Tin tức

5/3
11:59 PM 2017

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI (5-3-2017)

Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương tổ chức kỳ họp thứ nhất

Sáng 3-3-2017, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhiệm kì 2016-2021 đã tổ chức Kỳ họp thứ nhất để bàn thảo về chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2017 của Hội đồng.

Phát biểu khai mạc và là người chủ trì cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên TƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật TƯ thay mặt Thường trực Hội đồng đề nghị cuộc họp tập trung thảo luận, xây dựng các dự thảo chương trình hoạt động toàn khóa và phân công nhiệm vụ cho các tiểu ban chuyên môn của Hội đồng.

GS-TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại kỳ họp

Trong Dự thảo chương trình hoạt động toàn khóa 2016-2021, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đã nêu ra 8 vấn đề cần chú trọng trong nhiệm kì này bao gồm: Kiện toàn văn phòng hội đồng; Cải tiến nội dung, hình thức năng lực chuyên môn của tạp chí Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật; Tiếp tục giai đoạn 2 của đề án Lý luận VHNT Việt Nam để xây dựng, xuát bản các tác phẩm trong đề án; Tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia vào quí 4/2017; Xét tặng, hỗ trợ các tác phẩm VHNT cho các tác phẩm xuất bản và đang có kế hoạch xuất bản trong năm 2016, 2017; Phối hợp với các bộ ban ngành tổ chức hội nghị về báo chí, VHNT toàn quốc vào tháng 6/2017; Thực hiện chương trình khảo sát trong và ngoài nước; Thực hiện chương trình thường kì, thường niên của Hội đồng.

Phát biểu tại buổi họp, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận TƯ tán thành các nhiệm vụ đề ra của dự thảo đề xuất mong muốn trong thời gian tới, hội đồng có sự gắn bó mật thiết hơn với các hội VHNT trong cả nước và hỗ trợ hợp tác lẫn nhau. Bên cạnh đó, các hoạt động của hội đang vắng bóng báo chí, truyền thông. Việc truyền tải kịp thời, chính xác sẽ giúp cho công chúng biết nhiều hơn về chức năng, nhiệm vụ của hội. Điều này giúp nâng cao trình độ thẩm mĩ của nhân dân. Ngoài ra, cần có sự tham khảo chia sẻ giữa ba hội đồng trong cả nước để làm cho đội ngũ tư vấn cho Đảng vững mạnh hơn.

(Theo: vannghequandoi.com.vn)

Hát múa Ải Lao là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL, công bố 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có hát múa Ải Lao của phường Phúc Lợi (quận Long Biên, TP Hà Nội).

Hát múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng, làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) và do phường Ải  Lao, làng Hội Xá (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP Hà Nội) thực hành biểu diễn. Trong các loại hình nghệ thuật cổ của người Việt, Ải Lao là những điệu hát, điệu múa cổ và hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay. Không chỉ độc đáo bởi nhịp điệu, lối hát, hát múa Ải Lao còn mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa khá đặc sắc. Đây là một loại nghệ thuật trình diễn hát và múa thờ Thánh Gióng. Nhóm người thực hành, giữ gìn và trao truyền nghệ thuật trình diễn hát, múa này được gọi là phường Ải Lao. Lời ca của Ải Lao không chỉ thể hiện sự tôn kính và cảm tạ Đức Thánh Gióng mà còn tạo nên không khí vui tươi trong một lễ hội trang nghiêm với nhiều nghi lễ. Chính vì vai trò quan trọng của hát múa Ải Lao mà người dân nơi đây có câu “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Ải Lao, điển hình như bài viết: “Một lễ hội tôn giáo nước Nam (tại làng Phù Đổng – Bắc Kỳ)”, năm 1893 của nhà nghiên cứu người Pháp là G.Dumoutier; những ghi chép về “Hát và múa Ải Lao ở hội Phù Đổng (Bắc Ninh)” vào  năm 1937, 1938 của GS.TS Nguyễn Văn Huyên; GS Cao Huy Đỉnh xuất bản cuốn “Người anh hùng làng Gióng” năm 1969; nhà nghiên cứu Toan Ánh với bài viết “Hội Gióng và tục diễn lại sự tích Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân” đã miêu tả về hát và múa Ải Lao trong Hội Gióng năm 1969.

Theo nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, nguồn gốc tên Ải Lao có hai giả thuyết. "Thứ nhất, do nước Ai Lao cung cấp phường múa hát hàng năm cho nhà Lý trong thời kỳ vương quyền Ai Lao hàng phục nhà Lý, nên phường múa hát ấy lấy tên là Ải Lao. Sau thời kỳ đó, nước Ai Lao không cung cấp nữa nên nhân dân Tổng Phù Đổng phải tổ chức trai trẻ làng Hội Xá chuyên trách. Thứ hai, theo nghĩa từ Hán thì Ải Lao có nghĩa là buộc trâu bò, nhắc lại chi tiết: Đoàn trẻ chăn trâu vội vàng buộc trâu bò, theo Ông Gióng đánh giặc. Sau khi Gióng lên trời, bà mẹ Gióng buồn, vì không thấy con về nữa nên đoàn trẻ chăn trâu ấy đến múa hát cho bà vui. Do đó mà có phường múa hát Ải Lao”.

Trước đây, phường Ải Lao thuộc làng Hộ Xá, là một xã thuộc Tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831) là tỉnh Bắc Ninh). Vào đầu đời Thành Thái (1889 – 1907), vì tên của làng kỵ húy nên làng phải đổi thành Hội Xá. Hội Xá xưa gồm có ba xóm: Xóm Thượng, xóm Giữa và xóm Trại. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội Xá cùng với thôn Tình Quang, thôn Quán Tình thuộc về xã Trường Chinh, huyện Gia Lâm. Đến năm 1961, Hội Xá cùng với các thôn Thượng Đồng, Nông Vụ Trung, Nông Vụ Đông hợp thành xã Phúc Lợi. Năm 1965, thành lập xã Hội Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đến tháng 11- 2003, quận Long Biên được thành lập, xã Hội Xá đổi tên thành phường Phúc Lợi. Do những thay đổi về địa giới hành chính như vậy nên hiện nay, phường Ải Lao nằm trên địa phận của làng Hội Xá xưa, nay là tổ dân phố số 1, 2, 3, 4, 5, 6 của phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

(Theo: qdnd.vn)

Ngày hội Sách cũ TP Hồ Chí Minh-2017

Từ ngày 3 đến ngay 5-3-2017, Công ty cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn - Saigon Books kết hợp cùng Sense Mart đã tổ chức “Ngày hội Sách cũ TP Hồ Chí Minh 2017” tại Khu B - Công viên 23/9, dành cho bạn đọc đam mê và có nhu cầu tìm hiểu, sưu tầm sách cũ.

“Ngày hội Sách cũ TP Hồ Chí Minh 2017” trưng bày nhiều đầu sách mới, sách hay với các thể loại đa dạng như: Chính trị xã hôi, hồi ký, văn học… và các dòng sách ngoại văn… được giảm giá lên đến 50%. Đặc biệt, Ban Tổ chức còn dành 2.000 cuốn sách miễn phí tặng độc giả như: Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Đắc nhân tâm, Không bao giờ thất bại…

Cùng với Saigon Books, chương trình còn có sự góp mặt của các đơn vị chuyên về sách cũ trên cả nước như: Sách cũ Hà Thành (Hà Nội), Sách cũ Vì Dân (Hà Nội), Sách cũ Gia Khoa (Hà Nội), Sách cũ Khải Vinh (Trần Nhân Tôn, TP.HCM), Momo Books (Trần Nhân Tôn, TP.HCM), NXB Kim Đồng… Ngoài hơn 20 gian hàng đến từ các đơn vị sách, nhằm khích lệ tinh thần đọc sách trong cộng đồng và trong mỗi gia đình, Ban Tổ chức còn dành khu vực riêng cho các cá nhân và gia đình làm nơi để trao đổi và mua bán sách cũ với nhau.

“Ngày hội Sách cũ TP Hồ Chí Minh 2017” được xem là hoạt động văn hóa dành cho các đối tượng độc giả yêu thích sách, được Saigon Books lần đầu tiên phối hợp cùng các đơn vị sách cũ trên cả nước tổ chức. Thông qua hoạt động này, Ban Tổ chức mong muốn có thể thúc đẩy các hoạt động trao đổi - mua bán sách cũ, quý hiếm của các nhà sưu tầm, nghiên cứu và độc giả. Đồng thời, tạo điều kiện giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu, các nhà biên khảo, các nhà sưu tầm sách… về các chủ đề thú vui chơi sách, phong tục - văn hóa - lịch sử Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng.

Bên cạnh giới thiệu, trưng bày, trao đổi các loại sách cũ, sử liệu, tư liệu quý hiếm, có giá trị văn hóa cao từ các nhà sưu tầm, nghiên cứu nổi tiếng… “Ngày hội Sách cũ TP.Hồ Chí Minh 2017” còn tổ chức nhiều hoạt động bổ ích liên quan, như: Tọa đàm “Thú chơi sách cũ: Định giá sách như thế nào?”; tọa đàm “Ký sức Sài Gòn qua ngôn ngữ Sài Gòn xưa”; tọa đàm “Vai trò của Vua Gia Long trong lịch sử”; Tọa đàm “Văn chương Nam kỳ lục tỉnh 1930 - 1945” v.v…

(Theo: nhavantphcm.com.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *