Thời sự văn học nghệ thuật

9/4
4:25 PM 2017

GIÓ TRÊN ĐỈNH CHƯ LẦU THÚY- TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN PHÚ

Những đêm cuối năm ở Thèn Chu Phìn lạ lắm. Buổi chiều sương treo từng cuộn trên cành cây, hốc núi; sương trôi như một biển bông trắng bồng bềnh. Gió quất thun thút như xát băng tuyết vào da thịt. Khói bếp quẩn lên nhìn không rõ đâu là sương đâu là khói. Đi ngủ, phải quấn những chiếc chăn thật dày. Thế mà đến giữa đêm chẳng biết hơi ấm từ trời rớt xuống hay từ lòng đất phả lên mà sương tan hết, trời thật trong, không khí dịu dàng như một đêm thu.

                                                       Ảnh minh họa- Internet

Đêm trăng tròn, da trời trong suốt, xanh biếc tựa hồ mặt biển. Và con thuyền trăng tự do lơ đễnh trôi giữa mênh mông.
  

 
 

Đêm nay cũng vậy, trăng đang rải những sợi tơ lụa óng vàng lên khắp núi đồi, cỏ cây. San nằm ngắm trăng qua ô cửa sổ. Dường như San muốn thâu tất cả ánh trăng, tiếng côn trùng thao thiết, hương cây rừng nồng nã và cả tiếng thở đều đều của đồng đội vào trong mình.

Đã nhiều lần San nghĩ nếu là một cái cây thì nhất định San sẽ là cây sa mộc trước cửa trạm kia. Đứng thẳng băng, ngạo nghễ trên sườn núi, mỗi sớm mai sải những tán lá rộng vạm vỡ để ngậm những giọt sương tươi lành của núi, đón những tia nắng ấm áp đầu tiên khi mặt trời vừa nhô lên khỏi dãy Chư Lầu Thúy. Và cái rễ thì sẽ cắm thật sâu, vươn thật dài để hút những giọt nước trong mát dưới lòng suối Nậm Là. Thế mà ít ngày nữa thôi San sẽ xa nơi này, xa thật rồi. Xa mà không biết đến ngày nào trở lại. San lại thấy lòng thổn thức và hai mắt cay cay...

Chỉ còn ba tuần nữa là đến tết. Nằm trong phòng, San có thể cảm nhận được những nụ đào đang cụ cựa và những chiếc lá dong rùng mình chao nhẹ trong gió... San nhớ cái tết trước quá. Cả trạm có năm người. Sau khi ăn tết chung với đồn, anh Liệu trạm trưởng và thằng De, thằng Cường được về với gia đình. Trạm chỉ còn anh Thông trạm phó và San. Anh Thông có người yêu ở bản Lao Chải, cứ lấy cớ đi xuống địa bàn, nhưng thực ra là “trốn” San đi “ăn mảnh”. Nên nhiều lúc giữa cái ốc đảo chon von này chỉ còn San. Có ngày San chả biết làm gì ngoài đọc báo, nghe đài. Đọc chán, nghe chán thì San vác cuốc ra lật các hòn đá lớn bé để đào giun cho ngan ăn. Đào hết một lượt thì vòng lại đào tiếp. Bắt gặp những con giun đứt đôi chưa kịp liền, San tha cho chúng. Đến khi anh Thông về thì tất cả các hòn đá quanh trạm đều được lật tung tóe như mới xảy ra một vụ động đất. Anh vừa cười vừa mắng San là “thằng giặc phá trạm”. Đàn ngan liền kêu rầm rĩ như bênh San, phản đối lời anh vừa nói. San cũng làm bộ cự lại: “Anh… anh… là cái tên đào ngũ!”. Rồi cười hì hì. Hai anh em hùng hục khuân đá xếp vào chân bờ rào, trồng lại mấy luống rau. Đêm đó trên đỉnh Chư Lầu Thúy có tuyết rơi, trời lạnh cóng, thế là hai anh em mỗi thằng quấn một chăn bông ngủ cùng giường. San ngửi thấy mùi con gái còn vương trên tóc anh Thông.

 Anh Thông bảo: 
- Mày đã ôm đứa con gái nào chưa? 

San ngượng nghịu:
- Có… Mới một lần... Nhưng đang ôm thì bố nàng về, hai đứa vội buông nhau ra mà tim đập thình thịch, còn chân tay thì run như giẽ. 
- Bố khỉ! Thế thì còn thi vị, lãng mạn chó gì nữa!
- Lúc ấy, em thấy mình như thằng trộm…
- Trộm gì?
- Trộm… bưởi! Hì hì.

Nghe cái cách biểu hiện tình yêu chanh cốm của San, anh Thông liền lem thèm:
- Ôi, người yêu tao! Da nàng thơm lắm, mịn lắm. Tóc nàng dài và mượt. Còn thân thể nàng thì tròn lẳn như một con cá bống trắng hồng, ấm sực. Mỗi khi được ôm, tao chỉ ước thế gian này chỉ còn lại tao với nàng, cứ thế mà ôm nhau mãi thôi!

Anh Thông còn kể một thôi một hồi về chị Mai, người yêu của anh, về một đám cưới vào mùa thu nào đó… Anh nói say sưa, tưởng không ngớt như dòng suối Nậm Là dưới kia chưa khi nào ngưng nghỉ chảy ra sông, ra biển. Thế mà một lúc sau anh đã chìm sâu vào giấc ngủ. Trong ánh đèn lờ mờ San thấy gương mặt anh như trẻ thơ thơ thới, khóe môi còn nở một nụ cười. Có lẽ anh đang trôi trong những giấc mơ đẹp và trong giấc mơ ấy thì nhất định có chị Mai rồi. 

Cho đến mười một giờ đêm San vẫn không thể nào chợp mắt. Tâm sự của anh Thông làm San nhớ Nguyệt. Nguyệt là cô bạn gái người làng, học chung lớp với San. Nàng đang du học Nhật. Tầm này ở xứ sở hoa anh đào đang là một giờ sáng. Nguyệt đã ngủ hay còn thức với đồ án tốt nghiệp của nàng? Ba năm nàng du học, khoảng cách và thời gian thành thứ gớm ghiếc, độc địa đã giết đi chút tình đầu trong trẻo, thơ ngây trong nàng. Dấu hiệu đầu tiên của cái sự xa mặt cách lòng là những lá thư thưa thớt, những con chữ hời hợt. Rồi sau cùng là sự im lặng. Qua bạn bè, San biết Nguyệt đã có người yêu mới, là cậu bạn người Việt cùng lớp với nàng. Cũng may, sự lạnh nhạt đến từ từ, để cả San và Nguyệt dần dần nhận ra không thể chung một con đường. Sẽ chẳng có bến bờ nào cho chàng lính biên thùy với cô lưu học sinh xuất sắc tại một trường đại học danh tiếng của nước Nhật cùng neo đậu. Tâm hồn San là một hồ nước trong suốt, không gợn bẩn. Nếu có một chút bụi nào vô tình bay vào thì cái lòng hồ thanh sạch trong San nó cũng tự làm sạch thôi. Thành ra, chưa khi nào San trách Nguyệt. San vẫn thầm cảm ơn Nguyệt đã cho San chút dư vị say đắm trong ngần của thứ được gọi là tình đầu. San cầu chúc cho những thành công và hạnh phúc sẽ đến với nàng. Nhưng khổ nỗi, giữa đảo sương này San không thể quên Nguyệt. San sờ lên môi, nơi Nguyệt đã từng đặt một nụ hôn trước khi nàng đi. Và một nỗi se buồn cứ như những giọt nước lạnh từ từ thấm thít vào San. San thấy trống vắng. Sương ở miền này thì lạnh. Đá núi lại xám tê tái. Và gió rít thật thê lương.
 

*
*    *

San ngồi trên bờ đếm những viên sỏi trắng muốt dưới lòng suối. Anh Liệu bảo đoạn này trong mát nhất suối Nậm Là. Tắm ở đây có đứt cái cúc quần hôm sau ra vẫn tìm thấy. Mấy năm trước gái bản thường ra tắm, cấu véo chí chóe, té nước đùa nhau, hát hò vang cả suối. Chẳng hiểu sao bây giờ không còn cảnh ấy nữa.

Con Buồn nhảy tót lên lưng San, sục tay vò đầu San đòi bắt chấy. Đầu San làm gì có chấy, nhưng nó cứ thích làm thế. Những ngày đầu San rất khó chịu. Nhưng khi đã quen lại thấy hay hay. San sợ nhất mỗi khi trạm có khách. Có lần nó đã túm mớ tóc chảy dài như vạt nắng của một cô giáo trẻ đến thăm trạm làm cô rú lên kinh hãi. Nhưng rồi sự hồn nhiên con trẻ của nó làm ai cũng thấy ngồ ngộ, thinh thích. Nó trèo lên cây hái đào ném xuống cho mọi người ăn. Nó lấy giẻ lau giày bẩn cho ai đó. Nó ngồi tót sau xe máy của khách, rồi lại còn ôm eo như người tình. Trong trang phục cool boy nó nhào lộn như một nghệ sĩ xiếc cừ khôi. Lại có lần trạm tổ chức liên hoan nó lấy trộm rượu mơ của anh Liệu. Uống. Say. Nó lảo đảo, khua chân múa tay như Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung làm cả trạm và mấy vị khách được một trận cười thả ga…

Con Buồn làm cho cuộc sống mấy anh em ở trạm đỡ tẻ hơn. Và có nó khách của đơn vị sẽ nhớ trạm Thèn Chu Phìn hơn. Ngay cái tên của nó đã kích thích sự tò mò. Nhiều người đã gặng hỏi nhưng San không nói. San không muốn ai biết về nỗi đau của nó, cũng như nỗi bất hạnh của San.

 Chiều ấy, trên đường đi kiếm măng rừng trở về, lúc ngang qua một mảnh nương lưng chừng núi, San trông thấy một con khỉ cái đã chết khô trong cạm. Con khỉ con gầy trơ xương ngồi gục đầu bên cạnh. San tưởng nó cũng đã chết, nhưng khi San đến gần, nó bỗng ngửa mặt lên. San chỉ kịp nhận ra hai hốc mắt tối đen của nó một nỗi buồn thê thiết. Rồi nó nhanh chóng gục mặt xuống. San đến bên đưa cho nó một quả dâu rừng, nó không còn sức để cầm. San phải đút vào miệng nó. Nó chỉ mút được tí nước rồi nhè ra. Tự dưng San thấy lòng đau nhói. Chú khỉ con này bơ vơ, cô độc quá, như San của những ngày thơ bé. San chôn khỉ mẹ dưới gốc cây ngõa, rồi bế khỉ con về. Từ đó, nó làm bạn với San, trở thành một thành viên không thể thiếu của trạm biên phòng Thèn Chu Phìn. 

Ở trạm, thường ngày con Buồn rất vui vẻ. Nhưng thi thoảng nó lại nhìn ra rừng, về hướng có nương ngô lưng chừng dốc, đôi mắt như hai hồ nước buồn thăm thẳm. Đôi mắt ấy làm suy nghĩ của San quay ngược về những ngày tuổi thơ nơi làng chài bé nhỏ…
San lớn lên không nhớ mặt mẹ. Những gì về mẹ chỉ là những đoạn chắp nối từ câu chuyện người làng vẫn bàn ra tán vào. Người ta bảo gia đình San đã từng là một gia đình nghèo mà hạnh phúc. Bố mẹ San yêu thương nhau lắm. Nhưng rồi… Mấy đầm tôm với bao mồ hôi nước mắt mất trắng trong một trận bão kinh hoàng. Bố chết đứng, mẹ ngất lên ngất xuống khi cơ nghiệp bỗng chốc tan thành bọt biển, mà nợ ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con. Bố cắn răng gạt nước mắt ôm lấy San để mẹ theo một đường dây đưa người đi nước ngoài lao động. Ba năm đằng đẵng tủi nhục của mẹ ở xứ Hàn đã đủ để ngân hàng xóa nợ. Nhưng rồi đột ngột mẹ viết thư về. Mẹ bảo nợ nần với đời mẹ đã trả xong. Chút ân tình với bố con San mẹ cũng đã trả xong. Hãy tha thứ để cho mẹ sống cuộc đời của mẹ. Người ta bảo mẹ San đã phải lòng một ông chủ góa vợ và mẹ sẽ không bao giờ về nữa. Bố sụp đổ như căn nhà rách bị gió mưa đánh sập. Người đàn ông đau khổ đã tìm đến rượu để quên. Mà quên làm sao được khi những gì thuộc về người vợ vẫn hiện hữu khắp ba gian nhà, trên gương mặt, giọng nói, ánh mắt của đứa con. Đó là những ngày tháng San sống trong buồn tủi. San không giận những lời trách mắng, chì chiết, cả những trận đòn vô cớ của bố. Sau mỗi trận đòn, khi tỉnh rượu, bố lại ôm San thật chặt. Bố chẳng nói gì, cứ thế nấc lên trong nỗi nghẹn ngào uất tắc. Những lúc ấy San không dám khóc. San sợ bố buồn thêm. San nén nuốt những cơn hờn tủi vào lòng.

Khi bố lấy vợ mới, San rất sợ ánh mắt lạnh nhạt của dì. Có những bữa ăn tưởng chừng một hạt cơm là một giọt nước mắt. Thế mà thật lạ, San chả giận, chả oán thù. San yêu thương hết thảy mấy đứa em cùng cha khác mẹ bằng tình máu mủ ruột rà nồng ấm tự nhiên. Ba đứa em lần lượt lớn trên lưng San. Có gì đẹp San cũng nhường cho em. Có miếng ngon cũng dành phần em. San thương cả người mẹ kế cay nghiệt. Thế nên cái ngày dì ốm phải nằm nhà, San đã không nghe cô Luyến chủ tiệm tạp hóa đổi con cá chép hai cân vừa câu được để lấy chiếc áo phông mới. San mang về nấu cháo cho dì ăn. San lại hái lá ngải sao nóng đắp vào trán cho dì... San làm tất cả những việc đó bằng sự thành thật hồn nhiên.

 Ngày San nhận giấy báo đỗ đại học Công nghiệp với số điểm khá cao cả nhà mừng lắm. Nhưng cuối cùng, San đã quyết định không nhập trường. Ba đứa em đang ăn học cộng với căn bệnh tiểu đường mãn tính của bố, dì không thể kham nổi. Bố và dì không lay chuyển được San. Nguyệt cũng thế. Nguyệt đã khóc vì bất lực, khóc trong nỗi nuối tiếc. San đi làm thuê cho một lò gốm, năm sau thì nhập ngũ. 

Buổi tiễn San đi, bố nghẹn ngào: 
- San ơi, cả đời này bố có tội với con! Bố lại làm khổ con rồi...
San đáp cứng cỏi:
- Sinh ra con là bố đã cho con cả cuộc đời... Không ai làm khổ con. Chỉ cái nghèo, cái đói nó làm khổ cả nhà ta thôi. Bố phải giữ gìn sức khỏe, con mới yên tâm mà đi được! 

Bố lại bảo:
- Đừng giận mẹ con! Những ngày gần đây bố hay mơ thấy mẹ con. Bố nghĩ lung lắm... Linh tính của bố mách bảo mẹ con có nỗi khổ gì đấy...
- Chưa khi nào con giận mẹ. Con chỉ mong mẹ thôi... 

Bố đưa cho San một cái phong bì, rồi quay gót bước nhanh như có ai đuổi. San nhìn theo thấy lưng, vai bố rung lên từng nhịp. San mở phong bì: một tấm hình đã lấm tấm vài vết ố. Trong tấm hình là người phụ nữ trẻ mặc áo phin trắng, mái tóc đen búi cao, ánh mắt tràn trề hạnh phúc đang bế trên tay một thằng bé bụ bẫm. Mặt sau của tấm hình có dòng chữ bằng mực tím, nét chữ tròn trịa, mềm mại: Kỷ niệm ngày con trai Thái San tròn 1 tuổi. Bố mẹ mãi mãi yêu con! Là mẹ và San! Thì ra bao năm qua bố vẫn giữ tấm hình này. Tấm hình duy nhất bố không đốt bỏ trước ngày bố cưới dì. 

Nghe được những lời của hai bố con, dì không cất được lời nào, chỉ lặng lẽ lấy tay áo chấm mắt. Đến khi San cùng bạn lên xe rồi dì mới chạy lại, nói với theo:
 - Thi thoảng... con viết thư về… cho các em!

… Dòng kí ức trôi qua làm San muốn khóc quá. Con Buồn nhặt quả sung chín thơm nức đưa cho San. San cầm lấy, hít một hơi, nước mắt cứ thế rớt xuống cằm. Con Buồn không hiểu chuyện gì, chạy loăng quăng quanh San kêu “khẹc khẹc”. Nó đưa bàn tay vụng về lau nước mắt cho San. San không nói gì, mà tim San đang nói thật nhiều. “Buồn ơi, tao đi rồi, tao sẽ trả mày lại với rừng thôi. Mày đã thành một chàng trai rồi đấy. Mày cần có bạn.”
 

*
*    *

Từ cửa sổ phòng San nhìn ra thấy cả một cánh rừng đang đâm lộc non rực rỡ như tấm lụa hồng. San cứ nhìn hút vào những chồi non ấy mà nghĩ về những ngày tới của mình. San sẽ bắt đầu từ đâu khi không khoác trên mình bộ quân phục, khi đã tạm biệt núi rừng này? Những đồng đội của San, thằng Cường, thằng De, anh Vừ đang làm gì nơi làng bản của họ? Và anh Thông nữa, cái nắng phương Nam có vơi đi nỗi buồn nhớ trong anh? Đám cưới của anh liệu rồi có được tổ chức trong mùa thu tới hay phải hoãn lại đến bao giờ, hay sẽ chẳng bao giờ có cái đám cưới ấy nữa!? Dù biết đời lính biên phòng thì đâu cũng là nhà, đâu cũng là quê, nhưng San vẫn nghĩ nếu đơn vị cho anh Thông được lui lại một thời gian để lo cưới vợ trước khi đi tăng cường trong Long An thì chuyện tình duyên của anh đã chẳng chênh chao như bây giờ.

Gần đây, mấy lần chị Mai đi chợ Nậm Pao, lúc qua trạm đã không ghé vào. Chị cun cút đi, lại lấy khăn che gần kín khuôn mặt trắng bóc. Có lần San định gọi chị Mai, nhưng anh Liệu bảo đừng. Anh Liệu đã phải lặn lội xuống bản Lao Chải xem sự tình và biết bố mẹ chị Mai đã có ý gả chị cho tay Điều cán bộ thú y của xã. Trước đó tay này thường đến nhà chị Mai hoạn lợn, gà hoặc phối giống cho lợn nái mà cứ nhất quyết không lấy tiền. Bảo đây là chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi của huyện nên được miễn phí. Chị Mai đi hỏi khắp bản xem có phải thế không. Ai cũng cười rất ẩn ý, bảo: “Ầy dà, không biết đâu. Nhưng thằng đó bảo nhà ông Bường có con lợn giống tốt. Nó đang muốn mua”. Thế là rõ rồi, Bường là tên bố chị Mai. Hai má chị Mai đỏ bừng vì xấu hổ, lòng thì sôi lên cơn giận dữ. Thảo nào mỗi lần tay Điều đến nhà bố đều giữ lại uống rượu, mẹ thì luôn mồm khen nào anh Điều tốt, nào anh Điều giỏi. Chị Mai thấy mình đang phải đi trên một sợi dây.

 Anh Liệu đã đến tận nhà nói chuyện với ông Bường. Ông bảo: “Cái thằng biên phòng ấy có khi nó đã có vợ con cũng nên. Đi cả năm rồi còn gì. Tao không để con gái tao mốc đâu... Mày về đi!” Anh Liệu phải giải thích rằng vì nhiệm vụ, rằng anh Thông sắp ra để xin cưới chị Mai. Nhưng ông Bường nhất quyết không nghe. Chị Mai cứ rấm rứt khóc ở gian nhà trong. Khi anh Liệu về, chị Mai chạy lại bảo: “Em khổ quá anh ơi. Chắc em... không chờ được!” Anh Liệu phải ra đồn gọi điện vào đơn vị mới của anh Thông. Anh Thông bảo cũng chưa biết định liệu thế nào. Anh đang rối bời, ruột gan như thiêu như đốt. Mấy lần định xin về phép nhưng đều bị lỡ vì công việc đột xuất. Tình hình biên giới trong đó ngày càng nóng bỏng. Đơn vị đang phân giới cắm mốc, mà phía bên kia nhiều đối tượng quấy phá quá. Cuối cuộc “nấu cháo” điện thoại, anh Liệu nói như vị tổng tư lệnh đang trực tiếp chỉ huy một trận chiến đấu ác liệt ngoài chiến trường: “Chú nghe đây, tình hình địch và đối tượng đã câu kết với nhau rất chặt chẽ! Diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, có nhiều bất lợi cho ta... Thay mặt Đảng ủy, Bộ Chỉ huy trạm biên phòng Thèn Chu Phìn, tôi ra lệnh cho chú phải nhanh chóng chuẩn bị tinh thần và lực lượng, cơ động thần tốc ra tổ chức một trận đánh thắng lợi tại mục tiêu là nhà bố Bường tại bản Lao Chải. Chú rõ chửa?”

Về trạm, anh Liệu nói với San: “Có lẽ thời gian tới tao phải tích cực xuống Lao Chải để giữ mục tiêu cho thằng Thông. Tình hình có vẻ nguy kịch lắm rồi. Không khéo lại ân hận cả đời. Nếu tao biết trước sự tình thế này dạo trước tao đã “thả cửa” cho thằng Thông xuống Lao Chải. Biết đâu nó lại chả bỏ được thằng biên phòng con vào bụng cái Mai. Rồi cưới ngay là cái chắc. Đời... đúng là chả biết đâu mà lần!”
 

*
*    *

Đã ba đêm giấc ngủ của San đều bị xé vụn. Mỗi khi chợp mắt, San lại mơ thấy mẹ bị rơi xuống một vực xoáy. Mẹ cố ngoi lên thì lại bị trăm ngàn cánh tay đen đúa dìm xuống. San chạy ra cứu mẹ nhưng chân nặng như đeo đá. Đến khi San chạy đến miệng vực thì chả thấy mẹ đâu, chỉ thấy những bong bóng khí sùng sục nổi lên. Lồng ngực San như muốn nổ tung. San hét lên... Thế là San tỉnh. Tỉnh lúc nào San lại khóc. Cuộc gặp của mẹ và San sẽ như thế nào đây? San có thể làm gì cho mẹ trong những ngày tới? San rối trí quá.

Ba ngày trước San nhận được thư của người cậu họ. Một người bạn của cậu mới đi lao động Hàn Quốc về cho cậu biết chuyện mẹ San.

 Mẹ là nạn nhân của một âm mưu đen tối. Chủ nhà, người đàn bà không có khả năng sinh nở đã rắp tâm lấy tấm thân bơ vơ của cô ôsin người Việt làm mảnh đất gieo dòng giống nhà chồng. Kết quả là một đứa trẻ đã ra đời. Mẹ không còn mặt mũi nào để trở về, không còn con đường nào trở về. Gần hai mươi năm mẹ và thằng bé trong vai cô hầu - cậu chủ. Tội lỗi không thuộc về thằng bé. Mẹ vì nó mà sống. Nhưng nay thì nó đã không còn. Vụ tai nạn khủng khiếp đã cướp đi sinh mệnh của cả ông bà chủ và thằng bé. Mẹ dở tỉnh dở mê khi mất con. Một nhóm doanh nhân nữ người Việt đã giúp mẹ. Không còn gì níu kéo mẹ ở mảnh đất ê chề ấy. Lúc muốn chết nhất thì mẹ nhớ mẹ còn quê hương, mẹ còn một đứa con là San để trở về. Mọi người đang giúp mẹ làm thủ tục.

San quyết định ra khỏi giường. San đọc lại địa chỉ của người cậu, rồi tìm giấy bút. Đã bốn giờ sáng. Ngoài kia trời còn tối đen và gió căm căm thổi. Nhưng San biết nụ đào vẫn đang cựa mình và sẽ bừng nở khi đón một ngày nắng ấm. 

Chưa khi nào San mong nhìn thấy mặt trời nhô lên khỏi dãy Chư Lầu Thúy như lúc này... 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *