KHAI GIẢNG LỚP BỒI DƯỠNG VIẾT VĂN KHÓA XIII CỦA TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG VIẾT VĂN NGUYỄN DU, HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Lớp bồi dưỡng viết văn khóa XIII có 120 học viên ở nhiều tỉnh, thành phố cả nước về tham dự, trong đó có một số tiến sĩ, giáo sư, hội viên Hội nhà văn VN, Hội Nhà văn Hà Nội và hội viên các Hội VHNT ở các địa phương. Khóa học diễn ra trong 2 tuần để cung cấp các vấn đề về lý luận và kinh nghiệm viết văn, những kỹ năng cơ bản về sáng tác các thể loại văn học…cho các học viên. VANVN.NET xin giới thiệu các sáng tác thơ và truyện ngắn của các hội viên tham gia khóa học.
SÁNG TÁC THƠ, VĂN CỦA MỘT SỐ HỌC VIÊN LỚP BỒI DƯỠNG VIẾT VĂN KHÓA XIII
Phạm Quỳnh Loan
BÙA TÂY BẮC
Dải lụa mềm ngủ hoang ngực núi
Mắc pém dậy thì rưng rức heo may
Rưng rức cạp váy xanh trong đêm xòe ngũ sắc
Hoa ban trắng trời
Mắc kén bỏ bùa yêu
Nguyễn Thị Kim Cúc
MẸ
Mẹ!
Mười ba tuổi đã làm dâu
Đèn chong canh thâu tránh bánh
Bề bộn việc nhà, nối đêm dài cô quạnh
Chợ Dùng, chợ Quánh, chợ trong, chợ ngoài
Mới canh một canh hai
Đòn gánh oằn vai, chân bước cao bước thấp
Lau giấu lệ buồn
Con vô tư bắt gặp!
Mẹ!
Giấc đêm chưa ấm chỗ nằm
Mảnh chăn chiên, chưa đủ vừa để đắp
Triềng lưng, lo giáp hạt quanh năm
Những đứa con như trăng sáng ngày rằm
Cánh chim vào đời, bay xa từ trường của mẹ
Bỏ lại sau lưng, người thoi thóp tuổi già
Chưa một phút hưởng vinh hoa
Mẹ đã vội đi xa!
Đặng Quốc Việt
HỒN CỐT CỐ HƯƠNG
Rời quê tay không, phận người nhăn nhó
Đau mẹ cha thấp mộ trũng đồng!
Đủ Tây Tàu, cứ như nhờ như trọ
Bả xứ người mật vỡ, vẫn long đong!
Ngõ dâm bụt, đâu bé xưa giằng nhau tiền lá
Cây thế nhà ai mang dáng bà còng!
Cụ Gạo cổng chùa, xù khối u chịu đựng
Bia đá Đền, lõm bõm chữ thẳng cong!
Sụt sịt chiều, lạc góc phố tha ma
Mái tóc bạc loi choi chơi bên mẹ cha xanh cỏ!
Tính cần kiệm: mẹ dạy ta học từ hom giỏ
Cố hương là hồn cốt tụ Người xa!
Trần Đức Cường
VỀ ĐI ANH
Ngày mai em sẽ đến
Nơi chiến trường năm xưa
Tìm anh và đồng đội
Đã ngã xuống năm nào
Hỡi người anh yêu dấu
Anh nằm ở nơi dâu
Bao năm dài đằng đẵng
Mỏi mòn em tìm anh
Giữa bạt ngàn mầu xanh
Mộ anh tìm chẳng thấy
Mẹ già mong mỏi mấy
Tóc bạc chao mái đầu
Anh nằm đáy sông sâu
Hay đầu non lặng lẽ
Nẻo rừng già đơn độc
Phiêu diêu hồn nơi đâu
Vùi thân dưới đất nâu
Hay lẫn vào đất đá
Cho cỏ cây hoa lá
Nảy mầm xanh sinh sôi
Chiến tranh đã qua rồi
Mùa vàng gieo no ấm
Mảnh đất nào cũng đậm
Máu đào từ các anh
Cuộc đời nẻo phù vân
Chiến công anh thầm lặng
Khói hương trầm sâu lắng
Về đi! Về đi anh
Lê Văn Hiếu
CON CHIM SẺ TRONG SÂN BỆNH VIỆN
Này chim sẻ ,
Nhảy nhót trong sân bệnh viện
Nhảy nhót bên nỗi buồn
Đầy những số phận.
Này chim sẻ,
Nhảy nhót trong vòng cung bệnh viện
Nơi không có hạt thóc
Không phải sân phơi – cánh đồng
Ở đó có những khuôn mặt rười rượi.
Thấp thoáng,
Bức tường trắng,chiếc áo blu trắng
Chim sẻ rơi không tiếng động,
Bước chân của người thăm nuôi,không tiếng động
Lặng lẽ nhấc bên lề bệnh viện.
Bước chân hy vọng
Sẽ nhấc bay về với phận người
Sẽ ngã khụy xuống lằn số mệnh.
Này chim sẻ
Ríu ran bài ca hy vọng
Lặng lẽ bay,
Lặng lẽ rơi.
Và cất cánh nhỏ nhoi lao ra ngoài bệnh viện.
Trịnh Duy Sơn
LỜI CỦA TRÁI ĐẤT
Ta sinh ra các người
Ta sinh ra muôn loài
Cỏ cây và hoa lá
Núi sông và biển cả
Miếng cơm các người ăn
Thịt da ta rớm máu
Ngụm nước các người uống
Nước mắt ta đầm đìa
Vàng của ta trong kho
Các ngươi tha hồ bới
Ngọc của ta dưới bể
Các người thả sức mò
Ta có tiếc chi mà
Các người còn oán trách
Có bao nhiêu xác chết
Người mang về trả ta!
Nguyễn Văn Đấu
XA QUÊ
Quê là nguồn cội sinh ra
Cháo rau qua bữa về già tóc xanh
Thâm tâm ăn ở hiền lành
Sinh thời cua cáy bát canh đời thường
Nào đâu có thịt có xương
Nắm rau mọc ở ven đường cầm hơi
Quê khi cất tiếng chào đời
Chôn rau cắt rốn từ nơi sinh thành
Một thời vách đất nhà tranh
Thôn quê mộc mạc ân tình bên nhau
Giờ này cửa rộng nhà cao
Xóm giềng xa cách khác nào ngoại bang
Ngày xưa về đến đầu làng
Cây đa bến nước mênh mang nghĩa tình
Hoa Mai
CÂU ƯỚC SAO BĂNG
Đêm cởi áo mong khát ngày ập tới
Thuyền bồng bềnh.
Vai lạnh giọt sương say
Anh lỗi hẹn như ngôi sao chớp vội
Bão lặng thầm_ Những cơn bão xiêu đêm
Ta đâu đến cùng nhau bằng sóng mắt
Chỉ là lòng lắng lại phía không nhau
Em mắt muộn, thành vì sao cô lẻ
Ủ cánh buồm, xây câu ước , sao băng
Nghe khoảng lặng nửa đời tim chợt đập
Hai bán cầu chung nhịp nhịp đồng rung
Anh hãy nếm vị ngọt ngào đáy mắt
Em âm thầm đếm nhặt những cơn đau
Em khờ dại, mà đêm mênh mông quá
Nhìn giọt mưa cũng tưởng tượng nên màu
Nhớ bóng nắng, mơ trăng lưu bóng nắng
Thương cánh buồm lại lạc phía không nhau
Những ga lá, gợi chi mùa lỗi hẹn
Giọt lệ này, lăn về lối vườn hoang
Ai biết được, nửa đời chưa hết gió
Ôi cánh buồm, thương câu ước sao băng
Hoa Đăng
CÕI TRỜI YÊN
Lay động ngàn hoa bước ngập ngừng
Cung đèo vắng lặng gió vừa ngưng
Chập chùng thác đá khô mùa nắng
Êm ả hàng thông đỏ lá rừng
Mong khoảng thời gian quên trở giấc
Để dòng ký ức ngại quay lưng
Tâm hồn thanh tịnh hoà mây núi
Vô tận âm vang khúc nhạc mừng.
Nguyễn Thanh Huyền
QUÊ ƠI, MAI CON VỀ
Mai con về
ngược miền thơ ấu
cây đa già, cổng làng, giếng nước
những khóm tre ngà, cánh cò chao và chiều gió hát
con đường gạch lát nghiêng cong…
Mai con về
ngược miền ký ức
bóng cha áo tơi đổ dài ngả cày ngập nước
dáng mẹ nón mê còng lưng nhổ mạ mưa phùn
một thuở quê nghèo lam lũ đồng chiêm…
Mai con về
miền nhớ thương mong mỏi
người đi nhạt nhòa bóng hình trở lại
con về tạ lỗi Tổ tiên
nhang khói rỗng chiều
Mai con về
lại được nghe tiếng ếch gọi bạn tình da diết
nghe tiếng chó đàn nhạc trưởng cắn bóng đêm
nghe canh ba tiếng gà gọi mặt trời lên
nơi phương xa ấm áp và cồn cào nhung nhớ
Quê ơi, mai con về
chín mọng cội nguồn, thơm thơm tình nghĩa!
HUYỀN THOẠI VỀ MẸ
Truyện ngắn của Nhật Nguyệt Xuân Hương
Con đường tôi vừa đi qua trải đẫm mưa xuân.
Buổi sáng ở làng quê thật yên ả thanh bình đến độ người ta có thể nghe thấy cả những âm thanh xao xác của gió xuân đang vỗ về mơn man trên lũy tre làng. Suốt dọc hai bên đường là cánh đồng lúa xanh mướt đang thì con gái bát ngát đến tận dãy núi Vĩnh Thịnh. Trên cao, những cánh én rộn ràng bay liệng như “thoi đưa giữa bầu trời trong sáng. Đây đó, một vài chú cò trắng phau phau đập cánh bay vút về phía đám mây bàng bạc giống như một vũ công điêu luyện. Tất cả tạo nên bức tranh quê tuyệt đẹp và kỳ vĩ.
Dãy núi Đa Bút sừng sững chắn ngang trước mặt tôi oai nghiêm như một hung thần. Tôi men theo con đường mòn khúc khuỷu chạy quanh co dưới chân núi đi về phía khu lăng mộ. Nắng bừng lên trải dài những thảm cỏ và hong khô những bậc thang rêu. Tôi phải len lỏi qua rất nhiều ngôi mộ, cuối cùng tôi đã đứng trước khu mộ mới xây lại của ông bà ngoại và mẹ. Gió thổi vi vu làm cành ổi quệt vào má thấy gai gai, chân tay lành lạnh. Nước mắt tôi tự nhiên trào ra khi ba nén nhang nghi ngút khói được thắp lên: “Ông bà ơi! Mẹ ơi, hôm nay con về đây để xin tạ tội... Nếu con có lỗi lầm gì xin hãy thứ tha cho con...”. Đáp lại lời tôi là tiếng gió ầm ì từ khoảng không bất tận trước mặt thơm ngan ngát hương lúa. Phía sau lưng tôi, rừng phòng hộ tầng tầng lớp lớp bủa vây như đang xì xào bàn tán. Tôi lặng người đi trong niềm nhớ thương da diết và bao kỷ niệm ùa về giống như một thước phim quay chậm...
*
Mùa hè năm 1974.
Trên con đường đê bỏng rực dài hun hút, có hai mẹ con gồng gánh rất nặng đi về hướng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Càng về trưa, mặt trời xối xả như chiếc chảo lửa sôi sùng sục chiếu xuống mặt đường nhựa những tia nắng dữ dội. Người mẹ trạc ba mươi trông khỏe mạnh, còn đứa bé gái chừng bốn tuổi xinh xắn trong chiếc váy dù thêu hoa lon ton chạy đằng sau. Cả hai mẹ con mồ hôi nhễ nhại cắm cúi bước đi dáng chừng rất vội vã. Những căn nhà thưa thớt đã lùi lại sau, từ bây giờ họ phải đi xuyên qua rừng. Tiếng chim hoang dã gọi bầy nghe lúc gần lúc xa. Rừng tĩnh mịch mang hơi thở huyền bí. Dường như quá mệt, đứa bé đứng lại vừa thở vừa nói:
- Mẹ ơi! Sắp tới nhà ông bà trẻ chưa?
- Kia kìa, ở chỗ bụi tre ấy - Người mẹ giơ tay quệt mồ hôi trả lời - Con cố gắng lên một chút nhé.
Đường đi vắng tanh không một bóng người. Cây cối um tùm tràn ra cả lối đi, quệt vào mặt. Người mẹ tỏ ra lo lắng cao độ, luôn mồm giục con phải bám sát sau lưng. Đường mỗi lúc một khó đi, hết lên dốc lại xuống đèo, đất đỏ nhuộm bẩn gấu quần lụa đen của người mẹ. Chợt nghe có tiếng nước chảy róc rách của con suối đơn độc giữa rừng, đứa trẻ hét lên sung sướng nhưng mẹ nó đã quát: ‘Cẩn thận, có rắn độc’. Đứa trẻ tiu nghỉu như bánh đa gặp nước, mặt nhăn nhó nhìn mẹ. Hai mẹ con cứ mải miết đi không dám nghỉ một phút. Thời gian trôi qua vùn vụt, ông mặt trời đã khuất sau núi hừng lên một vừng hào quang rực rỡ. Vầng hào quang, đó lại được vầng mây trắng như tuyết khúc xạ hắt thẳng xuống bề mặt của rừng khiến màu xanh cố hữu chuyển thành màu tím ngắt mênh mang. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp kỳ vĩ nhưng hứa hẹn nhiều nguy hiểm rình rập. Đứa trẻ chợt đứng lại và nhất định không chịu đi nữa, mặc cho mẹ nó nài nỉ van xin. Nó phụng phịu nói:
- Mẹ lừa con, qua bao bụi tre mà chẳng thấy nhà ông bà đâu. Chắc là đầu óc mẹ có vấn đề rồi.
Người mẹ lăm lăm cầm chiếc đòn gánh hốt hoảng nhìn xung quanh rồi khẩn khoản:
- Con ơi! Đứng ở đây thật đáng sợ, con vì mẹ mà cố lên.
Đi được thêm một đoạn thì đứa bé kêu khát nước, nhìn bi tông nước cạn khô mà trán đứa bé nóng hầm hập như sốt, lòng người mẹ quặn thắt. Làm thế nào bây giờ khi nhìn trước ngó sau không một bóng người để nhờ giúp đỡ. Bóng tối như một bức mành khổng lồ sầm sập rơi xuống, bằng một sức mạnh phi thường người mẹ quẩy gánh lên vai còn tay trái quắp con rảo bước. Đi được khoảng vài trăm mét, đứa trẻ nóng hầm hập như lò than bên cạnh, chắc nó bị sốt rồi. Mắt người mẹ chợt mờ đi như có màn sương bao phủ rồi khuỵu xuống. Nhưng chị lại cố đứng lên đi tiếp thêm một đoạn lại gục xuống, bốn cái tải đựng quà để biếu ông bà, chú dì và các cháu trở thành tảng đá nặng nghìn cân. Mắt chị mờ đi bất lực buông xuôi cho số phận. Chị cố gắng chút lực tàn cuối cùng giống như ngọn nến chợt bùng lên trước khi tắt hẳn để cố thêm một đoạn nữa. Vào lúc tia sáng cuối cùng khép lại trong mắt thì một tia sáng của sự sống chợt bùng lên trong khoảnh khắc. Một ngọn khói bếp lẻ loi bốc lên từ ngôi nhà duy nhất nằm khiêm tốn bên vệ đường. Cả hai mẹ con được người đàn bà bán hàng nước giúp đỡ qua cơn nguy kịch. Sau khi ăn bát cháo gà nóng hổi và uống một cốc nước chanh, đứa bé đã hồi phục. Người mẹ cứ quỳ lậy cảm ơn rối rít nhưng chị chủ nhà đỡ dậy rồi nói:
- Đứng dậy đi em, đây đâu phải lần đầu tiên chị giúp đỡ khách đi đường! Em đừng cho là quan trọng.
Chị chủ nhà ngoài bốn mươi nhưng còn khá quyến rũ. Chồng chị đi B chỉ có hai mẹ con sống ở đây. Chị kể từ khi dọn ra đây có rất nhiều kẻ chòng ghẹo, nhưng chỉ sau một lần bị chị xỉ vả dậy cho một bài học thì những kẻ đó đều lặng lẽ rút lui, bởi đứng trước kẻ ác chị còn dũng mãnh hơn cả sư tử, thằng cha nào lơ mơ chị chém liền. Chính vì vậy không ai dám trêu ghẹo nên giữa rừng không mông quạnh mà chị vẫn bình yên vô sự. Con trai chị mới sáu tuổi nhưng tính cách rất mạnh mẽ; sẵn sàng bảo vệ mẹ khi cần.
Đêm đó thật vui khi chủ khách dốc bầu tâm sự, đứa bé khỏi ốm ngồi chuyện trò bi bô với anh con bà chủ, chốc chốc nó lại cười ré lên vui vẻ. Đến khuya đứa bé chợt lên cơn đau bụng, đòi mẹ đưa đi vệ sinh. Chị chủ nhà chỉ lên chiếc lều nằm chênh vênh trên quả đồi bên kia đường rồi dặn dò mẹ đứa trẻ kỹ lưỡng, như chưa yên tâm chị rút con dao phay dưới bếp đưa cho mẹ đứa trẻ để tự vệ nếu cần. Chị định đi theo nhưng con heo trong chuồng lên cơn đau đẻ, đành phải lật đật xuống bếp đun nước.
Đêm đã khuya, nhìn về phía đông một quầng sáng hiện lên rồi mặt trăng như cái nống tre từ từ nhô lên bồng bềnh giữa nền trời màu nõn chuối. Tiếng ếch nhái côn trùng rỉ rả khắp nơi... Hai mẹ con rẽ cây tìm lối đi. Sim tím thơm ngào ngạt vương vấn bước chân. Cuối cùng cả hai tới nhà vệ sinh được dựng bằng khung tre và quây tạm bợ bằng mấy mảnh vải dứa. Trăng sáng vằng vặc soi rọi vào mọi ngóc ngách. Có một vài tiếng động lạ bật lên rồi chìm vào hư không, cả hai mẹ con không hề hay biết có một con ác thú đói khát đang rình rập quanh đây. Gió sực mùi hôi. Chỉ nghe tiếng nhảy vọt đánh ‘sầm’, lá rụng cỏ cây xào xạc. Một mùi hôi thối gây gây xộc vào mũi. Người mẹ linh tính thấy việc chẳng lành, tay run run hé tấm vải dứa nhìn thì... Trời ơi, một con cọp lớn như trâu, mắt lồi trán trắng đứng đó. Con cọp có vẻ đói thịt, cào chân trước xuống đất. Người mẹ mồ hôi lạnh toát như tắm ôm chặt con gái vào người che chở. Hai mắt đỏ rực như hai hòn than của con cọp nhìn hau háu xuyên qua tấm vải mỏng, dường như nó muốn nói: “Hỡi mụ đàn bà! Mau nộp mạng cho ta”. Đứa bé sợ quá chợt khóc ré lên vì hoảng sợ nhưng mẹ nó đã vội vàng bịt mồm lại. Con cọp dữ có vẻ sốt ruột lồng lộn đi lại, xem ra nó có vẻ thành thạo trong việc bắt người, cả ba ngón nghề: vồ, cào, tát chắc hó hay sử dụng.
5 phút nặng nề trôi qua.
Con cọp gầm lên một tiếng như sét nổ sấm ran rung chuyển đồi núi.
Tiếng hoảng loạn của trái tim người mẹ.
Tiếng khóc tức tưởi của đứa trẻ.
Thời gian kéo dài như vô tận...
*
Người mẹ đã qua cơn sợ hãi trở nên bình tĩnh lạ thường, trong đầu chị văng vẳng câu nói “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” huống chi đây chỉ là con cọp nhãi nhép. Chị dù sao cũng là một cựu thanh niên xung phong mở đường thưòng xuyên đối mặt với nguy hiểm. Khẽ thì thầm vào tai con, chị nói: “Khi nào mẹ lao ra thì con phải chạy thật nhanh về nhà bác hàng nước nhé”. Dặn dò xong, chị cầm chắc con dao phay sáng loáng nghiến răng quyết tử với con cọp một phen. Chị lao ra ngoài như một mũi tên mồm gào lên... ‘giết’... Như chỉ chờ có thế, nhanh như cắt cái đuôi của con cọp dựng ngược cứng như gậy sắt khoanh tròn một vòng rồi quật xuống đánh ‘phịch’ và chồm tới tát mồi... Vào giây phút sinh tử chín phần chết một phần sống đó một điều kỳ điều đã xảy ra, tiếng gầm rú ầm ầm của động cờ ô tô chạy tới làm con cọp sững lại trong tích tắc, tưởng trời sụp xuống nó hốt hoảng quay đuôi cút thẳng vào rừng thông, cả hai mẹ con cùng chạy nhanh về ngôi nhà tranh bên kia đường thì suýt đâm phải chị chủ nhà đang vác bồ cào chạy lên đồi và cậu con trai thì vác chầy đá đằng sau hỗ trợ. Khi đã ngồi trong nhà cửa đóng then cài cẩn thận, người mẹ vẫn chưa hết kinh hãi nghe chị chủ nhà nói:
- Em à! Chị đang ngồi dưới bếp thì nghe tiếng hổ gầm, biết là có chuyện chẳng lành nên chị chạy lên giải thoát cho mẹ con em.
- Đa tạ chị, ơn cứu mạng này mẹ con em bao giờ mới trả được. Thế cái ô tô lúc nãy ở đâu ra thế.
- Đó là xe chở đá ở Vĩnh Thịnh đi lên đấy.
- Thật may cho em quá.
Đêm đó không ai ngủ được, gần sáng có một người đàn ông kêu là lỡ xe xin ngủ nhờ, nhưng chị chủ nhà không cho vì không biết đấy là người ngay hay kẻ gian. Hơn nữa nhà chỉ có đàn bà và trẻ con thì không tiện. Ngoài cửa có tiếng binh khí loảng xoảng, một lát có tiếng rì rầm to nhỏ khiến chủ và khách lo lắng. Một lúc sau đám người bỏ đi sau khi chửi đổng vài câu tục tĩu.
Tờ mờ sáng hôm sau, tiếng chim hót lảnh lót vang trời như đánh thức cả rừng cây đón chào ngày mới. Tiếng chim bay vào thinh không, lan tỏa xuống thung lũng, vang vọng trong không gian thơm ngát hương đất hương trời. Chị chủ nhà vác dao lên nhà vệ sinh kiểm tra thì thấy sim bị dẫm nát vô số, tấm vải dứa đã bị con cọp quay trở lại cào rách tơi tả. Chắc là bị sổng mất mồi nên nó cay cú. Cơm nước xong xuôi chủ khách quyến luyến chia tay hẹn ngày tái ngộ. Nhưng ngày đó không bao giờ có...
*
Đứa trẻ trong câu chuyện kể trên chính là tôi. Còn người mẹ trẻ đó là mẹ của tôi hiện đang nằm yên nghỉ trong khu mộ này. Mẹ ơi, thế là thấm thoắt đã hơn chục năm kể từ ngày mẹ ra đi bởi căn bệnh hiểm ác. Cả ba chị em con đều trưởng thành và đã xây dựng gia đình. Các cháu thì ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. Quê mình ông bà trẻ vẫn khỏe và mọi người vẫn nhắc tới mẹ luôn. Còn bố thì... không thay đổi mấy. Mẹ ơi con nhớ những lần theo mẹ đi gặt lúa, nhớ những chiều nắng nhẹ khói un lúa lép rẽ thành những nhánh ngoằn nghèo bay về trời. Bây giờ không còn ai đi gom lúa lép về nhà để un lấy tro bón ruộng và giữ nóng cho nồi cám heo bởi đã có bếp ga, bếp điện, bếp than tổ ong. Miền quê dẫu có nhiều thay đổi nhưng khói un lúa lép vẫn còn đó với bao lo toan, vui buồn của người nông dân sau mùa gặt. Con đường rừng khi xưa mẹ con mình gặp nạn bây giờ đông vui sầm uất lắm, hổ báo chỉ còn trong huyền thoại mà thôi, cả hai mẹ con bác bán nước cứu mạng mẹ con mình đều đã mất vì bệnh dịch. Còn chồng bác ấy thì đã hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên. Bây giờ qua đó chỉ còn ba nấm mồ thôi mẹ ạ. Lần nào về quê con cũng mua hoa quả thắp hương cho cả nhà bác ấy, thôi mẹ cũng, đừng buồn mẹ nhé.
Mẹ có biết mới đây thành nhà Hồ đã được UNECO công nhận là di sản văn hóa thế giới, huyện Vĩnh Lộc mình trở thành trung tâm du lịch thu hút nhiều khách nước ngoài đến. Mẹ ơi! Chắc ở dưới suối vàng mẹ cũng ngậm cười!
Tôi thắp thêm một tuần hương nữa để tạ tội với mẹ, bởi đã có lúc tôi làm mẹ đau lòng héo ruột héo gan. Tôi quỳ xuống lạy mẹ và ông bà ba lần xin hãy phú hộ cho tôi và các cháu mạnh khỏe, thành đạt trong tương lai. Buổi chiều, tôi lang thang xuống chợ Bòng la cà vào hàng bún riêu và xơi... gần hết rổ rau sống. Khi đã no nê tôi ra sông Mã chơi với mấy đứa trẻ con. Nước sông trong văn vắt nhìn rõ những viên sỏi trong suốt như pha lê soi mình làm dáng. Suốt chiều dài ven sông là cánh đồng ngô bát ngát rì rào trong tiếng gió vi vu mang hơi thở mùa xuân. Dòng sông uốn khúc vẫn miệt mài chảy ra biển như không hay biết nỗi lòng của con hướng về mẹ.
Tôi ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn về phía Vĩnh Lộc, có một luồng sáng rực lên tỏa ánh lung linh huyền ảo. Bóng chiếc cầu mới xây bắc qua sông Mã sừng sững như một pháo đài kiên cố. Một cơn lốc xoáy từ đâu ào tới mang đầy xác hoa sim tạo thành cơn mưa sim tím rơi đầy mặt sông... Có một dáng người cao gầy mảnh khảnh trong chiếc áo dài màu trắng đang sải bước trên cầu. Cánh hoa dâng ngập bắp chân nhưng bà vẫn mải mải miết đi về nơi xa tít... Xa mãi...
Có phải mẹ đấy không? Mẹ ơi!
KÌNH ƠI
Truyện ngắn Trịnh Duy Sơn
Đã gần hai chục năm tôi mới lại ra Bắc bằng tàu hỏa. Tôi muốn làm một chuyến rong ruổi xem đất nước đổi thay đến chừng nào. Bên cạnh đó tôi còn một việc hệ trọng chưa làm được nên cứ canh cánh bên lòng, ấy là xác nhận phần mộ cho Kình. Hơn nữa, Nhà nước lại sắp phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà cụ thân sinh anh Kình chỉ có Kình là con trai độc nhất, chưa vợ con. Cụ đã mất dăm năm nay, không biết chỗ đất cụ ở, có ai thừa tự và nhang khói? Địa phương có đưa vào danh sách đề nghị phong tặng đợt đầu hay còn trục trặc chỗ nào về thủ tục...
Ngày ở cùng đơn vị, Kình khoe tôi "Mày mà về quê tao, loại con gái khoèo chân hở rốn cũng làm mày nghiêng ngả". Tôi biết Kình nói thật. Chè Thái, Gái Tuyên, câu phương ngôn ấy những anh lính trẻ như tụi tôi hồi ở Bắc đều đã được nghe. So với anh em trong tiểu đội thì Kình thuộc loại trình độ văn hóa cao. Kình lại điển trai, ăn nói lưu loát, chăm chỉ nên đơn vị đóng quân ở đâu Kình cũng sớm được nhiều người nhất là các mẹ, đám thanh niên nam nữ và các cháu thiếu nhi biết tới nhiều nhất. Cứ mổi buổi sớm sau khi tập thể dục là Kình vớ chiếc chổi rơm hoặc chổi tre quét la liệt từ trong nhà, ngoài sân, có khi quét ra tận đoạn đường làng. Nhiều người mẹ, người chị giật lấy chổi vì thương Kình vất vả. Cậu ta cười tếu táo "Để em tập thể dục".
Chiều đến, sau mỗi buổi tập, Kình dẫn bọn thanh niên choai choai ra mấy thửa ruộng đầu làng đá bóng. Khi mồ hôi tóa ra, cậu ta lại hùa bọn thanh niên nhảy thùm thùm xuống cái hồ nước nông choèn, bơi lội như vịt, la hét ầm ĩ.
Mới về đóng quân ở làng Cờ có hơn một tuần mà đây đó tôi đã nghe thấy những lời các mẹ, các chị nắc nỏm khen cậu ta: "Cái chú Kình ấy vui tính, trai chưa vợ mà chịu khó ra phết"; Đám thanh niên, nhất là mấy cô thôn nữ thì luôn mồm "Anh Kình, tối thứ bảy chép cho em "Bài ca hy vọng" nhé; Anh Kình ơi, dạy bọn em bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây đi?! Tụi con nít truyền nhau "Chú Kình giỏi võ lắm tụi bây ơi!"…
Nhưng rồi xảy ra một chuyện dở cười dở khóc. Một buổi tối sau khi đi sinh hoạt đơn vị về, Kình ra bãi tranh thủ dạy võ cho tụi trẻ con gần cả tiếng đồng hồ. Về tới nhà cậu ta vội vơ chiếc quần cộc chạy ra giếng tắm. Giữa lúc toàn thân đang nóng ran vì ngứa ngáy thì cậu ta lại phát hiện ở trong buồng tắm có người đang té nước bì bõm. Đoán là có anh nào rành nhà tắm trước mình. Chẳng cần suy nghĩ gì thêm, cậu ta vạch đám lá mía thưng buồng tắm rồi xả "vòi rồng" vào. Bỗng nghe tiếng cô Toàn, con gái chủ nhà kêu toáng lên: "Trời ơi! ai đổ nước nóng vào lưng em". Kình hoảng hồn biết mình đùa nhầm chỗ. Sự việc loang ra. Kình vò đầu bứt tai hết lời phân bua
-Tôi tưởng đồng chí nào trong tiểu đội về tắm trước nên mới làm vậy…
Cả tiểu đội và gia đình chủ nhà đều biết tính Kình, nhất là cô Toàn. Cô và mọi người đều hiểu nên thương và cảm thông với nỗi oan "Thị Kính" của cậu ta, nhờ đó Kình chỉ bị khiển trách trước đơn vị..
Rồi đơn vị hành quân sang Lào chiến đấu. Kình là gã trai to cao và khỏe như vâm. Ngoài nòng pháo cối 82 ly và cái máy ngắm nặng 20 kg, cậu ta còn đeo ba lô con cóc to bè với hàng chục loại tư trang và thắt quanh người một dây da lỉnh kỉnh những lựu đạn, túi thuốc, túi cơm vắt, dao găm, bình tông nước và một bao "ruột tượng" gạo vắt qua nắp ba lô. Nhiều khi phải hành quân qua những đỉnh núi cao hàng nghìn mét, đi nửa ngày mới lên tới đỉnh núi nhưng cứ mỗi lần đến chỗ giải lao, cậu ta lại để nòng pháo và tư trang sang bên đường rồi quay xuống đón số anh em "tụt hậu".
Một buổi sáng, chúng tôi hành quân tới dốc o Hòa. Gọi là dốc o Hòa vì mùa khô năm ngoái có một đoàn thanh niên xung phong tải gạo qua dốc này, trời thì nắng dốc lại vừa dài vừa cao. o Hòa gùi tới hơn nửa tạ gạo leo dốc, tới đỉnh dốc vì mệt và kiệt sức nên o đã hy sinh và đựợc đồng đội chôn o ở đây. Và đã thành lệ, sau này các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công nào qua đây cũng nghỉ lại ít phút, kiếm những bông hoa rừng đẹp nhất cắm lên mộ o Hòa.
Chúng tôi vừa lên tới đỉnh dốc, đặt ba lô xuống nghỉ thì đoàn dân công hỏa tuyến của Nghệ An cũng vừa đến. Đoàn chỉ có mấy bác trung niên, còn lại toàn là những cô gái mười tám, đôi mươi. Vì leo dốc, trời nắng nên mặt cô nào cũng ửng như trái hồng chín, đôi mắt long lanh. Bộ đội, dân công gặp nhau, người nào cũng cảm thấy khoan khoái, phấn chấn. Đang vui thì Kình hộ pháp, đeo hộp đựng ống kính máy ngắm đến vỗ vai mấy bác trung niên, trịnh trọng:
- Thưa các bác, đoàn chúng tôi là đoàn Nhà báo và quay phim chiến trường. Đề nghị bác cho các cô gái gùi gạo leo lại dốc để chúng tôi quay phim.
Được đề nghị dựng cảnh để quay phim, mấy ông già khoái chí liền giục các cô gái: Nào mấy o, mau lên! Mau lên để các anh ấy còn ghi hình. Mấy khi có dịp được đưa hình ảnh mình vào phim đem về chiếu cho cả nước xem chứ.
Các cô gái cũng tưởng thật, mau lẹ gùi lại hàng lên vai, đi xuống dốc một đoạn rồi lại leo lên để anh chàng Kình "quay phim". Các cô vì thẹn thùng nên cứ cúi gục xuống. Anh chàng Kình vừa làm bộ ngắm ống kính, bấm bấm như chụp ảnh vừa la:
- Các cô ngẩng mặt lên, đi lẹ lên, được, được rồi...
Chúng tôi đang mệt nhưng chứng kiến cảnh đó cứ bò lăn ra cười đến đau cả bụng. Hết trò "quay phim", nhưng Kình nào đã buông tha các cô gái. Nhân có đàn bò của đồng bào dân tộc ăn cỏ ở gần đó, cậu ta đưa ống kính máy ngắm chĩa vào đàn bò rồi la lên:
- Trời ơi! Bò ăn gì mà bụng nhiều sán quá - rồi cậu ta vẫy tay gọi chúng tôi - Các cậu ơi! Ra đây mà xem, dạ dày con bò này có cả giun đũa nữa. Nhìn hết đàn bò cậu ta lại quay máy ngắm sang nhìn các cô gái đang tỏ vẻ ngạc nhiên và thầm phục anh bộ đội có cái máy "quay phim" nhìn thấu qua bụng bò. Khi thấy cậu ta quay máy ngắm vào mình, các cô gái vội ngồi xụp xuống, lấy nón che và kêu toáng lên. Chúng tôi lại được mẻ cười đến đứt ruột.
Sau buổi "quay phim" trên đỉnh dốc o Hòa, Kình lại nhận được "bản án" thứ hai "khiển trách" vì có hành động ác và không đứng đắn với phụ nữ.
Chúng tôi hành quân tiếp hơn một tháng nữa thì đến dịp Tết Nguyên Đán năm 1969. Bọn địch đã "đánh hơi” được Sư đoàn chúng tôi đang hành quân vào chiến trường để mở chiến dịch mùa khô. Chúng thả rất nhiều các loại bom đào, bom phạt, bom bi, bom xăng nhằm "triệt tiêu Việt Cộng" và phạt quang rừng già. Chỉ còn sáu ngày nữa là tới Tết mà Đại đội tôi bị bom hy sinh mất bốn đồng chí. Đơn vị chưa trực tiếp chiến đấu mà đã có người hy sinh, hỏi còn gì buồn hơn. Mặc dù vậy nhưng cấp trên vẫn chỉ thị cho chúng tôi phải chuẩn bị ăn một cái Tết ở cửa ngõ chiến trường sao cho vui vẻ và luôn giữ được tinh thần lạc quan cách mạng.
Được nghỉ hai ngày trước Tết, chúng tôi chặt cây làm bàn thờ, kiếm trái cây và các loại hoa rừng về bày. Có anh em còn xé giấy ở sổ tay để viết thơ, làm câu đối dán lên những cây nêu tự chế. Nhiều anh em sục cả vào các bản người dân tộc xin hoa đào, hoa mận, hoa chăm-pa, chuối, cam, đu đủ.
Riêng Kình lại trang trí kiểu khác. Ngoài bàn thờ của Tiểu đội, cậu ta còn lập một bàn thờ riêng ở gần giá ba lô. Cậu ta xin đâu được ít cám cho vào cái ống bơ thịt hộp rồi cắm lên mấy cành hoa Chăm-pa và mấy cành lá rừng. Bên cạnh đó cậu ta bày một "mâm quả" toàn là khế rừng và quả vả chát sít. Cậu ta lý giải với mọi người rằng:
- Tiểu đội mới có người hy sinh thì phải "chua chát" và “cám cảnh” chứ ngọt thơm sao được.
Chỉ có vậy thôi mà Tiểu đội tôi phải họp đi họp lại kiểm điểm Kình. Kình bị quy tội "Có tư tưởng bi quan, sa sút ý chí chiến đấu". Kình cãi, còn chúng tôi thì lấy thế đa số chụp mũ cho cậu ta. Cuối cùng Kình thản nhiên: Được rồi! Cứ vào chiến trường thì rõ "mèo nào thắng mỉu nào".
Vào chiến trường chúng tôi, những anh lính mười chín đôi mươi phải đương đầu với bao gian khổ, ác liệt lại đói đến hoa cả mắt, run rẩy chân tay không còn muốn bước đi nữa. Đã thế, tỷ lệ sốt rét ngày một cao, ngày nào cũng có người lên cơn sốt. Thỉnh thoảng lại có anh chết vì sốt rét ác tính. Càng những anh khỏe mạnh, to con lại sốt trước, sốt nặng, sốt dai. Người đang to béo, khỏe như trâu rừng, một vài cơn sốt nó hành, bỗng mặt mũi, chân tay tóp lại, nước da xám xịt, mắt đờ đẫn, dáng đi liêu xiêu. Kình là một trong những tay bị sốt rét nhiều nhất. Những lúc tỉnh, cậu ta luôn mồm kêu đói và thèm của chua. Sốt rét gần chết, nhưng khi cắt cơn sốt cậu ta lại giở tấm ảnh của một cô gái chừng mười chín, hai mươi tuổi, có đôi mắt như làn nước biển, khoe với mọi người: "Các cậu coi có được không ?". Chúng tôi xúm lại khen, hỏi tên nhưng Kình bảo bí mật. Sau này hòa bình về sẽ làm đám cưới, sẽ mời cả tiểu đội về cùng dự, lúc đó anh em sẽ biết tên cô dâu. Chúng tôi hiểu Kình muốn giữ điều bí mật ấy cho riêng mình.
"Đói bụng thì đầu gối phải bò". Tôi và Kình bỏ tư trang ra, đeo chiếc ba lô không, lần vào một bản bị bom đánh tàn phá, dân bản đã bỏ đi hết từ bao giờ. Tìm mãi chẳng có thứ gì ăn được, chúng tôi đành ra vườn, trèo lên cây đu đủ vặt được mấy quả non, to bàng nắm tay. Chao ôi! Đói mà ăn đu đủ xanh thì không khác nào tự sát. Ruột gan cồn lên đau đến tưởng chết tại gốc cây không còn bò được về đơn vị nữa. May sao chúng tôi lần ra được vườn mía đã bị chặt hết những cây to, chỉ còn lại những cây non mới có vài gióng. Vậy là cũng sáng mắt lại rồi. Vừa ăn mía tôi vừa quan sát thấy một đám đất mới được đùn lên.
- A, tổ chuột Kình ơi!
- Để yên đấy, vào nhà dân tìm cái cuốc mau!
Khi tìm được cuốc ra rồi, nhìn đám đất chuột đùn to tướng ở gần bụi cây, tôi ái ngại:
- Nó đùn ra nhiều đất thế này chắc là hang sâu lắm, đào làm sao được. Hơn nữa liệu nó còn ở trong hang không? Hoặc có chuột mà đào, thấy động nó cũng chạy mất.
- Cậu chưa đào đã nản chí, cậu ra canh để tớ đào.
Kinh cầm cuốc đào hùng hục một thôi dài, phá tan cả bụi cây gai rậm rạp. Tôi thay Kình đào được mươi phút đã mệt nhoài. Kình động viên:
- Bây giờ gần tới nơi rồi, cậu chịu khó đào thêm để nó chạy ra thì tớ vồ.
Tôi mệt quá đành nói bừa:
- Cậu đào đi, nếu nó có chạy ra tớ nhất định sẽ chộp được.
Kình vừa cầm cuốc, cuốc được mấy nhát thì con chuột to bằng cổ chân chui ra khỏi hang, nhảy chồm chồm qua mặt tôi, rúc vào bụi cây rậm rạp. Kình quẳng vội cây cuốc, chạy đuổi theo con chuột không được liền dồn hết bực tức vào tôi:
- Tao đã bảo phải cẩn thận mà mày chậm chạp quá!
Như người kiệt sức, Kình ngã ngồi xuống, thở dốc. Tôi vừa đau, vừa nuối tiếc, vừa ân hận…
Trong một trận tấn công vào đồn Bàn Na, khẩu đội pháo cối của chúng tôi được lệnh nã cấp tập vào đồn địch để yểm trợ cho bộ binh xung phong. Nhưng vừa phát hỏa được năm phút thì các trận địa pháo của địch ở phía trước liền nhả đạn vào chúng tôi như mưa. Trước trận bão đạn của địch, chúng tôi được lệnh tạm rút vào hầm trú ẩn. Bộ binh ta đang xung phong, rút là thế nào ?! Kình quát lên rồi bất chấp nguy hiểm, một mình vừa ngắm qua ống kính, vừa thao tác pháo, vừa bỏ đạn vào nòng. Chỉ với một khẩu pháo nhưng Kình đã kịp vùi đầu bọn địch ở đồn Bản Na, tạo thuận lợi cho bộ binh xung phong. Bất ngờ, sau một tiếng nổ chát chúa của đạn pháo địch, Kình ngã đánh huỵch xuống chân khẩu pháo. Tôi và mấy người bạn vội kéo Kình vào hầm. Máu từ đầu Kình tuôn ra ướt đẫm áo quần tôi. Chúng tôi vội quấn băng cho Kình nhưng không kịp. Khi vòng băng cuối cùng nhuộm đỏ máu như màu cờ cũng là lúc Kình trút hơi thở cuối cùng.
Tôi rút từ trong túi áo ngực của Kình ra một phong thư đã nhàu nát và một tấm ảnh bé xíu. Sau tấm ảnh có đề mấy chữ: "Nhớ đừng quên em" - Trần Thị Thu Hằng - Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Ba mươi tư năm đã trôi qua, hình ảnh Kình đẫm máu nằm trên cánh tay tôi và tấm ảnh người con gái bạn Kình có đôi mắt long lanh vẫn không phai mờ trong ký ức của tôi. Kình hy sinh, cả đơn vị tôi lặng trong nỗi đau cùng nỗi ân hận. Những kỷ niệm cũ sống lại. Chúng tôi nhớ về những trò nghịch ngợm của Kình và cả về những lần đơn vị ngồi họp kiểm điểm Kình. Vào chiến trừơng sẽ rõ mèo nào thắng mẻo nào. Kình đã nói vậy và đã chứng tỏ được mình. Trong khi nhiều người trong chúng tôi rút vào hầm thì mình anh vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bắn yểm trợ cho bộ binh xung phong. Anh đã sống đúng với tư cách cần thiết nhất của người lính: Không bỏ nhiệm vụ, bám trận địa đến cùng, sẵn sàng hy sinh cho chiến thắng chung. Tôi cảm thấy day dứt ân hận vì nhiều khi đã không hiểu hết Kình.
Chuyện của tôi và Kình là như vậy. Giá bây giờ Kình còn, có khi đã có cháu gọi bằng ông. Người nằm xuống dẫu sao cũng đã yên phận, nhưng với bà cụ thân sinh ra anh, chúng tôi phải cho chu đáo, đầy đủ và có trách nhiệm làm sao để người chết thỏa vong linh, xã hội và các thế hệ sau không bao giờ được quên những người đã vì Tổ quốc mà hy sinh trọn vẹn.
Còn Trần Thị Thu Hằng bây giờ ở đâu, sống thế nào? Cô ấy có hạnh phúc không? Mối tình đầu với Kình còn đọng lại được những gì?...
Không hiểu tại sao, dẫu biết đáy bể mò kim tôi cứ cầu mong sẽ có một ngày nào đó tình cờ gặp được Thu Hằng. Tôi quyết định ngồi tàu hỏa vài ba ngày cũng là hy vọng thế… Biết đâu trong muôn vàn gương mặt khả ái và nhân hậu của các bà, các chị mà tôi gặp trên tàu, dưới sân ga… lại chả có Thu Hằng? Và khi ấy, tôi sẽ kể cho cô nghe về Kình, về người yêu cô, người đồng đội của tôi mà tin rằng mãi mãi về sau tôi không bao giờ quên.
DUYÊN CÂY
Truyện ngắn của Trần Văn Quý
Lúc nông nhàn, sáng, sáng, Hương lại lai lỉnh kỉnh các loại thúng to, nhỏ lồng vào nhau, vài bốn bao tải đựng các loại gạo khác nhau ra chợ ở đầu thành phố bán kiếm dăm ba đồng lãi phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi con lợn, con gà để cải thiện kinh tế.
Đến chợ Hương dựa xe gạo vào cạnh tường nhà cụ Hoàng cạnh dãy hàng gạo. Sau khi hạ các bao tải gạo và các "phương tiện" phục vụ việc bán gạo xuống khoảng đất là chỗ bán gạo quen thuộc của mình. Cô gỡ chiếc nón đang đội trên đầu, treo quai nón bằng dải lụa màu tím Huế lên một cành cây Sanh của cụ Hoàng trồng trong chậu, trên sân nhà, cành Sanh này vươn qua đường toả bóng mát rượi xuống đúng chỗ Hương ngồi. Thấy thế cô bán hang bên cạnh trêu khéo:
- Cái Hương sướng nhất dãy hàng gạo, được ngồi dưới tán cây mát rượi.
Hương thầm nghĩ: “ừ mà sướng thật, mọi người dãy bán gạo phải đội nón sùm sụp, còn chỗ Hương ngồi được bóng cây Sanh toả mát cả chỗ cô ngồi, lẫn dãy bao gạo, thúng gạo, mát cả chỗ khách đến ngồi xem gạo, mua gạo”. Hình như bóng mát của cây, nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt trái xoan với đôi môi cắn chỉ của cô với các đường cong mềm mại, dưới tà áo bà ba màu gụ đã thu hút bao ánh mắt nhìn… phải chăng đây cũng là lợi thế kéo theo nhiều người đến xem gạo, mua gạo của cô.
Nhiều người bảo cô có duyên bán hàng. Cô thầm nghĩ duyên thì duyên thật nhưng cũng phải có tấm lòng. Cô luôn ghi nhớ lời mẹ dặn: "Bán đấu thóc, đấu gạo phải đầy đặn, thật thà, không tội chết". Mỗi lần đong gạo bán cho khách cô không để ngón tay chạm vào lòng đầu để khỏi chiếm diện tích chứa gạo. Không như một số bà bán gạo, khi cầm đấu đong gạo cho khách thì cho cả ngón tay cái, thậm chí nửa mu bàn tay vào lòng đấu, nên khi đong gạo cho khách, nhìn thì đầy có ngọn, nhưng non nửa đấu gạo là ngón tay và mu bàn tay của người bán. Có người lợi dụng khách mua nhiều, không để ý liền xoay ngược chôn đấu, vục xuống rồi vung lên đổ cho khách, hạt gạo bay tung toé, nhìn thì đầy có ngọn nhưng mà đầy chôn đấu, chứ không phải đầy đấu gạo. Cứ dăm chục đấu mà đổ "trộm" được dăm đấu như vậy là lãi to rồi. "Tuyệt chiêu" vục đấu gạo kiểu này ngang với "chiêu" bán cá con của một số người bán cá con ven sông Luộc, "con này tốt bốn mốt, bốn hai, hẹn bác đến ngày mai, sáu hai, sáu ba"...
Vãn khách, Hương và nhà cụ Hoàng xin ngụm nước. Sân nhà cụ có mấy dãy cây cảnh rất đẹp mắt, thấy Hương chăm chú nhìn cây Sanh toả bóng mát cho cô, cụ Hoàng giới thiệu:
- Cây là cây xanh già quý nhất của ông, nhựa cây có màu hồng, thấy cháu và mọi người thích bóng mát của nó, ông chỉ sửa tán phía trong sân cho gọn, còn giành cành, tán phía ngoài cho mọi người hưởng bóng mát.
Thấy cụ tốt bụng thỉnh thoảng Hương biếu gia đình cụ lúc mớ rau, lúc nải chuối trong vườn nhà trồng được. Những lúc rắc phân lân cho lúa và cây cối trong vườn Hương lại bớt lại một phần mang theo ra chợ, xin phép cụ Hoàng rắc cho cây sanh già và mấy cây cảnh xung quanh. Cụ Hoàng thấy vậy ra chiều cảm động lắm.
Một hôm cụ Hoàng bảo Hương:
- Nhờ cháu treo nón trên cành cây mà nắng tháng sáu vừa qua gốc cây không bị cháy nắng như những cây khác, hàng mấy chục năm mới có đợt nắng ác như vậy. Cụ chép miệng.
Nghe cụ nói, Hương thấy vui vui, cô và cây Sanh già hình như có duyên với nhau, cùng giúp nhau tránh được cái nắng mùa hè. Mỗi lần đến chợ treo nón lên cây, rồi lấy nón đội đầu khi tan chợ cô lại ngắm nhìn kỹ cây Sanh, mọi mệt mỏi hình như tan biến hết.
Dưới bóng mát của cây Sanh già, việc bán gạo của Hương gặp nhiều thuận lợi, số người đến mua gạo tăng lên, tiếng lành đồn xa, một số bếp tập thể của các trường họ bán trú, các cơ quan, nhà máy... xin địa chỉ và đến nhà mua gạo của Hương vào các buổi chiều. Hương sắm cả cân bàn to để bán ở nhà, cân nhỏ để bán gạo ở chợ. Trước khi sử dụng, Hương mang hai loại cân trên đến Cục đo lường của tỉnh, điều chỉnh thật chính xác. Không như một số người dùng thủ thuật như gắn thêm miếng nam châm vào đáy quả cân. Thậm chí còn thuê thợ làm cán cân rỗng giữa, cho thủy ngân vào rồi hàn lại, khi kéo quả cân đến đâu, giọt thủy ngân chạy theo đến đấy. Khi cân nhìn thấy đủ nhưng mỗi cân gạo chỉ ăn tám, chín lạng. Giữ được chữ tín, tính tình sởi lởi, số lượng gạo của Hương tiêu thụ ngày càng nhiều, Hương bàn với chồng mua một máy xay xát bằng nguồn vốn giúp nhau làm kinh tế của hội phụ nữ, vừa tạo việc làm, phục vụ nhu cầu của khách, vừa tận dụng cám, trấu phục vụ chăn nuôi, sản xuất, Hương thầm cảm ơn cây Sanh già cho cô bóng mát, cảm ơn sự quan tâm của gia đình cụ Hoàng với cô hàng xáo như cô.
Một buổi sáng khi đang bán gạo, Hương thấy mấy người đang nhìn ngắm, bàn tán dãy cây cảnh nhà cụ Hoàng. Mọi người đặc biệt thích cây Sanh già đang toả bóng trên đầu Hương. Một người nói:
- Đây là cây Sanh cổ, thuộc dòng Sanh Nam Điền, đạt đủ tiêu chí: cổ, kỳ, mĩ.
Mọi người vào trong nhà nói chuyện với cụ Hoàng một lúc rồi đi. Đợi mọi người đi khỏi, Hương vào nhà để hỏi cụ Hoàng về việc liên quan đến cây Sanh già mà cô nghe câu được, câu chăng. Cụ Hoàng buồn rầu nói:
- Mọi người muốn mua cây Sanh gia đình định bán lấy tiền sửa nhà. Bán đi cũng tiếc lắm vì nó gắn bó với gia đình tôi lâu lắm rồi, từ hồi bố mẹ tôi còn cơ. Nhưng không bán thì không có tiền để sửa chữa cái nhà dột nát này!
Nghe cụ nói vậy, Hương thầm nghĩ: "Chả phải cây Sanh được gia đình chăm sóc lâu ngày mới tiếc, Hương mới ngồi dưới bóng mát của nó có vài năm mà nghe chuyện cây phải bán cũng thấy hụt hẫng".
Sáng hôm đó Hương buồn bã, ngồi thừ ra như sắp phải xa một thứ gì quý giá vậy. Lúc tan chợ Hương vào nhà hỏi chuyện cụ Hoàng:
- Cụ định bán cây Sanh già này bao nhiêu ạ?
Thấy câu hỏi của Hương có vẻ đột ngột, cụ thấy hơi lạ, nhưng vẫn trả lời:
- Cháu bán gạo thì hỏi giá Sanh làm gì. Nhưng ông cũng không giấu, riêng cây Sanh già này họ trả hai mươi triệu đồng!
Ra về Hương suy nghĩ mông lung, làm thế nào để giữ được cây Sanh này nhỉ. Hay là mình xin cụ bán cho mình. Nhưng lấy đâu ra hai mươi triệu, hơn nữa nghe cụ nói "Cháu bán gạo thì hỏi giá Sanh làm gì", Hương lại gạt ý nghĩ ấy đi. Đêm xuống, trong giấc ngủ, hình ảnh cây Sanh già cứ hiện lên rồi hình ảnh một nhóm người dùng móc sắt, dây cáp cẩu cây Sanh già lên xe ô tô, trước đó một người thẳng tay chặt đứt cành Sanh thường ngày vẫn toả bóng mát chỗ Hương ngồi, chỗ bị chặt chảy ra một dòng nhựa màu hồng như máu, các cành lá run rẩy như van xin cầu cứu, như vẫy gọi Hương hãy cứu lấy cây Sanh. Hương hét to "Không được chặt..." rồi tỉnh cơn mê, người ướt đẫm mồ hôi. Hương nghĩ chỉ có mua được cây Sanh này mới cứu nó khỏi đám người vũ phu kia. Hương suy nghĩ mông lung lắm, cuối cùng hạ quyết tâm phải mua bằng được cây Sanh, cô nhẩm tính với số vàng bố mẹ cho khi lấy chồng cùng số tiền tích cóp được cũng được một nửa. Còn thiếu một nửa sẽ tính tiếp. Nghĩ rồi cô thấy yên tâm nên ngủ thiếp đi.
Biết cụ Hoàng ngại bán cây Sanh cho cô hàng xáo, chiều hôm đó Hương nhờ bố chồng ra xem và đặt vấn đề mua cây Sanh nhà cụ Hoàng. Xem xong ông bảo:
- Cây này thuộc loại cây quý đây. Nhưng con lấy gì mà mua. À mà con đã bàn với chồng con chưa?
Hương ấp úng.
- Bố biết về cây cảnh, con nhờ bố xem hộ con, nếu mua được, bố đặt vấn đề với cụ Hoàng để cụ bán cho gia đình mình, con sẽ đặt cọc để cụ khỏi bán cho cái bọn mua cây hôm nọ. Con sẽ bàn với nhà con.
Nể con dâu tần tảo, lại thấy Hương quyết tâm. Mặt khác, cây này về nhà ông thì sẽ nhất vùng, ông đồng ý đặt vấn đề và khi được bạn già hiểu và mua cây quý thì còn gì bằng, cụ Hoàng đồng ý. Hương đặt cọc năm triệu để giữ cây. Cụ Hoàng đã nhận, Hương thấy cũng nhẹ cả người, phấn khởi đưa bố chồng về nhà.
Bữa cơm tối xong Hương mời bố chồng, chồng uống nước và trình bày việc mua cây Sanh, chồng Hương nghe thấy vậy như không tin vào tai mình, giãy nảy nói:
- Em liều thật đấy, đàn bà con gái biết gì về cây cảnh mà rước về, hơn nữa tiền đâu mà mua!
Xem ra con trai ông không đồng tình với việc mua cây, ông bố thấy vậy nói:
- Bố xem rồi, cây Sanh này thuộc loại Sanh cổ, quý hiếm đấy, mua được càng tốt. Có điều các con tính toán xem vì số tiền hai mươi triệu không phải là nhỏ.
Câu nói của bố chồng như tiếp thêm động lực, Hương nói tiếp:
- Em gắn bó với cây Sanh này, nhờ nó mà em buôn bán thuận lợi, nó có vía tốt, có duyên với em anh ạ. Em tính bán vàng, rút ít tiền tiết kiệm do dành dụm được khi bán gạo, còn thiếu em xin bán đi hai tấn thóc, chỉ giữ lại nửa tấn đủ ăn đến vụ gặt tới. Thiếu tiền chi tiêu em cố gắng buôn bán và vay tạm ông bà ngoại. Có duyên làm ăn, em tin sẽ trang trải được anh ạ.
Nghe vậy chồng Hương giãy nảy:
Cả nhà trông vào vài tấn thóc ấy đấy, đám khóc, đám cười nào cũng phải trông vào thúng thóc. Bây giờ bán hết thì lấy gì chi tiêu.
Nghe chồng nói vậy, Hương định buông xuôi, nhưng đêm ấy lại mơ thấy cảnh cây Sanh bị chặt cành ứa nhựa đỏ như máu, lá xanh rũ rượi như vẫy gọi Hương cứu chúng. Đêm nào cũng tái diễn như vậy, Hương cảm thấy buồn bỏ ăn, bỏ uống. Mới mấy tuần trước đang khỏe mạnh, duyên dáng như vậy mà nay gầy giộc đi, mắt như thất thần, không muốn làm ăn gì. Một số khách hàng mua gạo thấy cô không tập trung vào việc bán gạo, đong gạo lẫn loại nọ và loại kia, họ lẳng lặng đi mua hàng khác. Thương vợ chồng Hương đành xuống nước:
- Thôi trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời. Tuỳ em vậy, nhưng phải duy trì cuộc sống cho gia đình tạm ổn, các con còn có sức để học hành. Như người chết vớ được cọc, Hương đáp:
- Cảm ơn anh, em sẽ cố gắng buôn bán, tăng gia sản xuất để ổn định kinh tế gia đình. Em sẽ nhờ bên ngoại một phần anh ạ!
Hương sang nhà bố mẹ để trình bày việc cô muốn nhờ vả, bố mẹ Hương thấy con gái có vẻ phiêu lưu, nhưng gàn không được đành để cô làm theo ý mình, nhưng trong thâm tâm thì lo lắng không khéo nó làm ăn thất bát, ông bà mang tiếng với gia đình thông gia là không biết khuyên bảo con gái. Bố mẹ hương chỉ biết thở dài. Nghĩ vậy, bố mẹ Hương vẫn chuẩn bị tinh thần giúp đỡ con gái.
Được chồng và gia đình bất đắc dĩ đồng ý, Hương bán vàng, thóc, rút tiết kiệm mang đủ hai mươi triệu ra nhà cụ Hoàng mua cây Sanh già. Hôm nay cũng tốt ngày, Hương nhờ bố thuê đội chuyển cây chuyên nghiệp ra chuyển cây giúp. Cụ Hoàng sau khi nhận đủ tiền bán cây, còn ra lộc cho Hương hai triệu để lấy may. Đồng thời cụ điện cho người mua cây đợt trước về việc cụ đã bán cây để khỏi phải đến nữa mất công.
Cây Sanh già được chuyển về đặt giữa sân làm tôn cả khuôn viên nhà Hương. Nhiều người qua cửa nhìn vào khen cây đẹp. Nhiều nghệ nhân sinh vật cảnh đánh giá.
- Đây là cây Sanh cổ, rất quý, đạt đủ các tiêu chí cây cảnh nghệ thuật: Da mốc, rễ kiểng, gốc bồ, ngọn chỉ, sẹo liền, cành ngoan, đúng là một cây Sanh đạt tiêu chí cổ, kỳ, mĩ. Theo thị trường hiện nay cây Sánh này có giá trị gấp rưỡi giá mua.
Nghe người trong giới chơi cây cảnh bình phẩm, trong lòng Hương thấy vui vui, thế là vừa giữ được cây, lại không phải mua đắt, chồng Hương tuy không nói ra nhưng trong thâm tâm, thầm cảm phục vợ.
Được chồng và gia đình thấu hiểu Hương càng chịu khó tìm nguồn hàng chất lượng, động viên chồng, các con cùng cô mở rộng lượng hàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đời sống dân sinh. Khi đi chợ, đi làm về Hương vẫn treo nón vào cành cây Sanh như hồi còn bên dãy hàng gạo. Cây Sanh đường như thấu hiểu tình cảm của cô, ngày một xanh tốt. Ngày càng có nhiều người đến nhà mua gạo, phần vì cô bán gạo ưa nhìn, buôn bán đúng đắn, phần vì muốn được ngắm cây Sanh mà theo các nghệ nhân sinh vật cảnh đánh giá vào hàng "của hiếm" trong vùng.
Nhờ duyên buôn bán, lại chịu thương, chịu khó, sau vài năm Hương đã trang trải số tiền vay mượn để mua cây.
Nhà đông con, cậu cả sắp xây dựng gia đình, nhu cầu nâng cấp, xây mới ngôi nhà là yêu cầu cấp thiết. Qua tính toán sơ bộ muốn làm ngôi nhà hai tầng đáp ứng sinh hoạt gia đình cũng cần đến khoảng hơn một tỉ. Đang suy nghĩ mông lung, không biết lấy tiền đâu xây nhà. Một hôm vừa đi chợ về chồng Hương vui vẻ nói:
- Có tiền làm nhà rồi em ạ!
Hương bất ngờ:
- Tiền đâu ra anh?
Chồng Hương chỉ vào cây Sanh già giữa sân nói:
- Sáng nay bác Hùng, nghệ nhân sinh vật cảnh dẫn một ông khách trên thành phố xuống xem, đánh giá cây Sanh cổ nhà mình là cây Sanh quý, trị trá tiền tỉ. Ông ấy vừa hoàn thành khu nhà biệt thự, nếu nhà mình bán thì ông ấy lấy!
Hương nghe vậy vừa vui, vừa buồn. Vui vì cây Sanh có giá gấp mấy chục lần lúc mua. Buồn vì cây có duyên, nó đã gắn bó với cô. Nếu nó đi khỏi nhà này thì sao cô chịu nổi. Thấy chồng đang say sưa, Hương không muốn chồng buồn, nên chỉ ậm ừ:
- Để từ từ đã anh ạ, nó có duyên với em, với cả nhà mình, có nó mới có nhiều người đến ngắm cây, mua gạo, nhiều nghệ nhân sinh vật cảnh đến thăm cây, anh cũng được học hỏi theo nghề sành vật cảnh giờ bán nó đi em tiếc lắm!
Chồng Hương ngắt lời vợ:
- Em ạ mình quý cây, lúc mình cần cây nó giúp nhà mình cũng nên. Bán cho đại gia trên thành phố là đưa cây đến chỗ sang trọng, càng nhiều người biết. Ở gần, mình nhớ cây còn đến thăm cây, chứ có bán cho dân buôn cây đâu mà sợ mất hẳn!
Nghe chồng nói, Hương thấy xuôi xuôi.
Ngày hôm sau cây Sanh già được chuyển đến căn biệt thự của đại gia trên thành phố. Đêm hôm trước Hương thức trắng đêm đứng bên cây, vuốt ve cây Sanh như tâm sự cùng tri ân, tri kỷ. Ánh trăng rằm vằng vặc như hoà lẫn bóng Hương cùng bóng Sanh già. Hương bón thêm một ít phân lân sông gianh, té nước tưới cây, âu cũng là nghĩa cử của người có duyên với cây vậy.
Mấy tháng sau, một căn nhà hai tầng khang trang hiện hữu trong khuôn viên gia đình Hương, mọi người đều khen đẹp, có người nói:
- Nhà này có cô con dâu đảm, yêu cây, có duyên với cây, được cây Sanh trả nghĩa, trả ơn.
Có người nói tiếp:
- Trời có mắt, cây cũng có mắt đấy!