời anh”. (Con đò). Tôi thật sự ấn tượng với hai câu kết của bài thơ. Nó đã nói hộ nỗi lòng của bao người con xuất thân từ những vùng quê phải ly hương để bươn chải, lập nghiệp, sinh kế, đặc biệt là vùng quê Hà Tĩnh, nhưng không lúc nào là không ngoái trông về nguồn cội: “à ơi, su (sâu) như đáy lòng/ để sông chảy mãi dùng dằng. Đời anh”.

Một trong số những bài trong tập thơ này mà tôi thích đấy là bài: “về quê hết cỡ nói cười/ vui như trải chiếu ở nơi sân đình/ về quê sống giữa bao tình/ ngàn năm sông chảy như mình với ta/ gặp ai cũng ngỡ người nhà/ bước đi như thể ta đang dậy thì/ về quê ngày như ngắn đi/ gặp ai cũng muốn choa- mi sang nhà/ giòn tan như cắn quả cà/ có tay mẹ muối có bà dãi sương/ cuộc đời rong rẻo muôn phương/ bước chân hăm hở là đường về quê/ quê ơi đọi nác xanh chè/ như hồn sông núi chở che dãi dầu/ có gì nhớ đến bền lâu/ con đường rơm rạ, tìm nhau. Ta về…" (Ta về).

Bài thơ tuy không dài, cũng không có gì là lớn lao, mới lạ. Âu cũng là những chuyện quê kiểng, nói mãi, nghe mãi rồi. Nhưng dù sao Ngô Đức Hành vẫn tìm được tiếng nói riêng, bằng giọng điêu mang đậm chất quê hương Nghệ - Tĩnh, rất đỗi mộc mạc, bình dị như chính con người nơi đây đối với nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Cái quê miền Trung, có thể nghèo xác xơ về vật chất, nhưng khi nào và ở đâu cũng đầy ắp tình nghĩa xóm làng, quê hương. Những gặp ai cũng muốn mi- choa sang nhà, đọi nác xanh chè, con đường rơm rạ, giòn tan như cắn quả cà/ có tay mẹ muối có bà dãi sương,… chính là cái tình nguyên sơ, nguồn cội nhưng là chất keo đặc biệt, gắn quện từng bước chân và tâm hồn thi sĩ mỗi khi có dịp trở lại quê nhà.

Phải là người yêu quê tha thiết từ trong máu thịt như Ngô Đức Hành mới có thể viết được những vần thơ về quê hương như thế và không trộn lẫn với bất cứ ai. Với một người mà luôn cảm thấy: thủy chung như thể câu hò/ tím câu ví giặm anh vò võ mong, thì không yêu quê và nhớ quê sao được.

3. Nhưng có lẽ tình yêu quê hương Hà Tĩnh của nhà thơ Ngô Đức Hành trong tập “Khái niệm” chỉ được minh định một cách chắc chắn và rõ ràng nhất qua hình tượng phụ thân và mẫu thân khi tuổi đời ông đã luống, với chứng mất ngủ hằng đêm. Đấy cũng là những thời khắc tĩnh lặng để nhà thơ suy nghĩ một cách nghiêm túc nhất về các đấng sinh thành của mình một cách vừa đơn giản, gần gũi, vừa chân thành, mộc mạc, nhưng cũng không kém phần sâu xa, đầy ý vị: “chân cha lấm đất quanh năm/ mẹ như dẻ lúa mà thành quê thôi/ bây giờ cha mẹ xa rồi/ con thành côi cút một đời cô đơn/ tủi lòng cha mẹ không còn/ nhìn sương nhớ hạt mưa dầm lưng cha…”

Chỉ khi cha mẹ đã về cõi vĩnh hằng, còn con vẫn sống nhờ cõi tạm thì nhà thơ mới thấm được công lao trời biển của mẹ cha. Và như những lời sám hối, dù đã muộn mằn, nhà thơ vẫn tự trách mình sao không làm được nhiều hơn nữa những gì có thể để báo đáp công sinh thành, dung dưỡng khi họ vẫn còn nương nhờ cõi tạm với mình. Để đến giờ, khi kẻ ở người đi, đất trời cách xa đôi ngả, dù cho có tốn bao nhiêu công sức cũng chẳng thể nào tìm lại được cái ngày khi họ còn sống bên nhau: “tháng ba ruộng nở hoa cà/ đói no che chở mẹ cha dãi dầu/ quê là tất cả bền lâu/ bóng cha NGÀY ẤY thành câu nằm lòng/ mất mẹ mới thấm long đong/ con tìm NGÀY ẤY thuở trong nôi mềm/ tìm cha gọi mẹ trong đêm/ bao giờ trở giấc cũng mong gặp NGƯỜI/ mẹ cha linh hiển đâu rồi/ chênh vênh đến cả bồi hồi nhớ nhung/ đường quê gặp lắm người dưng/ đâu cha đâu mẹ để mong tìm về/ mẹ cha khuất bóng triền đê/ quê hương bỗng lẻ tiếng ve ngậm buồn”. (Đêm không ngủ nhớ mẹ cha).

4. Có thể nói, so với 4 tập trước đó, “Khái niệm” là tập thơ mà Ngô Đức Hành dành nhiều tình cảm nhất cho quê hương Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Điều ấy được minh chứng bằng việc nhà thơ đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thống cho cả tập (50 bài). Ai cũng biết, lục bát là thể thơ thuần Việt, mang âm hưởng dân gian rất rõ nét qua những câu tục ngữ, ca dao, hò vè, ví giặm,… mà các nhà nghiên cứu thường gọi chung là “văn nghệ dân gian” với nghĩa là những lời ca, tiếng hát của người dân lao động.  

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nước ta có hơn 90% dân số là những người sống bằng nghề canh nông ở những vùng quê, xa các trung tâm đô thị. Thời ấy ở những vùng quê xa xôi, hẻo lánh, làm gì đã có các phương tiện nghe nhìn như bây giờ. Thành thử, nguồn sống tinh thần cho những người lao động chân lấm tay bùn khi ấy chỉ có thể là những câu hò, điệu ví, những chuyện kể dân gian truyền tụng nhau từ đời này sang đời khác, từ làng xã đến tận vùng miền rồi lan ra cả nước. 

Tình yêu quê hương của nhà thơ Ngô Đức Hành còn dược thể hiện ở tần số xuất hiện dày đặc các từ “quê”, “quê hương” hay những địa danh của Can Lộc và Hà Tĩnh: “chòng chành giữa thực và hư/ dấu chân ngàn Hống bờ mi ngập tràn (đôi mắt); sáo bay mang cả ngày sang/ sông La nhón gót khi mang sáo về”, (Lục bát chờ em); “về quê hết cỡ nói cười/ vui như trải chiếu ở nơi sân đình/ về quê sống giữa bao tình/ ngàn năm sông chảy như mình với ta” (Ta về); “cuộc đời rong rẻo muôn phương/ bước chân hăm hở là đường về quê/…/ à ơi, tiếng võng bờ tre/ ngóng cha mải miết ngược bè sông Con” (Con đò); “thủy chung như thể câu hò/ tím câu ví giặm anh vò võ mong (lục bát tím); mai sau về lại quê mình/ cây đa bến nước cạn tình li hôn”, (Câu hỏi của nhà thơ Lê Đình Cánh);  “dãi dầu Ngàn Hống nhặt thưa/ Vân Chàng lửa đỏ gió lùa ái ân/ tựa vào Ngàn Hống mà xanh/ theo câu ví giặm tìm anh, em về…”, (Câu hát tìm anh); “chân cha lấm đất quanh năm/ mẹ như dẻ lúa mà thành quê thôi/…/ đường quê gặp lắm người dưng/ đâu cha đâu mẹ để mong tìm về/ mẹ cha khuất bóng triền đê/ quê hương bỗng lẻ tiếng ve ngậm buồn/…/ mẹ tôi vừa đặt lưng rồi/ để Người yên nghỉ giữa trời quê hương/…/ quê hương là dậu mùng tơi/ giàn mướp trĩu quả mẹ tôi ươm trồng/…/ quê hương là sợi tơ hồng/ thắt nơ chúm chím ngày mong sang nhà/ quê hương tím ngắt hoa cà/ tháng năm đổ lửa lưng bà dãi sương/…/ quê hương tất cả vấn vương/ bên nôi mẹ hát dễ thường ai quên/ tìm trong câu nói thân quen/ ngày xưa còn đó thơm miền cỏ hoa/ trái tim thổn thức quê nhà/ bâng khuâng đến cả la đà chiều lam”, (Quê hương); “quê là đôi mắt em tôi/ là vàng quả duối ngày tôi tặng nàng/ quê là một chuyến đò sang/ người về bên ấy tôi sang bên này/ quê là một miếng trầu cay/ em tôi đã mất vào tay của người/ quê là tất cả mê say/ tìm về xưa cũ, bến này bơ vơ/ quê là một tiếng ve trưa/ thả vào thổn thức câu thơ buộc long/ em trao ánh mắt long đong/ chớp vào nhấm nhắng đòng đòng. Mùa sau..”, (Khái niệm I); “quê ơi. Cắn vỡ. Quả cà/ ngỡ như tiếng sấm tháng ba trổ cờ/…/ quê anh. Nghèn nghẹn. Đất Nghèn/ dùng dằng câu ví hẹn rằng: Giặm không?/…/ trầu cau. Chẵn lẻ. Chờ mong/ quê ơi tiếng sáo long đong tìm về”, (Khái niệm II); “quê là tất cả đằm sâu/ xanh xanh tàu lá che đầu giữa trưa/ quê là mưa nắng nhặt thưa/ bàn tay mẹ muối nhút dưa rộm vàng/ quê là ngày ấy em sang/ mồ hôi trinh nữ ai mang bả bùa/ nhón trăng ngà ngọc tết mùa/ quê là thảng thốt tím mua mắt chườm”, (Khái niệm III); “đặt quê vào giữa đôi môi/ hồng đào chưa nhấm đã đòi đào nguyên”, (Lục bát cho em); “chợ phiên 27 quê nhà/ bắc nam về Tết đều ra tìm người/ dùng dằng trói buộc nụ cười/ bánh đa bánh đúc một thời bùa mê”, (Chợ phiên 27 Tết); “mùi quê chín giọt mồ hôi/ má em lựng đỏ xa tôi lấy chồng/ quê là đất thở cay nồng/ giữa mùa cháy nắng tồng ngồng cơn mưa”, (Mùi quê)

5. Và điều cuối cùng tôi muốn nói là việc sử dụng nhiều từ, cụm từ địa phương (phương ngữ) mang đặc trưng vùng miền cũng là cách để nhà thơ biểu lộ tình cảm với quê hương, xứ sở của mình. Bởi lẽ khi bạn tiếp xúc trực tiếp với văn bản tác phẩm thơ có chứa những từ vựng ấy, thì nghĩ ngay rằng chỉ có những người ở các vùng quê Can Lộc, Hà Tĩnh mới nói như vậy. Điều đó ít nhiều cũng là sự khác biệt trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người quê mình với những vùng quê khác. Với nhà thơ đấy không chỉ là sự khác biệt, mà còn là niềm tự hào đối với quê hương giàu truyền thống cách mạng và văn hóa:  ngàn Hống; mé song; sông La; choa- mi; nác xanh chè; gối thèm rở đêm; Lò Xo, Đá Đẽo... xong rồi Lèn Vai; ngược bè sông Con; à ơi, su như đáy lòng; cà vâm vâm quả; thủy chung như thể câu hò/ tím câu ví giặm anh vò võ mong; dãi dầu Ngàn Hống nhặt thưa/ Vân Chàng lửa đỏ gió lùa ái ân; tựa vào Ngàn Hống mà xanh/theo câu ví giặm tìm anh, em về; trái tim chuốt rút,…

Quả thực ngay cả tôi, người viết bài này cũng có những từ trong tập thơ mà tôi không hiểu nghĩa, nếu không cậy nhờ vào cuốn từ điển giải nghĩa. Nhưng tôi tin rằng tất cả người dân Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung đều hiểu. Với tư cách là người con của quê hương Can Lộc và với tư cách là một nhà thơ, viết như thế cũng là một cách gián tiếp góp một phần, dù rất nhỏ nhoi làm giàu cho quê hương, mà không phải ai cũng có thể làm được như Ngô Đức Hành.

Xin chúc mừng ông!

(Nguồn: Người Hà Nội; số 47-2019)

………………….

(*) Nhà Lý luận-Phê bình văn học.

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *