NGƯỜI QUAN HỌ- TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Xe đổ chúng tôi tại bến của thị xã vào lúc chập tối. Cả thầy lẫn trò lỉnh kỉnh những xoong nồi, choòng xẻng lại còn mì gạo, thực phẩm lếch thếch cuốc bộ về một làng quê cách thị xã tới hơn mười kilomet. Cơn mưa cuối đông không nặng hạt, nhưng đủ gieo cái lạnh thấm buốt vào da thịt. Chúng tôi vừa đi vừa nép vào những căn lều bán quán dọc hai bên đường, run rẩy vì lạnh, cồn cào vì đói. Nhất là thoảng trong gió một mùi thơm của cơm ghế khoai vừa chín tới phả vào cái dạ dày đang bất mãn.
Đến làng thì trời tạnh hẳn.
Bác chủ nhà xua con chó Mực đang gào điên cuồng, tỏ vẻ bất bình trước sự phá đám của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi bước vào nhà thì Mực ta lại tỏ vẻ thân thiện, lân la hít hít ngửi ngửi như để lấy lòng. Căn nhà ba gian hai buồng kín mít bởi những tấm cửa gỗ chắc nịch như những tấm phản, mở ra kêu ken két như cọ vào nứa. Chúng tôi hơi ngạc nhiên vì không thấy ai ngoài bà chủ mới độ tuổi trung niên. “Ông nhà tôi và thằng lớn đang bộ đội trong Nam”, “Thế còn…”, “Tôi chỉ có mình nó thôi”. Hai thằng nén cái thở phào sung sướng vì được thoải mái trong một căn nhà neo chiếc thế này. Hôm sau gặp anh cán bộ lớp, anh đến rỉ tai như đe: “Bà chủ nhà chúng mày nghe nói khó tính lắm đấy. Đừng có tiếp bạn gái trong nhà nghe chưa”. Tôi bỏ ngoài tai. Lớp khảo cổ chúng tôi có mỗi hai “mì chính cánh” nên dễ đâu mà rủ được các nàng đến chơi.
Hai thằng tôi sớm sớm vác xẻng đi đến bãi khai quật, chiều về ăn no ngủ kỹ, dạng chân gác cẳng thoải mái trong căn nhà trống vắng. Bác chủ chỉ quanh quẩn dưới bếp và trong buồng.
Một đêm, đang mơ mơ màng màng, thực ra lúc đó cũng mới chỉ 8 giờ tối là cùng, chúng tôi hay ngủ sớm, tôi chợt nghe một tiếng hát trong veo, ngọt ngào đến lạ, thì ra một giọng ca quan họ. Lúc này tôi mới sực nhớ rằng tôi đang ở trong một làng quan họ của Bắc Ninh.
“Người về em i dặn có mấy nhời í i này là sông í a sâu là sâu chớ lội, mà này cũng có a đò đầy, đò đầy người chớ qua, người ơi người ở em về…” da diết quá, đằm thắm quá mà cũng đong đầy nỗi niềm quá. Phải rồi, hội Lim vừa qua, hội tan rồi mà lòng không tan được. Chắc một liền chị nào đó còn vương vấn chưa thể dứt áo cất khăn, đêm nay buột cởi nỗi lòng.
Thằng Hùng ngủ như bị đánh thuốc mê, thế mà cũng dỏng tai nghe từ lúc nào, cựa mình nói một câu ráo hoảnh: “Đúng là người nào giọng hát nấy”. “Mày biết người hát à?”. Hùng xoay lưng lại phía tôi, ậm ừ không chịu nói.
Hôm sau là chủ nhật, chúng tôi được nghỉ nửa ngày vào buổi chiều. Hùng rủ tôi đi thị trấn Từ Sơn chơi, nhưng tôi từ chối, nó đành rủ đứa khác và biến ngay sau bữa cơm trưa. Tôi khoan khoái nghĩ về một giấc ngủ trưa cho đến tận chiều để bù lại những ngày vạ vật trên bãi khai quật. Nhưng không hiểu sao nằm mãi vẫn không ngủ được.
“Còn xuân là xuân lắm bạn a bạn đến chơi, hết i xuân là xuân ngồi ngắm i ngắm sao trời là trời nhớ ai, có thương nhau thương cả một đời… bác Lành ơi, cháu sang gánh nước nhớ”. Tôi nhào dậy chạy ra ngoài, “Ơ, chào… chào anh, bác Lành không có nhà ạ, các anh… không phải đi làm ạ?” Lúc ấy tôi cứ đăm đăm nhìn chủ nhân của giọng hát đã làm tôi mơ màng suốt đêm qua mà quên cả trả lời. Cô gái như một liền chị bước ra từ câu quan họ, bỗng thẹn thùng vơ vội đôi quang thùng quảy nhanh ra ngõ. Tôi sực tỉnh như vừa để tuột mất con chuồn chuồn ớt ngày xưa “Này này gì ấy ơi, đợi tôi cùng đi gánh nước với”. “Gớm sinh viên các anh dài lưng có mà gánh ối ra đấy”, “Thì tôi múc nước cho vậy”, nói rồi tôi cũng túm được cái đầu đòn gánh khiến cô nàng phải dừng lại. Té ra cô gái là hàng xóm bên cạnh nhà tôi ở, chỉ cách có cái hàng rào duối gai, cao chưa quá đầu người. “Tôi thật vô tâm quá, ở đây mấy ngày rồi mà chưa gánh được cho bác chủ gánh nước nào”. Cố gái hồn nhiên khoe: “Em vẫn thường sang gánh nước cho bác Lành mà. Bác có một mình lại bận nhiều việc. Anh trai em với anh con bác Lành là bạn đi bộ đội cùng ngày”. “Bạn tên gì?”, “Em tên Quyên”, “Quyên đang học lớp mấy?” “Em tốt nghiệp lớp 10 rồi nhưng học dốt nên chả dám thi đại học”. “Đằng ấy cần gì phải thi đại học, hát hay thế thì cứ vào văn công chả hơn”. “Em hát chơi ấy mà, văn công gì. Làng em năm nào chả hát hội. Con gái làng em ai cũng biết hát”.
Tôi tranh việc múc nước cho Quyên, nhưng mãi vẫn không nhấn chìm được chiếc gàu bằng cao su xuống nước. Quyên cười giòn tan vang ấm cả trời chiều.
Chiều tối Hùng mới về, khi nằm trên giường nó hỏi tôi như tra khảo, mà đáng lẽ ra tôi phải hỏi nó mới đúng: “Chiều nay mày làm gì?”. Tôi ậm ừ, giấu nhẹm việc đi gánh nước với Quyên, nhưng cái mặt tôi lại rờ rỡ, khiến nó sinh nghi: “Mày có điều gì hay ho đúng không?” “Ừ, thực ra tao đã gặp người hát quan họ đêm qua, công nhận… Hùng chồm dậy nhìn lom lom vào mặt tôi: “Đó là di chỉ của tao, tao tìm ra trước”, “Ơ… nhưng tao lại khai quật trước”, “Đừng hòng, tao đã xác định được niên đại rồi”. Hai thằng lăn sả vào nhau đấm đá túi bụi, rồi phá lên cười. Hùng trầm ngâm: “Đùa thôi, chứ nàng sư phạm của tao vẫn là số một”. Bỗng Hùng quay phắt lại ghé tai tôi thì thầm: “Bác chủ nhà quý cô em hàng xóm lắm đấy, hình như để dấm cho ông con trai đang trong quân ngũ”. Nói xong nó đã lăn ra ngủ, riêng tôi lại đâm trằn trọc. Vậy là em đã có người để nhớ để thương rồi sao? Tôi cứ chờ đợi một tiếng hát cất lên từ phía bên kia hàng rào, nhưng đợi mãi. Chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả râm ran như một bản nhạc đêm. Chẳng lẽ tôi đã cảm em rồi, vì giọng hát hay vì đôi mắt bồ câu đen láy?... Tôi vẫn thường nghe người ta đồn: Con gái xứ Kinh Bắc rất đẹp. Thực tế ngay trường tôi cũng có mấy cô người Bắc Ninh quả là xinh thật. Cô nào cũng có làn da trắng mịn và thân hình thon thả. Tất nhiên không phải cô nào cũng hội tụ được tất cả. Song Quyên thì khác hẳn, hình như Quyên được hết những nét đẹp của con gái Bắc Ninh thì phải.
Như mọi chiều, đi làm về, ăn cơm xong, chúng tôi còn sinh hoạt văn nghệ ở đình làng cho đến 7 - 8 giờ tối. Cán bộ lớp dặn: Không được sử dụng đèn dầu của dân làm việc riêng, nên về đến nhà là chúng tôi lên giường ngay. Nhưng hôm đó tôi không ở lại sinh hoạt với lớp mà cáo mệt về trước. Về đến gần nhà tôi giả vờ đi dạo loanh quanh cốt để may ra có gặp Quyên. Đúng như được thần tình duyên phù trợ, khi trời vừa sập tối, tôi bỗng thấy Quyên từ trong cổng nhà bước ra, khăn áo thướt tha: “Ơ Quyên đi đâu vậy?” “Em đi tập văn nghệ”. “Hay quá nhỉ cho tôi đi xem với được không?”, “Vâng, chỉ sợ anh buồn ngủ thôi”, “Gớm, Quyên lại giễu, chứ ở trường chúng tôi vẫn thức đến 2- 3 giờ sáng”. “Vậy mà hôm nào về em cũng thấy bên các anh ngủ im lìm cả rồi”.
Tôi theo Quyên đến nơi tập. Đó là một sân chùa rộng, tiếng dạo đàn, thử trống vang giòn giã. Tôi lẫn vào đám trẻ và các cụ già ngồi xem, chủ yếu chỉ để ngắm Quyên. Có điều hơi buồn là hầu hết các liền anh đều phải do các liền chị sắm vai. Nhưng những màn hát giao duyên, giã bạn vẫn hết sức tình tứ thiết tha. Tôi nhận ra trong giọng hát của Quyên có một nỗi khát khao sâu thẳm. “Ước chi bướm được gần i í hoa, này ước chi hừ mình sánh với ta hời í a hỡi mình…”.
Tôi đón Quyên ngay khi nàng vừa tách đám bạn, rẽ về lối ngõ nhà mình: “Ơ anh vẫn còn đợi em à?” “Tôi xem đến tàn cuộc mà, Quyên hát hay thật đấy, cứ như diễn viên”. Quyên cười bẽn lẽn, lí nhí “anh quá khen”. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, thực ra lặng lẽ chỉ ở bên ngoài thôi, chứ trong lồng ngực tôi cứ như đang có bão. “Hôm nào Quyên cũng về khuya thế này à”, “Vâng có sao đâu, làng mình cả mà”, “Hay… hôm nào Quyên đi tập nhớ rủ tôi, để về cùng cho vui nhé”. Đến lối rẽ vào nhà tôi ở, không hiểu sao tôi lại mạnh dạn rủ Quyên: “Vào nhà tôi nói chuyện một lát đi, trăng còn sáng mà”. Quyên lưỡng lự rồi cũng bước vào. Con Mực chạy xồ ra nhưng không sủa một tiếng nào, nó cứ vẫy đuôi quấn quýt như một người chủ hiếu khách. Tôi và Quyên ngồi ngay bậc thềm hè. Cứ tưởng tôi phải nói nhiều lắm, có bao điều tôi muốn hỏi Quyên, muốn biết về Quyên, thế mà khi ngồi bên nhau tôi cứ lóng nga lóng ngóng không biết nên bắt đầu từ đâu. Có một điều tôi muốn hỏi nhất, nhưng tôi lại không tài nào mở miệng ra được. “Anh đang nhớ nhà à?”, “À à”. Tôi giật mình vì mải suy nghĩ nên để Quyên ngồi trong im lặng. “Tôi… đang rất vui vì… vì hôm nay được nghe Quyên hát, bây giờ trăng lại sáng nữa, chắc tôi không thể ngủ được”. “Sinh viên các anh thật lãng mạn, nhưng mà cũng chóng quên lắm”. Bỗng cánh cửa gỗ sau lưng chúng tôi kêu kẹt một tiếng rợn người, bác chủ nhà cầm chiếc đèn dầu đặt vào giữa chỗ chúng tôi ngồi, rồi lại lặng lẽ đi vào không nói một câu. Cả hai chúng tôi nhìn nhau bẽn lẽn vì xấu hổ, mặc dù chúng tôi cũng đã ý tứ nói chuyện rất nhỏ rồi. Quyên chào tôi ra về, tôi chỉ còn biết tiễn em ra đến cổng, muốn nói một điều gì đó cho đỡ phí cái đêm huyền diệu này, mà cứ ậm ừ, Quyên cũng dùng dằng chào tôi: “Em về nhá”. Nhưng chân vẫn chưa bước đi, còn tôi cũng chẳng chịu khép cổng.
Sáng mai đi làm, tôi phờ phạc vì cả đêm thao thức. Hùng bảo: “Mày ngu quá, thiếu gì chỗ nói chuyện”, “Nhưng… tao cứ tưởng”.
Tôi và Quyên cứ như ngầm hẹn. Tôi đi làm về là gặp Quyên ra gánh nước. Chính ở cái nơi ồn ào ấy, tôi lại nói chuyện một cách dí dỏm hơn, Quyên lại cười khanh khách. Đôi khi tôi còn nắm được cả tay Quyên khi giằng nhau cái gàu múc nước. Và nhất là tôi đã nhìn sâu được vào đôi mắt em, tôi bắt gặp cái khép mi e thẹn che rợp một khóe mắt long lanh.
Một hôm đang ngồi ăn cơm chiều, tôi ngóng ra giếng để đợi Quyên, thì bỗng trông thấy Quyên đang nói chuyện với một anh bộ đội, Quyên cũng cười khanh khách như đã từng cười với tôi. Còn anh bộ đội cũng đang múc nước đổ vào thùng cho Quyên, và bất ngờ hơn, anh ta còn xăm xăm giằng lấy đôi thùng và gánh băng băng gánh nước, mặc Quyên cứ chạy đuổi theo. Họ đi khuất, tôi thẫn thờ bưng bát cơm mà ăn như ăn ngô rang. Về đến nhà tôi lại giật mình vì thấy chum vại nhà bác chủ đầy tràn nước.
Hùng chạy hộc tốc về gặp tôi thông báo: “Mày không nghe cán bộ lớp dặn à, tối nay sinh hoạt văn nghệ, chuẩn bị cho buổi văn nghệ gì ấy, có cả người làng, bộ đội và sinh viên, mau lên, sắp điểm danh rồi, mày không dự là bị trừ điểm thực tập đấy”. Tôi miễn cưỡng đi theo Hùng, chỉ kịp liếc vội sang nhà Quyên, nhưng thất vọng.
Cán bộ lớp thông báo: Sắp tới sẽ có buổi giao lưu văn nghệ giữa đội văn nghệ của làng với đơn vị bộ đội và đoàn sinh viên đang thực tập. Đơn vị nào cũng phải có tiết mục tham gia. Đoàn chúng tôi cũng có vài tay hát tạm được, còn những ai không có khả năng văn nghệ thì phải lo khâu thiết kế phông màn, trang trí sân khấu. Bên bộ đội đã đảm đương khâu dựng rạp. Sân khấu dựng ngay tại sân đình. Tôi và thằng Hùng lãnh chân thiết kế, trang trí sân khấu vì tôi vốn phụ trách báo tường của lớp.
Tôi rất muốn gặp Quyên để hỏi xem nàng đang chuẩn bị tiết mục gì, nhưng không hiểu sao tôi không hề gặp Quyên, dù tôi đã cố tình tạo cơ hội. Một chiều đi làm về, qua ao làng tôi lại bắt gặp Quyên đang vớt bèo cùng với anh chàng bộ đội ấy trên chiếc thuyền con. Họ có vẻ thân thiết lắm.
Tôi như kẻ thất tình, cứ vẩn vơ bảng lảng, làm việc gì cũng nhớ nhớ quên quên. Đêm đêm tôi lại nằm mong tiếng hát từ bên kia hàng rào vọng sang. Giá như tôi biết hát quan họ để tôi có thể hát gửi nỗi lòng như những liền anh trong mùa lễ hội.
Một tuần ráo riết tập tành của những diễn viên không chuyên, và sự chuẩn bị rậm rịch của những nhà thiết kế chúng tôi. Đêm văn nghệ đã được trang hoàng lộng lẫy. Cả làng hôm ấy như có hội, nhà nhà í ới gọi nhau, trẻ con tíu tít giục bố mẹ ăn cơm sớm để đi xí chỗ ngồi xem cho rõ. Chiều ấy chúng tôi cũng được nghỉ sớm để lo chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Ít ra thì cũng ăn mặc chỉnh tề hơn mọi ngày.
Tôi vẫn chưa biết Quyên sẽ hát bài gì, biểu diễn những gì. Nhưng tôi vẫn rất hồi hộp chờ đợi. Hôm nay chắc em sẽ đẹp lắm, sẽ hát hay hơn, sẽ biểu diễn hết mình. Tôi tìm một chỗ khuất ngay cạnh cánh gà. Tuy nhìn không trọn vẹn sân khấu nhưng tôi có thể nhìn em gần hơn, sẽ được thỏa sức bộc lộ cảm xúc mà không ai biết.
Gần cuối chương trình mới thấy Quyên ra sân khấu với vai một cô thôn nữ tiễn chồng lên đường ra mặt trận. Cô thôn nữ bày tỏ nỗi niềm nhớ thương, những kỷ niệm của đôi vợ chồng mới cưới. Những lời thề non hẹn biển được thể hiện bằng những làn điệu dân ca quan họ. Giọng hát của Quyên vời vợi xa xăm, ngọt ngào mà vẫn xót xa. Giọng hát như thổn thức từ con tim, như tiếng khóc mà không thể khóc, như lời yêu mà chẳng thốt nên lời. “Có thương nhau chín đợi ía mười chờ/ Tuy rằng là em lắm bạn, em vẫn chờ là chờ người thương/ tính a tinh tính tình tình tinh…”. Có lúc tôi cứ tưởng như nàng đang hát cho tôi nghe, nhưng cũng có lúc tôi nhận ra nàng đang nhắn gửi lời thương cho người chiến sĩ. Mà cay đắng thay, người sắm vai người chồng sắp ra trận ấy lại chính là chàng tân binh điển trai kia, người tình địch của tôi.
Đêm văn nghệ khép lại rồi, sân khấu cũng đã bị dỡ tan hoang. Trên sân đình chỉ còn trơ lại những viên gạch vỡ, những tấm lá chuối, lá sen vất bỏ vương vãi. Tôi bước thập thễnh trên đường làng, mặc kệ thằng Hùng hối hả giục nhanh về, mai còn đi làm sớm. Quyên vẫn chưa về. Tôi không thể đợi thêm, mà đợi để làm gì, đôi mắt em hôm nay đã trao cho người chiến sĩ ấy, người đó xứng đáng hơn tôi.
Sáng hôm sau, tôi giật mình vì khu đình làng bỗng trống vắng tơ hơ. Ơ! Đi đâu hết cả rồi, những mái lán tranh tre cũng đều đã dọn sạch, bờ giếng vắng hoe như bị bỏ hoang từ bao giờ. Tứ bề không mảy may bóng dáng một chiếc áo lính nào. Hỏi ra, mới biết, đêm qua đơn vị tân binh đã hành quân gấp. Té ra đêm biểu diễn hôm qua cũng là đêm liên hoan tiễn đưa các anh lên đường ra mặt trận, nghe đâu như là chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi bỗng thẫn thờ như người vừa để mất một cái gì đó, bỗng dưng thấy buồn buồn mà không hiểu vì sao. Nhìn sân đình hoang vắng, sạch sẽ như chưa hề có một buổi biểu diễn nào như thế đêm qua. Những chiếc lá đa rụng chao nghiêng theo làn gió rơi xào xạc xuống sân đình như những bàn tay vẫy chào tạm biệt.
Chiều về tôi bỗng thấy Quyên ra gánh nước, bóng em lẻ loi bé nhỏ bên giếng làng rộng mênh mông. Tôi biết rõ nước nhà tôi và nhà em còn đầy, vậy em đi gánh nước để cho ai? Tôi cũng giả vờ ra giếng rửa mặt, ngẩng lên bắt gặp đôi mắt Quyên đỏ mọng, tôi vội quay đi. Vậy là em đã khóc suốt đêm qua. Em khóc cho người vợ tiễn chồng hay khóc cho em?
Tôi nén tình yêu đầu đời của mình vào trong cặp. Ngày mai đoàn thực tập của chúng tôi cũng tạm biệt nơi này vào lúc rạng sáng. Đêm nay là đêm cuối cùng, tôi phải từ giã em, Không liên hoan, không văn nghệ, không cả một câu hát giã bạn nồng nàn mà em đã hát trong cái đêm chia tay người chiến sĩ ấy.
Trăng hạ tuần rờ rỡ man dại, tôi trằn trọc mãi trên giường vẫn không sao ngủ được. “Quyên ơi, ngày mai anh cũng đi rồi, sao em chẳng tiễn đưa anh một câu quan họ”. Tôi thèm nghe một câu quan họ đến cháy lòng. Len lén bước ra khỏi giường, nhưng tôi chợt chững lại vì nhận ra các cánh cửa đã khép chặt, một tiếng kẹt bây giờ chắc sẽ đánh thức cả nhà dậy, nên tôi quay trở lại, bỗng thằng Hùng kéo tay tôi nói nhỏ: “Tao đã chèn giấy vào hốc cửa rồi, mày cứ từ từ mà mở”. Tôi mỉm cười thầm cám ơn nó. Đúng thế, cánh cửa đã được lót giấy chỉ vang một tiếng xịt xịt êm ái. Tôi lọt ra ngoài, ngửa mặt nhìn trăng và nhìn sang nhà Quyên. Nhà nàng vẫn im lìm như say giấc. Chả lẽ nàng vẫn ngủ được ư khi biết ngày mai đoàn chúng tôi giã biệt. Giá như tôi có thể gọi được nàng, chỉ cần được nói với nàng một câu thôi. Dù biết trái tim nàng đã trao người khác nhưng tôi vẫn không thể không nhớ nàng. Tôi cứ đi đi lại lại bên cái hàng rào duối gai như một kẻ mộng du. Con Mực nằm im thin thít nhìn tôi lo lắng. Tôi bỗng khe khẽ thì thầm như lời tạm biệt nàng, câu hát mà tôi đã thuộc mỗi khi đi xem nàng tập văn nghệ: “Đêm năm canh a lính tình tang là tôi luống chịu í ơ lạnh a lùng…có nhớ í ơ ơ có nhớ chăng ố mà đến chúng tôi chăng…”, Quyên ơi có nhớ đến anh chăng? Tôi thì thầm gọi, chỉ có con Mực sụt sịt ư ử liếm láp chân tôi như an ủi…
Tờ mờ sáng hôm sau, bác chủ nhà phải đánh thức chúng tôi mới dậy được. Cả hai thằng đều hốt hoảng vùng dậy, bác chủ nhà cầm một gói to lá chuối dúi vào tay tôi. “Có mấy củ khoai bác mới luộc còn nóng, cầm đi đường mà ăn”. Tôi cảm ơn rối rít, thầm ân hận vì đã có lúc tôi nghĩ xấu về bác. Rồi khi tôi đang buộc ba lô, bác lại gần thò tay vào túi áo lấy ra một phong thư đã dán kín, phong thư chỉ nhỏ bằng ba ngón tay được gấp bằng tờ giấy học sinh: “Bác thấy dắt ở cánh cổng, biết là của cháu nên cầm vào”. Tôi giật mình ngượng ngập, cuống quýt vâng dạ rồi nhét vội lá thư vào túi quần, may mà thằng Hùng đang đánh răng ngoài vại nước. Chúng tôi chỉnh tề hàng ngũ trước sân đình rồi nhịp bước hành quân ra khỏi làng như một đơn vị bộ đội. Chỉ khác chúng tôi tiến về trường đại học. Tôi bước đi mạnh mẽ, thỉnh thoảng còn mỉm cười. Thằng Hùng vỗ vai tôi cái bụp làm tôi giật nảy mình: “Đêm qua thế nào, chia tay mít ướt không?” Tôi không trả lời, mọi cái còn nằm trong phong thư dán kín kia. Nàng sẽ nói gì với tôi nhỉ, xin lỗi ư? Rằng nàng đã yêu người khác? Không, có gì mà phải xin lỗi, tôi đã nói gì với nàng đâu. Hay nàng nói cũng có cảm tình với tôi? Thế còn người lính kia thì sao, nàng đã khóc đến sưng cả mắt? Tôi cứ mải suy nghĩ, bước chân đi như vô định. Đến nỗi đoàn đã dừng chân nghỉ mà tôi vẫn bước như kẻ mộng du. Về đến trường, vừa đặt ba lô xuống là tôi chạy ngay ra một góc khuất để đọc lá thư của nàng. Nhưng ôi thôi, tôi lục đi lục lại cái túi vẫn rỗng không. Tôi bóp đầu bóp trán, rồi lại nghĩ hay là mình đang mơ. Tại sao bức thư lại không cánh mà bay. Thôi rồi chắc nó đã tuột khỏi túi quần khi tôi ngồi nghỉ rồi.
Vậy là mãi mãi tôi không được biết nàng đã nói gì với tôi, mãi mãi tôi không biết nàng có yêu tôi không?
Tốt nghiệp ra trường, tôi được về công tác tại một viện nghiên cứu ở Hà Nội. Một lần tôi đã có dịp trở lại cái làng quê ấy, tôi tìm đến nhà bác chủ. Bác vẫn ở một mình dù đất nước đã thống nhất. Chồng và con trai bác đã trở về nhưng họ đều ở trên bàn thờ cả. Tôi chưa kịp hỏi gì đến Quyên thì bác đã kể tuồn tuột: “Quyên nó lấy chồng rồi, người làng bên, nhưng vợ chồng nó vào cả trong Đắc Lắc trồng cà phê”. “Thế chồng Quyên có phải là bộ đội không ạ?” “Không, nghe đâu là công nhân”, “Thế còn?...” “Ai cơ?”, “Dạ không ạ”. “ Nếu muốn biết địa chỉ nó thì sang hỏi anh trai nó, hai vợ chồng thằng anh vẫn thường sang đây coi tôi như mẹ đẻ ấy mà, để tôi gọi con vợ nó nhá”. “Thôi thôi bác ạ, cũng không tiện lắm”.
Về hưu đã được gần năm nay, nhưng tôi ít đi ra ngoài, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc ngồi ôm cái tivi xem đủ các kênh trên trời dưới biển, trong nước ngoài nước. Và tôi còn một cái thú nữa là nghe các bài hát quan họ. Có lần vợ tôi cằn nhằn. “Bố mày không phải người Bắc Ninh mà mê quan họ cứ như các liền anh liền chị không bằng”. Tôi chỉ tủm tỉm cười, vợ tôi lại mát mẻ: “Hay ngày xưa yêu cô nào dân quan họ?”.
Hôm đó, tôi đang lia cái điều khiển chuyển kênh thì bất chợt nghe một tiếng hát quan họ ngọt ngào cất lên. Tôi dừng lại, trên màn hình là một người đàn bà nét mặt dầu dãi nhưng khóe mắt và nụ cười thì vẫn tươi. Ô, sao giống, tôi cố nhìn kỹ thì màn hình lại chuyển cảnh đó là một lớp học bao gồm những em bé chừng 10 đến 15 tuổi đen đúa nhếch nhác, nhưng lại đang đồng thanh cất lên tiếng hát du dương uyển chuyển đầy sức quyến rũ của vùng quê Kinh Bắc. Cô giáo dạy hát chính là người đàn bà ấy. Trên màn hình hiện lên dòng đề từ: Bà Đỗ Thị Quyên thôn… xã… huyện… tỉnh Đắc Lắc.
Nắm chắc cái địa chỉ trong tay, tôi đã tìm được chỗ ở của nàng không khó lắm. Một căn nhà tầng khang trang giữa một vùng rừng cà phê bạt ngàn xanh tốt.
Thực ra nàng không nhận ra tôi. Tôi cũng vậy. Rất khó để chập hình ảnh cô bé xinh xẻo thuở nào với người đàn bà dầu dãi này. Nhưng tôi vẫn biết chắc chắn đấy chính là nàng. Bằng cảm nhận, nàng cũng đã ngờ ngợ, khi tôi khe khẽ gọi tên nàng. “Có phải… có phải anh Sơn không? Trời ơi anh khác quá”, “Phải rồi, tôi bây giờ đã rất khác với ngày xưa. Chính thế mà tôi đã quyết đi tìm em bằng được”. Nàng cười méo mó, có lẽ ẩn một chút chua xót nào đó. “Hồi đó… em cứ nghĩ anh chỉ… cho vui, chứ sinh viên sức mấy yêu gái quê”. “Thực ra tôi rất có cảm tình với Quyên, Quyên là rung động đầu đời của tôi, nhưng tôi còn ngại, không biết Quyên có phải là con dâu tương lai của bác chủ nhà hay không, rồi sau đó lại thấy Quyên thích người khác”. Quyên cười khe khẽ: “Anh thật quá cẩn thận. Bác Lành quý em, nhưng em chỉ coi anh Lành như anh trai em thôi. Vì khi anh ấy đi em còn bé lắm. Còn anh Minh hồi đóng quân ở làng, anh ấy cũng thích em, em cũng thương anh ấy, thương vì biết anh ấy sắp ra trận. Em đã hứa chờ đợi, nhưng chỉ vài tháng sau, em lại nhận được tin anh ấy đã hy sinh từ một người đồng đội. Khi đất nước thống nhất, lại được tin anh Lành cũng đã hy sinh. Em thấy mình thật bơ vơ, sao tất cả những người yêu em đều bỏ em ra đi? Bố mẹ em giục lấy chồng, vì quê em con gái lấy chồng sớm lắm. Chồng em làm công nhân trên vùng kinh tế mới Đắc Lắc. Lấy nhau xong cả hai vợ chồng vào trong này làm ăn, trồng cà phê hồi đó được lắm. Nhưng thật không may chồng em đi lái máy cày đụng phải mìn còn sót lại, bị thương nặng rồi mất. Em có hai cháu đã lập gia đình riêng cả rồi, chúng nó đều ở trên thành phố. Chẳng đứa nào chịu trồng cà phê”. “Anh biết em vẫn say mê quan họ và đang làm cô giáo gây giống quan họ trên vùng cao nguyên này”. “Cũng để giải tỏa thôi mà, em không thể không hát quan họ, và xa quê em càng muốn hát cho đỡ nhớ làng”.
Mặt trời đã xuống núi đỏ ối sau rặng cà phê. Tôi chợt giật mình đứng dậy, cáo về, “Ở chơi với em đã, đi đâu mà vội”, “Ừ, thì em tìm cho anh một nhà nghỉ gần đây”, “Việc gì phải đi nhà nghỉ, nhà em rộng chán, anh cứ ngủ lại đây”, “Nhưng… thế sao tiện”. “Anh yên tâm, em biết anh vốn nhút nhát mà”. Cả hai chúng tôi cùng cười xòa, riêng tôi có lẽ vẫn không bỏ được cái thói đỏ mặt, đang nóng bừng cả hai tai.
Thấy Quyên chuẩn bị bữa tối khá thịnh soạn, tôi ngại ngần bảo: “Sao làm gì nhiều thứ thế, bây giờ tôi có ăn được mấy đâu”, “Anh yên tâm”. Khi bầu trời cao nguyên đã chuyển sang màu khói xám. Trong nhà đã lên đèn sáng trưng, bỗng có một chiếc ô tô từ từ tiến vào trong sân. Từ trên xe bước xuống là một thanh niên, cậu ta mở cửa rồi lôi ra một chiếc xe lăn, và sau đó bế ra một người đàn ông vạm vỡ, nhưng hai mắt đã được che lấp bằng cặp kính đen. Tôi nhận ra đôi chân của người ấy chỉ còn phần đùi trên đầu gối, khi người ấy đã ngồi gọn trong xe”. Quyên chạy vội ra đón rồi nhẹ nhàng đẩy xe vào. Khi tất cả đã tề tựu quanh mâm, tôi mới được biết: Người thương binh ấy chính là anh chàng tân binh thuở nào. “Một lần em trở về quê, đến trại thương binh Thuận Thành, thì em gặp lại được anh Minh. Hồi ấy do bị thương nặng quá, nên anh ấy đã nhờ đồng đội viết thư cho em để em khỏi phải chờ đợi. Em đã xin trại đưa anh ấy về đây để em chăm sóc.”
Đêm hôm đó ba chúng tôi uống rượu như những người bạn cũ. Quyên không nói, chỉ rót rượu và rơm rớm nước mắt. Tất nhiên chúng tôi không hề giận, mà chỉ thấy thương Quyên. Chiến tranh có thể để lại những bi kịch nhưng tình yêu lại là một nghĩa khác. Chắc Quyên cũng hiểu nên lời hát của đêm ấy cứ say đượm mãi đến lúc ánh trăng tàn hẳn mà mãi còn vang vọng...
Nguồn Văn nghệ