ĐÍCH NGẮM CỦA VLADIMIR NABOKOV TRONG LOLITA
“Lolita” – cuốn tiểu thuyết mang tên một cô gái chưa tới tuổi thành niên của ông gây nên những ý kiến đánh giá trái chiều của nhiều nhà phê bình uy tín. Cuốn tiểu thuyết này đã được trao tặng Giải thưởng Nobel Văn học năm 2011. Sách đã được dịch giả Dương Tường chuyển ngữ và Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Nhã Nam ấn hành năm 2012. Ba năm sau sách được tái bản với phần hiệu chỉnh công phu của An Lý.
V.Nabokov, một người Nga lưu vong tại Mỹ đã bắt đầu ngày mới của mình trong trạng thái hoàn toàn hợp cảnh hợp người với một bài hát của nữ nhạc sỹ Xô Viết Pakhmutova. Lời bài hát như sau:
Hãy biết học cách đợi
Hãy bình tĩnh và bướng bỉnh
Để đôi khi từ cuộc đời sẽ nhận được niềm vui
Từ những dòng điện tín ít chữ.
Và đây là nội dung của bức điện đầu tiên: “Hiện đã có 300 người muốn mua sách. Chúc mừng!”. Bức điện thứ 2: “Lúc sáng là 300, 3 tiếng sau là 1.400”. Còn bức điện thứ 3 đến sau bữa cơm trưa: “Hơn 2.600 người đã đặt mua sách”.
Người nhận ba bức điện này là nhà văn Vladimir Nabokov, tác giả mà cuốn tiểu thuyết Lolita mà vào sáng hôm đó đã xuất hiện ở các hiệu sách. Có thể coi những bức điện “ít chữ” kia chỉ là một thủ tục giấy tờ. Trên thực tế sách bán chạy hơn nhiều. Doanh số hứa hẹn cho nhà văn và cái gia đình sống dưới mức nghèo khổ của ông một sự bảo đảm sung túc cho tới hết cuộc đời. Bản thân tiểu thuyết Lolita dường như trở thành một cuốn sách quan trọng nhất của nước Mỹ. Một thời gian dài tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của nữ văn sỹ Margaret Mitchell đã được thiên hạ coi như cuốn sách thành công nhất ở mọi thời đại, của mọi dân tộc với 100 ngàn ấn bản được bán hết ngay trong tuần lễ đầu tiên sách mới ra quầy. Cuốn Lolita của nhà văn Nga lưu vong, tính riêng về phương diện phát hành thôi, còn đạt kỷ lục hơn thế. Nhưng Vladimir Nabokov đã biểu hiện một sự bình thản đến ngạc nhiên trước thành công của Lolita. Những dòng nhật ký của vợ nhà văn đã nói lên điều đó: “Ông ấy hết sức thờ ơ, tiếp tục những trang viết dang dở”. Nhưng ẩn náu phía bên trong vẻ lạnh lùng ấy là một sự cháy bỏng. “Phải học lấy cách biết đợi”. “Phải chờ đợi một cách bướng bỉnh”. “Một kết quả không ngờ - Nabokov viết cho bà chị của mình - Nhưng đáng buồn vì đáng lẽ mọi điều phải xẩy ra từ 30 năm về trước!”. Đáng lẽ ra phải như vậy. Không cần tranh cãi gì về điều này. Thôi, không nói tới 30 năm nữa, ít nhất cũng là 20 năm. Vào năm 1938, Vladimir Nabokovđã kết thúc và cho công bố Quà tặng - cuốn tiểu thuyết hoành tráng, độc đáo của ông. Không phải vô cớ nhà văn Vladislav Hodasevich đã có những dòng nhận xét về Quà tặng như thế này: “Trong tác phẩm, tác giả dường như đã quá phung phí. Đôi khi, trong một câu thôi người viết chứa chất một nội dung hết sức phong phú, đậm đặc mà một người viết khác tiết kiệm hơn hoặc kém tài hơn có thể triển khai thành cả một truyện ngắn”. Quả là những lời vàng! Bởi vì chính trong Quà tặng có thể nhận ra mầm đọt dự định tương lai của tiểu thuyết Lolita. Theo ý kiến của nhiều người Quà tặng là cái gốc để sau này nẩy sinh ra tiểu thuyết Lolita: Nabokov phác họa trong sổ tay: “Ôi, nêu giả như mình có thời giờ, mình sẽ khua bút viết một cuốn tiểu thuyết như thế… Từ chuyện đời có thật. Bạn hãy hình dung ra câu chuyện này nhé: Một chú chó già, tuy vậy vẫn còn thòm thèm, còn hừng hực, còn khát khao hạnh phúc. Con chó già ấy làm quen với một góa phụ. Bà góa này có một cô con gái - hoàn toàn còn là một bé gái. Bạn hình dung ra không, một cô bé còn ngây thơ, mọi thứ còn chưa hình thành; chơi đùa, đi lại như trong mơ. Một cô bé mặt trắng như sáp nặn, vô lo vô nghĩ với đôi mắt biếc xanh và không biết sợ hãi điều gì. Tiếp theo ra sao? Không suy nghĩ gì nhiều, chó già kết hôn với bà góa. Tốt thôi! Và ba người sống chung. Từ đây có thể kéo câu chuyện ra mọi hướng: những thứ bịa đặt lăng nhăng; một cái kết thúc theo lối xưa cũ, một niềm hạnh phúc không có thật… Nói chung là tất cả đều có thể. Thời gian trôi nhanh vun vút. Gã đàn ông già đi, còn cô bé bước vào tuổi xuân thì, gì chẳng được. Bỏ qua mọi cái nhìn khinh bỉ! Sao đây, có cảm nhận ra một bi kịch theo kiểu Dostoievsky không? Câu chuyện này, liệu bạn có tin không, đã xẩy ra với một người bạn lớn tuổi của tôi, tại một số vương quốc, tại một số nền thống trị, trong thời đại Sa hoàng nào đó.
Thời buổi nào nhỉ?”
“Thời buổi nào nhỉ?”. Với câu hỏi này có một số đáp án. Xây dựng cốt truyện với quan niệm hoàn toàn thực dụng - Tuyệt vời! Với quan điểm đạo đức và luân lý - đề tài dễ tuột trôi. Và với quan điểm trình diễn… Liệu cơm gắp mắm. Vấn đề đối với Nabokov chỉ là thiếu thời giờ. Với một sự uyên bác, trong những nỗi lực cao độ và một năng lực phải kiềm nén, nhà văn có thể viết ra rất nhanh một cuốn sách, để dễ dàng bị một người đàn bà Nga lưu vong - Ksenhia Denikina thét lên căm giận: “Cuốn sách này sẽ gây ra một căn bệnh xã hội. Không chỉ người lớn, mà ngay cả con trẻ cũng có thể mua và đọc nó. Sách sẽ đầu độc bọn trẻ ở mọi lúc mọi nơi khi khuấy lên những dục vọng thấp hèn. Bất kỳ một xã hội có văn hóa nào cũng cần phải lên tiếng và sẽ mãi phải lên tiếng với một thứ văn chương sexy mang toàn bộ chất độc hại y như một thứ ma túy về mặt tinh thần, đạo lý! ”.
Cuốn sách như bà Ksenhia Denikina cho là như thế có thể viết xong trong một tháng, đọc xong trong một ngày và quên ngay trong một tuần! Nhiều nhà phê bình cũng biết là vậy nên họ đặt cho Lolita một định nghĩa xuẩn ngốc - “Sexy một cách cao cấp”! Họ nhắm mắt làm ngơ hay sao khi trong Lolita Nabokov đã gửi gắm biết bao suy ngẫm triết học, những sự mai mỉa, những giằng sé nội tâm… chứ đâu phải là sự mơn trớn, ngọt ngào, những thú kích động tình dục.
Vladimir Nabokov đã trăn trở, suy nghĩ rất lâu cho ngần ấy trang Lolita đâu phải để đạt tới cái đích kiếm tiền bằng trò chơi con heo. Không, quả là nhà văn suy nghĩ rất lâu nhưng vì một lý lẽ khác. Và điều này tạo nên thành công chấn động: cả về phương diện tiền bạc lẫn văn chương!
Nabokov đã suy nghĩ và suy nghĩ kỹ để “một số vương quốc kia” để cho hiện ra trên trang giấy một thế giới thật sinh sắc, sống động; tạo hẳn ra một cuốn sử theo kiểu nhào nặn của mình. Ông viết vừa vội vã vừa kiên nhẫn. Ông làm việc một cách trung thực và thận trọng, hệt như một người đang chăm chắm nghiên cứu một đối tượng. Tất cả điều này còn lại ở những ghi chép của nhà văn. Trong những trang ghi chép ấy là những thí dụ chính xác và cụ thể về hành vi, cách khu xử của lớp thanh thiếu niên Mỹ. Kể cả từ những biểu hiện thoáng chợt lẫn những biến đổi tính tình, yêu ghét qua thời gian. Những sự biến đổi ấy xẩy ra ở nhà trước sự chứng kiến của cha mẹ và xẩy ra tại trường học. Riêng với học đường tình hình còn tệ hại hơn. Để yên thân, các bậc cha mẹ sẵn sang giao phó các cô con gái non nớt cho nhà trường thỏa sức răn đe, dạy dỗ. Thậm chí các bậc cha mẹ còn không hề dấu diếm gì ông hiệu trường và các giáo viên những yếu kém, khờ dại của các cô bé mình dứt ruột đẻ ra…
Không có gì khó hiểu trong thời gian viết những trang Lolita Nabokov đã cố ý đi lại bằng xe ôtô buýt. Bởi ông muốn lắng nghe những cuộc trò chuyện để hiểu được yêu ghét, sở thích, vui buồn của đám thanh thiếu niên Mỹ. “Xưa kia tôi đã bỏ ra tới 40 năm để suy ngẫm về nước Nga và Tây Âu. Còn bây giờ tôi cần phải ngẫm nghĩ về nước Mỹ” - Vladimir Nabokov đã ghi những dòng này vào một thời điểm nào đó, trong suốt 5 năm ông viết Lolita. Ông đã giành thời gian quan sát và nghĩ ngợi về nước Mỹ với số năm tháng lớn hơn rất nhiều số tuổi của nữ nhân vật chính. Và hoàn toàn không phải vô ích! Bởi thế nhà văn đã hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc.
Và thành công của Lolita là ở chỗ này, chứ tuyệt nhiên không phải ở “sự khiêu khích xã hội” hoặc “ý muốn khêu gợi dục tính” để sách bán chạy…
TÔ HOÀNG (theo báo Luận chứng và Sự kiện, LB Nga)
Nguồn: Báo Văn Nghệ