Tìm tòi thể nghiệm

23/9
3:02 PM 2016

GIỚI THIỆU CÁC CÂY BÚT THAM GIA HỘI NGHỊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC : KIỀU MAILY, KIỀU DUY KHÁNH

Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ vào tháng cuối tháng 9/2016 tại Hà Nội, trang VANVN.NET giới thiệu sang tác của một số cây bút trẻ tham gia hội nghị này. VANVN.NET chúc mừng những người viết văn trẻ cả nước về dự hội nghị này.

Kiều Maily (Ninh Thuận)

 

ĐỒI NẮNG CŨ

 

Sáng nay cụm mây năm ngoái về

dừng chân đồi cũ

em nơi đâu

 

câu thơ lạc loài phố

không manh gió mùa vịn tay

tìm đất ở

 

trâu hoang chưa về hội tao phùng

ta còn lãng tử

lối nhỏ chúng mình giờ cỏ hoang

 

ngồi nhớ cha

em thung thăng cánh đồng tuổi dại

đã xa lắc lơ

 

sáng nay cụm mây năm ngoái về

về đâu

đồi cũ nằm ườn quê cũ.

                            

 

 

KHÚC THEI MAI GIỮA SÀI GÒN

 

Loài dế lạc bầy cuối vườn chuối kêu chưa thôi

tiếng kêu tìm bạn tình, có lẽ

 

Khúc dân ca đầu hôm ai bỏ dở nửa chừng

âm vang lửng lơ trong gió

làm thức giấc mơ hoang

 

Trên lưng bò còn vương mấy cọng rạ

lũ dê đã về chuồng

dường nắng Phan Rang vừa tắt

 

Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng

khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm

dáng người đi như nhớ

 

Anh là một vệt sáng buồn

bước vào đời em làm giông gió

 

Gác trọ Sài Gòn ai hát khúc Thei mai

hồn người như mộng vỡ.

 

 

 

CÓ KHI…

 

Có khi con gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt

rồi trôi về đâu, không biết

có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua

vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa

 

Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh

 

Như loài hoa hồng héo rụng mẹ quét vào chiều

cuống khô còn lưa nước mắt

không cách nào ghì níu lại

như cái Út đánh rơi viên bi tuổi thơ

vào quên lãng

 

Em có thể lục album ảnh cũ để nhận mặt anh

nhưng em đã không

như em không muốn phone để được nghe giọng

cha trầm và ấm

dù không cách nào đánh thức

kí ức đã rất xa.

 

Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.

 

 

 

NHỚ RAMƯWAN

 

Đôi khi Ramưwan bay về trong miền nhớ

nụ cười mẹ trôi cuối nắng mai

gió thổi giạt chùm bông giấy

lộ mờ khuôn mặt cha

 

Đôi khi tiếng gì như tiếng trống Ginang vọng lại

từ cõi nào rất xa

bước chân thằng Út thoăn thoắt bờ mương

dường làng đang mở hội

 

Mùi gì như mùi lithei pakat

hương gì như hương pei nung

có lẽ Ramưwan đến hơi chậm

và đi hơi sớm

 

Người chưa kịp về đã muộn

em chưa xong đợi đã mãn chay

đôi khi bóng ai như bóng anh giữa Sang Mưgik

 

________
 

Ramưwan: lễ lớn của người Chăm Bà-ni; Lithei pakat: cơm lễ trong ngày đầu Ramưwan; pei nung: bánh tét Chăm; Sang Mưgik: thánh đường Chăm Bà-ni.

 

 

 

PALEI NGÀY VỀ

 

Gió duyên hải bỗng về giữa vòm nắng

muốn thổi giạt mấy hanh hao dài

ngày hạ

 

Con chó nhà láng diềng không buồn sủa

dòng mương như chậm hơn

đựng lũ trâu nằm lì dầm nước

bên bờ loài hoa nở muộn mới ra ràng chợt úa

rũ mình trong trưa

 

Tiếng reo mừng người về từ nhà xa vang lại

xé một vệt không gian im

rồi vắng lặng

 

Người đi có ai nhớ?

mà bóng hình palei mãi thức trong em

 

Đón em

có cây keo góc gò đứng nắng

cánh cổng nhà khép hờ

đón em

đôi dép trẻ con quen thuộc

bỗng giật mình hai tiếng “nai mai”!

 

___________

 

* nai mai: dì về!

 

 

 

CẢM TÁC TỪ ĐỒI ĐÁ TRẮNG

 

Từ ngọn Đá Trắng đến đỉnh Chà Bang quê hương

xa hơn mười hai cây số đường chim bay

xa      chỉ bằng một                  nháy mắt

không bằng nửa             niềm nhớ

mà sao như cách   mấy không gian

cho tầm mắt em đuối

 

Đống xương quỷ Rak đã hóa đồi ngàn năm trước

Nai Tangya đi đâu

khối đá mãi trơ trơ buồn cũ

muốn thu phối đến tận cùng

vùng palei Cham vào miền kí ức thẳm xanh

 

 

Chiều xuống nhanh đến không kịp bước

đến không kịp thay “len”

“dum” camera làm bất lực

ảnh hiện mơ hồ như giai thoại Tangya

 

Từ ngọn Đá Trắng này

chiều nay

em vẫn chưa thu hết quê hương vào miền nhớ.

__________

 

* Núi Đá Trắng ở Như Bình - Ninh Thuận. Theo truyền thuyết, nhiều lần quân Raksara sang Champa quấy nhiễu. Nhà vua đã phải hiến tế mỗi năm mỗi người con gái xinh đẹp, đất nước mới an lành. Sau nhờ có vi anh hùng ra tay, mới cứu đất nước khỏi lầm than. Xương quỷ chất thành Núi Đá Trắng ngày nay. Cứ 7 năm cộng đồng Chăm lên vùng đất này giết trâu cúng tế. Nai Tangya Bia Atapah: là vị công chúa, sau vì buồn tình, lên tu ở Núi Chà Bang, Ninh Thuận. Hiện bên dưới ngọn đá có tượng Linga bà được người Chăm khu vực này thờ phụng. Từ ngọn Đá Trắng hay đỉnh Chà Bang, người ta có thể thu hết quê Chăm - Ninh Thuận vào tầm mắt.

 

 

 

 

Kiều  Duy Khánh (Sơn La)

 

Con ma của rừng già

Truyện ngắn.

          - É, thằng Dự ơi. Con rắn xanh bị đứt một khúc đuôi... đúng là cái con rắn nó cắn nả ngoài bờ suối hôm nọ đây mà. Nó... nó đang nằm trong góc nhà.

          Bà Súa mặt tái mét chạy từ trong nhà ra hốt hoảng. Dự đang ngồi gục đầu bên bậc cửa, lòng đầy lo lắng, sợ hãi, cứ như con cáo bị trói chặt đang ngồi nhìn nồi nước sôi, biết mình sắp bị nhúng vào mà chẳng còn cách nào thoát được. Nghe tiếng mẹ, Dự bừng tỉnh, nhặt vội khúc cây ngoài sân, lao vào trong góc nhà. Trên cái ban thờ nhỏ, cái tượng ma chài bằng gỗ mun đã vỡ làm đôi. Con rắn xanh nằm cuộn tròn quanh cái tượng. Dự định giơ gậy vụt con rắn nhưng nó đã chết từ bao giờ, đầu gục lên nửa cái tượng, mắt vẫn mở tròn, trắng đục. Miệng con rắn còn ngậm cái gì đó quen quen. Dự vội cầm lên xem, thấy rủn hết người. Trời ơi, là cái lá bùa chài. Lá bùa chài đựng trong cái túi bóng nhỏ...

***

          Lội bì bõm qua con suối Tô Buông, lòng đầy bực bội, Dự quăng đánh quạch cái nỏ và ống tên lên tảng đá nhẵn thín, nằm sõng soài ra bãi cỏ non bên bờ suối, thở dài chán nản. Lùng sục hết cả buổi sáng khắp cánh rừng San Phả nhiều con thú nhất, thế mà cuối cùng lại phải về tay không. Đây là lần đầu tiên Dự vác nỏ vào rừng mà không săn được con thú nào.  Không phải là Dự không gặp con thú để bắn. Bên bụi tre mạy sang, một đàn gà rừng đang bới mồi lích rích. Trên ngọn cây mắc pọp, đôi cầy hương đang đuổi nô nhau tình tứ và dưới bãi cỏ non mơn mởn cạnh lạch nước nhỏ, con hoẵng đang say gặm cỏ. Đã hơn chục lần Dự giương nỏ, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần ngắm chắc mục tiêu, chuẩn bị bật lẫy là tim Dự lại đập mạnh, cái tay cầm nỏ lại run. Hơn mười mũi tên bay đi đều lệch mục tiêu. Đối với một tay đi săn có tiếng trong bản như Dự mà phải vác nỏ về không thì đúng là một chuyện lạ. Nằm nghỉ, thấy mùi thơm ngòn ngọt của cây cỏ, lòng Dự cũng bớt đi chút bực bội nhưng bụng vẫn cứ cồn cào. Không hiểu hôm nay có chuyện gì mà bụng Dự cứ nóng thế chứ.

          Một cảm giác lành lạnh, trơn tuột, buồn buồn dưới gáy, lạnh cả sống lưng, Dự vội chồm dậy. Trong  lùm cỏ non chỗ Dự vừa gối đầu, một con rắn xanh biếc như màu cỏ đang khoanh tròn nằm ngủ. Khắp người Dự nổi gai ốc. Rắn xanh mắt đỏ là loài rắn cực độc, chỉ cần bị cắn một nhát, nếu không tìm lá thuốc đắp kịp là được nằm trên giường nghe thầy cúng Sồng A Tùa đọc cho nghe bài Khua kệ để về mường trời ngay. Cũng may loài rắn này ban ngày bị mù hẳn nên không cắn, chứ ban đêm thì nó nhanh và tinh còn hơn con cú mèo, đè vào nó thế này thì xong rồi.

***

          - Dự à, mày biết gì chưa? Tối qua thằng Dia nó bắt con Xía về làm vợ rồi đấy. Nó nhờ tao và thằng Sua mang hai lít rượu ngô để đi báo với bố mẹ cái Xía. Bố mẹ cái Xía đã đem cái ghế ra giữa nhà để chúng tao đặt can rượu thưa chuyện. Chịu uống chén rượu ngô rồi lại còn cười vui nữa. Bố thằng Dia cũng đã làm lễ cúng để ma nhà nhận mặt con dâu, chúng nó đã nắm tay dắt nhau đi vào cửa chính rồi đấy.

          Vừa về tới nhà, vẫn còn chưa hết bực bội thì thằng Khua chạy sang leo lẻo. Dự thấy tai mình như ù đi. Dự lảo đảo bám vội vào cái khung dệt vải của mẹ. Một lúc sau Dự mới lấy lại thăng bằng. Dự lao tới, túm cổ áo thằng Khua, gầm lên. Mày nói thật à? Thằng Dia nó đã bắt con Xía về làm vợ rồi à? Sao mày không nói cho tao biết từ tối qua để tao đi chặn đường cướp lại con Xía? Mày là bạn tao mà lại đi giúp cho thằng Dia. Cái thằng bạn xấu hơn cái đũng quần thủng này, mày cút đi.

          Cả buổi trưa, Dự ngồi ngoài gốc đào, lòng buồn hơn cái chõ xôi mùa đói. Cái Xía xinh gái nhất bản Xím Vàng này đã có chủ rồi. Dự thích cái Xía từ ngày ngực nó còn nhu nhú như hai cái đầu con quay đội lên sau lớp áo cơ. Có lần Dự rình trộm cái Xía tắm ngoài máng nước. Dự thấy run,  ngẩn hết cả người. Da cái Xía trắng mịn hơn cả quả vải rừng bóc vỏ. Ngực cái Xía căng mẩy như quả bí non ngoài bờ rào. Cái Xía chẳng biết Dự nhìn trộm, cứ vô tư vừa tắm vừa xoa xoa hai cái vú vẻ thích thú làm Dự cứ há cái mồm, tròn cái mắt ra. Người Dự thì cứ lâng lâng, rạo rực...

          Dự đã ngồi dưới gốc mận tam hoa ngoài vườn nhà Xía không biết bao mùa trăng, đến nỗi cái gốc mận còn nhẵn hơn cả cái sân. Đêm nào Dự cũng ngồi từ lúc đàn gà bắt đầu nhảy lên cây ngủ đến khi con nghe con hoẵng tác ba tiếng trong rừng, cái loa đài hát hết mười bài lại quay lại hát lại, thế mà chưa đêm nào Xía đi ra. Xía không chịu ra thì Dự vào nhà. Nhưng vào nhà chơi chỉ có bố Xía rót nước cho Dự uống, còn Xía cứ mải miết thêu váy cùng mẹ, cứ như không biết Dự đến chơi vậy. Không thèm chào nhau một câu, không thèm nhìn nhau một cái, Dự chào về mà Xía cũng không thèm ngước lên. Khinh nhau quá rồi. Thế này thì tức quá. Nhưng càng tức lại càng thấy thích Xía hơn. Đã có lần Dự đánh liều chặn Xía lại trên đường đi nương. Tôi muốn bắt Xía về làm vợ đấy. Ưng thì tối mai tôi mang xe máy đẹp đến đón Xía về. Tôi mới bán con trâu để mua cái xe máy đẹp nhất bản đấy. Xía lấy tôi, tôi dạy đi xe máy, xuống chợ ngồi trên xe máy thích hơn đi bộ dắt con ngựa mà. Xía chẳng đỏ mặt khi nghe Dự tỏ tình. Xía vẫn vác cuốc đi. Tôi không thích anh Dự, không muốn về làm vợ anh Dự. Tôi có người khác rồi.

          Dự cứ đứng nhìn theo cái váy đung đưa như múa của Xía xa dần, vừa tức vừa tiếc nuối. Ngày xưa mẹ bảo nếu Dự ưng đứa gái nào, chẳng cần cần hỏi xem nó có đồng ý không, cứ đến mà bắt trộm đem về. Đứa gái dù không thích nhưng ma nhà chồng đã nhận mặt rồi thì vẫn phải ở. Ở lâu rồi, có con với nhau rồi, dần dần sẽ thích nhau thôi. Nhưng bây giờ thì khác. Đứa con gái mà không ưng ngồi lên sau xe máy thì dù có bắt về, có làm lễ để ma nhà nhận mặt rồi nó cũng cứ trốn về, có khi còn viết đơn báo ra xã thì rách việc to. Dự không dám bắt cóc Xía, nhưng Dự quyết không bỏ cuộc. Không thích nhưng cứ đến nhiều sẽ phải thích. Gió thổi nhiều, cái cây to cũng còn bị nghiêng. Đồ xôi nhiều, cái nồi đồng còn bị thủng cơ mà.

          Nhưng Dự chưa kịp làm cho cái cây bị nghiêng, cái nồi đồng bị thủng thì Xía đã về làm vợ Dia. Dia nghèo hơn nhà Dự, Dia có mỗi cái xe cũ, mỗi lần nổ lên nghe phành phạch như cái máy cưa. Dia chỉ hơn Dự cái học giỏi. Dự học hết cấp hai thì ở nhà đi xẻ gỗ, Dia thì đi học suốt. Chẳng biết Dia học đến lớp nào mà giờ thấy về làm cán bộ thú y xã. Trong xã, trong bản nhà nào có con trâu, con bò, dê, lợn ốm là thấy Dia đến tiêm. Dia còn giúp người trong bản thụ tinh nhân tạo cho con trâu con bò, con lợn. Dia bảo lấy tinh nhân tạo thì con trâu, con bò, con lợn to hơn, đẹp hơn, bán được nhiều tiền hơn. Dự ghét Dia từ ngày còn đi học. Dự và Dia cùng lớp. Dia thì suốt ngày được cô giáo khen, còn Dự thì luôn bị cô giáo phê bình. Tức lắm nên tan học là Dự chạy trước, chẳng bao giờ đi cùng Dia. Bây giờ thì chính Dia lại cướp mất đứa con gái Dự thích khiến Dự càng tức hơn gấp bội.

          Từ ngày Xía về làm vợ Dia, lúc nào Dự cũng thấy buồn. Lòng như nương lúa ngày nắng hạn. Mỗi buổi đi xẻ gỗ qua nhà Dia, nhìn vợ chồng Dia cứ rúc rích trêu nhau rồi cười khúc khích là Dự lại sôi máu lên, chỉ muốn lao vào đấm cho Dia một trận. Nỗi căm tức trong  cứ Dự bốc lên ngùn ngụt, cứ như cái nương đang cháy lại gặp gió mạnh. Tức nhiều nên trong đầu Dự lúc nào cũng nghĩ đến những chuyện xấu. Hừ, cái thằng Dia mày dám cướp mất người yêu của tao thì tao phải làm cho mày khổ, phải làm cho cái Xía hối hận vì đã lấy mày. Tao sẽ làm cho nó ghét mày, bỏ mày. Nó bỏ mày thì tao sẽ có cách bắt nó về làm vợ tao. Đang bị đói thì dù phải ăn cái quả bị ong châm, ăn củ mài bị cắn dở còn hơn là ngồi nhịn đói. Mắt Dự vằn đỏ những tia máu căm hận. Dự lóe lên mưu độc. Dự nghĩ tới bài chài của bố. Bố bảo ngày xưa bản Xím Vàng nhiều người biết chài lắm. Tức nhau cái gì là chài cho nhau bị điên, bị chết. Chài cho cái mũi tên độc mọc đầy trong bụng, chài cho người bị chài cứ tưởng mình là con chim, cứ leo lên cây cao rồi nhảy xuống. Nhưng làm hại người khác thì người làm chài cũng bị mất nhiều tuổi thọ, gặp nhiều tai ương, rủi ro, nên dần dần cả bản không ai làm chài hại người khác nữa.

          Ông Của, bố đẻ Dự lúc sống là thầy cúng nổi tiếng nhất bản. Ông cũng biết bài chài độc. Ông đã dạy cho Dự học hết những bài cúng ông biết. Riêng cái bài chài thì ông cứ đắn đo không truyền. Mãi tận khi sắp chết, cái đầu không còn tỉnh táo nữa, ông mới đưa cho Dự cái tượng gỗ mun đã được nhập ma chài và dạy cách làm chài. Dự à, cái bài chài ông bà tổ tiên để lại cho ta, nhưng nó độc lắm, ta không muốn truyền dạy cho con, nhưng không dạy thì sợ ông bà tổ tiên trách giận, không mặc cho ta cái áo lanh khi về gặp. Ta truyền cho con nhưng chỉ để biết thôi, đừng bao giờ đem ra hại ai đấy. Cả đời ta chỉ dùng chài có một lần. Cái ông Tùa tốt bụng ở cuối bản từng bị ta chài đấy. Ngày xưa ông ấy là thống lí Vàng A Tùa ác nhất vùng, người Mông ta ai cũng sợ, cũng  ghét. Có lần ông ta cưỡng hiếp người vợ cũ của ta sau đó vứt vào rừng cho hổ ăn thịt. Ta không muốn dùng chài, nhưng nó ác quá. Cái ác thì phải diệt đi để bảo vệ cái tốt. Ta đã chài cho tên thống lí bị ngớ ngẩn. Nhưng từ ngày bị ngớ ngẩn nó lại trở nên hiền lành, không hại ai lại còn biết giúp người khác. Thống lí bị điên, vợ con rồi người hầu tranh nhau lấy của rồi bỏ đi. Ông ta thành kẻ lang thang không có cửa nhà. Ta phải vận động mọi người cùng nhau chặt gỗ làm cho nó cái nhà để ở. Người Mông ta chỉ ghét cái ác, khi thống lí không còn ác nữa thì lại thương, lại cùng nhau giúp. Nhưng nhìn ông Tùa như thế ta lại thương nên cúng bắt bùa chài ra khỏi người ông ấy. Từ khi giải xong chài trong người, ông ấy cũng không còn độc ác nữa mà còn thành người tốt bụng.

          Nhưng sự thù hận đã làm Dự quên hết lời bố dặn. Dự quyết thực hiện âm mưu của mình. Phải chài cho thằng Dia bị điên như tên thống lí ngày xưa.

          Lấy một mảnh giấy mẹ mới làm từ bột cây măng già, Dự xé cái giấy thành hình người, ghi tên Dia vào, đặt cái tượng gỗ ma chài lên, rồi Dự lầm rầm đọc cúng. Giọng Dự lành lạnh, âm u, rờn rợn. Xong, Dự gói cái mảnh giấy hình người vào một cái túi giấy bóng nhỏ để cái tên Dia ghi trong đó không bao giờ bị phai. Dự  đem cái giấy đi vào rừng. Phải vứt thật xa để cho Dia bị điên mãi mà không ai giải được. Bỗng dưng Dự nhớ tới con rắn xanh hôm trước bắn trượt bên bờ suối. Dự đi về phía đó. Con rắn vẫn khoanh tròn ngủ trong lùm cỏ. Bắt một con nghóe con, Dự nhét mảnh giấy vào mồm con ngóe rồi vứt về phía con rắn. Con rắn đang ngủ, bỗng thấy mùi tanh. Mắt không nhìn thấy nhưng mũi nó thì thấy ngay. Chỉ bằng một cú đớp, con ngóe đã nằm gọn trong cái bụng đã đói meo từ đêm hôm qua.

***

          Xía giật mình tỉnh giấc bởi tiếng hét thất thanh của Dia.

          - Rắn... con rắn to mày về hại tao à.

          Xía ngơ ngác còn chưa hiểu chuyện gì thì Dia đã co chân đạp Xía ngã lăn xuống đất. Bố mẹ ở nhà ngoài nghe tiếng Dia hét vội bật điện lên. Dia ngồi nép vào tận góc giường, run rẩy, mắt lấm lét nhìn Xía vẻ sợ hãi. Cả nhà cứ tưởng Dia nằm mơ. Nhưng không phải Dia mơ. Ánh điện vừa sáng, nhìn thấy bố mẹ, Dia sợ hãi hét ầm lên. Rắn. Sao nhiều rắn muốn hại ta thế này. Rồi Dia bò vào gầm giường trốn. Phải vất vả lắm cả nhà mới lôi được Dia ra. Bố vạch cổ Dia xem, nhìn cái vệt đỏ hình con rắn cuốn quanh cổ Dia, ông rú lên. Đù ơi, thằng Dia nhà ta bị người xấu nó làm chài rồi. Thằng Dia nó có làm gì ác đâu mà có người hại nó độc như thế này chứ.

          Dia đã thành một người khác. Dia không còn xuống Ủy ban xã làm việc nữa. Ngày nào Dia cũng lang thang ngoài đường, miệng nghêu ngao hát. Thỉnh thoảng gặp một người đi đường, Dia lại chui vào một cái hốc đá, run rẩy. Con rắn to tìm hại ta đấy. Ta là con ngóe. Con rắn nó thích ăn con ngóe...

          Từ ngày Dia bị điên, Xía bỏ cả đi nương, bỏ chăn bò chăn dê. Ngày nào Xía cũng lẽo đẽo theo chồng. Dia cởi áo quần thì Xía lại nhặt mặc vào cho. Dia đánh Xía, chửi Xía là con rắn ranh, Xía chỉ im lặng. Đêm Dia ngủ ngoài rừng, Xía ngồi cạnh để đuổi muỗi, vắt, canh thú. Mấy hôm nay, ngày nào đi xẻ gỗ, Dự cũng gặp Dia đi lang thang, miệng cười hềnh hệch, còn Xía tất tưởi theo sau. Nhìn Xía mà Dự thấy xót xa. Mới có mấy ngày mà Xía hốc hác, quần áo xộc xệch, tóc tai bù xù, chẳng còn giống cô gái Xía xinh đẹp ngày nào. Nhìn vợ chồng Dia lúc này, ai cũng phải chảy một ít nước mắt. Dự không chảy nước mắt, nhưng Dự không thấy thù hận, ghen tức, hả hê như trước. Có cái gì hiu hắt như khe núi sâu lúc chiều hết nắng loáng phủ lên trên mặt Dự. Dự cứ đứng nhìn  theo bóng hai vợ chồng Dia tất tả, ngật ngưỡng khuất dần sau khe núi.

          Mấy hôm nay Dự mất ngủ. Cứ chợp được một tí là Dự lại mơ thấy vợ chồng nhà Dia. Thế là Dự lại tỉnh, không sao ngủ lại được. Trong lòng Dự mọc lên một cái mầm hối hận, như cây gai móc mèo bỗng mọc ra một cái nụ hoa đẹp. Cái nụ hoa cứ to dần làm Dự càng mất ngủ nhiều hơn. Bây giờ Dự mới nhớ lời của bố dặn lúc truyền dạy cho Dự bài chài. Dự thấy lo lắng và sợ hãi.

***

          Bà Khoa ì ạch cõng mẹ Dự từ ngoài suối về, bà gọi to, giọng hớt hải:

          - Dự à, mẹ mày bị con rắn xanh nó cắn vào tay lúc đi cắt cỏ ngoài bờ suối, nặng lắm. Mày phải đưa mẹ đến chỗ thầy thuốc tìm lá đắp ngay. Bản ta có mỗi thằng Dia nó biết lấy lá chữa rắn cắn, nhưng giờ nó bị điên thế này thì không nhớ được gì đâu, mày phải đưa mẹ sang bên bản Yên, đến nhà ông Lao La, ông ấy biết lấy lá chữa rắn cắn đấy. Nhưng từ đây đi đến bản Yên xa lắm, phải mất một giờ đi xe máy đấy, mày phải đi nhanh mới kịp.

          Nghe tiếng bà Khoa, Dự vội lao ra. Mẹ Dự mặt tái xanh như cái tàu lá dáy bị chặt lúc nắng đang lử lả, hơi thở đã yếu lắm. Cái ngón tay bị con rắn cắn được buộc chặt để nọc độc khỏi chạy vào người.  Nhưng cái ngón tay còn to hơn cả cổ tay Dự, tím bầm.

          Dự vội lấy xe máy, nhờ bà Khoa ngồi sau ôm mẹ, Dự phóng nhanh đến nhà ông Lao La. Ông Lao La bó nắm lá thuốc giã nát đắp vào vết rắn cắn đã tím đen như quả trám núi. Cũng may còn cứu được tính mạng, nhưng cái ngón tay thì phải bỏ đi thôi, tại đến muộn quá mà. Giá đến nhanh nửa tiếng thì may ra...

          Mẹ Dự từ hôm bị rắn cắn, dù thoát chết nhưng bị mất một ngón tay, lại ảnh hưởng của cái nọc độc nên gầy yếu hẳn đi. Cũng từ hôm đó Dự không chợp mắt được tí nào. Bây giờ Dự không chỉ hối hận mà còn lo sợ. Có khi nào việc Dự chài Dia đã đem tai họa đến cho mẹ. Phải giải bùa cho Dự thôi, nếu không thì không chỉ mẹ mà có khi cả Dự, cả cái Thùa em gái Dự cũng sẽ gặp chuyện chẳng lành mất thôi. Nhưng bài giải chài thì bố chưa kịp truyền dạy cho Dự. Dự tìm đến nhà thấy cúng Vàng Lao Pua. Ông Pua nhìn xoáy vào mắt Dự. Chưa cần hỏi thì ông cũng đã biết chuyện xảy ra. Có cách giải bùa cho Dia đấy. Mày phải tìm được cái giấy yểm ma chài về đây, ta sẽ mo để gỡ nó ra. Nếu không tìm được cái giấy ấy, thì chỉ còn cách là mày phải đỡ lấy cái ma chài từ người thằng Dia, Dự à. Dia bị điên mấy ngày thì mày cũng phải điên từng ấy ngày, hết từng ấy ngày ta sẽ giải con ma chài đi khỏi người mày.

          Dự  vội ra bờ suối, bới tìm trong lùm cỏ xanh, nơi con rắn xanh thường ngủ ở đó. Hôm qua Dự vào rừng, vẫn thấy con rắn nằm ngủ trong bụi cỏ, thế mà hôm nay bới tìm mãi mà không thấy bóng nó đâu. Hôm sau, hôm sau nữa Dự lại ra tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy. Chiều qua cái Thùa đi nương bị trượt ngã gãy tay làm Dự lại càng thấy lo sợ. Không tìm được con rắn thì chỉ còn cách gánh con ma chài từ người Dia sang. Nhưng vừa nghĩ tới đó Dự đã thấy toát mồ hôi. Dia đã bị điên nửa tháng, nếu gánh con ma chài cho nó thì Dự cũng bị điên nửa tháng. Dia điên thì còn có Xía đi theo nhặt cái áo cái quần. Dự thì mẹ ốm, em gái gãy tay, không ai đi theo, cứ cởi trần cởi truồng thì người trong bản cười cho chết. Nhưng không giải được cho Dia thì không biết còn chuyện gì sẽ đến. Dự tự làm cái xấu thì Dự phải tự gánh về mình, không thể bắt mẹ, bắt em gái phải gánh chịu được.

          Sau một đêm suy nghĩ đến dài cái râu, Dự đến nhà thầy cúng Vàng Lao Pua. Sau khi cúng xong, thầy quay sang bảo Dự:

- Mày về đi. Ba ngày sau vào đúng nửa đêm, khi con cú trong rừng Cô Linh kêu đúng ba tiếng thì con ma chài sẽ đi từ người Dia sang người mày đấy Dự à.

          Ở nhà thầy cúng về, Dự như người bị bắt mất bảy cái vía tốt, ba cái hồn khôn. Dự không ăn, không ngủ. Cái đầu lúc nào cũng nghĩ, cũng lo. Mới có hai ngày, con ma chài chưa đi sang mà Dự đã phờ phạc, héo rũ, râu mọc tua tủa. Cứ nghĩ đến ngày bị con ma chài đi vào người là Dự lại sợ hãi. Nắm lá ngón hái về nhưng Dự không dám nhai, vứt đi, hôm sau lại ra rừng hái nắm khác...

          Đêm thứ ba, Dự như một cái xác khô. Dự gọi mẹ, phều phào. Nả à, con mà bị điên như thằng Dia thì nả trói con vào cái cột, đừng để con bỏ cái quần, cái áo đi lang thang nhé, con chỉ bị điên hai tuần thôi...

          Mẹ Dự ngạc nhiên nhìn con. Ơ cái thằng này, mấy hôm nay có con ma ở trong người mày à? Muốn khôn không muốn lại muốn bị điên. Thôi, ngủ đi, khuya rồi đấy, ngồi ngoài này sương nhiều, bị cảm thì khổ. Bảo bắt về cho mẹ một đứa dâu ngoan thì không nghe...

          Mẹ Dự tập tễnh đi vào nhà. Đi đến góc nhà, nơi đặt cái ban thờ ma chài, bà bỗng rú lên...

***

          Dự vội bóc cái túi bóng ra. Cái hình người bằng giấy ghi tên  Dia ở đấy vẫn còn nguyên vẹn. Dự muốn hét lên vì sung sướng. Cầm cái bùa chài, Dự lao ra khỏi nhà. Con đường đến nhà thấy cúng Vàng Lao Pua ngoằn nghoèo, xa tít tắp như một sợi lanh dài. Con đường như được phủ bằng ánh trăng và sương đêm bồng bềnh. Dự không còn thấy mệt, chân Dự hối hả những bước trên con đường đầy trăng. Kia rồi, nhà thầy cúng Vàng Lao Pua đã hiện ra, vẫn sáng ánh đèn. Dự chạy nhanh hơn.

          Cú... cú... cú... Trong cánh rừng Cô Linh, con cú già đã kêu lên ba tiếng. Tiếng chim đêm xa vắng rơi vào trăng, bồng bềnh. Dự cầm cái bùa chải, ngửa người bàng hoàng, thấy thân mình bỗng nhẹ bẫng như rơi xuống một khoảng đầy sương…

                                                                                                   K.D.K

         

 

                                                                        

 

CÁI VÒNG BẠC VÍA

                                                                                                          Truyện ngắn

          Quăng vèo cái vỏ chai đã không còn một giọt lăn lông lốc ra ngoài mặt đường, Bô đứng bất động, mắt gà gà khoan khoái cảm nhận cái men rượu nó đang ngấm dần vào từng thớ thịt. Bây giờ thì Bô thấy ngọn núi trước mặt biết chuyển động, chỗ Bô đang đứng nó cũng ngả nghiêng, bồng bềnh.

          Sáng nay, đợi bố mẹ vác cuốc lên nương, Bô ra vườn dắt ngay con lợn buộc ngoài gốc đào đủng đỉnh xuống chợ Chiềng On. Bà Thảo béo, chủ quán phở đầu chợ đã đứng đợi từ bao giờ. Cuộc ngã giá diễn ra khá nhanh. Con lợn này độ 20 cân là cùng, lại gầy nhẳng thế này, chẳng được mấy thịt. Thôi, chị tính cho chú mày mười ngày uống rượu và ăn phở, mỗi ngày đúng nửa lít và một bát phở nóng giòn, nhá.

          Bát phở mới hết một nửa mà chai rượu đã không còn một giọt. Bô buông đũa đứng dậy, lè nhè.Chị chủ quán cho mình thêm chai nữa đi. Mấy hôm không được uống rồi, hôm nay mình phải uống bù cho nó sướng cái mồm chứ. Chủ quán vừa đưa thêm cho Bô chai nửa lít nữa, vừa càu nhàu. Hôm nay chú lấy hai chai, thế là chỉ còn 8 lần nữa thôi, nhớ đấy nhá.

          Bô lảo đảo xách chai rượu bước ra khỏi quán. Ô, lúc nãy mình đến đây, cái đường đi nó thẳng, thế mà giờ nó cứ bập bênh khó đi quá, muốn làm cho mình ngã à? Hôm nào phải tìm gặp cán bộ giao thông, bảo cán bộ làm cái đường thật to, thật đẹp lên tận cổng nhà Bô để mỗi lần đi uống rượu cho dễ mới được.

          Ngật ngưỡng leo được đến lưng chừng con dốc Tô Buông để đi về bản thì Bô không bước nổi nữa, con đường thì cứ ngoằn nghoèo, ngả nghiêng muốn đẩy cho Bô ngã, hai cái mắt thì cứ muốn nhắm lại. Thôi, phải ngủ cái đã. Bên vệ đường có bãi phân trâu khô, nhìn như cái gối, Bô nằm lăn ra vệ đường, gối đầu lên bãi phân trâu khô. Bô ngủ.

          Từ lâu rồi, Bô chỉ thích được say và ngủ. Chỉ có say và ngủ thì Bô mới không thấy buồn, không thấy nhớ đến Tếnh Sua nữa. Tếnh Sua là chị dâu của Bô, thế mà lúc nào Bô cũng nhớ đến chị dâu, Bô không muốn nhớ, nhưng cái đầu Bô nó lại cứ muốn nhớ. Nhớ xong thì lại buồn. Buồn thì lại phải bắt trộm con lợn, con gà đi đổi rượu uống.Tuy đã say lắm rồi, nhưng Bô vẫn nhớ tới Tếnh Sua, nhớ tới buổi gặp Tếnh Sua ở đầu bản hôm nào...

*

          -Úi, anh Bô đi học về đấy a? Được đi học ngoài thành phố, nhìn anh Bô trắng đẹp, không giống con trai bản Liễu ta nữa rồi.

          Có tiếng con gái trong trẻo gọi ngay phía sau làm Bô giật mình ngoảnh lại. Một đứa gái gùi một lù cở đầy măng từ con đường nhỏ trong rừng đi ra. Bô nhìn chăm chăm đứa gái.Ơ, sao lại biết tên mình nhỉ? Chưa gặp bao giờ mà.

          Đứa gái đưa tay vén mấy sợi tóc vương trên chán để lộ ra khuôn mặt trắng hồng, đôi mắt long lanh đen láy như hạt cây Mục pa mới bóc vỏ. Đứa gái thấy Bô cứ nhìn mình mãi thì đỏ bừng hai má, lúng túng. Anh Bô đi học trên thành phố, quen nhiều con gái đẹp nêm quên hết con gái bản Ta Liễu ta mất rồi. Em là Tếnh Sua mà. Bô càng ngạc nhiên. Tếnh Sua đây à? Ầy, lâu quá không gặp, giờ xinh gái như con công đang múa nên tôi không nhận ra được đấy.

          Ngày trước Tếnh Sua nhỏ và đen, học dưới Bô một lớp, ngày nào chẳng đi học cùng nhau.Học hết lớp 9 thì Tếnh Sua ở nhà, Bô được đi học tiếp trường Dân tộc nội trú ngoài huyện rồi lại đi học trường nông lâm theo chỉ tiêu của xã, thỉnh thoảng mới về bản. Có về thì cũng đi nương xa cả ngày, nên chẳng gặp Tếnh Sua bao giờ. Có mấy năm mà Tếnh Sua như tấm vải lanh được vẽ sáp ong thêu chỉ màu, như cái cây gặp mưa đúng ngày thay lá mới. Bô cứ ngẩn ngơ đứng ngắm mãi Tếnh Sua, lòng thấy bồi hồi lạ lắm.Thỉnh thoảng Bô lại đưa mắt nhìn trộm Sua, lại bắt gặp ánh mắt Sua cũng liếc nhìn Bô, thẹn thùng. Bô đỡ cái lù cở măng gùi hộ Sua, hai người tung tăng đi về bản, thấy lòng vui như đôi chim cu gáy mùa tìm bạn tình.

          Từ hôm gặp Sua, lòng Bô lúc nào cũng bâng khuâng nhớ đến ánh mắt biết làm người khác nhìn vào phải say, nhớ đến giọng nói biết ở mãi trong đầu người nghe và ngẩn ngơ nghĩ đến cái váy sặc sỡ những đường hoa văn đung đưa theo mỗi bước chân Sua bước đi để lộ ra cái bắp chân tròn lẳn, trắng nõn như cái măng bóc vỏ...

          Nhưng Bô nhớ nhất là lúc chia tay, Sua bẽn lẽn bảo: Nếu anh Bô không chê Tếnh Sua xấu hơn con gái ở thành phố thì tối đến nhà Tếnh Sua chơi, cho Tếnh Sua nghe tiếng khèn của anh Bô nữa nhé. Cái ánh mắt của Sua nhìn Bô lúc đó lạ lắm...

          Nhưng chỉ dám nhớ Sua thôi, chứ Bô không dám đến nhà Sua chơi. Mỗi chiều Bô lại vác cái nỏ và ống tên, giả vờ đi lên ngọn núi Tặng Hua săn bắn để được đi qua nhà Tếnh Sua, được nhìn Tếnh Sua một tí và cố tình để cho Tếnh Sua nhìn thấy mình, thế là Bô lại thấy vui, thấy sướng cả đêm.

*

          Lúc đó cũng là lúc Bô thấy anh Lao Dụa, anh trai Bô lạ lắm. Ngày nào anh Dụa cũng lấy cái khèn của bố treo trên vách xuống chăm chỉ tập thổi. Đi nương anh Dụa cũng đem cây khèn theo, nghỉ trưa ở lều là anh lại lấy ra thổi mãi bài khèn tán gái Cò nhả cú xi nhá, buổi tối ăn vội vàng bát cơm là anh vác khèn đi, hôm nào cũng quá nửa đêm, khi con cầy hương trong rừng cất tiếng kêu gọi bạn ngo...e mấy lần thì anh Dụa mới về ngủ.Cũng có hôm anh đi cả đêm, tận dến khi mẹ đồ xong nồi xôi để đem đi ăn trưa ở nương thì anh Dụa mới về, quần áo và mái tóc ướt đẫm sương đêm  . Ăn vội nắm cơm là anh lại hồ hởi vác cuốc cùng cả nhà lên nương. Cả đêm không ngủ thế mà mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ tươi roi rói cứ như con chim đang đói bỗng gặp nương lúa chín.

          Bố nhìn anh Dụa, bố cũng vui, nhìn mẹ cười cười. Nhà ta sắp có con dâu mới rồi đấy, bà lại có người cùng tước lanh, làm vải rồi, bà Dí à. Anh Dụa đỏ bừng mặt chạy đi.

          Một buổi tối, anh Dụa ngập ngừng một lúc rồi bảo bố mẹ:

          -Hôm nay con đi bắt vợ về đấy, bố mẹ đợi đón con dâu mới nhé.

          Mẹ nhìn anh Dụa, đận đà.Đã biết về nhau kỹ chưa mà đã đòi đi bắt vợ hả thằng Dụa? Chọn vợ phải biết nhìn cách tước lanh, thêu váy. Mùa màng không hợp thì hại một vụ, vợ chồng không hợp thì hại một đời đấy.

          -Hiểu nhau kỹ rồi nả à. Người của bản ta thôi. Anh Dụa rạng rỡ bảo mẹ, rồi anh đeo cái khèn lên vai, lấy xe máy phóng vù đi.

          Mẹ và Bô vội vàng dọn dẹp nhà cửa, bố thì chuẩn bị làm lễ để đón dâu mới, ai cũng hồi hộp.

          Gần nửa đêm thì anh Dụa về. Anh đứng ngoài sân gọi nhỏ để báo cho cả nhà biết. Bố vội làm cái lễ Lu cai để ma nhà nhận mặt con dâu mới, để đêm ngủ con dâu mới không còn mơ thấy ở nhà bố mẹ đẻ nữa.Bố làm xong cái lễ, anh Dụa hí hửng dẫn vợ vào ra mắt. Bô hồi hộp chạy ra để ngó mặt chị dâu. Nhưng bỗng dưng Bô đứng sững lại, thấy mình như bị rơi xuống cái hang sâu. Bô lảo đảo như người say rượu. Suýt nữa thì Bô ngã gục xuống. Trời ơi, sao chị dâu lại là Tếnh Sua? Bô muốn gào lên thật to, muốn lao đến trước mặt Tếnh Sua mà hỏi cho rõ. Nhưng Bô chợt nhớ hôm nay là ngày vui của anh Dụa và của cả nhà. Bô cố trấn tĩnh, tỏ ra vui vẻ để ra chào chị dâu một tiếng. Nhìn thấy Bô, Tếnh Sua vội cúi mặt quay đi.

          Đêm hôm đó Bô không thể nào chợp mắt được.Cảm giác vừa tiếc nuối, vừa đớn đau vừa bực giận cứ trào lên giày vò lòng Bô. Buồng trong, anh Dụa và Tếnh Sua thì cứ rúc rích nói chuyện, rồi tiếng cái giường chuyển động ken két, tiếng thở gấp gáp, hổn hển của Tếnh Sua và của anh Dụa càng làm Bô thêm khó chịu. Bô chỉ muốn gào, hét thật to, muốn lao ra khỏi nhà, chạy thật xa, để khỏi nghe thấy những âm thanh hạnh phúc của vợ chồng anh Dụa, nhưng lại là những âm thanh đang cào xé trái tim Bô.

          Từ ngày anh Dụa lấy vợ, Bô bỗng trở nên lầm lì, ít nói. Bô không còn vui vẻ tươi  cười, không còn nô đùa với anh Dụa như trước nữa.Mỗi lần đi nương, Bô luôn đi trước và về bao giờ cũng về sau vợ chồng anh. Bô thấy giận, thấy ghét anh Dụa. Nhìn vợ chồng anh Dụa cứ ríu rít cả ngày như đôi chim chào mào mùa làm tổ là Bô lại muốn lao vào đánh cho anh một trận như hồi còn nhỏ. Nhưng giờ lớn rồi, ai lại làm như thế. Anh Dụa có lỗi gì đâu? Anh em như dòng nước chảy ngoài máng, cái dao không thể chém đứt được. Bô không thể chỉ vì Tếnh Sua mà làm đứt tình anh em.

          Từ ngày Tếnh Sua về làm dâu, cả nhà ai cũng vui, không ai biết cái buồn trong lòng Bô đang ngày một dâng lên, như dòng nước lớn chảy vào cái ruộng nông.

          Chỉ có Tếnh Sua là biết cái buồn, cái khổ trong lòng Bô. Thỉnh thoảng Bô cũng hay trộm nhìn chị dâu. Có lần Bô cũng gặp ánh mắt chị dâu nhìn mình, nhưng ánh mắt Sua giờ không đắm đuối nữa mà như là trách giận Bô chuyện gì.

          Lấy vợ được hơn tháng thì anh Dụa xin phép bố mẹ đi làm đường  thuê cho một đơn vị quản lý đường tận ngoài Yên Sơn cùng mấy anh em trong bản.Nơi anh Dụa làm cách nhà hơn trăm cây số nên hơn tháng anh mới về một lần. Anh Dụa bảo đi làm lấy tiền để dựng cái nhà ra ở riêng. Nghe anh Dụa nói sẽ ra ở riêng, Bô cứ thấy buồn buồn thế nào ấy. Nỗi buồn của người sắp phải xa cái mình thầm yêu, thầm quý, như cái nỏ buồn vì hết mùa săn...

          Từ ngày anh Dụa đi, đêm nào Bô cũng nghe chị dâu trằn trọc thở dài ở buồng trong. Chị dâu nhớ chồng đây mà. Con cầy hương ngoài núi xa nhau có một ngày mà còn kêu thảm thiết thế, nói gì vợ chồng chị dâu, mới cưới nhau đã phải xa nhau hàng tháng trời, sao không nhớ về nhau được? Chị dâu không ngủ được, Bô cũng không ngủ được. Đêm thì dài và vắng. Đêm nào cũng nghe rõ của nhau tiếng trằn trọc thở dài.

Hôm nay bố mẹ đi ăn cúng ở bản Su Kut, chỉ có Bô và chị dâu ở nhà. Buổi tối, ăn quáng quàng bát cơm rồi Bô ra bếp, lấy nắm dây lanh ngồi bện lại cái dây nỏ.

          Có tiếng bước chân đi lại gần. Không nhìn lên thì Bô cũng nhận ra bước chân chị dâu.Chị dâu kéo cái ghế ngồi đối diện Bô.Vẫn còn đem lòng thích tôi đấy à? Giọng chị dâu run run. Bô nhìn chị dâu, gặp ánh mắt chị dâu đang nhìn Bô sâu thẳm, cái ánh mắt đã nhìn Bô hôm gặp ở trên đường khi Bô đi học về.Bô lúng túng quay đi, tránh cái ánh nhìn làm người khác phải say của chị dâu. Coi tôi như cái máng lợn ngoài vườn hay sao mà chị dâu hỏi thế?Chị dâu kéo ghế lại gần hơn, gần đến nỗi Bô thấy cả hơi thở gấp và nóng hổi của chị dâu. Không thích tôi thì sao hay nhìn trộm tôi, tôi biết lòng của Bô mà. Sau hôm gặp Bô, tối nào tôi cũng ngồi đợi Bô đến thổi cho tôi nghe bài khèn, sao không đến? Không lấy con dao bổ quả dưa ra thì làm sao biết lòng quả dưa nó xanh hay chín? Đợi cái gan con chuột to bằng gan hổ thì tôi thành bà Dợ(*) mất rồi.

          Bô luống cuống làm rơi cả cái dây nỏ đang bện dở vào bếp lửa. Bô vội đứng dậy, lấy cái đèn pin rồi chạy nhanh ra cửa.Chị dâu ở nhà, tôi đi sang bản đón bố mẹ. Bô chạy vụt đi, vẫn cảm thấy ánh mắt chị dâu đang duổi theo mình.

          Dạo này Bô thấy chị dâu lạ lắm. Đi hái măng hay đi xúc cá ngoài suối chị đều mặc cái váy đẹp nhất, mới nhất.Mặt chị lúc nào cũng đỏ ửng như cô gái lần đầu biết uống bát rượu ngô. Chị hay cười hơn, hay nói hơn. Có lần Bô đi ngang con suối Tỉ Phai, thấy chị dâu đang xúc cá dưới suối, trên bờ, thằng Sồng đang đứng nói chuyện với chị vẻ thân mật lắm.Thấy Bô, Sồng vội lảng đi nơi khác. Thằng  Sồng cũng bằng tuổi với Bô,cách nhà Bô bằng một lần bắn mũi tên. Sồng có vợ rồi nhưng vẫn đi sang bản khác tìm con gái, chị Sa vợ Sồng bảo không được tức quá ăn lá ngón tự tử, giờ Sồng ở có một mình.Bô linh cảm giữa Sồng và chị dâu có chuyện gì đó. Mấy hôm nay Bô hay thấy thằng Sồng hay lảng vảng ngoài bờ rào nhà mình, thỉnh thoảng lại nhìn vào, chị dâu đang tước lanh cũng len lén nhìn ra. Ánh mắt hai người nhìn nhau như có men, có lửa.

          Trưa nay Bô vừa nằm xuống giường, chưa kịp ngủ thì thấy chị dâu lặng lẽ ra khỏi nhà, có vẻ lấm lét. Trưa thế này mà chị dâu đi đâu, lại còn mặc cái váy đẹp, bôi phấn vào cho má thêm trắng nữa chứ. Dạo này không hiểu sao chị dâu hay đi khỏi nhà vào buổi trưa lắm. Hay chị dâu có chuyện gì khó mà không dám nói? Phải theo dõi xem mới được. Nghĩ vậy, Bô vội lặng lẽ bám theo. Chị dâu đi về phía nương xa của nhà. Chẳng lẽ chị dâu lại đi làm nương vào buổi trưa? Nhưng đi làm thì sao cứ phải vừa đi vừa nhìn ngó như sợ ai thấy làm gì?

          Đi lên cái lều giữa nương, chị Sua nhìn quanh một lượt, không thấy ai, chị vội chạy vào trong lều. Bô lặng lẽ tiến về phía lều, không để phát ra một tiếng động.

          Có tiếng cót két của cái sàn tre, rồi tiếng thở hổn hển, gấp gáp tiếng rên khe khẽ của chị dâu xen lẫn tiếng thì thào của một người lạ. Bô vội ghé mắt qua cái phên vách lều nhìn vào trong. Bô như không tin vào mắt mình nữa. Bên dưới cái sàn tre, chị dâu và thằng Sồng không có cái áo, cái quần nào trên người đang ôm như cuốn lấy nhau, mê mải. Bô thấy trời đất tối sầm lại, máu trong người Bô như bị đun sôi lên. Không thể giữ được bình tĩnh nữa rồi. Bô lao lên cái lều, đạp tung cánh cửa, xông vào. Lúc này nhìn Bô thật đáng sợ. Hai cánh tay Bô gồng lên nắm chặt, hàm rằng nghiến vào nhau ken két, mặt Bô đỏ bầm như con gà chọi sắp vào trận đấu.

          Tếnh Sua và thằng Sồng đang say nhau, bỗng giật mình, vội buông nhau ra luống cuống sợ hãi. Nhìn thấy Bô, Tếnh Sua hét lên rồi vơ vội váy áo lao ra ngoài. Bô gầm lên lao vào thàng Sồng muốn đấm cho nát cái mặt bóng nhẫy nhại mồ hôi của nó, nhưng rồi Bô kìm lại được. Nhìn thằng Sồng lúc này run rẩy như con cáo bắt trộm gà bị đánh đuổi đến đường cùng. Bô chỉ mặt nó, quát:

          -Lần này tao tha cho mày đấy, cút đi ngay cho cái mắt tao đỡ bị ngứa. Mày còn làm cái chuyện xấu một lần nữa là tao cắt bỏ cái đàn ông của mày.

          Thằng Sống luống cuống, mặc vội cái quần rồi ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh vào rừng.

          Bô đau đớn ngồi phịch xuống như cái cây bị bật gốc. Dưới sàn lều, có cái vòng bạc nằm lăn lóc. Bô vội nhặt lên. Là cái vòng bạc vía mẹ cho chị dâu hôm anh Dụa bắt chị về. Cái vòng đã đeo vào tay bao nhiêu người con dâu họ Vàng rồi, thế mà chị dâu lại dám để cái vòng nhìn thấy cái chuyện xấu hơn con gà trống không có đuôi rồi còn bỏ rơi lại đây. Bô cất cái vòng vào người rồi lững thững đi về phía con suối Tỉ Phai, cái mắt Bô vừa nhìn thấy chuyện bẩn thỉu rồi, Bô phải rửa cho nó sạch đi.

          Chị dâu đang đứng đợi Bô bên bờ suối. Váy áo xộc xệch, đầu tóc rối bù, mặt chị vẫn còn tái đi vì sợ, vì xấu hổ. Chị Sua cầm nắm lá ngón có hoa vàng.Mùa này lá ngón đang nở hoa, những chùm hoa vàng rực rỡ. Cây ngón ra hoa là lúc cái lá độc nhất. Chị dâu nhìn Bô van vỉ. Nếu Bô còn thương tôi thì chuyện hôm nay hãy thả xuống suối cho nó trôi đi, đừng nói cho ai nghe thấy, được không? Nếu Bô mà nói cho bố mẹ, cho anh Dụa biết, tôi sẽ ăn hết nắm lá ngón này mà chết đi để cho khỏi bị nhục.

          Bô nhìn chị dâu bằng ánh mắt của con bọ ngựa nhìn con cào cào non, lạnh lùng. Ma nhà tôi đã ăn con gà của nhà chị dâu, đã nhận mặt chị vào nhà rồi, sao vẫn còn muốn sang làm ma nhà người khác ?Có quả mận ngọt không ăn, lại thích ăn quả đào có dòi à? Tôi không nói cho bố mẹ và anh Dụa biết, nhưng lần sau chị dâu đừng làm thế nữa. Cái chõ xôi thì đừng để đựng cỏ. Con mèo ăn vụng nhiều mỡ sẽ dính vào râu đấy. Cái chân giẵm phải đống phân thối nhưng chịu rửa thì vẫn hết được mùi.

*

          Nghe tiếng con chim Pà Nhả kêu “Cục...quắc” gọi ngày ngoài suối, bà Dí vội lập cập dậy để đồ xôi sáng. Bước vào bếp, bà bỗng thấy mùi rượu ngô thơm nồng bay khắp bếp, mới ngửi đã thấy lâng lâng say. Ầy, chắc con mèo đuổi bắt chuột lại làm đổ chum rượu ở góc bếp rồi. Bà vội chạy vào chỗ để mấy chum rượu. Suýt nữa thì bà hét lên. Đù(*) ơi, thằng Bô đang say rượu nằm cò quăm dưới đất, cạnh cái chum rượu đổ lênh láng. Thằng Bô nó có biết uống rượu bao giờ đâu, sao hôm nay lại uống say thế này?

          Nghe tiếng mẹ, Tếnh Sua cũng vội chạy vào bếp. Sua bỗng thấy lo lắng.Người say rượu nếu tức gì thì hay nói ra hết, Bô mà nói ra chuyện hôm qua ở ngoài lều thì Sua chỉ còn cách ăn cái lá ngón mà chết đi thôi. Nhưng Bô không nói gì đến chuyện đó.Những ngày tiếp theo Bô lúc nào cũng chỉ chìm trong men rượu. Bố mẹ không biết vì sao Bô lại như thế, chỉ có Sua là biết. Đêm đêm, Sua gục mặt vào gối khóc một mình.

          Đã hết kỳ nghỉ hè rồi, nhưng Bô chẳng còn nhớ gì đến chuyện đi học nữa.Bố mẹ rồi Tếnh Sua ra sức khuyên Bô, nhưng Bô chỉ nhìn mọi người ngơ ngác rồi hềnh hệch cười vẻ ngây dại.Bây giờ Bô chỉ thích được uống rượu. Nhà còn mấy chum rượu ngô, mẹ vội đem sang hàng xóm gửi. Không có rượu ở nhà thì Bô rình bắt con gà, con lợn mang xuống chợ Chiềng On đổi lấy rượu để say.

          Cuối năm ấy anh Dụa đã góp đủ tiền để làm cái nhà ra ở riêng.Từ ngày vợ chồng anh Dụa ra ở riêng, Bô lại càng uống nhiều rượu hơn, cứ say là Bô lại lảm nhảm gọi tên Tếnh Sua. Bố mẹ Bô nhìn con mà thấy đau hơn con  công bị vặt mất cái lông đẹp.Quả bầu đẹp lại bị con ong nó châm rồi. Hình như thì ông bà đã lờ mờ hiểu được vì sao Bô lại trở thành con sâu rượu. Hiểu được thì lại đâm nghĩ nhiều, lo nhiều.Đêm đêm cái mắt ngủ mà lòng thì không ngủ, cái tóc trên đầu  trắng nhanh như sương núi. Thằng Bô cứ uống rượu nhiều thế này thì cái khôn bỏ nó mà đi hết mất thôi.

*

          Ông bà Dí cứ trằn trọc mãi mà không sao ngủ được.Đã quá nửa đêm rồi mà thằng  Bô vẫn chưa về, không biết lại đi uống rượu say rồi ngủ quên ở đâu.Trưa nay đi làm về, thấy con lợn gầy buộc ở gốc đào đã mất, ông bà biết ngay thằng Bô lại đem đi đổi rượu uống rồi. Dạo này Bô đi suốt ngày, có hôm nó đi hai ngày mới lếch thếch về, người hôi như con sóc chui vào hang chuột trù Khuyên bảo thế nào cũng chẳng được nên đành kệ, đi chán nó tự khắc về. Đêm nào thằng Bô không về là đêm đó ông bà lại thức trắng, không chợp nổi cái mắt.

          Trời vừa tang tảng sáng, bà Dí vội lập cập chống gậy theo con đường mòn nhỏ đi xuống dưới chợ tìm con. Đi xuống lưng chừng con dốc Su Cút, bà thấy Bô đang nằm ở vệ cỏ ven đường, đầu gối vào đống phân trâu khô, ngáy “khục...khù...khù” như tiếng ngáy con hổ lúc no mồi, mồm thì đầy rớt rãi. Cái thằng này, cứ say là bạ đâu ngủ đấy thôi. Bà vừa tiến lại phía Bô, vừa thều thào gọi mấy tiếng. Bô vẫn ngủ ngon,chẳng biết gì. Bà ngồi xuống bên con, lay mạnh. Bỗng dưng bà giật mình. Trong tay thằng Bô đang nắm chặt cái vòng bạc vía. Cái vòng bạc này bà đã cho con dâu Tếnh Sua mà, sao thằng Bô lại có ? Thảo nào lâu rồi bà không thấy cái Sua nó đeo cái vòng. Hỏi nó thì nó bảo đi nương nhiều sợ rơi mất nên cất ở nhà. Bà nhắc nó mấy lần, cái vòng vía là của hồi môn của mẹ, đã đeo vào tay thì không được tháo ra đâu, con dâu phải đeo nó vào đi. Tếnh Sua lúng túng vâng dạ, nhưng rồi vẫn không thấy nó đeo lại. Giờ thì bà đã hiểu ra.

          Phải gọi một lúc lâu thằng Bô mới mở mắt, lồm cồm bò dậy. Nhìn thấy mẹ bên cạnh đang cầm chiếc vòng bạc, Bô bỗng giật mình. Mẹ run run cầm tay Bô phệu phạo. Đàn ông của họ Vàng Lao ta không ai tự làm khổ mình, tự làm chết mình vì một đứa gái đâu Bô à. Mày chưa mang về cho mẹ một đứa dâu ngoan mà đã thành cái chum đựng rượu rồi thế này. Bố mẹ già rồi, sắp như cái cây bị đẽo dần vỏ, mày không tìm cái vía khôn trở lại, thì bố mẹ biết nhờ ai?

          Trong người Bô lúc này không còn giọt rượu nào nữa. Bô rụt rè nhìn mẹ. Lâu rồi Bô không nhìn mẹ. Mẹ dạo này cái da nhăn quá, mái tóc đã trắng gần hết, đôi mắt mẹ thì mờ đục. Bô bần thần nhớ lại những ngày Bô triền miên say.Bô đã bán hết gà, hết lợn, bán cả cái khèn quý giá nhất của bố để đi uống rượu. Bô làm khổ bố mẹ quá rồi.

          Mẹ nắm tay Bô, run run. Mày say thế nào mà gối đầu lên cả đống phân trâu mà ngủ thế này, cũng may phân trâu nó khô rồi, không làm bẩn được cái tóc mày. Thôi bỏ hết cái chuyện không vui ở lại cái đống phân thối này, đứng dậy, về đi con. Để mẹ đỡ con đứng lên nào. Từ hôm qua chắc chưa ăn gì, chân tay run lẩy bẩy hết rồi này.

          Bô nhìn mẹ nghẹn ngào. Mẹ già yêu rồi, không phải đỡ con đâu. Con tự làm con ngã thì con phải tự đỡ con đứng lên được thôi.

*

          Bố mẹ tiễn chân Bô đi một đoạn đường dài. Bố nhìn Bô đầy tin tưởng, dặn dò:

          -Đi học lại thì phải cố gắng hơn. Bố đã nhờ người viết cái thư này gửi cho trường. Phải cố mà học để bù lại cái đã mất đấy.

          Mẹ thì cứ bịn rịn mãi. Học gì thì học, nhưng phải lấy về cho mẹ một đứa dâu ngoan nhé. Mẹ đợi để đeo cái vòng bạc vía vào tay vợ mày đấy.

          Bô lặng yên nghe bố mẹ nói rồi nhìn lại ngọn núi Tặng Hua ở phia sau lưng một lần nữa và đi xuống con đường dốc...

         

 (*) Đù ơi: Trời ơi.

(*) Bà Dợ, người phụ nữ xinh đẹp nhưng đến già vẫn không chịu lấy chồng vì đợi người yêu đi đánh yêu tinh cứu bản, trong truyện cổ H,Mông

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *