HỌA SĨ ĐỖ DUY MINH: QUYẾT LIỆT VÀ TUYỆT VỌNG GIỮ MỘT HÀ NỘI CŨ
Họa sỹ Đỗ Duy Minh năm 2014 trong triển lãm "Vọng" (ảnh: internet)
Vẽ để chống lại nỗi niềm tha hương
Trò chuyện với Đỗ Duy Minh trong những lần ông lặng lẽ tìm về Việt Nam sau nhiều năm xa cách, không một ai trong số bạn bè nghe ông kể về những nỗi đoạn trường khi phải mưu sinh ở một nơi vừa xa xôi, vừa lạ lẫm lại vô cùng lạnh lẽo giữa bầu trời gần như chỉ thấy trắng một màu tuyết phủ quanh năm. Đỗ Duy Minh được sinh ra ngay trong lòng phố cổ, Hà Nội xưa của ông là những mái phố rêu phong, góc ngã tư đầy nắng hay một cửa ô yên ả lúc chiều tà. Ông ngồi ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình mà vẫn tha thiết nói về nỗi nhớ quê hương. Nhớ đến buốt xót những kỉ niệm gắn bó với từng góc phố, từng gốc cây, từng ngôi nhà, và đặc biệt là từng người đàn bà đã đi qua đời mình. Những người đàn bà ấy có thể là bà, là mẹ, là chị em ruột hay đơn giản chỉ là một bóng hình tình cờ bắt gặp khi về ngang lối phố. Đàn bà trong nỗi nhớ của ông vẫn mặc áo nâu, vấn khăn mỏ quạ, mặc váy sồi đen, và cũng có khi để tóc vấn trần cùng yếm thắm... Tranh Đỗ Duy Minh không thể thiếu đàn bà. Họ đi vào tranh ông trong nỗi khắc khoải, có lẽ vì thế mà họ luôn mang vẻ đẹp của những giá trị in sâu vào tiềm thức họa sĩ. Những người đàn bà đầy đặn từ gương mặt đến bầu ngực, đến vòng hông, tất cả tràn trề sức sống, hứa hẹn sự sinh sôi... nhưng đều mang ánh mắt vô cùng ám ảnh, như tụ lại những lời tự vấn sâu xa: tôi là ai, anh là ai, anh đi tới đâu và anh thuộc về nơi nào?
Nhiều người trong giới văn chương nghệ thuật vẫn không thể quên những bức tranh minh họa, tranh bìa báo tết của một số tờ báo lớn những năm 1960: Văn Nghệ, Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong, và phụ trách một trang chuyên về tranh châm biếm trên Báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết). Thời đó ông là cán bộ phụ trách văn thể mỹ của Xưởng toa xe Hà Nội thuộc Công đoàn Đường Sắt Việt Nam, vừa giữ vai trò quản lí các diễn viên bán chuyên nghiệp, vừa phải trực tiếp vẽ tranh cổ động tuyên truyền, công việc lúc nào cũng bận rộn, vất vả nhưng luôn “bội thu” tiếng cười. Với những đóng góp tích cực trong hội họa, Đỗ Duy Minh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam từ rất sớm (năm 1968) và được cử làm Tổ phó Tổ tranh đả kích của Hội.
Năm 1979, đúng vào lúc uy tín nghề nghiệp đang ở đỉnh cao, vì những lí do khách quan và chủ quan, ông cùng gia đình đột ngột rời đất nước đến định cư tại Canada. Cuộc ra đi lặng lẽ nhưng nặng trĩu những giằng xé, chất chứa nhiều điều uẩn khúc mà gần 40 năm sau chưa một lần giãi bày, dù với bè bạn thân thiết nhất. Thời gian đầu mới sang Canada, Đỗ Duy Minh đi làm cho một vài tờ báo nhưng công việc không kéo dài. Ông nghỉ hưu sớm để dành nhiều thời gian cho việc vẽ và chụp ảnh. Trong tầng hầm của ngôi nhà phần lớn thời gian vùi mình dưới tuyết trắng, Đỗ Duy Minh bắt đầu cuộc hành hương từ nỗi nhớ. Những hình ảnh của Hà Nội thuở ấu thơ, thời thanh niên cho đến ngày ông ra đi cứ như cuốn phim quay ngược, đưa ông trở về đúng con phố cũ, hàng cây cũ, ngôi nhà cũ và những người thân của mình. Nỗi nhớ quê hương là điểm tựa duy nhất để ông vượt qua được sự cô đơn ở xứ người. Nhưng chính nỗi nhớ lại là “thế lực” tấn công vào tâm trí ông một cách khủng khiếp nhất. Vì thế mà suốt mấy chục năm qua, tranh ông chỉ toàn vẽ về Hà Nội. Đó là cách ông chống lại nỗi niềm của kẻ tha hương...
Những bức tranh Hà Nội đó đã xuất hiện trong nhiều triển lãm tại châu Âu từ năm 1987 và được sưu tầm tại các bảo tàng, trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Canada, Đức, Bungari... Trong nước, ông có tranh treo tại Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Cách mạng. Năm 1985, ông là họa sỹ gốc Việt được giải thưởng quốc tế về tranh biếm họa tổ chức ở Bungari.
Cơ duyên của niềm tri ân
Mặc dù sống xa đất nước, Đỗ Duy Minh vẫn luôn nhận được sự quan tâm của bè bạn, đặc biệt là những văn nghệ sĩ thế hệ đàn em. Gần 40 năm qua, Đỗ Duy Minh vẫn tiếp tục cộng tác, vẽ minh họa cho một số tờ báo của Việt Nam, đặc biệt là các ấn phẩm của báo Công an nhân dân. Ông chính là người vẽ bìa và minh họa cho một trong những số đầu tiên tờ Nghệ thuật mới, khi đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là chủ bút đã kí séc gửi cho ông 300USD nhuận bút khiến họa sĩ vô cùng bất ngờ và cảm động. Qua trao đổi thư từ, có lần ông gửi cho người bạn vong niên của mình xem những tác phẩm mới được thử nghiệm bằng chất liệu than chì (trước đó ông chỉ vẽ sơn dầu). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lập tức bị cuốn hút bởi những bức tranh này, liền hối hả thúc giục ông phải trở về với quê nhà bằng chính tài năng nghệ thuật của mình chứ không chỉ đơn thuần là những chuyến hồi hương thăm lại miền kí ức cũ. Vậy là chỉ trong vòng mấy ngày, thủ tục cho triển lãm “Vọng” tại 24 Lý Quốc Sư vào dịp cuối năm 2014 nhanh chóng được tiến hành. 30 bức than chì sáng tác liền mạch trong vòng hai tháng đã được bay về Việt Nam. Những bức tranh chỉ vẽ duy nhất đàn bà và phố cũ như một lời tạ ơn xứ sở đã làm nên tinh thần và tình yêu mãnh liệt trong ông. Lựa chọn than chì là một sự đặt cược với nghệ thuật của họa sĩ, nếu non tay sẽ lập tức phơi bày ra trình độ yếu kém, bởi chỉ có sự tài hoa, điêu luyện về kĩ thuật và rung cảm mạnh mẽ trong lòng nghệ sĩ mới “ra” được cái chất kì ảo của chất liệu này.
Ở tuổi 78, họa sĩ Đỗ Duy Minh mới có cuộc triển lãm đầu tiên tại quê nhà. Sau lần đó, ông quyết định sẽ trở về Việt Nam hai năm một lần cho đến ngày cuối đời. Những ngày này, ông đang gấp rút chuẩn bị cho triển lãm lần thứ hai mang tên “Về” với 35 bức tranh được thể hiện bằng sơn dầu trên toan. Thực ra chất liệu mang tính cổ điển này mới là sở trường của Đỗ Duy Minh. Một Hà Nội thanh bình, trong trẻo vẫn nguyên vẹn cho dù bao nhiêu biến động đã làm thành phố trong đời sống thực đã khác đi quá nhiều. Một Hà Nội với xe đạp, xe bò, dòng sông, thuyền nan, áo dài, yếm thắm và những mùa sen vẫn hiện diện đầy thơ mộng và...thách thức. Dường như có một sự quyết liệt đến tuyệt vọng trong ông khi cố công níu giữ một linh hồn Hà Nội đang mỗi ngày bị xâm chiếm, bị chèn ép, bị bôi xóa dưới dòng thác lũ tham vọng cuồn cuộn, sục sôi. Cảnh sắc và con người trong tranh Đỗ Duy Minh được đưa về từ quá khứ nhưng lại luôn mang một tinh thần đương đại. Khi ngắm nhìn những bức tranh chuẩn bị cho cuộc triển lãm “Về” (diễn ra tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội từ ngày 22 đến 27/10), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng thảng thốt: “Xem tranh Đỗ Duy Minh, tôi thường có một khoảnh khắc dừng lại và ngắm nhìn rất lâu vào những gương mặt đàn bà. Và tôi nhận ra “thời hiện tại” trên gương mặt của họ, kể cả của một người đàn bà mặc yếm, vấn khăn. Có thể đấy là một lý do cá nhân nào đó, một thông điệp nào đó hoặc có cả một lịch sử nào đó nằm trên những gương mặt ấy. Nhưng trên những gương mặt ấy lại có một điểm mà tôi ngắm nhìn lâu hơn. Đó là những đôi mắt của họ. Những đôi mắt phảng phất buồn và xa xôi như ở tận chân trời. Những đôi mắt ấy mở ra để nhìn sâu vào chính bên trong con người họ và cũng để cho tôi nhìn rõ hơn những vẹn nguyên trong tâm hồn của một nghệ sỹ.”
“Về” không phải là sự kết thúc một chuyến đi. Về chính là sự trở lại để tìm ra con người đích thực của mình. Họa sĩ Đỗ Duy Minh tự sự về hành trình nghệ thuật của mình: “Đam Mê và Niềm Tin trên con đường mình đi, tuyệt đối không trông trước nhìn sau, không nghe lời phỉnh nịnh, chán nản lời chê bai, đường ta ta cứ đi, sẽ có nhiều gian khổ, phải tự khẳng định mình. Trên con đường ta đi qua là một cuộc đi bộ maratong dài hơn 60 năm, nay đã tới đích. Nhìn lại dấu chân trên con đường ta thấy có những dấu chân mờ mờ, có những dấu chân không còn nhận ra nữa, có những dấu chân lạ lẫm không phải của ta. Cuối con đường ta còn lại những dấu chân đậm nét. Đó mới thật là ta.”
PHONG LAN