Thời sự văn học nghệ thuật

14/9
5:29 PM 2016

LÊ BÁ THỰ-MỘT HỒN THƠ XỨ THANH

VÂN LONG - Nói đến Lê Bá Thự trước hết ta phải nghĩ, đây là một dịch giả văn học Ba Lan nổi tiếng hiện nay, với 26 đầu sách dịch, cổ điển và đương đại, được người đọc mến mộ, được tái bản nhiều lần.

 

Trong đó có 12 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười, 3 tập truyện thiếu nhi vv... Một số sách dịch của Lê Bá Thự đã được tặng giải thưởng, như tiểu thuyếtHy vọng đã được nhận Giải thưởng văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Hà Nội, tiểu thuyếtQuà của Chúa  đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng bằng khen năm 2010, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tặng thưởng cho các tác phẩm:“Cầu trên sông Bến Hải” và “Chụp ảnh với gấu” là những tác phẩm dịch hay nhất năm  2008  đăng trong tạp chí. Đặc biệt, tốingày 3 tháng 5 năm 2012, tại khách sạn Melia, Hà Nội, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, ngài Roman Iwaszkiewicz, thay mặt Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Bronislaw Komorowski, đã trao Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan cho dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự, về những đóng góp của anh trong việc giới thiệu văn học Ba Lan tại Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường sự hợp tác và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc  Ba Lan – Việt Nam.

    

Ngoài dịch thuật Lê Bá Thự còn là một nhà thơ, anh từng được giải thưởng của  Cuộc thi thơ 1999 - 2000 của báo Người Hà Nội. Lê Bá Thự làm thơ không như các nhà thơ khác. Anh không chú ý đến thời sự, đến những bài dễ in báo, mà anh làm thơ là để bộc bạch tấm lòng của mình với quê hương, với bạn bè, làm thơ về bố mẹ ông bà, về làng xóm, về cảnh sắc sông Chu, sông Mã, về những kỷ niệm thuở học trò, về danh nhân quê hương, nguồn cội những vương triều… vùng quê Thanh Hóa của anh…

 

Trong cả cuộc đời làm công việc của cán bộ ngoại giao, anh đã đi một vòng tròn khá rộng, tận đất nước Ba Lan xa xôi, tận trời Âu. Tuy nhiên, dù đi đâu, ở đâu anh luôn luôn nghĩ về người mẹ “bỏm bẻm nhai trầu” sinh ra mình, hình ảnh người mẹ dẫn dắt anh trở về với quá khứ, với Ngày xưa:

 

 Mẹ tôi bỏm bẻm nhai trầu/ Da mồi tóc bạc nhuốm màu thời gian.

Thân gày vẫn thuở gian nan/ Miếng trầu là bạn cơ hàn có nhau.

Xa nhà thương mẹ ốm đau/ Lá trầu rụng úa buồng cau héo rầu

Chiều nay ngắm Mẹ nhai trầu / Lòng tôi chạnh nhớ áo nâu năm nào

Lại về tắm ở cầu ao / Lại ngồi thổi sáo dưới sao đêm hè

Tiếng ve lại rộn bờ tre / Dắt tôi thẳng lối đi về Ngày xưa                    

                                               (Đi về Ngày xưa)

 

Năm nào giỗ bố anh cũng về quê viếng mộ, cúng giỗ tại nhà, đây cũng là dịp đoàn tụ gia đình mà anh là con cả, cũng là đứa con trai duy nhất của bố mẹ anh.

Trong bài Thăm mộ bố, những suy tưởng, mường tượng của anh thật là độc đáo, thật là cảm động, thấm đẫm tình cha con:

         

Trưa hè thăm mộ bố/ Thẫn thờ đi trên đồng/ Bỗng trời nổi cơn giông/ Đất mịt mù cát bụi/ kết dáng hình bố tôi.

Thương con mình lủi thủi / Chẳng biết tính làm sao/ Lệ bố hóa mưa rào/ Cho mát lòng con trẻ / Giữa cánh đồng vắng vẻ/ Tình cha tôi dâng trào.

 

Sớm phải rời làng quê, đất nước, nhà thơ vẫn nhớ những mối tình thuở học trò. Đây hẳn là mối tình đầu của nhà thơ:  

          

Trời xanh xanh đến ngất ngây/ Hôm nay tôi lại về đây với làng.

Hây hây gió quyện nắng vàng / Tìm đâu cho thấy bóng nàng năm xưa

Cái ngày mưa đổ giữa trưa/ Áo tơi chung một say sưa trên đồng

Bây giờ em đã lấy chồng / Về tìm kỷ niệm mà lòng khôn nguôi…

                                                         (Tình xưa)  

 

Có những mối tình dạo ấy có thể gọi là mối tình câm, bởi hai người cùng học một trường, một lớp, hàng ngày vẫn chung một con đường lên trường Huyện mà không hề bắt chuyện với nhau…Rồi một hôm: Bỗng vắng bóng nàngLòng thấy bàng hoàng / Có gì luyến tiếc/ Trời cao xanh biếc/ Chắc biết tôi mong…Mấy chục năm ròng/ Bóng nàng vẫn vắng/ Một ngày hạ nắng/ phượng đỏ rực trời/ Chẳng hẹn chẳng chờ/ Gặp lại người xưa…Sững sờ tôi đứng/ Lệ nàng như mưa (Tình câm).

 

Nếu bỏ đi câu cuối cùng Lệ nàng như mưa  thì cả bài thơ sẽ đổ nhào… Có lẽ đây là câu thơ nặng ký nhất trong những câu thơ tình của tập thơ này. Câu thơ ấy rất chân thực với người viết ra nó, càng chân thực với người chỉ “nói” bằng những giọt nước mắt. Có thể suy ra rộng tới vô cùng về số phận người con gái ấy. Có thể người con gái ấy gặp lại người yêu thầm lặng thuở học trò, mà chỉ vì cả hai cùng nhút nhát không dám bộc lộ, để mối tình ấy đã lọt qua tay. Ta có thể hiểu sau đó, gia đình bắt cô nghỉ học, lấy chồng sớm vì một lời mai mối, hẹn hò giữa các bậc cha mẹ từ khi cô còn nhỏ chẳng hạn. Lấy chồng có khi còn chưa được trò chuyện gì với người chồng tương lai…trước khi cưới. Lấy chồng mà như chơi trò may rủi…Vô phúc gặp phải người chồng xấu tính, thì nhiều bi kịch có thể đã xẩy ra, cô có thể đã là nạn nhân của một trong nhiều tấn bi kịch ấy. Trong khi bạn bè cô gặp nhau không ngừng trò chuyện với nhau về các chàng trai cùng lớp, đã thành đạt ngành này, ngành khác, trong đó có người cô găp lại hôm nay, nghe đâu anh đang làm chức Bí thư ở một Đại sứ quán Việt bên trời Âu. Có thể, cô nghĩ, anh vẫn yêu vụng nhớ thầm mình… 

 

Trong khi đó, anh cũng còn trong trí nhớ, không chỉ với cô mà còn cả vài ba người con gái khác, trong những hoàn cảnh khác…mà tình yêu của lớp trẻ giống như ngọn đèn kéo quân: Khi anh chàng theo đuổi một cô nàng kiêu kỳ phía trước, ngỡ mình khó mà với tới được, chỉ cách nhau cái giậu mùng  tơi mà anh vẫn chưa dám vượt sang. Rồi…cũng người con gái ấy hay một người con gái khác, ở bài thơ khác: Tôi về tìm lại người xưa / Người xưa chẳng thấy thấy mưa trắng trời.  Người đem tuổi trẻ đi rồi/ Tôi ôm kỷ niệm tiếc thời mộng mơ/ Mưa chiều sũng ướt câu thơ

 

Anh có thể còn chưa nghĩ đến một vài cô gái từ xa vẫn ngóng về anh, nếu không có lần gặp gỡ tình cờ để thấy có người đã nhớ về anh, nhớ về anh đến thế! Để bật ra những giọt:Lệ nàng như mưa…! Khi cô ngoái lại một sự khổ đau về gả bán ép buộc mà cô đang phải hứng chịu, có thể phương hại cả một kiếp người…

             

Đọc mấy bài thơ tình của Lê Bá Thự như trên, các bạn thân của anh không khỏi lo ngại cho anh, vì nghe nói bà xã  của anh cũng ghen ghê lắm. Nhưng tôi đã có ý để dành bài thơ Vợ tôi của anh, làm tấm mộc che đỡ cho anh. Chỉ một bài ấy thôi đã đủ để hóa giải những bài thơ tình thoáng qua, chẳng “sâu rễ bền gốc” gì với cái anh nhà thơ đa tình, luôn thấy mình đang yêu và được yêu (để làm thơ). Vậy cái ghen của bà vợ cũng chỉ nên “sớm nắng chiều mưa” thôi … Anh hiểu vợ anh là người Cứ mỗi lần vợ “mắng” / Là một lần vợ yêu / Cứ mỗi lần vợ yêu/ Lại một lần vợ “mắng”/ Thất thường là mưa nắng / Thương giận là vợ tôi/ Như sông tung sóng trắng/ Lại lắng xanh màu trời… Phải khen nhà thơ cũng tài chống đỡ!   

 

Là người con của xứ Thanh, nhà thơ họ Lê của chúng ta chẳng những rất yêu quê hương mà còn rất tự hào với quê hương vốn được coi là “mảnh đất địa linh nhân kiệt”. Bài thơ “Nơi sông Mã sông Chu” có thể xem là một bức tranh tuyệt đẹp, là một trang sử oai hùng về Thanh Hóa và là một bài thơ đậm đà bản sắc xứ Thanh: 

 

                        Quê hương tôi – nơi sông Mã, sông Chu

                        Nơi lắm rừng xanh, nơi nhiều biển rộng

                        Chiều quê tôi trời cao lồng lộng

                        Đứng nơi nào cũng nhìn được núi Nưa

 

                         Nhìn được núí Nưa thấy hình bà Triệu

                         Tập hợp nghĩa binh xuyên rừng chiến đấu

                         Khiếp vía kinh hồn lũ giặc Đông Ngô

                         Nữ tướng cưỡi voi chưa thấy bao giờ

 

                          Thành Nhà Hồ vẫn kiêu hãnh dưới cờ

                           Đá xứ Thanh trơ gan cùng tuế nguyệt

                           Công sức cha ông trường tồn bất diệt

                           Đất quê nhà vẫn rợp bóng thành xưa

 

                           Điện Lam Kinh in hình trên phế tích

                           Bia Vĩnh Lăng xưa  bền vững muôn đời

                           Ngày với đêm vẫn vang vọng đất trời

                           Lời thề Lũng Nhai cùng Lê Thái Tổ

               

                            Quê hương tôi dẫu chịu nhiều gian khổ

                             Nơi khơi nguồn bao triều đại đế vương

                            Người quê tôi vùng vẫy bốn phương

                            Mang gươm báu đi mở mang bờ cõi                       

                             

                             Quê hương tôi – cái nôi của người xưa

                             Truyền kiếp nối đời dãi nắng, dầm mưa

                             Tần tảo ven sông, dầm bùn dưới ruộng

                             Tiếng trống râm ran mỗi vụ được mùa

                              

                            Tâm người quê tôi – Tâm người đi Chùa          

                            Sống ở trên đời làm người lương thiện

                            Nhưng giặc đến vẫn cương nhu, quyền   biến

                            Thêm sâu  luống cày, thêm sắc một đường gươm 

                                             

                 Xa bao năm tôi về thăm quê hương

                 Thoang thoảng đâu đây mùi thơm hoa giẻ

                 Hoa của tình quê của thời son trẻ

                 Thức dạy trong tôi những kỷ niệm làng

 

                Trời tỉnh Thanh hôm nay nắng chói chang

                Tắm mát hồn tôi, sông Chu sông Mã

                Người quê tôi dù có đi muôn ngả

                Nhớ sông Chu, sông Mã, lại về… 

   

Bài thơ Gặp bạn đồng môn tặng bạn thơ Văn Đắc thì có cái vui của người “đồng sàng dị mộng”. Không ai ngờ xa cách ngần ấy năm, bạn cũng như mình, dẫu mỗi thằng một hướng, mà vẫn chung da diết một hồn thơ:

 

Đi tìm thời trai trẻ/ Lạc vào miền bơ vơ/ May còn rượu và thơ / Giúp mi đi tìm mộng!     

 

Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với nhà thơ, người con trai thưở thiếu thời chỉ mặc áo nâu và đi chân đất, có lẽ là mối tình “trời mưa che chung áo”, với một cô bạn gái ở quê hương, anh phải thử bút đến hai lần trên hai bài thơ khác nhau, nhưng đều nhắc đến kỷ niệm thân thương đó:   

             

Cái ngày mưa đổ giữa trưa/ Áo tơi chung một, say sưa trên đồng  (Tình xưa)

 

…Tiếng tôi vang giữa cánh đồng: Áo tơi anh có sao không dám nhờ/ Lại đây anh đứng anh chờ / Thôi đừng gội gió đội trời  dầm mưa/ Hai người sánh bước say sưa/ Áo tơi chung một giữa trưa ngày hè. (Áo tơi)                                                                                         

 

Lê Bá Thự có một mảng hồn quê khá đậm, khá sâu với những cây, trái của quê nhà…Bài Cà là bài thơ ông ca ngợi một cách chân thành nhất một thứ quả bình dân nhất khi nhận được từ quê hương gửi sang nước bạn  Ba Lan, nơi ông làm việc: Bữa cơm mà có bát cà/ Dẫu xa vẫn thấy như là ở quê/ Món quà tôi thích tôi mê/ Lắm khi thịt lợn thịt bê cũng thường/ Cà là vị mặn quê hương/  Cà là nỗi nhớ, tình thương đậm đà / Của mẹ cha của ông bà/ Gửi cho những đứa con xa xứ người/ Giòn tan như một tiếng cười /Trong cà có cả đất trời quê tôi.Câu cuối của bài thơ lục bát này là một câu thơ hay, vừa tượng thanh vừa tượng hình.

 

Về hoa thì giữa hoa nước bạn với hoa nước mình cũng nhiều loài giống nhau nhau. Thí dụ, ở Vacsava đêm hè có loài hoa lipa, một loài hoa thoảng hương như hương hoa sữa của Hà Nội. Và anh nhớ, ngày anh sắp ra đi đúng vào mùa cây hoa sữa trổ hoa:

 

Nhớ ngày anh sắp đi xa/ Đúng mùa cây sữa trổ hoa/ Hôn em trong đêm Hà Nội/Hương nồng, trời đầy sao sa.

 

Dẫu rằng anh ở phương xa/ Cách nhau muôn trùng thương nhớ/ Mỗi khi nghĩ về hoa sữa/ Là anh lại gặp quê nhà.

 

Đêm hè ở Vacsava/ Thoang thoảng mùi hoa lipa/ Lại nhớ đêm sao Hà Nội/ Cái đêm tình của đôi ta…

 

Cái chân tình của nhà thơ không cần duy mỹ, không cần cường điệu đi quá cái cảm xúc thực của mình đã làm rung động con tim của bạn bè, độc giả… Khiến ta đọc hết tập thơ “Đi về Ngày xưa” vẫn còn muốn đọc thêm nữa những dòng thơ chép tay lung linh như dòng nhật ký… Mong bạn đọc nào có cảm tưởng như tôi, thì cũng nên nghĩ thêm như tôi: Sự nghiệp lớn của cuộc đời dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự là chiếc cầu văn học dịch không chỉ nối độc giả Việt Nam với đất nước, con người Ba Lan mà còn với cả khối các nước Đông Âu, không chỉ với văn hóa châu Âu hiện đại mà còn với cả hàng nghìn năm lịch sử của một nửa thế giới, như cuốn tiểu thuyết lịch sử Pharaon, dày gần ngàn trang, về Ai Cập cổ đại, của Boleslaw Prus, được nhiều người tìm đọc, giới phê bình đánh giá cao. Như đã nói, 26 cuốn sách dịch đã in được bạn đọc mến mộ, nhiều cuốn được giải thưởng, của dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự khẳng định điều nói trên.

Xin chúc dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự tiếp tục sung bút lực trong dịch thuật cũng như trong thơ.                                                              

 (Nguồn: Nhà văn TP.HCM)                                          

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *