ỐNG KÍNH NHÀ VĂN: MỘT TINH THẦN HỒN HẬU
Sự bình yên mà chúng ta vẫn hiểu thường được gắn với phong cảnh thiên nhiên yên ả, lãng mạn, nhịp sống chậm. Đó mới chỉ là một khía cạnh, cái vẻ bên ngoài. Sự bình yên mà tôi đang nói đến còn bao gồm - và chủ yếu - là sự bình yên trong tâm hồn con người. Quả thật, nếu không sang Thái Lan, trực tiếp trải nghiệm đời sống giữa những đô thị sầm uất mua sắm, tôi sẽ không thể tin nếu ai đó nói như tôi vừa nói về đất nước của những ngôi chùa vàng. Nhưng đó là sự thật lớn nhất, đáng cho tôi suy ngẫm nhất.
Khách quan mà nói thì Bangkok không đẹp (ít ra là với những gì đã lọt vào mắt tôi). Kiến trúc không có gì độc đáo (ngoài hệ thống những ngôi chùa), địa thế trũng thành thử mọi thứ ở Bangkok đều phải hướng lên chiếm lĩnh cao độ dương. Hệ thống đường tàu trên cao, vừa thô kệch, vừa phá nát bố cục tổng thể không gian ở bất cứ đâu con đường (có chỗ hai tầng) đi qua. Đường phố Bangkok cũng thuộc loại trung bình. Cảnh lộn xộn trong đi lại, tắc đường, rác thải, chợ cóc, chợ vỉa hè… có thể bắt gặp bất cứ đâu, y như vẫn thấy ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. So với hai thành phố vừa kể của Việt Nam, thậm chí Bangkok còn mất điểm hơn ở một vài yếu tố, chẳng hạn như cây xanh, hệ thống hồ nước. Nói tóm lại, Bangkok khiến tôi “thất vọng” so với những gì mình vẫn hình dung một cách vu vơ.
Nhưng không phải ngẫu nhiên mà hàng năm Bangkok đón một lượng khách du lịch khổng lồ (ít ra là so với Hà Nội). Tỉ lệ khách quay lại thì Hà Nội không thể so được. Phải có lí do nào đó quyết định điều này. Cũng là câu hỏi cứ bám lấy tôi trong chuyến đi Bangkok lần đầu tiên. May có anh bạn Bùi Thế Vũ, người từng có hơn 20 năm học tập, làm việc tại Ucraina, Nga và châu Âu, năm nào cũng phải qua Thái Lan ít nhất một lần, như mắc nghiện, nhờ thế mà thông thạo đường đi lối về nên mọi việc trở nên rất thuận lợi. Xuống sân bay rộng mênh mông so với tưởng tượng trước đó của tôi, cảnh tượng đầu tiên khiến tôi chú ý là dòng người nhập cảnh vào Thái Lan đông như một đàn kiến. Chỉ cần nhìn vào dòng người đó cũng đủ thấy năng lực làm và quảng bá du lịch của một đất nước. Làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi đi tàu Express đến Bangkok thì trời đã về chiều. Bắt một taxi dù chạy nhan nhản trên mọi đường phố Bangkok với giá 300 bath (khoảng 200.000 đồng, sau này tôi biết, nếu đi xe của hãng, số tiền chúng tôi phải trả chỉ non một nửa), chúng tôi được tận hưởng ngay cảnh đi lại ở thủ đô Thái Lan. Hôm đó chưa phải là cuối tuần nhưng đường phố đông cứng. Có lúc tại điểm giao nhau, đèn đỏ kéo dài tới gần 10 phút. Nhưng không hề thấy có cảnh chen ngang, tạt đầu xe hay bóp còi ầm ĩ. Anh tài xế không hề tỏ vẻ nôn nóng, cáu gắt như những ông lái xe taxi của ta trong trường hợp tương tự. Nhìn ra xung quanh cũng thế. Tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi. Đúng ra phải nói tất cả đều vui vẻ chờ đợi mới đúng. Mà chờ đèn đỏ cũng đâu có uổng phí hoàn toàn, ít ra là với anh chàng lái xe taxi của chúng tôi. Anh ta, với vốn tiếng Anh vừa đủ để nói chuyện giá cả, chỉ đường, giới thiệu một số dịch vụ, những thứ chúng tôi cần mà anh ta có thể đáp ứng… đã không bỏ phí bất cứ một giây nào để làm ăn. Nhưng khi chúng tôi tỏ ý sẽ tự mình xoay xở lấy, anh lái xe vẫn cực kì vui vẻ, không hề có biểu hiện mảy may rằng mình đã mất công nói hàng tiếng đồng hồ. Sau này còn sử dụng thêm một số dịch vụ khác, chúng tôi đều thấy đó là thái độ hằng ngày của bất cứ người dân Thái Lan nào.
Vào quán ăn, siêu thị hay tại những sạp bán hàng trên vỉa hè, trong các khu chợ chen vai thích cánh, bạn đều được mời chào niềm nở nhưng không bao giờ có chuyện chèo kéo, ép buộc. Bạn có thể xem thoải mái, hỏi về đủ thứ chuyện, cầm lên đặt xuống bất cứ mặt hàng nào mà không bị áp lực phải mua để không làm mếch lòng người bán. Dù phải giới thiệu khản cả giọng, người bán vẫn chắp tay xin thứ lỗi nếu bạn không mua hàng của họ. Tiện thể nhắc đến vỉa hè, không thể không nói về cách sử dụng chúng của người dân Bangkok. Phần lớn vỉa hè đều chật chội. Nhưng chúng luôn được dùng để kinh doanh, bán những mặt hàng thiết yếu cho du khách và cho cả người dân. Các sạp hàng phía ngoài đều quay lưng lại mặt đường, biến hầu hết vỉa hè ở Bangkok chỉ còn duy nhất lối đi ở giữa với hai bên là quầy hàng tạp hóa, phục vụ ăn uống, bán thực phẩm không thiếu một thứ gì. Có cả nấu nướng ngay tại chỗ. Người người len nhau, chen vai thích cánh đi lại như mắc cửi. Người người mua bán, ăn uống cũng như mắc cửi. Tất cả diễn ra êm đềm, nề nếp, vô cùng vui vẻ, cực kì sinh động, ngay cạnh từng dòng xe ô tô có quyền phóng tới 80 km một giờ. Cái kì lạ của Bangkok chính là bề ngoài thì chưa thoát khỏi cảm giác nhếch nhác, xô bồ, nhốn nháo nhưng mọi thứ cứ trôi đi một cách vô cùng yên ả, nề nếp. Suốt gần một tuần ở Bangkok, tôi không thấy vụ va chạm nào giữa các loại phương tiện mặc dù ngay cả xe túc túc (tuk-tuk) cũng phóng bạt mạng trên đường. Đơn giản là mọi người đều chấp hành rất nghiêm luật giao thông và sẵn sàng nhường nhịn khi có xung đột. Cũng không thể kiếm nổi một trận tranh cãi, ẩu đả. Không nghe thấy tiếng còi xe. Và chẳng hiểu các nhà quản lí đô thị Thái Lan làm cách nào mà đường phố Bangkok không có bụi trong khi các nhà tầng vẫn xây dựng hàng ngày, xe chở đất, cát, vật liệu xây dựng vẫn chạy lông nhông trên đường.
Hóa ra cái sự ngạc nhiên nhất của tôi lại ở chỗ khác. Tôi chưa về các vùng miền khác của Thái Lan. Nhưng chỉ với Bangkok và Pattaya thì cũng đủ để kinh ngạc về khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của người dân Thái Lan, mặc dù người Thái không thực sự có năng khiếu ngoại ngữ như một nghiên cứu mà tôi được biết. Sinh viên thì khỏi phải nói, tất cả đều thông thạo tiếng Anh. Lái xe taxi hầu hết đều giao dịch được với khách ngoại quốc bằng tiếng Anh. Những người bán hàng trên vỉa hè, trong bất cứ khu chợ nào đều nói tiếng Anh lau láu, đủ để mặc cả, mời chào, từ chối, tán gẫu, đùa lại khách... y như tiếng mẹ đẻ. Bạn bị lạc đường mà có chút tiếng Anh thì cứ bình tĩnh. Bất cứ ông cảnh sát nào cũng có thể hướng dẫn bạn. Bất cứ ông bảo vệ nào cũng có thể trợ giúp bạn. Và thật kì lạ khi những người ăn mày, ngồi lê la, ôm trong tay những đứa trẻ con, cũng cầu xin lòng thương hại của du khách bằng tiếng Anh.
Trong khu chợ nổi tiếng Khau San, tình cờ chúng tôi gặp hai người Việt bán kem. Đó là hai anh em ruột người Nghệ An. Tất nhiên là cư trú ngoài luồng. Tranh thủ vừa ăn kem, tôi vừa hỏi chuyện. Hóa ra để được yên thân bán hàng tại khu chợ, mỗi năm họ cũng phải cống nộp cho các ông cảnh sát khu vực một khoản tiền khoảng 60 ngàn bath (tương đương 40 triệu đồng Việt Nam).
Hỏi: Nếu không có khoản đó để nộp thì sao?
Đáp: Thì bán xới đi chỗ khác.
Hỏi: Thái Lan mà cảnh sát cũng “đểu” thế à?
Cười rất tươi và nháy mắt: Trời đất này cả mà các chú, đi đâu cho thoát.
Hỏi: Trừ mọi khoản, còn lại bao nhiêu một tháng?
Đáp: Trừ tất tần tật, mỗi tháng anh em cháu tiết kiệm được khoảng từ 6-7 triệu đồng tiền mình. Vất vả nhưng xét cho cùng cũng còn dễ thở.
Tự nhiên cứ lẩm bẩm sáu bảy triệu đồng, như thể không hình dung ra nó là ngần nào. Có lẽ vì quen nghĩ, đã tha hương làm ăn ở nước ngoài thì phải có nhiều tiền.
Chúng tôi đang ăn kem thì đã có mấy thanh niên cầm bảng giá massage chân đến tiếp thị. Ở Thái Lan, mọi mặt hàng, dù lớn hay nhỏ, trong siêu thị hay trong các khu chợ, trên vỉa hè đều ghi giá rất rành mạch mặc dù thoải mái mặc cả. Theo kinh nghiệm của Vũ thì đầu tiên cứ trả một nửa, rồi hai bên nhích dần cho đến khi gặp nhau. So với Bắc Kinh hay Thượng Hải thì mặc cả ở Bangkok chưa là cái đinh gì. Tôi từng mua được một thứ đồ ở Bắc Kinh với giá một phần mười so với giá ghi niêm yết. Thế mà về sau mới biết vẫn còn bị hớ. Bangkok thì không có chuyện “dã man” đó. Có thách nhưng chỉ thách gọi là. Riêng massage thì khỏi kì kèo, kể cả massage chân. Sau này, khi ở Pattaya, nơi được coi là kinh đô tình dục của cả châu Á, tôi thấy mọi thứ giá cả liên quan đến sex cũng đều được niêm yết công khai. Đi giữa khu phố đinh tai nhức óc vì nhạc, với xung quanh là dày đặc những người môi giới, cò mồi nhưng không hề có cảm giác đang vào chốn nguy hiểm. Người bán dép cứ tha hồ mà quảng cáo dép; người bán thịt nướng thì tìm mọi cách để làm khách tứa nước miếng, trong khi ngay bên cạnh người ta đang ồn ào mua, bán dâm với đủ kiểu giơ tay ra giá, mặc cả, đủ cách phô phang xác thịt. Thú vị hơn là ngay cạnh đó và cứ cách một quãng vài trăm mét lại có một tốp cảnh sát ngồi như những người chẳng có việc gì làm.
Khi bắt taxi từ Bangkok xuống Pattaya, chúng tôi nhặt được trên hàng ghế sau chiếc ví của một du khách là sinh viên Hàn Quốc. Những giấy tờ trong đó cho chúng tôi biết điều đó. Ngoài khoảng hơn một ngàn Bath, ví có thẻ visa, thẻ sinh viên, một số thẻ khác và khá nhiều cardvisit. Cậu con trai tôi đang là sinh viên trường FPT hình dung ngay ra nỗi hoảng sợ của cô bạn sinh viên Hàn Quốc nào đó trong cảnh xa nhà, mất hết tiền, thẻ visa có thể bị moi rỗng, cuống cuồng giục chúng tôi tìm cách để trả lại. Người lái xe taxi không hề biết chuyện gì, khi chúng tôi bảo ông ta đưa đến đồn công an gần nhất thì hơi ngạc nhiên nhưng chẳng có vẻ gì phải cảnh giác gật đầu rất vui vẻ (tôi chưa thấy người Thái Lan nào cáu với khách). Đồn công an lúc sáng sớm vắng tanh, chỉ có một người mặc cảnh phục ngồi trực. Nghe chúng tôi trình bày, ông cảnh sát nhận chiếc ví, giở ra xem ngay trước mặt, yêu cầu chúng tôi để lại tên và cảm ơn, hứa sẽ sớm tìm người mất để trả lại. Trước khi chúng tôi lên đường đi tiếp, ông cảnh sát hỏi chúng tôi là công dân nước nào. Khi nghe đến tên Việt Nam, ông ta có vẻ hơi bất ngờ và tất nhiên là mỉm cười. Ngồi trên xe, chẳng hiểu sao tôi và những người còn lại đều thấy có chút tự hào rất trẻ con pha lẫn vào nỗi buồn. Cái sự ngạc nhiên của ông cảnh sát phần nào cho thấy có vẻ người Việt không được đánh giá cao lắm khi ra nước ngoài. Nào là ăn cắp siêu thị, nào là ồn ào chen lấn, ăn buffet như ăn khoán theo kiểu mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng. Điều đó có nghĩa, chúng tôi vừa khiến một trong số họ phải ân hận khi vơ đũa cả nắm. Rồi bắt đầu tưởng tượng một cách nhược tiểu. Có thể nhà vua Thái sẽ mời chúng tôi quay lại thăm vương quốc của ngài khi biết việc chúng tôi vừa làm. Biết đâu hình ảnh bốn thằng người Việt sẽ còn lưu lại trong đồn cảnh sát, để khi cần thì họ có thứ để làm tư liệu. Đời chưa biết thế nào, có thể cô sinh viên Hàn Quốc nào đó, vì hành động của chúng tôi mà trở thành một fan cuồng của Việt Nam. Biết đâu trời run rủi cho cô làm tổng thống như bà Park Geun Hye. Khi đó cô sẽ dựng tượng bốn thằng đàn ông Việt chúng tôi... Chúng tôi tưởng tượng rồi cười ngả với nhau khi xe đang chạy 140 km một giờ. Biển báo (dày đặc trên đường) chỉ cho phép xe chạy 120 km một giờ. Nhìn ra thấy mọi xe khác cũng thế mà chẳng một ai bị tuýt còi. Cũng chẳng thấy bóng dáng ông cảnh sát nào trên suốt 150 km đường cao tốc 8 luồng. Như ở Việt Nam thì lái xe bị phạt nặng, còn ở Thái, có vẻ quy định đó mang nặng tính nhắc nhở, tức là chính quyền đã thực sự tin vào tinh thần tự giác của người dân. Điều tương tự tôi cũng thấy ở nước Nga, biển báo mang tính nhắc nhở là chính. Và tôi chợt nghĩ, trong việc chế tài pháp luật, kể cả luật giao thông, mục đích tối cao là rèn thói quen chấp pháp cho người dân, chứ không phải chờ người dân vi phạm để phạt.
Tôi là người hay quan sát đời sống xã hội, vì thế tôi luôn tò mò những chuyện lặt vặt. Chẳng hạn, nếu đi taxi chính hãng, có đồng hồ gắn trên xe, thì giá chỉ vào khoảng 6 nghìn đồng Việt Nam một kilômét, không phân biệt chạy ngắn hay dài. Giá xăng tại thời điểm tôi ở Bang kok vào khoảng tám nghìn đồng Việt Nam, rẻ bằng một nửa giá xăng bán cho người tiêu dùng của Việt Nam. Mỗi năm Thái Lan tiêu thụ khoảng 1,5 triệu xe hơi, gấp 7-8 lần Việt Nam. Đường giao thông Thái Lan chắc chắn nhỉnh hơn của Việt Nam, nhưng khoảng cách đang dần thu hẹp khi chỉ trong chưa đầy năm năm, năng lực giao thông Việt Nam tăng chóng mặt. Vì thế, cảnh tắc đường ở hai nước hiện tại đều ở mức nghiêm trọng như nhau. Thế nhưng, đi trên các đường phố Bangkok náo nhiệt và không kém xô bồ, với những vỉa hè chưa hết cảm giác nhếch nhác, lại cứ thấy có một cái gì đó vẫn khác xa khi đi trên những đường phố, khu chợ, nơi tụ họp đông người ở ta. Một cái gì mà chúng ta có lẽ còn lâu mới có. Cảm giác này cũng đến với tôi khi tham gia giao thông với đủ loại phương tiện, hoặc dạo bộ tại Pattaya, thành phố có độ thơ mộng thua xa Vũng Tàu với muôn vàn loại dịch vụ mà ở ta bị xem là nhạy cảm, đồng thời là môi trường của tranh cướp, xã hội đen, chèn ép khách... Khi ngồi ăn tối trong một nhà hàng ven biển ở Pattaya, tôi đã nói ra suy nghĩ này với Bùi Minh Thắng, Bùi Thế Vũ cũng như cậu con trai 19 tuổi của tôi. Hóa ra tất cả chúng tôi đều có cảm giác ấy. Phải chăng phép màu kì diệu chính là ở chỗ người dân Thái Lan ứng xử với nhau trên tinh thần nhường nhịn, từ tâm. Cực kì nhường nhịn. Nghĩa là có một sự trưởng thành rất lớn về văn hóa, trong một môi trường tôn trọng sự khác biệt, đề cao tính tự quản dân sự và với một hệ thống pháp luật tương đối minh bạch. Chính là bài thuốc cho nạn ùn tắc, tai nạn giao thông ở Việt Nam chứ cần gì phải tìm ở đâu. Và còn hơn thế khi chúng ta sẽ phải ngạc nhiên và thèm muốn về sự bình yên mà người Thái có được. Tất cả những yếu tố đó hình thành nên một tinh thần Thái Lan hồn hậu, tự tôn và thanh bình.
Nghĩ xa nghĩ gần tự dưng thấy thương hại cho một số đồng bào mình luôn chỉ mơ kiếm thật nhiều tiền, bằng đủ mọi cách để có thể tạo ra cho riêng mình một nơi chốn bình yên, như thiên đường, thây kệ thiên hạ ra sao thì ra. Những người đáng thương đó không biết là họ đang vô cùng ảo tưởng. Bởi vì sẽ chẳng thể có được điều đó khi sự thanh bình không ngự trị trong tâm hồn mỗi con người, thứ thanh bình không thể chỉ dùng tiền mà tạo ra được
(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)