GIỚI THIỆU CÁC CÂY BÚT THAM GIA HỘI NGHỊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC : HỒ HUY SƠN, HOÀNG CÔNG DANH
HỒ HUY SƠN (TP.HCM)
THƠ LÀ GÌ?
Thơ không muốn mình bị lạm dụng. “Mình cũng không phải là con ô-sin”, thơ nói. Và lúc đó, thực tình tôi sơ ý. Không kịp ngăn cản thơ. Chiều ấy, một chiều đẹp như mơ. Dưới lòng sông còn vương những sợi nắng. Nhưng thơ chẳng quan tâm.
Thơ chậm rãi đi xuống
Đi xuống
Rồi chìm vào nước sâu
Chỉ còn xác chữ lềnh bềnh
Cũng may
Tôi kịp phát hiện
Tôi vớt thơ lên rồi vội vàng hô hấp. Dùng con dao từ miệng lưỡi người đời. Rạch một đường lên cánh tay. Thật sắc. Máu nhỏ giọt. Từng giọt. Và thơ bắt đầu he hé mắt.
Thơ sống lại rồi!
Người ta xúm quanh
“sao mà dại dột?”
nhưng thơ im lặng
hồ huy sơn cũng im lặng
cái tên đành viết thường
Mục đích
Mục đích của những cuộc chia ly
Thực ra là để gặp những cuộc chia ly khác
Mục đích của việc đâm chồi làm hạt
Không dành lợi ích cho cây
Mục đích của việc ăn, ngủ hàng ngày
Vô hình chung đang vỗ béo sự chết
Câu chuyện về con chim họa mi quẩn quanh trong chiếc lồng và hót
Rồi cũng đến một ngày nó sẽ ngưng giọng và chết...
Dồn dập tự vấn mình về những mục đích
Chợt thấy cô đơn trong thế giới người...
Ngang qua một cơn buồn
Chúng ta rồi rất buồn
Những cơn buồn từ lâu đã biết
Những dặm dài lang thang
chỉ có gió và gió
Cùng những đóa hoa tỏa mùi ly biệt
Chúng ta bên nhau
Ngày đầy lên sự im lặng
Những vang vọng chỉ làm nhau đau
Như gió quất lên hoa ràn rạt
Giữa chúng ta
Là những đường bay chấp chới
Chúng ta tự do trên miền trời
Chưa kịp nói với nhau một câu
Mà mây trắng đã tơi bời!
Không thể trách cơn mưa chiều nay đến vội
Sũng ướt đường băng
Giữa chúng ta có thêm khoảng lạnh
Chúng ta đến với nhau cùng mưu cầu ấm an
Mà ngày thì dài rộng
Chẳng biết đến khi nào
Nắng sẽ giúp chúng ta lấp đầy những khoảng trống.
Ngày Chủ nhật
Chầm chậm chầm chậm đêm qua
Ngủ say trong lòng ký ức
Chỉ nhớ - quên còn thổn thức
Nhớ - quên làm hư hao chính mình
Ngồi trong nhà cũng bị gió xô ngã
Bởi trong gió có mùi hương mùa cũ…
Vách tường bầy mối trễ nải
Để mặc xác chữ ốm o
Câu chuyện cổ tích khép lại
Ta tự nhốt mình quá lâu
Trong một căn phòng thiếu nắng
Trách sao ý nghĩ lụi tàn!
Những ô cửa
Chúng ta đi ra từ cửa mình
của mẹ
Rồi mắc kẹt giữa nhân gian
Với muôn vàn ô cửa
Những ô cửa sổ trên ban công
Sáng mai mở ra tinh khiết
Cùng rất nhiều bông hoa
Mang hương của sự chết
Những ô cửa trên máy bay
Vương mây trắng xóa
Chẳng bao giờ được phép mở ra
Khi trót mang sứ mệnh
Vực cao
Con mắt cũng là một ô cửa
Nhìn tôi thù hằn
Nhìn tôi khinh khỉnh
Rất nhiều thương xót bủa vây
Chúng ta cùng sinh ra bởi một ô cửa
Rồi bị những ô cửa khác giam cầm
Thôi đừng buồn
Ráng đợi ngày đất mở ra một ô cửa
Mặc kệ nhân gian
Chúng ta sẽ an yên…
Ngọn núi của mẹ tôi
Tôi hiện diện trong lòng mẹ tôi là một ngọn núi bời gió, bời cây. Mẹ xây đắp nên và ngày ngày mẹ lẳng lặng chăm sóc cho ngọn núi đó tươi tốt, ngập đầy màu xanh, ngập đầy hương hoa và tiếng chim ríu rít... Mẹ yêu ngọn núi của mình.
Ngọn núi đó không ưa những cây hoa đổi màu, sáng trưa chiều tối không cùng một dạ. Chỉ có tiếng chim trong veo là xuất hiện trên núi, chỉ có gốc măng hiền ngoan mọc mầm trên núi... Ngọn núi của mẹ cương sức mùa đầy.
Cũng có lúc bão giông, lũ quét. Ngọn núi của mẹ oằn oại, mình ngập trong con dốc nước ồ ạt chảy. Nhưng mẹ vẫn vui vì ngay sau đó ngọn núi của mình lại tươi tốt, sắc xanh tràn trề dưới ánh ngày lộng lẫy.
Nhưng mẹ biết ngọn núi của mẹ vô tâm lắm! Cứ nhởn nhơ cợt đùa với ánh ngày sót lại, nhởn nhơ với tiếng chim hát ca không biết mệt mỏi. Mà đâu biết mỗi chiều mẹ lại trông về hướng núi, mắt nhìn xa xăm. Có biết bao người con hiện diện trong lòng mẹ là một ngọn núi?
Mẹ xây nên ngọn núi để nương nhờ bóng mát, bóng núi thì to mà sao không che hết bóng mẹ?!
HOÀNG CÔNG DANH (QUẢNG TRỊ)
Truyện ngắn Tâm bão
…Vào hồi 5 giờ sáng hôm nay, ngày 26 tháng 9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi khoảng 120km, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh đến cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong mười hai giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây - Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km. Đến 19 giờ hôm nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Bình - Đà Nẵng, và tràn vào đất liền…
Tiếng báo hiệu thảng thốt vang lên từ chiếc rađiô đặt trong tịnh thất của ngôi chùa nhỏ. Lúc ấy mới sáu giờ, trời chưa sáng hẳn. Sư thầy vừa tụng xong hồi kinh đầu ngày, đang vặn nhỏ lại mấy cây đèn dầu trên bàn thờ, nhỏ đến mức mỗi chúp lửa chỉ còn bằng hạt đậu xanh. Điệu Sanh biết thầy có thói quen nghe đài buổi sớm nên ngay sau khi dứt chuông vãn hồi, điệu đã rời chánh điện, lui vào tịnh thất bật đài lên. Và tin bão đến.
Nghe tin, thầy không bất ngờ lắm, vẫn an nhiên vặn nốt ba cây đèn còn lại. Tháng chín là mùa mưa bão, xưa nay vẫn vậy, lạ gì đâu mà phải giật mình hay nao núng. Chuyện đâu đã có đó. Bây giờ ngoài trời vẫn đang mưa đấy thôi, lúc râm rỉ khi ào ạt. Mưa kiểu dằng dặc của mùa đông xen lẫn từng đợt mưa trộ của tiết hè. Mưa xạo bên này xạc bên kia, chẳng biết đâu mà lần.
Sư thầy kéo lại tà áo cà sa cho bớt lạnh rồi bước vào tịnh thất, vừa đến cửa đã chạm phải điệu Sanh luống cuống chạy ra.
- Có bão, thầy ơi!
- Không sao đâu, gió mùa thôi con - vừa nói thầy vừa chỉ tay ra vườn cây bao bọc quanh nương chùa - đã có cây cối ngăn bớt, con đừng lo chi cả.
Thực tình, nói là không lo để cho điệu Sanh khỏi sợ, chớ thầy cũng có chút hoang mang. Ở chùa thì chẳng sao, nhưng còn bà con quanh vùng nữa, không lo hóa ra mình vô tâm. Hai hôm trước thầy đi qua đồng, thấy xóm làng đang vào vụ mùa hè - thu. Lúa vàng chen lẫn lúa xanh. Cả cánh đồng thênh thang như thế mà mới gặt có được vài thửa; còn lại nhà thì chờ lúa chín, nhà thì chờ nắng lên mới cắt về phơi phóng. Thầy không làm ruộng vì đất chùa hẹp, chỉ trồng được vườn cây săng lẻ xen vài gốc cổ thụ. Nhưng xuất thân từ con nhà nông nên thầy hiểu cái khó khăn của nghề trông chờ “ơn trời mưa nắng phải thì”.
Thầy vặn to lên chiếc rađiô nghe tin tức, chặp hồi nhà đài lại cắt ngang bản tin để thông báo tin bão khẩn cấp, các công điện khẩn của chính phủ và lãnh đạo tỉnh. Nghe thế cũng ấm lòng hơn, vì chẳng ai bỏ đồng bào mình trong cuộc thiên biến. Quan chức, xưa nay vẫn bị tiếng là vô tâm, nhưng đến lúc hoạn nạn thì tự dưng cái tình người nó trỗi dậy.
Mải nghe tin tức, trời đã sáng hẳn tự lúc nào. Gió lặng. Cây trong vườn tạm thời đứng yên, chỉ còn lá vẫn nhỏ những giọt mưa xuống nền đất ẩm.
Chị gái bán vải, “người quen” của sư thầy, bước vào chùa, cởi chiếc áo mưa mỏng ra rồi vái chào. Nhiều lần chị đến thăm chơi, thành ra sư thầy cũng coi chị như một phật tử thân tín. Và lần nào gặp nhau, cả thầy cả chị đều nở nụ cười thanh thoát sau nghi thức chắp tay chào vốn dĩ của nhà chùa.
- Mưa quá thầy ạ – vừa nói chị vừa đưa tay vuốt lẹ khuôn mặt ướt đẫm nước, vẫn còn vài giọt bám ở dưới tai và hai bên sống mũi.
- Chị vừa dưới nhà lên hay đi đâu ghé vào? Mưa gió thế này…
Thầy hỏi một câu mà như không hỏi, rồi bỏ lửng câu nói ngang đó. Trong lúc tay đang pha ấm trà. Mưa thì mưa gió dẫu gió, cũng phải làm ấm trà mời khách cho ấm cái đã. Chính nhờ vẻ điềm nhiên tự tại của nhà sư mà chị hay đến chùa. Bởi cứ hễ gặp thầy, dù chưa nói chuyện gì chị vẫn cảm thấy sự an tâm, một nguồn động viên kỳ lạ.
- Con ở dưới nhà, thức dậy từ sớm. Nhưng nghe tin bão đến. Chợ đò chắc cũng ế ẩm nên không ra mở quán. Trời thế này người ta lo cái ăn chứ ai nghĩ đến chuyện làm đẹp mà trăng lụa vải ra bán, phải không thầy?
Chị cúi xuống, xách túi đồ đặt lên bàn. Một đùm muối mè với hai chai xì dầu.
- Cái này con đem lên cho thầy với chú Sanh. Ngày mưa rét rau ráng trong vườn chùa không tiện kiếm. Với lại, biết đâu được, nhỡ mà lũ thì vẫn có cái ăn. Con cũng rang vội ít muối mè đem lên. Cái tính con nó thế, sống một mình nên cứ hay phải lo trước. Thầy đừng trách.
Mấy chữ “sống một mình” mà chị vừa nói khiến thầy cảm thương quá. Hồi điệu Sanh chưa vào chùa, thầy vẫn sống một mình đó thôi. Song, bên thầy còn có những bức tượng Phật và Bồ tát nên chẳng thấy cô quạnh. Còn bây giờ, khi nghe chị nói, tự dưng mắt thầy như trôi về phía căn nhà nhỏ của chị, ở trỏng đồ đạc đầy đủ nhưng vẫn thiếu những hình người. Một bức ảnh kỷ niệm ngày cưới thì chị đã gỡ xuống, tháo khung gỗ, cuộn tấm hình lại từ bữa ly dị với anh.
Chị đặt tách trà xuống, tay vẫn chưa hết lạnh khiến tách trà gõ tiếng cụp vào mặt bàn. Sư thầy thoáng giật mình.
- Cảm ơn chị. Thế này thì phiền chị quá - chợt thấy lời vừa nói hơi khách sáo, thầy tiếp - mùa này mà có muối mè ăn vừa ngon vừa chắc bụng lắm. Hồi trước, bà cụ nhà tôi cứ hễ trời trở gió là đem đậu lạc ra rang, rồi giã muối hột trộn thành một hũ to. Thế này này - Thầy khoanh hai bàn tay quanh ấm trà. Nghĩ lại, thấy các cụ nhà mình cũng mẹo ra phết - Chẳng thế mà người ta bảo, ngày đông không chăn ăn cơm mè cũng ấm.
Ngoài trời mưa tạm ngớt, gió phạt qua vườn cây viu viu âm thanh rất nhỏ. Cái khoảng lắng của ông trời ấy thật dễ sợ. Cứ như đang lũ mà có nắng là nước lên chứ đừng tưởng bở là trời tha. Và cũng chính lúc trời yên thế này, lòng người ai biết được, đang cuộn sóng mạnh, có thể nói ra hết nỗi niềm của mình.
- Cứ đến mùa mưa lũ con lại sợ, thầy ạ. Cái hồi anh ấy mới đi khỏi nhà. Mùa lũ đầu tiên nước tràn vào ngang đầu gối, con phải dùng cái bàn như căn nhà thu nhỏ, mọi sinh hoạt tất tần tật trên đó cả. Lắm lúc cứ muốn lao đầu xuống nước cho xong.
Nói đến đấy, chị cúi xuống, buồn. Sư thầy chêm thêm nước vào tách trà. Thầy chẳng biết an ủi chị như thế nào, chỉ góp chuyện.
- Ở đời, sống khó mà chết cũng chẳng dễ đâu. Chết chưa chắc hết khổ, có khi chính cái sự liều lĩnh dại dột ấy lại tạo khổ nghiệp cho kiếp sau. Chi bằng cố gắng sống, chứ tìm đến cái chết thì chẳng khác nào lối sống buông thả. Lạ thế, con người ta cứ nghĩ chết là hết, ừ thì hết thật đấy, nhưng vẫn chưa xong.
Gió nổi một đợt, thốc mạnh, đánh ạt cánh cửa sổ gập sát vào bức tường. Chị xin phép ra về.
- Con hiểu ý thầy rồi. Tranh thủ trời lặng mưa, con chạy ù về tháp lại mấy cánh cửa đã. Cũng may bão số bốn không đi thẳng vào vùng này, thầy ạ. Mình chỉ bị ảnh hưởng thôi.
Đúng như lời chị nói, bão không đánh trực diện. Hiện giờ nó đang ở ngoài khơi và có xu hướng đi chếch lên phía bắc, nhằm vào hòn đảo Hải Nam. Ở vùng này cùng lắm chịu ảnh hưởng gió và nước trên thượng nguồn đổ về gây lũ nhỏ. Thầy có một kinh nghiệm đoán bão. Cứ ra giêng, thầy thường đi quanh mấy lùm tre, tìm những chồi măng. Chồi măng mọc ngoài thì không sao, nhưng hễ nó mọc vào giữa bụi tre là năm ấy bão to. Có lẽ kinh nghiệm đó thuần túy suy luận, rằng người ta thường nói vững như tre trước bão giông, bây chừ mụt măng nó mọc giữa bụi thì chứng tỏ gió mạnh khiếp lắm. Thế nhưng từ dạo ra Tết đến nay, mấy lần thầy đi khắp lũy tre trong xóm, coi thật tỉ mẩn mà vẫn không thấy một mụn măng nào, thật khó đoán định.
Đài lại chen ngang tin bão. Vẫn ổn định hướng đi, có thể bão đã lạc ra khỏi địa phận nước Việt. Nhưng cấp trên vẫn thúc giục nhân dân đề cao cảnh giác, không được chủ quan. Tính trời khó lường, như lòng người vốn khó đo vậy.
Suốt cả ngày hôm ấy lòng thầy cứ hoang mang. Lúc nhà đài kể chuyện lãnh đạo tỉnh đang đi thăm các gia đình neo đơn là thầy lại nhớ đến chị. Cũng cảnh neo đơn, một thân một phận. Mà người sống cô đơn hay làm liều lắm, cứ nghĩ không còn gì để mất.
Đến trưa, mấy cây chuối sau nương chùa chúc xuống, mưa mấy ngày nay làm long đất, thêm ít gió quật ngã chúng. Điệu Sanh xin sư thầy chặt số chuối ấy đóng chiếc bè, lỡ lũ chèo chơi. Chuyện đóng bè mùa lũ hầu như ai ở nông thôn đều biết, nó như cái thú vui của trẻ con khi nước về. Thầy cũng có một tuổi thơ như thế, chặt chuối đóng bè chèo quanh sân. Còn bây giờ, khi nghe điệu Sanh đòi đóng bè, thầy lại nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Tiền đường thả một bè lau cứu người”. Có khi thầy phải đóng chiếc bè chuối, lũ còn chèo quanh xóm coi giúp được ai chút gì cũng nên.
Trời tối sớm, mọi hôm giờ này kênh AM đang phát chương trình văn nghệ, riêng hôm nay tạm hoãn để phát tin tức gió bão khắp nơi. Hai thầy trò ăn bữa cơm chiều sớm hơn mọi ngày. Bữa cơm chay ngày gió đạm bạc, có thêm chén muối mè mà chị bán vải vừa đưa đến hồi sáng. Suốt bữa điệu Sanh chỉ ăn mỗi thức ấy, dùng muỗng vãi mè lên trên chén cơm mà xắn từng cục như ăn xôi.
Cơm sớm, tụng kinh cũng sớm. Hôm nay chỉ tụng kinh cầu an thôi. Điệu Sanh mừng thầm, vì kinh cầu an tụng nhanh, chứ không như tụng kinh bộ, cứ ngồi miết suốt buổi.
Mưa ngoài trời nặng hạt thêm, gió quật mạnh từng đợt sát phạt, ngọn gió sắc lẻm như roi cước quất vào da trâu. Cứ vu vu… vút… vút. Thầy đi quanh chùa, kiểm tra cửa ngõ một lần nữa cho an tâm rồi mới lên giường đi nằm. Hôm nay hai thầy trò ngủ chung một giường cho ấm. Sanh thích ngủ với thầy. Nằm với thầy chẳng khác nào ngủ chung với ông nội, hè thì ông phẩy quạt, đông thì ông ủ ấm cho.
Thầy kéo chiếc mền che lên ngang cổ. Điệu Sanh thi thoảng cứ rụt đầu vào trong mền, ngốt quá lại thò đầu ra. Ngoài vườn gió vỗ vào bức tường cái rạt. Sanh giật mình, nghiêng người qua vòng tay ôm lấy thầy, dúi nguyên khuôn mặt vào bên sườn sư thầy.
Nằm một hồi, thầy cứ trằn trọc, điệu Sanh cũng chưa chìm giấc, thật khó ngủ, cứ thiêu thiếu cái gì. Kể chuyện đi, mỏi mồm ắt sẽ ngủ. Ngày trước bà nội Sanh bảo thế.
- Thầy ơi, hồi con ở làng. Trời lũ là cả nhà lại ngủ chung một chiếc giường. Mạ nằm sát trong vách, ba nằm phía ngoài vì lâu lâu phải thức dậy canh chừng nước lên. Con nằm lọt thỏm ở giữa, ấm lắm.
Sư thầy chợt thương điệu Sanh quá chừng. Trẻ con thích nằm giữa mẹ cha, để quay bên nào cũng có tình thương. Còn giờ đây, điệu chỉ có một phía ấm áp, là sư thầy. Mà cái sự ấm áp ấy nó cũng không bằng tình mẫu tử được.
Bất chợt Sanh kéo mền xuống, ngắc đầu lên nói nhỏ:
- Thầy ơi! Hồi nãy sao không bảo chị ấy ở lại đây ngủ cho vui. Về dưới nhà chị ở một mình, giờ chắc cũng chưa ngủ được đâu.
Ý nghĩ hồn nhiên của Sanh thật chẳng trẻ con chút nào. Bằng chứng là thầy đang xúc động mạnh. Ừ, biết đâu cho chị ấy ở lại đây. Không cần ngủ chung đâu, bảo chị nằm bên giường của Sanh thôi cũng được. Chùa vắng, có thêm người càng đỡ hẻo chớ sao. Thậm chí, nếu có chị đang ở đây, thầy cũng cho phép điệu Sanh qua nằm cùng chị, để lây lan một chút tình cảm của người mẹ, thứ mà cả chị lẫn Sanh đều thiếu thốn.
Càng nghĩ, thầy càng thấy tội cho điệu Sanh. Giá cái hồi đó thầy đừng nhận Sanh thì bây giờ đỡ áy náy. Bữa ấy thầy cứ ngỡ Sanh ham cảnh chùa, rồi vài bữa chán ngay thôi, ai dè điệu ấy có căn tu, mắc duyên với tam bảo đến vậy. Sư thầy nghiêng người qua phía điệu, vòng tay ôm lấy Sanh và vuốt nhẹ dọc sống lưng. Điệu Sanh đã ngủ, chốc chốc hít vào nhẹ rồi thở ra thật mạnh, kiểu đang vào giấc ngủ sâu thường thấy ở trẻ con. Thầy vẫn chưa ngủ được, hai mắt chẳng thấy mỏi, đành vớái tay sang lấy chiếc rađiô, vặn từ từ nút mở cho tiếng loa đủ nghe.
Tin khẩn cấp, bão đột ngột rẽ hướng Tây và đã vào gần đến bờ, nghĩa là hướng về vùng đất liền nơi thầy đang sống. Hèn chi đầu hôm đến giờ gió cứ mạnh hẳn, thầy mải nghĩ chuyện đâu đâu quên theo dõi, cứ ngỡ đợt gió cuối cùng nó mạnh thế thôi.
Ngoài sân lá đánh vèo vèo, điệu bay cuộn xoáy thật tròn của đám lá si, lát sau đã tán xuống sân loẻng xoẻng. Sư thầy ngồi nhổm dậy, một ý định bất ngờ mới ập đến, cũng mạnh chẳng kém gì cơn bão. Khẽ đắp lại chiếc mền, cẩn thận bọc quanh người điệu Sanh, thầy bước xuống khỏi giường. Thắp cây đèn lên, cho lửa đỏ vừa hạt đậu. Mở một cuốn sách ra, đặt cây bút ở giữa, kiểu đang đọc dở. Việc này thầy đã từng làm trong những đêm khuya dậy đi vệ sinh, để lỡ điệu Sanh bất thình lình thức giấc mà không thấy sư phụ thì an tâm ngủ tiếp. Nhưng lần này, hình như thầy có ý đánh lừa điệu Sanh, bước đi cứ rón rón rén rén, lật trang sách cũng ngoái lui coi có làm Sanh trở giấc không.
Xong, thầy bước ra khỏi tịnh thất, khép cửa thật nhẹ. Thật ra là giằng lấy cánh cửa từ bàn tay khổng lồ của ngọn gió đang chực đóng sập lại. Khoác vội chiếc áo mưa, thầy đi nhanh ra cổng chùa. Mặc kệ gió đang làm mình làm mẩy với cây cối trong vườn chùa, thầy đi về phía con người. Theo đường mòn hướng xuống xóm chợ, là cái nơi đông mặt người khắc khổ mà thầy ít khi đến. Ở đấy có một khuôn mặt đang hiển hiện dần trong đầu thầy, nước da trắng trẻo tái nhợt đi, chắc lạnh lắm. Rõ ràng khuôn mặt chị bán vải, hồi sáng còn tươi tỉnh mà bây chừ trắng bạch quá thể, mấy đường gân trên trán thâm tím lại. Người ta bán vải nhưng có khi lại khốn đốn vì thiếu áo quần ủ ấm cũng thường. Nói vạ miệng, không phải cám treo heo chết đói, song, đàn bà họ nghĩ cho người khác thì nhiều mà lại vô tâm với chính mình lắm. Khuôn mặt ấy cứ rõ dần rạng dần lôi thầy đi giữa xoáy gió đêm bão.
Cũng nhanh như bão, thầy đã đứng trước cửa nhà chị. Rét run người. Chiếc áo mưa đẫm ướt mặt trong, dính chặt vào chiếc áo choàng nâu tu sĩ thành một tấm mút nhẫy nước, hay là giống chiếc khăn mù xoa của ai đó lau dòng nước mắt không ngớt. Khi đặt tay vào cánh cửa, ổ nắm khóa kim loại lạnh toát truyền một luồng khí khiến thầy sực tỉnh. Ban đêm tự dưng mò đến nhà người ta. Mò, nó thô thiển thật, nhưng cái từ ấy tự thầy nghĩ ra. Lại nữa, đến nhà một người đàn bà không chồng con. Dào ôi, mưa gió thế này ai ở nhà nấy, mặc sức đâu ra đường mà sợ người ta biết. Việc thầy làm đây, chỉ có trời biết đất biết và… Phật biết. Mà trời đất biết, nếu thương thầy thì đừng có làm cuồng phong như thế. Còn Phật biết, chắc cũng sẽ lượng thứ cho thầy.
Vặn nắm cửa hoặc gõ cửa cho lịch sự? Không, không được làm thế - thầy tự nhủ. Hay là lấy cái đèn pin nhỏ trong túi ra, rọi qua khe cửa, xem chị ấy thế nào bên trong? Có phải khuôn mặt trắng bệch như thầy vừa tưởng tượng ra, đường gân thâm tím của người sắp lả đi vì rét mướt. Cũng không được, như thế chẳng khác nào… tên ăn trộm.
Mưa gió ôm nhau dập mạnh, một tấm tôn lợp phía ngoài hiên đã bung thép buộc, cuộn chéo góc đè lên tấm kia. Đứng thế này thì ích gì, làm một việc nào đó nhanh lên. Thầy tự thúc giục mình rồi bỏ hết mấy ý định lúc nãy. Xem ra thầy vẫn ngại, vẫn sợ phạm một điều răn đe nào đó của hàng tu sĩ. Biết đâu được khi cánh cửa mở, thầy đi vào nhà, và từ đó đi ra khỏi chùa. Lối vào chốn này thực chất là lối ra của chốn kia mà thôi.
Lắc đầu cho mọi ý nghĩ bay theo bão, thầy đi vòng quanh nhà, tay sờ vào từng chỗ cửa. Thấy đã nêm nẹp chặt chẽ. Rồi thầy lẹ làng rời căn nhà, hướng về ngôi chùa. Trên đường về, vẫn hy vọng chị ấy đang yên ổn ở trong căn nhà, hoặc hay hơn thì chị ta sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Chỉ có một trong hai trường hợp đó thôi. Nghĩ vậy cho yên tâm.
Đường về có vẻ xa hơn lúc đi, thầy đếm được từng bước chân nặng trịch. Nước mưa xoàm xoạp dưới chân. Có chỗ hố gà, thầy xỉa chân, nước bùn bắn lên tận mặt. Chẳng nhớp! Mưa sẽ rửa sạch ngay thôi mà. Chỉ có điều bùn ấy như bay vào miệng, trôi theo cổ đi vào sâu thẳm nội tâm khiến thầy lớ lớ cồn cào. Bản tin nhà đài phát suốt ngày giờ chỉ còn đọng lại trong thầy hai chữ, và dội lên theo từng ý nghĩ vẫn hai chữ ấy. Tâm bão. Là tâm mình có bão chắc?
Cùng lúc ấy, ở trên chùa, có một người đàn bà cũng vừa bước đến cửa giữa, nắm tay vào ổ kim loại, lạnh toát. Rồi cũng không dám xoay ổ hoặc gõ cửa. Chần chừ chốc lát đành đi quanh chùa mà kiểm tra từng ô cửa sổ xem đã nêm nẹp chắc chắn chưa. Và ra khỏi cổng chùa, theo hướng chợ lần về. Cũng xen lẫn những ý nghĩ lo toan.
Chẳng biết trên đường trở về, hai người có gặp nhau không nữa?!
Có thể gặp, vì chung một con đường nhỏ, lại đi ngược chiều hướng về nhau. Hơn nữa đêm nay mọi người ai đã ở nhà nấy rồi, một bóng người trên đường dễ nhận ra lắm. Mà cũng có thể không gặp, vì mưa to gió lớn, ai cũng chăm chắm đường mình đi, sức đâu để ý đến người ta làm gì.
Chẳng biết nữa!
Chỉ có điều chắc chắn là bão đã vào sát bờ biển. Dù có suy yếu đi nhưng tâm bão vẫn nhằm theo hướng Tây. Nghĩa là tâm đang hướng về phía đất liền, nơi có con người.
Chuyến tàu vé ngắn
Ngay từ lúc bước lên tàu nhận ca trực, anh đã để ý tới hai hành khách ngồi ở ghế cuối toa số năm, cạnh buồng trực của anh. Một người phụ nữ chừng ba nhăm tuổi và cậu bé lên mười. Kinh nghiệm bảy năm làm nghề kiểm soát vé đã cho anh biết rằng những vị khách ngồi ở cuối toa thường đi trốn vé. Nói trốn vé cũng chưa phải lắm, vì nếu không có vé họ không thể bước lên tàu. Trốn vé ở đây là theo kiểu mua vé đi một ga gần, rồi cứ ngồi nán trên toa đến cuối hành trình.
Anh bốn mươi tuổi, vợ đã ly dị cách đây năm năm. Bây giờ anh sống một mình, công việc kiểm vé trên những chuyến tàu giúp anh bớt cô đơn. Anh trúng tuyển vào làm ở ga tỉnh năm hai mươi lăm tuổi. Lúc đầu anh làm gác ghi ở nhà ga, sau luân chuyển, anh được phân công đi theo tàu với nhiệm vụ kiểm soát vé. Và kể từ lúc có cuộc luân chuyển bất đắc dĩ ấy, vợ anh đã quyết định ly dị. Lý do chị vợ đưa ra là không tin được đàn ông nay đây mai đó, lang thang trên những chuyến tàu. Anh một mực phân bua rằng cũng tùy người thôi, có phải tất cả nhân viên đi trên tàu đều lăng nhăng gái gú đâu. Với lại, đây là nhiệm vụ, anh không có quyền thoái thác. Nhưng chị vợ nhất quyết không nghe, bảo, anh ký vào đơn đi, tôi không thể chịu nổi. Chẳng đặng đừng anh phải đưa ra tiếp một lời “cám dỗ”: Làm kiểm vé cũng có thêm chút tiền mà em. Chị trợn mắt lên, tôi không cần tiền, không thèm những đồng tiền nhơ nhớp anh lấy của bọn đi lậu vé. Anh nhắm mắt ký cái roẹt vào đơn. Từ đó anh căm ghét đàn bà, cái giống phụ bạc dễ như trở bàn tay.
Anh nhận ca trực vào lúc sáu giờ chiều. Khi ấy tàu chạy qua một vùng đồng bằng lúa vàng đương chín và nắng vàng cuối ngày. Nắng tràn vào cửa, đổ ụp xuống chỗ ngực áo của cô hành khách cuối toa. Anh dậy lên một chút cảm giác khoan khoái khi ngắm vào chỗ nắng đổ rồi nghĩ, thể nào tối nay cũng có một ca trực vui vẻ.
Nhưng anh chưa vội làm nhiệm vụ ngay vì tàu chưa qua ga nào cả. Nếu có người trốn vé ga lúc nãy, trong toa đã ầm lên rồi. Thường sau khi nhận ca trực, đợi cho tàu đi qua một ga kế tiếp anh mới bắt đầu kiểm vé. Anh đi chậm về phía hai hành khách. Thằng bé nghiêng đầu tựa vào vai chị ngủ thiếp một chốc. Còn chị đưa mắt nhìn ra ngoài cửa, ngắm những nơi tàu vun vút lao qua. Kiểu nhìn lơ lãng nhưng vẫn tỏ ra một chút gượng gạo càng khiến anh tin như chắc rằng hai mẹ con nhà này đi trốn vé.
Chị đánh mắt qua, chạm phải ánh mắt soi xét của anh. Luống cuống chị lại nhìn ra ngoài cửa, mắt đan vào những ô lưới sắt chừng một ngón tay chui lọt qua. Anh nhếch mép, nghĩ, bọn đàn bà lắm mưu nhiều kế nhưng không qua được ta đâu. Anh mở cửa buồng trực, đi vào rồi đóng cái rầm. Nhưng tàu chạy phát ra âm thanh xình xịch to quá khiến tiếng rập cửa chỉ như một viên sỏi ném xèo vào mặt ao, ai đứng gần mới nghe thấy. Chị giật mình.
Buồng trực của anh là một gian nhỏ nằm ở cuối toa, tuy nhỏ nhưng có hẳn một cái giường cá nhân. Nếu đem so với tổng thể không gian toa tàu, cái buồng nhỏ ấy xem ra cũng khá thoải mái, vì nó có vách ngăn cách với khách trên toa để anh nghỉ ngơi giữa những lúc làm nhiệm vụ. Thỉnh thoảng anh lại bán buồng trực cho một hành khách muốn nghỉ qua đêm một cách thẳng chân thẳng tay, và anh có ít tiền bỏ túi dễ như chơi. Đó chính là cái phần thu nhập thêm mà anh từng đem ra để nhử vợ hồi chị đòi ly dị. Phần anh, sẽ kiếm một ghế thừa ở trong toa, nằm vắt vẻo. Nghề đi tàu lâu năm đã giúp anh quen với kiểu nằm ngủ lắc lư, giống người ta nằm võng, đung đưa càng ngon giấc.
Bảy giờ tối, tàu đỗ tại ga Z. Ba hành khách trên toa đã kéo hành lý xuống tàu. Ghế trong toa lỗ mỗ chỗ trống. Một vài hành khách đã ngủ thiếp lúc trời chập choạng tối nay tỉnh giấc vì tàu dừng, trong đó có thằng bé. Nó đưa mắt nhìn quanh, hỏi: Tối rồi à? Chị lấy hộp cơm lúc nãy mới mua từ cô nhân viên đẩy xe bán trên toa, đưa cho nó, bảo ăn đi. Thằng bé xúc cơm ăn ngon lành, thỉnh thoảng đưa mắt láo liếc nhìn quanh như đề phòng một điều gì đó.
Năm phút sau tàu chạy. Anh đứng lên sửa lại trang phục ngành đường sắt. Nhét áo vào quần ngay ngắn, vuốt phủi ống quần vải cho phẳng phiu, vuốt tóc, đội cái mũ xanh lên. Tất cả các động tác thực hành như khuôn khổ. Mở cửa buồng trực, anh bước ra toa, nện giày vào sàn đi cồm cộp về phía trước. Kiểu đi rất có uy, rất có dáng làm quan to, thế nhưng mãi đến năm bốn mươi tuổi anh vẫn chỉ là một nhân viên đi theo tàu. Bạn anh, đồng nghiệp anh giờ đã là ông này bà nọ. Cái cậu gác ghi trúng biên chế ngành một lần với anh, nay đã là phó ga, chức tước rùng rình, bạc tiền rủng rỉnh. Thế mà anh, chỉ ăn thêm được đôi ba đồng nhờ bán buồng trực hoặc nhận tiền lót tay của khách đi trốn vé. Cái bước chân cồm cộp của anh, nó chỉ mô phỏng cho số cực khổ nặng nề đeo bám lấy anh mà thôi.
Anh đi từ đầu ga, đến một dãy ghế. Xin bà cho kiểm vé. Chị cho tôi kiểm vé. Vé bé ơi. Hành khách đã chìa sẵn cái vé ngay trước khi anh tới chỗ họ. Anh cầm vé, xem lướt qua rồi trả lại. Lát sau, anh đã đứng trước mặt hai mẹ con ngồi ở cuối toa. Anh nhếch miệng cười, nụ cười khá đểu. Chị rón rén cầm hai tờ vé trình ra, kiểu như người ta đến cửa quan đưa một tờ đơn. Trông bộ dạng rụt rè, ngay tức khắc anh đưa bàn tay phải ra, đẩy vé về phía chị, coi như chưa cần xem. Được rồi. Chị và thằng bé thở phào nhẹ nhõm lúc anh đã vào trong buồng trực và đóng cửa. Vậy là qua thêm được một ga.
Hai mươi giờ năm phút. Tàu đỗ tại ga Y. Thằng bé và chị đã đổi chỗ cho nhau từ lúc nãy. Nó ở phía cửa sổ, chị ngồi ở phía cạnh lối đi giữa toa. Thằng bé gác đầu lên đùi chị, chân gác chéo chữ x, bàn chân chạm vào thành toa. Trông nó ngủ rất ngon. Chị cũng đã gật gà nhưng tiếng tàu đỗ xịch khiến chị tỉnh giấc. Một nỗi lo ào đến, mạnh hơn cái nỗi lo ở những toa trước. Như thể lòng chị là một toa chở hàng, cứ qua một ga hàng lại chất thêm vào, nặng chịch.
Tàu lại chạy. Anh đã kịp làm một giấc ngon lành kể từ lúc kiểm vé đến giờ. Đi theo tàu, ngủ ngáy không điều độ. Giấc ngủ thường đan xen nhau, mấy chục phút rồi nghỉ, rồi lại ngủ tiếp. Anh đứng lên, lắc đầu, xương cổ kêu rắc rắc.
Tiếp tục một lượt kiểm vé.
Lần này anh không kiểm hết hành khách mà chỉ nhắm một vài vị khách mới, một vài vị khách khả nghi, trong đó có mẹ con chị. Anh nắm lấy hai tờ vé chị đưa ra, kiểu như bắt trúng một cú gian lận. Bắt được tay day tận trán rồi nhé. Ga ghi ở trong hai tờ vé đã qua từ hồi chiều rồi ả ơi! Anh liếc qua chiếc vé và biết tỏng hai mẹ con đi vé lậu, y chang anh đã đoán định. Anh không nói gì, mắt trợn lên trông dữ tợn, chẳng khác nào muốn ăn thịt người ta. Chị rướm ánh mắt cầu xin. Anh lắc đầu về phía buồng trực như muốn bảo đi theo tao. Rồi anh cầm giữ hai tờ vé, đi đến mở cửa buồng trực. Chị nhẹ nhàng nhấc đầu thằng bé khỏi đùi mình, cuộn cái áo khoác làm cái gối, kê cho nó nằm trên ghế. Thằng bé ứ ứ mấy tiếng trở giấc rồi ngủ tiếp ngay tức khắc. Chị đi vào buồng trực. Anh đóng cửa lại, lắc tay nắm kiểm tra. Đã an toàn.
Vào đây rồi không cần phải hỏi han. Vào được đây rồi thì an toàn. Chị nghĩ vậy và ngoan ngoãn nằm xuống giường, không còn vẻ sợ sệt như lúc ở ngoài toa. Anh cũng chưa vội nói gì, chỉ làm một số thao tác rất bình thường. Lôi cái mũ khỏi đầu và móc phía sau cửa, cởi giày tất ném vào góc giường. Chồm lên. Chị không cưỡng lại, nhưng lắc cái đầu ngoẹo qua bên trái để thở.
- Cũng biết điều đấy. Chắc đã trốn vé nhiều lần? - Anh hỏi.
Chị đáp vẻn vẹn:
- Vài lần. Cái khó ló cái khôn chứ biết điều biết đúng gì.
- Tôi kinh tởm đàn bà - Anh nói khi đã phanh được ngực áo chị ra.
Chị trố mắt ngạc nhiên, hỏi:
- Tại sao?
Anh bảo:
- Đàn bà là chúa khôn ngoan. Cứng đơ đơ như cái thớt lại giãy đành đạch như con cá.
Anh muốn nói tiếp, và chị cũng muốn hỏi tiếp nhưng cuộc hội thoại buộc phải tạm chấm dứt để nhường cho những cử động của tay, của chân, của toàn thân. Tàu chạy xình xịch, có lúc anh để cho mọi cử động tự nhiên theo nhịp bánh ray.
Khi đã xong việc, anh nằm vật ra một bên. Chị cũng không vội vàng mặc đồ, chỉ kéo cái mền trùm ngang phần giữa thân.
- Được rồi đấy. Trừ xong hai cái vé - Anh nói.
Chị bảo:
- Tôi muốn ở lại đây đêm nay. Anh sợ không?
Anh cười:
- Sợ ai?
- Vợ.
- Vợ bỏ đi, con không có. Cô muốn ở lại thì cứ việc. Tôi sòng phẳng. Chuyện vé đã xong. Nếu tối nay tôi muốn tiếp, sáng mai sẽ trả tiền cho cô.
- Tiền để làm gì? - Chị hỏi lại.
Anh đáp, vẻ giễu cợt khinh bỉ:
- Loại như cô không là gái làm tiền thì là gì. Nhưng thôi. Tôi nghĩ là cô sẽ cần tiền, ít nhất trên chuyến tàu này. Nếu không chẳng đi chui đi lủi vé như thế.
Nghe chừng có lý, chị không còn thắc mắc thêm nữa. Trong lúc mặc lại áo quần, chị nói:
- Tôi muốn ở lại đây, để ghế ngoài kia cho thằng cu nằm ngủ thoải mái.
Đến lúc này anh mới nhớ tới thằng nhóc ngồi cạnh chị ta. Anh hỏi:
- Đi làm gái mà kéo theo rơ moóc à? Chắc thằng bé cũng làm một nghề vất vưởng nào đó?
- Anh là nhân viên tàu. Không phải luật sư đâu - Chị chua ngoa đáp.
Anh nằm gác tay kê dưới đầu, mỉm cười.
- Đúng, tôi chỉ là thằng nhân viên trên tàu. Chẳng quyền lực gì sất. Chỉ được tài đánh quả và đe nẹt kẻ yếu.
Rồi như đã quen thân, anh và chị ta nằm nói chuyện giống hai người bạn.
- Nếu tôi có quyền, chắc tôi đã không lang thang trên những chuyến tàu.
- Còn tôi, nếu có quyền, chắc không lang thang đó đây ô nhục kiếm miếng ăn.
Bất giác anh quay qua phía chị, nói:
- Nhưng cô biết không? Nếu tôi thật sự có quyền lực, vợ tôi đã không bỏ đi. Đàn ông không quyền lực hèn thế đấy, yếu thế đấy, đàn bà nó chê. Đàn bà các cô tởm lắm.
Chị cười nhếch mép:
- Tởm nhưng anh cũng xơi đấy thôi.
Anh đấm nắm tay xuống giường, bảo:
- Chỉ là giải quyết vấn đề sinh lý. Cô có biết bọn tàu thủy không. Mỗi lần tàu cập bến, việc đầu tiên chúng nó làm không phải chạy về với vợ với con, mà lao đi kiếm gái để chơi cho bõ những tháng ngày lênh đênh trên biển. Thế mà vợ nó vẫn ở nhà chờ chồng. Còn cái thằng nhân viên tàu sắt như tôi. Chưa xơi được miếng nào vợ đã bỏ đi.
- Vì thế anh ghét đàn bà?
- Đúng.
- Anh bao biện giỏi. Lẽ ra nên làm thầy cãi.
*
Tờ mờ sáng tàu hú một hồi còi dài. Chẳng phải vào ga, chẳng phải gặp đường băng ngang. Người lái tàu hú chơi vậy thôi. Buồn hú chơi như người ta huýt sáo. Cũng có thể là hú để báo cho trên tàu biết trời đã sáng, dậy mà đón ngày mới trên những gập ghềnh đường đi, dù là đường sắt thẳng băng.
Anh rút ví, đưa chị ba trăm ngàn, bảo:
- Tối qua làm thêm một phát là hai trăm, gửi cô thêm một trăm vì đã chịu khó nghe chuyện của tôi.
- Tôi vốn chẳng phải là gái làm tiền, chẳng qua vì hận thằng chồng mà sa cơ. Chuyến này tôi về quê, định làm lại cuộc đời. Đáng lẽ anh là khách chơi cuối cùng của tôi, nếu như tôi không nghe chuyện đêm qua của anh. Nó làm tôi nhớ đến thằng chồng của tôi. Tôi ghét bọn đàn ông các anh lúc nào cũng dùng tiền để mua đàn bà.
Anh chợt sững sờ trước một câu nói khôn. Có lẽ lần đầu tiên anh nghe được một câu nói khá cay cú và sắc sảo của đàn bà.
- Thôi cầm lấy ra mua cái gì cho con nó ăn. Bỏ nó nằm suốt đêm ngoài ghế. Cũng tội.
Chị giật lấy mấy tờ tiền, nhét vào túi quần. Đi ra khỏi buồng trực.
Tàu đỗ lại sân ga X. Một chữ X như cái kéo cắt đứt cuộc hành trình trên tàu. Hành trình ngược ZYX.
Thằng bé lôi cái hộp gỗ đựng đồ đánh giày giấu từ dưới ghế. Chị nắm tay nó bước xuống tàu.
Anh đứng trong buồng trực, nhìn qua khung cửa, thấy hai mẹ con dắt nhau tiến về lối cửa ra. Anh buông thõng một câu: “Đàn bà máu lạnh. Nhẫn tâm với con đến thế là cùng”.
*
Ở phía ngoài sân ga. Chị nói với thằng bé:
- Đóng kịch được lắm. Bây giờ đã xong.
- Con cảm ơn cô. Không có cô con chẳng đi được về đến đây. Con đi đánh giày bị lừa sạch tiền cô ơi.
Chị rút ba trăm ngàn trong túi đưa cho thằng bé, bảo, cầm mà về dưới quê.
Thằng bé đưa mắt hàm ơn, hỏi lại:
- Từ đây về quê cô còn xa không?
Chị đáp:
- Có lẽ cô không về quê nữa.
- Thế cô về đâu?
Chị cười chua chát:
- Lo gì. Lại mua một vé ngắn và đi một chuyến dài.