Ở CHIẾN KHU-NHẬT KÝ CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN HUY TƯỞNG
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Vanvn.net xin được trích in lại một phần những trang viết đặc biệt quí giá này, giúp chúng ta sống lại một không khí lịch sử bất diệt của dân tộc.
1
8-8-1945.
Sáng đã lâu anh mới ở đình về thổi cơm cho chúng tôi ăn. Anh ít nói hơn hôm qua. Tôi có phàn nàn là phiền nhiễu anh, anh nói:
- Em thích chứ lị. U em thì thích hai anh lắm. Chả mấy khi...
Ăn cơm uống nước xong, chúng tôi đeo đẫy lên vai, xuống nhà dưới để từ biệt bà cụ chủ. Cụ không để cho chúng tôi xuống tới nơi, tất tả chạy ra sân. Chúng tôi cám ơn cụ, cụ gạt đi:
- Không dám, các anh đến càng vui. Thôi, thế em xin chào hai anh. Hai anh đi việc nước.
Lời nói có một vẻ cổ sơ, long trọng khác thường.
Chúng tôi từ biệt cụ và anh thanh niên tự vệ, ra đình. Anh chủ nhiệm uỷ ban dân tộc giải phóng giới thiệu cho chúng tôi anh ZT mới, một người tròn và thấp, vẻ quê kệch, và nói:
- Đáng nhẽ thì các anh phải đợi một chuyến đông người rồi cùng đi, vì thiếu ZT. Có lần hàng hai chục anh phải ở đây luôn ba tuần lễ mới được đi kia đấy. Vì hai anh đi dự Đ.H. nên mới được đi một chuyến riêng thế này.
Ở đình, thanh niên tụ họp đông. Cũng có sáu bảy phụ nữ. Họ đứng riêng một chỗ. Có người bá vai nhau. Họ nói chuyện thầm, thỉnh thoảng cười khúc khích. Chúng tôi từ biệt anh chủ nhiệm và mọi người, vui vẻ lên đường. Trời lại đổ mưa, sau một đêm tạnh. Ra khỏi làng,m ột cảnh nên thơ: một hồ sen rộng, bên một cái lăng đen xẫm, cổ kính. Màu hồng tươi toàn thịnh, át cả màu xanh của lá, và rực rỡ dưới ánh sáng bạc của mưa dày. Chúng tôi, như cái máy, dừng lại một giây, chiêm ngưỡng cảnh sắc.
Bắt đầu từ đây, cảnh vật không vui mắt như thế nữa. Chung quanh đã thấy xuất hiện lơ thơ mấy quả đồi. Nước lên to. Ruộng hầu hết đầy ăm ắp. Chúng tôi toàn qua những bờ ruộng, phần nhiều chìm dưới mặt nước đục ngầu. Chúng tôi lội bì bõm; đã lâu bây giờ tôi mới lại thấy lại cái cảm giác quen quen, mát mát, lội bùn nhão, rửa chân bên bờ ruộng, và dẫm lên những đám cỏ nhớp nháp và êm êm.
Anh ZT trông cục mịch nhưng rất lém. Anh nói chuyện luôn mồm. Kể từ ngày đi, anh ZT này là người hay nói nhất. Giữa hàng nghìn bờ ruộng, cái nào cũng như cái nào, rắc rối như trận mê hồn, anh cứ đi băng băng dẫn lối, bước nhanh và chắc nịch. Anh hú một cách ghê rợn khi chúng tôi rớt lại đằng sau; anh cười như một người điên, mặt tan biến trong trận cười, khi chúng tôi té nhào vì đường trơn, hay xẩy chân thụp xuống một chỗ lội. anh hỏi chuyện chúng tôi về Cung-đình-Vận; anh thâm thù tênp hản quốc ấy. Anh chửi phát xít Nhật. Anh kể một vài trận đánh du kích anh đã dự. Anh còn nói nhiều nữa; con người cục mịch, tưởng là ngu ngốc ấy, trong câu chuyện, dùng những danh từ nói về chính trị, về khoa học, về quân sự rất đúng, hơn cả anh tự về làng Cẩm Bào. Anh phải có cái tật là hay giở khẩu súng lục mang theo anh. Tôi cảnh cáo thì anh cười tôi, chế giễu:
- Ở đây là nhà mình còn sợ gì, lôi thôi bắn ngay.
Sông Cầu nước lên đầy, trắng xoá cả một vùng. Bên kia sông, mấy chiếc đò đỗ dưới bóng những cây nhãn ngập gần hết thân cây. Những cây quýt chỉ còn là những bụi rậm nhỏ. Thấy đò mãi không sáng, anh ZT rút súng chĩa sang nói đùa:
- Cho một phát bây giờ!
Và anh cười ngặt nghẽo, tra súng vào bao, đặt hai bàn tay lên miệng làm loa, hú lên một hồi rùng rợn. Đêm khuya những người yếu bóng vía nghe có thể chết khiếp đi được.
Qua sông, chúng tôi đã sang tới giang sơn Đội Cấn. Càng ngày càng thấy sự canh phòng cẩn mật. Trụ sở canh phòng ở đầu làng, thường là những điếm canh sẵn có; ở giữa làng nó là một túp lều rơm trong kê một chiếc phản. Có khi không có cả lều; người ta chỉ kê ở vệ đường một chiếc phản không. Những tự vệ ngồi canh, bên cái giá tre cắm giáo mác. Họ cười với anh ZT, và chào chúng tôi như người ở xa mới về.
Chúng tôi vào một cơ quan sạch sẽ, ở làng Hà Châu, có vẻ trù phú: nhà ngói, sân gạch, hai bể cạn, hai chuồng trâu. Trong nhà, lố nhố những thanh niên quần áo nâu phần nhiều mới, người nằm trên giường, người ngồi, người đứng dựa vào những cót thóc đầy ứ. Một người đàn bà đứng tuổi nằm võng gian bên cạnh, hai đứa trẻ trần truồng rúc bên mình, ngỏng đầu lên, đón chúng tôi bằng tiếng chào thân mật.
- Chào các anh.
Các thanh niên đứng cả dậy, vây lấy chúng tôi, hỏi chuyện về Hà Nội. Báo chí không về tới đây, họ khát khao tin tức. Chúng tôi kể qua tình hình thủ đô trong mấy ngày trước khi chúng tôi đi, và không quên đưa ra cái tin Nhật hàng Việt minh mà chúng tôi đã được nghe ở Mai Thượng.
Họ nhao nhao bàn tán; họ báo tin cho những thanh niên mới vào mỗi lúc một đông. Tiếng chào "đồng chí" tíu tít chung quanh. Nhà hiện quang cảnh của một ngày có giỗ. Vẻ hân hoan lộ trên nét mặt mọi người. Trong những người mới đến, tôi chú ý đến một thanh niên, người tầm thước, mặt bầu bầu, da xanh xanh, đôi mắt to rất đẹp dưới hai hàng lông mày rậm, môi đỏ và miệng xinh như hoa. Người anh là một sự điều hoà: ngây thơ mà vẫn nghiêm trang, thông minh mà lại điềm đạm. Anh tỏ ý dè dặt về tin Nhật hàng Việt minh. Anh từ tốn nói: - Chắc là tin Nhật hàng Đồng minh, ta nghe chệch ra là hàng Việt minh. Rồi dân chúng phóng đại ra...
Thấy một tay băng bó gập trước ngực, có miếng vải luồn qua vai giữ lấy, tôi hỏi có phải anh bị thương ở chiến khu không - (vì anh nói vừa ở chiến khu về), anh cười thẹn thò:
- Đâu có cái danh dự ấy: tôi có học ở trường quân chính, nhưng chưa hết khoá thì ốm sốt rét ngã nước phải về. Tay tôi lên cái càng cua, phải băng bó chứ có phải vì thương tích gì đâu. Nói của đáng tội, tôi không được "đánh" trận nào, nhưng có "dự" một trận, thế thôi... Vui lắm.
Tôi hỏi anh về quang cảnh Tân Trào là nơi triệu tập Toàn quốc Đại hội, anh nói:
- Ở trên ấy bây giờ thì vui lắm. Các anh đi mau lên kẻo không kịp. Anh em về đây đông lắm, dọc đường tôi gặp nhiều người ở dưới này lên. Tôi có gặp cả một đại biểu Nam kỳ. Tiếc quá, không được ở trên đó.
Trong trí tôi, bật nổi lên cảnh náo nhiệt ở Tân Trào: rừng núi âm u nay đang vang động tiếng cười, tiếng nói của những chiến sĩ cứu quốc bốn phương tay bắt mặt mừng, dưới lá cờ đỏ sao vàng dựng trên một đỉnh cao chót vót.
Tôi hỏi về tin tức người Mỹ, anh nói:
- Họ có mấy người ở với chúng ta. họ không biết rõ họ, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi thấy họ mặc áo may-ô, quần đùi, hút thuốc lá. Họ có cảm tình với mình lắm.
- Anh có biết tin gì về lệnh tổng khởi nghĩa không? Tôi nóng ruột lắm.
- Cái đó thì tôi không biết. Hôm tôi về thì ở trên ấy đã biết tin Nhật hàng rồi. Thế thôi. Nhưng thế nào chẳng phải tổng khởi nghĩa.
- Chắc chắn là thế. Thế còn anh. Rồi anh định làm gì?
Anh cười thẹn thò:
- Những lúc này mà bệnh với tật, tức quá. Tôi có lẽ sẽ đi công tác chính trị, nhưng tôi cũng thích cả về quân sự. Tôi có thể làm một trung đội trường được.
Bên cạnh chúng tôi, các thanh niên nói chuyện ồn ào, xúm xít chung quanh một thiếu niên bé nhỏ, chạc 15, 16 tuổi, mặt sáng sủa, mắt nhanh như cắt. Thiếu niên rút trong bao da bên mình ra một khẩu súng lục kiểu "Bờ-rô-ninh" (Browning) mọi người vồ lấy. Thiếu niên giữ lại ngắm võ khí của mình một cách say sưa, hiểu biết, kể lại một vài đặc điểm của nó. Một anh nói:
- Cái này "hay" thực. Cái của tôi đã "hay" nhưng không bằng mất.
Họ nói chuyện về súng, về đạn. Một chị phụ nữ, váy còn bết bùn, dựa một cái khua cỏ vào cánh liếp, bước vào, im lặng ngồi bên cạnh thiếu niên, ngỏ ý se sẽ mượn xem võ khí, ngắm nghĩa một hồi lâu, như một người mẹ ngắm con. Anh chủ nhiệm thì nằm ở một xó giường, viết thư giới thiệu chúng tôi với một cơ quan chúng tôi sắp đi tới, trên một mẩu giấy hẹp. Anh thanh niên có cái miệng xinh xinh, nhìn mọi người, cười nghiêm nghị: anh có cái vẻ khách quan của một người từng trải. Tôi nói:
- Ở dưới xuôi, làm gì có cái quang cảnh "anh hùng" kia.
- Đây thế là thường, anh thanh niên đáp.
Tôi sát lại gần đoàn trai trẻ, hỏi chuyện thiếu niên khi ấy đã tra súng vào bao, tay thắt lại dây lưng da, mắt đầy tin tưởng. Tôi nghĩ thầm:
- Trần Quốc Toản khi xưa chắc cũng chỉ thế này thôi.
Nhưng chỉ loáng một cái, Hoài văn Hầu của tôi đã biến đi đâu mất. Chàng thanh niên miệng xinh xinh, nói với tôi:
- Nay mai anh ấy cũng lên chiến khu học trường quân chính đấy. anh ấy hăng lắm, sắm võ khí lấy để đi học.
Phong trào cách mạng và không khí "thượng võ" ở đây kích thích tôi mỗi lúc một mạnh. Tên những lãnh tụ cách mạng - phần nhiều là những bí danh - được nhắc đến luôn luôn một cách thành kính và thân mật. Người ta nói đến các anh Tân Hồng, anh Hưng, anh Văn và còn nhiều anh nữa, nhất là anh Văn.
Anh ZT của chúng tôi bưng mâm lên, chạy đi lấy tương kê - một món ăn tôi chưa biết đến bao giờ - hì hục xới cơm, giục chúng tôi ăn. Anh ăn ngon lành; thấy chúng tôi "khảnh ăn", anh chế giễu:
- Quan viên Hoàng Diệu biết ngay. Anh nào cũng cảnh vẻ. Ăn đi không đói chết. Chịu khó một tí. Ăn bừa đi.
Cơm nước xong, vào khoảng bốn giờ chiều (giờ Nhật), anh ZT nhận những giấy má và báo chí mới. - những tờ báo bí mật đặc biệt vùng trên, - cho vào đẫy, đến vỗ vai tôi, cười như nắc nẻ, dùng hết sức mạnh của bàn tay, bóp chặt tay tôi, nói bằng cả miệng và mắt:
- Đi nhớ, đừng trượt chân ngã nữa nhớ.
Rồi anh từ biệt chúng tôi, trở về Bắc Giang. Anh ZT mới của chúng tôi khác hẳn với những anh ZT đã dẫn đường chúng tôi - trông có vẻ nho nhã, tỉnh thành, răng trắng, da bánh mật, áo lụa quần nâu; trong câu chuyện thường hay dùng tiếng Pháp, và tỏ ra hiểu nhiều về tình hình Hà Nội. Anh chú ý đặc biệt đến đoàn A.S ở Hà Nội; anh kính phục họ, ngưỡng vọng họ:
- Anh em A.S ở Hà Nội thì đáng sợ thực, đáng khen lắm, giết bao nhiêu đứa, mà không bị bắt một anh nào. Thực là thần xuất quỷ một. Vinh dự cho Hà thành bao nhiêu!
Anh chỉ được đọc những bài tường thuật vắn tắt trong báo Cứu quốc, và nghe những tin tức chắp nối, nhiều khi xuyên tạc, truyền đi bằng miệng từ dưới xuôi lên, nên anh yêu cầu chúng tôi kể lại cho rành rõ những thủ đoạn của đoàn A.S.
- Không chê vào đâu được, không hổ tiếng đội danh dự Việt minh.
Tôi kể lại cho anh nghe những vụ giết Hoàng Sỹ Nhu, ở đường La-vơ-răng (Laverran), cai Long ở Bưởi, Sinh ở Ngã Tư Sở; cả những vụ bắn chết viên quan Hiến binh Nhật, cô Thiên Hương, Đỗ Đặng... Tôi kể lại cả những vụ sau cùng: vụ Trương Anh Tự, và liên man cả những vụ giết Lý trưởng Cổ Loa, giết viên Phủ Từ Sơn Phạm Gia Đĩnh... Anh ZT cứ tấm tắc khen... Lắm lúc đập chân xuống đất:
- Tài quá! Thực ly kỳ hơn truyện trinh thám. Lê Phong chẳng còn nghĩa lý gì. Tài lắm. Nghe sướng tai quá.
Anh hậm hực vì nỗi mấy tên Võ Văn Cầm, Cung Đình Vận vẫn còn chưa bị xử. Nóid dến Cung Đình Vận, anh lắc đầu, mặt anh đang vui vẻ bỗng trở nên nghiêm nghị:
- Bao giờ mới giết được nó? Cả vùng Thái Nguyên này oán nó đến xương tuỷ. Sao nó còn chưa chết?
Anh cau mặt, đau đớn, phàn nàn không dứt lời.
Chúng tôi đã đi vào một vùng đồi núi. Nước lên to, nên phải đi quanh co, vòng bao nhiêu sườn, vượt bao nhiêu đỉnh núi, mà vẫn loanh quanh ở chỗ cũ. Ngoảnh lại vẫn còn nom rõ cái làng mình mới từ biệt. Thỉnh thoảng đứng trên mỏm cao, anh ZT băn khoăn, cau trán, nhìn bốn phương, lắc đầu. Rồi lại lao mình xuống dốc. Chúng tôi lội qua một cánh đồng ngập nước, tới một xóm lèo tèo ở một ven sường đồi, vào nhà một anh trưởng ban tự vệ đã có tuổi, khoẻ mạnh như một thợ rèn. Vợ bưng nước ra mời chúng tôi và nói:
- Các đồng chí đã xơi cơm chưa?
- Chúng tôi ăn rồi, anh ZT đáp. Đến đây nhờ đồng chí cho một đồng chí dẫn đường, lụt quá, tôi không lần ra được nữa.
- Vâng, để tôi gọi.
Anh tự vệ vào trong gian nhà ám khói vì bếp đặt ngay đó, rút dùi đánh một hồi trống. Mãi không thấy có ai đến, anh ZT tỏ vẻ sốt ruột; anh tự vệ thản nhiên nói:
- Thế nào cũng đến. Không đến thế nào được. đi làm ở đâu, dở bận đến đâu nghe tiếng trống cũng phải đến.
- Vâng, thế nào cũng có người, mưa bão anh em cũng đến, các đồng chí đừng lo, - vợ anh tự vệ nói theo chồng, giọng quả quyết.
Quả nhiên, năm sáu thanh niên hấp tấp chạy đến, người thì giở cài cúc áo, người thì cởi trần, thẩy đều cầm gậy gộc. Anh trưởng đoàn chọn một thanh niên, giao cho anh ZT và chúng tôi theo anh đó, từ biệt mọi người trở ra.
Cảnh càng ngày càng hoang vu im lặng. Không có một bóng người. Chúng tôi chỉ còn nghe thấy tiếng chúng tôi nói chuyện, tiếng chân lội nước bì bõm trên những bờ ruộng nằm trong những thung lũng nhỏ, hay tiếng sột sạt của những cây cỏ dại trùm troà qua những con đường nhỏ xuyên sơn. Gối chúng tôi đã mỏi, chân không quen đi đất đã bắt đầu đau. Mỗi khi đi qua một khúc đường núi có sỏi, tôi tưởng qua một bàn chông, người dúm cả lại...
Sau hơn một giờ lần đường, chúng tôi vào một cơ quan sạch sẽ. Vì nước to, chúng tôi đã phải đi thêm 12 cây số. Chủ nhà là một người đàn ông lực lưỡng toàn thân là bắp thịt, ở nhà bên cạnh chạy về. Anh ZT hỏi làm gì bên ấy, anh đáp rất thản nhiên:
- Anh em bảo vẽ cho một ngôi sao để may cờ. Ở đây đã có đâu. Các nơi có cả rồi.
- Sao cần thế? tôi hỏi.
- Nhật hàng, tổng khởi nghĩa đến nơi rồi, còn đợi gì? - Anh đáp.
Anh ZT hỏi thăm đường, cho anh thanh niên hướng đạo trở về, rồi chúng tôi lại khởi hành. Trời đã về chiều, nắng quái chỉ còn chập chờn ở một vài chòm cây đỉnh núi. Cảnh hoang vu trở nên rùng rợn. Thỉnh thoảng có những tiếng trống qua các làng quanh đây, anh ZT cười nói:
- Chỗ này chưa tiện đánh du kích, ví phỏng một người lạ lạc vào đây thì không tài nào ra thoát. Các đồng chí thử đi không có tôi xem.
Thỉnh thoảng đi giữa những thung lũng nhỏ. Một vài người làm đồng chăm chỉ còn đang lom khom dưới ruộng, trông như những con cò, con vạc đen. Dù bừa, dù khua cỏ, dù phát bờ, người nào cũng đeo một cái đuôi cứng ở đằng sau. Sự thực đó là con dao bọc gỗ, nói cho căn vẻ, đó là gươm ngắn họ mang theo để tự vệ... Đi qua một cái cổng làng - cổng đều làm bằng tre, cửa là một cái phèn, đêm đến thì sập xuống, nhưng ngày thì dựng lên bằng một cái gậy tre - trước khung cổng mà bóng tối đã quét đen, một phụ nữ thẳng người im lặng, xoè bàn tay nhỏ nhắn, chào chúng tôi. Chúng tôi cũng dừng lại, nắm tay chào, kính cẩn.
Tuy đang độ tuần trăng, nhưng mây trời đen nghịt. Chúng tôi qua một cái dốc lởm chởm những phiến đá to. Nước ầm ầm chảy ở đâu đây. Một con đường chạy vào một làng nhỏ đã lấp lánh ánh đèn. Một người đứng tuổi, quần áo nâu, từ trong làng đi ra, tay cầm gươm lăm lăm. Anh ZT giới thiệu với chúng tôi đó là ông phó chủ nhiệm uỷ ban dân tộc giải phóng làng này. ông mới được bầu lên, hăng hái lắm. ông khẩn khoản mời chúng tôi vào chơi trong nhà, nhưng chúng tôi từ chối, chỉ xin ông cho một người hướng đạo. Ông tỏ ý tiếc:
- Giá các đồng chí vào chơi thì hay quá. Thôi vậy, để tôi gọi người. Các đồng chí theo tôi.
Chúng tôi theo ông, qua một con đường nhỏ, lên mọi ngọn đồi, trên có dựng một cái lều. Trong lều có treo một cái trống lớn. Ông phó chủ nhiệm khoe, như là một sự khám phá mới mẻ của mình:
- Làm việc phải đâu vào đấy, thanh niên phải vào khuôn vào phép không nói chuyện lơ mơ được, các đồng chí ạ. Ai có tội phải trị thẳng tay. Tôi không có thích cái lối làm việc nhu nhơ. Đây các đồng chí xem. Tôi đánh 6 tiếng thì thanh niên ra, 9 tiếng thì tự vệ ra, ba hồi thì cả làng phải ra. Có thế mới được.
Ông dựng kiếm vào một cái cột lều, rút dùi, giáng hết sức bình sinh, nét mặt gân guốc, đánh một hồi trống dõng dạc; có tiếng vọng lại từ các đồi gần. Chỉ loáng một cvái, những thanh niên từ trong làng chạy ra, người cầm gươm, người vác gậy, đứng lố nhố trước mặt ông phó chủ nhiệm. Ông chống gươm, hỏi một người:
- Anh là thanh niên hay tự vệ?
- Tôi là thanh niên.
Hỏi một người khác.
- Tôi là tự vệ.
- Tôi chỉ gọi thanh niên, anh là tự vệ sao lại ra? Ông chủ nhiệm nói có vẻ thất vọng, như một ông giáo bực bội thấy học trò không nghe lời mình dặn, mặc dầu đã nói đi nói lại nhiều lần.
- Dạ, tôi biết đâu. Cụ đã ra lệnh cứ một hồi trống thì cả thanh niên và tự vệ đều phải ra...
- Ai gọi các anh mà ra? Về! Tay thẳng băng, ông chỉ vào trong làng.
Anh tự vệ còn đang ngơ ngác, thì ông lại "truy" anh em thanh niên:
- Tôi gọi một thanh niên để dẫn các đồng chí đây đi... Sao anh em lại ra cả?
Mọi người đều há hốc mồm nhìn ông. Ông phó lại truyền:
- Về hết, chỉ một người biết đường ở lại thôi.
Ông giữ một người, còn xua những người kia về. Họ lủi thủi về.
Chúng tôi biết là ông phó chủ nhiệm nhầm. Không muốn để anh em hậm hực, chúng tôi gọi mọi người lại, báo tin Nhật hàng cho họ và hô hào anh em sắp sửa khởi nghĩa... Ông phó chủ nhiệm dặn anh thanh niên dẫn đường.
- Anh dẫn các đồng chí đi cho cẩn thận: Các đồng chí đi việc cần. Đến...2 thì vào báo tin tôi ngay, hiểu không?
Anh thanh niên kính cẩn vâng lời. Khi ông phó chủ nhiệm đã đi xa và lẫn trong bóng tối, anh ZT nói với chúng tôi:
- Ông ấy nóng tính, nhưng được cái sốt sắng và được dân làng vì nể. Mai tôi về sẽ vạch chỗ nhầm của ông ta, ông ta không có tính tự đắc, cũng biết phục thiện, nhất là ông ấy phục tôi lắm. Thuyết phục ông ấy dễ, không khó. Nói vài ba câu chuyện là ông ấy nghe ra ngay...
Chợt có tiếng gọi: ông phó chủ nhiệm đuổi theo chúng tôi phàn nàn:
- Khổ quá. Tôi nhầm to lúc nẫy. Thanh niên tự vệ họ ra là đúng lắm. Thế mà tôi gắt oan họ. Tôi nhầm to các đồng chí ạ. Làm thế nào?
Anh ZT nói:
- Mình biết lỗi, thế là được rồi. Mai họp họ lại, thẳng thắn bảo mình nhầm, thế là tinh thần cách mạng đấy.
Ông còn phàn nàn mãi, anh ZT an ủi mãi ông mới trở về.
Tối hôm ấy chúng tôi vào một cơ quan dựng ở sườn đồi, lẫn trong cây cối um tùm.
19-8-1945.
- Mưa suốt đêm hôm trước, sấm chớp đùng đùng mà chúng tôi không biết gì cả. Khi chúng tôi trở dậy thì cơm canh đã dọn sẵn. Rửa ráy xong, ngồi vào mâm, có một thanh niên đeo dao bọc gỗ cùng ngồi ăn. Anh kể cho chúng tôi mấy trận du kích mà anh đã dự và kết luận:
- Chả sợ gì đâu. Có khi nấp trong bụi, Nhật nó đi qua ngay trước mặt cũng chẳng biết. Thú lắm.
Tuy chân đã đau - chân anh Thái đã xưng tím bầm - chúng tôi cũng hăng hái lên đường. Trời như được gột rửa trên những đỉnh núi tím sẫm, mây trùm như khói trắng. Trong những thung lũng người làm ruộng giục trâu bừa vui vẻ và trên con đường nhỏ, thỉnh thoảng chúng tôi chạm trán với đoàn gánh hàng đi chợ.
Trước một cái suối con, nước trong vắt, người bên kia lội sang bên này, người bên này lội sang bên kia, tiếng cười nói vang vang. Sáng hôm nay vui quá. Chúng tôi mua của một người đàn bà gánh hàng qua mấy chùm giâu gia ngọt như đường và mát như nước suối. Nắng tưng bừng đang hơ khô đồi núi. Thỉnh thoảng, giữa hàng rào cây hai bên đường nhô ra một đoàn thanh niên độ vài chục người, đội nón san sát. Họ nắm tay chào chúng tôi, dừng lại chuyện trò vui vẻ.
Dần dần chúng tôi qua một bình nguyên rộng rãi cỏ mọc tươi tốt. Chúng tôi bàn nhau, sau khi cách mạng hoàn toàn thành công, mấy anh em sẽ lên đấy tổ chức cuộc chăn nuôi bò: một mối lợi không nhỏ.
Gần trưa, chúng tôi vào một nhà (đồng bào - BT) Thổ sau khi rửa chân ở một dòng suối nông, mát và trong như lọc. Đây là lần đầu tiên tôi vào một nhà dân tộc thiểu số. Có hai thanh niên ăn mặc quần áo nâu, một người lanh lợi, một người chất phác. anh ZT đến bên cạnh nói chuyện tiếng Thổ, họ cười ngặt nghẽo. Một ông lão, không nói gì, trông như một người phù thuỷ, ngồi trước một cái liếp ở ngay bên gian giữa, châm lửa hút thuốc. Trong buồng có tiếng ru con, là lạ, buồn buồn.
Anh Thổ lanh lợi đọc chữ quốc ngữ trên mảnh báo chúng tôi dùng để bọc chiếc khăn mặt mà chúng tôi vừa lấy ở trong đẫy ra. Anh đánh vần chữ quốc ngữ thì đúng hơn. Anh chăm chú lắm. Tôi hỏi anh đã dự trận du kích nào chưa, anh đáp:
- Đánh mấy trận rồi.
- Có thích không?
- Thích chứ lại chả thích.
Thấy anh Thổ chất phác, ngây ngô nằm kềnh bên chiếc phản bên cạnh, se sẽ hát bài Tiến quân ca, tôi đến gần, vỗ vai anh và hỏi:
- Nhật hàng rồi, Pháp nó lại định về đây. Đồng chí nghĩ sao?
Anh cười và nói một cách tự nhiên:
- Về à? đánh bỏ mẹ nó đi.
Anh thanh niên lanh lợi nói xen vào:
- Nhật còn chả sợ, Pháp thì sợ gì? Bắn một đứa thì cả bọn hàng. Nhật nó chết đứa nào nó liều xông vào đem xác về, nó tiếc từ viên đạn, nhặt cả cái mũ bỏ rơi. Thế mà mình còn đánh được, Pháp thì sợ gì?
Một thanh niên đội khăn xếp, mặt bủng, ở ngoài chạy vào, gặp anh ZT thì vồn vã:
- Trời ơi! Tôi mong anh quá, sao tối hôm qua không đến? Đã có lệnh tổng khởi nghĩa rồi, anh biết chưa?
- Tổng khởi nghĩa rồi? Chúng tôi xúm lại hỏi.
- Tôi vừa mới nhận được lệnh tổng khởi nghĩa. Phải đi báo tin ngay cho các địa phương, bận lắm.
Tôi nghẹn ngào. Tôi vẫn chờ tin quan trọng này nhưng tới đây, tôi bỗng thấy lo mang máng. Giây phút trang nghiêm nhất trong đời cách mạng của mình. Khi mình còn lởn vởn ở đây thì máu đang chảy, tiếng súng đang nổ ở khắp nơi. Anh ZT và nhất là anh thanh niên đội khăn xếp sung sướng, hấp tấp. Anh ZT nói:
- Tôi phải về ngay mới được.
- Anh về ngay đi. Khởi nghĩa từ mấy hôm nay rồi còn gì.
Thái với tôi bàn nhau:
- Có lẽ đại hội cũng họp rồi...
- Vâng, đại hội họp rồi, anh thanh niên đáp. Họp có hai hôm thôi và làm việc suốt đêm ngày. Đã bầu xong chính phủ lâm thời rồi. Các đồng chí còn lên làm gì nữa.
Tôi lại bị nhỡ một cơ hội độc nhất và long trọng vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam! Thái nói:
- Mình vẫn cứ phải đi chứ.
- Bây giờ nhiệm vụ ZT quan trọng lắm, anh thanh niên đáp. Các đồng chí có đi cũng không có ZT đâu. Những người đi trước hai đồng chí cũng về cả, ở dưới kia. Anh em ấy cũng đi dự đại hội đấy.
Chúng tôi theo anh thanh niên và ZT lặng lẽ trở ra, vào một cơ quan lố nhố những người nói chuyện lao xao. Hết thẩy đều đeo bị bên vai, trên lưng, sắp sửa bước ra - Họ thấy chúng tôi thì cười ầm ầm cả lên.
- Các anh đi dự đại hội phải không? Thôi về đi, chúng tôi cũng về đây.
Một chị phụ nữ, có cái cốt cách thanh tú của một người tỉnh Bắc, hình như nhận được sự thất vọng trong mắt tôi, sẽ sàng nói:
- Đại hội đã họp rồi. Về đi thôi anh ạ. Đã có lệnh bao nhiêu người đi dự đại hội chưa lên đến nơi thì phải về cả.
Một anh đưa cho tôi xem cái lệnh đó. Tôi ngây người không nói gì. Thái bảo tôi:
- Anh về Hà Nội đi. Tôi còn có công tác ở trên ấy. Tôi phải ở lại đây. Anh về đi.
Sau một hồi bàn tán, chúng tôi chia tay, Thái ở lại và tôi nhập bọn với những bạn mới. Chúng tôi đi. Có 15 người, trong số ấy có hai phụ nữ, chị Ng. đã nói trên và chị Q. sau này tôi biết là người đã chỉ huy đánh đồn Yên Thế. Tôi phàn nàn đã gần tới "cửa trời" mà lại bị bỏ rớt! Một anh nói:
- Thế đã đau đâu bằng chúng tôi. Chúng tôi còn cách có 20 cây số mà cũng phải về thì sao? Đường lên còn khó lắm. anh chưa biết thế nào là vắt, chúng tôi biết rồi.
Chị Ng. chua thêm:
- Giốc Bản Chu lên vất vả lắm. Thế mà có một bà cụ đại biểu 70 tuổi, leo lên bon bon, vui vẻ lắm. Anh em tự vệ sợ cụ già, đem ngựa để cụ đi, cụ nhất định từ chối để cùng đi với mọi người. Cụ hăng hái lắm ai cũng phục.
Một anh già, nước da hồng hào, tóc hoa râm, người quắc thước, tay cầm ba toong nói:
- Anh không được chứng kiến lúc phát xuất của đoàn quân Nam tiến... cảm động lắm.
Anh nhìn đồng hồ tôi, cau mặt:
- Vẫn để giờ cũ à? Giờ nô lệ mà còn giữ mãi.
Và anh tươi cười bảo tôi:
- Bước chân lên khu giải phóng là tôi vặn lại đồng hồ theo giờ cũ, giờ Việt Nam, giờ khoa học. Đây là giang sơn của mình.
Lời nói có một vẻ đắc thắng rõ rệt. Anh nhấn mạnh vào hai tiếng sau cùng. Tôi yêu cầu anh chị em kể lại cho tôi buổi xuất phát của đoàn quân Nam tiến. Chị Ng. nghiêm trang nói:
- Cảm động lắm. Chúng tôi không gặp lúc anh em thề trước cờ xin hy sinh cho tổ quốc. Nhưng gặp anh em xuống núi, có cả vài chị phụ nữ. Cảm động lắm. Người nào cũng vui vẻ, người già 50 tuổi cũng có, người trẻ 15, 16 cũng có, anh em dân tộc thiểu số cũng có, anh em Hà Nội cũng có.
- Cái anh già cạo trọc đầu chỉ để hồng mao, chị có nhớ không?
- Có. Người nào cũng xanh xao. Ăn mặc thì buồn cười lắm. Người thì quần đùi, người thì áo nâu, người thì áo xanh, người thì đội mũ, người thì đội nón, người đi chân không, người đi giầy rách... Súng thì đeo bằng thừng, bằng giây chuối.
- Quân du kích mà lại, cốt cái tinh thần... Anh già nói thêm.
- Tất cả sáu đại đội, gồm hơn 600 người. có cả hai trung đội Việt - Mỹ. Dân ở trên ấy khao to lắm, giết bao nhiêu trâu, bò, lợn. Trong lúc xuống núi anh em hát vang lừng, ai cũng cảm động. Cái anh 16 tuổi bé tí trông mới lại càng cảm động. Những anh Hà Nội thì chỉ mong chóng được về Hà Nội. Có một anh trung đội trưởng bị sốt rét, nằm ở cơ quan trên, vừa rên khừ khừ vừa phàn nàn phải ở lại...
Chúng tôi ra khỏi cơ quan và đi gấp, ai cũng mong chóng về đến địa phương mình để hoạt động. Thỉnh thoảng có một vài tiếng súng nổ. Một anh lắng tai nghe, nói có lẽ quân ta đang đánh phủ Phú Bình. Anh kể cho tôi chuyện viên quan phản động ấy.
- Nó đã thề thà chết chứ không hàng Việt minh. Phủ Phú Bình đã hiểm trở, nó lại xin Nhật đóng ở phủ đến 100 đứa, lính của nó phần nhiều cũng phản động. Rồi nó thẳng tay đàn áp Việt minh, ở trước phủ nó treo bao nhiêu đầu lâu, những ai hơi bị tình nghi là nó chém ngay. Ác không kém gì Cung Đình Vận.
Mọi người đều nói:
- Thế nào thì thế nó cũng phải chết.
Dọc đường, chúng tôi gặp một đoàn thanh niên đi lên, trong số ấy có cả Hoài văn Hầu của tôi, anh chào tôi, cười nhe hai răng nanh rất có duyên. Tôi hỏi:
- Các anh đã biết có lệnh tổng khởi nghĩa chưa?
- Đã, Hoài văn Hầu đáp. Nhưng học sinh ở trường quân chính thì vẫn cứ lên học.
Chúng tôi vội vã qua con đường nhựa Hà Nội - Thái Nguyên. Tiếng súng mỗi lúc một gần và mau. Muốn tránh mọi sự nguy hiểm, chúng tôi chia thành ba tốp đi cách nhau một quãng xa. Một sự tình cờ tôi lại có cái may mắn gặp ông phó chủ nhiệm độc đoán. Ông cố mời chúng tôi vào chơi, nhưng chúng tôi từ chối. ông cho chúng tôi một cái tin của người nhà ông ở Hà Nội về nói cho biết là chính quyền ở Hà Nội đã về cách mạng, cờ đỏ sao vàng đã treo khắp nơi trong thành phố rồi. Mọi người reo mừng, và tôi nhẩy lên vui sướng, tuy vẫn nửa tin nửa ngờ.
Chiều đến, chúng tôi vào nhà người đồng chí lực lưỡng hôm trước sửa soạn may cờ, hỏi thì hôm nay đồng chí đã may xong rồi. Anh phàn nàn may cờ muộn nên anh không được dự cuộc biểu tình thuỷ có hàng hai trăm thuyền trên sông Cầu buổi sáng hôm nay. Chúng tôi trố mắt nhìn nhau, khi nghe nói đến cuộc biểu tình vĩ đại ấy.
Nước lên to, không còn đường về Hà Châu. Anh đồng chí giữ chúng tôi ở lại ăn cơm, mọi người đều ưng thuận. Nhưng chị Q. nhất định đòi đi: chị nóng ruột không thể lần lữa được. Thái độ cương quyết của chị khiến cho đề nghị của chị đắc thắng. Chúng tôi quả quyết lên đường, mặc dầu trời đã gần tối, và chủ nhân nói rằng phải đi loanh quanh thêm 10 cây số nữa mới tới Hà Châu.
Chủ nhân cho một người tự vệ dẫn đường.
Chúng tôi đã ra khỏi cửa, thì chủ nhân gọi lại vì đã nghĩ ra được một cách rút ngắn đường, nhưng phải qua một cánh đồng ngập nước, rộng đến 300 thước. Chủ nhân đã điều đình với quần chúng cảm tình ở đấy cho mượn trâu để ai không biết bơi thì ngồi lên lưng trâu mà sang. Chu đáo hơn nữa, chủ nhân lại mượn được rất nhiều nồi đồng to để đựng quần áo và đồ lặt vặt rồi sẽ cho người bơi đẩy sang trước. Cánh đồng, một cái hồ lớn thì đúng hơn, chiều hôm nay bỗng trở nên hoạt động và vui vẻ như một bến tắm mát. Chúng tôi cởi quần áo, bỏ vào một chiếc nồi, nhẩy ào xuống nước. tôi đã bơi ra giữa hồ, ngoảnh lại đã thấy mười quần chúng bơi đẩy mười chiếc nồi đầy quần áo, nón, mũ, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chủ nhân đứng trên bờ chỉ huy cho người ta đánh trâu xuống hồ. nắng quái chiếu trên sóng gợn đằng xa. Hồ vang lên những tiếng gọi nhau, tiếng chân đạp nước, tiếng cười giòn giã. Một tiếng kêu thất thanh, một anh không biết bơi chìm lỉm dưới nước, mãi mới ngoi lên: tiếng cười nắc nẻ tung ra bốn phía... Chị Q. ngồi trên mình trâu, chị Ng. nắm đuôi trâu, vì không trèo được lên thân nó, từ từ theo trâu bơi sang. Và cả đoàn sang hết. Chúng tôi thay quần áo, lấy nón, mũ, giầy, trả lại nồi. Mấy anh đặt tay trước miệng làm loa vọng sang bờ bên kia cám ơn tấm thịnh tình của chủ nhân và quần chúng.
Tưởng rút ngắn được đường, nhưng rút cục cũng vẫn vất vả. Nước lụt mênh mông, đường nào cũng bị ngập. Loanh quanh đi mãi rồi thành lạc đường, trông trước trông sau, chúng tôi bị nước bao vây. Bấy giờ đã khuya, khuya lắm. Đêm nay có sáng trăng. Đứng lên một mỏm đồi trông ra chỉ thấy trắng xoá một mầu. Cả đoàn thất vọng; ai nấy đều đã mệt và đói. Lắng nghe thỉnh thoảng vẫn có tiếng súng ở xa. Chúng tôi định ngủ giữa đường, dưới sáng trăng. May gặp một quần chúng ở một rừng thông gần đó. Chúng tôi xin vào ngủ nhờ, y chối từ vì nhà chật, nhưng lại dẫn chúng tôi đến một ấp lớn cách đấy cũng không xa. Ấp nằm giữa những cây um tùm. Có ánh đèn, có tiếng chó xủa. Y nói qua hàng rào, vào trong nhà: - Bác..., có các đồng chí đi tuần, xin vào ăn thuốc.
Cả đoàn chúng tôi vào, như một đội binh nhỏ lọt vào rừng cây cối, giữa một sa mạc. Cảnh thôn dã an nhàn. Tiếng lợn ụt ịt, tiếng trâu nhai cỏ và thở phì phì; một bầy chó trồm ra; mấy nông phủ đang ngồi giữa sân, dưới ánh trăng chạy ra đánh chó. Chúng tôi cửa anh già và chị Ng. vào giao thiệp, chủ nhà hết sức hoan nghênh:
- Không mấy khi các đồng chí đi qua, xin mời các đồng chí xơi cơm, và ngủ lại đây, mai đi sớm.
Tôi nghi ngại, vì đây không phải là một cơ quan. Tuy vậy còn có chỗ yên tâm: quần chúng vùng này phần nhiều đã giác ngộ, hơn nữa, chủ nhà và mọi người trong nhà đều có vẻ chất phác, và rất chịu ơn Việt minh: ấp này xưa kia thuộc về người Pháp, từ ngày người Pháp ấy bỏ đi thì những người làm ấp đây được hưởng hoa lợi.
Chủ ấp dọn cơm. Cơm nước xong, khoảng 1 giờ sáng, chúng tôi còn nằm ngoài sân, nói chuyện về thế giới, về cách mạng. Một anh mới thoát khỏi tù sau ngày đảo chính mồng 9 tháng ba, kể lại những nỗi thống khổ trong nhà lao... Đêm hôm ấy chúng tôi cắt phiên canh để phòng sự bất trắc: lần lượt cứ nửa giờ, hai người phải thức, cầm súng đi tuần chung quanh.
20-8-45.
- Sáng hôm sau, chủ nhân tiếp đãi chúng tôi không được niềm nở như lúc chúng tôi mới thoạt đến. Nhưng chúng tôi cũng ép y dẫn đi một quãng đường.
Đến Hà Châu chúng tôi gặp một anh tự vệ sắp đem một đoàn tự vệ đi. Hỏi có phải về việc tổng khởi nghĩa không, anh đáp:
- Chúng tôi được tin ở một cái ấp gần đây, đêm qua có một bọn 15, 16 người, cả đàn ông, lẫn đàn bà xưng là Việt minh xin vào ngủ đỗ và bắt làm cơm ăn: Chủ ấp không biết có phải là Việt minh thực không hay lại là Nhật thua chạy về đấy, hay là Việt gian, nhưng cũng không dám hành động. Một mặt họ vây ấp để phòng sự bất trắc, một mặt họ trình cơ quan Hà Châu cho người đến xét. Chúng tôi đi về việc ấy đấy.
Chúng tôi cười ầm lên:
- Bọn ấy chính là chúng tôi đây.
Và chúng tôi kể lại chuyện tối hôm qua. Đến đây chúng tôi mới biết tại sao chủ nhà ấy sáng hôm nay tỏ vẻ lãnh đạm với chúng tôi: hôm qua họ niềm nở nhận chúng tôi là Việt minh, nhưng sau khi bàn bạc với nhau họ sinh nghi ngờ vì đương lúc quân cách mạng đánh Thái Nguyên, biết đâu một đoàn người đông như thế lại không phải là Việt gian hay Nhật trá hình vào đây do thám... Cũng may mà quần chúng ở đây có ý thức và hành động kín đáo. Nếu không nhất định tối đó thế nào cũng đã xảy ra sự lưu huyết.
Ở Hà Châu chúng tôi được tin tỉnh Thái Nguyên đã bị quân cách mạng lấy cùng với nhiều khí giới, và phủ Phú Bình đã thất thủ, viên tri phủ đã bị bắt. Mừng quá có anh hát vang lên. Trong khi chờ đợi cơm, tôi đọc cho mọi người nghe tờ quân lệnh số 1 và bản hiệu triệu quốc dân và tướng sĩ Uỷ ban khởi nghĩa.
Đây là quân lệnh số 1 tôi chép vội khi ấy và nay còn giữ được:
Quân lệnh số 1 của uỷ ban khởi nghĩa.
Hỡi quốc dân toàn quốc!
12 giờ trưa ngày 13 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chính của ta đã bị ngã gục.
Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!
Cơ hội có một không hai cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!
Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Uỷ ban khởi nghĩa đã thành lập.
Hỡi các tướng sĩ và đội viên quân giải phóng!
Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng kíp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch, đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước khí giới quân địch. Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy cương quyết tiến!
Hỡi nhân dân toàn quốc!
Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đoàn quân Giải phóng, xung phong vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.
Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!
Tổ quốc đương đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!
Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta.
Uỷ ban khởi nghĩa
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, 11 giờ đêm
Ai nấy đều hoa chân múa tay, vì những thắng lợi đầu tiên. Tờ quân lệnh và lời hiệu triệu mang nặng một ý nghĩa lịch sử: những phút đọc ấy bỗng đượm một vẻ trang nghiêm, long trọng khác thường. Đang đọc, tôi thấy nóng chung quanh, thì ra tôi đã bị vòng người quây tròn, già, trẻ, đàn ông, đàn bà, ai nấy nín thở nghe cái lệnh mong chờ từ chiến khu truyền xuống. Tôi cảm thấy mình như là sứ giả của lệnh khởi nghĩa.
Chúng tôi rời Hà Châu và vượt qua sông Cầu. Nước lụt mênh mông. Hết sông, thuyền còn phải đi qua những ruộng ngập nước. Nhiều lúc phải khênh thuyền qua đê để qua một khoảng ruộng khác cũng ngập: như thế đến 3 lần. Những làng mà thuyền đi qua đều chìm dưới nước, chỉ còn nhô lên những mái và cây hương.
Tạt qua một cái làng ở địa đầu Bắc Giang, tôi có cái may mắn lại gặp anh thanh niên có cái miệng xinh xinh. Tuy anh đã gần khỏi, nhưng anh vẫn sốt liên miên. Anh tiễn chúng tôi ra một bến đò, phàn nàn không được về cùng chúng tôi tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Tôi biếu anh mấy viên ký-ninh vàng, chúc anh chóng khỏi. Thuyền chúng tôi đi đã xa, còn thấy anh tần ngần trông theo...
Đoàn chúng tôi khi ấy chỉ còn 5 người, trong số ấy có chị Ng. Vì những người khác ở lại Hà Châu. Chiều hôm ấy chúng tôi bước nhẹ thênh thênh trên một con đê lớn. Đã về đồng bằng rồi đây.
Buổi trưa nắng rực rỡ. Chiều càng dài. Từ những làng ở vệ đường, vang ra những tiếng hát trong trẻo của trẻ em.
Lòng tôi bỗng hồi hộp khi chị Ng. chỉ cho tôi một đám đông lố nhố xa xa, dưới chân núi. Cảnh tượng có một vẻ hùng vĩ đặc biệt. Từ lưng chừng một quả núi xanh sáng, dựa vào một dãy núi cao màu biếc xẫm, vọt lên một cách vinh quang, lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ thiêng liêng tôi vẫn chiêm ngưỡng trong lòng, nhưng chưa được trông thấy bao giờ. lá cờ vinh quang bay tung trước gió, ánh sáng tà dương chiếu ở sau núi, làm cho ngôi sao vàng lấp lánh như đèn. Tôi cảm động, mắt đăm đăm nhìn lá cờ chỉ đạo.
Cũng lần đầu tiên, tôi chứng kiến một đám biểu tình, không phải đám biểu tình ở chân núi xa kia, mà là đám biểu tình khác diễu ngay trên đê. Trong thâm tâm tôi tưởng tượng đến những đám biểu tình tổ chức trong những điều kiện vô cùng khó khăn dưới thời Pháp - Nhật... Đám biểu tình càng đến gần, tim tôi càng đập mạnh. Bụi bốc lên, chúng tôi giơ nắm tay chào lá cờ chiến thắng. Tự vệ đeo băng đỏ sắc vàng trên tay, đeo kiếm bên mình, hay cầm dao lăm lăm, rồi trẻ con, rồi phụ nữ bước đi hùng dũng giữa những lời hát không đều và tiếng hô khẩu hiệu:
- Đả đảo giặc Nhật! Tiễu trừ Việt gian! - Việt Nam vạn tuế!
Tôi gai người vì sung sướng.
Suốt dọc đê, chúng tôi gặp hết đám biểu tình này đến đám biểu tình khác. Cờ đỏ sao vàng ngựa trên sóng người rầm rộ. Tối đến, dưới ánh trăng tỏ như ban ngày những đám biểu tình càng ồn ào, càng tấp nập. Khắp các ngõ, người ta chạy ra, người ta gọi nhau đi biểu tình. Có đám đặc biệt quá nửa là phụ nữ. Có đám toàn thể là nhi đồng.
Ai nấy say sưa, nhường quên tiếng trống thúc đê khẩn cấp. Một ông già đứng trong bóng tối nhìn ra phía sông nước cuốn ầm ầm, lắc đầu một mình, nhưng lại buột mồm nói:
- Lụt cũng sướng!
Chiều chúng ta đến Mai Thượng. Tôi được tin chắc chắn là chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân, và sáng hôm nay ba vạn người dự cuộc biểu tình chiếm tỉnh lỵ Bắc Ninh. Mừng quá, suốt một đêm tối không ngủ được.
21-8-1945.
- Sáng sớm tinh sương, chúng tôi lên đường. Bây giờ chúng tôi chỉ còn ba người, một anh cán bộ Hoà Bình, một anh đại biểu nông dân Nam Định và tôi. Chúng tôi dấn bước trên con đường về phủ Từ Sơn. Phải qua mấy cái đò đồng. trong ba chuyến đều xảy ra một chuyện lạ lùng, tương tự: xuống đò là chúng tôi giả tiền, nhưng có điều lạ, lái đò nhất định không chịu nhận tiền của chúng tôi (cố nhiên vẫn thu tiền của những người khác). Có một chỗ một anh lái đò, đang nhận tiền thì một thanh niên đến hỏi:
- Sao được lấy tiền của các anh cán bộ?
Anh lái đò đỏ mặt trả tiền chúng tôi, xin lỗi:
- Em không biết các anh, chứ biết thì em đâu dám nhận.
Cán bộ ở đây được trọng vọng và yêu mến một cách đặc biệt. Dân chúng một điều thưa anh cán, hai điều thưa chị cán, nghe thực ngộ nghĩnh. Không thuận tai bằng tiếng tham, đốc, huyện, nhưng nó cũng có một vẻ thân mật riêng, đánh dấu một cuộc đời đổi mới.
Phủ Từ Sơn đang ăn mừng cuộc cách mạng thắng lợi. Rừng cờ giấy hai bên nhà rực rỡ đỏ vàng. Khi đi lén lút như một thằng ăn trộm, khi về đã được tắm mình trong ánh sáng tự do, một cuộc đời mới phong phú và tưng bừng đang mở rộng trước mắt tươi tỉnh của tôi. Tôi tưởng như mình mê, tôi tưởng như mình say rượu. Một bà chủ hàng níu lấy tôi nói chuyện Hà Nội, vì tôi nói rõ tôi ở chiến khu về Hà Nội.
- Hà Nội bây giờ đang vui. Chờ mãi mới có ngày nay. Bây giờ tôi có chết cũng sướng đời, ông ạ.
Tôi gọi vội một xe tay. Anh xe gọi tôi bằng "Anh", một cách thân mật, và trao cho tôi bản in bài Tiến quân ca. Đã nghe hát một hai lần, tôi cũng thuộc điệu một cách lỗ mỗ. Ngồi trên xe tôi học thuộc đoạn trên. Và đến cầu sông Cái, tôi hát vang lên. Lắng nghe có ai hoà theo. Ấy là anh xe đang kéo tôi, tuy mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
(Nguồn: Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn - rút từ tạp chí Tiên phong - Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam những số cuối 1945)