Thời sự văn học nghệ thuật

7/9
7:48 PM 2016

TRANG THƠ TỰ CHỌN CỦA NHÀ PHÊ BÌNH VÕ GIA TRỊ

Thế giới hiện đại đang không ngừng quay cuống biến đối với tốc độ vô cùng nhanh.

Thực tế cực động đó đã làm xuất hiện nhu cầu cần có sự hiện diện của cái tĩnh, để tạo ra sự cân bằng giữa tĩnh và động cho sự tồn tại và phát triển hài hòa của cuộc sống cũng như văn học nghệ thuật. Có một nhu cầu sống chậm lại, sống chất lượng hơn, cái chất thiền định vì vậy là xu thế thời đại mang tính tất yếu, và trong thơ ca hiện đại chất thiền cũng rõ ràng là một nhu cầu khách quan. Chùm thơ tự chọn này tâm sự với bạn về thực tế đó ngay trong chính thời chúng ta đang sống. Một ngôi chùa vẫn nằm giữa phố xá đông đúc giữa không gian hiện đại “Chùa tĩnh lặng/ giữa phố phường/ Trong ồn ào/ ẩn một miền / hoang sơ.” (Chùa phố) Không ít những con người đã dành những phút giây quý giá ngàn vàng để tọa thiền góp phần hồi sinh sinh lực “Khi cùng kiệt hết sức mình/Hãy thiền mong được hồi sinh an lành.” (Thiền trong cõi đời). Đó là biểu tượng đẹp, một hành động giàu chất minh triết của thời đại.

Khoa học kỹ thuật phát triển cũng giúp ta cảm nhận được rõ hơn cõi hư không và khái niệm vô vi. Với những thiết bị khoa học hiện đại nhờ Google ta có thể lập tức lấy từ hư không những tư liệu xa xưa, với chiếc máy tính được nối mạng bạn có thể vượt qua không gian hư vô để trò chuyện với bạn bè. Một chiếc tivi lấy từ không trung vô hình chuyển đến bạn những hình ảnh sống động đang diễn ra trên thế giới...  “Nháy chuột/ Gọi quá khứ về.../  Qua Tivi / Dõi  / Khắp miền nhân gian...” (Thời hiện đại). Ta như chợt cảm nhận được cụ thể hơn cái chất “Sắc sắc không không” trong quan niệm sâu thẳm của Phật giáo. Những câu thơ mang dáng dấp thơ ca hậu hiện đại nằm ngay trong chính quan niệm của chúng khẳng định vai trò to lớn của yếu tố vi mô - yếu tố ngoại biên “Thơ thiền sư / Ngẫm sự đời, / Dân gian bình ổn / Nhờ nơi tâm thiền.” (Đọc thơ Pháp Thuận) một thiền sư sống cách chúng ta khoảng nghìn năm. Chất hiện đại và hậu hiện đại con thể hiện ở sự khẳng định vai trò của hiện tại “Như Phật / Hiện tại / Tọa thiền / Hồn trong quá khứ / Tâm liền tương lại.” (Thời gian). Đó cũng chính là những sức mạnh thực sự hiện hữu trong cuộc sống. Thiền giúp nhà văn nhà thơ Võ Quảng giữ được sự tươi trẻ trong sáng tạo văn học thiếu nhi. Thiền giúp nhà văn thương binh Sơn Tùng vượt qua bệnh tật để sáng tạo, giúp nhà văn Hoàng  Quốc Hải vượt qua rào cản của không gian và thời gian để sáng tạo được những bộ tiểu thuyết lịch sử thật sự lớn...

Cái chất cũng như nhu cầu hiện đại và hậu hiện đại đó còn thể hiện ngay trong hiện thực cuộc sống “Tết phố vắng / Chùa lại đông / Khói hương Hà Nội / Hư không cõi thiền.” (Tết thiền thủ đô). Cái chất thiền là hiện thực khách quan thể hiện ngay trong cuộc sống như nước uống “Nước trong hương vị của thiền / Tâm trong thấu được những miền tương lai” (Trong). Hay chất thiền có trong chính giấc ngủ của chúng ta “Giấc ngủ là giấc ngủ sâu / Để hư không xóa lo âu nhọc nhằn” (Ru thiền). Trong tập thơ có bóng dáng những con người hiện đại, lại có bóng dáng của những con người đã về với cõi vĩnh hằng, thậm chí họ sống cách chúng ta hàng nghìn năm, nhưng tư tưởng của họ đều rất mới “Thân như chớp/Sinh lời sấm/Tự tại tâm trong /Sáng tựa sương mai” (Chân dung Vạn Hạnh). Ngày nay chẳng mấy ai làm thơ Thiền, nhưng chất thiền trong đời cũng như trong thơ vẫn đã và đang tồn tại như một nhu cầu thiết yếu cho sự sinh tồn. Vậy nên tôi cũng xin thuận theo cái lẽ tự nhiên này. Đó là cái mới của chùm thơ này và cái mới đó lại rất đậm đà bản sắc dân tộc vì thật ra, thơ thiền ở Việt Nam ta đã có từ nghìn xưa, có nguồn gốc từ đạo Phật với Thiền phái Trúc Lâm. Và chính vẻ đẹp sâu thẳm của nó hôm nay cũng đang “cứu rỗi” thế giới” khỏi sự tan rã của một không gian hỗn loạn.

Cái mới thư hai chùm thơ gửi đến các bạn là một thể thơ mới mà mỗi bài thơ chỉ có 14 chữ, đúng bằng số chữ của của một cặp lục bát. Tác giả xin đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự ra đời của thể thơ mới này. Thơ lục bát là hiện tượng khách quan, cũng là di sản của văn chương và văn hóa Việt Nam. Đó là thực tế hiện hữu cả nghìn năm trước, khi mà ở thời cổ đại các câu thơ trên khắp thế giới bằng nhau chằn chặn, thì ở Việt Nam đã xuất hiện lục bát, những câu thơ mới hơn vì có sự khác biệt, tự do hơn nhưng lại vẫn rất hài hòa nhạc tính. Ta dễ dàng nhận ra kết cấu không gian kỳ diệu trong một câu lục bát ở chỗ câu sáu như tương ứng với sáu mặt của hình lập phương, hình ảnh cụ thể của không gian ba chiều. Còn câu tám như biểu hiện cho bốn phương tám hướng (là tứ tượng và bát quái) trong không gian văn hóa Á Đông. Như vậy, yếu tố hình khối đa chiều của nghệ thuật đã tiềm ẩn ngay trong trong lòng lục bát. Cả câu sáu và câu tám thật thú vị đều là những con số chẵn như duyên trời định cho lục bát nằm trong thế âm dương giao hòa. Những con chữ trong thơ lục bát như nằm trong vũ khúc múa đôi với câu sáu là ba đôi và câu tám là bốn đôi. Thật thú vị khi ta cộng chúng với nhau, sáu cộng tám là mười bốn và chia đôi thì được số bảy là con số của âm nhạc và hội họa, trong âm nhạc có bảy nốt và trong hội họa có ba màu với bảy sắc.  Ta lại có thể chia câu sáu thành hai cặp ba, câu tám thành hai cặp ba và một cặp đôi. Nếu cặp đôi thể hiện sự hài hòa âm dương thì cặp ba thể hiện quan hệ thiên địa nhân của thiên nhiên. Như vậy, thực tế cuộc sống cũng như tự nhiên cho thấy ngay trong một cặp lục bát đã tồn tại rất nhiều các yếu tố hài hòa mang tính bản thể của tự nhiên, của nghệ thuật và ngay cả sự chênh nhau về số lượng chữ giữa hai câu cũng bao hàm trong nó một công án nghệ thuật thú vị. Như vậy, chỉ trong cặp lục bát hai câu thôi đã hàm chứa đầy đủ các yếu tố tự nhiên để từ đó tạo ra sự hài hòa hoàn mỹ cho một đơn vị nghệ thuật mà ta gọi là bài thơ.

Có thể nói điểm chung của mỗi bài ở đây là đều được hình thành từ mười bốn chữ nguyên gốc lục bát với cái đẹp triết mỹ hữu xạ tự nhiên hương đủ để tự nó định hình giá trị cho chính nó. Mọi sự đổi mới cần dựa trên thực tế sáng tạo. Những câu thơ giàu sắc thái lục bát ở vần và diệu ta nên giữ nó ở Lục bát nhị tuyệt cú. Nhưng có không ít bài tự nó đòi hỏi một hình hài và nhịp điệu mới để đến với thể loại thơ mới hơn đó là thể thơ mười bốn chữ. Khi tôi nói với nhà thơ Phạm Đức về thể thơ mới này anh tham gia nên đưa ra luật bài thơ chỉ nằm trong hai câu. Nhưng tôi chỉ thực hiện được lời anh ở lục bát nhị tuyệt cú và cũng thật lạ khi với nó để ở dạng hai câu thì lục bát và thất ngôn lại là hình thức tối ưu. Còn trong thực tế thể nghiệm thì mỗi bài thơ lại đòi hỏi số câu khác nhau, và mỗi câu đòi hỏi số chữ khác nhau. Có lẽ chỉ nên có quy định kiểu như bài thơ chỉ có mười bốn chữ, bạn có thể tự do tung hoành nhưng phải là thơ, có nhịp diệu, hình thức và nội dung phải hài hòa. Kết cấu và tạo hình của bài thơ tùy thuộc vào nhịp điệu thơ, nhịp điệu tâm hồn của người sáng tạo. So với Haiku của Nhật Bản thể thơ này ít hơn là ba âm tiết và tổng số âm tiết là một số chẵn.

Khi sáng tạo thể loại thơ này bạn có thể thực hiện nó theo cách trước hết nên làm một bài lục bát nhị tuyệt cú. Sau đó tùy theo nhịp điệu bài thơ bạn có thể quyết định số câu cho bài thơ. Bạn nên cấu trúc và tạo hình lại cho bài thơ thuận theo tình câu thế chữ mà sáng tạo. Bạn có thể cấu trúc bài thơ liền mạch và có thể chia bài thơ làm hai khổ. Nếu bạn chia bài thơ làm hai khổ thì câu sáu nằm trọn trong khổ đầu và câu tám nằm trọn trong khổ thứ hai. Bạn cũng có thể sáng tạo trực tiếp một bài thơ 14 chữ mà không cần phải làm trước một bài lục bát hai câu. Và khi làm như vậy bạn nên quan tâm đến những tính chất cội nguồn vốn có của thể thơ mười bốn chữ này. Hãy giữ lại cái hồn lục bát cho thơ. Thật ra, khi sáng tạo ở thể thơ mới này thậm chí bạn không nghĩ đến lục bát thì sự hiện diện của nó cũng thể hiện ở con số mười bốn. Chúng tôi nghĩ rằng không nên đưa ra quá nhiều quy định, hãy để người sáng tạo có được không gian sáng tạo rộng lớn nhất. Thật ra, mỗi người viết đếu có thể đưa ra những quy định sáng tạo cụ thể để từ đó tạo nên đặc thù riêng cho thơ mình. Chính điều đó góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều bạn thơ hưởng ứng sáng tác với thể thơ mới thú vị này.

 

Phần thơ tự chọn

 

XIN CHỊ TẬP THƠ THIỀN

 

Thắp hương xin chị thơ thiền

Chị cười cho cả vô biên đất trời.

 

CUỐI NĂM LÀM THƠ

 

Thơ mười bốn chữ

Cuối năm

Mênh mang

Một cõi

Ghé thăm

Chữ Thiền.

 

ĐỌC THƠ THIỀN

 

Phủi bụi trần

Đọc thơ thiền

Tay lấm bụi bẩn

Tâm liền sáng trong.

 

TẶNG NGƯỜI THƠ VÕ QUẢNG

 

Nhà thơ nhắm mắt vào thiền

Yêu thương sáng tạo một miền trẻ thơ

 

THIỀN CẢM TỰ NHIÊN HƯƠNG

 

Sương trong vắt

Mang hồn vũ trụ

Gió trong lành

Mang vị tự do.

 

TRĂNG THƠ VÀ ĐỜI

 

Trăng sáng

Gọi thơ,

Thơ đến

 

Ngó đời

Bể khổ

Ngộ

Lệ thơ rơi.

 

         TÌNH BIỂN

 

               Gió

             tỏ tình

      làm biển động

   Sóng yêu thương

hôn bờ-Mẹ Việt Nam.

 

TỬU THIỀN

 

Rượu thiền tôi uống một ly.

Sao say say mãi vô vi cõi lòng...

 

        TIẾNG TRĂNG

 

Có tiếng gì

trong đêm vắng

Thì ra

Khẽ

Cựa mình

Một ánh trăng.

 

 

 

THIỀN VẠN HẠNH

 

Thiền

thấm

cõi đời...

Vạn Hạnh

Tâm Phật

Dựng nên

Tám Triều vua Lý.

 

SEN THIỀN

 

Thoảng trong gió có vị thiền

Hương sen nở ngát một miền vôvi

 

       DUYÊN VÀ TÂM

 

Gái duyên

Cười

Khóc

Cũng duyên

 

Văn hay

Đẹp ở

Cái tâm

Con người.

 

THĂNG LONG-HÀ NỘI

 

Chớp mắt thiền

Thăng Long

Nghìn tuổi...

Thoáng ngó nghiêng

Hà Nội

Trăm năm...

 

CÂY BÀNG

 

Bàng già lá đỏ đứng thiền

Sang Xuân chợt ngộ xanh miền trẻ thơ.

 

 

 

GIỖ ĐẦU MẸ

 

Một năm

Xa mẹ

Dài vạn kiếp...

Cõi người buồn

Côi cút

bơ vơ...

 

.THỜI GIAN

 

Như Phật

Hiện tại

Tọa thiền

Hồn trong quá khứ

Tâm liền tương lại.

 

XUÂN THIỀN

 

Xuân thiền

suốt

Hạ...

Thu...

Đông...

Để cho

năm mới

mênh mông Xuân về...

 

NHỚ NGƯỜI VĂN HOÀNG TIẾN

 

Ông thiền

Hồn thở

Thăng Long 

Hà Nội

Linh khí

đẫm

trong  văn tài...

 

VÔ VI

 

Trong gió vốn có vô vi

Trong vô vi có gió miền hư không.

 

VÔ THƯỜNG

 

Thế giới

Phong phú

chia

vạn vật...

 

Để rồi

Tất cả

Tụ

Hư vô..

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *