TIN VĂN NGHỆ KHẮP NƠI
Khai mạc Hội sách Mùa Thu 2016
Sáng 9-9-2016, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ khai mạc Hội sách mùa Thu 2016. Đây là hội sách lần đầu tổ chức theo hình thức xã hội hóa, thu hút gần 60 đơn vị xuất bản, phát hành, bưu chính, giáo dục đào tạo, với khoảng gần 70 gian hàng tham gia.
Trong thời gian diễn ra Hội sách mùa thu 2016, tại khu vực sân khấu của Hội sách sẽ diễn ra các chương trình giao lưu độc giả - tác giả, giới thiệu các cuốn sách mới xuất bản, như: Cuốn sách “Độc hành” (NXB Thế giới); bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori” (NXB Phụ nữ); cuốn sách “Xanh” (NXB Văn học) của nhà văn Chu Thùy Anh, cùng với sự tham gia của các diễn giả: TS Văn học Đoàn Hương, nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Đỗ Quang Hạnh…
Ngoài ra, còn có các chương trình mang tính chất giáo dục, các hoạt động vui chơi, giải trí lồng ghép với nội dung cổ vũ, khuyến khích phong trào đọc sách, hướng tới đối tượng thiếu nhi và bạn đọc nhỏ tuổi. Với độc giả quan tâm đến tình hình thời sự trong nước, quốc tế sẽ tham gia buổi tọa đàm với TS. Trần Công Trục - Nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ về chủ đề “Tranh chấp Biển Đông dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế” do NXB Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Trong 5 ngày diễn ra Hội sách mùa thu 2016, tại gian hàng của các đơn vị tham gia còn có nhiều hoạt động, sự kiện phong phú khác, như: Giao lưu tác giả - độc giả; tổ chức các trò chơi theo nhiều chủ đề; chương trình tặng vòng tay cho độc giả, trò chơi “Quà từ đâu tới”; chương trình chụp ảnh tặng quà v.v…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại lễ khai mạc: Việc tổ chức Hội sách mùa thu 2016 và các hội sách khác sẽ tạo thành chuỗi hoạt động văn hóa gắn liền với sách. Hội sách là nơi kết tinh, hội tụ và lan tỏa tình yêu sách đến với mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa sách và người đọc, hướng tới xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Ban tổ chức hy vọng rằng, Hội sách lần này không chỉ là điểm hẹn văn hóa của người dân tại Thủ đô ngàn năm văn hiến, là hoạt động diễn ra thường niên của ngành xuất bản, in và phát hành, mà còn là mô hình thí điểm được đầu tư, phát triển và nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.
(Theo: Chinhphu.vn)
Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo VHNT, báo chí
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung dự toán thực hiện Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020”.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 42,5 tỷ đồng cho Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật, Nhà báo ở địa phương từ nguồn chi sự nghiệp văn hóa thông tin thuộc ngân sách trung ương năm 2016 để thực hiện Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thông báo kinh phí cụ thể cho các cơ quan, địa phương theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý và sử dụng kinh phí bổ sung thực hiện theo các văn bản hướng dẫn cho giai đoạn 2011-2015.
Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020” nhằm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tâm hồn, đạo đức, có giá trị định hướng thẩm mỹ và hình thành nhân cách, lối sống góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện...
Hỗ trợ cho các đề tài phản ánh về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ kháng chiến cứu nước, di sản văn hóa truyền thống dân tộc; nông nghiệp, nông dân và nông thôn; sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nông thôn trong thời kỳ mới; công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước; những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội, của thời đại; thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; dân tộc thiểu số; gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; lý luận và phê bình văn học nghệ thuật; chống diễn biến hòa bình, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo.
(Theo: Chinhphu.vn)
61 tác phẩm được đề nghị giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ nhất
Hội đồng Chung khảo giải thưởng Văn học Nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ nhất (2010-2015) vừa tiến hành họp xét và thống nhất chọn 61 tác phẩm VHNT đề nghị UBND tỉnh trao tặng giải thưởng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Thi-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, Phó Chủ tịchThường trực Hội đồng Chung khảo-đã thông qua Báo cáo tóm tắt kết quả chấm vòng Sơ khảo. Theo đó, từ 191 tác phẩm và cụm tác phẩm của 87 tác giả, nhóm tác giả tham dự giải thưởng, Hội đồng Sơ khảo đã thống nhất lựa chọn 61 tác phẩm, cụm tác phẩm đưa vào Chung khảo, trong đó có 7 tác phẩm, cụm tác phẩm đủ điểm xếp loại A; 16 tác phẩm, cụm tác phẩm đủ điểm xếp loại B; 19 tác phẩm, cụm tác phẩm đủ điểm xếp loại C và 19 tác phẩm, cụm tác phẩm đủ điểm xếp loại Khuyến khích.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Chiến Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo-đánh giá cao kết quả thẩm định của Hội đồng Sơ khảo cũng như cách làm rất khoa học, thận trọng, nghiêm túc, khách quan và công khai của thường trực hội đồng, từ đó giúp cho việc xét giải của Hội đồng Chung khảo có kết quả công bằng và chính xác. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan Hội Liên hiệp VHNT tiếp tục là cầu nối để tỉnh nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của các văn nghệ sỹ, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của VHNT nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Yên Bái nói chung.
(Nguồn: vanhocnghethuatyenbai.gov.vn)
TUYÊN HÓA tổng hợp