THƠ TRONG KỊCH BẢN TUỒNG ĐÀO TẤN
Đối với kịch bản tuồng của Đào Tấn, thơ chiếm tỉ lệ khá cao và giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện quan điểm nghệ thuật của ông. Tìm hiểu thơ trong tuồng Đào Tấn cũng là một cách để tiếp cận giải mã tác phẩm trực tiếp từ văn bản.
1. Vai trò của thơ trong văn bản tuồng Đào Tấn
Bàn về đặc điểm của văn học tuồng, Mịch Quang nhận định “Tuồng là một loại kịch thơhợp thể gồm văn xuôi trong lời hường, văn vần trong nói lối, các thể thơ trong lời hát” [1, 55]. Đồng quan điểm đó, Hoàng Chương cũng cho rằng “Thơ là điểm xuất phát đến với tuồng vì kịch bản tuồng là một bài thơ dài hợp thể [2, tr.23]. Khái quát về các thể loại cấu thành nên văn bản tuồng, Hoàng Châu Ký khẳng định kịch bản tuồng là sự kết hợp của ba thể loại : văn xuôi, văn biền và thơ[3] . Văn xuôi được sử dụng trong lời hường và lời kẻ nhằm mục đích vừa bổ sung cho các mệnh đề trong văn vần và thơ, làm rõ nghĩa hơn cho nó, vừa làm cho lời kịch (mặc dù vẫn là văn vần và thơ) vẫn rất gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Văn biền(văn vần, song quan liên vận hay biền ngẫu), số chữ trong mỗi câu văn vần tăng ít nhiều tùy theo tình huống sân khấu, do đó văn biền trong nói lối tuồng đặc biệt chú trọng đến tiết tấu. Thơ(bao gồmtất cả các thể thơ cổ điển và dân gian Việt Nam) được sử dụng trong các lời hát nhằm bộc lộ vị thế, tâm trạng, lý tưởng, cảm xúc…của nhân vật. Nếu kịch bản tuồng thiếu đi chất thơ sẽ không khác gì kịch nói. Trong tuồng, văn xuôi, văn biền ngẫu gắn với nói lối và lời hường, lời kẻ để thể hiện tính tự sự còn thơ thường xuất hiện trong trong các điệu hát để thể hiện tính trữ tình. Thơ chỉ xuất hiện khi nhân vật bộc lộ cảm xúc trong những hoàn cảnh như tâm sự khuê phòng, tâm sự trên đường đi, cuộc chia ly, cuộc hội ngộ... và gắn với các điệu hát: tẩu, tán, khách, oán, thán, nam, lý... Kịch bản tuồng giàu chất thơ là kịch bản chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc, với thế giới nội tâm phong phú của các nhân vật. Vì vậy, có thể nói thơ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá văn chương của kịch bản tuồng.
Theo Hoàng Chương, “không biết làm thơ thì không thể sáng tác tuồng” [2, tr.23]. Sở dĩ Đào Tấn có thể tạo ra những “kiệt tác” cho sân khấu tuồng bởi trước khi là một nghệ sĩ, một nhà biên kịch thì ông đã là một nhà thơ với hàng trăm bài thơ và từ xuất sắc. Thơ trong tuồng của ông nếu tách riêng ra cũng là một di sản vô giá cho nền thi ca dân tộc còn khi đặt trong chỉnh thể văn bản tuồng thì chứa đựng trong nó toàn bộ khí chất, tinh thần và giá trị tuồng Đào Tấn. Chính qua thơ mà ngôn ngữ tuồng Đào Tấn có những bước tiến vượt bậc, giúp ông trở thành tác giả tiêu biểu nhất của thể loại này: “...Sáng tác của Đào Tấn là một bước nhảy vọt của văn học tuồng mà thơ là đòn bẩy. Chỉ với Đào Tấn, chất bác học về văn chương trong tuồng mới mẫu mực, mới đầy sức hấp dẫn... ông đã tạo ra một bước ngoặt đỉnh cao trong văn học tuồng” [2, tr.26].
Nếu trong tuồng cổ, văn biền ngẫu chiếm vị thế chủ đạo trong hầu hết các kịch bản như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Võ Hùng Vương... thì ở những tác phẩm của Đào Tấn, thơ chiếm vị trí thượng phong và có xu hướng “thơ hóa” văn biền ngẫu. Chính vì vậy, có những đoạn tuồng văn biền ngẫu, văn xuôi và thơ đan xen, hòa quyện lẫn nhau khiến chúng ta không thể phân định được chính xác từng thể loại. Do đó, kết quả thống kê thơ trong văn bản tuồng của chúng tôi chỉ mang tính chất tương đối. Chúng tôi chỉ thống kê những câu thơ đứng độc lập và gắn với các điệu hát. Còn bộ phận thơ đan xen trong các lời hường, lời kẻ, lời nói lối chúng tôi coi như văn biền ngẫu có hơi hướng thơ (thơ hóa văn biền).
Kết quả khảo sát thơ trong tuồng Đào Tấn:
TT |
Văn bản tuồng |
Số cảnh/ tình huống xuất hiện thơ |
Số lượng thơ (câu) |
1 |
Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan |
15 |
95 |
2 |
Trầm Hương các |
24 |
126 |
3 |
Hộ sinh đàn |
32 |
235 |
4 |
Diễn võ đình |
11 |
117 |
5 |
Khuê các anh hùng |
13 |
147 |
6 |
Cổ thành |
10 |
114 |
7 |
Tân Dã đồn |
8 |
80 |
8 |
Đào Phi Phụng |
5 |
34 |
9 |
Sơn Hậu |
5 |
22 |
2. Đặc điểm thơ tuồng của Đào Tấn
2.1. Thể thơ
Thơ trong tuồng của Đào Tấn được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Nôm thường được dùng để viết các thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, đồng dao. Cá biệt có một số đoạn tuồng Đào Tấn sử dụng chữ Nôm để viết thơ Đường luật. Còn lại đại đa số thơ Đường luật trong tuồng đều được viết bằng chữ Hán. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi vốn là một nhà nho truyền thống, một nhà thơ, nhà văn hóa Hán lỗi lạc lại sống trong môi trường chuộng nho, sùng cổ như thời Tự Đức nên văn chương tuồng Đào Tấn vừa chịu ảnh hưởng bởi mô hình sáng tác thơ ca cổ điển vừa tiếp thu những yếu tố dân tộc và ý thức dân chủ để tạo nên phong cách ngôn ngữ riêng của mình.
Nhìn từ hình thức thể thơ, khảo sát 9 văn bản tuồng tiêu biểu của Đào Tấn, chúng tôi nhận thấy thơ trong tuồng Đào Tấn xuất hiện hai nhóm thể loại: Thơ Trung Hoa và thơ dân tộc. Đối với thơ Trung Hoa bao gồm thơ Đường luật (Thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn) và thơ cổ phong, trong đó chiếm phần lớn là thơ thất ngôn và cổ phong. Đối với thơ dân tộc bao gồm thể thơ lục bát, song thất lục bát và đồng dao. Tuy nhiên số lượng đồng dao không nhiều (chỉ có 20 câu ở Khuê các anh hùng) nên chúng tôi đưa chung vào nhóm thơ song thất lục bát.
Thơ trong tuồng không xuất hiện độc lập thành những bài, những đoạn riêng biệt mà nằm trong hội thoại (có thể trong lời đối thoại hoặc độc thoại) và xen kẽ với văn vần trong nói lối và văn xuôi trong lời hường, lời kẻ. Sự kết hợp giữa các thể thơ và văn xuôi, văn biền về bản chất là sự phù hợp của các điệu nói với các điệu hát nhằm bộc lộ được “cái thần” của nhân vật trong mỗi cảnh huống nhất định.
Ở bài viết này, chúng tôi không có điều kiện đi sâu vào phân tích đặc điểm của từng thể thơ trong tuồng Đào Tấn. Chúng tôi chỉ khái quát những đặc điểm chung nhất của bộ phận thơ Trung Hoa và thơ dân tộc nhằm chỉ ra những giá trị nghệ thuật độc đáo của ngôn ngữ văn bản tuồng của Đào Tấn. Dưới đây là thống kê số lượng thể thơ trong 9 văn bản tuồng được khảo sát:
Đơn vị tính: câu thơ
TT |
Văn bản tuồng |
Tổng số |
Thơ Trung Hoa |
Thơ dân tộc |
||||
Đường luật |
Cổ phong |
Lục bát |
STLB/ Đồng dao |
|||||
Thất ngôn |
Lục ngôn |
Ngũ ngôn |
||||||
1 |
Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan |
95 |
38 |
|
2 |
37 |
18 |
|
2 |
Trầm Hương các |
126 |
70 |
|
|
32 |
24 |
|
3 |
Hộ sinh đàn |
235 |
93 |
2 |
11 |
36 |
57 |
36 |
4 |
Diễn võ đình |
117 |
35 |
|
|
46 |
25 |
13 |
5 |
Khuê các anh hùng |
147 |
20 |
|
|
|
67 |
60 |
6 |
Cổ thành |
114 |
30 |
|
|
46 |
38 |
|
7 |
Tân Dã đồn |
80 |
26 |
|
12 |
26 |
12 |
4 |
8 |
Đào Phi Phụng |
34 |
16 |
|
|
6 |
8 |
4 |
9 |
Sơn Hậu |
22 |
4 |
|
|
10 |
8 |
|
Thứ nhất, về thơ Trung Hoa. Có thể thấy sự “sùng bái” thơ Trung Hoa trong tuồng của Đào Tấn khi thơ Trung Hoa luôn chiếm vị trí áp đảo về số lượng cũng như về âm luật, thi tứ, bút pháp và phạm vi biểu đạt: Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan (81%), Trầm Hương các (80,9%), Hộ sinh đàn (60,4%), Diễn võ đình (69,2%), … Do tính cô đọng hàm xúc, âm luật phong phú, bút pháp tinh tế, thơ Trung Hoa có thể phù hợp với nhiều điệu hát và biểu đạt được nhiều tâm trạng, trạng thái cảm xúc trong những hoàn cảnh khác nhau.
Người anh hùng, nữ kiệt có thể dùng thơ thất ngôn để hát lời bạch bày tỏ khí khái hoặc kể lại những chiến công oanh liệt của mình hoặc các tiên ông hay thần thánh hát điệu xướng để bày tỏ cảm tưởng trong lúc rảnh rang, nhàn hạ và chuẩn bị cứu nguy, trợ giúp cho ai đó. Trong Trầm Hương các, khi thấy triều Ca bị yêu khí xâm nhập, trước khi lên đường đến triều Ca trừ tà, đạo tiên Vân Trung Tử dùng thơ thất ngôn để xướng:
Tú lãnh xuân tình tế sắc khai Ngọc tiêu thanh lý hạc phi hồi Hồng hà tử vụ nhân tương bạn Bạch hạc thương tùng nguyệt tự lai |
(Non thanh, xuân tạnh, ánh chiều quang Cánh hạc về trong tiếng sáo vang Mù tía ráng hồng là bạn lão Tùng xanh, đá trắng, sáng vừng trăng) |
Thơ Trung Hoa còn được dùng để hát khách khi chén tạc chén thù, lúc thúc giục ngựa ra đi hay ca khúc khải hoàn. Cũng có thể trong lúc tức cảnh sinh tình mà nhân vật hát nhộn nhàng cho vui hay khi chìm đắm trong tâm trạng buồn thương não nề than thở. Khi bị Hồ Ly đoạt hồn, hồn Đát Kỷ được Địa Tạng đón về để đức Phật siêu sinh tịnh độ. Trước khi lên đường siêu sinh, Đát Kỷ vẫn còn nặng lòng với trần thế, thương nhớ mẹ cha, luyến vọng cố hương. Để thể hiện tâm trạng “người đi tâm ở lại”, Đào Tấn sử dụng một đoạn thơ cổ phong với điệu khách hồn cùng giọng âu sầu não ruột đầy bi thương:
Hồn Đát Kỷ: (Khách)
Phật chi cảm vi… cố phục cù lao thâm luyến niệm
Hương đài nhất vọng… tử sanh ly biệt khổ tư ta
Trường ngưỡng Phật ân, xã thử nhục thân phi tích dã
Dục thành chánh quả, khước vong huyết tánh thử tâm hà
(Phật dạy phải tuân… dưỡng dục cù lao còn nặng nợ
Quê nhà ngoảnh lại, …tử sinh ly biệt mủi lòng thương
Mãi nhớ ân Phật, … vứt bỏ nhục thân đâu có tiếc
Muốn nên chánh quả, nhưng còn huyết tính dễ nào quên)
Đặc biệt, trong những phân đoạn cảm xúc cao trào khi hát điệu oán, thán, Đào Tấn thường sử dụng thơ thất ngôn để diễn tả những khúc điệu tâm hồn bạo liệt ấy. Trong Hộ sinh đàn, sau khi nhờ Tiết An đi báo tin cho Ngũ Hùng, Tần Hán giải cứu Tiết Cương, đoán trước được kết cục của người chồng bội bạc Tiết Nghĩa, Tú Hà quyết định treo cổ tự tử cho trọn đạo nghĩa vợ chồng, Đào Tấn thể hiện sự đau lòng thất vọng về người chồng, nỗi sợ hãi khi đứng trước ranh giới sự sống và cái chết bằng bốn câu thơ thất ngôn cô đọng và súc tích:
Tú Hà : (Thán)
Hoàng Hạc lâu đàu vân tự ám Bích sa song ngoại nguyệt vô y Lạc hoa đái địa vô nhân vấn Hoàn nội tha niên mộng lý quy |
(Trước lầu Hoàng Hạc mây u ám Ngoài bức màn the nguyệt ủ ê Hoa rụng xuống rồi, ai kẻ hỏi Mơ màng hoàng bội ấy hồn về) |
Có thể thấy, với khả năng diễn ý vô tận và phù hợp với nhiều điệu hát, thơ Trung Hoa được sử dụng phổ biến trong các tuồng bản của Đào Tấn. Tìm tiểu đặc điểm thơ chữ Hán là chìa khóa giúp chúng ta giải mã thế giới nội tâm nhân vật và những giá trị nội dung tư tưởng trong tuồng của ông.
Thứ hai, về thơ dân tộc. Mặc dù chiếm số lượng ít hơn thơ Trung Hoa nhưng thơ dân tộc phân bố đều trong suốt chiều dài của tất cả các tác phẩm. Thơ dân tộc hàm chứa trong nó sự mềm mại, đằm thắm, trọng nghĩa, trọng tình, phù hợp với tâm hồn người Việt Nam. Thơ dân tộc thường gắn với các điệu Nam, điệu Lý và xuất hiện trong bối cảnh chia ly hoặc tâm trạng trên đường đi. Tùy vào hoàn cảnh và tính cách của nhân vật mà điệu Nam được hát với những sắc điệu khác nhau. Nếu là tâm trạng trên đường đi, nhân vật hát giọng nam xuân ít buồn và thi vị; còn trong cơn ly biệt sầu tình, nhân vật ca giọng nam ai đầy đau khổ não nề. Khi kẻ đi, người ở không dứt, sầu héo gan ruột mà phân ly thì nhân vật hát nam biệt, nam dứt… Để có thể biểu hiện những trạng thái cảm xúc uyển chuyển và linh hoạt như vậy, chỉ có thể sử dụng những câu thơ lục bát giàu thanh điệu, nhạc điệu và giàu cảm xúc của người Việt. Trong Tân Dã đồn, khi anh em Lưu – Quan – Trương tiễn Từ Thứ lên đường hàng Tào cứu mẹ, tâm trạng buồn của kẻ ở người đi lòng không dứt được Đào Tấn thể hiện tinh tế qua hai câu lục bát:
Ngậm ngùi kẻ ở người đi
Tình ly tơ vướng, chén ly lụy dầm
Trong Cổ thành, trên đường vượt quan ải về Cổ thành hội ngộ Trương Phi, trước mắt và sau lưng đều là kẻ thù, tâm trạng vừa mệt mỏi, vừa mong ngóng thấp thỏm của Quan Vũ, Nhị tẩu, Tôn Kiền được bộc lộ qua những câu hát nam đong đầy cảm xúc:
Mịt mù ngút tỏa sương che
Vó câu lần nữa đường xe ghập ghềnh
Xót thân đầy đọa đã đành
Cảm thương vì nỗi sợ tình chia phôi
Bao giờ tay bợ giềng trời
Xua tan ngút bạc rạng ngời thức xanh…
Như vậy, có thể thấy, Đào Tấn là một bậc thầy dùng thơ trong tuồng. Đối với mỗi hoàn cảnh, mỗi nhân vật, Đào Tấn sử dụng một thể thơ khác nhau sao cho đạt được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất. Mỗi câu, mỗi từ, mỗi chữ đều được ông chọn lọc kỹ lưỡng và đặt đúng vị trí tạo nên một kết cấu tuồng vững chắc mà như có nhà nghiên cứu nhận định “không thể thêm bớt bất kì một chữ nào”. Với tài năng ngôn ngữ thiên bẩm, Đào Tấn đã sáng tạo ra những công trình nghệ thuật ngôn từ tuyệt mĩ, những kiệt tác của nghệ thuật tuồng. Ông xứng đáng với danh xưng Nguyễn Hiển Dĩnh ca ngợi “trạng nguyên văn tuồng”.
2.2.Điển cố, thi liệu
Văn học trung đại thường dùng điển cố làm hình thức để biểu đạt nội dung một cách cô đọng và sâu sắc. Bàn về hiện tượng này, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm nhận xét: “Các văn sĩ tàu và ta, khi viết văn, thường mượn một sự tích xưa hoặc một câu thơ, câu văn cổ để diễn ý của mình nhưng không kể rõ việc ấy hoặc dẫn cả nguyên văn, mà chỉ dùng một vài chữ để ám chỉ đến việc ấy hoặc câu văn ấy. Cách làm văn ấy có thể gọi chung là điển cố”[4, tr.183]. Ông đồng thời chỉ ra một cách cụ thể hai dạng thức của lối sáng tác này. Đó là “dùng điển” (dụng điển) và “lấy chữ” (tầm chương trích cú). “Dùng điển” chỉ việc dẫn lại chuyện cũ, tích xưa “khiến người đọc sách phải nhớ đến việc ấy, tích ấy mới hiểu ấy cái ý nghĩa và lý thú của câu văn” [4, tr.183]. “Lấy chữ” là cách “mượn một vài chữ trong câu văn, câu thơ cổ để đặt vào câu văn của mình khiến người đọc phải nhớ đến câu văn, câu thơ kia mới hiểu được cái ý mình muốn nói” [4, tr.183]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc San nói một cách khái quát hơn “Điển cố là viết gọn chuyện cũ người xưa thành đôi ba chữ để đưa vào văn chương, làm câu văn hàm sức, ngắn gọn, lời ít, ý nhiều. Nguồn khai thác điển cố chủ yếu là các “sự tích thời Xuân Thu – Chiến Quốc được ghi chép trong các trước tác Tiên Tần và văn thơ Đường, Tống, ngoài ra còn có thể kể đến kinh sử hay thư tịch nổi tiếng các đời khác [5, tr.3].
Việc “dụng điển”, “lấy chữ” tạo tính cô đọng, hàm súc (lời ít, ý nhiều) khiến cho câu văn, câu thơ “đậm đà lý thú” bởi trường liên tưởng và ý nghĩa biểu trưng mà tích cũ, truyện xưa gợi ra. Trong văn bản tuồng của Đào Tấn, đặc điểm sáng tác này thể hiện qua tần số xuất hiện, nguồn gốc của điển cố và nội dung ý nghĩa, phương thức sử dụng điển cố của tác giả.
Trong các văn bản tuồng của Đào Tấn, điển cố xuất hiện một cách dày đặc và có tần số lặp lại cao. Đặc biệt là các điển về Nho giáo như tam cương, ngũ thường, đạo quân thần, niềm tôi chúa, tình phụ tử, nghĩa phu thê, Thành Thang, Nghiêu Thuấn… được nhắc đến 20 lần (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan), 17 lần (Trầm Hương các), 12 lần (Tân Dã đồn)… Có thể thấy, vấn đề quốc gia, dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi con người trước vận mệnh đất nước vẫn là nỗi trăn trở lớn trong các tác phẩm của Đào Tấn. Qua mỗi văn bản tuồng, ông kín đáo thể hiện lòng yêu nước, thương dân và ý chí đấu tranh phản kháng theo cách riêng của mình.
Các điển cố được Đào Tấn sử dụng có nguồn gốc phong phú từ các chuyện cũ, tích xưa với xuất xứ đa dạng như chuyện thực, chuyện chép trong sử sách, chuyện hoang đường kì lạ chép trong các truyện cổ tích, thần tiên, truyền thuyết. Đó là những khái niệm, thuật ngữ, từ ngữ hay nhân vật, câu chuyện gắn với cả ba học thuyết Nho, Phật, Đạo; những câu thơ hay, lời nói đẹp của cổ nhân. Trong số này thì chiếm đa số là những điển cố xuất xứ từ sách sử, truyện kinh điển của Nho giáo như: Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Trung Dung, Hậu Hán thư, Lã thị xuân thu, Tả truyện, sách Tôn Tử, Mạnh Tử,... các trước tác văn chương thơ phú nổi tiếng của Trung Hoa như Sở Từ, Ly tao, thơ Đào Tiền, Thôi Hiệu, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Xương Linh... Đây cũng là xu hướng chung của thơ ca trung đại và đặc biệt là phù hợp với xu hướng sùng Nho của triều đại Tự Đức bởi điển cố, thi liệu trong các trước tác này có mối liên hệ với tư tưởng đạo đức Nho gia.
Một điển cố luôn bao hàm trong nó hai cấp độ nội dung ý nghĩa. Một là tính lịch sử cụ thể, nghĩa là những con người, câu chuyện có thật từng tồn tại trong một không gian, thời gian nhất định. Đó là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, đem đến sự tin cậy cho nội dung được đề cập đến. Tuy nhiên những câu chuyện này chỉ thực sự được gọi là các điển cố theo đúng nghĩa hoàn chỉnh nhất khi nó được cấp cho một ý nghĩa mang tính biểu tượng, từ đó mà “chuyển tải được một nội dung lớn hơn nhiều so với sức hàm chứa của bản thân từ ngữ” [5, tr.5].
Chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ Nho giáo, sự xuất hiện của hệ thống điển cố trong văn bản tuồng Đào Tấn trước hết gắn với các khái niệm, chuẩn mực đạo đức và sách vở Nho giáo. Dựa vào kết quả khảo sát các văn bản tuồng của Đào Tấn, chúng tôi tạm gọi nhóm điển cố này là nhóm điển cố về tư liệu Nho giáo và phân chúng thành ba tiểu loại: Danh nhân lịch sử, câu trích trong sách vở Nho gia, thuật ngữ Nho giáo.
Có thể thấy, nhóm điển cố tư liệu Nho giáo được lặp lại một cách đầy linh hoạt ở lời nói của các nhân vật khác nhau, trên những bình diện tiếp cận khác nhau và trong những tác phẩm khác nhau. Phương thức sử dụng điển cố phổ biến được Đào Tấn sử dụng là dẫn chữ, dẫn chuyện để suy ra ý nghĩa khái quát và ý nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa được tạo ra này có khi tương đồng, có khi được mở rộng, bổ sung, thậm chí nhiều khi còn nhằm để tạo một đối sánh mang tính chất đối lập để diễn tả sự đổ vỡ, biến chuyển của thời đại hay những hoàn cảnh khó khăn bế tắc trong tương quan với sự thất vọng, bất lực của con người. Sau những ngày dài trốn chạy, được sự giúp đỡ của Lan Anh, Tiết Cương tạm thời thoát khỏi tay Võ Tam Tư, trên đường về sơn trại, chàng đau xót thay cho vợ bụng mang dạ chửa mà phải bươn trải, luân lạc vì chồng:
Cơn gió thét lá cây rời rạc
Cụm mây giăng khe suốt mịt mù
Ngựa Tái ôngmay rủi luống mơ hồ
Xe Nguyễn Tịchlỡ làng thêm bối rối
Mượn truyện Tái ông thất mã trong sách Hoài Nam tử và nhân vật Nguyễn Tịch (một trong bảy người hiền ở rừng trúc đời Tấn, có tài, nghiện rượu, tính tình phóng khoáng, thường dùng xe du ngoạn suốt ngày không nhớ về nhà), Đào Tấn muốn khắc họa tâm trạng hoang mang, lo lắng và chán chường của Tiết Cương không biết cảnh chạy giặc này sẽ may rủi ra sao. Đồng thời tác giả ngầm thể hiện sự phẫn uất, bất lực của con người khí khái mà bất lực bế tắc trước thời cuộc, bị tạo hóa xoay vần, không được làm chủ số mệnh của mình.
Đào Tấn sử dụng đa dạng các loại điển cố mang nhiều ý nghĩa khác nhau, từ các danh nhân trong lịch sử, đến các câu trích kinh điển trong sách vở Nho giao để nói về đạo đức của người quân tử, các điển cố chỉ thiên nhiên đã trở thành thi liệu quen thuộc của đường thi như cánh hồng hộc, cô nhạn, cô hồng, dấu thỏ, đường dê, trăng tàn, nguyệt lặn, quan san, thu phong…đến những điển cố chỉ vẻ đẹp người phụ nữ: trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa, ngọc diện hồng trang, mày hoa nộn liễu, khuynh quốc khuynh thành, má hồng, thuyền quyên… Đặc biệt, Đào Tấn sử dụng nhiều điển cố chỉ sự cô độc, tha hương và chia ly xa cách của con người như một nỗi ám ảnh dằng dặc không nguôi: góc hải sơn nhai, nam Hồ bắc Việt, thiên cao địa hậu, tang thương biến dịch, thời cuộc chuyển di, bước khuê ly, cao phi viễn tẩu, hiệp phố hoàn châu, chinh bào, dương liễu, sông Sở non Ngô, song tinh…
Có thể nói, điển cố đã trở thành máu thịt, thành một bộ phận đặc trưng mang lại vẻ đẹp chovăn chương tuồng Đào Tấn. Nhận định điều này, GS Hồ Sĩ Vịnh viết “trong văn tuồng Đào Tấn, người đọc bắt gặp những biểu tượng ước lệ phản ánh triết lí Thiên – Địa – Nhân của phương Đông để nói lên tâm trạng hoài vọng, đạo đức của nhân vật trữ tình. Những mô típ lá tùng, xương mai tượng trưng cho lòng trung nghĩa, bụi vàng, nắng đỏ, nhạn chiều, mây thưa nói lên niềm cô lẻ của những hiệp khách, hồn bướm, cánh hồng là những giấc mơ đẹp, thân bồ, phận hồng nhan là những số phận đã được định vị... Tất cả đều bắt nguồn từ dáng dấp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam thời cận đại [2, tr.138]. Nhờ có điển cố, văn bản tuồng Đào Tấn chứa đựng những không gian liên văn hóa, những mẫu thức văn hóa, hằng số văn hóa và chiều sâu văn hóa của cả một “thế giới phương Đông huyền bí”.
Khi nói về điển cố, thi liệu, sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến khả năng “mượn thơ” tài tình của Đào Tấn. Với vốn am hiểu sâu sắc về thơ Đường cùng vốn kiến thức Hán học uyên bác, Đào Tấn đã kết hợp các ý “thơ mượn” một cách hết sức nhuần nhuyễn và tinh tế. Mỗi câu thơ ở một bài thơ, nhưng dưới “bàn tay phù phép” của Đào Tấn, khi được sắp xếp đứng cạnh nhau, chúng vẫn trở thành một chỉnh thể không thể tách rời. Hãy cùng phân tích điệu tán của Tú Hà khi nhận ra bản chất bất nhân bất nghĩa của chồng mình:
Tú Hà: (Tán) Tâm sự này khó hỏi trời xanh(1)
Hà!Trì trì bạch nhật vãng(2)
Níu níu bi phong sanh(3)
Thương hại cho tôi!
Phu tế khinh bạc nhi(4), tại thế bất xứng ý(5)
Vậy chớ chừ tôi đi mô đây? Thôi...
Giang sơn diêu lạc xứ(6),tử biệt dĩ thôn thanh(7) hà!
Một đoạn hát tán của Tú Hà chỉ gồm 5 câu thơ nhưng được mượn ý từ 7 câu thơ thuộc 7 bài thơ khác nhau trong thơ Đường. Câu số (1) mượn ý thơ từ bài phú Thiên vấn của Khuất Nguyên. Câu số (2) mượn từ câu “trì trì bạch nhật vãn” trong bài Cảm ngộ của Trần Tử Ngang. Câu số (3) lấy chữ từ câu “Níu níu hề thu phong” trong bài Tương phu nhân của Khuất Nguyên. Câu số (4) mượn tứ thơ trong bài Giai nhân của Đỗ Phủ. Câu số (5) là một câu thơ của Lý Bạch. Câu số (6) là lời thơ của Lưu Trường Khanh “Tịch mịch giang sơn diêu lạc xứ/ Lân quân hà sự đáo thiên nhai”. Câu số (7) mượn từ hai câu thơ trong bài Mộng Lý Bạch của Đỗ Phủ: “Tử biệt dĩ thôn thanh, sinh biệt trường trắc trắc”. Tầng tầng lớp lớp ý nghĩa được chứa đựng trong lớp vỏ bọc ngôn từ khiến mỗi câu tuồng của Đào Tấn đều hàm chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Chính điều đó tạo nên đặc trưng riêng biệt cho văn chương tuồng Đào Tấn mà không ai có thể bắt chước được. “Cái lớn của Đào Tấn” cũng một phần ở “chiều sâu” trong cấu trúc ngôn ngữ tuồng mà việc tìm hiều điển cố là một trong những chìa khóa để giải mã những biểu tượng văn hóa đó.
Như vậy, có thể nói thơ là bộ phận tiêu biểu nhất trong văn chương tuồng Đào Tấn. Với việc sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các thể thơ Trung Hoa và thơ dân tộc; khả năng vận dụng tinh tế điển cố, thi liệu, Đào Tấn đã tạo nên cả một thế giới thi ca trong kịch bản tuồng. Trong thế giới ấy, mọi cung bậc cảm xúc của con người đều được thể hiện một cách chân thực và sâu sắc. Chính “chất thơ” đã làm nên một phong cách tuồng Đào Tấn vừa hiện thực vừa trữ tình và đưa các vở tuồng của ông trở thành “quốc bảo” của nghệ thuật dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mịch Quang (1963), “Bàn về một vài đặc điểm của văn học tuồng”, Văn học, (6), tr. 51 – 63
2. Hoàng Chương (Chủ biên-2008), Đào Tấn – trăm năm nhìn lại, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
3.Hoàng Châu Ký (1978), Tuồng cổ (tập 1), Nxb. Văn hóa, Hà Nội
4. Dương Quảng Hàm (1941), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Đông Pháp, Hà Nội. (Tái bản năm 1968, Trung tâm học liệu – Bộ Giáo dục, Hà Nội)
5.Nguyễn Ngọc San (chủ biên – 1998), Từ điển điển cố văn học trong nhà trường, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An