Thời sự văn học nghệ thuật

30/9
7:16 AM 2016

TỌA ĐÀM “THƠ TRẺ: TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH TÂN”

Vanvn.net – Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX, sáng 29/9/2016, tại hội trường Bảo tàng Văn học (số 275 Âu Cơ, Hà Nội), tọa đàm với chủ đề: “Thơ trẻ - truyền thống và cách tân” đã được tổ chức.

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các nhà thơ, nhà phê bình nhiều thế hệ: Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Văn Giá, Vũ Quần Phương, Ngô Thế Oanh, Trần Ninh Hồ, Y Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Việt Chiến, Mai Nam Thắng...; các lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam: nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội; các tác giả thơ và người làm công tác giảng dạy, phê bình trẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, hai nhà thơ Nguyễn Quang Hưng và Nguyễn Thụy Anh cùng điều hành tọa đàm.

Bên cạnh chủ đề “Thơ trẻ - truyền thống và cách tân” được các nhà thơ lớp trước và những người viết trẻ tranh luận sôi nổi còn có nhiều ý kiến phát biểu về những vấn đề sáng tác, phê bình, xuất bản, tác quyền... được đưa ra thảo luận.

Nhà thơ Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận) bày tỏ nỗi trăn trở thường trực của anh trong suốt quá trình sáng tác: “Mới là bản chất của sáng tạo, tôi luôn mong có nhiều tác phẩm mới đi cùng thời đại, chảy chung với dòng chảy văn học, trào lưu sáng tác mới. Các nhà trường nên có nhiều tiết học ngoại khóa, tự chọn về văn học cho học sinh các cấp để tác phẩm của người viết hiện nay đến gần hơn với người đọc trẻ. Tôi cũng đề nghị xem lại một số vấn đề như: các khái niệm thế nào là thơ hay, thế nào là truyền thống và cách tân? Nhà thơ viết đáp ứng nhu cầu độc giả hay chỉ thể hiện đến cùng thế giới riêng của mình? Nhà thơ có cần tìm hiểu, va chạm với lí luận không?...”

Ý kiến của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Sự xuất hiện của thơ ca như nhu cầu của tâm hồn. Nhà thơ như người kể chuyện tâm hồn cho nhiều người nghe. Thơ phải có tình (cảm), có tính (cách) và có tài. Tài là trời cho nhưng cũng phải rèn luyện. Nói về truyền thống và cách tân, trường hợp Nguyễn Du là một ví dụ, ông lấy thơ lục bát của dân gian để làm nên kiệt tác của mình (đó là truyền thống), còn cách tân ở chỗ ông lấy một câu chuyện của Trung Quốc để sáng tạo nên tác phẩm bằng ngôn ngữ thơ. Hiện nay có cả câu lạc bộ thơ Đường ở Việt Nam. Cách tân chính là từ kinh nghiệm mà làm mới lên. Khởi đầu là bắt chước và sau đó bằng tài năng thì mỗi nhà thơ tạo ra cái của  mình. Cách tân vẫn là câu chuyện sáng tạo. Đối với các giá trị, càng bị dìm xuống lại càng nổi lên. Trẻ là giới hạn tuổi tác nhưng sức sáng tạo mới là điều quan trọng. Trong sáng tạo làm sao cho gần gũi với cuộc đời thì thơ mới đi được vào rất nhiều trái tim. Dù tân hình thức hay hậu hiện đại thì chúng ta vẫn luôn hướng tới sự sáng tạo.”

TS. Phan Tuấn Anh (Thừa Thiên – Huế) phát biểu với tư cách một người vừa sáng tác thơ vừa làm công tác nghiên cứu lí luận phê bình (LLPB): “Hình như thơ của chúng ta đang dần dần được đẩy từ vị trí trung tâm ra ngoại biên. Người làm thơ hiện nay rất nhiều nhưng sách bán trên tị trường hầu như rất ít, có lẽ vì tính giải trí của thơ thua văn xuôi. Thời đại của giải trí lên ngôi thì thơ lại càng ít thu hút. Thơ và lí luận phê bình ngày càng xa nhau, những người làm LLPB ít quan tâm đến tác phẩm của người cùng trang lứa, lí do là ít đọc sách của nhau, nếu có đọc thì chủ yếu là do quan hệ cá nhân (được gửi tặng sách). Điều này tạo ra hệ lụy không tốt. Thời gian vừa qua các nhà thơ trẻ được phát hiện bởi các nhà thơ lớp trước chứ không phải người cùng thế hệ. Để LLPB và thơ xích lại gần nhau thì người làm thơ trẻ cần nâng cao tính lí thuyết và tầm tư tưởng trong thơ của mình; các nhà LLPB trẻ cần quan tâm nhiều hơn đến bạn viết thế hệ mình; các cơ quan báo chí cần có những chuyên trang cho LLPB, tạo sân chơi cho nhiều người nghiên cứu văn học; có cuộc thi cho LLPB để khích lệ những người làm nghiên cứu.”

Nhà thơ Hồ Huy Sơn chia sẻ: “Hội nghị  là cơ hội để người viết trẻ gặp gỡ và chia sẻ với bạn bè. Điều tôi quan tâm là những người viết trẻ có sống được để viết hay không? Chúng ta đưa thơ đến công chúng như thế nào? Tôi muốn lắng nghe các nhà thơ thế hệ trước có kinh nghiệm quảng bá thơ đến người đọc rộng rãi như thế nào?”

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: “Thế hệ chúng tôi đã có những nhà thơ in đến 25.000 bản. Đến nay tôi vẫn được các nhà xuất bản ưu ái nhưng sang năm tới chắc sẽ phải chuẩn bị tiền để tự in thơ. Dường như mỗi nhà thơ đều có một định nghĩa về thơ, dường như mọi định nghĩa về thơ đều khập khiễng... ”

Nhà thơ Lương Đình Khoa (Hà Nội) nói về kinh nghiệm đưa thơ đến với công chúng của chính mình: “Một mình nhà thơ không thể tự làm nên sự thay đổi cho thơ một lối đi huy hoàng hơn mà cần có sự “hợp lực” của nhiều phía: người đọc, người làm công tác giảng dạy văn học, các hội VHNT... Đưa thơ sang một dạng thể hiện khác (trình diễn, phổ nhạc, chuyển sang video...) để thơ đến gần với công chúng hơn. Mỗi nhà thơ nên học cách làm truyền thông cho tác phẩm của chính mình để tạo sức hút với các nhà đầu tư.”

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn nêu ý kiến về vấn đề sáng tác và tác quyền: “Làm thế nào để mang thơ đến công chúng? Một vài ý kiến của người làm xuất bản: có những lí do khiến thơ không đến được với bạn đọc: luật tác quyền đang luẩn quẩn, chồng chéo; nhuận bút thấp; báo chí, truyền thông PR cho thơ chưa thực sự công bằng; các trung tâm, cơ quan chuyên về bản quyền đã làm hết chức năng của mình để bảo vệ tác phẩm chưa? Trước hết người sáng tác phải làm tốt việc bảo vệ tác phẩm của mình. Mỗi tác giả trẻ phải ý thức được công việc tác quyền thì mới mong có sự thay đổi về xuất bản, phát hành và nhuận bút.”

Nhà thơ Ngô Gia Thiên An (học sinh lớp 12): “Trong chương trình học không có tác giả đương đại mà chỉ có các tác phẩm thời kì văn học trung đại, thời kì 1930 – 1945, sau đổi mới cho đến những năm 1990, còn lại các thầy cô không nhắc đến giai đoạn văn học sau này mặc dù rất nhiều nhà văn nhà thơ viết mới và hay. Đây là một sự thiếu tôn trọng đối với văn học và những người đang sáng tác. Tôi biết mình cần phải tự sửa đổi bản thân để ngoài việc học ở trường còn tiếp thu thêm nhiều sáng tác mới của văn học đương đại.”

Thạc sỹ, cô giáo Lương Kim Phương (Hải Phòng) chia sẻ cách đưa văn chương đến với học sinh: “Sách giáo khoa ngữ văn trong trường THPT hiện nay phần cập nhật về văn học đương đại mới đưa đến Ma Văn Kháng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê... Chỉ khi học đến cao học thì mới được các thầy cô đưa dòng chảy văn học đương đại đến với học viên. Các giáo viên chỉ đưa đến học sinh những giá trị văn học đã được định hình. Nỗi lo giới hạn “giáo làng” khi làm thơ khiến tôi ngập ngừng. Sự cách tân hay truyền thống nào cũng dựa trên cảm xúc của nhà thơ.”

Nhà thơ Hà Thị Vinh Tâm (giáo viên cấp 3 ở Nghệ An) đưa ra một số giải pháp giảng dạy văn học đương đại (thơ) trong trường phổ thông: hội VHNT địa phương tổ chức trình diễn thơ để các nhà thơ đương đại đến với các em nhiều hơn. Để thơ trẻ đến với bạn đọc cũng như các nhà LLPB trẻ thì các nhà thơ chia sẻ với các nhà LLPB; người sáng tấc nên có độ trầm tĩnh, độ lắng nhất định khi đưa ra đứa con tinh thần của mình; các cơ quan báo chí, xuất bản nên tổ chức các cuộc thi dành cho LLPB.”

Nhà thơ Anh Ngọc: “Muốn làm thơ hay hơn thì phải làm thế nào? Bài thơ là cách phát biểu tốt nhất của nhà thơ. Tôi tôn trọng hoàn toàn sự sáng tạo của các bạn, nhưng cần phải đối diện với một sự thật là các bạn trẻ hiện nay ít người đọc lắm vì các bạn đều tồn tại trên các thực từ ngữ nghĩa.” Ông đọc bài thơ “Buổi chiều nhân thế” – một bài thơ nói về nỗi cô đơn để chứng minh cho sự truyền thống và cách tân.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bình bài “Buổi chiều nhân thế” của Anh Ngọc một cách hóm hỉnh: “Đây là nỗi bất lực của người già chứ không phải nỗi cô đơn...”

Các ý kiến của nhà thơ Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Đoàn Văn Mật (Hà Nội),  Khúc Hồng Thiện (Hà Nội) đều xoay quanh những vấn đề về tâm thế của người viết trẻ trước đời sống đương đại, cách tiếp cận các trào lưu, trường phái mới trên thế giới và làm sao để “Việt hóa” nó một cách nhuần nhuyễn.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Những bài thơ hay muôn đời vẫn là điều bí ẩn của sáng tạo. Nhà thơ phải hội đủ: kiến văn sâu rộng, tài năng đích thực, phẩm chất thi sĩ mới có được những bài thơ hay. Bài thơ hay sẽ vượt lên trên tất cả những yếu tố truyền thống hay cách tân. Làm thế nào để người đọc vừa thấy được tác phẩm vừa nhớ được tác giả.”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Hôm nay các nhà thơ lớn tuổi phát biểu mạnh mẽ và chân thực nhưng các nhà thơ trẻ thì lại rụt rè và lưỡng lự mặc dù tác phẩm của các bạn luôn mới mẻ, tự do, thậm chí liều lĩnh... Câu chuyện mà các bạn kể với người khác (bằng thơ hay văn xuôi) chỉ có thể lan tỏa khi nó chứa đựng đầy tính nhân văn. Nhiệm vụ của thi sĩ là làm cho đời sống sinh sôi và đầy hi vọng. Nếu nhà thơ rời bỏ lòng nhân ái lớn lao thì thơ ca chấm dứt và nhân loại sẽ không còn tồn tại. Các bạn trẻ là những hoàng đế trong thế giới, trong ngôn ngữ của mình... Chúc các bạn luôn dồi dào cảm hứng, năng lượng sáng tạo và tích trữ thêm nhiều nội lực để tạo nên sức bật mạnh mẽ của thế hệ mình.”

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tổng kết: “Phải có tác phẩm hay mới trở thành  những con đại bàng hay mãnh sư đủ sức đi một mình. Nhà thơ không có chất liệu gì ngoài tâm hồn. Thơ là những bông hoa nảy nở từ tâm hồn. Nếu không phả tâm hồn của mình vào câu chữ thì mọi cách tân đều vô nghĩa. Thơ hiện đại, thơ trẻ đang bung phá và trở thành bộ phận tìm kiếm năng động nhất của văn học. Thơ là bộ phận tiên phong của nền văn học, nhà thơ được ủy thác quyền phát ngôn của lương tâm. Các bạn trẻ hãy thể hiện sao cho trọn vẹn cái tôi của mình, phải chú ý đến dấu ấn cá nhân trong sáng tác. Chỉ có như vậy mới đạt tới những giá trị bổ sung chứ không phải tạo ra giá trị thay thế. Những chân trời khác nhau đã xuất hiện...”

PHONG LAN

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *