Tác phẩm và dư luận

5/3
4:53 PM 2019

TỪ NGUYÊN MẪU ĐẾN NHÂN VẬT- NHÂN VẬT “VƯỜN MARIA” VÀ SỐ PHẬN CỦA HỌ

NGUYỄN VĂN THỌ- Tôi đến nước Đức được hai năm thì nước này thống nhất. Rồi tôi thất nghiệp, khi nhà máy Cộng hoà dân chủ Đức được bán cho Ấn Độ. Cùng với tôi, hơn bốn nghìn công nhân Đức, Cu Ba, Triều Tiên đã không có việc làm, dù là nhà máy chúng tôi trong trung tâm sản xuất vi điện tử cho máy bay một liên hợp rất quan trọng của Cộng hoà dân chủ Đức.

Thành phố Teltow nơi tôi ở là thành phố nhỏ vệ tinh của Berlin, nơi có hơn hai vạn dân, nhưng con số thất nghiệp sau khi nước Đức thống nhất chiếm hầu hết trong số cư dân còn ở tuổi lao động. Chúng tôi những người thợ khách Việt Nam hết nhiệm vụ hợp tác lao động liều mình ở lại thì cũng một phen liều lĩnh ra đường phố bán hàng, mưu sinh qua ngày, còn những người Đức thì không thể linh hoạt. Vì vậy cảnh nhiều người Đức ở độ tuổi năm mươi, sáu mươi do thất nghiệp nên chán chường, tụ tập bia rượu trước cửa các siêu thị là phổ biến.

Đấy là thời điểm tôi quen vợ chồng chị Maria.

Maria đã lớn tuổi, lại yếu đau nên thất nghiệp đầu tiên. Rồi sau này đến lượt chồng chị, một kĩ sư cũng thất nghiệp. Gia đình họ không có con, sống trong một block nhìn xuống nơi tôi bán hàng. Vì thế Maria hay ra quầy bán quần áo của tôi để mua những thứ hàng hóa rẻ tiền.

Rồi chúng tôi thân nhau. Maria hay mang tới cho hai vợ chồng tôi táo, mận, anh đào, nho, rau mà chị khoe là tự trồng ở nhà vườn. Ở Đức sản phẩm sạch rất đắt. Vợ chồng Maria có thể mang các sản phẩm này tới chợ cuối tuần bán và họ sẽ có thêm nhiều tiền. Nhưng họ không mang bán mà cung cấp đều đặn cả rau và quả đủ ăn trong suốt mùa hè cho chúng tôi, điều này chứng tỏ gia đình chị rất yêu mến vợ chồng gia đình một người Việt.

Mùa hạ năm ấy, tôi được tới khu nhà vườn của vợ chồng Maria. Tôi và vợ ngạc nhiên vô cùng khi tới thăm mảnh vườn. Lại một ngôi nhà rất xinh xắn chìm trong vườn xanh trĩu trịt hoa quả. Cứ như là một xứ sở thần tiên. Nó cũng rất thơ mộng cả khi mùa đông về, khi tụi tôi ngồi trên ghế xích đu uống bia, rượu vang hâm nóng và ăn xúc xích nướng ngắm tuyết lất phất rơi trải một tấm thảm bông xuống thềm vườn. Rất đẹp. Vợ chồng Maria rất vui khi cuối tuần nào tụi tôi cũng tới khu vườn ấy. Cả hai đều rất tự hào và yêu quý khu nhà vườn của họ.

Tetow là một trong cửa ngõ vào Berlin về phía đông. Trong Thế chiến II, đây là nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt khi Hồng quân tiến đánh vào Berlin. Cũng là nơi trước đó, do có một số nhà máy quân sự quan trọng của Hitler ở đây, nên máy bay Đồng minh cũng đã ném bom nhiều lần. Vì thế, hầu như các khu nhà ở, bao gồm cả nhà chủ cũ vườn Maria đều đã từng diễn ra nhiều trận đánh hủy diệt. Thành phố hầu như tan thành tro bụi. Chính trên nền đất hoang tàn ấy, khi nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức ra đời, người dân Đông Đức đã được chia những lô đất để xây nhà ở, hay nhà vườn, kiến tạo lại thành phố. Maria nguyên là dân nhập cư sau Thế chiến II. Chị là người gốc Rumani, do chiến tranh nên li tán, trôi dạt trong dòng người mà cha mẹ họ bị lùa tới Đức làm việc. Chiến tranh chấm dứt thì chị lấy chồng Đức và quyết định ở lại nước này với chồng.

Người châu Âu có thú chơi chó, chơi xe, nhưng quan trọng với họ hơn cả là nhà vườn. Hầu như nhà nào cũng có một mảnh vườn nhỏ để sinh hoạt nghỉ ngơi cuối tuần, tránh xa sự bí bách trong nhà hộp khu phố đông đúc. Đó là nhu cầu tất yếu của những nước công nghiệp phát triển. Nhiều người châu Âu, chứ không riêng gì vợ chồng Maria, từ trong đổ nát đã đầu tư vào nhà vườn, tạo ra một nơi sống rất lí tưởng trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Chính phủ Cộng hoà dân chủ Đức rất chú ý nguyện vọng, tâm lí này của nhân dân, nên giá thuê đất hay mua cũng rất rẻ, ví dụ như mảnh nhà vườn Maria rộng tới hơn ba trăm mét mà chỉ thuê với giá ba mươi lăm mác Đức một năm. Suốt hơn ba mươi lăm năm gia đình anh chị đã biến nơi toàn đá gạch thành một mảnh vườn đủ cây ăn trái, hoa, rau củ quả các loại.

Nhưng thời kì đẹp đẽ của gia đình Maria không tồn tại lâu sau khi Đức thống nhất. Nhiều chủ đất cũ, những chủ nhân cũ từ Tây Đức trở lại đòi đất đai của gia đình hay tổ tiên họ.

Theo luật pháp nước Đức, khi nước này thống nhất, những chủ đất cũ được phép đòi lại đất xưa của họ khi Thế chiến II kết thúc họ di tản sang phía Tây. Ở Đức không chỉ riêng nhà Maria rơi vào hoàn cảnh vậy. Nhà của trưởng phòng bảo vệ nhà máy cũ Lotha của tôi - một biệt thự trong một khu rừng - và nhiều nhà vườn khác đều bị chủ cũ tới đòi. Tất cả phải trả lại nhà và đất cũ, nơi họ, những cư dân Đông Đức, đã cả đời biến nó thành ước mơ, chợt một ngày tan biến.

Vợ chồng Maria rất buồn, trải qua quá trình tranh chấp họ gần như suy sụp. Maria ốm gần một tháng. Rồi mọi sự cũng phải thực hiện theo quyết định của tòa án.

Suốt quá trình ấy tôi đều chứng kiến cả niềm hạnh phúc lẫn đau khổ của họ. Tôi càng thương Maria hơn khi biết rõ chị cũng tha hương như tôi và chính điều này tạo nên sự gắn kết giữa chúng tôi.

Sự kiện mà bản thân nó mang tính khái quát, mang tính biểu tượng này khiến tôi xúc động, trăn trở nghĩ suy. Tôi tựa vào câu chuyện có thật ấy, dựng nên truyện ngắn Vườn Maria. Sự thật quanh ngôi nhà ấy đơn giản, tôi lắp ghép nhiều số phận khác mà mình tận mắt nhìn, tận tai nghe, để tạo ra được nhân vật Maria hoàn chỉnh. Cả nhân vật Maria lẫn người dẫn chuyện, sự cứng nhắc của người Đức - chủ vườn cũ - với thói khôn vặt của người Việt, đã được nhấn mạnh ở chi tiết tảng đá trong vườn Maria.

Nhưng điều quan trọng nhất là Vườn Maria đã phản ánh tính hai mặt của một biến động chính trị. Thế chiến II đã làm thay đổi nhiều số phận con người toàn châu Âu và sự kiện nước Đức chia cắt rồi thống nhất đều cùng làm thay đổi số phận nhiều con người Đông và Tây Đức. Cái được và mất chỉ là tương đối của toàn dân tộc nào đó, khi mọi sự thay đổi về thể chế lại mang buồn đau cho một bộ phận nào đó trong xã hội đang bị xáo trộn. Mà thế giới bấy nay chưa khi nào ổn định!

Truyện ngắn Vườn Maria ra đời được in ở Việt Nam và ở cả các báo chí hải ngoại tiếng Việt. Truyện in ra, tôi mang tới tặng vợ chồng chị Maria và tóm tắt toàn bộ truyện ấy cho vợ chồng chị nghe. Maria lại khóc.

Mùa hè năm ấy vợ chồng Maria đột ngột đi Hungari. Thì ra ước vọng có một mảnh vườn vẫn cháy bỏng không thôi và tuy được ít tiền đền bù và tiết kiệm, vợ chồng chị vẫn không đủ tiền mua một ngôi nhà có vườn ở thành phố chúng tôi đang sống ấy. Chuyện là, Thế chiến II làm châu Âu tan nát. Dân làng của chị ở Rumani bị tụi Đức bắt sang Hungari làm việc. Sau nhiều năm tìm kiếm chị đã nhận ra đồng tộc, vợ chồng chị quyết định sang Hungari, nơi có vài gia đình họ hàng Rumani của Maria đang sống, và mua một ngôi nhà có vườn. Rồi họ đi về giữa Hungari và Đức nhiều lần hơn. Mỗi chuyến từ Đức sang lại chở theo bao dụng cụ, máy móc như máy cắt cỏ, máy lạnh, bát đĩa. Một lần Maria quay lại Đức chữa bệnh tìm tới tôi, lại buồn rầu nói với tôi, rằng cô rất buồn khi người làng nơi cô sống cứ nghĩ cô ở Đức rất giàu nên đều đến hỏi vay tiền. Không có tiền cho họ hàng vay họ rất tức giận. Maria buồn rầu kể: “Lần nào sang Hungari, tôi cũng mua chút quà cho khắp làng, nên họ nghĩ chúng tôi ở Đức rất giàu”.

Tôi chạnh nghĩ tới quê tôi. Đất đai khi ấy ở Việt Nam cũng rất rẻ. Sự việc diễn ra y như mỗi khi tôi về thăm nhà Việt Nam. Tôi nhớ nhiều chuyến thăm quê. Hàng vali quà cáp nho nhỏ cho bao người. Gặp ai túng thiếu cũng có ít nhiều tiền đô la giúp đỡ. Có lẽ vì thế bạn bè và cả người nhà tôi hay nghĩ ở Đức kiếm tiền dễ lắm, ít ai hiểu cho rằng người Việt tụi tôi dầm chân trong băng giá để kiếm tiền mỗi ngày.

Rồi một lần, Maria lại than thở với tôi, rằng kì hè vừa qua do không có ai giúp đỡ trông nom ngôi nhà của chị ở bên Hungari, nên kẻ trộm đã vào nhà, lấy hết các trang thiết bị, kể cả bát đĩa, máy móc. Thêm một lần nữa vợ chồng chị lại phải đi mua tủ lạnh, máy giặt cũ, vì họ đâu có tiền nữa, để mang sang ngôi nhà họ đã trót mua bên Hungari.

Năm tháng trôi đi, họ đều già yếu nên ít khi quay lại Đức, để một ngày cách đây bảy, tám năm, tôi nghe tin Maria đã mất. Rồi không thể sống cô đơn bên đó, chồng Maria đành quay lại Đức, cho không đi ngôi nhà có vườn ở bên Hungari. Tôi nghe nói, anh mất sau đó trong căn hộ ở thành phố cũ mà không ai biết, khi có người biết thì xác đã phân hủy.

Như vậy hậu Vườn Maria bi thảm hơn! Cuộc sống vốn khốc liệt hơn nhiều lần câu chuyện ta lắp ghép hay cố tưởng tượng. Đôi khi nhớ tới vợ chồng người bạn ấy, tôi cảm giác như còn mắc họ một món nợ...

N.V.T

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *