GIỚI THIỆU 2 TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN TRẺ HOA NÍP
Hai tác phẩm của Hoa Níp được bạn bè in sau khi tác giả qua đời
HOA NÍP VÀ SỰ DỞ DANG
BÙI ĐẾ YÊN
Giống như nhà văn Dịu, nhân vật chính trong truyện ngắn “Nàng là nước Mỹ”, Hoa Nip ước ao thay đổi được thị hiếu đọc dễ dãi của độc giả. Anh thậm chí còn nghiêm cẩn đặt ra ranh giới của một nhà văn lương thiện và bất lương “Nhà văn lương thiện thì thay đổi độc giả. Nhà văn bất lương thì bị độc giả thay đổi”. Chính vì thế với khả năng và mối quan hệ của mình, Hoa Nip thừa sức để trở thành một tên tuổi nhiều người biết đến…
Tôi gặp Hoa Nip lần đầu cách đây năm, sáu năm gì đó. Kể cả trong lần gặp thứ hai, khi đi café cùng với chị bạn thân chơi chung, tôi cũng chẳng hỏi han, quan tâm gì tới Hoa Nip dù những người viết, nhất là người viết trẻ ở Vũng Tàu không nhiều và thường thì dù thích hay không cũng luôn phải gặp mặt và chơi chung với nhau. Bây giờ nhớ lại, mới xa xót là không phải chỉ một, mà rất nhiều lần tôi đã tự nhiên, thản nhiên, vô tư, vô tâm từ chối sự nhiệt tình làm thân của Hoa Nip. Tôi không lưu số điện thoại của Hoa Nip. Gần như không bao giờ vào facebook của Hoa Nip, bỏ dở những lần chat, thảng hoặc lắm có gặp những status ấn tượng của Hoa Nip thì khi gặp nhau tôi cũng lôi chúng ra để tranh cãi và chế giễu nhiều hơn là tán thưởng. Mãi cho đến hôm trước lễ chung thất 49 ngày Hoa Nip, gặp gỡ tiếp xúc với bạn bè, người thân của Hoa Nip và đọc những tác phẩm, nhất là những truyện ngắn của anh, tôi mới kết nối lại các sự việc, lờ mờ hiểu ra tại sao Hoa Nip muốn làm thân với các bạn bè văn chương, và ngậm ngùi ân hận về sự vô tâm, nông cạn của mình.
Bố mẹ tôi và bố mẹ Hoa Nip đều là những giáo viên dạy văn, cả nhà chẳng ai bị giời đày vào nghiệp viết. Chúng tôi đều sinh ra, lớn lên và cô đơn giữa những người thân thành đạt hơn chúng tôi. Có lẽ vì hoàn cảnh giống nhau nên suy nghĩ và tính cách của chúng tôi cũng có nét giống nhau. Khác với Văn Thành Lê, một cậu bạn chơi chung cùng tuổi với Hoa Nip, là người gần như làm gì cũng chu đáo và thành công, luôn là niềm tự hào cho gia đình và người thân. Hoa Nip và tôi là những người gần như luôn dở dang và rất dễ dàng thất bại. Tôi lớn tuổi hơn, không có tài năng gì nên dễ thỏa hiệp với số phận. Chấp nhận văn chương như một cuộc chơi, không ôm mộng thành nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, không chấp nhận hi sinh lớn để mong có thành công lớn, nên có lẽ số phận sẽ không đối xử với tôi nghiệt ngã như với Hoa Nip. Bây giờ ngồi tổng kết lại, hình như với Hoa Nip mọi sự đều dở dang từ học hành, sự nghiệp, văn chương, hôn nhân, tình yêu. Hoa Nip thi đậu và học tới ba trường đại học nhưng chẳng có lấy một mảnh bằng, làm ba bốn việc nhưng chẳng việc nào kiếm được nhiều tiền hay tạo được chỗ đứng. Dù được giới chuyên môn đánh giá cao thì những tác phẩm của Nip cũng chưa hề có giải thưởng, và rất ít khi xuất hiện trên mặt báo. Hoa Nip cũng có rất nhiều những mối tình, nhưng những mối tình ấy dù có đi đến hôn nhân thì cũng vỡ. Cuốn thơ ấp ủ chưa kịp lấy giấy phép xuất bản. Kế hoạch cộng tác làm ăn của hai chị em còn đang bàn dở. Ngày Hoa Nip mất ngôi nhà cha mẹ làm lại cho Nip cũng chưa hoàn thiện. Con đường trước cửa nhà cũng đang sửa dở cát đá ngổn ngang… Mọi sự từ nhỏ tới lớn với Hoa Nip nếu không bỏ cuộc giữa chừng thì cũng đều chưa tới đích.
Những người thành công nói: Kẻ thất bại mới đổ tội cho số phận. Mặc nhiên người ta tin “Tính cách làm nên số phận” hơn là “ Số phận tạo ra tính cách”. Chỉ có những người đã phải cố khá nhiều mà đỉnh Olompia vẫn xa vời vợi mới đồng ý rằng những thất bại dễ khiến ta nhìn đời bằng con mắt nghi ngờ, bi quan, và hiểu được cái tính cách nửa ngông nghênh, ương ngạnh, nửa nhút nhát, u sầu của người trong cuộc. Tôi nghĩ là tôi hiểu được nỗi cô đơn, sự mặc cảm của Hoa Nip. Tôi tin ngoài chuyện dị ứng với sự thật, uất ức với những bất công mà phải lên tiếng thì đôi khi những quyết định, phát ngôn lập dị đến điên rồ của Hoa Nip cũng còn để kêu gọi sự quan tâm, chú ý của mọi người. Nhìn hình ảnh đăng ở trang bìa tập thơ mà anh em bạn bè chung tay in cho Nip, tôi khóc khi thấy những nhận định chủ quan của mình lại đúng: Hoa Nip sống một cuộc đời như đi trên dây giữa một bên là đam mê, bản ngã của mình, một bên là những lý do cơm áo, gạo tiền và nặng hơn là sự nhìn nhận, đánh giá về thành đạt của gia đình, người thân dành cho mình. Nói về điều này tôi không có ý trách cứ gì gia đình mình và chắc chắn Hoa Nip cũng vậy. Nhưng, chúng tôi cùng luôn ao ước những người thân của mình hiểu và thông cảm cho những người rơi vào và lọt thỏm trong cái nghiệp văn chương trời đày này.
Đã có rất nhiều người viết về tài thơ của Hoa Nip nên ở đây tôi chỉ nói về văn xuôi, cụ thể là những truyện ngắn trong tập truyện ngắn “Nàng là nước Mỹ” của Hoa Nip. Tôi thực sự rất bất ngờ khi lần đầu đọc truyện ngắn của Hoa Nip. Tôi nhấn mạnh là lần đầu vì tôi rất ít khi thấy tác phẩm của Hoa Nip trên sách báo. Khó tính và lương thiện, Hoa Nip không gửi những tác phẩm mà anh chưa ưng ý đi. Giống như nhà văn Dịu, nhân vật chính trong truyện ngắn “Nàng là nước Mỹ”, Hoa Nip ước ao thay đổi được thị hiếu đọc dễ dãi của độc giả. Anh thậm chí còn nghiêm cẩn đặt ra ranh giới của một nhà văn lương thiện và bất lương “Nhà văn lương thiện thì thay đổi độc giả. Nhà văn bất lương thì bị độc giả thay đổi”. Chính vì thế với khả năng và mối quan hệ của mình, Hoa Nip thừa sức để trở thành một tên tuổi nhiều người biết đến. Tuy nhiên như tôi đã nói: Cả những truyện ngắn xuất sắc của Hoa Nip cũng chỉ có mặt trong tập truyện ngắn mà bạn bè in cho Hoa Nip sau khi anh mất, bất chấp việc một người đầy lòng tự trọng như Nip mà đôi khi vẫn phải chịu tiếng vô công rồi nghề, ăn bám vợ và gia đình.
Trong tập truyện ngắn “Nàng là nước Mỹ” của Hoa Nip, tôi ấn tượng với khá nhiều truyện hay nhưng lại thích những truyện ngắn không được các nhà phê bình nhắc tới, thậm chí còn bị coi là non kém bởi vì nó giống những dòng tâm sự của Hoa Nip: Thật thà, giản dị, gần gũi và thâm thúy. Từ chuyện luận về sự nổi tiếng, chế giễu cái câu “chỉ có tiếng mà không có miếng” là sự lừa dối, hài hước nhất, tới cái ước mơ trở thành “Nhà văn nổi tiếng phân nửa” để hàng xóm bớt lời ra tiếng vào dù biết “Hầu hết bọn họ chả quan tâm đến văn chương và cũng chẳng phải dạng người văn vẻ gì” trong truyện ngắn “Nàng là nước Mỹ”. Những triết lý ngộ nghĩnh về chuyện hay để đồ thừa sau mỗi bữa ăn của người Việt Nam, lý giải về chuyện con gà bị mất ngủ “Điên hay sao, tự nhiên lại gáy suốt từ đêm đến sáng” trong truyện ngắn “Tiếng gà gáy lúc nửa đêm”. Tôi cũng thích sự tiết chế, điềm đạm và cảm xúc rất thật thà, chân thành của Hoa Nip trong truyện “Em nói gì với anh khi uống café”, “Miến ve”, “Ki Ki”, “Quả chuông đồng hồ kêu leng keng”. Những truyện ngắn đó thể hiện một Hoa Nip rất đời thường cô đơn, hiền lành, trong sạch, dằn vặt và tài hoa, rất khác với một Hoa Nip mạnh mẽ, hào hùng đến điên rồ trên facebook.
Trong tập truyện, cũng có những truyện ngắn có cốt truyện, có nội dung, kết cấu theo kiểu cổ điển nhưng vẫn có những suy nghĩ, chi tiết rất mới, rất hấp dẫn mà chỉ những nhà văn có thực tài mới có được như “Mặt trời bên kia sông”, “Khang tự”, “Chiếc nhẫn in hình bảy ngôi sao”, “Nằm vạ”... Ngoài ra còn có một điều mà tôi thích nữa trong khá nhiều truyện ngắn của Hoa Nip, đó là những kiến thức chuyên môn về văn chương, kiến trúc, âm nhạc, nông lâm nghiệp, cờ vua, thậm chí cả cà phê, xe hơi, điện thoại... Những thứ Hoa Nip đã học qua, tìm hiểu hoặc yêu thích. Vẫn biết ở thời đại internet như hiện nay cứ tra Google là ra ngay tất cả, nhưng nó cũng thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp mà rất nhiều người viết chuyên nghiệp thời nay cũng thường bỏ qua…
Chỉ tiếc là Hoa Nip lại một lần nữa bỏ dở cái đức tính quý báu này của một tài năng văn chương đích thực mà phiêu bồng vào chốn vô ưu.
Vũng Tàu, lễ tốt khốc 100 ngày Hoa Nip 5.9.2016
(Nguồn: Nhà văn TP.HCM)
CÁI CHẾT CỦA CÂY THANH XUÂN
TRUYỆN NGẮN CỦA HOA NÍP
NVTPHCM- Tôi đến hòn đảo này vào những năm tháng “bẻ gãy sừng trâu” của cuộc đời, tính đến thời điểm hiện tại đó là một trong những quyết định chóng vánh và vội vàng nhất. Tất cả những đơn xin nhập học, đơn xin cư trú, học bạ ở trường cũ, đều được hợp pháp trong vòng một tháng. Tất cả những mối quan hệ, những kỷ vật, những góc phố quen, những quán café xưa cũ, đều được bỏ lại trong vòng một tháng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa lý giải được vì sao mình chọn nơi này để tiếp tục học phổ thông, để lại phía sau con đường đến trường mà tôi chưa bao giờ hết yêu, để lại phía sau tà áo dài trắng thân thuộc cùng những tiết bùng học rong chơi với chúng bạn (cũng vô cùng thân thuộc). Có lẽ, có lẽ thôi đó là quyết định của một phút chán chường và xốc nổi, nhưng đau buồn hơn hết, là suốt mười bảy năm, hơn tám mươi ngàn ngày tồn tại trên Trái Đất này, vẫn chưa có một mối quan hệ nào đủ sâu đậm để ngăn tôi khỏi việc rời đi, hay ít ra là đủ sâu đậm để khiến tôi có một chút luyến tiếc, hoàn toàn không, một con số không không thể nào tròn hơn. Có lẽ, có lẽ thôi, đó chính là lý do mà tôi luôn tìm kiếm?
Những ngày đầu ở thành phố này thật khó khăn, khó khăn ngoài sức tưởng tượng của một cô gái mười bảy. Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường trốn nhà đi chơi như bao đứa trẻ khác, tôi ở Nội, ở Ngoại, chơi với những đứa em con bác, con cậu, ngủ lại nhiều ngày liền, nhưng chưa từng thấy nhớ mẹ, ngay cả khi còn là một đứa trẻ thơ, cũng chưa từng thấy nhớ mẹ. Ngày tiễn tôi ở sân bay, sau này tôi bay rất nhiều lần, nhưng chỉ duy có lần đầu tiên đó là mẹ đi tiễn, mẹ khóc rất nhiều, vừa khóc vừa dặn phải ráng học nghen con, ráng ăn nghen con, sang tới nơi điện về liền nghen con, tôi tuyệt nhiên không rơi một giọt nước mắt, cứ dạ dạ vâng vâng rồi quay người đi thẳng vào phòng chờ, cũng tuyệt nhiên không quay đầu lại một lần. Vậy mà, đêm đầu tiên ở một đất nước lạ, trong một căn phòng lạ, tôi chìm vào giấc ngủ khi vừa đặt lưng xuống giường, lúc sau thì bật dậy, nhớ mẹ khóc nức nở, sau này tôi nhớ mẹ rất thường xuyên, duy chỉ có lần đầu tiên đó là bật khóc nức nở, to và thành tiếng.
Những ngày đầu ở một môi trường mới cũng thật khó khăn, như tôi đã sớm tưởng tượng được từ trước. Sau hai tuần đi học, những đứa bạn cùng lớp đã quen mặt thuộc tên nhau, thì vào giờ cơm, tôi vẫn ngồi yên tại chỗ cho hết hai tiếng đồng hồ vì không có ai ăn trưa cùng. Phải thêm hai tuần nữa, tôi mới có một anh bạn người Việt Nam, anh to đùng, nặng gần trăm ký, đen nhẻm, hơn tôi ba tuổi , tôi gọi anh là Mập, từ đó cho đến giờ, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết, dù rất nhiều biến cố đã xảy ra.
Đó cũng là lúc tôi gặp anh, anh đi ngang qua cửa lớp và tôi không thể dời mắt khỏi anh, hôm đó anh mặc áo thun, mồ hôi nhễ nhại, vừa đi vừa đẩy gọng kính, chỉ vậy thôi mà khiến tôi không thể ngừng nghĩ về anh, tôi gặng hỏi Mập về anh, họ ở cùng phòng trọ với nhau, tôi điên cuồng tìm cách gây sự chú ý của anh nhưng bất thành. Chín ngày sau đó, giờ tan học, anh chạy theo để bắt kịp tôi, vừa thở dốc vừa hỏi:
- Thế bạn tên gì?
Mười bốn ngày sau đó anh nắm tay tôi lần đầu tiên, một ngày sau mười bốn ngày sau đó anh ngỏ lời yêu, thế là chúng tôi yêu nhau. Tôi là người yêu đầu tiên của anh, còn anh là người thứ bao nhiêu của tôi không rõ. Tôi thường nghĩ rằng khi người ta sống trong điều kiện không được đủ đầy, dù là vật chất hay tinh thần, thì tâm hồn sẽ dễ đồng điệu và thông cảm cho nhau hơn. Tôi thường nghĩ vì vậy mà tôi thương anh nhiều hơn tất thảy những người trước đây.
Tháng lương đầu tiên, anh hỏi tôi muốn gì, anh thì muốn dành tháng lương đầu tiên cho tôi. Chúng tôi nắm tay nhau đi dọc những con phố dài, đi mãi, đi từ khi tắt nắng đến lúc tối trời, đi đến khi chân mỏi nhừ, tôi cũng không biết mình muốn gì, đành phải quay về. Trên đường về nhà, nhà tôi ở block 405, nhà anh ở block 162 cùng đường, anh thường đưa tôi về rồi quay ngược lại, chỉ có tiệm cây cảnh còn mở cửa, tôi bước vào, chọn lấy một chậu hoa rồi quay qua bảo anh mua cho Khuê đi. Anh hỏi em có biết đó là hoa gì không, tôi lắc đầu, anh cười nói anh cũng không biết, rồi hai đứa cùng cười, chẳng vì lý do gì. Rồi chúng tôi đồng ý gọi tên nó là cây Thanh Xuân. Anh tính tiền chậu hoa hết 7 đô 80 cent, lương tháng của anh thì 450 đô, chưa bao giờ tôi thấy trân quý một món quà đến thế.
Chúng tôi ngày một gắn bó với nhau, đi đâu cũng như hình với bóng, lần đầu tiên tôi thấy mình cũng không đến nỗi cô đơn trên cái hòn đảo chết tiệt này. Tôi thường qua nhà anh, hai đứa nằm cuộn mình chơi games, chơi chán rồi nói với nhau những chuyện không đâu, tôi hay rúc vào lòng anh cười khúc khích mỗi khi chúng tôi trò chuyện cùng nhau, chưa bao giờ cảm thấy bình yên hơn thế. Anh bắt đầu nghe những bản Rock đầu tiên, biết đến những tình khúc da vàng đầu tiên, đọc những quyển sách chữ dày cộp lần đầu tiên, anh bảo đó là những thứ mà cuộc đời nhờ tôi đem đến cho anh, tôi cười , trong lòng rất muốn nói rằng tôi đã bắt đầu yêu một người lần đầu tiên.
Trước đây tôi có nhiều cuộc tình, nhưng kỳ thực, tôi chưa bao giờ thật lòng thật dạ với ai, những đổ vỡ trong hôn nhân của ba mẹ khiến tôi cảm thấy sợ hãi thứ tình yêu người ta vẫn hay ca ngợi. Tôi xây quanh mình thành lũy cao chất ngất và vững chắc nhất, tự dặn lòng cách tốt nhất để tránh khỏi đau lòng là đừng bao giờ thật lòng. Khi gặp anh, tôi mới vỡ lẽ, thiên hạ không hề nói điêu, chuyện người ta yêu nhau và chỉ có mỗi nhau là có thật trên đời.
Có lần, tôi và anh cùng ngồi trong căn tin trường, một cô gái vô cùng xinh đẹp nếu không muốn nói là khuynh thành đổ nước bước vào, ai cũng dừng việc ăn uống lại để nhìn ngắm cô ấy. Chỉ có anh là tiếp tục ăn, tôi hỏi anh không thấy cô ấy quá xinh đẹp sao, anh nói chỉ cần ngồi vói em, mọi thứ khác anh không để tâm.
Thế rồi chúng tôi chia tay nhau lần đầu tiên, có một anh bạn ở chỗ làm thường hay nhắn tin tán tỉnh tôi, dù không trả lời lại một tin nào nhưng anh cho rằng chuyện anh không biết đến sự tồn tại của anh bạn đó là sai, anh muốn chia tay. Lần chia tay đầu tiên của anh, lần thứ mấy không nhớ rõ của tôi. Tôi buồn bã trở lại với cuộc sống đi đi về về một mình, mặc kệ tất cả mọi thứ xung quanh. Hai mưới ba ngày sau đó chúng tôi quay lại với nhau, tôi chưa từng rời xa ai rồi quay lại, anh là ngoại lệ, chúng tôi ôm nhau ngủ, tôi khóc một trận thật dài nói anh đừng đi đâu nữa nha anh, rồi ôm nhau ngủ. Suốt hai mươi ba ngày buồn bã đó không ngày nào tôi tưới chậu cây Thanh Xuân anh mua tặng, vậy mà nó vẫn sống, anh cười bảo lẽ ra anh nên nói nó kiên trì và bền bỉ như tình yêu của chúng ta vậy, nhưng như thế thì sến quá, nên anh sẽ nói là nó lỳ lợm hệt em. Tôi lại rúc vào người anh cười khúc khích, thân thương quá đỗi.
Chia tay lần thứ hai, lần thứ hai của anh và lần thứ bao nhiêu của tôi không nhớ rõ. Lần đó vào dịp Tết, chúng tôi về nước, nhưng ở hai thành phố khác nhau, rồi những liên lạc thưa thớt dần, đã bước sang tuổi mười tám, không còn bẻ gãy sừng trâu, nhưng cái tôi to đùng thì vẫn ở đó. Tôi đi chơi, hẹn hò nắm tay, ôm ấp một chàng trai khác, để làm gì? Chỉ để xoa dịu cái tôi cao ngất trong lòng, chỉ để anh biết rằng nếu anh không quan tâm tôi, khối thằng khác sẽ làm chuyện đó.
Ôi suy nghĩ của một con bé mười tám tuổi cũng chỉ có thế, tình yêu không đủ lớn để hi sinh, yêu người thì yêu người nhưng yêu mình trên hết, yêu cái tôi của mình trên hết, cái tôi của mình là bắt khả xâm phạm, là đừng hòng có thứ khác để cân đo đong đếm.
Và ôi chỉ có thằng con trai mười chín tuổi mới mải mê với những trò chém giết, dán mắt vào laptop, rồi không biết người yêu mình ra sao, tình yêu không đủ lớn để hi sinh, yêu người thì yêu người nhưng games là trên hết, games là bất khả xâm phạm, chưa lên cấp là chưa yêu người.
Ít ngày sau đó trở lại Singapore, ngồi với nhau trên nóc nhà, mỗi đứa cầm một chai ken, chúng tôi vẫn thường như thế, hai đứa bốn chai ken trên nóc nhà, cho đến tờ mờ sáng, nhưng hôm đó là lần cuối cùng, dù cho đến giờ, tất cả đã trở thành những ký ức vô giá, ít nhất đối với riêng tôi. Tôi nói với anh rằng mình về Việt Nam ba tuần, lại hai mươi mốt ngày không hề tưới cây Thanh Xuân, mà nó vẫn sống.
Anh nói nhưng mà nó đang chết dần, tình yêu của anh dành cho em cũng vậy. Tôi quay mặt đi để anh không phải nhìn thấy những giọt nước mắt chực trào, sau đó chúng tôi ôm nhau. Anh hỏi tôi rằng anh phải làm gì đây, anh thực không biết phải làm gì hơn. Tôi im lặng rất lâu, rất lâu, rồi nói anh phải đi tưới cây đi.
Chúng tôi quay lại với nhau một thời gian, vào dịp sinh nhật, anh tặng tôi một chai Ballantine 21, lúc đó tôi đã tự nhủ, sau này nếu chúng tôi không thành, mỗi khi uống dù chỉ một ngụm Ballantine 21, với bất kỳ ai, tôi đều sẽ nghĩ đến anh, luôn là anh, thậm chí là khi tôi đã có chồng, dù tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó.
Tuồng như anh không quên được chuyện cũ, anh hay nghi ngờ và trách móc tôi vô cớ, dù vẫn hết mực yêu thương. Mỗi lần vậy đều ra sức dỗ dành, ôm ấp, rồi anh vẫn thường hay nhắc “Khi một cái cây đang chết dần thì không vứt đi, không mặc kệ, phải tưới nước cho nó.”
Nhưng chúng tôi không phải là một cái cây, những mạch máu ghen tuông, những dây thần kinh buồn bã chẳng có thứ nước thần nào cứu sống được. Anh chia tay tôi lần thứ ba, lần thứ ba của anh và lần thứ bao nhiêu của tôi không nhớ rõ. Nhưng là lần cuối cùng của tôi và anh, chúng tôi không quay lại thêm lần nào sau đó nữa.
Tôi nhớ anh quay quắt, nhớ anh điên cuồng, tôi hút thuốc, điếu thuốc đầu tiên của tuổi mười tám, đắng nghét, nhưng mùi thuốc lá khiến tôi có cảm giác như anh vẫn đang ở đây vậy. Tôi cặp kè lung tung, gặp gỡ lung tung, nhưng không đêm nào không nhớ anh mà khóc. Chuyện tình của chúng tôi chết yểu, nhưng cái cây vẫn sống, chai Ballantine vẫn chưa khui hộp. Tôi sống vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Cái cây thì vẫn sống, nhưng tôi thì vật vờ, dằn vặt và chờ đợi. Tôi trở nên đố kỵ với một cái cây, tại sao trong khi tôi vật vờ, dằn vặt và chờ đợi, thì nó vẫn cứ sống, vẫn cứ xanh mướt và ra hoa? Tôi trở nên đố kỵ với chai rượu, giá mà tôi cũng có thể đóng nắp lại chuyện tình của tôi và anh, để làm lại từ đầu, giá mà?
Khóc lóc chán, tôi mở chai rượu nốc một hơi thật dài, rồi đổ phần còn lại vào chậu cây, vừa đổ, vừa khóc. Sau đó vào phòng đóng cửa suốt ba ngày liền, mê man trong những suy nghĩ tuyệt vọng. Trong số đó có một lúc tôi đã tưởng tượng ra mình sau hai mươi năm nữa, trở thành một bà cô tứ tuần, thành đạt trong một công ty lớn nhưng vẫn cứ đơn thương độc mã, một số người hỏi vì sao, tôi bảo rằng tôi vẫn đang chờ một người mà chỉ cần ngồi với tôi, mọi thứ khác đều không để tâm. Nhưng chờ hoài không thấy.
Ba ngày sau tôi phải ra khỏi phòng, vì sợ chết đói, nhưng tôi chưa kịp chết đói thì chậu hoa đã chết, chết vì độ cồn.
Chuông cửa nhà phòng 24 block 162 lúc 5 giờ sáng, trên bậc thềm có một chậu cây héo úa, một chai rượu rỗng, và một tờ giấy A4 gấp làm tư.
“Em đã tưới cây Thanh Xuân như lời anh nói, nhưng nó vẫn chết!”
(Nguồn: Nhà văn TP.HCM)
THANH THẢN GIÁ RẺ
TRUYỆN NGẮN CỦA HOA NIP
NVTPHCM- Thành đang ngồi nhậu giữa đêm hôm khuya khoắt cùng đám bạn trước cổng nhà mình. Trong khuôn đêm yên ắng ở nơi xó xỉnh ấy vẫn có những hoạt động. Một vài toán lao công đi thu gom rác. Một người đàn bà luống tuổi đi qua đi lại bàn nhậu để nhặt lấy những vỏ lon bia mà bọn Thành vứt ra. Thành để ý thấy đêm nào người đàn bà nhặt ve chai này cũng ngang qua đây lúc khuya khoắt. Bà ta bới hết đống rác của nhà này nhà khác để tìm những thứ vứt đi còn giá trị. Một vỏ lon bia năm trăm đồng. Hai vỏ lon một nghìn đồng… Thỉnh thoảng bà ta nói vào bàn nhậu những lời cảm ơn không ai hiểu, hoặc như bọn Thành không nghe rõ bà ta nói gì.
Giờ đang là mùa trái bàng rơi. Mùa hè. Trái bàng chín. Mưa và gió làm những trái bàng rơi lộp cộp trên mái tôn, rơi lộp độp xuống vỉa hè. Có những khi đang ngồi nhậu dưới cơn dông đêm, Thành thấy vài người đàn bà đi say sưa nhặt trái bàng rơi. Một đêm bọn họ quay lại dưới gốc hàng cây bàng này vài lần, vì cứ nhặt hết đợt này, những trái bàng lại theo nhịp điệu của cơn dông để rơi tiếp những đợt khác. Thành thấy lạ nên cũng dò hỏi thử thì biết một mớ bùi nhùi thông tin về quả bàng: “Tôi nhặt về làm thuốc chữa bệnh”, “Tôi nhặt về bán, một ký bàng tươi những bốn ngàn”, “Bác nhặt về bán cháu ạ. Một ký bàng khô hai trăm nghìn đấy”…
Đôi khi, đám nhậu của Thành cũng gặp những kẻ quấy rầy lếch thếch chân mặt đá chân chiêu đi qua. Gã say xỉn đó mới đầu sáp lại bàn nhậu để hỏi đường đến công an phường. Rồi gã tiếp tục phân trần về việc bị ai đó hành hung và dơ khoe cùi chỏ trầy xước đôi tý, mặc cho đám nhậu của Thành không ai hỏi và cũng không ai muốn nghe. Rồi gã xin được uống một ly bia. Nhưng màn kịch của một gã say xỉn đã không thành công vì đám nhậu khăng khăng từ chối. Bạn của Thành, có người nổi nóng với gã say xỉn đuổi đi, có người lôi kéo gã chỉ hướng quán nhậu đang sáng đèn gần đó. Rồi gã cũng mò sang quán nhậu gần nhà Thành. Và khoảng vài phút sau thì công an cũng đến vì có ẩu đả trong quán nhậu.
Có khi, đám thanh niên nào đó cũng choảng nhau từ trong quán đến ra ngoài đường. Vụ ẩu đả của đám thanh niên tưởng chừng như sẽ phá vỡ mất không khí tĩnh tại của màn đêm. Nhưng không. Ở bên này đường, bàn nhậu của Thành vẫn ung dung ngồi nhậu, mặc kệ đám thanh niên đang ẩu đả bên kia đường. Như thường lệ, công an phường lại được dịp đi làm nhiệm vụ của mình. Sau vài phút bát nháo, màn đêm lại được trả về vẻ tĩnh lặng nguyên thủy của nó.
Đồng hồ chỉ gần hai giờ sáng, như thường lệ giờ này, hai thiếu nữ mặc quần ngắn cũn cỡn để lộ cặp chân trắng muốt trong đêm, chạy xe tay ga phóng vút qua nhà Thành. Thấy bạn nhậu hào hứng nhìn theo cặp dò trắng muốt của hai con nhỏ đó, Thành bảo: “Chị em nhà con Mến ve đó. Hàng này bấy bá lắm, không ngon lành gì đâu. Làm gì còn gái ngoan ngoài đường giờ này chứ. Bọn mày thích thì để tao alo hai đứa nó quay lại đây nhậu với anh em mình”. Vừa dứt lời, Thành rút ngay điện thoại alô cho một trong hai thiếu nữ đó. Đầu dây bên kia trả lời: “Anh Thành hả, em mới nhậu xong, mệt lắm, em về đây, để khi khác nha. Bye anh”. Tút tút tút… điện thoại kêu. Thành quay sang đám bạn, trần tình: “Hai đứa này chắc mới trong sàn ra. Bọn này chơi thuốc lắc, đập đá như điên, muốn hốt lúc nào cũng được.”
Đêm đó, lúc sắp tàn cuộc, đột nhiên có một người bán vé số đi đến mời mua. Bàn nhậu ai cũng lắc đầu nguầy nguậy. Tay bán vé số lẳng lặng rời đi. Một tập vé số rơi ra ngay bên cạnh làm Thành chợt nghĩ, quái lạ, lần đầu tiên thấy một thằng đi bán vé số giờ này, trên một con phố im lìm như thế này. Giờ xấp vé số lại rơi vào chân mình. Chắc trời cho tiền rồi. Nghĩ đoạn, Thành rút mười ngàn đồng mua một tờ và cười hỏi: “Xấp vé số tự nhiên rơi ra hay mày cố tình làm rơi vậy?” Gã vé số phân trần: “Tự nhiên rơi ra đấy anh ạ”. Gã xởi lởi: “Xấp này còn nguyên, bọn anh mua nốt đi. Lỡ trúng thì phải trúng cho dày chứ”. Thành mặt làm bộ nghiêm trọng: “Không. Tao không cần nhiều tiền. Chỉ cần trúng một tờ để lấy vợ. Để cho người nghèo khổ hơn tao trúng nữa chứ”.
Hải ngồi bên cạnh Thành nãy giờ lên tiếng: “Thôi, lấy cho bọn anh sáu tờ đi em trai”. Rồi Hải phát cho từng chiến hữu mỗi người một tờ. Tờ vé số chuyền đến tay ai, cũng có một lời tuyên bố dặn dò kèm theo. Phát cho thằng Thành, Hải bảo: “Tờ này chúng tao rất mong mày sớm lấy vợ, có thêm chút vốn làm ăn, chứ lương giáo viên thể dục như mày thì bèo lắm, ba chục năm nữa cũng chưa lấy vợ được”. Phát đến thằng Bình, Hải bảo: “Tờ này để vợ chồng mày mua nhà ở riêng, khỏi phải chung đụng với ông bà già. Mấy căn chung cư trả góp bây giờ rẻ lắm, ban đầu chỉ cần đóng hai trăm triệu thôi. Còn dư, mua chiếc xe thỉnh thoảng chở bọn tao đi chơi hỉ?” Gửi gắm thằng Bình xong, Hải cười tủm tỉm. Đến thằng Duy, Hải tỏ vẻ ân cần thông cảm: “Cho thằng Duy luôn hai tờ, là để ba mẹ mày khỏi bán nhà nữa. Nhà mày rao bán, tao tiếc đứt ruột cái sân hồi nhỏ tao với mày hay chơi đá bóng”. Chuyền vé số đến thằng Nam, Hải cười toe bảo: “Tờ này mày tha hồ in tiểu thuyết nhé. Hi vọng là mày sẽ làm rạng danh xứ khỉ ho cò gáy này hỉ”.
Hải cầm một tờ còn lại trong tay, phe phẩy bảo: “Nói thật với bọn mày là xưa nay tao chưa từng tin vào ba cái trò vé số ích nước lợi nhà này. Trúng số còn khó hơn bị sét đánh. Tao mua là vì thằng Thành nói đúng quá, chả có thằng ma nào bán vé số vào giờ này cả. Vả lại tao thấy rõ ràng là thằng vé số nó không cố tình làm rơi đâu. Điềm như thế nếu không bỏ tiền mua thì áy náy lắm. Nếu trật thì chỉ mất có dăm chục nghìn. Còn nếu trúng mà mình không mua thì tao e là tao sẽ sống hơn nửa đời còn lại trong áy náy cùng cực. Thế nên bỏ dăm chục ngàn để mua sự thanh thảnh cho nửa đời còn lại là quá rẻ.”
Nói xong, Hải vuốt ve, xếp xếp gấp gấp tờ vé số nhét vào túi quần. Cả bọn kết thúc cuộc nhậu ngay sau khi đã dọn dẹp qua loa. Chẳng có gì thừa còn lại. Hộp giấy, khăn giấy, túi ni lông, mắm muối xương xẩu các loại được gom lại và bị vứt ra đường. Những người bạn chia tay nhau, ai về nhà nấy. Sau một cuộc nhậu cóc ổi, ai cũng uống cho mình một lượng bia đảm bảo vừa đủ để ngủ ngon. Và còn có cả vé số để mang về nữa. Không biết đêm nay bọn họ có mơ chung một giấc mơ nào không?
19.6.2012
(Nguồn: Nhà văn TP.HCM)