DỐC QUẦN- TRUYỆN NGẮN CỦA TỐNG NGỌC HÂN
Ảnh minh họa-Internet
Năm năm trước, khi theo con Nhài về đất này, thằng Sứ hỏi bà cố nó, tức người đẻ ra ông nội con Nhài, tuổi đã dư một trăm là sao cái dốc này tên thế. Bà cố con Nhài đã bảo, thế anh không nhìn thấy dốc giống cái quần à? Không những thế, còn là cái quần toạc đũng, thò cả cu ra đấy. Sứ ngượng chín mặt. Dốc Quần rất cao. Cái chỗ mà cố gọi là đũng quần toạc có một cái ụ đất to mà người ta gọi là gò mối. Cố bảo, trong cái gò mối là một ngôi mộ cổ. Mộ ai thì không ai biết. Sứ chưa leo lên gò mối bao giờ cả nhưng bọn trẻ con làng Lùa thì lên đấy suốt. Con đường liên xã đến đỉnh dốc Quần đã làm xong. Từ đỉnh dốc đổ về phía làng Lùa thì chưa. Sau khi chia làm hai nhánh như hai cái ống quần, chạy vào làng rồi lại chụm nhau trên một cây cầu bắc qua suối Quần. Giữa hai ống quần là dải đất hoang cằn, hoa mua dại nở kín. Có lẽ, Sứ là thằng đàn ông tò mò nhất làng. Sứ hỏi cố vợ là dưới cái ụ cát to lù lù ở suối Quần có ngôi mộ cổ không? Mọ già một trăm linh tư tuổi móm mém, lắc lư cái đầu lơ phơ hai lọn tóc trắng hai bên mai, mắng yêu chắt rể. Cha bố anh! Ở đâu ra mà lắm mộ cổ thế!
Sứ tò mò thế thôi, nhưng mà Sứ dát cáy. Từ ngày cất nhà ở riêng ở chân dốc Quần, chỗ ngày xưa là đất tra vừng của nhà Nhài, Sứ chả bao giờ dám mò lên đỉnh dốc Quần vào lúc giữa trưa hoặc đang đêm. Sứ còn bàn với vợ rước cố từ nhà anh trai về ở cùng cho bớt hoang mang. Trong nhà có người già, cũng như có cái cột chống. Bố mẹ vợ Sứ và cả ông bà nội của vợ Sứ đều đi cả rồi. Cố bảo Sứ là cứ lên chỗ ấy mà xem. Có gì trên cái tổ mối mà xem? Sứ ngó lên. Trên cái ụ mối ấy là một cây chè cổ thụ, dây bòng bong cuốn dày đặc khiến những lá chè xoăn tít. Dưới chân ụ mối là những bụi sim, bụi mua tán rộng như cái nong nở hoa rất đẹp. Vào mùa thu, giữa hai cái ống chân quần là một vệt tím chạy dài mê hoặc. Từ thị trấn phố huyện vào đến dốc Quần chỉ độ dăm ki lô mét nên vào mỗi cuối tuần, nam thanh nữ tú ngoài phố huyện đưa nhau vào đấy chụp ảnh kỉ niệm. Có cả ảnh cưới nữa nhé! Rồi cả tiệc sinh nhật nữa. Bọn con gái thi nhau dỡ dây bòng bong trên tán cây chè mà kết mũ miện rồi hái hoa mua, hoa sim cài lên. Trông hay đáo để. Chán chê ở dốc Quần thì chúng kéo nhau ra suối Quần. Trước khi bị chia nước ra hai ống quần, suối chui qua cầu Quần. Cây cầu bằng sắt nom rất cũ nhưng bọn trẻ choai lại thích cái sự cũ kỹ ấy thì phải. Chúng nô đùa ầm ầm trên cầu chán thì lội xuống hai dòng suối trong vắt mà nghịch sỏi, bắt cá bống. Hai dòng suối sóng đôi nhau một đoạn rồi lại chập làm một rồi đổ dốc xuống phần thấp của xã. Đó là vùng cuối làng Lùa. Ở đó, suối Quần chảy giữa hai triền ruộng nhỏ hẹp. Đồi ở đây cũng thấp dần, thoai thoải. Ruộng ở đây chua, váng cua nổi đỏ, lúa chả lên được lại bị đất đồi sạt xuống liên tục nên dân bỏ cấy lúa. Bọn cỏ vẩy ốc thừa thắng xông lên phát tác. Mà cũng lạ. Hoa vẩy ốc đẹp mê hồn. Thế là, sau dốc Quần và suối Quần, dộc Quần cũng trở nên nổi tiếng bởi bọn trẻ phố. Những cuối tuần, đường về Lùa đông tấp nập, Sứ vác cày, giong trâu ra ruộng mà gặp đám thanh niên phố thì phải dạt ra mép đường, đợi chúng đi qua.
Được độ vài mùa hoa mua và hai mùa hoa vẩy ốc như thế, thì ban văn hóa xã họp bàn về việc thu vé vào xã. Đường vào xã là độc đạo nhưng không thể lập trạm thu phí. Vì chả cơ quan chức năng nào lại phê duyệt cho việc lập trạm thu phí ở con đường đất đỏ làm dở nhầy nhụa bẩn thỉu và đầy ổ gà này cả. Nhưng mà không thu thì có gì đó thiệt thòi lắm. Vì nhiều khu du lịch sinh thái, chả có gì đẹp, cảnh quan thua xa làng Lùa mà lại thu vé vào thăm rõ cao. Hay là...
Tam ngu thành hiền. Cha lú thì có chú khôn. Muốn thu tiền thì phải bỏ tiền ra đầu tư chứ. Họp đến lần thứ ba thì nhân tài xuất hiện. Mà chẳng đâu xa, ngay tại ủy ban xã cơ. Cả ủy ban, ai chả biết tay Tùng, phó ban văn hóa xã là có tiếng ăn chơi đây đó. Vì số hắn đỏ rực lên từ độ có đứa con gái xuất khẩu lao động Hàn Quốc rồi lấy chồng Hàn Quốc luôn. Thằng con rể hắn được cái mê cảnh sắc quê vợ, nên cứ lần nào về nước là cũng bốc cả bố vợ đi du lịch. Thế nên, Tùng là người duy nhất ở xã này được đi Sa Pa, mà lên tận cái chóp cao nhất của nóc nhà Đông Dương cơ. Hắn bảo bà vợ: Cơ hồ bà nhổ chưa xong giõng mạ thì tôi đã phi tới đỉnh. Đi cáp treo sướng lắm, như bay, tôi có chết cũng nhắm mắt được rồi. Bà vợ hắn tròn mắt liên tưởng đến thằng Tôn Ngộ Không trong phim Tàu. Hắn kể oang oang cho cả ủy ban nghe chính mắt hắn thấy người ta đưa cả tượng Phật khổng lồ lên đỉnh núi ấy. Rồi xây cả chùa to lắm. Hắn hùng hồn tuyên bố. Bây giờ, dân đặt đâu Phật ngồi đấy. Chứ cứ đợi vào di tích này kia để mà trùng tu, phục dựng thì mùa quýt. Xã ta chả có đình chùa miếu mạo nào cả. Đất chó ăn đá gà ăn sỏi chỉ phát ăn mày. Biết lỡ mồm, hắn lảng sang chuyện Ông Nà, Bà Nà ở đâu đó thu cỡ độ vài tỉ một ngày. Bảo “hiu” mà chả hiu tí nào. Trên là giời, dưới là người cơ. Làng Lùa phong cảnh hữu tình thật, nhưng thiếu cái tâm linh là người ta cũng chẳng có thích mấy đâu. Chỉ trừ bọn trẻ. Mà bọn trẻ thì còn bám váy mẹ, làm gì đã có tiền. Người ta bây giờ đi du lịch là du lịch tâm linh.
Nghe tay Tùng nói đầy lý lẽ... các bác ngồi dưới im như củ cải. Một bác đứng dậy, chốt hạ: Tóm lại là phải có cái tâm linh. Nhưng mà thờ ai bây giờ? Tay Tùng bảo: Đất nào chả có chủ? Làng nào chả có thành hoàng? Những củ cải ồ lên. Đúng rồi. Thờ thành hoàng làng là hợp lý nhất. Chứ Phật ấy mà. Dân làng Lùa xưa nay vốn nhả nhớt lắm. Rặt cái thói gần chùa gọi bụt bằng anh. Rước Phật về thì đơn giản thôi. Nhưng mà như thế thì kính chả bõ phiền. Thờ thần thì vùng này cũng chả có bậc nào tài giỏi đến độ để dân phải thờ tự. Không Thần, không Thánh, không Phật. Thôi, chốt lại là thờ ông thành hoàng. Nhỡ thành hoàng là bà chứ không phải ông thì sao? Ông hay bà cũng đều được Nhưng mà thành hoàng làng ta tên là gì nhỉ?
Tay Tùng lắc nguây nguẩy: Từ hồi tôi biết nói đến giờ chả thấy ai nhắc tên thành hoàng cả. Thú thật, tôi cũng vừa mới biết đến cái khái niệm thành hoàng từ độ năm ngoái, dịp đi thăm cái đình dưới Kệ kia. Đình to lắm. Hắn suýt xoa liên thiên một lúc là lấp đầy cái lỗ hổng kiến thức to đùng. Đám củ cải ngồi dưới trăm phần trăm là bị đánh lạc hướng. Giờ có cách nào mà biết tên thành hoàng. Tay Tùng bảo. Ta phải làm việc như cánh hình sự điều tra ấy. Phải bắt đầu từ tang chứng, vật chứng. Nghĩa là từ cái dốc Quần.
Tay trưởng ban văn hóa xã bây giờ mới có mặt. Mà cái mặt đỏ ke ke vì mới nạp căng rượu đám hỏi đứa cháu. Nghe tay Tùng nói tới đó thì hắn giơ tay ngoắc vào nhau mà khẳng định. Không phải từ dốc Quần mà là từ cái đũng quần ấy. Thế tôi hỏi các ông, dưới cái ụ mối ấy là cái gì nếu không phải là cái mả thành hoàng làng. Chỉ mả thành hoàng thì mối mới đùn to thế. Tay Tùng nhăn mặt phản biện. Vấn đề là ta phải biết tên thành hoàng? Tay Cheng, trưởng ban văn hóa xã bảo. Cứ tróc cổ dân hai bên chân dốc Quần ấy là biết. Thấy nói bà cố Phờ ấy năm nay đến trăm mốt mà mắt còn sáng, tai còn tỏng đấy thôi. Để đích thân tôi và đồng chí Tùng làm việc này. Các đồng chí bây giờ bàn sang ngân sách. Chúng ta linh động hỏi trường mầm non xem cái chỗ gạch ngói, cát sỏi còn dư ấy xem ý họ thế nào? Một củ cải lên tiếng. Dư đâu mà dư, chỗ vật liệu thừa ấy là để xây nhà vệ sinh cho các cháu đấy. Thằng nào thiết kế trường mầm non mà ngu. Có chỗ nấu ăn mà không có chỗ ị. Cheng phản bác. Ngu khối nó. Ăn thì cần bếp nấu, còn ị, đã có bô rồi đấy thôi. Đầy bô thì đổ ra mương, càng tốt lúa. Cô trò ngồi bô đều được. Tôi hỏi, việc là việc chung. Thế miếu thờ thành hoàng quan trọng hơn hay cái hố xí cho bọn bú tí mẹ quan trọng hơn? Hở? Mang tiếng là đi đây đi đó suốt...
Tay Tùng ấm ức. Nào tôi có được nói thế. Đồng chí đừng có vơ đũa cả nắm... Sứ vừa đổ bã pha trà vừa giục vợ vào buồng giong cụ cố ra. Mọi khi cụ vẫn tự mò mẫm đi khắp làng ấy chứ. Còn ra cả ruộng chuối tìm chuối chín cây bẻ về ăn. Nhưng trước mặt cán bộ xã thì cũng phải thế chứ. Chả gì, cả làng này cũng chỉ có cố vợ Sứ là tuổi chót vót như thế. Từ độ đại nạn ung thư tràn về, cái tầm nhầng nhầng tứ ngũ lục tuần nắm tay nhau đi quang cả làng. Cố như con gà cồ sống qua các kỳ dịch nên khỏe lắm.
Nhài là người phụ nữ đẹp. Tuổi ba mươi, da trắng, cổ cao, mình lẳn. Bốn con mắt đói khát cứ thản nhiên sục sạo trên dưới, chả mảy may ngượng ngùng. Sứ thấy nóng mặt. Tay Tùng đứng dậy, ghé vai đỡ cụ cố xuống ghế, cốt để lấy cơ hội chạm cái thân trâu mộng vào cái thân thể ba mươi nõn nà kia. Tay Chen bưng trà hai tay mời cố xơi. Sau đó thì đặt vấn đề hỏi chuyện thành hoàng. Nhưng họ hỏi rất khéo. Cố có biết, dưới cái gốc cây chè cổ thụ ở dốc Quần chôn ai không? Cố gật. Có, chôn Hà Tầm Thực. Họ Hà sinh năm nào cố không biết. Gốc gác ở đâu cố không biết. Chỉ biết nghe kể rằng Thực là thợ săn, có công diệt hổ ác đưa dân về lập làng. Rồi sau chết đi, dân gọi thành hoàng. Thế cái ụ mối ở đũng dốc Quần kia có phải là mộ thành hoàng không? Cố bảo chắc là phải, vì chỗ ấy hẹp như háng người, chỉ chôn một là vừa. Biên bản hỏi han xong xuôi, cố điểm chỉ vào. Xong. Chai rượu mật ong này và hộp bánh đậu xanh gọi là chút quà bồi dưỡng cho cụ. Cụ cất đi dùng dần ạ.
Hai tay văn hóa vừa khuất khỏi đỉnh dốc Quần thì anh trai vợ Sứ sang, hằm hằm thu vén đồ của cố cho vào cái túi đeo qua cổ và cõng tuốt cụ về nhà. Nhài sách chai rượu mật ong và hộp bánh đậu xanh chạy theo. Anh trai Nhài liếc qua Sứ, giọng phẫn ự. Còn tiền người ta cho cố, chú để mà tiêu... Sứ ngạc nhiên lắm. Tiền nào cơ? Nhài quay lại, giậm chân phịch phịch bảo chồng. Anh mát mẻ thế thôi, tưởng xã cho cố nhiều tiền. Sứ đứng đực mặt ra. Vẫn chưa hiểu. Anh trai vợ Sứ, đâu phải là người trọng tiền bạc. Hay là cố có bí mật gì mà anh trai cũng biết và sợ cố nói ra? Sứ nhớ có lần, cố nói, cố khai man cả chục tuổi mà cả làng chả ai biết. Cố chưa đến một trăm đâu. Cũng chịu, cố lúc nói thế này, khi thế khác, biết đâu mà lần. Lúc cố bảo cố cầm tinh con trâu, cày suốt ngày đêm khổ sở. Lúc cố lại bảo cố cầm tinh con gà què, tãi không đủ no. Lúc cố lại bảo cố cầm tinh con chuột, chỉ thèm ăn vặt…
Cuối cùng thì số vật liệu xây nhà vệ sinh cho trường mầm non cũng được quốc hữu hóa êm xuôi và tập kết ngay cạnh ụ mối mà từ nay phải gọi là mả thành hoàng. Để cho có đầu cuối, Tùng và Cheng bàn nhau mời nhà ngoại cảm đến để định vị xem có đúng là trong mả có xương cốt không. Tìm nhà ngoại cảm thời nay đâu có khó. Khó ở chỗ có đủ tiền xuống cho ngoại cảm không thôi. Người ta nhiều tiền thì mời thày nổi tiếng cỡ trung ương, mình ít tiền thì mời thầy tằng tằng cấp thôn xã thôi. Nói chung là tiền nào của ấy. Nhờ tài kinh bang tế thế của Tùng mà chẳng những tìm được nhà ngoại cảm có tiếng, lại thêm chả tốn xu nào. Chỉ mất bữa rượu thịt. Thế mới tài. Thầy Hênh là người mù bẩm sinh ở xã bên. Thuở bé, bố mẹ thầy gọi là Hiếng. Sau lấy được vợ sinh được con thì gọi chệch sang Hênh. Thầy Hênh nổi tiếng khắp xã về việc mồ mả và cắm hướng nhà. Như thế thì tốt quá rồi. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Tùng đích thân đi đón thầy Hênh về. Cỗ cúng chiêu hồn thành hoàng về là một mâm xôi thịt rượu tú hụ. Thầy Hênh ngoài sáu mươi, gày gò, răng rụng gần hết, mắt lờ đờ. Sau một hồi khấn vái rền rĩ. Thầy bắt đầu trò truyện với người dưới mả. Cuộc trò truyện chừng mười lăm phút thì kết thúc. Thầy Hênh bảo, thành hoàng làng bị khuyết một bên chân do con thú gì đó cắn. Thành hoàng đau lắm, đói lắm, lạnh lắm, rét lắm, cô đơn lắm, thiếu thốn lắm. Tất cả những người có mặt đều chảy nước mắt thương xót thành hoàng. Khổ thế, cả làng có mỗi ông thành hoàng chứ có nhiều nhặn gì. Đi khắp nơi cúng tế thần thánh trong thiện hạ thì được, nỡ lòng nào lại để thành hoàng làng ra cơ sự ấy chứ?
Sau đó là lễ chọn ngày khai mộ và xây miếu. Nhân công là toàn bộ đàn ông đàn bà trong làng Lùa, ai còn sức thì giúp. Lạ cái là ai cũng nhiệt tình. Không hẳn bởi vì thành hoàng hay cái đề án thu phí khu du lịch Dốc Quần mà chủ yếu là bởi họ tò mò. Họ tò mò muốn biết, phía dưới cái ụ mối, à quên mả thành hoàng có cái gì không. Chuyện đào mồ đào mả không đùa được đâu. Nhưng mà có mệnh hệ gì thì mấy ông chóp trên xã chịu chứ. Ai bảo khởi xướng du lịch với sinh thái...
Đúng giờ Thìn ngày Dần tháng Ngọ thì thi công công trình miếu thành hoàng. Làng người ta có đình to thì rước thành hoàng lên đình, còn làng mình bé thì có sao thành hoàng dùng thế. Sau một hồi ngó nghiêng không thấy ông anh trai vợ đâu, Sứ chạy về nhà. Thấy nhà anh trai chốt cửa trong. Tiếng anh vọng ra. Cố thấy chưa, giờ họ khai quật lên mà xương cốt chưa tiêu hết, họ quyết định xây miếu ở đó thì sao đây. Tiếng cố già yếu ớt. Thì có sao đâu. Chả hơn họ xây miếu ra bờ suối à? Cố nói nghe hay lạ. Cố trẻ nhà ta là người ăn xin ăn mày chết trẻ, tấc đất cắm dùi chả có giờ lại làm thành hoàng làng, bon chen với dân chính cư, điền sản mênh mông. Tiếng cố trả lời thẽ thọt. Tao có định bảo em tao làm thành hoàng đâu. Lúc ấy, nó khôn thiêng thế nào nên run rủi tao nói thế. Với lại đã gần bảy mươi năm qua rồi, lại bọc có manh chiếu rách, làm gì còn hở em, em ơi là em. Em chết mấy ngày, chị lăn lóc cậy nhờ mới có người chịu khiêng em đi. Đến lưng dốc thì mưa gió sấm chớp, họ vứt em đấy rồi bỏ về. Chị đến nơi thì mối đã làm nhà cho em. Thôi! Cố im đi, tôi đã bảo cố ở nhà, cố còn sang con Nhài làm gì? Ông bà tôi, bố mẹ tôi đã giao cố cho tôi thì từ giờ cố chỉ ở cái nhà này thôi. Ai có hỏi gì, xã có hỏi gì, cố bảo cố không biết, cố già rồi, lú lẫn rồi, nghe chưa! Ừ, biết rồi, lú lẫn rồi.
Sứ vội vàng đi giật lùi ra cổng rồi cắm cổ chạy ra hiện trường. Đúng lúc ấy, được giờ đẹp, sáu tay cuốc xẻng thắt nơ đỏ ở ngực tử tế chờ hiệu lệnh để động thổ. Cheng giật tay Tùng thì thầm. Này, thế nếu khai quật lên mà chả có gì cả thì đời nào huyện cho chúng ta xây miếu? Tùng trợn mắt. Xương thịt thì tan vào đất, chứ tiểu với quách thì làm sao đã tan ngay được. Chỉ cần một cái bát mẻ hay một miếng gạch vỡ là ta có chứng cứ rồi. Cheng yên tâm ra mặt, rút điện thoại xem giờ. Đúng phút đầu tiên của giờ Thìn thì Cheng cầm hai cái muôi kim loại gõ vào nhau ra hiệu. Bỗng nhiên thày Hênh lăn đùng ra chân đống mối giãy giụa gào thét. Cái bọn bất nhân kia, ta đang yên ổn, sao lại cho người phá phách nơi ở của ta. Tùng tái mét mặt. Trong đám đông có người nói. Thành hoàng nhập rồi. Tùng hoàn hồn, chấp tay trước ngực nghiêm cẩn. Vậy thành hoàng vạn linh báo cho chúng bầy con cháu biết chúng con phải làm gì ạ? Tiếng thành hoàng thều thào. Cứ để nguyên đây, muốn xây cất gì thì xây xuống phía dưới để ta lấy chỗ tiếp khách. Còn cây chè cổ thụ, để lấy bóng mát ngày hè, chắn gió ngày đông, không được chặt đi. Cứ để nguyên đấy. Tùng hỏi tiếp. Dạ, vậy thành hoàng cho chúng con biết ngày giỗ của thành hoàng để chúng con tiện bề hương khói ạ? Cứ ngày 14 tháng ba âm lịch hằng năm là giỗ ta. Thôi... ta mệt rồi, ta đi đây. Thầy Hênh giãy thêm vài cái rồi duỗi thẳng cẳng. Sau vài phút, thầy lồm cồm ngồi dậy. Tùng dìu thầy đứng lên và kể lại những gì vừa xảy ra. Thầy Hênh bảo. Thành hoàng dặn sao thì ta cứ làm vậy thôi, đừng đào bới gì cả. Cheng băn khoăn ra mặt vì đã đón sẵn cả thằng thợ ảnh vào để chụp ảnh di hài rồi. Thế này thì biết làm sao? Tùng chặc lưỡi. Làm đi, tội đâu tôi chịu. Tiền trảm hậu tấu cũng được chứ sao. Thế là tất cả bắt tay vào việc. Chỉ sau một ngày thì căn miếu đã được xây xong. Sau khi xây miếu xong thì xây tường bao quanh cả phần mộ và miếu. Có cả cửa sắt. Từ rày, ai vào miếu thành hoàng thắp hương phải nộp năm nghìn. Ưu tiên dân làng Lùa vào miếu không mất tiền. Xong việc trở về, Cheng bảo Tùng. Cứ như trời xui đất khiến ông ạ. Tôi lo hỏng canh này, thế mà hóa thuận. Quả là thành hoàng thiêng. Tùng nhăn nhở. Thiêng cái con khỉ! Tôi phải chi hai trăm cho cái vụ nhập hồn ấy. Cheng vồ lấy tay Tùng, giật giật. Tôi phải bái ông làm sư phụ mới phải.
Từ ngày xây miếu thờ xong, khách khứa ra vào tấp nập. Ai cũng bảo thành hoàng thiêng thật. Dốc Quần nổi tiếng khắp tỉnh. Con đường từ đỉnh dốc Quần về qua làng Lùa đã được trải cấp phối, xe chạy êm lắm. Xã cắt cử hai người trông coi thu vé vào miếu và trông cho trâu bò khỏi phá miếu. Những hộ dân trong làng tụ vào hai bên chân cái dốc Quần dựng hàng quán bán nước, bán hương vàng, hoa trái bánh kẹo. Đời sống bỗng tươi tắn, khấm khá hẳn lên. Đứng từ xa nhìn về dốc Quần, cái miếu thành hoàng nổi bật hẳn lên bởi màu sơn rất rực rỡ. Chính vì miếu được đặt ở vị trí nhạy cảm ấy mà một đồn mười, mười đồn trăm, khách càng thi nhau kéo đến mục sở thị. Và quả là danh bất hư truyền, ai ai đều phấn khởi và không ai thất vọng cả.
Hôm ấy, xã tiếp khách huyện. Là trưởng phòng văn hóa cùng hai cán bộ nữa của huyện. Nội dung cuộc trò chuyện xoay quanh miếu thờ thành hoàng. Tùng và Cheng có nguyện vọng sau vài năm nữa sẽ nâng cấp miếu lên đình cho rộng rãi. Vật liệu dư thừa của trường mầm non chỉ được có thế nên xây nhỏ quá, giờ thấy tiếc. Đang bàn bạc thì mấy thày cô bên trường còn sống mà thiêng thế, lù lù mò vào. Nói bây giờ xã giàu rồi phải trả tiền để trường xây nhà vệ sinh cho các cháu. Cheng ngại quá, vội đứng dậy, dắt tay các đại diện mẫu giáo ra sân hứa hẹn. Được rồi, đâu khắc có đó. Một cái, chứ ba cái nhà vệ sinh cũng có nhá! Chỉ sợ lúc ấy không có sức mà... Mấy cô giáo đỏ mặt, bấm nhau đi. Một cô bảo. Không có sức mà ị à? Lão Cheng chuối thật đấy. Chả chuối mà mới đầy năm, vợ lão đeo vàng trễ cổ. Chứ cái lương văn hóa, chả đủ uống rượu.
Sau trận thù tạc trong quán thịt chó cổng ủy ban xã, các vị trên huyện ngỏ ý muốn thăm chứng nhân lịch sử làng. Mọi người bèn dẫn khách đến nhà cố Phờ. Vì đã được chắt nội dặn trước nên cố Phờ ngồi im hỏi đâu nói đấy. Thực nào cơ? Tôi có biết ai là Thực đâu. Cái đống mối ấy à? Làm gì phải mộ thành hoàng. Làng ta làm gì có thành hoàng? Đâu! Ai nói chứ có phải tôi đâu? Tôi hơn trăm tuổi rồi. Lú lẫn cả rồi, biết gì mà nói.
Ra đến cổng, mặt Cheng và Tùng đỏ ke. Chắc là vì rượu thôi. Tùng đưa ngón tay làm bộ đếm tiền, ý nói là đã đâu vào đấy cả rồi, đừng có lo. Ba vị kia, chẳng nói chẳng rằng, lên xe đi thẳng.
Xe chạy đến cầu Quần, lái xe hỏi sếp. Giờ chúng ta đi thành hoàng Vông hay thành hoàng Hạc hả sếp? Sếp soi giờ rồi thản nhiên. Đi Vông cho gần. Hạc xa, đường xấu, để mai. Sếp bật cười một mình. Rồi sếp lại tự cắt nghĩa tiếng cười ấy. Sinh ra cái ông thành hoàng làng, kể cũng hay nhỉ? Tay lái xe phụ họa. Quá hay ấy chứ.
Nguồn Văn nghệ số 14/2017