Thời sự văn học nghệ thuật

21/9
8:03 AM 2016

NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

ANH NGỌC - Nhận được lời mời của Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội viết bài cho dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Tạp chí, tôi nghĩ khá lung.

                                                      Nhà thơ Anh Ngọc

Tôi đã sống và làm việc dưới mái nhà số 4 Lý Nam Đế từ tháng 9 năm 1979 đến tận ngày về hưu, tháng 3 năm 2008, tính chi li là hai mươi tám năm rưỡi, chiếm trọn tuổi trung niên và tuổi “cận già”… Có biết bao nhiêu chuyện buồn vui, bao nhiêu kỉ niệm khó quên… nhưng biết rằng trong một bài báo nhỏ, khó lòng tham lam, nên tôi thử chọn để nhớ lại mấy kỉ niệm thuộc loại trung tính, tức là nửa buồn nửa vui, hoặc trong vui có buồn, trong buồn có vui…

Kỉ niệm đầu tiên bắt đầu vào mùa hè năm 1967, mười hai năm trước khi tôi gia nhập gia đình nhà số 4. Còn nhớ, lúc đang dạy tại một trường trung cấp ở Thanh Hóa, nhân dự trại sáng tác văn học của tỉnh, tôi xin đi thực tế ở trận địa Hàm Rồng mấy tuần để lấy tư liệu sáng tác. Câu chuyện này tôi đã kể mấy lần, xin không nói lại nữa, chỉ xin kể lại đoạn cuối như vầy: Với tình yêu và sự cảm phục các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng đóng trận địa trên cao điểm 54, tức đồi Ba Cây Thông, ở ngay bờ nam cầu Hàm Rồng, tôi đã sáng tác bài thơ nhan đề là Cao điểm. Cả bài thơ đầy khí thế anh hùng và lạc quan, nhưng từ quan sát trực giác và nâng lên khái quát về cái lõi của hiện tượng, tôi đã kết bài thơ bằng bốn câu:
Vậy mà sau những giờ chiến đấu
Trận địa xa nhìn như bãi đất
                                 vỡ hoang
Những nòng pháo ghếch nghiêng
                             như cán cuốc
Đang dở buổi gieo trồng trên
                     cao điểm của thời gian


Các bạn đồng nghiệp ở Thanh Hóa đã in bài này vào tờ tập san văn nghệ của tỉnh, còn in trong cả một cuốn sách nhỏ chọn lọc toàn thơ về Hàm Rồng và lấy tên bài thơ của tôi đặt nhan đề cho cuốn sách. Chưa kịp vui thì hay tin “trên tỉnh” phê phán bốn câu thơ trên là “hạ thấp, tầm thường hóa hình ảnh oai hùng của Hàm Rồng” và yêu cầu loại bỏ bài thơ thì mới cho hai ấn phẩm trên phát hành! Lúc ấy tôi đã ra Bắc và nhận được tin buồn của anh em nhắn ra, cũng ngán ngẩm. Nhưng may thay, cùng lúc gửi cho Thanh Hóa, tôi cũng gửi bài này cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội và gần như cùng lúc đó, tôi nhận được thư nhà thơ Xuân Sách báo tin bài thơ sẽ in trên tạp chí và đừng gửi chỗ khác nữa. Còn hơn cả phép màu, vài hôm sau các bạn Thanh Hóa tin ra là nhờ Văn nghệ Quân đội, Tạp chí của lực lượng vũ trang nhân dân, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã in trọn vẹn bài thơ này nên các “bố” Thanh Hóa đành gật cho phát hành...

Kỉ niệm thứ hai liên quan đến nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh và người nhạc sĩ tôi vô cùng hâm mộ: Trịnh Công Sơn. Còn nhớ, một hôm anh Cảnh gọi điện cho tôi, bảo đang ngồi tổng duyệt một chương trình biểu diễn tập thể ở sân Mỹ Đình (anh Cảnh vốn là chuyên gia viết kịch bản và lời thuyết minh cho các sự kiện kiểu này). Anh Cảnh nói đang có người phàn nàn với mình rằng tại sao trong đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội lại có tay ca ngợi Trịnh Công Sơn thế không biết. Tôi liền hỏi: “Thế anh trả lời ông ta ra sao?”. Anh Cảnh đáp: “Tớ nói với ông ta là… là… là… “tôi cũng y như thế đấy””… Và phá lên cười.  Tôi cũng không nhịn được, ôm điện thoại mà cười. Sống ở đời mà gặp được những sự đồng thanh, đồng khí như thế há lại chẳng sướng lắm sao! Giờ anh Phạm Ngọc Cảnh đã về giời rồi. Cầu chúc anh linh của anh thanh thản phiêu du trên cõi vĩnh hằng và tiếp tục cười trên đó!

Ngay từ cuộc họp đầu tiên vào hàng “màn chào hỏi” ở Văn nghệ Quân đội, trong khí thế “tiền đổi mới” khá nóng bỏng lúc ấy, tôi đã phát biểu khá táo tợn về sự phải thay đổi trong cách viết, hứng lên tôi còn đọc cả một đoạn trích trong trường ca Điệp khúc vô danh mình đang viết, đoạn về cải cách ruộng đất. Sau khi tôi nói, có nhà văn không đồng tình nhưng có nhà văn tỏ ra quý tôi từ đấy. Một hôm, nhà văn Nguyễn Minh Châu vào phòng tôi chơi và kể rằng có người lên tiếng về bài thơ Thơ mùa xuân đọc lại giữa mùa thu của tôi, cho rằng là tôi sao lại viết lách toàn giọng buồn bã, tiêu cực thế nhỉ. Anh Châu kể chính anh ấy đã phải thanh minh cho tôi bằng cách đưa cho mọi người xem dòng chú thích ở dưới bài thơ - “QYV 103 ngày…”, đoạn bảo: “Nó làm khi nằm viện thì buồn là đương nhiên rồi!”. Lí lẽ thuyết phục thế ai bắt bẻ được! Không có anh, chắc bài thơ của tôi đã bị trên gác lại. Giờ anh Châu cũng đã về giời lâu lắm rồi! Cầu chúc anh linh anh thanh thản phiêu du trên cõi vĩnh hằng!

Lại nhớ vào khoảng cuối năm 2006, nước ta có tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC. Nhà văn Khuất Quang Thụy, khi đó là Phó Tổng biên tập, đặt hàng tôi viết một bài thuộc loại cao đàm khoát luận về công cuộc hội nhập của nước ta. Tôi nhận lời và viết ngay. Thế là bài già kí, non tùy bút có nhan đề Trong đại gia đình nhân loại ra đời, đăng số Tết của tạp chí phát hành đầu năm 2007. Cả cơ quan chẳng thấy ai nói gì, cả khen lẫn chê. Nhưng chỉ ít lâu sau, một hôm anh Thụy tìm đưa cho tôi cái thư dày cộp của một độc giả có ý kiến không đồng tình về bài viết của tôi. Anh Thụy cười bảo, chính một thủ trưởng Tổng cục Chính trị đưa cái thư này cho anh ấy kèm theo lời nhận xét “Viết thế này thì chết con người ta rồi còn gì” và cụ ấy tịnh không nói gì thêm. Chỉ riêng động tác của thủ trưởng Tổng cục Chính trị trao thư cho thủ trưởng Tạp chí và thủ trưởng Tạp chí lại trao thư cho tôi để đọc cho vui đã là một thái độ thông cảm không lời với tôi rồi… Tôi vô cùng cám ơn về điều đó và về nhà mở thư ra đọc càng cám ơn bội phần, vì nếu ở một cơ quan nào đó, chỉ cần e sợ ý kiến của dư luận, là các đồng chí phụ trách ít ra cũng nhắc nhở hoặc phê bình một người viết như tôi.

 Qua một vài kỉ niệm nhỏ liên quan đến những “tai nạn” nghề nghiệp ở trên, thiết nghĩ cũng chẳng cần nói gì thêm để cho bạn đọc hiểu lí do vì sao tôi yêu Tạp chí Văn nghệ Quân đội - “Hội Nhà văn thứ hai” của bao nhiêu nhà văn nước Việt - đến thế nào rồi chứ!

(Nguồn: Tạp chí VNQĐ)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *