Tưởng nhớ người đi về “Miền xanh thẳm”
Chân dung nhà văn Trần Hoài Dương (ảnh: Thành Duy)
Phút đầu tiên trong buổi giới thiệu cuốn sách, tất cả những người yêu mến nhà văn Trần Hoài Dương đã dành một khoảng lặng để tưởng niệm trong niềm xúc động sâu xa. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông truyền tin cho nhau để cùng có mặt, tạo nên một cuộc gặp gỡ đầy ân tình tại trụ sở Nxb Hội Nhà văn (số 65 Nguyễn Du, Hà Nội). Phía gia đình nhà văn Trần Hoài Dương có chị gái, anh trai và người em gái út đã đến dự.
Từ phải sang: bà Trần Thị Ngà, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà văn Trần Huy Quang (ảnh: Thành Duy)
Nhà thơ Trần Quang Quý – Phó Giám đốc Nxb Hội Nhà văn nghẹn lời khi nhắc đến những năm tháng làm việc, sáng tác của nhà văn Trần Hoài Dương: ông công tác tại Tạp chí Học tập (nay là TC Cộng sản) gần 10 năm, sau đó chuyển về làm biên tập viên tại báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN) 10 năm và chuyển vào TP. HCM làm việc tại Nxb Măng non (Nxb Trẻ hiện nay) trong 10 năm tiếp theo. Đến năm 1992, ông đã xin nghỉ việc, trở thành nhà văn tự do để dành trọn vẹn thời gian và tâm huyết cho văn học thiếu nhi. Gia tài văn học của Trần Hoài Dương gồm 21 đầu sách đã xuất bản với không ít những giải thưởng của Hội Nhà văn VN và Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng TW; ngoài ra, những kịch bản phim, múa rối của ông cũng đạt nhiều giải thưởng.
Sinh thời, nhà văn Trần Hoài Dương luôn tâm niệm: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ.” Khi nhắc đến ông, một người bạn văn thân thiết – nhà văn Nhật Tuấn (cũng mới qua đời) dành những lời trân trọng: “Trần Hoài Dương đã làm giàu và làm sang cho văn học thiếu nhi nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Cỏ hoang”, “Miền xanh thẳm”, “Nàng công chúa biển”… với thông điệp: Để chiến thắng cái ác không nhất thiết phải dùng sức mạnh của gươm đao, bạo lực. Có khi chính sự dịu dàng, thanh khiết của cái đẹp, cái Chân – Thiện – Mỹ cũng là một sức mạnh to lớn cảm hóa, cải tạo, biến đổi cái ác trở lại con đường hoàn lương.”
Bên cạnh tài năng văn chương, bạn bè còn nể trọng Trần Hoài Dương ở nhân cách. Trong ông hoàn toàn có một sự nhất quán giữa trang viết và con người, đó là sự hồn nhiên, trong trẻo, thánh thiện và rất mực tử tế.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ về những kỉ niệm khi ông cùng nhà văn Trần Hoài Dương học lớp báo chí, như vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh một học viên chăm chỉ, mẫu mực khiến nhiều người yêu mến, tin tưởng và sau này là một nhà văn hồn hậu, nhân ái khiến ông nể phục bởi cách sống, cách viết, cách đấu tranh với cái xấu, cái ác của Trần Hoài Dương. Nhà văn Nguyễn Phan Hách nói về buổi ra mắt cuốn sách với đông đủ bạn bè, thân hữu của Trần Hoài Dương: “Chúng ta đến đây hôm nay để cùng tưởng niệm, cùng nhắc nhớ về một tài năng, một nhân cách đẹp chính là hành động tôn vinh văn chương nói chung và hơn hết là dành một lòng kính trọng trước con người Trần Hoài Dương.” Các nhà văn đã có thời sống và làm việc với nhà văn Trần Hoài Dương như: Đỗ Chu, Trần Huy Quang, Trần Ninh Hồ, Trần Ngọc Minh, Lê Phương Liên, Hoàng Cát… đều có những chia sẻ rất cảm động về những năm tháng ở bên cạnh người bạn văn giản dị, khiêm nhường nhưng cũng rất nghiêm khắc với nghề văn.
Kết thúc buổi ra mắt sách, bà Trần Thị Ngà – chị gái nhà văn Trần Hoài Dương thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn tới Nxb Hội Nhà văn, các nhà văn, nhà thơ, bạn đọc yêu mến Trần Hoài Dương đã chung tay góp sức để hoàn thành cuốn sách đúng dịp kỉ niệm 5 năm ngày mất của ông (06-5-2011 – 06-5-2016). Mặc dù cuốn sách hơn 800 trang với hai phần chính: con người và tác phẩm Trần Hoài Dương chưa thật đầy đủ, nhưng phần nào phản ánh được tài năng, nhân cách, tấm lòng thương yêu dành cho muôn loài, đặc biệt là những tình cảm thánh thiện nhất mà ông dành tặng những bạn đọc nhỏ tuổi qua từng trang viết.