Thời sự văn học nghệ thuật

17/5
9:16 AM 2017

VĂN NGHỆ KHĂP NƠI (17-5-2017)

Ngày 15-7-2017, Trung tâm KH&VH Nga tại Hà Nội phối hợp với NXB Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu với nhà văn Nga Albert Likhano, tác giả cuốn sách “Ông tướng của tôi”. Tham dự chương trình giao lưu có Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Natalia Shafinskaya; nhà văn Nga Albert Likhano và đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, NXB Kim Đồng, đông đảo các dịch giả, học sinh, sinh viên hai nước Việt Nam và Nga.

Giao lưu với tác giả cuốn sách “Ông tướng của tôi”

 

Theo các nhà tổ chức chương trình, đây là cơ hội để các em HS-SV hai nước Việt Nam và Nga cũng như đông đảo độc giả Việt Nam gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với nhà văn Nga Albert Likhano, tác giả cuốn sách “Ông tướng của tôi” - một cuốn sách đã thu hút sự yêu mến say mê của nhiều độc giả nhỏ tuổi Việt Nam từ những ngày đầu ra mắt tại Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ XX. Hình ảnh người ông, một vị tướng về hưu cả cuộc đời luôn trung thành với những lý tưởng sống cao đẹp đã in đậm trong tâm hồn của cậu bé Anton, cũng như biết bao cô bé cậu bé đã từng đọc tác phẩm.

Tại chương trình giao lưu, nhà văn Albert Likhano đã chia sẻ về bối cảnh của tác phẩm “Ông tướng của tôi” cũng như một số tác phẩm nổi tiếng mà độc giả hai nước Việt Nam và Nga quan tâm; đồng thời giải đáp các câu hỏi của các em học sinh, sinh viên hai nước. Bày tỏ vui mừng khi cuốn sách “Ông tướng của tôi” lần đầu tiên được Nhà Xuất bản Kim Đồng in khổ lớn với những tranh minh họa màu sống động, mang đậm nét tính cách, tâm hồn, cảnh sắc thiên nhiên Nga, nhà văn Albert Likhano hy vọng, tác phẩm này sẽ giúp các em thanh thiếu nhi Việt Nam hiểu hơn về văn học Nga và quan tâm hơn nữa đến các tác phẩm văn học Nga.

Albert Likhanov (sinh ngày 13/9/1935) là nhà văn Liên Xô, nhà văn Nga nổi tiếng viết cho thiếu nhi. Tác phẩm của ông đã được xuất bản trên 30 triệu bản ở Nga. Các tiểu thuyết và truyện vừa của ông được dịch ra 34 ngôn ngữ trên thế giới. Chủ đề chính trong các tác phẩm của Albert Likhanov là sự hình thành thế giới quan của thiếu niên và mối quan hệ của các em với người lớn, vai trò của gia đình và nhà trường trong giáo dục nhân cách học sinh. Ông cũng viết nhiều về đề tài tuổi thơ trong chiến tranh dựa trên cơ sở những kinh nghiệm thực tế bản thân từng nếm trải.

Nhà văn Albert Likhanov có hai tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam là “Ông tướng của tôi” và “Những con ngựa gỗ”.

(Theo: dangcongsan.vn)

Vở kịch đề tài chiến tranh "Bão tố Trường Sơn" sắp ra mắt khán giả cả nước

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2017), Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và công bố vở kịch nói đề tài chiến tranh cách mạng có tựa đề “Bão tố Trường Sơn”. Tác phẩm do NSND Anh Tú đạo diễn theo kịch bản của cố tác giả Trương Minh Phương. Đây là tác phẩm hiếm hoi của Nhà hát Kịch Việt Nam được thực hiện nhờ huy động theo phương thức xã hội hóa. 

Vở diễn đưa khán giả trở về thời kỳ gian khổ, ác liệt nơi chiến trường xưa, kể mối tình của đại đội trưởng Vũ Bông và bác sĩ Diễm Lệ giữa Trường Sơn… Kết quả mối tình của họ là sự ra đời một đứa trẻ, mà sau đó một trong hai người vì sợ ảnh hưởng đến con đường phấn đấu của mình đã không chịu nhận trách nhiệm. Câu chuyện trong quá khứ tồn tại dai dẳng đến 20 năm sau khi hòa bình lập lại... Tác phẩm quy tụ những nghệ sĩ: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Việt Thắng, NSƯT Đình Chiến, Khuất Quỳnh Hoa…

“Bão tố Trường Sơn” sẽ biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 23-5 và tiếp tục đưa đi lưu diễn phục vụ các đơn vị quân đội và nhân dân một số tỉnh, thành phố. Tác phẩm không chỉ giúp khán giả ngày nay hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mà còn hiểu hơn về tâm hồn, trái tim người lính.

Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú, đạo diễn vở kịch nói: "Tuy tên là “Bão tố Trường Sơn” nhưng không bom đạn địch ta, tất cả viết về người cùng một chiến tuyến, ta ứng xử với nhau thế nào nhất là về giai đoạn hậu chiến. Chiến tranh qua rồi nhưng bão tố thì vẫn còn. Ta phải xây đắp hàn gắn dần dần thôi, nhất là những tổn thương về trái tim con người mới là kinh khủng".

(Theo: qdnd.vn)

Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ 12.

Tối 16-5, tại huyện miền núi A Lưới đã khai mạc Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ 12. Ngày hội diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17-5-2017, quy tụ gần 500 diễn viên, các vận động viên dân tộc thiểu số của 5 huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh, gồm: huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. 

Năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày đồng bào các dân tộc miền Tây tỉnh Thừa Thiên- Huế mang họ Bác Hồ. Trong dịp này, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và du khách tham gia ngày hội, như: triển lãm “Sức sống người miền Tây tỉnh Thừa Thiên- Huế” với hơn 140 hình ảnh, tư liệu, hiện vật; triển lãm “Văn hóa- Du lịch và Biển đảo” với 250 tài liệu, hình ảnh, tranh cổ động; trưng bày sách về “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”... 

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Các hoạt động lần này rất phong phú trên 400 diễn viên và vận động viên tham gia chương dân ca, dân nhạc, dân vũ vừa thi thể thao, triển lãm. Bên cạnh đó  huyện cũng đã xúc tiến du lịch, trong đó có lễ hội mừng cơm mới của đồng bào địa phương và một số hoạt động về ẩm thực. Hoạt động lần này phong phú và đa dạng thu hút được đông đảo nhân dân tham gia”.

(Theo: VOV.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *