ĐẦU NGÀN CON SÓNG- TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG THỊ TRÚC LY
Bà con cứ ra ngóng vào dòm, cạp gì mà lấn sâu cả mấy thước ruộng. Người nào càng nhiều đất càng xót lòng, lúa mùa bây giờ lại có giá, đất ruộng cũng là vàng chứ phải đâu cứ đất thành phố mới tính tấc. Xót là vậy, nhưng chính quyền Nhà nước chủ trương, đố ai dám ho he, mình dân thấp cổ bé họng. Mà nói đi cũng phải nghĩ lại, đào thành con sông lớn dễ bơm, dễ thoát nước ra vào trong ruộng, không sợ khô hạn cũng không sợ ngập úng, lại đê bao cao làm được lúa vụ ba. Ông Nhà nước ổng tính hết rồi, thấy lợi cho nông dân ổng mới làm chứ…
Ông Ba Dớn nghe cái tin ấy thì chẳng vui và cũng không rầu. Bà Ba nói ổng khùng rồi, đầu ngàn mà múc đất lên hẳn hoi, cao rộng là người ở kinh sẽ không bỏ hoang nữa. Nghe đâu, họ sẽ tận dụng đất để trồng chuối, trồng đậu, hay rau màu vào mùa nước, còn không sẽ cho mướn đất canh tác. Ghe ông sẽ hết chỗ neo đậu để phơi dớn, phơi củi. Cái ăn còn thiếu hụt thì nghĩ đâu đến chuyện mua đất dựng nhà. Nhưng ông Ba nói kinh đầu ngàn múc lên cho sáng sủa, chứ toàn lau sậy phủ ngập kín, ban đêm nhìn hoang hoải, thấy ghê. Đến nước này thì bà Ba thật không thể hiểu chồng dù sống chung hơn hai mươi năm. Có cái gì trên đời này khiến ông sợ đâu? Ma cỏ ông xem như bạn, trộm cướp thì chẳng bao giờ thèm ghé nhà ông; mà khúc đầu ngàn này ma không, trộm cướp càng không, chỉ toàn thấy cỏ sậy. Ông Ba bảo ông ngán ngẩm cuộc sống lênh đênh rồi. Cái này lại càng vô lý hơn. Người chồng từng nói với bà thích mùi cá, quen mùi nước và ghiền nghe tiếng sóng va đập mạn xuồng vào đêm đêm đâu rồi. Bà cảm thấy hoang mang. Bà làm sao không hoang mang được vì ngay cả bản thân ông cũng còn không hiểu được ông lúc này…
Chiếc ghe chòng chành to bản cứ cắm sào phía sau cái xáng cạp. Đất sình được múc lên bờ mang theo những con chạch, con trê, con lươn lúc nhúc trườn, bò, quẫy đạp. Hai thằng con trai ông Ba Dớn, mình mẩy lấm bùn đất vẫn mò mẫm trên những đống đất nhão nhẹt mới được bốc lên. Có khi chúng còn nhặt được vài cái muỗng, cái thau, cái chén, cả một cái nồi đồng to kềnh làm hai thằng con ông càng hăng hái sục sạo. Tối ngồi thắp đèn dầu đằng sau mui ghe rửa chén, bà Ba kháo chuyện với hai thằng con: “Nghe nói, ở trong kinh vài năm trước múc sông làm đường ngăn lũ, có người lượm được cả một sợi dây chuyền năm chỉ vàng hăm bốn! Tụi bây may ra mà “lụm” được thì tao để dành mai mốt cưới vợ, tao chia mỗi thằng hai chỉ rưỡi. Có khi mò được cái kiềng một cây vàng luôn thì sao, tao cho mỗi thằng năm chỉ. Nên tụi bây mò thấy vật cứng tròn tròn đừng vội liệng đi nghen!”. Ông Ba ngồi phía trước mũi ghe, nghe giọng vợ the thé theo ngọn gió lùa vào tai rồi bay đi mất hút. Ông khẽ nhếch mép cười, vợ chồng sống chung mấy mươi năm, ông đã quá rõ tính bà. Hai thằng con trai cười sặc sụa không phải vì thấy mẹ nói chuyện như… nằm mơ, mà chúng đang nằm bên cạnh cái radio, nghe phát lại chương trình cửa sổ tình yêu. Giữa đồng không mông quạnh, cái radio là món đồ giải trí văn minh nhất của bốn con người.
Mùa khô! Cái nắng ran rát phả xuống mặt nước sông, rồi sông lại trả cái nóng vào mạn ghe. Chiếc ghe to cũng không to, nhỏ cũng chẳng phải quá nhỏ nhưng đó là không gian sống của bốn con người. Nhiều lúc, ông Ba ngồi mà thấy buồn cho số phận mình, số phận vợ và các con ông. Nếu cứ sống dưới ghe, nếu biết trước như vậy, ngày xưa chắc tía má không bắt ông tập đi, mà ông cũng không cần tập đi cho hai thằng nhỏ cho xong. Có lẽ nếu chỉ dừng lại ở việc tập bò và bò giỏi, ông sẽ không bị cái không gian tù túng này làm cho ngột ngạt, ngứa ngáy. Mà có đúng tại vì ở dưới ghe không cà?
Nghĩ lại, có những lúc gia đình ông vẫn phải đi đấy thôi. Ông và hai thằng con trai đi đặt dớn, đi đổ dớn rồi đưa dớn lên bờ đầu ngàn phơi. Vợ ông phải dùng đôi chân để đi bán cá, mua gạo chứ nào có bò về được. Nhiều lúc để tự an ủi mình, ông nghĩ kiếp thương hồ, rày đây mai đó như vậy cũng hay. Khắp cái xứ miền Tây này, làm bầu bạn cùng sông nước đâu chỉ có mỗi gia đình ông? Nhưng ông lại thấy buồn khi nghĩ đến tương lai, tới hai thằng con trai và rồi vợ con chúng nó. Sống lênh đênh thế này mãi, nửa chữ cắn đôi cũng không biết, sau này làm sao dạy được vợ, được con. Mà ai thèm lấy con ông? Những thằng vô gia cư. Nhiều đêm, ông trằn trọc không ngủ được, ra mũi ghe kéo vài hơi thuốc lào, ngước nhìn khoảng không bao la, mênh mông mà chật chội, chật chội vì giữa trời đất, sông nước này “cái nhà” ông quá nhỏ hẹp. Tiếng gió va tiếng sóng, tiếng sóng va đập vào mạn ghe. Cuộc đời ông chưa một lần đối chọi với sóng to, gió lớn nhưng sóng nhỏ thì dập dờn mãi bên tai, nghe riết lòng lại thấy nao nao, nao nao như người ta bị say sóng. Chắc tại nhiều sóng nhỏ tụ lại dần dà trong ông là nỗi sợ những con sóng lớn. Cũng không hẳn là sợ hãi mà là sự ngán ngẩm. Đôi khi, có những thứ người ta chán chường, dần dà thành nỗi sợ.
Ông Ba đưa mắt nhìn thật lâu, xa xa hết cánh đồng trống, mênh mông là rặng tre đen ngòm trong màn đêm, bao bọc lấy những ngôi nhà ngói san sát nhau, ánh điện hắt ra từ những chuồng bò, chuồng heo, chỉ đủ để đôi mắt đang mờ dần của ông mường tượng một chút hột sáng. Cả đời ông chưa một lần được hưởng thứ ánh sáng điện. Chiếc đèn dầu nghiêng nghiêng theo nhịp vỗ của sóng, một cơn gió thổi vào trong ghe cũng làm nó tắt lịm. Rồi gia đình ông chuyển qua dùng bóng đèn cà na bằng bình ac-qui. Không dám dùng bóng đèn dài, đèn chữ u, chữ v gì đó, vì sợ tốn nhiều tiền sạc điện. Sáng nào con ông cũng xách vào kinh để thuê sạc, chiều tối lấy về. Mọi sinh hoạt của nhà ông vẫn phải gắn với cái kinh lập lòe ánh sáng kia, nhưng sao nó cách biệt và xa lạ. Đã có lúc, ông ước gia đình ông có vài công ruộng, nhà ông có ánh điện sáng trưng, trước sân nhà là cây cột điện. Nghe đồn điện giật nguy hiểm nhưng sao ông vẫn ao ước có điện, thèm sống trong thứ ánh sáng đó. Ông lấy chiếc áo, khoác lên người. Gió đồng không độc nhưng lạnh lẽo. Chắc tại giữa con kinh mới múc này chỉ độc có chiếc ghe nhà ông làm hàng xóm cùng sóng nước, ruộng đồng. Vòm trời bao la, những ánh sao đêm nhấp nháy. Ông Ba ngước nhìn lên ngôi sao nhỏ xíu le lói, đơn độc, nằm lọt thỏm vào một vùng riêng rẽ trong màn đêm đen đặc. Thỉnh thoảng, từ trong kinh vọng lại tiếng gà gáy lạc canh. Chắc chúng cũng không biết bây giờ là mấy giờ. Ông châm điếu thuốc lào, hít hà nhả khói cho bớt lạnh. Trong mui thuyền, bà Ba và hai thằng con đã chìm vào giấc ngủ. Thỉnh thoảng, hai thằng còn nói mớ, tay chân đập loạn xạ vào nhau.
Nhìn chúng say ngủ, cả tiếng ngáy ông cũng thấy thương. Thương quá nên ông chẳng thể nói gì được. Đã nhiều lần, ông định bụng hỏi chuyện. Mà thiệt tình, ông cũng chẳng biết nên bắt đầu thế nào…
Ông Ba khẽ thở dài, đầu óc ông cứ nhớ như in cảnh tượng đêm nào. Một đêm trăng cuối mùa lờ mờ tỏa xuống triền đê cuối ngàn. Màu đêm mờ mờ huyền hoặc. Con đê mềm mại như thân thể một thiếu nữ đương xuân, uốn lượn gấp khúc, khi trồi lên, chỗ trũng xuống. Những bụi lau mọc san sát nhau, nhiều khúc lá lau lòa xòa xuống che mất lối đi.
“Ông đi gọi hai thằng về, lần nào đi thăm dớn đêm hôm cũng tham về trễ, mất hết giấc ngủ”.
Hai thằng con ông đi sửa dớn từ chập choạng tối. Sốt ruột, bà Ba giục ông soi đèn pin đi xem sao. Đêm nay, cả tập đoàn xả nước để chuẩn bị thu hoạch lúa. Làm nghề này, chỉ trông chờ vào mùa, vào dịp. Khi nào người ta xả nước từ đồng xuống sông là cá tôm cũng từ ruộng mà chui ra sông theo đường cống xả. Những cái dớn của nhà ông Ba mau mắn được đặt hứng ngay chỗ ống cống, bao giờ cũng “chạy” vài ba ngày cá tép.
Con đê càng về khuya càng lộng gió. Những trận gió tạt ngang người khiến ông rùng mình. Đi mãi, tới đúng chỗ dớn nhà ông mà chẳng thấy hai thằng con đâu. Ngó dọc ngó ngang những đường đăng đã được chỉnh lại ngay ngắn, lưới giặt sạch rong rêu nhìn thấy rõ cá đang nhảy trong hom. Ông đang định hắng giọng gọi thì phía dưới khúc đê trũng, chỗ những bụi lau ngả về mé sông khẽ lay động. Từ đó phát ra những tiếng thở gấp gáp liên hồi. Ông Ba đứng khựng lại phía mặt đê đội cao lên, ông quờ quạng tắt vội ánh sáng từ cái đèn pin đang cầm trên tay. Không còn ánh đèn cũng chỉ mờ mờ vầng trăng khuyết, thế mà đôi mắt ông sao lại tinh tường đến vậy. Dưới quãng đê trũng có những cây lau sậy đang ngả nghiêng, hai thân thể lõa lồ của hai gã trai phơi vào nền trời. Những tiếng hổn hển, rỉ rên đang tan vào tiếng nước đổ từ cái cống xả. Hai cái bóng ấy cứ thế đổi tư thế cho nhau, một cái bóng nằm xuống, một cái bóng ngồi lên, âm thanh cũng từ đó mà đổi chỗ phát ra; rồi hai cái bóng chồng lên nhau theo thế đầu đuôi, đuôi đầu. Ông Ba như chết lặng trước những âm thanh đang dội lên từ khúc đê trũng; âm thanh đã có từ thời hỗn mang, từ thời ông cụ, ông kỵ, ông nội ông; chỉ có điều, âm thanh này ông đã quên bẵng đi là hai thằng con trai ông chúng cũng có khả năng phát ra, chúng khát khao được phát ra. Những thanh âm bản năng chỉ khác tiếng nói, tiếng cười là nó đã không phát ra từ khi những đứa con ông vừa chào đời, khi chúng còn nhong nhỏng cởi chuồng phụ ông giặt dớn. Âm thanh vượt lên mô đất cao đến ngáng ngự dưới đôi chân ông đang tê dại. Âm thanh đang ngấu nghiến từng sợi dây thần kinh, khiến đầu óc ông váng vất.
- Anh Hai! Anh em mình làm như vầy có gọi là biến thái không?
- Mày khờ quá! Hai đứa mình giúp đỡ nhau thôi.
- Giúp nhau mãi như vậy đâu có được?
- ừa… Thì tới khi nào tao với mày cưới được vợ.
Ông Ba thấy ruột gan mình quặn lại. Chỉ mới cách đây ít phút, ông còn định sẽ nhảy bổ xuống dưới, túm lấy hai thằng xằng bậy, rồ điên này mà đấm mà đá hai thằng con loạn luân, bệnh hoạn nhưng giờ đây ông thấy chúng đáng thương vô cùng. Cái ánh mắt lo sợ, cái cử chỉ “giúp đỡ” của hai thằng dành cho nhau đầy vẻ ngượng ngập và khổ sở. Ông bỗng nhớ lại cái ngày ông cho là dũng cảm nhất trong đời khi mở lời xin ba mẹ ông cưới bà Ba cho ông. Ông nhớ bằng tuổi chúng nó bây giờ, ông đã rước được bà Ba xuống ghe hủ hỉ. “Các con không phải là biến thái, tội này là do ba”. Ông đã định lao xuống hai tấm thân trần như nhộng để nói như thế, để an ủi hai thằng con tội nghiệp của ông. Nhưng đôi chân ông không thể tiến lên mà cứ bước giật lùi lại phía sau. Ông lững thững, dò dẫm trên khúc đê lờ mờ ánh trăng. Bây giờ niềm mong ước cưới được vợ của hai thằng con trai chính là nỗi khổ sở, day dứt trong ông. Trên thế gian này, có người làm cha làm mẹ nào lại không muốn có cái ngày được dựng vợ, gả chồng cho con cái của họ đâu. Tội chúng mà nghiệp là do ông.
*
Đôi mắt ông Ba sầu rầu rót vào màn đêm đặc quánh, chòng chành theo nhịp sóng đẩy chiếc ghe. Sóng mà vỗ mãi, rồi có ngày không xa lại phải mua ghe mới. Tiền đâu mà mua bây giờ, cá tép vào mùa nước lên còn ít nữa huống chi mùa cạn. Không biết cá tôm bây giờ đi đâu hết. Mai phải đặt dớn ở chỗ gần đầm sen, nghe đâu mai ở đó xả cống. Nhưng chỗ ấy lại có đàn vịt nhà ông Hoạt, nó quẫy đạp, kêu la inh ỏi, cá còn ở đó không biết nữa. Ông cứ đuổi theo những suy nghĩ miên man, lê thê trong đầu, mà không biết gà gáy sáng từ bao giờ. Lại một đêm ông thức trắng.
Chiếc ghe nứt thật. Không phải vì sóng to gió lớn vồ vập mà vì tuổi đời của nó đã quá già. Hai thằng con cứ chét chai kín được chỗ này, thì mấy bữa sau chỗ khác lại rò rỉ. Chưa kể đụng vào chỗ nào là chỗ ấy lại mục thêm ra. Ông Ba nhìn cái ghe mà buồn lo. Buồn vì nó đã theo ông bôn ba mấy chục năm trời, kể từ khi ông còn chưa rước bà Ba xuống ghe. Nó là chứng nhân cho kiếp sống thương hồ của ông. Còn lo vì chưa biết phải tính sao, tiền đâu để mua ghe mới, gỗ bây giờ lại đắt đỏ, mà không mua thì biết ở đâu bây giờ.
Tới chuyện như thế này thì bà Ba không thể vô tư được nữa, bà sinh lo lắng, ăn uống cũng không ngon miệng. Có khi đang đêm bà trở dậy, ra phía mũi ghe ngồi thẫn thờ, lâu lâu lại buông tiếng thở dài, còn dài hơn những tháng ngày bà đã theo ông Ba lênh đênh trên sông nước. Lần đầu tiên trong tâm thức của một người phụ nữ, bà nhận ra kiếp sống chảy trôi đến nhạt nhẽo, đến khốn khó và tối tăm của đời mình. Có lẽ từ lâu bà đã ý thức được điều đó, nhưng một người đàn bà không học, không nghề ngỗng gì như bà, thì suy nghĩ cũng không giải quyết được chuyện gì, vui vẻ cũng sống mà âu sầu cũng phải sống, vậy sao bà không lạc quan để quên đi những muộn phiền. Hơn nữa, bà thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người phụ nữ khác, ít ra bà còn có người chồng yêu thương, dù nghèo đói nhưng chưa hề động tay, động chân với bà, còn hai thằng con trai dù không được đi học nhưng rất hiếu thuận và chăm làm. Xét ở góc độ tình cảm, một người phụ nữ, có chồng yêu thương, con cái ngoan ngoãn thì còn gì mà phải rầu rĩ. Nhưng bây giờ thì không thể “giả vờ” vô tư được nữa, bà nhìn theo những con sóng đang quẫy đạp bên mạn xuồng mà lòng thấy nao nao tựa như lần đầu bà về với ông Ba bước xuống xuồng quay quay say sóng. Con sóng này không êm đềm, say mơ mà cuồn cuộn dữ dội như rình rập, như cạp nghiến cái ghe yếu ớt và thương tật. Bà ngồi dựa vào tấm gỗ trước cửa ghe mà bần thần trong bụng. Đã vậy, đêm trước ông Ba ngồi hút thuốc rồi bàn tính chắc ít lâu nữa, đợi hết mùa nước năm nay, dành dụm ít tiền để hỏi vợ cho hai thằng con. Việc này, bà đã nhiều lần nghĩ đến. Đâu phải bà không biết hai thằng đã đến tuổi lập gia đình. Nhiều đêm thức giấc, thấy phía dưới cái rốn của hai thằng, bên trong chiếc quần đùi, con c. nó cứ nhỏng đầu lên, thằng con bà mắt vẫn nhắm tịt mà tay luồn vào trong quần, xoa xoa chỗ đó; bà nhìn đứt ruột, chỉ vì thấy gia cảnh trước mắt nên bà đành nín thinh.
Mùa mưa! Nước sông dâng cao theo mật độ những cơn lũ đầu mùa. Con sông dài rộng mênh mông và chiếc ghe càng thêm đơn độc, trống trải. Sóng nước vỗ ì oạp liên miên. Cả cánh đồng trắng xóa một màu sóng. Ranh giới từ bờ đầu ngàn nhìn vào trong đất thổ nhà người ta mới xa tít tắp, làn nước làm khoảng cách vốn đã xa mọi người của gia đình ông Ba giờ càng xa hơn nữa. Mùa nước, người trong kinh lại ít ra ruộng, cánh đồng vắng teo, vắng ngắt. Chỉ toàn lục bình là lục bình, con sông cuối ngàn này nhìn đâu đâu cũng thấy lục bình, từ vài cây lưa thưa đến từng mảng lục bình lớn nối tiếp nhau trôi dạt về trú ngụ. Lục bình tràn vào lưới dớn, lục bình lấp cả những đường nước để chèo chống xuồng con đi lại, nên đầu ngàn đã thưa người lại qua thì nay chỉ còn độc gia đình ông Ba. Mỗi ngày bà Ba muốn đi vào trong kinh bán cá hay hai thằng con có muốn đổi gió đi chơi dông dài thì cũng mất hơn tiếng đồng hồ đẩy, dẹp lục bình mới có lối ra. ấy là những lúc cùng hướng gió chứ mà ngược hướng thì hai thằng con dọn đến bở hơi tai, đến lúc có đường bơi xuồng con thì không còn sức để điều khiển mái dầm nữa. Đám lục bình như một hàng rào chắn nhỏ, thêm vào giữa những hàng rào chắn khác làm tăng sự cách biệt của gia đình ông với cái chốn điện đèn. Có lẽ, con người ta sợ hãi nhất đó là sự cô độc, sợ bị tách biệt, không biết vợ chồng ông Ba có sợ không, hay càng về già người ta càng biết an phận, đành chấp nhận. Nhưng hai thằng con ông thì còn trẻ lắm; vài ngày không được đi vào kinh chơi là chân tay chúng ngứa ngáy, bứt đầu bứt tóc khó chịu như kiểu người ta muốn thoát khỏi một điều gì đó mà lực bất tòng tâm; người ta có quá nhiều dự định và mộng mị nhưng người ta lại không làm thế nào để có thể thực hiện được. Hai thanh niên với dư đầy sức vóc nhưng phải bó gối chồn chân, hai thanh niên đang căng mọng đến ứ tràn nhiệt huyết sống lại chưa từng được nếm qua cái xuân sắc, cái nồng nàn, mật ngọt của yêu và được yêu. Những con người sống trong sự cô độc và tách biệt thì ngoài yêu thương của thứ tình cảm gia đình, còn nếm được mùi vị của những tình yêu nào khác. Chẳng biết có phải do cái phương tiện “hiện đại” radio hay không mà hai thằng con ông đã dần nhận ra điều ấy. Dạo này, nghe đâu hai thằng con ông hay đi vào kinh để tán tỉnh mấy đứa con gái ngay mố cầu Đòn Giông. Những đêm mưa gió về nằm nghe từng giọt rớt đều xuống dòng sông mà chúng thấy não nề đến tê tái. Những bụi lau sậy mới đâm chồi sau lần xáng cạp chưa đủ lớn để chắn che cho những khát khao thỏa sức vụng trộm; chưa đủ mạnh để xua giông bão cho cái ghe chòng chành, bấp bênh giữa nhịp sóng.
Mưa đầu mùa vừa nặng hạt vừa dai dẳng kéo theo sấm chớp giật rung trời, dường như đó là cơn tức giận và dồn nén của thiên nhiên sau đằng đẵng những ngày nắng cháy da cháy thịt. Trong khi mọi người đều lo sợ trùm chăn lú rú ở trong nhà, thì gia đình ông lại lăn xả theo những cơn mưa. Mấy cha con ông Ba hăm hở canh chừng có mưa xuống là bất chấp lạnh lẽo, sấm sét vẫn ngâm mình để đặt, để sửa dớn mong “trúng quả”. Vì mưa nhiều, nước dâng cao cá tôm mới “chạy”. Trận mưa thứ nhất rồi lần lượt nhiều trận mưa trôi qua mang theo những hi vọng cũng trôi tuồn tuột theo con nước. Cá tôm đâu không thấy, mà chỉ thấy nước từ trên đổ xuống cái mái lá mui ghe dột nát, nước dưới khoang xuồng chui lên lênh láng gần khẳm. Bà Ba đi bán cá về, hốt hoảng khi thấy “ngôi nhà” sắp chìm nghỉm, đồ đạc đang trôi nổi lềnh bềnh, bà lật đật chạy đi gọi chồng và các con. Bây giờ thì “ngôi nhà” này thực sự không còn cách cứu chữa, bốn con người lẳng lặng khiêng vác các thứ cần thiết lên bờ đầu ngàn. Những tưởng nó sẽ cầm cự qua mùa nước này, những tưởng cá tôm kha khá gia đình ông bà sẽ nhắm chỗ nào người ta ưng thuận để hỏi vợ cho hai thằng con. Thế là hết, nước lên nhưng cá không về theo con nước mà ghe cũng không theo được với người nữa. Nằm trong mùng mà nhìn được thẳng lên trời ngắm sao, ngắm mây, ông Ba cười chua xót, thấm thía cho cái cảnh “màn trời chiếu đất” của gia đình mình. May mà đêm nay không mưa, nếu ông trời không thương mà trút nước xuống thì gia đình ông cũng không biết phải trốn vào chỗ nào, giữa bạt ngàn đồng nước mênh mông này. Vợ ông lúc lâu lại chạy ra cho củi vào bếp để sưởi cho ấm và để có chút ánh sáng. Hai thằng con trai lại tụm đầu, tụm cổ nghe phát lại chương trình Cửa sổ tình yêu, hai thằng cười khúc khích, ghé sát tai vào cái radio, ông không biết phát thanh viên đang kể chuyện gì, đang giải đáp điều chi, chỉ nghe thấy thằng lớn nói với thằng nhỏ: “Tao mà có vợ, không ngu gì mà lăng nhăng như cha nội này”. “Thằng này ngu thiệt! Có vợ mà không biết thương gì hết”. “Sao toàn mấy người nhà giàu, rồi làm việc ở thành phố này nọ hỏi không hen! Không thấy thằng nào hai lúa hay đặt dớn như mình hỏi hết trơn”. “Mày ngu quá à, mấy thằng đó mới có tiền, có học, có điện thoại hay email gì đó nên nó mới biết đường hỏi, thằng hai lúa cũng có thằng có tiền nhưng dốt sao biết hỏi, còn “Ba Dớn” như mình, tiền không có, học cũng không thì người yêu còn chưa có nữa mà đòi hỏi giống gì mày!”. Nói rồi hai anh em lại im lặng theo dõi, không ai nói thêm lời nào.
Ông Ba nghe hai thằng con nói chuyện, ông chực cười mấy bận mà nụ cười cứ vừa tới cổ lại thấy nghèn nghẹn quay trở ngược vô trong. Đêm nằm ngoài sương ông mới thấy lạnh, thấy nhớ cái ghe đến da diết. Không biết là do sương đêm hay do không quen ngủ trên đất mà cả nhà không ai ngon giấc. ở trên bờ trong cảnh bất đắc dĩ như thế này thì đúng là còn khổ hơn chui rúc dưới cái ghe tềnh tàng kia. Sao bỗng nhiên ông Ba thấy nhớ, thấy thèm nghe tiếng những con sóng nối đuôi nhau vỗ đạp vào mạn ghe, những con sóng tuy đôi lúc hung bạo nhưng lại miên man len lỏi vào sâu trong giấc ngủ mỗi đêm, thân thuộc trong tâm tưởng của kẻ trót mang thân phận lênh đênh…
Ông Ba trở dậy, rảo bước trên bờ đầu ngàn, đưa mắt nhìn xéo sang vùng ánh sáng phát ra từ những tấm thiếc còn mới tinh của khu dân cư mới được cất gần bờ đầu ngàn còn đang lạnh lẽo, vì chưa có người ở. Trong đầu ông lại vang lên câu nói: “Gia đình ông Ba khai trương khu dân cư đi, chính quyền xã sẽ vận động hỗ trợ một nửa, phần còn lại cho gia đình nợ, rồi làm ăn từ từ trả lại. Chứ lênh đênh mãi thế này... Người ta nói an cư mới lạc nghiệp mà!”. Khi đang khiêng vớt đồ đạc lên trên bờ, ông phó chủ tịch xã chạy vỏ đi thực địa mùa nước nổi đã ghé lại nói với ông như thế. Ông chưa nói với vợ con vì cái tình với sóng nước sao mà còn vấn vít quá. Đêm nay, ông sẽ chia tay với kiếp thương hồ để ngày mai bắt đầu một cuộc sống mới.
Ông Ba cứ trằn trọc như thế cho đến khi ngủ thiếp đi, mơ qua một ngày đầy lo toan và cực nhọc, một ngày với bao cung bậc cảm xúc: Hết lo lắng rồi vui mừng, hết buồn nhớ lại hy vọng. Đêm nay, trong giấc mơ của một ông già thương hồ, ông thấy bà Ba đang trải chiếu trước cái sân nhà, tay bà cầm chiếc quạt phe phẩy, xung quanh là vài đứa trẻ con còn đang lòng thòng chảy mũi. Phía bên kia đầu ngàn, các con ông đang cuốc đất trồng rau, trồng cà ngay chỗ những bụi lau sậy năm nào. Chúng nói cười tươi rói, dù nắng đã làm những giọt mồ hôi rớt đều trên đôi vai cuồn cuộn bắp.
Sóng đầu ngàn vẫn vỗ miên man, nước cứ va vào bờ như đời người chưa bao giờ ngừng chảy trôi.
H.T.T.L
Nguồn Văn nghệ