Thời sự văn học nghệ thuật

10/4
7:57 AM 2017

MẠCH NGUỒN CẢM XÚC QUÊ HƯƠNG TRONG TẬP THƠ BUỒN KHÔNG ĐÓNG CỬA

PHẠM THUẬN THÀNH-Buồn không đóng cửa" là tập mới nhất của nhà thơ Nguyễn Việt Bắc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý 4/2016). Giống như tập thơ trước, "Một mình trăng lên", mạch nguồn cảm xúc quê hương vẫn là dòng chủ đạo cảm xúc làm nên tập thơ này. Đó vừa là sự tri ân, vừa là tình cảm và trách nhiệm với làng quê chôn rau cắt rốn của anh trong thời buổi hội nhập hiện nay, mà nhiều giá trị vĩnh cửu đã trở nên lung lay, mất hướng.

                                                    Ảnh minh họa- tranh HS Bùi Xuân Phái

"Buồn không đóng cửa" là tập thơ thứ sáu của anh. Từ ngày rời quê học lên đại học, rồi công tác, nay về hưu anh sống ở thành phố, nhưng quê hương, mà cụ thể là làng Lê Xá thì mãi thường trực trong tư duy văn học của anh. Kể cả khi viết về các mảnh ghép cuộc sống ở thành phố, ở trong phòng máy hiện đại thì câu chữ vẫn như để làm đối trọng với câu chữ về làng quê vậy.

Quê hương hiện lên luôn đẹp đẽ trong phong cảnh thanh bình, hiền hòa:

Tiếng chim thả xuống

Sương dần bay lên

Ngắt một bông hoa không tên

Gặp người đi đường không vội vã

(Mùa thu về Kinh Bắc)

Về quê là về với kỉ niệm, gặp lại kí ức và cháy lên kí ức. Đẹp và đáng yêu, đáng mê đắm:

Bốn mươi năm nắng vàng như mật

Bốn mươi năm gió như da thịt đàn bà…

(Mùa thu về Kinh Bắc)

Về quê hương Thuận Thành là về với kí vãng lịch sử qua đô thành cổ Luy Lâu từng là thủ phủ nước ta trải suốt ngàn năm Bắc thuộc. Luy Lâu cũng là nơi ghi lại dấu mốc lịch sử chói lọi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thắng lợi. Cảm xúc thật lạ và thật đẹp:

Gió mưa bỗng thổi ào ào

Hồn người giữ đất tạc vào trời xanh

Tiếng chim lích chích chuyền cành

Tắm trong nắng sớm tiếng thành véo von

(Luy Lâu)

Và ngạc nhiên thay, quê hương thân quen đấy mà nay lại thấy bao điều mới lạ đến bất ngờ:

Đón em tận cổng làng Lê

Đưa em về đến chân đê đầu làng

Quê mình sông Đuống chảy ngang

Cầu Hồ đi dọc, phố làng bao quanh

(Em về trăng vẫn còn xanh)

Đọc đến đây hẳn chúng ta sẽ nhớ đến câu thơ Hoàng Cầm "Sông Đuống chảy nghiêng trong kháng chiến trường kỳ". Dòng sông chảy nghiêng như điềm báo tai họa giặc giã bởi quân Pháp đang càn quét, đốt phá phía "Bên kia sông Đuống". Vậy bây giờ sông Đuống chảy ngang trong tâm thức nhà thơ liệu có điều gì "bất thường" ngay trong thời bình với dân làng không. Có mà không. Bởi thời bình là thời xây dựng, phát triển. Nhưng nhiều giá trị cũ đang bị thử thách. Phong cảnh làng quê không còn lũy tre xanh bao bọc mà đã thay bằng "phố làng bao quanh" rồi. Mà phố thì lắm vẻ ăn chơi sành điệu. "Làng vẫn làng mà như đi lạc":

Len vào xóm ngơ

Gi gỉ gì gi cái gì cũng có

Nguyên tử và B52 nếu cần.

Người ở làng thay đổi lối sống, nhất là lớp trẻ:

Người trẻ ít học đi làm

Đêm sinh nhật đập phá

(Làng)

Người nông dân làm ruộng là phụ:

Tan tầm

Ở công ti về

Em vội xuống đồng cấy lúa tới tận khuya

(Gái làng)

Nông dân nhưng chỉ làm ruộng tranh thủ, lúc "công nhàn". Bởi thực tế "Ruộng đất cứ dần hẹp lại", hoặc "Nhiều thửa đất bỏ hoang", chẳng còn đâu cảnh tấc đất tấc vàng sinh lời từ mùa màng thu hoạch. Khi lối sống bị thay đổi thì nhiều giá trị bền vững cha ông để lại cũng bị lung lay. Tâm thức nhà thơ hoang mang lắm. Chỉ có câu chữ cảnh báo và rung ngân lên nỗi hoang mang:

Bây giờ nhiều thứ khác xưa

Trồng khế quả lớn thấy chua thì mừng

Nhà mọc như đỗ như vừng

Xây rồi không ở như rừng bỏ hoang

Bây giờ lắm thứ hoang mang

Bàn chân sấp ngửa hoang mang con đường

(Bây giờ)

Khi làng quê không còn là làng quê, người nông dân không còn làm ruộng nữa thì cũng là lúc không còn làng, không còn cái kén cố kết và lưu giữ hồn cốt dân tộc, nhà thơ đã phải kêu lên:

Phố đóng cọc xây nhà trên ruộng lúa

Vỡ long mạch làng, làng mảnh vỡ của hành tinh

(Mảnh vỡ)

Tuy nhiên, hiện làng vẫn còn, em vẫn cấy lúa, nông dân vẫn còn thu hoạch. Nỗi vất vả, nỗi mừng vui xưa cũ vẫn còn. Nhà thơ vẫn có khoảng sẻ chia với người quê:

Vấp ánh mắt

Vấp bàn chân

Thóc vàng đầy sân

Và dòng sông mồ hôi nông dân

(Mùa gặt)

Kể cả khi lên phố mua hoa đào cây quất ngày Tết thì sự sẻ chia với người nông dân vẫn đậm nét cám cảnh:

Tôi đi chơi chợ giờ áp chót

Quất đào rướn lên đuổi theo

(Chợ hoa 2016)

Bài thơ "Dọn nhà" dịp cuối năm ở làng tuy chỉ có 4 cặp lục bát nhưng đã gợi lên bao nét đẹp cũ mới, có cây lá, có chim chóc, có thiên nhiên, con người như một bức tranh nhỏ thanh bình và đầm ấm. Câu chữ cũng tài: "Quét bao nhiêu nắng", "Lau chỗ ngồi/Thấy bao mầm lá nẩy chồi cây xưa"… Những câu thơ thi sĩ này làm cho tập thơ sáng lên. Tài hoa của nhà thơ, cảm xúc của nhà thơ có thể đong đếm qua chính những câu thơ tài hoa ấy. Mà dường như ở bài thơ nào người đọc cũng "vấp" vào sự tài hoa của tác giả. Bài thơ "Tiếng dương cầm" được tác giả mô tả vừa đẹp vừa khéo: "Tiếng dương cầm/Gõ vào nắng chớm thu/Tiếng dương cầm/Vút một đường rất mỏng". Bài thơ "Đối thoại tin nhắn" có đoạn mô tả sự hồi hộp cụ thể qua câu chữ: "Em đang nhớ về anh/Trái tim đập rất mạnh/Em có thể cầm được từng tiếng đập ấy". Bài thơ "Em như hạt nắng giữa trưa" có những câu: "Em đi đong nắng/Em ngồi đong mưa". Bài thơ "Người cũ" là sự chung tình đơn phương đến ngoa ngôn:

Mùa thu rụng trên con đường cũ

Anh nhặt lên được tiếng thở dài

Người cũ ơi

Anh cứ đi

Đi mãi

Ở nơi nào cũng ấm gót chân em

Kết thúc tập thơ chính là bài thơ được lấy làm tên chung cho cả tập "Buồn không đóng cửa". Đó là tâm trạng sẻ chia với những tai ương mà quê hương đất nước gặp phải. Cái buồn cá nhân nhưng là cái buồn chung cho mọi cá nhân, buồn tràn ngập và thấm thía:

Buồn đi từng đốt ngón chân

Chạy lên lồng ngực dần dần sang đêm

Buồn không đóng cửa cài then

Ra ngồi với cỏ bông sen cũng buồn

Buồn nhưng là sự trách nhiệm với nhân quần. Cái buồn ấy để có niềm vui tươi sáng, ấm áp chờ đợi phía trước khi gấp tập thơ lại:

Thế là lại mùa xuân

Mùa xuân thì hoa nở

Mùa xuân môi cháy đỏ

Rơi tràn trề xuống li

(Mùa xuân môi cháy đỏ)

Nguồn: Tạp chí Thơ HNV

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *