TRONG BÓNG ĐÊM ANGKOR- BÀI VIẾT CỦA SHARON MAY, NHÀ VĂN MỸ
Sau đàn áp của chế độ Khmer Đỏ (từ tháng 4-1975), văn học, nghệ thuật, tôn giáo Campuchia bị xóa sổ. Ngôn ngữ Khmer thay đổi. Bất cứ ai biết đọc, biết viết đều có nguy cơ mất mạng. Từ năm 1975 đến 1979, Campuchia mất gần hai triệu trên tổng số bảy triệu dân vì đói khát, bệnh tật, tra tấn và hành quyết. Theo ước tính, ít hơn 1% tri thức Campuchia sống sót. Trong số 1% ít ỏi này, văn nghệ sĩ chiếm 15%. 600 nhân viên thư viện chỉ còn lại ba người. Toàn bộ tu sĩ trong các đền thờ Phật giáo, tôn giáo truyền thống của Campuchia, nguồn gốc của văn học, bị tống tù. Thư viện quốc gia thành trại nuôi lợn. “Nghệ thuật giống như phụ nữ, người đầu tiên bị suy thoái vì đói nghèo và chiến tranh”, nhà hoạt động Vannath Chea viết.
Campuchia là đất nước nhỏ bé nằm giữa Thái Lan, Lào, Việt Nam và Vịnh Thái Lan. Tây Bắc quốc gia là biển hồ Tonle Sap nổi tiếng với những ngôi đền Angkor tuyệt đẹp soi bóng. Văn minh Campuchia phát triển mạnh mẽ từ giữa thế kỷ IX - XV. Khảo cổ học gần đây phát hiện và khẳng định Angkor là thành phố tiền công nghiệp lớn nhất thế giới.
Năm 1863, Campuchia thành thuộc địa Pháp. Năm 1953, quốc gia giành độc lập, song lại bị cuốn vào cuộc chiến tranh Mỹ-Việt. Những năm 1960-1970, Mỹ không tiếc bom tàn phá Campuchia, chỉ dừng lại khi Khmer Đỏ lên cầm quyền. Thế giới biết Campuchia qua tội ác “cánh đồng chết” và văn hóa đền Angkor, nhưng không chút ấn tượng về văn chương của họ dù, từ trước chiến tranh, Campuchia đã sở hữu nền văn học phong phú, cả truyền miệng và viết.
Văn bản đầu tiên ở Campuchia là câu khắc trên đá bằng tiếng Phạn, từ thế kỷ V. Họ may mắn giữ được bản khắc của Nữ hoàng Indradevi (1190-1200), nữ nhà thơ đầu tiên, trên Đại bia Phimeanakas. Thế kỷ XIV, tiếng Phạn trở thành ngôn ngữ chính thức. Nó là sự kết hợp giữa từ vựng đa tiết Pali và tiếng Phạn cổ với các từ đơn âm, lặp âm, tượng thanh. Thơ cổ điển Khmer có khoảng 50 khuôn mẫu, vận dụng kết cấu và gieo vần phức tạp.
Sử thi Khmer gồm hàng ngàn khổ thơ, phải mất nhiều ngày mới tụng niệm hết. Phần lớn các tác phẩm kinh điển đều thuộc về khoảng thế kỷ XIV đến XIX, nổi tiếng nhất là Riêm kê, phiên bản Campuchia của Sử thi Ramayana. Nó được hát, múa trong nhiều thế kỷ. Ngoài ra còn có Câu chuyện từ Angkor Wat (Lpoek Angkor Vat), thường được hát mừng trong đền; Bản sinh kinh (Jataka), chuyện về sinh thời của Đức Phật; Tum Teav, chuyện tình bi thương được ví như Romeo và Juliet của Campuchia.
Văn học Campuchia hiện đại bắt đầu vào thế kỷ XIX với cây đại thụ Ukna Suttantapriga Ind (1859-1924). Hành trình tới Angkor Wat (Journey to Angkor Wat) của ông là tác phẩm kể lại chuyến đi diện kiến Vua Sisowath tại đền Angkor năm 1909. Bản thảo của nó được xem như “chuyển giao” giữa “truyền thống” và “hiện đại”. Sau khi Ind qua đời, nhờ sự cho phép của Sisowath, Viện Phật giáo phát hành ấn bản đầu tiên của Hành trình tới Angkor Wat. Nó là câu chuyện về con đường hướng tới thiền định và vô thường.
Viện Phật giáo cũng cho in tác phẩm Gatilok (Gatilok) của Ind năm 1900, bước đầu trở thành nhà xuất bản quốc gia. Năm 1920, báo chí Khmer ra đời. Tiểu thuyết hiện đại tiếng Khmer xuất hiện vào năm 1930, được gọi là “pralomlok”, tức “câu chuyện cảm động lòng người”. Nó đặc trưng bởi những chuyện tình ngang trái, và phê phán đạo đức, xã hội.
Những thập kỷ đầu thế kỷ XX, các tác giả nước ngoài như Dickens (Anh) và Tolstoy (Nga) khá phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Hầu hết tiểu thuyết của họ được chia phần, đăng trên các tờ báo hoặc tạp chí. Trên báo chí Campuchia, bên cạnh họ là tác phẩm của các nhà văn mới như Nước hồ Tonle Sap (The Waters of Tonle Sap) của Kim Hak, Truyện Sophat (The Tale of Sophat) của Rim Kim, Bông hồng Pailin (The Rose of Pailin) của Nhok Them, Hoa úa (Wilted Flower) của Nou Hach. Chúng vẫn được độc giả Campuchia ngày nay yêu thích. “Nếu sự viết không còn, quốc gia cũng biến mất”, Kambuja Surya nhận định. Văn học trở thành sợi dây liên kết bền chặt với bản sắc dân tộc.
Từ độc lập vào giữa thế kỷ XX, chữ viết, giáo dục Campuchia phát triển mạnh. Không chỉ văn chương, mà ca nhạc cũng bước lên thời đại hoàng kim. Cộng đồng nhà văn, trí thức thông thạo cả tiếng Khmer và tiếng Pháp đông đúc. Họ không chỉ tạo nên nền văn học Khmer mới mà còn định hình ý thức dân tộc. Sau đảo chính năm 1970, lật đổ Hoàng thân Sihanouk, Campuchia rơi vào nội chiến giữa Cộng hòa Khmer và Khmer Đỏ. Kham Pun Kimny là nhà văn tiêu biểu trong giai đoạn này. Ông viết về cuộc sống đô thị và chính trị với phong cách siêu thực, châm biếm, trở thành một trong những nhà văn đầu tiên được Soth Polin, nhà văn đồng thời là người thành lập Tòa soạn Nokor Thom, thuê.
Ngày 17-4-1975, chưa đầy bốn thập kỷ sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, sự phát triển của văn học Campuchia đột ngột bị đốn ngang. Viết lách hoàn toàn bị cấm. Dám viết, đồng nghĩa với từ bỏ mạng sống. Nhật ký của Oum Sophany là một trong số ít những ghi chép cá nhân được viết giữa thời kỳ Khmer Đỏ toàn quyền sinh sát.
Ngày 7-1-1979, nhờ sự hậu thuẫn của quân đội Việt Nam, Cộng hòa Khmer lật đổ Khmer Đỏ. Vài văn nghệ sĩ sống sót thấy mình ngơ ngác giữa đất nước bị tàn phá tan hoang. Cơ sở hạ tầng đổ nát, đất trồng hoang hóa, mỏ khai thác nổ tung. Nghèo đói và mù chữ lan rộng. Ngay cả tìm được giấy để viết cũng cực kỳ khó khăn. Dù vậy, các tác giả vẫn viết. Gần như ngay sau chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, nền văn học mới hình thành. Tiểu thuyết được viết tay bằng bút chì trên giấy lót giá rẻ, chép lại, cho thuê. Nhiều hồi ký ra đời. Ba tác giả lớn may mắn thoát tai ách tử thần, U Sam Oeur, Kong Bunchhoeun, Soth Polin, sáng tác mạnh mẽ.
U Sam Oeur yêu thơ, thích ngâm nga từ khi còn là mục đồng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và tham dự Hội thảo Nhà văn Iowa, Mỹ năm 1968, ông trở về Campuchia. Những năm Khmer Đỏ hoành hành, Oeur giả mù chữ, câm điếc. “Tôi không dám nói. Ai hỏi câm sao, điếc sao, tôi đều lắc đầu. Không trả lời. Cắm cúi làm việc và làm việc. Không nói chuyện. Không nhìn bất cứ ai. Ngay cả bầu trời cũng không ngước nhìn”. Oeur dịch Lá cỏ (Leaves of Grass) của Walt Whitman (Mỹ) sang tiếng Khmer, trở thành nhà thơ Campuchia đầu tiên viết thơ tự do. Ông tin việc phá vỡ khuôn mẫu cứng nhắc của thơ ca Khmer cổ là điều tối cần để truyền tải nỗi buồn chiến tranh. Tuy nhiên, Oeur vẫn ngâm thơ theo phong cách truyền thống.
Kong Bunchheoun bắt đầu văn nghiệp với vai trò tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, thi nhân trữ tình trong những năm 1950 tại Thủ đô Phnom Penh. Ông thoát khỏi bị hành quyết nhờ là cán bộ Khmer Đỏ. Bunchheoun là tác giả Campuchia viết sung mãn nhất. Bóng cây dừa thứ mười (The Shade of the Tenth Coconut Tree) là một trong nhiều bài hát ông viết cho Sinn Sisamouth, giọng ca vàng của Campuchia, thập niên 1970, lấy cảm hứng từ sông Sangkae.
Lối đọc thơ và kể chuyện trong văn học truyền khẩu của Campuchia được lưu giữ đến nay nhờ các nghệ sĩ truyền thống, nhạc sĩ ngẫu hứng như bậc thầy Kong Nay, người được xem là Ray Charles của Campuchia, và thế hệ trẻ tài năng yêu thích rap, trong đó có praCh. Là “ngôi sao nhạc rap đầu tiên của Campuchia”, praCh chào đời trong trại tị nạn vào cuối cuộc nội chiến. Anh cộng tác với nhạc sĩ Kong Nay và nhà thơ U Sam Oeur.
Soth Polin học đọc, viết từ ông nội, nhà thơ Nou Kan, bắt đầu sáng tác từ thập niên 1960. Thời Khmer Đỏ, ông trốn sang Paris lánh nạn. Polin sống ở Pháp mười năm, sau đó chuyển sang Mỹ. “Mất quốc gia là mất tất cả”, ông nói. “Là nhà văn mất nước, bạn mất tiếng nói trong lòng độc giả”. Ở Pháp, Polin lái taxi thuê kiếm sinh nhai. Ông xuất bản Vô chính phủ (The Anarchist) bằng tiếng Pháp, đề cập vấn đề này.
Ngày nay, sự tàn phá từ thời Khmer Đỏ vẫn tiếp tục tác động tiêu cực tới văn chương Campuchia. Nhà văn phải đấu tranh với tỉ lệ mù chữ cao, sách thiếu đất dụng, ít người hướng dẫn, vắng nhà xuất bản, không có mạng lưới phân phối cấp trung ương. Một số tác giả chuyển sang xuất bản trực tuyến. Nhiều người chọn hình thức tự xuất bản hoặc sáng tác kịch bản phim, ca nhạc. Dù có sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ qua các giải thưởng văn học, hội thảo văn chương, cả Văn bút (PEN) ở Campuchia, nhà văn Campuchia vẫn chật vật trên con đường duy trì văn nghiệp.
Ngoài sự giúp đỡ từ chính phủ, Văn bút, văn học Campuchia cũng nhận sự trợ giúp từ Trung tâm Nghiên cứu Khmer, Trung tâm Tài liệu Campuchia. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc Youk Chhang, Trung tâm Tài liệu Campuchia thu thập hàng trăm ngàn tài liệu, hình chụp, phim ảnh, phỏng vấn, xuất bản nhiều ấn phẩm trong nước, tác phẩm dịch, đặc biệt chuyển ngữ Tum Teav sang tiếng Anh.
Lượng nhà làm phim Campuchia gia tăng. Họ có Rithy Panh, đạo diễn giành nhiều giải thưởng và đề cử quốc tế. Bophana: Bi kịch Campuchia (Bophana: A Cambodian Tragedy) của Panh được đông đảo khán giả thế giới biết đến, mang lại vinh dự cho nhiều người.
Dù vậy, chưa thể lạc quan về khả năng phục hồi của văn học Campuchia. Mất mát gia đình, bạn bè, giáo dục, thậm chí thiếu thốn giấy mực, in ấn khiến Campuchia không tự tin theo đuổi mục tiêu văn chương. “Tôi chỉ mong nghệ thuật của chúng tôi vẫn tiếp tục”, Polin hy vọng. “Tôi tin nó sẽ không chết. Một thế hệ nhà văn sẽ được sản sinh. Nhưng, ngay bây giờ, những gì chúng tôi đã mất thật nhiều không sao nói hết. Khun Srun, Hak Chhay Hok, Chou Thani, Kem Sat… đều ra đi. Cái chúng tôi mất là cả một kỷ nguyên. Thế nên, nếu chúng tôi đứng dậy được, đó sẽ là một nền văn học hoàn toàn mới”.
Vũ Thị Huế (Lược dịch theo Wordswithoutborders.org)
______________________
Sharon May (Mỹ)- Nhà văn và nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên mảng chế độ Khmer Đỏ và quyền con người. Tác phẩm xuất hiện nhiều trên các tạp chí như New American Voices, the Chicago Tribune, Tin House, Manoa, Story Quarterly, Other Voices.
Nguồn Văn nghệ