Thời sự văn học nghệ thuật

17/5
6:20 AM 2016

Chùm tạp bút của Thu Tứ- nhà văn Mỹ gốc Việt

Chùm tạp bút này rút từ bản thảo “Quê mình, Quê người” của Thu Tứ-nhà văn Mỹ gốc Việt

                                                                                       Ảnh minh họa: nguồn Internet

SẾU BÂY GIỜ Ở ÐÂU

 

            “Hồ Tây chiều thu...

            mặt nước vàng lay

            bờ xa mời gọi...

            màu sương thương nhớ...

            bầy sâm cầm nhỏ

       vỗ cánh mặt trời...”(1) 

            Năm nào nhỉ, mà còn sâm cầm. Mà biết đâu vẫn còn. Vô duyên quá, la cà ven hồ săn ảnh, bây giờ ai có hỏi đến chim chóc, lại chỉ biết... ớ.

            Không thấy chim ngoài hồ, thử tìm chim trong sách. Sách dạy sâm cầm là chim nước, lông đen, mỏ trắng, quê ở phương bắc, trú đông ở phương nam, thịt ngon và thơm.(2) Hừm, thịt như thế, thảo nào. Nhưng cái con chim thơm thịt ấy nó bao lớn? Người ta chủ yếu đã tiềm nó, quay nó, nướng nó, hay đã biến nó thành một món nộm như lối nộm chim sẻ ở phủ Tây Hồ? Có ai nghe sâm cầm bảy món...

            Sách từ điển không dạy các cách nấu chim, sách ký của ông Quang Dũng, ông Tô Hoài chắc có. Nhưng thôi.

 

      Hồ Tây từng là chỗ nghỉ ấm của một loài chim sợ lạnh. Chim Bắc ưa xuống đậu ở hồ Nam chắc chắn còn nhiều loài nữa, trong đó có sếu.

            Sếu là chim lớn, cổ dài, mỏ dài, đặc biệt kêu rất to.

                        “Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét”.

            Thì “đã hết những ngày trong sáng của mùa thu (...) Gió bấc đã bắt đầu đuổi lá bàng trên những con đường vắng, và tiếng sếu kêu lạnh đã vang động trong đêm khuya”.(3)

            Kêu to như sư tử rống để làm gì nhỉ? Ban ngày có... rống mà không ai để ý, hay chỉ đến “đêm khuya”, nhớ cái lạnh giết chim ở quê phương bắc, sếu mới kêu mấy tiếng “Ấm! Ấm!” để tỏ nỗi mừng đã tìm được tới chỗ ấm áp?

            Chim dềnh dàng, to họng, mà lại thích về ở một cái hồ bé nhỏ, êm đềm là Hồ Gươm. Tô Hoài kể “1946, tháng mười hai (...) Từng đàn sếu lớn đen sì là cánh bay về đậu trên ngọn cây gạo, ngọn dừa dại trên góc hồ Hoàn Kiếm”.

            Ðậu trên ngọn gạo ngọn dừa là ban ngày, còn ban đêm, đêm “trăng non rét ngọt” của tháng giêng, thì đi bay biểu diễn cho Vũ Bằng thương nhớ: “Ðêm xanh biêng biếc, tuy có mưa dây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ”.

 

*

            Ðã hỏi thăm, thế mà vẫn không biết cái con chim từng bay trong tục ngữ, truyện, ký, tùy bút ấy bây giờ có còn ghé Hà Nội mỗi độ đông về nữa hay không.

            Có về, nó cũng không đậu trên ngọn của những thứ cây cũ, vì gạo với dừa đã đi đường nào mất rồi.

            Cứ giở xem sách Tô Hoài thì biết, cây cối quanh Hồ Gươm mất giống nọ thêm giống kia luôn.

            - Ơ, cây gì thế này hở bác? Cái cây bên cạnh cây lộc vừng.

            - Có hoa vàng lủng lẳng đấy chứ gì. Không biết tên, nghe người ta nói nó gốc Nhật, mới đem về trồng mấy năm nay.

 

*

 

            Thủy Tạ, mùa rét, ai ngồi đến khuya. Nhưng có muốn đội rét mà ngồi thì nhà hàng cũng không “cấm”. Cho thêm chướng, gọi một cốc kem cốm, múc từng thìa buốt mà nuốt vào để toàn thân từ ngoài vào trong được là một khối băng!      

            Rét đã ngự trị, đường đã vắng, thế mà bên tai vẫn lặng như tờ, và ngửng lên nhìn kỹ vào sâu thẳm của đêm vẫn không thấy một đôi cánh lớn nhỏ nào cả.

             “Tìm chim như thể tìm em”. Sếu ơi, còn có bao giờ. Hà Nội chim chóc ơi, còn có bao giờ.

________

(1) Lời bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn.

(2) Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 2004.

(3) Hoàng Ðạo, “Một gia đình”, trong tập Tiếng đàn.

 

NGẪU LỤC

TANG THƯƠNG

 

                                                           

 

            Ngơ ngẩn. Tối qua về đến Hà Nội, hẹn V. mai sáng anh em đi ăn Phở Thìn Bờ Hồ rồi vào cà-phê T.N. kế bên mà trò chuyện. Phở xong xuôi, lững thững mấy bước, chợt cùng trố mắt.

            - Ô, nó biến lúc nào nhỉ?

            - Mới... vẫn đấy mà...

            - Hay mình xuống phố Thể Giao?

            - Thôi, Thủy Tạ cho gần.

           *

                T.N. hẳn là một trong những thương hiệu chiếm lĩnh thị trường nước sớm vào bậc nhất. Lâu lắm rồi hầu như ghé bất cứ thị trấn bé nhỏ nào từ Nam ra Bắc đều thấy treo đâu đó một cái biển T.N. Thực tình không hẳn là thích cái mùi mà uống thứ cà-phê ấy. Vào quán lớn thì có hàng chục mức giá để chọn, đắt nhất là chồn, nhưng lần lượt uống thử, không hiểu sao thấy tất cả đều thoang thoảng một thứ hương gì ngọt như... bánh ngọt. Ðã lỡ nghiện cái mùi thơm ngọt đắng của cà-phê nguyên chất rang mộc kiểu Ý vẫn uống ở xa, mỗi lúc nâng cốc T.N. lên mũi, lại như bỡ ngỡ. Sao ông chủ chưa thêm vào “ẩm đơn” cái món espresso cho thương hiệu ta được đa dạng thêm tí nữa nhỉ?

            Hay cái ở trong nước uống cà-phê được uống luôn cả trà. Không phải chè Tân Cương hảo hạng, dĩ nhiên, nhưng thường cũng không tệ, mà nhất là, nếu ở Bắc, ngồi nhấp trà rồi ngắm nghía bộ ấm chén Bát Tràng nhiều khi xinh xắn của quán, thấy cũng vui vui.

 

*

             - Anh em mình bắt đầu uống cà-phê ở đấy dễ đã mười năm...

            Mười năm tới tấp, quãng phố quen thay đổi thế này là ít. Cái hiệu ảnh cách mấy căn ngày xưa có hai chị em cùng trông tiệm, cùng dễ nhìn và dễ thương, cô chị bộ nhớ siêu, gặp khách một lần là lần sau gặp gọi tên vanh vách. Ngày ấy mình với M cứ đi chụp ảnh khắp Hà Nội rồi đem phim về đưa cho cô chị hoặc cô em, rồi trong khi chờ lấy ảnh lại qua ngồi quán cà-phê. Cái “con bé” tiếp viên mắt lá răm lúng liếng, hễ thanh toán tiền cho đàn ông là thể nào cũng cười tít mắt, có khi gập cả người lại, thảo nào quán nườm nượp khách. Thì “nó” chẳng đã đoán già đoán non mình ở Sài Gòn ra, bảo “... bao giờ anh vào, cho em theo mấy”! Ngọt quá, bé ơi.

            - Khách đông, sao dẹp nhỉ?

            - Chắc giá mặt bằng bờ hồ nó giết. Phở Thìn còn sống được là nhờ chỉ lấp ló trong ngõ.

            - Khu phố cổ nói chung ít thay đổi, chứ ra ngoại thành thì hoa mắt, anh ạ.

            Ngoại ô vốn chủ yếu là ruộng, ruộng bỗng hóa nhà ào ào, hoa mắt là phải. Chứ phố cổ đang đầy nhà cửa thế kia thì thay đổi làm sao, chả lẽ cào hết cả đi mà xây lại! Phố cổ không ai lo tồn cổ thì nó cũng không sao thực mới được. Từng căn phố, “vỏ” không mới nổi bao nhiêu, nhưng “ruột” là chuyện khác đấy. Mới năm trước chứa toàn cà-phê, chẳng hạn, năm sau có thể toàn điện thoại di động rồi...

            - Ờ. Quanh đây chỉ cái mặt hàng là có thể “tang thương” thôi.

            - Anh bảo sao?

            - Không.

            Mười năm, rồi mười năm nữa. Các nhà Hà Nội học tương lai ơi, bao giờ “ngẫu lục” ba sáu phố nhớ xem cho kỹ từng cái ruột nhà.(1)

________

(1) Phạm Ðình Hổ và Nguyễn Án có tác phẩm tên Tang thương ngẫu lục, nghĩa là “những ghi chép tình cờ về những thay đổi lớn lao”.

EM GÁI PHÙ TANG

 

            Mưa chỉ còn lất phất. Bước xuống xe, không hẹn mà cả hai cùng hướng về công viên. Bên kia đường là công viên nhỏ. Những cây sycamore nửa khuất trong tối nửa phơi dưới ánh điện. Các tàn lá ngày thường vốn xanh nhợt pha sét đêm nay tươi tỉnh bất ngờ. Không khí trong, mát, thoảng mùi đất.

            Chieko buột miệng: “Trời mưa thích, anh nhỉ!” Mặt nàng rạng rỡ, mắt long lanh hồn nhiên ít thấy. Dưới ánh sáng dịu của đêm, Chieko trẻ lại năm bảy tuổi, nét mệt mỏi nơi quầng mắt tự xóa và làn da mặt hơi khô lúc này mịn màng. Y bỗng ước bây giờ, thay chiếc áo đầm và mái tóc thời trang, Chieko lại mặc kimono hồng nhạt, cầm ô đỏ, và bới tóc, thì hay quá. Như thế, y sẽ tưởng tượng mình là kiếm sĩ oai vệ, tóc cạo tận đỉnh đầu, chân dép cỏ, hông gươm ngắn gươm dài. Nàng tất nhiên là geisha nức tiếng, còn y hiệp khách lẫy lừng. Ðêm nay run rủi hội ngộ, mai bèo nước chia lìa, trùng phùng bất định... “Anh xem phim samurai nhiều đấy. Mình qua công viên chơi đi.” Nàng nắm tay y.

            Hai người đi thong thả trên con đường nhỏ chạy quanh khu trẻ. Ðèn công viên lúc tắt lúc sáng. Bãi cát đẫm nước, những cái đu, chiếc cầu tuột, những con ngựa xanh đỏ đặt trên lò xo, giàn merry-go-round ẩn hiện theo nhịp đèn. Tiếng xe trên xa lộ gần đấy nghe mơ hồ như thác đổ. Vẻ hồ hởi của Chieko tan biến. Nàng đi sát vào y, thôi nói, chỉ ậm ừ. Ðèn sáng, y nhìn kín đáo, mắt nàng xa vắng.

            - Bên Nhật mưa nhiều.

            - Nhớ nhà hở em?

            - Em lạnh, mình vào anh nhé.

            Mặc chiếc áo thun cộc tay dài tới nửa đùi làm áo ngủ, Chieko nhẹ nhàng nằm xuống. Hai người ôm nhau. Ðôi vú nhỏ ép sát vào ngực y ấm sực. Da trong người Chieko mịn và trơn như thoa dầu. Hương gì ngây ngất.

            Hồi lâu, nàng nũng nịu: “Cho em nghe lại bản nhạc không lời hôm trước đi anh.”

            Từng chuỗi âm thanh rơi thánh thót, dìu dặt mà không phấn khởi, say đắm mà rã rời. Nhạc khúc gợi nỗi buồn đã lìa duyên cớ, có lẽ vì vậy càng thấm thía. “Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ, buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua (...) Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, để người phiêu lãng quên mình lãng du...”.

            Liệu cơn mưa cuối mùa đêm nay và chút duyên bèo nước muộn màng có đủ làm người bạn gái xứ hoa anh đào của y tạm quên những trằn trọc của tháng năm lữ thứ?

*

            Hai người quen nhau gần tròn năm, nhưng mới thân đúng hai tuần. Sớm mai, nàng lên phi cơ bay qua Do-thái, bắt đầu chương mới trong đời trôi nổi mà chi tiết y chỉ lờ mờ.

            Rót cho nàng thêm chén sake trong bữa ăn chót, y lại hỏi:

            - Thế em nhất định?

            Nàng cười nhỏ nhẹ:

            - Nhất định, giấy tờ đợi mãi, có rồi, bỏ sao được.

            Tần ngần ngắm những ngón trắng thon đặt hờ hững trên mép bàn, y đùa:

            - Hè sang năm anh qua thăm em.

            Chieko ngửng mặt:

            - Anh đi thật thì cho em biết, em dành mấy chỗ đợi anh qua chúng mình cùng xem.

            Mười hôm trước, khi đã chắc chắn, Chieko háo hức kể những lịch tham quan lớn nhỏ của nàng: “Em tò mò về Trung Ðông. Ai Cập, Iraq, Syria, Jordan, Lebanon, nếu có dịp, em sẽ viếng tất cả. Tưởng tượng cuối tuần đi mua sắm ở chợ trời, thi chen lấn với dân bản xứ đông đảo ồn ào và ngắm từng đoàn du khách ngơ ngác dềnh dàng giữa phố, vui quá anh ạ. Em cũng muốn đem tài mặc cả của mình ra đấu với các ông lái buôn Ả-rập xem sao. Và dĩ nhiên em sẽ cho anh biết món shish kabob ăn tận gốc có hấp dẫn hơn ở cái tiệm bên Westwood chúng mình vào tối qua không. À, ở Do-thái, em sẽ thám hiểm Tel Aviv tân tiến, Jerusalem cổ kính, Haifa náo nhiệt, và di tích cổ thành Masada, và...” Nghe nàng say sưa, y không giấu ganh tị. Vừa chứ em, hồ hởi thế thì anh đến bỏ việc...

            Một cô gái Á Ðông yếu đuối lang thang giữa miền đất oán thù chồng chất, hít thở trong những bầu không khí sặc mùi bom đạn hoặc căng thẳng đến tê liệt vì chờ đợi chiến tranh. Vào trường hợp khác, y đã lấy làm ái ngại cho thân gái dặm trường.

            Nhưng Chieko tuy phận nữ lưu mà quen làm lữ khách hơn đa số phái nam. Y biết nhiều cặp vợ chồng  quanh năm ngày ngày sáng từ nhà lái xe đến sở, chiều lái xe từ sở về nhà, cuối tuần dắt nhau đi mua sắm, đi nhà hàng, vũ trường. Ðộng ai hỏi chuyện du lịch, họ hãnh diện đáp: “Chúng tôi đã ra tận Hawaii ở cả một tuần rồi đấy”. Trời hỡi, một tuần lễ ba năm trước, dẫu tuần trăng mật và có lên tận thiên đường, bây giờ cũng kể là không. Thân nhau, y khám phá ở Chieko một tâm hồn bầu bạn.

            Ngoại trừ châu Phi, không còn lục địa nào chưa từng là chốn ở tạm của nàng. Bất kỳ đến đâu, Chieko cũng nấn ná ít ra nửa năm, chứ không đi lối tốc hành như phần lớn du khách. Ở lâu, chuyến đi phải chuẩn bị kỹ. Mấy tuần sau hôm Chieko dọn vào nhà y năm ngoái, một bận ra lấy thư y không khỏi chú ý khi cầm đến chiếc phong bì đóng dấu trung tâm dạy tiếng Hebrew ở Los Angeles. Tuy nhiên, quan hệ khi ấy quá sơ sài để tọc mạch, vả y cũng đang bận bịu, nên chút hiếu kỳ vừa dấy lên lại chìm ngay vào kho chứa bề bộn của đầu óc lu bù. Cho đến cách nay hơn tháng. Lúc Chieko báo quyết định thôi mướn phòng, y hỏi chiếu lệ rằng nàng định dời đi đâu. Câu trả lời “Do-thái” làm y ngạc nhiên và cũng lập tức giải đáp chút thắc mắc về bức thư kia. Thêm vài câu tò mò thành thực và đôi lời hồi đáp cởi mở, bức tường vô hình ngăn cách hai người lạ rạn nứt dễ dàng. Ðề tài du lịch nghiễm nhiên giúp hai người đốt giai đoạn trong việc làm thân. Y vốn cũng sẵn cảm tình với Chieko do vài lẽ khác. Nàng là khách trọ gương mẫu, là ước mơ của những chủ nhà khó tính. Tiền mướn trả luôn đúng hạn. Phòng tắm, nhà bếp lau chùi sạch sẽ, đồ dùng lớn nhỏ sắp xếp gọn gàng. Chieko gọn sạch đến độ khiến y thỉnh thoảng lấy làm ngượng về những bê bối cẩu thả không thường của mình. Rồi cả năm trời, đi về gặp nhau, chẳng lúc nào nàng quên đãi y nụ cười tươi và câu thăm hỏi vắn tắt nhưng thừa hơi ấm. Giờ nghĩ lại, nếu dạo ấy đời y không có Ph., biết đâu chuyến bay của hãng TWA sang Do-thái ngày mai chẳng thiếu một hành khách từng trải và đôi chiếc va-li hớn hở vì sắp được vất xuống dây tải hành lý nơi phi cảng xa xăm.

*

            Chieko dáng thon, mặt trái xoan, dĩ nhiên mắt một mí. Về nhan sắc, điểm đáng chú ý nhất ở nàng là cặp chân dài và thẳng, rất hiếm gặp ở đàn bà Nhật, Hàn, hay Tàu. Nghe y tán tụng, nàng cười khiêm tốn, ấp úng: “Anh đừng khen nữa, trời làm què chân em bây giờ”. Nhưng y còn nhầm sao được cái vui vẻ hãnh diện lấp lánh trong mắt, bừng nở trên môi kia. Khen nhan sắc người đàn bà một câu đúng chỗ, dầu hiển nhiên cách mấy và đã lập lại mười lần, vẫn chẳng thừa. Chung chăn gối, có lần y đã thầm thì với Chieko về câu tục ngữ “Trường túc...” Nàng khúc khích trả đũa: “Thế loại đàn ông chuyên xem tướng phụ nữ như anh thì sao?”. Y nghĩ thầm: Cưng chưa biết anh tuổi dê và năm nay đúng 35 niên đấy!

            Y ưa bề ngoài ôn nhu, điềm đạm của Chieko, nhưng đã biết nó gói ghém bản chất hiếu động, cực đoan, không chịu được hoàn cảnh tù túng và những ước lệ xã hội gò bó. Chieko sành rượu, thích uống, và có thể uống nhiều mà không say. Vào tiệm Nhật, y có cái thú ngồi rót sake, ngắm nàng cạn chén rượu mới hâm còn nóng hổi để nghe thèm chia sẻ chút men nồng. Giữa những chén sake thơm ngát, một hôm cao hứng Chieko đã kể lại vài kỷ niệm vui vui trong cuộc tình trước của nàng. Dạo ấy nàng ở Ðông Kinh và yêu một thanh niên Nhật cùng tuổi. Ngày nghỉ, mùa đông họ lên núi trượt tuyết, mùa hè chạy theo ca-nô băng băng ngoài bể, hoặc rủ nhau chơi quần vợt.

            - Hideki thể thao lắm, chơi môn gì cũng giỏi. Lại hát hay nữa. Chúng em đã có những phút tuyệt vời bên nhau, anh ạ.

            Y hỏi, không hoàn toàn dửng dưng về nét mặt mơ màng của nàng:

            - Thế về sau tại sao hai người chia tay?

            Chieko im lặng. Trong đôi mắt chợt nhìn về hướng khác, y ngỡ vừa thoáng thấy một tia chớp. Khẽ xoay chiếc bình rượu con bằng đất nung cố nặn hơi méo, nhấc lên rót vào chén tôi, nàng đáp thong thả:

            - Em bắt gặp anh ấy đang thân mật với cô khác.

            Giọng nàng bình thản. Y đã suýt buột miệng câu sáo ngữ:

            - Anh tiếc cho em.

            Nhưng rồi chỉ nâng chén và trở về đề tài ưa thích của hai người:

            - Em đã sang Âu châu nhiều lần, hãy kể cho anh thêm một nơi chốn đáng thăm.

            Chieko linh hoạt trở lại:

            - Anh không hỏi khéo em quên. Ðịnh khuyên anh nếu chưa thăm Hi-lạp thì kỳ sau qua Âu châu đừng quên dành chút thì giờ cho cái xứ cũ kỹ này. Bảo tàng viện Acropolis và những di tích lịch sử như vệ thành Nhã-điển, đền Parthenon v.v. đều đáng ghé chân, nhưng cái chỗ mà em lấy làm thú vị nhất và muốn mách cho anh lại không ở trên đất liền. Thực ra, chắc anh cũng đã biết ít nhiều về các nhóm đảo ở vùng biển Aegean ngoài khơi Hi-lạp. Em nhớ mãi buổi trưa nằm trên boong chiếc du thuyền thả neo giữa cái vịnh nhỏ khuất nẻo trong nhóm Cyclades. Trời xanh trong vắt, biển xanh biếc, và nắng vàng rực rỡ chan hòa. Chao ơi, ánh nắng hôm đó sao mà sáng đến như thế, sáng choáng ngợp, sáng soi mồn một từng cánh buồm li ti tận chân trời. Nắng ngập không gian, nắng len lỏi vào khắp mọi ngóc ngách, tưởng chừng như không thể chui vào đâu mà trốn được nắng. Nhìn về đảo, cảnh trí thêm màu vàng nâu của đất và màu trắng của nhà. Nhà ở đây xây cùng một kiểu và sơn toàn trắng, từ xa trông giống như những cục gỗ trẻ em chơi để lăn lóc trên sườn đồi. Gần như không có cây. Xanh, vàng, trắng ngự trị trong một thế giới tinh khiết và trơ trụi lạ lùng mà không trơ trẽn. Em chưa từng thấy biển nơi nào có cảnh tương tự như vậy.

*           

  Nhạc dứt đã lâu. Họ nằm im lặng bên nhau. Nghiêng người với tay tắt đèn, luồng mắt y chạm phải chiếc hộp gỗ đặt trên khay trà. Chiếc hộp sơn mài nhỏ ngộ nghĩnh, có hai tầng và quai xách, đựng những chiếc kẹo bánh tí hon. Của Chieko. Mẹ nàng bên Nhật gửi qua chẳng biết vào dịp gì. Nàng đã biếu y vì biết y thích những món đồ chơi nho nhỏ.

            Khi nhận chiếc hộp xinh xắn, y chế giễu:

            - Mẹ cưng em lắm phải không? Lớn rồi mà đi đâu cũng gửi quà.

            Chieko thở dài:

            - Mẹ em hay lo quá, anh ơi. Thư nào mẹ cũng nhắc em chuyện chồng con.

            Y bông đùa:

            - Thế công chúa còn đợi gì mà chưa gieo cầu?

            Nàng cúi mặt:

            - Em đâu dám mơ ước cao xa, nhưng lấy người mình không yêu rồi sống gò bó theo khuôn khổ không hợp với bản chất mình, mới nghĩ thoáng mà em đã nản. Bên em xã hội chỉ Âu hóa phần nào ở mặt ngoài, chứ vai trò của phụ nữ trong gia đình thì căn bản không khác xưa mấy đâu anh. Ðàn bà vẫn trách nhiệm hoàn toàn mọi việc nhà, ấy là chưa kể nếu phải sống với bố mẹ chồng thì còn thêm bao nhẫn nhục. Em không nói thế là sai hay dở. Nhiều cô bạn em đã lập gia đình và đang sống hạnh phúc. Họ khuyên em nghĩ lại, bảo em trách nhiệm cũng là uy quyền đấy, họ được tự do mua sắm đủ thứ. Em không biết. Ðược dịp đi đây đó, em cũng đã nghĩ đến chuyện lấy chồng da trắng, nhưng đôi lần thử tìm hiểu đều thấy họ xa lạ quá sức. Làm bạn thì dễ, chứ ở đời với nhau, khó lắm đấy anh.

            Y định pha trò:

            - Thế còn da vàng nhược tiểu sống lìa quê hương, lai căng mất gốc, thì em nghĩ sao?

            Nhưng y kịp nhận ra vẻ nghiêm trang thành khẩn trên nét mặt Chieko. Người bạn gái của y, một bậc thầy trong cái nghiệp lang thang, đang đăm chiêu về tương lai vô định. Có người con gái nào tuổi ấy mà không khỏi ít nhiều băn khoăn về những năm tháng xuân tàn không còn quá xa xăm. Câu hỏi kém thành thật của y nếu lỡ thốt nên lời hẳn thành câu đùa nhả. Tuy nhiên, chỉ giây lát, Chieko đã ra khỏi cơn tư lự hiếm hoi: “Anh biết không,” giọng nàng bỗng hào hứng, “mẹ em hứa khi nào em lấy chồng mẹ sẽ may cho chiếc kimono thật đẹp. Thứ cầu kỳ những hàng mấy nghìn đô cơ đấy”.

            Chieko đã đưa y xem ảnh gia đình. Bố nàng xấp xỉ bảy mươi, mẹ nàng ngoại lục tuần. Trong ảnh cụ mặc Âu phục chỉnh tề, mắt đeo kính trắng bờ gọng phía trên màu sẫm, kiểu gọng ưa thích của người Á Ðông lớn tuổi; nom cụ quắc thước, nghiêm nghị. Cụ bà mảnh mai, đỏm đáng trong chiếc kimono màu sắc thanh nhã, nét mặt phảng phất giống Chieko. Chieko là con út, từ nhỏ rất thân với mẹ. Nàng kể: “Mẹ em có mỗi mình em là con gái nên chiều chuộng hết sức, muốn gì cũng cho. Mẹ săn sóc kỹ quá, lắm lúc em đâm ngượng với người ngoài. Hồi nhỏ đi học, em nổi tiếng vì luôn luôn có hộp đồ ăn trưa hấp dẫn nhất lớp. Ðến bữa, mấy con bạn em hay xúm lại đợi em mở hộp xem hôm nay mẹ bới đem theo cho những món gì, rồi đòi trao đổi, mà gần như bao giờ chúng nó cũng được lãi. Tội nghiệp, mẹ biết em thích ăn rong biển ép sấy khô, nên chẳng bữa nào mẹ quên sắp thêm vào hộp ba bốn tấm rong nướng loại thật ngon. Sau này em lớn lên đi làm, thế mà mẹ vẫn tiếp tục bới cơm cho. Có hôm bạn bè rủ nhau đi ăn tiệm, xong về sở giở hộp cơm của mẹ ra xem, suýt soa tiếc rẻ. Bây giờ xa nhà, thỉnh thoảng ngồi ăn trưa một mình giữa đám đông, nghĩ đến mẹ hai thứ tóc, nhớ và thương không biết ngần nào, anh ạ”.

            - Trời mưa, chắc em nhớ mẹ và thèm rong biển nướng phải không?

            Nàng bỡ ngỡ, rồi phá lên cười:

            - Ðúng nửa đầu thôi. Nhớ mẹ và thèm sasamogi!

            Y tán thưởng:

            - Hay đấy. Giá lúc này có sasamogi.

 

*

 

            Sasamogi là quà ngọt làm bằng đậu đỏ của người Nhật. Ðậu đỏ ở Nhật phổ biến như đậu xanh ở Việt Nam.

            Chủ nhật trước, hai người lên Tiểu Ðông Kinh ở Los Angeles ăn sushi. Ra khỏi quán, đang thơ thẩn hóng mát, chợt Chieko như sực nhớ điều gì, quay sang dặn y đứng đợi nàng vài phút, rồi nhanh nhẹn bước vào cửa một siêu thị Nhật gần bên. Lát sau, nàng trở ra, tay cầm bao giấy nhỏ. Nhoẻn cười, nàng bảo: “Có quà cho anh”. Trong bao là một xâu những gói lá buột lạt nho nhỏ. Chieko bóc một gói: “Anh ăn thử xem thế nào”. Chiếc bánh chỉ lớn hơn ngón tay cái một tí, vỏ mỏng màu xanh đậm, nhai dẻo, hơi sậm sựt, ruột là đậu đỏ nấu nhừ giã dối, ăn bùi. Y chưa nếm món quà đậu đỏ Nhật nào ngon hơn. Nhưng thú vị nhất là ở gặp gỡ bất ngờ giữa hai nền văn hóa. Không kể kích cỡ, lá gói, loại đậu làm nhân, sasamogi rất giống món bánh gai ở quê y. Ðem so với khoảng cách vời vợi giữa hai quan niệm ẩm thực Việt và Nhật nói chung, cái gần nhau này hãn hữu.

            Nghe y khen không tiếc lời, Chieko hớn hở:

            - Ngon tuyệt anh nhỉ! Mà em cũng mới tìm ra chỗ mua được mấy tháng nay thôi. Hôm nọ lăng quăng trong chợ tình cờ trông thấy, em mừng quýnh. Ðâu ngờ ở đây có bán. Lúc mang ra quầy trả tiền, em hỏi thăm cô thu ngân, thì ra đến cái tên gọi của nó cô ấy cũng chẳng biết.

            Y tò mò:

            - Sasamogi đặc biệt vậy sao?

            Chieko cười hồn nhiên:

            - Vâng, đối với em. Vì quê em có tiếng về loại bánh này và ngày xưa mẹ em hay làm. Mẹ nấu nướng khéo tay, làm món sasamogi tuyệt vời, ngon gấp mấy ngoài tiệm đó anh. Lâu ngày, gặp lại ở nơi xa lạ, em cảm động...

            Giọng nàng đã nhóm lên mang mang sầu viễn xứ.

 

*

 

            Trong ánh sáng mờ, Chieko nằm nhắm mắt, nhưng y biết nàng chưa ngủ. Ôm bờ vai tròn nhỏ của chiếc thân thể mềm mại, y nghĩ vẩn vơ. Tự dưng y muốn trông thấy nàng mặc chiếc kimono ngày cưới mà mắt cứ nhắm nghiền như thế, giả mù. Người Nhật hay đóng vai mù. Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, em bé mù lắc lư đầu theo nhịp đàn samisen của mẹ khi hai mẹ con hát dạo xin tiền, thiếu nữ mù sờ mặt người chị mà biết chị mình đang nghĩ đến ý trung nhân... Toàn vai tuyệt khéo. Trong ngày cưới Chieko của y sẽ nhắm mắt cho đến khi được hôn vào môi, để lúc ấy sẽ mở bừng mắt ra mà cười một nụ rất tươi, chào đón đoạn đời mới sắp bắt đầu. Tự dưng y nhớ hình ảnh cặp vợ chồng nọ trong một cái quảng cáo trên kênh truyền hình Nhật. Người chồng ôm nồi cơm điện, người vợ trên tay giữ chiếc bình nấu nước tự động. Hai thứ vật dụng căn bản trong một gia đình Á Ðông. Hình ảnh đầm ấm quá. Ðêm nay y thèm một chén trà nóng do người vợ hiền thục đảm đang pha và đưa tận tay chồng. Và tự dưng y thấy bớt xôn xao về những cuộc viễn du còn nằm trong trí tưởng tượng, còn đang đợi điều nghiên, còn loay hoay tìm ngân sách. “Cơm Tàu, vợ Nhật, nhà Tây”. Tại sao không? Mà cánh chim trời phóng khoáng kia biết đâu cũng đã thấm mệt, sẵn sàng đậu xuống chiếc tổ ấm, chấp nhận đôi điều ràng buộc để đánh đổi lấy chỗ nương tựa tương lai. Y muốn khẽ lay Chieko mà bảo nàng hãy hủy chuyến đi ngày mai, hay ít ra hoãn lại chờ y thu xếp để đi cùng.

            “... ở đời với nhau, khó lắm đấy anh”. Giọng nàng nhỏ xuống, tỉ tê. Y nhớ. Và vì thế y không cho phép mình mở miệng nói với nàng câu gắn bó khi chính trái tim y còn đôi phần lưỡng lự.

            Y đã rất cảm tình với người con gái vừa bản lĩnh vừa mềm mỏng ôn tồn này. Mềm mỏng đây không là giả dối, mà biểu hiện nghị lực hơn người, quân bình cân não, và cả truyền thống văn hóa Đông phương. Nắm tay một bạn đồng hành cứng cáp như thế, bước hẳn vững vàng...

            Mưa rơi đều trở lại không biết từ lúc nào. Hai kẻ tha hương cận kề chăn gối, nhưng hai nỗi lòng trăn trở đối với nhau vẫn bí ẩn mênh mông. Y ước ao được nói với nàng mấy câu tình cảm bằng tiếng mẹ đẻ. Có những điều không thể chia sẻ bằng thứ ngôn ngữ tạm dùng mà thanh âm chẳng gây được chút rung cảm nào nơi người nói lẫn người nghe. Y cũng muốn nói với nàng rằng trời mưa lạnh thế này nằm trong chăn ấm có ngô nướng thơm phức để lẩy từng hạt nhâm nhi thì tuyệt, rằng y đang nghĩ đến mấy câu thơ về đêm mưa thật hay của một thi sĩ nước y. Giản đơn hay phức tạp, y biết những ý lan man ấy không có mấy hy vọng được cảm thông. Thói quen ăn uống, tình yêu tiếng nói dân tộc. Y không khỏi lấy làm phiền những hành lý bất khả ly thân của mình. Chúng là những trọng lượng vô hình mà sức trì kéo đã loại đi hầu hết lựa chọn. Không, y đã lìa nơi chôn nhau cắt rốn quá muộn để có thể thực sự xóa bỏ mọi biên giới quốc gia, vượt qua mọi phân chia văn hóa, để có thể chấp nhận và được chấp nhận bởi một người vợ không phải là người Việt Nam. Chieko chắc cũng thế. Lòng nàng bây giờ có lẽ không có bao nhiêu náo nức về cuộc viễn du sắp tới mà đang ngập tràn bâng khuâng hoài niệm về đất mẹ xa xôi. Y không thể mường tượng nàng đang nghĩ gì.

(Nguồn: Tạp chí NV&TP- Hội nhà văn)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *