VĂN TRẺ VIỆT: THỰC TRẠNG&TRÁCH NHIỆM
Nhà phê bình trẻ Trần Xuân Tiến
1. Văn trẻ Việt – từ góc nhìn thực trạng
Hòa mình cùng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế trong những năm đầu của thế kỷ 21 này, văn học trẻ Việt đang dần khẳng định mình với những thay da đổi thịt ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng độc giả. Nhưng trước cơn bão của toàn cầu hóa, định hướng của văn trẻ Việt sẽ có diện mạo như thế nào?
1.1. Cẩn thận với tính đại chúng
Không khó để nhận ra rằng tính đại chúng đang ngày càng phổ quát và trở nên đậm đặc trên văn đàn trẻ Việt. Ngày càng nhiều nhà văn trẻ được độc giả biết đến, cảm mến và ái mộ không khác gì một minh tinh màn ảnh. Hàng loạt các chuỗi chương trình ra mắt sách, giới thiệu sách được thực hiện một cách quy mô, dựa trên những kịch bản kỹ lưỡng. Đã xa rồi việc trải nghiệm một tác phẩm văn học mà chỉ đơn thuần là tiếp cận trên văn bản. Giờ đây, người đọc có thể mặt đối mặt với tác giả, trực tiếp đưa ra những câu hỏi băn khoăn về nhân vật, tình tiết trong tác phẩm mà mình quan tâm. Độc giả có thể xin chữ ký tác giả, chụp ảnh lưu niệm, có thể lên trang mạng cá nhân của tác giả để theo dõi tin tức về tác phẩm. Một thể thức thưởng lãm văn học không khoảng cách như thế phần nào đã tạo được hiệu ứng tích cực, đưa tác giả và người đọc đến gần nhau hơn, cùng nhau hòa mình vào thế giới văn chương đầy huyền diệu.
Thế nhưng, với một phương cách quảng bá văn học nặng về truyền thông đại chúng như thế, nhiều căn bệnh từng được xem là chỉ xuất hiện khu biệt ở giới showbiz thì giờ đây cũng lây lan ngày càng trầm trọng trong giới viết lách. Đình đám nhất là gần đây, để cảm ơn độc giả đã mua sách ủng hộ mình với số lượng khá lớn, một cây viết trẻ đã đăng trên trang cá nhân của mình hình ảnh khỏa thân cùng lời nhắn gửi “tụt quần để cảm ơn”. Nhiều độc giả chỉ biết ngán ngẩm với màn kịch vụng về kiểu viết chữ khoe thân này. Một cây bút trẻ khác thì thường xuyên lên trang cá nhân phê phán những điều chưa hay trong xã hội không phải mang tính chất xây dựng mà bằng những câu văng tục, chửi bới hết sức phản cảm. Thiết nghĩ, các nhà quản lý văn hóa cần có những biện pháp tích cực cụ thể nhằm tạo ra một bức tranh lành mạnh hơn, tránh những ảnh hưởng xấu từ những nhân vật được cho là cây bút trẻ nhiều người hâm mộ như thế này.
1.2. Tinh hoa thiếu bà đỡ
Câu chuyện lại diễn biến theo chiều ngược lại khi những tác phẩm văn chương thật sự lại chưa được cả những người trong cuộc lẫn độc giả quan tâm. Các đơn vị xuất bản thì chăm chăm chạy theo các tác phẩm thị trường, dễ lòng chiều theo thị hiếu số đông mà khước từ những tác phẩm có chất văn chương đúng nghĩa, phản ánh sâu sắc những hiện tượng đời sống xã hội. Tương tự, các đơn vị phát hành cũng dồn sức quảng bá cho các tác phẩm đại chúng bán chạy, còn những tác phẩm tinh hoa thì xếp gọn vào những kệ sách trong góc khuất của các cửa hàng. Điều này ngoài việc vì xu hướng chạy theo lợi nhuận còn là do nhận thức sai lầm về giá trị của tác phẩm văn học. Người ta đã lầm tưởng khi lấy sự hâm mộ của số đông để làm thước đo cho chuẩn giá trị của một tác phẩm nào đó.
Nhận diện những tác phẩm thật sự văn chương đang là vần đề cấp thiết cần đặt ra không chỉ cho giới làm sách mà còn là phần việc của người đọc. Cần định hướng và xác định cho bản thân một thị hiếu đọc chất lượng hơn. Cần trau dồi và nâng cao bản lĩnh tiếp nhận hơn là cứ chạy theo số đông, đọc vì tò mò, đọc vì cho bằng bạn bằng bè. Vì thế, một diện mạo của văn chương Việt với những phối cảnh tươi sáng và lạc quan một phần là do độc giả làm nên. Lựa chọn cho mình những trải nghiệm cùng văn chương đích thực luôn là một việc làm sáng suốt và có ý nghĩa lâu dài.
2. Văn trẻ Việt – sao cho vẹn cả đôi đường
Những cuộc tranh luận về tính văn chương trong các sáng tác của giới cầm bút trẻ vẫn đang chưa đến hồi kết trên cả các diễn đàn báo chí lẫn ở khu vực giảng đường. Phái bi quan thường bày tỏ sự phiền lòng của mình vì những nội dung hời hợt, lối viết non tay của các tác phẩm văn chương mà họ cho là đã và đang được giới truyền thông nâng tầm quá mức; từ đó gây nên nhiều hệ lụy, đặc biệt là sự ảo vọng về nghề viết văn vốn nhiều nhọc nhằn và đầy chông gai cùng con chữ.
Còn phái lạc quan thì luôn khẳng định thái độ ủng hộ người trẻ dám viết, dám thể hiện những khúc mắc đời tư, những cảm xúc vui buồn giận hờn của một “thế hệ khác lạ” đang sống trong xã hội công nghiệp luôn biến chuyển không ngừng bởi công nghệ và tri thức. Tất nhiên, đâu đó vẫn có những ý kiến dung hòa giữa hai quan điểm trên. Có thể nói, từ góc nhìn dung hòa đó, cho phép chúng ta gợi ra nhiều giải pháp để không làm tổn thương cả người sáng tác lẫn người người đọc.
2.1. Công nhận những cách định nghĩa khác
Việc chúng ta đòi hỏi một tác phẩm văn học của người trẻ phải có nhiều tính văn chương hơn thay vì những câu chữ tản văn vu vơ không đầu không cuối và không ghi đậm dấu ấn cá nhân, từ một góc độ nào đó, cho thấy sự “dán nhãn” từ những mặc định khi chúng ta định nghĩa về văn chương. Cần nhiều tính văn chương hơn nữa, nhưng chính xác như thế nào là “tính văn chương”? Khi cùng bàn luận một chủ đề nào đó, việc xác định rõ những khái niệm là rất quan trọng. Rất có thể, đối với đội ngũ sáng tác trẻ và độc giả yêu thích họ, tính văn chương được định nghĩa một cách giản đơn là những triết lý tản mạn về cuộc sống, là những cách hiểu, cách cảm, cách ứng xử của thanh niên thời nay trước thế thái nhân tình, nhất là trong tình cảm lứa đôi, hạnh phúc gia đình.
Văn chương của người trẻ là phải thấy trong đó hình ảnh của chính người trẻ. Ở đó, văn chương được xem là những trang đời gắn liền với nhịp sống của thanh niên hiện nay với nhiều tâm tư loay hoay về hành trình khẳng định bản thể, với những ngổn ngang giữa hoài bão tương lai và thực tế trần trụi hiện tại. Như vậy, dù muốn dù không, giới nghiên cứu văn học và những độc giả có phần kén đọc phải chấp nhận về sự tồn tại của một dòng/nhánh văn học đại chúng với những cách định nghĩa mới về văn chương. Tôn trọng sự đa dạng là một thái độ cần và nên có trong trường hợp này không chỉ giúp mở rộng biên độ của cách hiểu về văn chương khiến văn chương hiện diện như một bức tranh đa sắc màu mà còn giúp tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý hào hứng sáng tác của những người viết trẻ.
2.2. Một lối viết có trách nhiệm
Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường xem các sách bán chạy trên thị trường là đích đến của việc đọc. Không khó để thấy cảnh tượng độc giả chen chúc nhau xin chữ ký của tác giả chẳng khác gì “fan cuồng” xin chữ ký của ngôi sao âm nhạc, điện ảnh. Điều đó cho thấy bối cảnh của văn hóa đọc đã và đang thay đổi từng giờ trong sự tác động của văn hóa xã hội đương đại. Một số cây bút trẻ nắm bắt được tâm lý của độc giả trẻ và đã xây dựng hình ảnh người sáng tác như thể một phong cách sống, đại diện của thái độ sống. Đây không khác gì một con dao hai lưỡi đối với người viết lẫn người đọc. Bởi vì, để chịu được sự thử thách của thời gian, để tác phẩm đứng lâu trong lòng độc giả thì còn là câu chuyện dài.
Một cách công bằng, những người viết trẻ cũng cần ý thức hơn nữa về những sản phẩm của mình thông qua những phản hồi của cả độc giả lẫn các nhà nghiên cứu văn học. Không thể cứ mãi dựa dẫm mãi vào hai chữ “giải trí” để tự cho phép mình cái quyền làm nhạt nhòa dần những giá trị cốt lõi của văn chương như giá trị thẩm mỹ, giá trị nhận thức… Nếu cứ giữ mãi “một màu” như hiện tại, các tác phẩm văn chương trẻ sẽ làm hạ thấp dần phông nền của văn hóa đại chúng vốn đã chịu nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.
Nhiều biên tập viên các đơn vị xuất bản đã không ngại ngần chia sẻ với nhau trong những lúc trà dư tửu hậu về những khó khăn khi biên tập các tác phẩm của các cây bút trẻ. Tràn lan những lỗi câu từ, những lỗi diễn đạt là chuyện thường ngày ở huyện khi các biên tập viên này được giao biên tập một đầu sách của tác giả trẻ. Rõ ràng, không chỉ là sáng tạo, không chỉ là phù hợp, là chiều lòng theo thị hiếu số đông, những cây bút trẻ còn cần xác định cho mình một lối viết có trách nhiệm hơn để người đọc cảm thấy hài lòng khi cầm trên tay một ấn phẩm văn chương mà họ chờ đợi. Sự tôn trọng người đọc thật sự không chỉ đơn thuần là chiều theo số đông mà còn phải nâng tầm đại chúng.
Nguồn: NhavanTPHCM