Tác phẩm đạt giải tiểu thuyết lần thứ IV: “Đốt trúc” của Nguyễn Đắc Như (tiếp theo và hết)
19. Từ Song Yên đến SYC
Một buổi sáng mùa đông, sau khi đánh trống kết thúc giờ ra chơi cho học sinh vào lớp, ông Nguyên thấy trong người không được khỏe mới vào ngồi nghỉ trên chiếc ghế cạnh cửa sổ phòng thường trực. Nhìn ra khoảng không gian mênh mông vắng lặng bên ngoài, chỉ thấy lác đác những chiếc lá bàng úa đỏ nằm trên mặt sân trường, một niềm vui vô cớ bỗng lướt qua suy nghĩ ông. Cũng mảnh sân này, ông bắt đầu một cuộc đời mới. Cũng từ mảnh sân này ông gặp được người con trai mà nay đã trở thành ruột thịt, trở thành một phần cuộc sống không thể tách rời của ông. Ông thầm cảm ơn số phận đã cho gặp Cường để từ đấy ông mới có một mái ấm gia đình, có người vợ hiền thảo tâm đầu ý hợp sẻ chia. Có những lúc trong lòng ông chợt xuất hiện một khoảng trống thảng thốt, nếu như không gặp được Cường thì cuộc đời mình rồi sẽ ra sao? Và chính những khoảng trống vô cớ bất chợt ấy lướt qua, đã như một sự nhắc nhở về cái hạnh phúc êm ả và bình dị ông đang có, để rồi một cảm nhận ấm lòng vững dạ luôn quay về sưởi ấm trái tim ông.
Thấm thoắt Cường sang Liên Xô đã được hơn ba năm rưỡi. Những ngày đầu thời gian trôi đi thấy chậm chạp quá, ông nhẩm đếm từng ngày mà mãi chưa đầy một tháng. Rồi một hôm ông nói với vợ: “Con đi lâu thế mà mới được một tháng mình ạ!”. Vào lần khác ông lại bảo: “Thấm thoắt đã nửa năm con xa nhà rồi, thời gian đi nhanh thật đấy!”. Bà bảo: “Vâng, nửa năm rồi mà vẫn chưa quen, nhiều lúc em vẫn tưởng như con đang làm trên Nam Bình, vài chủ nhật về nhà một lần, lần nào cũng có quà cho bố mẹ”. Nghe vợ nói ông thấy thương đến xót xa trong lòng. Kể ra Cường đã có vợ có con thì những lúc nó đi xa thế này mẹ Lan sẽ khuây khỏa biết bao nhiêu. Giá như hồi ấy nó bằng lòng lấy cô Lý thì ông bà giờ đã có cháu bế. Cô Lý sau đấy nửa năm mới lấy chồng mà con nay đã hai tuổi rồi còn gì!..
Có một chiếc xe du lịch màu đen đỗ bên ngoài cổng, một người đàn ông đẩy cửa sau bước ra. Cường, thằng Cường con ông! Ông Nguyên chạy vội ra mở cổng:
- Cường ơi, con đã về đấy con!
Cánh cổng mở ra vừa hay Cường đã đứng sát bên cạnh, anh choàng hai tay ôm lấy bố:
- Bố, con chào bố, bố có được khỏe không?
- Nhờ trời bố mẹ vẫn được mạnh khỏe, thế còn con, trông người thế này chắc sức khỏe cũng tươm đây, thế sao lại về đột xuất mà không báo bố mẹ biết, đã gặp mẹ chưa?
- Được tin bố nhận danh hiệu lão thành cách mạng con mừng quá. Vừa hay đúng dịp nhà máy xét cấp thưởng phép cho những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền trở lên, được duyệt thưởng một tháng con vội thu xếp công việc để lên đường, thế là Tết này được ăn Tết ở nhà cho bõ nỗi nhớ. Đi xa nhớ nhà quá, nhớ không chịu nổi, bố ạ!
- Sao không về thẳng nhà mà lại phải ghé qua đây làm gì?
- Con qua nhà nhưng mẹ đi vắng, cổng khóa nên qua đây gặp bố trước.
- À đúng rồi, sáng nay mẹ lên huyện lấy thuốc. Dạo này nhiều người khám, thuốc bốc nhiều nên mẹ con hay phải lên huyện cất nguyên liệu về sơ chế.
- Bố mẹ khỏe mạnh lại có việc làm thế là con vui và hạnh phúc lắm rồi. Con biết ơn bố biết bao nhiêu!
- Bố cứ tưởng phải biết ơn con nhiều hơn mới phải, không có trận đánh nhau vỡ đầu ngày ấy thì làm sao bố có cuộc sống như ngày hôm nay.
Cường không nói thêm câu nào chỉ mỉm cười mếu máo rồi ôm ghì siết chặt vai bố lần nữa. Ông Nguyên đưa Cường chùm chìa khóa bảo con về nhà trước.
Kết thúc giờ học buổi sáng, đợi cho người cuối cùng ra về, ông Nguyên mới thu dọn phòng hiệu trưởng, phòng hội đồng, khóa cửa các lớp học gọn ghẽ đâu đấy rồi khóa cổng trường chạy ù về nhà.
Mới về đến sân đã thấy mùi thơm ngào ngạt khói hương cỗ bàn từ trong nhà bay ra, vào nhà thấy bà Lan đang sắp xếp thức ăn đồ lễ lên ban thờ. Thấy chồng về bà liền reo lên:
- Bố Cường về đúng lúc quá, vừa hay em sắp lễ xong xuôi, mình đi rửa ráy chân tay sạch sẽ rồi vào thắp hương kính báo tổ tiên mừng con trai về phép khỏe mạnh tấn tới giúp em!
- Thế con trai đâu?
- Nó mang quà sang biếu mấy nhà hàng xóm, còn quà biếu cô giáo Thà với ông Hổ con nó để riêng để bố trực tiếp mang sang, nó dặn em thế.
- Nó ăn ở đầy đặn chu đáo thế tôi thấy cảm động và hãnh diện lắm mình ạ.
- Thì giỏ nhà ai quai nhà ấy, nó là con trai mình thì nó phải đầy đặn chu đáo chứ khác làm sao được!
Ông Nguyên choàng vai vuốt tóc vợ:
- Tôi thật biết ơn mình và con trai chúng ta.
Bữa cỗ đoàn viên hôm nay có lẽ là một trong những bữa ăn hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông Nguyên. Một mái nhà ấm cúng khang trang, một người vợ dịu hiền nhân hậu, một người con trưởng thành, bản lĩnh với tình yêu thương cha mẹ lúc nào cũng bịn rịn như tình yêu con trẻ. Và bản thân ông nữa, biết bao cay đắng nhục nhằn rồi cũng qua đi, qua đi một cách êm ả như tấm lòng ông êm ả, không sân hận, không hờn oán.
Không khí ngôi nhà cổ của cặp vợ chồng già rộn rã hẳn lên khi có hơi hướng tuổi trẻ. Trên trời dưới bể, chuyện của Cường chẳng thiếu loại gì và cứ nổ như ngô rang. Chuyện sản xuất trong nhà máy, chuyện xếp hàng rồng rắn mua vét hàng mậu dịch, chuyện buôn bán đổi chác trong các ốp nhà ở người Việt, chuyện móc ngoặc đút lót moi hàng thương nghiệp quốc doanh, chuyện tích cóp gom góp hàng hóa đóng thùng gửi về nước… Câu chuyện của Cường lôi cuốn đến nỗi mọi người quên cả ăn uống. Bà Lan đã phải vài lần xuống bếp hâm lại canh măng canh miến. Bữa cơm có lúc diễn ra một chiều như buổi nghe thời sự quốc tế:
- Chưa bao giờ Matxcơva lại lộn xộn như thời gian này, biểu tình đòi trả lương đúng kỳ hạn, đòi cải thiện đời sống, đòi kiểm soát giá cả… nổ ra thường xuyên. Nhưng tình hình khủng hoảng ở các nước Đông Âu còn kinh khủng hơn. Ở Matxcơva chúng con nghe tin hàng ngày, không biết ở bên này bố mẹ có biết không, chứ liên tiếp từ những tháng cuối năm 89 vừa rồi, một loạt nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ để đi theo con đường tư bản. Thoạt đầu là Hung ga ri, tiếp theo là Ru ma ni, nhân dân nổi dậy bắn chết vợ chồng Tổng bí thư Chủ tịch nước lập chế độ dân chủ mới. Mới mấy tuần trước khi con về phép đây thôi thì lại đến lượt Ba Lan và Tiệp Khắc sụp đổ. Cộng hoà dân chủ Đức chưa sụp nhưng dân chúng nổi lên đã phá sập bức tường Bec Lin để thông thương hai miền Đông Tây. Liên Xô tuy có lộn xộn đấy nhưng là cường quốc hàng đầu, quân đội hùng mạnh, ai cũng tin chắc chẳng có vấn đề gì lắm đâu.
Bà Lan tỏ ra lo lắng hỏi con trai:
- Lộn xộn thế liệu có ảnh hưởng gì tới người Việt mình không con?
Cường an ủi bố mẹ:
- Không hề hấn gì đâu bố mẹ! Dân Liên Xô dách việc mới bỏ công ăn việc làm đi biểu tình. Nhưng biểu tình cũng có luật, chỉ được xếp hàng đi dưới lòng đường và hô khẩu hiệu, thế thôi. Ai mà có hành động bạo lực là cảnh sát còng tay cho ngay lên xe hòm kín đưa về đồn luôn. Ai biểu tình cứ biểu tình, ai làm ăn cứ làm ăn, thậm chí lại càng dễ làm ăn hơn. Dân đầu đen Việt Cộng vừa đông, vừa láu lỉnh lại nhanh nhẹn như chuột nên bao nhiêu hàng hóa các quầy thương nghiệp là cứ lần lượt chui hết vào các thùng hàng Việt đợi ngày xuống tầu thủy vượt đại dương về nước. Tại các kho ngoại quan bến cảng, khu vực thùng hàng hóa Việt Nam chất cao như núi vàng rực một góc trời.
Ông Nguyên thắc mắc:
- Nghe con nói thế thì công nhân xuất khẩu lao động chỉ đi buôn chứ không đi làm nhà máy nữa à?
- Vẫn làm chứ bố, nhưng làm ca sáng thì đi tăm hàng ca chiều, làm ca đêm đi tăm hàng ca sáng. Những khi nắm được thông tin mậu dịch quốc doanh có hàng mới về mà lại trùng với ca làm việc thì xin đổi ca cho người khác, hoặc phải xin phép riêng đốc công phân xưởng cho nghỉ một buổi, chỉ chai vốt ka là xong, người Nga họ tốt bụng và cũng dễ thông cảm mà bố!
- Chắc con cũng phải thế chứ?
- Còn phải nói, con trai bố là loại đầu trò đấy bố ạ. Bố biết con quá rồi còn gì, những trò tinh quái kiểu ấy con không làm thì thôi chứ dính tay vào thì chúng nó cứ gọi là chạy dài. Bố mẹ không biết chứ Liên Xô lúc này dễ làm giầu vô cùng, không phải một vốn bốn lời mà một vốn có khi mười, mười lăm lời. Ai có vốn lúc này thì chẳng mấy mà thành triệu phú!
Ông Nguyên tỏ vẻ chưa thông:
- Buôn bán cò con kiểu gom hàng ăn chênh lệch giá thì làm gì mà giầu nhanh được con?
Cường say sưa như chưa từng say sưa như thế:
- Con đồng ý với ý kiến của bố rằng đây chỉ là kiểu buôn bán cò con. Nhưng cò con là chỉ với những anh ăn nhịn để dành tiền lương, mua gom hàng đóng thùng gửi về nước. Kỳ cạch hàng nửa năm, có khi cả năm mới đánh nổi một thùng. Nhưng nếu anh có vốn, chỉ cần mua gom của cánh xếp hàng chuyên nghiệp, găm hàng để đấy rồi bán lại cho những anh cần đóng gấp hàng về nước, tức là cái kiểu mua của người sắp chán bán cho người đang thèm, chỉ hai vòng quay vốn như thế là đã ăn đủ. Nhưng cách mua gom tại chỗ như thế ngày một khó vì ở Mát (Matxcơva) dân xuất khẩu lao động các nước quá đông, hàng mua không dễ, trong khi đó những thành phố cách Mát một vài trăm, dăm sáu trăm cây hàng mua còn dễ. Chỉ cần gây dựng được cơ sở đại lý, có thể là sinh viên cũng có thể là cán bộ ngoại giao, mua gom cho mình ở đấy, rồi vài tuần xuống một lần đánh hàng về. Làm như thế thì cứ gọi là chẳng mấy mà thành tướng soái.
Ông Nguyên vẫn tỏ ra chưa được thông lắm:
- Con tính được như thế thiên hạ cũng tính được thì còn lấy đâu mà dễ mua gom các tỉnh?
- Nghĩ thì dễ nhưng làm thì khó bố ạ. Muốn làm thế được trước hết phải có chiếc ô tô cỡ như Volga, vừa khỏe vừa chở được nhiều để thường xuyên đi các tỉnh. Giá cả lúc này, thôi không tính tiền Rúp vì nó biến động, nếu là Đôla thì ít cũng dăm sáu nghìn, một đống tài sản không phải ai cũng dám mơ tới. Thứ hai là phải có vốn đặt trước cho các cơ sở đại lý. Đã có ô tô đánh hàng thì chí ít cũng phải mươi mười lăm đại lý các tỉnh mới bõ. Mỗi đại lý ít cũng phải đặt trước ba nghìn Đô, ba bốn chục nghìn nữa rồi còn gì. Đã thế lại phải thuê kho chứa hàng trên Mát, thường thì thuê nhà nào ở rộng họ nhường cho mình một phòng là tiện lợi an toàn nhất. Lại phải thuê một lái xe kiêm nhận hàng và bảo quản sắp xếp hàng hóa trong kho. Bản thân mình vẫn đi làm nhà máy, chỉ những ngày nghỉ tuần, đôi khi nghỉ ốm hoặc nghỉ tình cảm được bác sĩ và đốc công bật đèn xanh, thì mình lại cùng lên đường với lái xe.
Đến đây ông Nguyên mới tỏ ra vỡ lẽ hoàn toàn:
- Anh nói thế thì bố hiểu rồi. Nhưng đến đây bố lại thắc mắc thêm một điều mới, anh làm việc ở nhà máy nghiêm chỉnh đến mức được thưởng phép về thăm nhà mà vẫn tỏ ra hiểu biết đến mức tinh thông công việc buôn bán bên ngoài là ra làm sao?
Cường nở một nụ cười sảng khoái mãn nguyện như nụ cười ông phỗng Di Lặc:
- Đầu óc con thì cũng chẳng thông minh tài giỏi gì cho lắm, nhưng được cái những gì bố dạy bảo con đều nhập tâm hết. Phi thương bất hoạt! Bài học cụ Lê Quí Đôn bố giảng giải cho con lúc nào cũng nằm trong dạ. Chưa có môi trường và điều kiện dụng võ thôi chứ con chỉ cần nhìn qua là phán ra vị ngay. Giống như mẹ ấy mà, bắt mạch một cái là kê đơn bốc thuốc được ngay. Đúng không mẹ?
Từ đầu câu chuyện bà Lan chỉ ngồi nghe hai bố con đối đáp thù tạc mà sao trong lòng cứ thấy xốn xang một niềm vui phơi phới. Hai bố con nó mới hợp nhau, mới thương yêu nhau làm sao. Nghe chuyện bên ngoài cứ tưởng như đôi bạn tri kỷ đang trao đổi việc làm ăn. Nghe con trai bất ngờ hỏi mình, bà nhìn con rồi quay sang nhìn chồng nở nụ cười âu yếm:
- Mẹ thấy con giống mẹ chỉ được một đôi phần, nhưng giống bố phải đến tám chín phần, nhiều lúc cũng thấy ghen tị với bố con lắm mà chẳng làm gì được!
Cường nâng chén rượu cười giảng hoà:
- Thế thì bố phải nhận của con và của mẹ mỗi người một chén rượu phạt thôi!
*
Mấy hôm sau, nhân lúc thanh nhàn rỗi rãi công việc, ông Nguyên mới bảo Cường cùng vào gian buồng. Hai bố con hì hục khênh chiếc giường dựng sang một bên rồi đào nền nhà lấy lên một cái vại sành có vung miết xi măng kín mít vòng quanh. Cường ngạc nhiên hỏi là gì, ông Nguyên bí mật bảo cứ làm rồi khắc biết. Cái vại được đặt vào góc nhà, nền nhà được lấp lại, san đầm kỹ lưỡng không còn dấu vết, kê giường trả lại như cũ. Xong xuôi đâu đấy ông mời hai mẹ con lại cùng nói chuyện.
Ông cho Cường biết về lai lịch của 50 cây vàng cất giấu bấy nay rồi bảo:
- Bố mẹ ở nhà đã bàn kỹ việc sử dụng số vốn này như thế nào cho hợp lý, cuối cùng thì thấy rằng giao tất cả cho con quản lý và sử dụng lúc này là đúng hơn cả. Con nay đã trưởng thành khôn lớn, bố mẹ tin rằng với sự trợ giúp này, con sẽ có điều kiện tốt hơn để lập thân lập nghiệp.
Ông Nguyên đưa cái hộp sắt hoen gỉ đã mở nắp để lộ ra những miếng vàng lá óng ánh cho Cường. Cường bàng hoàng không dám đưa tay ra nhận, anh ngồi bất động và im lặng hoàn toàn trước một sự việc bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Bà Lan là người được biết câu chuyện từ lâu, có thể nói đã là người trong cuộc, mà lúc này vẫn còn xúc động. Cũng giống như con trai, bà chỉ biết im lặng.
Ông Nguyên động viên con trai, lại cũng có ý động viên cả vợ:
- Cái cách buôn bán mà con kể mấy hôm trước, hoặc một phương cách làm ăn nào khác mà con sẽ lựa chọn quyết định sau này bố không thể tham gia, nhưng điều mà bố đã nhận ra sau câu chuyện ấy là con nay đã trưởng thành, đã có đủ bản lĩnh của một người hoạt động thương trường, bố mừng vì điều đó. Kỳ này sang bên ấy với số vốn này con nên vào việc luôn, chẳng nên chần chừ làm gì mà mất cơ hội.
Đến lúc này Cường mới lấy lại được bình tĩnh:
- Bố mẹ cả một đời vất vả thiếu thốn, nay nhờ phúc ấm tổ tiên mới được thừa hưởng phần phúc lộc để nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Phần con lúc này chỉ cầu mong sao cho bố mẹ được sống khỏe mạnh hạnh phúc thế là con yên tâm. Con hiểu tấm lòng yêu thương bố mẹ dành cho con là rộng không bờ bến, nhưng làm sao con dám nhận số tài sản khổng lồ này của gia tộc để đem ra tính chuyện làm ăn. Bố mẹ cứ cất giữ để chi dùng dần dần. Con xin cảm ơn bố mẹ!
Không ai nói với ai câu nào, sự im lặng kéo dài trong căn chái chật chội thiếu ánh sáng. Cuối cùng Cường có ý muốn kết thúc câu chuyện này bằng một viễn cảnh:
- Con ở bên kia làm ăn cũng đã tích lũy được một số vốn kha khá. Với những kinh nghiệm thương trường sẵn có con cố thêm vài năm nữa cho hết hợp đồng, khi ấy có chút dấn vốn con sẽ về tính chuyện làm ăn trong nước, lấy vợ có con, hầu hạ chăm sóc bố mẹ, sống một cuộc sống yên ả như thế là con thấy mãn nguyện.
Nghe những lời bàn soạn của chồng và con trai, bà Lan thấy ai nói cũng phải, cũng có lý, tình cảm thương con thương chồng khiến bà không thể theo hẳn về ý của một ai. Nhưng đến khi nghe con trai nói về cái viễn cảnh tươi sáng trong tầm tay với thì bà nhận ra đây mới là điều hợp với tâm nguyện của mình hơn cả, bà liền rụt rè đưa ra ý kiến:
- Mình ạ! Em thấy con nó nói thế mà hợp tình hợp lý mà cũng hợp với lòng em nhiều lắm. Con sang đợt này rập gẫy cũng chỉ năm rưỡi nữa là hết hợp đồng, lúc ấy nhiều ít gì cũng trở về. Số vốn con tích lũy được cộng với số tài sản các cụ để lại, em nghĩ lúc ấy con tổ chức làm ăn trong nước cũng tha hồ vùng vẫy mà cũng chưa muộn. Mình nên nghe lời mẹ con em để cho lần này con trai thanh thản ra đi theo ý của nó.
Không chấp thuận ý nghĩ của vợ cùng con trai, ông Nguyên đành phải tỏ thái độ cứng rắn của viên tướng chỉ huy kiêm chức chính ủy trước một trận đánh lớn:
- Con nói thế cũng chỉ đúng có một nửa. Chí làm trai bên cạnh cái sứ mệnh trụ cột gia đình thì sự nghiệp là điều lớn nhất. Sự nghiệp thành bại ngoài chí khí kiên cường thì còn phải có thời cơ. Con nay đang trong giai đoạn khởi đầu lập nghiệp, con đường đi như thế là đã xác định. Chí khí của con bố mẹ hoàn toàn tin cậy, nay lại nhờ có chút bổng lộc tiền nhân mà gia đình ta đang được đứng trước một thời cơ thuận lợi hiếm có. Nhận số tài sản này không phải là để cho con sử dụng theo sở thích riêng, muốn dùng thế nào thì dùng, được chăng hay chớ, mà con phải ý thức đây là nhận một trọng trách lớn lao trước bố mẹ. Con phải coi nó như một thứ vũ khí giúp mình thực hiện được mục tiêu sự nghiệp nhanh chóng hơn mà bố mẹ kỳ vọng. Mà mục tiêu bố mẹ kỳ vọng ở con lúc này là gì con biết không? Con có nhớ đã đôi lần bố kể con nghe về tâm nguyện của ông nội, mong được phát triển kinh doanh ngày một lớn, trước là làm giầu cho gia đình dòng họ, sau là góp phần vào việc chấn hưng dân tộc và đất nước, tìm kiếm công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp thuế khóa cho công quỹ. Đời bố mải đi theo ý tưởng sự nghiệp riêng nên bị lỡ với tâm nguyện và kỳ vọng của ông nội. Nay cái cơ hội đời người lại xuất hiện, bố muốn được đặt cái tâm nguyện của gia tộc mình lên đôi vai gánh vác của con.
Dừng tay hút một điếu thuốc lào, ông lại nói tiếp:
- Còn ở nhà con không phải lo gì cho bố mẹ. Về sức khỏe nhờ trời bố mẹ đều vẫn còn dẻo dai không bệnh tật hiểm nghèo, mẹ con lại là bà lang tay nghề cao thừa sức tự chăm sóc sức khỏe cho cả nhà. Còn về kinh tế, hoàn cảnh nhà mình lúc này nếu xếp loại thì phải cỡ phú nông, ruộng vườn rộng rãi, nghề thuốc kiếm thêm đâu có ít, bố vẫn đi làm lại có lương hưu, đấy là còn chưa kể tiền tiết kiệm mấy sổ. Tiền vào hàng tháng nhiều đến mức có lúc không biết tiêu vào việc gì. Sơ sơ bố kể ngần ấy thứ chẳng lẽ anh vẫn còn lo hay sao? Thôi! Hãy nhận lấy vũ khí và lao vào trận đánh ngay không lại lỡ mất thời cơ, con trai.
Ông Nguyên vừa nói vừa trao hộp vàng về phía con trai, Cường run run giơ hai tay đón lấy. Những giọt nước mắt ngân ngấn rồi lăn thành giọt trên khuôn mặt, anh cố gắng kìm nén không để tiếng khóc bật ra:
- Bố ơi! Con không biết nói gì để bố hiểu hết lòng biết ơn về công đức trời bể bố đã dành cho hai mẹ con con. Con xin cúi lạy để được xin bố xin mẹ số tài sản to lớn này. Con cũng xin được thưa với bố mẹ rằng đây không chỉ là trọng trách bố mẹ giao cho con, mà tận đáy lòng mình, con hiểu rằng đó còn là trọng trách, là lời nhắn gửi của ông bà nội Trương Ký, ông bà ngoại Lang Chương giao phó cho con hôm nay. Con xin được thắp ba nén hương trước di ảnh ông bà nội ngoại và hương hồn các bậc tiền nhân, mong các người chứng giám cho lời hứa của con và phù hộ độ trì cho con trên con đường kinh doanh lập nghiếp, chấn hưng gia tộc, góp công góp sức vào sự nghiệp dân giầu nước mạnh của quê hương xứ sở như tâm nguyện của các bậc tiền nhân mà lòng con sẽ không lúc nào được phép quên lãng!
Vị tổng tư lệnh kiêm chính ủy của cái gia đình con con này còn nói thêm những lời phán quyết cuối cùng trước vợ và con:
- Cơ hội làm giầu đã đến, cái cơ hội mà người dân Việt Nam chúng ta phải mất nửa thế kỷ đói rét cơ hàn, nằm gai nếm mật mới tìm lại được. Hãy cố mà làm giầu, làm giầu cho mình và làm giầu cho đời, làm giầu cho dân cho nước. Con hãy nhớ lấy một điều, chỉ khi nào lợi ích của cá nhân được thể hiện hài hoà với lợi ích của cộng đồng thì lợi ích của riêng ta mới được bền vững. Hãy cố gắng lên con trai, làm được như thế tức là con đã thực hiện được sở nguyện của bố mẹ, của ông bà, của dòng họ rồi đấy con trai ạ!
*
Cường trở lại Liên Xô với một số vốn 60 nghìn đôla được chuyển đổi từ số vàng bố mẹ cho, số tiền mà vào thời điểm đó có thể được coi là khổng lồ trong giới làm ăn lao động xuất khẩu. Anh dùng số vốn từng bước xây dựng hệ thống đại lý gom hàng của riêng mình ở các tỉnh. Nhờ trời, công việc làm ăn không vấp váp trở ngại nào lớn. Cứ thế cho đến cuối năm 1991, tức là thời điểm Liên Xô sụp đổ, các nước cộng hoà như những mảnh ghép trước đấy, nay đều tự tách ra khỏi Liên bang để trở về vị thế các quốc gia độc lập, thì Cường đã trở thành một nhân vật nổi tiếng giầu có trong cộng đồng người Việt ở Nga.
Sự sụp đổ chính trị dẫn đến sụp đổ kinh tế, hàng loạt cơ sở sản xuất thiếu việc làm, quy mô sản xuất thu hẹp, lao động xuất khẩu hợp đồng là những người mất việc đầu tiên. Hàng nghìn, rồi hàng chục nghìn lao động Việt Nam trong diện phải thanh lý hợp đồng về nước. Nhưng số người chấp nhận ra về chỉ vài phần trăm, đa phần bám trụ ở lại lang thang đầu đường góc phố buôn bán kiếm sống dung thân qua ngày, đợi chờ một sự thay đổi mơ hồ nào đấy.
Đã có lúc Cường tính chuyện thu xếp công việc làm ăn, gói ghém tiền nong tài sản về nước tìm ngạch kinh doanh, rồi tính chuyện vợ con, chăm nom săn sóc bố mẹ là vừa. Hàng ngày đánh xe ô tô lang thang khắp các phố phường để quan sát sự xuống cấp nhanh chóng về mọi mặt ở cái thành phố khổng lồ và giầu sang này, hình ảnh những người lao động Việt Nam, cứ từng tốp từng tốp tụ tập buôn bán trao tay đủ mọi thứ hàng dọc các con phố tuyết phủ trắng trời, thỉnh thoảng lại bị những đội cảnh sát đặc nhiệm Ômôn đuổi bắt đánh đập, đã để lại trong lòng Cường một nỗi chua xót trắc ẩn. Tâm sự với nhiều người bạn đồng hương, anh hiểu rằng họ vẫn hy vọng vào một sự trở lại nhanh chóng của nước Nga vĩ đại, khi đó các xí nghiệp sẽ phục hồi sản xuất, họ sẽ được gọi trở lại làm việc như trước! Nhưng niềm hy vọng mong manh ấy đã lụi tắt nhanh chóng khi họ được chứng kiến những người công nhân bản xứ cũng lần lượt bị mất việc, và cuối cùng là xí nghiệp đóng cửa, giải thể.
Những người lao động Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ ở lại. Không ai tính đến chuyện vể nước. Về nước cũng thất nghiệp, cũng đói kém mà không có chút hy vọng nào để họ trông chờ phía trước. Ở đây sống giữa những người Nga hiền lành chất phác, hiền lành chất phác hơn cả gà công nghiệp vì họ đã mấy đời sống trong bao cấp, ta chỉ cần chịu khó buôn đầu chợ bán cuối chợ phục vụ cho họ cũng còn kiếm được đồng ra đồng vào để duy trì cuộc sống và tiếp tục hy vọng đợi chờ. Từ những tiếp xúc với người đồng hương chạy chợ, Cường nẩy ra ý tưởng nếu có một khu chợ tập trung kiểu như chợ trời bên ta, để cho họ được buôn bán hợp pháp thì sẽ đỡ cho họ biết bao nhiêu! Anh viết thư về trao đổi với bố mẹ ý tưởng mới mẻ này và xin phép được lưu lại nước Nga một thời gian nữa.
Matxcơva lúc này những khu chợ bỏ hoang, nhà máy đóng cửa, ốp ký túc xá không người ở nhiều vô kể. Bằng con đường bạn bè người Nga giới thiệu, Cường được tiếp xúc với một vị quan chức thành phố, anh trình bầy ý tưởng thuê ký túc xá mở chợ tập trung cho người Việt. Thấy rõ những lợi ích nhiều mặt vừa kinh tế vừa xã hội của đề xuất, thành phố đã ủng hộ và cho anh thuê một ký túc xá lớn và cấp giấy phép kinh doanh để xây dựng chợ ở phía Nam thành phố. Sau nửa năm thi công, một khu chợ với 1200 ki ốt bán hàng mang tên Đôm Việt (nghĩa tiếng Nga là Ngôi nhà Việt) được khai trương. Chỉ sau ba tháng người Việt Nam đã thuê kín khu chợ đầu tiên dành cho người Việt ở thành phố này. Sự nghiệp kinh doanh lớn có tính định hướng nghề nghiệp trên đất Nga của Cường bắt đầu như thế.
Công việc kinh doanh đã đem về cho Cường những khoản lợi nhuận hàng tháng không hề nhỏ. Mặt khác, nhờ có khu chợ mà hàng nghìn người Việt Nam đã có công ăn việc làm ổn định, thu nhập ngày một khấm khá, không còn lo lắng bị các lực lượng cảnh sát quây ráp bắt bớ, không bị bọn thanh niên du đãng trất lột cướp bóc. Khu chợ mặc nhiên đã trở thành mái nhà chung của những người con xa xứ, sự gắn kết cộng đồng vì thế mà được nâng cao và thể hiện qua nhiều hình thức sinh hoạt hội hè phong phú. Tất cả những người Việt lui tới làm ăn buôn bán ở đây đều nhìn Cường bằng ánh mắt nể trọng thân tình và hàm ơn. Lần đầu tiên trong đời, Cường thấy mình làm được một việc lớn lao và có ý nghĩa thiết thực với đời sống cộng đồng.
Niềm hạnh phúc và tự hào cứ như một chất men kích thích lan tỏa trong anh. Những phút giây tĩnh lặng một mình anh thường nghĩ đến bố Nguyên và ông Trương Ký. Bố thì chẳng phải nói vì ông đã trở thành người thay đổi cuộc đời anh, nhưng còn ông nội, mặc dù chưa hình dung ông là con người thế nào, nhưng chỉ cần nghĩ đến những ý tưởng sự nghiệp làm giầu vì gia tộc, vì đất nước vì cộng đồng của ông từ gần một thế kỷ trước, Cường mới nhận ra một cách sâu sắc đấy quả là những con người có tâm huyết, có tầm nhìn trước thời đại, chỉ tiếc rằng họ đi sớm quá, không gặp thời nên cuộc đời mới bao phen gặp nạn. Còn nay, mình là kẻ hậu sinh, không cùng chung dòng huyết thống, nhưng số phận cho mình sự may mắn đến lạ kỳ khi bỗng nhiên được thừa hưởng tất cả. Thừa hưởng một mái ấm gia đình, thừa hưởng của cải tài sản, nhưng may mắn hơn cả là được thừa hưởng một sự dìu dắt, dạy bảo, thương yêu, đùm bọc từ một người có nhân cách như bố Nguyên, để từ đấy Cường có một cuộc đổi đời về chất từ bên trong, có được sự khai mở trí tuệ, phóng rộng tầm nhìn, đắp bồi tâm đức. Được trở thành người thừa hưởng những phúc lộc lớn lao ấy, hơn lúc nào hết anh tự hiểu, đây là thời cơ tốt nhất để mình thể hiện lòng biết ơn đối với bố, với ông. Trong niềm phấn khích ngập tràn anh như muốn thốt lên với lòng mình, Huỳnh Minh Cường, hãy tiến lên phía trước để tiếp tục gặt hái thành công và trồng cây tâm đức!
Ở Việt Nam sau 5 năm đổi mới tình hình kinh tế xã hội đã có những thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, nhưng khả năng tự cung ứng của nền kinh tế thì vẫn còn đuối lắm, đặc biệt là nguyên liệu vật tư cho các ngành sản xuất công nông nghiệp. Nắm được những thông tin tin cậy từ trong nước, Cường quyết định đầu tư vốn liếng tích lũy được từ tiền cho thuê chợ để tính chuyện nhập nguyên liệu vật tư về Việt Nam. Thời gian này anh đã có điều kiện để thường xuyên bay đi bay về thăm bố mẹ, đồng thời cũng là để gặp gỡ các công ty ngoại thương trong nước tìm hiểu, bàn bạc, từ đó mà lựa chọn đối tác, tiến tới ký kết các hợp đồng ủy thác nhập khẩu.
Lô hàng đầu tiên anh ủy thác cho Công ty Ngoại thương Hanoimex nhập về Việt Nam 2 nghìn tấn phân đạm urê của Nga, một loại vật tư mà nông dân trong nước quen dùng, nhưng lúc này đang khan hiếm và đắt như vàng mười. Kết thúc thắng lợi thương vụ urê, Tổng giám đốc Hanoimex có cho Cường biết, 2 nghìn tấn phân đạm nhập về được chuyển ngay tới các tỉnh, cũng có nghĩa là được đưa ngay xuống đồng ruộng cho bà con nông dân, nhờ thế mà giá urê thị trường giảm ngay tới hai ba chục phần trăm. Thêm một lần nữa Cường hiểu việc làm của mình đã đi đúng hướng. Theo đề nghị của công ty, anh cho nhập liên tiếp hai chuyến nữa với khối lượng lớn hơn.
Khi nhu cầu urê thị trường đã có dấu hiệu bão hoà, công ty lại gợi ý anh nên nhập bông pôlyeste để các xí nghiệp trong nước may áo jacket. Đây là loại nguyên liệu trong nước không sản xuất được, nhưng không có nó thì hàng nghìn hàng vạn thợ may trong nước thiếu việc làm. Sau khi tìm hiểu kỹ tình hình nguồn hàng ở thị trường Nga cũng như giá cả hai đầu, Cường quyết định đầu tư vốn liếng nhập ủy thác một chuyến bông pôlyeste trị giá 5 triệu đôla Mỹ. Kết thúc thương vụ nhập hàng, trong lần ngồi ăn cơm ở nhà hàng mang tên Hà Nội giữa Matxcơva, Tổng giám đốc Hanoimex nâng cốc chúc Cường đã kết thúc một thương vụ đẹp, chẳng những hiệu quả cao về kinh tế, lại còn góp phần vực dậy một ngành nghề với hàng vạn thợ may đang lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Ông nói: “Một việc làm tâm đức, vừa ích nước vừa lợi nhà, mong sẽ được hợp tác lâu dài! ”.
Cứ như thế, trong suốt những năm sau đó, theo cái cách kinh doanh hợp tác hai đầu, Cường đã chuyển về nước không biết cơ man nào là nguyên liệu vật tư các loại trong nước đang còn rất khan hiếm, sắt thép, đồng nhôm, kính xây dựng, các loại hóa chất công nghiệp, bông xơ sợi, dây cáp điện, xi măng, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật… Công việc kinh doanh xuất nhập khẩu ngày một phát đạt khiến anh phải thành lập một công ty có đủ tư cách pháp nhân đặt trụ sở ở Matxcơva, công ty mang tên SYC. Anh giải thích với bố mẹ SYC là chữ viết tắt của Công ty Song Yên. Anh muốn lấy tên quê mình đặt cho doanh nghiệp riêng ở nơi xứ người, coi đó như một điều nhắc nhở để luôn nhớ tới mảnh đất nơi anh đã sinh ra, được nuôi dưỡng và trưởng thành, từ đấy bước vào sự nghiệp kinh doanh ngày hôm nay.
20. Ngọc Hoa
Trong số đông đảo nam nữ cán bộ nhân viên cả người Việt lẫn người Nga làm việc trong SYC, có một cô gái người Việt tốt nghiệp Trường đại học kinh tế Plêkhanôp Matxkơva tên là Nguyễn Ngọc Hoa, hiện là Phó trưởng phòng Kế toán - Tài chính. Ngọc Hoa sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1984 tốt nghiệp thủ khoa phổ thông trung học Hà Nội, được chọn sang Liên Xô học đại học. Năm 1989 tốt nghiệp xuất sắc Đại học Plêkhanôp Matxkơva, được đặc cách chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại trường. Hai năm sau cô tốt nghiệp, vừa nhận xong bằng phó tiến sĩ thì đúng lúc nổ ra sự kiện động trời thế kỷ Liên Xô sụp đổ. Biết rằng trong nước lúc này rất khó xin việc, đặc biệt là dân học các môn kinh tế và xã hội ở Nga hoặc Đông Âu. Công cuộc đổi mới đã hướng nền kinh tế cũng như nhiều hoạt động xã hội Việt Nam nghiêng dần về hướng thị trường. Những người sử dụng được tiếng Anh, lại có được chút văn bằng chứng chỉ nào đấy ở các nước tư bản phương Tây, thì cứ gọi là đắt như tôm tươi. Các thầy giáo cô giáo dạy tiếng Nga lâu năm ở các trường đại học trung học trong nước, đêm đêm cắp sách đến các lớp đại học tại chức tiếng Anh học như cuốc kêu, hy vọng nhanh chóng có tấm bằng tiếng Anh tại chức để được chuyển tay lái sang dạy tiếng Anh ở chính ngôi trường cũ, vì tiếng Nga lúc này không còn mấy sinh viên chịu theo học nữa… Những thông tin buồn kiểu ấy đã đến với Ngọc Hoa trong lúc tâm trạng cô cũng đang xao xác vì sự sụp đổ tan hoang của Liên bang Xô viết. Được các thầy cô giáo và bạn bè người Nga động viên, cô quyết định ở lại nước Nga, xứ sở cô đã coi là quê hương thứ hai của mình, để lập nghiệp, và cũng là để được nói tiếng Nga, thứ ngôn ngữ mà cô cho là đẹp nhất trên thế gian này. Ở lại nước Nga, Ngọc Hoa đã xin việc ở một số nơi. Nhưng một không khí tạm bợ, bấp bênh cứ như bao trùm lên khắp chốn khắp nơi, không có cơ quan hoặc doanh nghiệp Nga nào ổn định cho cô được làm việc quá nửa năm. Cuối cùng cô đành chấp nhận đến thi tuyển để vào làm việc cho SYC.
Thời gian đầu làm việc ở một nơi đa số là người Việt đồng hương, tuy tất cả cũng đều được học hành đào tạo nghiêm chỉnh, nhưng tác phong làm việc thì còn giữ khá nhiều chất luộm thuộm, tùy tiện mang sang từ quê nhà. Chỉ một biểu hiện nói năng to tát, đi lại ầm ầm không cần biết đến ai trong giờ làm việc cũng đã làm cho Ngọc Hoa cảm thấy khó chịu như bị tra tấn. Lại ông Tổng giám đốc, xuất thân từ một anh chàng xuất khẩu lao động, rồi buôn bán mánh mung gặp thời trở thành đại soái, điều đó cũng khiến cho cô có dự cảm chắc mình cũng chỉ làm nổi ở đây vài ba tháng, trong lúc đợi chờ kết quả thi tuyển vào một cơ sở lớn và ổn định của người Nga.
Về phía Cường lại có cách nghĩ suy khác. Trước một cô gái xinh đẹp, học thức cao, cách đi đứng và lối ứng xử với mọi người luôn thể hiện nề nếp chuẩn mực của một cô gái Hà Nội gốc, tất cả những cái đó đều toát lên một sự tự tin, kiêu hãnh đến mức thái quá, khiến Cường ít có cảm tình. Anh luôn nhận ra giữa hai người luôn có một khoảng cách xa vời và mơ hồ. Nhưng về mặt chuyên môn, theo lời nhận xét của bà Xônhia Trưởng phòng Kế toán - Tài chính, thì chuyên môn của cô là khá giỏi giang và tinh thần trách nhiệm đối với công việc thì thật đáng nể trọng, người như thế là có thể trọng dụng được. Tất nhiên với một chủ doanh nghiệp có tầm nhìn và coi công việc là trên hết, thì Cường không mấy chạnh lòng về cái chất quý tộc của cô nhân viên này. Tuy vậy anh lại tự xác định một cách cư xử rất nguyên tắc đối với cô, không thân mật, không hỏi han đời tư, chỉ trao đổi công việc chuyên môn, tuyệt đối không xưng hô anh em mà chỉ gọi cô và tôi theo cách cấp trên xưng hô với cấp dưới.
*
SYC là một công ty thương mại dịch vụ, nhưng thực chất lại hoạt động theo mô hình của một tổng công ty, bởi lẽ Công ty Đôm Việt là một công ty dịch vụ cho thuê chợ hoạt động riêng, hạch toán kinh tế độc lập, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh lại được tổng hạch toán vào SYC. Phòng Kế toán - Tài chính nơi Ngọc Hoa làm việc trở thành phòng chức năng duy nhất có hai nhiệm vụ, một là quản lý tài chính kế toán hoạt động kinh doanh của SYC, đồng thời kiêm luôn việc quản lý kế hoạch tài vụ và tổng hợp quyết toán của Công ty chợ Đôm Việt. Vì có chức năng song trùng nên mọi hoạt động kinh doanh của cả SYC lẫn Đôm Việt đều nằm trong tầm kiểm soát của phòng. Trong một cơ cấu tổ chức như thế, muốn để nắm được kết quả kinh doanh cập nhật và tin cậy nhất trên phạm vi ảnh hưởng bởi nguồn vốn của mình, Giám đốc công ty không còn cách nào khác là phải thường xuyên làm việc với trưởng phòng, và đôi khi là các cán bộ chuyên quản của phòng Kế toán - Tài chính.
Buổi sáng hôm ấy Trưởng phòng Xônhia có nhiệm vụ báo cáo với Giám đốc Cường về kết quả kinh doanh của tháng, đến giữa chừng thì bà gọi điện thoại mời Ngọc Hoa mang tài liệu sang phòng Giám đốc giải trình chi tiết về các khoản nợ khó đòi. Trước Giám đốc, cô báo cáo là trong khoản nợ trên 200 nghìn đôla Công ty đang khó đòi đối với các đối tượng hiện nay, thì đã có trên 150 nghìn là của người thuê chợ. Lý do là sau vụ cháy khu vực quần áo hồi tháng 9 năm ngoái có 154 ki ốt bị thiệt hại hoàn toàn. Công ty đã bù đắp phần lớn số thiệt hại hàng hóa, miễn tiền thuê chợ hai tháng, nhưng trong vòng nửa năm sau đó, các hộ này vẫn không thanh toán tiền thuê chợ với lý do là kinh doanh khó khăn không bù đắp nổi thiệt hại, đề nghị Công ty cho xóa nốt nợ đọng. Kèm theo báo cáo, Ngọc Hoa trình Giám đốc một bản kê chi tiết danh sách 154 hộ nợ, số tiền nợ của từng người.
Đọc bản danh sách, Cường nhận ra trong đó có không ít người xuất khẩu lao động đã cùng làm trong nhà máy với anh trước đây, lại cũng có một số người cùng huyện mà anh quen biết từ hồi còn ở nhà. Anh hỏi Ngọc Hoa:
- Ngoài số nợ đọng này, từ đó tới nay họ thanh toán với Công ty có nghiêm chỉnh không?
- Thưa Giám đốc, tôi theo dõi thấy tất cả họ từ đấy đều thanh toán đầy đủ và kịp thời, chỉ có một số hộ không ảnh hưởng cháy chợ thì đôi khi lại chậm trễ thanh toán thôi ạ.
- Cảm ơn cô về những con số đầy đủ và tin cậy - Cường quay sang bà Xônhia - Theo bà ta nên giải quyết vấn đề này thế nào?
- Thưa Giám đốc, tôi nghĩ là Công ty đã đối xử tốt với họ trong một thời gian dài, nhưng họ có vẻ như không hiểu tới điều đó, trong khi có tới mấy trăm người khác đang nộp đơn xin được thuê ki ốt của Công ty. Tôi nghĩ là Giám đốc có thể nghĩ đến việc chấm dứt cho thuê đối với họ để nhường lại cho những người mới!
Suy nghĩ hồi lâu Cường hỏi tiếp:
- Cảm ơn về ý kiến của bà. Nhưng trong một giải pháp khác, nếu họ đều là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn thật sự, không thể trả nợ nổi Công ty, nhưng trong quá khứ họ đều là những người đã có công đóng góp xây dựng công ty tồn tại phát triển bằng cách thuê chợ ngay từ đầu và liên tục cho đến nay…
Bà Xônhia nhanh nhảu cắt ngang:
- Thưa Giám đốc, tôi hiểu ý của ông, ông muốn nói đến khả năng xóa một phần nợ cho họ?
Chần chừ một lúc rồi Cường tỏ vẻ cương quyết:
- Không phải là một phần mà là xóa tất cả! Về phương diện hạch toán, trong trường hợp như thế liệu có sai phạm gì về luật kế toán không?
Bà Xônhia không một chút đắn đo:
- Thưa Giám đốc, hồ sơ vụ cháy chúng ta còn lưu giữ đầy đủ, trong đó có cả những giám định và kết luận về nguyên nhân cũng như mức độ thiệt hại do cảnh sát và các cơ quan hữu quan lập nên, do vậy nếu Công ty xóa nợ cho họ thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở hợp pháp để hạch toán kế toán, và điều đó bên Sở Thuế nếu kiểm tra sau này sẽ không thể phản đối. Tuy nhiên tôi chỉ xin lưu ý Giám đốc là nếu như vậy thì Công ty sẽ mất một số vốn không nhỏ, và sẽ trở thành một tiền lệ đối với những trường hợp tương tự có thể sau này.
- Rất cảm ơn những ý kiến quý báu và rất có trách nhiệm của bà, nhưng việc này tôi đã suy nghĩ từ lâu, tôi không muốn để một vấn đề tồn đọng khó xử kéo dài lâu làm ảnh hưởng đến không khí thân thiện và quan hệ hài hoà của cả cộng đồng những người buôn bán ở đây, mà từ lâu tôi đã coi họ như là những thành viên chính thức. Do vậy tôi đề nghị bà cho thực hiện ngay việc này theo đúng trình tự nghiệp vụ từ đầu đến cuối giúp tôi!
Một lần khác, trong buổi giao ban đầu tuần giữa ban Giám đốc với các trưởng đơn vị trong Công ty, khi ấy Ngọc Hoa đã được đề bạt giữ chức Phó phòng, và cô tham dự cuộc họp là thay mặt cho bà Xônhia có việc phải vắng mặt. Khi bàn đến công việc kinh doanh, anh Lương Tiến Thủ Trưởng phòng Kinh doanh báo cáo trước hội nghị về ý định triển khai một thương vụ mới, với nội dung đánh một lô lớn kim loại mầu niken về Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất. Theo anh Thủ, sau khi điều tra nghiên cứu kỹ thị trường hai đầu có thể khẳng định, nếu triển khai ngay thì chỉ trong vòng hai tháng sẽ hoàn tất thương vụ với tỷ suất lợi nhận không thể dưới 40%, tức là sẽ đem về Công ty một khoản lãi khoảng trên dưới một triệu đôla. Nghe Trưởng phòng báo cáo, Giám đốc Cường hỏi lại thương vụ đánh 3500 tấn phân urê dự định triển khai thì sao rồi? Trưởng phòng Thủ báo cáo:
- Thương vụ urê cũng là một thương vụ khả thi, chắc ăn, nhưng có nhiều hạn chế hơn thương vụ niken. Thứ nhất, thời gian triển khai kéo dài không thể dưới bốn tháng, thứ hai tính hiệu quả không cao khi cùng một số vốn bỏ ra số lãi thu về chỉ tương đương 1/3 số lãi niken. Chính bởi vậy, phòng Kinh Doanh kiến nghị Giám đốc cho đình hoãn vụ urê để tiến hành ngay vụ niken.
Cường hỏi lại:
- Tạm nhập tái xuất, sẽ xuất đi đâu?
- Thưa Giám đốc, lô này ta sẽ xuất đi Trung Quốc ạ.
- Là Trung Quốc à! Anh có đảm bảo chắc ăn không, và có biết họ dùng niken vào việc gì mà lâu nay họ nhập nhiều thế?
- Về độ an toàn thì có thể nói là không thể có vấn đề gì xẩy ra, vì phương thức tạm nhập tái xuất cho ta quyền chủ động luôn ở thế nắm dao đằng chuôi, khách hàng Trung Quốc có muốn cũng không thể nào lật lọng ta được. Còn họ dùng niken vào việc gì thì tôi chỉ hiểu trên nguyên tắc, niken và crôm là hai loại kim loại mầu chính dùng trong công nghệ mạ kim loại. Những đồ sắt mạ lừng danh bền đẹp của Trung Quốc từ lâu người Việt Nam được biết đến như vành, nan hoa, ghi đông và các loại phụ tùng xe đạp Phượng Hoàng, vành bảo vệ quạt bàn Gấu Trúc… đều được mạ từ thứ kim loại niken mà Trung Quốc rất thiếu này. Ngoài ra còn nghe nói, đây là một loại kim loại không thể thiếu cho ngành công nghiệp quốc phòng của họ. Trong những năm qua quan hệ Trung Quốc với Liên Xô đã hoàn toàn bị cắt đứt. Buôn bán hai bên bị gián đoạn, nhiều loại vật tư nguyên liệu chiến lược từ Liên Xô, từ Nga trong đó có kim loại niken không thể lọt vào thị trường Trung Quốc. Thì nay thông qua con đường tạm nhập tái xuất, các doanh nhân người Việt bỗng chốc trở thành chiếc cầu nối nhập vào Trung Quốc rất nhiều thứ mà lâu nay Trung Quốc không biết xoay xở thế nào để kiếm cho ra. Một con đường tơ lụa mới đầy hiệu quả của thời đại đã hình thành và đang vẫy gọi các thương nhân chúng ta…
Mặt Giám đốc Cường bỗng trở nên đanh cứng, một sắc thái tình cảm chưa ai từng thấy ở anh, khi anh đứng dậy như không có ý để cho Trưởng phòng Kinh doanh nói tiếp:
- Thôi, thôi, thôi, tôi hiểu cả rồi! Xin cảm ơn Trưởng phòng Kinh doanh vì sự tinh thông nghiệp vụ buôn bán và tinh thần trách nhiệm rất cao đối với Công ty. Nhưng ở đây tôi phải thật lòng xin lỗi vì tôi không thể ủng hộ phương án kinh doanh rất thông minh của anh. Tôi không muốn góp phần, mặc dù chỉ là phần rất nhỏ vào sự làm giầu cho đất nước Trung Hoa, một đất nước đã từng nuôi dưỡng dã tâm bóp chết đất nước và dân tộc ta bằng quân sự. Rồi khi quân sự không được thì lại bằng phong tỏa kinh tế. Tôi không muốn nhắc lại điều này một lần nữa, và tôi yêu cầu Trưởng phòng Lương Tiến Thủ cho triển khai ngay thương vụ nhập ủy thác 3500 tấn urê về Việt Nam, mà như tôi được biết, đồng ruộng Việt Nam, những người nông dân Việt Nam một nắng hai sương đang rất trông chờ vào sự góp công góp của từ chúng ta!
Hình ảnh về một người đàn ông giầu có mang đậm nét bí ẩn như một trùm Mafia này đã dần dần có những thay đổi qua con mắt của Ngọc Hoa. Giám đốc Cường không chỉ còn là một con người lạnh lùng khắc bạc chỉ biết lao vào kiếm tiền hết thương vụ này sang thương vụ khác, mà quên hết mọi chuyện trên đời. Thời gian trôi đi cô đã dần dần nhận ra anh còn là người đàn ông mang những nét mâu thuẫn phức tạp đáng chú ý, khô khan lạnh lùng và nguyên tắc với phụ nữ, đặc biệt là với những cô gái trẻ và có nhan sắc, nhưng lại chan hoà giản dị với mọi người. Giao tiếp không rộng, hạn chế tiệc tùng và rượu chè, nhưng lại hay đọc sách và thời gian nhàn rỗi đều dành cho tiếng Nga. Không có bạn gái, trên bàn làm việc không có ảnh một người phụ nữ đẹp nào giống như mốt thời thượng của nhiều người đàn ông quyền lực bây giờ, thay vào đó là hình ảnh một cặp vợ chồng nông dân già, mà theo như lời rỉ tai của cô thư ký Thủy Tiên, thì người đàn bà trong ảnh lại có nét đẹp dịu hiền pha chút kiêu sa đến lạ lùng; còn người nông dân già cỡ tuổi cha chú người vợ lại có cặp mắt sáng như sao và hiền như Đức Phật…
Được trực tiếp chứng kiến những câu chuyện xoay quanh công việc chỉ đạo kinh doanh lâu nay, Ngọc Hoa ngày càng cảm nhận được những tình cảm nồng ấm và nhân hậu được ấp ủ bên trong cái vẻ ngoài lạnh lẽo băng giá của anh. Trong tất cả những điều mới mẻ thu hút sự tò mò chú ý về người đàn ông này, cô đã mau chóng nhận ra đặc điểm nổi trội làm nên nhân cách anh, dường như hình ảnh những người đồng hương lam lũ và quê hương nghèo khổ đã luôn được tái hiện trong những nghĩ suy hoặc những quyết định quan trọng của anh. Chính điều phát hiện thầm kín này đã khiến cô như giật mình bừng thức, một cảm giác hổ thẹn đượm nỗi xót xa, chua chát tràn về đánh thức những góc khuất tâm hồn cô. Lần đầu tiên trong tình cảm của mình Ngọc Hoa thấy quý trọng và khâm phục người đàn ông ấy.
*
Mùa đông năm ấy là một mùa đông khắc nghiệt, nhiệt độ Matxkơva nhiều ngày xuống tới - 30, - 35 độ C. Nhiệt độ trong phòng làm việc tuy vẫn ấm áp dễ chịu, vẫn có thể mặc sơ mi như trong mùa thu, nhưng dường như cái khắc nghiệt mùa đông không phải chỉ thể hiện ở nhiệt độ hay độ ẩm mà nó còn thể hiện qua những cảm giác khác, mà những cơ thể đang tiềm ẩn những căn bệnh hiểm nghèo mới có thể cảm nhận hết được.
Cường đang ngồi làm việc trong phòng, một cảm giác ớn lạnh bỗng dưng như chạy lan ra khắp cơ thể, rồi sau đó một cảm giác đau nhói xuất hiện trong đầu, nơi vết thương cũ của anh. Chỉ dịu được một lúc, cơn đau quay lại tê buốt như những nhát dao đâm thẳng vào óc, và cảm giác của một cơn sốt nóng đang xình xịch kéo đến thiêu đốt đầu óc ruột gan mình. Chập chờn cảm nhận ra sự hiểm nguy của những mảnh đạn pháo găm vào cơ thể ngày nào, nay nó có thể quay lại mang theo cái chết bất ngờ. Anh linh cảm thấy điều tệ hại nhất cuộc đời có thể đang đến với mình. Với tay lấy một tờ giấy viết thư có in sẵn thương hiệu SYC ở đầu trang, cố gắng nhịn đau đến toát mồ hôi để viết cho xong một bức thư. Ký tên, gấp làm tư cho vào phong bì rồi dán mép lại. Bên ngoài phong bì có mấy dòng chữ; “Kính gửi ông Lương Tiến Thủ, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Kinh Doanh và bà Nguyễn Ngọc Hoa Trưởng phòng Tài chính - Kế toán ”. Phong bì thư được kẹp trong tập công văn xử lý công việc hàng ngày của giám đốc. Cường chỉ kịp bấm chuông gọi thư ký xong là anh gục xuống bàn bất tỉnh.
Thư ký Thủy Tiên bước vào thấy Giám đốc ngồi gục bất động vội kêu mọi người. Chưa đầy mười lăm phút sau xe cấp cứu đã đến và sau đó Cường được cáng xuống xe đưa thẳng vào bệnh viện. Phó giám đốc Thủ, Trưởng phòng Hoa và Trưởng ban Bảo vệ Công ty theo xe vào bệnh viện.
Tại phòng cấp cứu, bác sĩ trực hỏi những người đi theo về tình trạng sức khỏe cũng như diễn biến sự việc trước lúc bệnh nhân bị ngất thì được biết, mọi việc trước đó đều diễn ra bình thường, bệnh nhân có thể làm việc suốt ngày, đi công tác các tỉnh liên tục, chiều nào cũng đi bơi, mỗi tuần hai buổi đánh tenis. Đầu giờ sáng nay bệnh nhân còn vào phòng Kinh doanh trao đổi một vài công việc rồi về phòng riêng làm việc, chừng nửa giờ sau, khi cô thư ký nghe tiếng chuông gọi bước vào phòng thì đã thấy bệnh nhân ở tình trạng bất động gục lên bàn. Lại hỏi tiền sử bệnh nhân có những bệnh tật gì? Không ai trả lời được vì không ai biết. Lại hỏi có bị chấn thương gì do chiến tranh hay đánh nhau? Anh Thủ cho biết bệnh nhân đã tham gia chiến đấu và bị thương do sức ép và mảnh đạn pháo.
Trong khi mọi người ngồi đợi bên ngoài để các bác sĩ tiến hành các biện pháp chuyên môn thì cô thư ký gọi điện cho Lương Tiến Thủ báo cáo, có một phong thư Giám đốc gửi cho hai người, bức thư mới được đặt trong tập công văn vì sáng nay cô đưa tập công văn trình xin chữ ký thì chưa có nó. Thủ bảo thư ký đem ngay bức thư vào bệnh viện cho anh.
Nửa giờ sau thư ký mang thư đến cho Thủ. Xé phong bì lấy bức thư ra, anh đọc kỹ hai lượt rồi trao lại cho Ngọc Hoa. Hai bàn tay Ngọc Hoa run run đỡ lấy, và thế là nước mắt cô cứ nhoà dần theo từng con chữ: “Nếu chẳng may tôi có bị làm sao mà không qua khỏi cơn nguy hiểm này thì tôi yêu cầu được giúp đỡ:
1/ Tất cả tài sản của tôi sau khi thu hết các khoản nợ phải thu, trả hết các khoản nợ phải trả, chi trả hết các khoản thuế khóa, chi phí hợp lý, hợp pháp và cần thiết, sẽ được chuyển hết thành tiền mặt và phân chia như sau:
- Để lại số tiền trị giá 1/2 tổng tài sản này để biếu bố mẹ tôi là ông Hoàng Hữu Nguyên và bà Nguyễn Thị Hương Lan hiện sống ở quê nhà thôn Yên Hạ, xã Song Yên, huyện Kiến Bình, tỉnh Thái Ninh nước Việt Nam.
- Số 1/2 tài sản còn lại được chia đều làm 4 phần, mỗi phần được gửi biếu tặng các đối tượng sau:
* Tặng cho tập thể cán bộ nhân viên của SYC (Ông Lương Tiến Thủ Phó giám đốc cùng các trưởng phòng công ty và Giám đốc Đôm Việt cùng đứng ra phân chia cho tất cả mọi người theo tỷ lệ lương cơ bản của từng người)
* Tặng cho Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phân chia cho các quỹ từ thiện ở Việt Nam.
* Tặng nhân dân xã Song Yên quê hương tôi (thông qua UBND xã) để xây nhà trẻ, bệnh xá và các công trình phúc lợi công cộng của xã.
* Tặng cho anh em họ hàng cô bác chú thím và các cháu của tôi ở Nam Bình và Song Yên (Nhờ bố mẹ tôi đứng ra phân chia).
2/ Tôi xin được cảm ơn để ủy quyền cho ông Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Lương Tiến Thủ và bà Trưởng phòng Kế toán - Tài chính Công ty Nguyễn Ngọc Hoa cùng phối hợp thực hiện công việc phân chia tài sản này giúp tôi.
3/ Sau khi tôi qua đời, toàn thể ban lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên Công ty SYC sẽ quyết định phương án tồn tại dưới thương hiệu cổ phần hay giải thể đối với Công ty.
4/ Sau khi tôi qua đời, nguyện vọng của tôi là được
hỏa táng và đem tro cốt về mai táng ở quê nhà Song Yên bên Việt Nam.
5/ Xin được nói lời vĩnh biệt gửi tới toàn thể cán bộ nhân viên SYC, những người tôi luôn biết ơn và vô cùng yêu thương.
Matxkơva ngày… tháng… năm…
Huỳnh Minh Cường
(Ký tên đóng dấu)……..”
Ngọc Hoa phải dừng lại lau nước mắt nhiều lần mới đọc xong bức thư. Chao ôi! Con người mà mình vẫn có mặc cảm là Mafia, là khó hiểu, là chỉ biết lao vào làm giầu, lại đơn giản đến thế này thôi ư? Anh chẳng giữ một chút gì để lại cho riêng mình. Tâm hồn anh nhẹ như mây và thanh thản như giấc ngủ trẻ thơ trước cái chết. Anh Cường ơi! Em mới thật nhỏ bé và tầm thường biết bao trước một nhân cách và một tâm hồn cao vời vợi, mà nay em chẳng biết có còn cơ hội để được chiêm ngưỡng và noi theo? Con xin cầu mong Đức Phật từ bi phù hộ độ trì để anh con thoát được cơn hiểm ngèo này…
Bà bác sĩ trực mở cửa phòng bước ra mời người có thẩm quyền và trách nhiệm vào trao đổi công việc. Thủ nhìn Hoa và nhìn Trưởng ban Bảo vệ. Hai người này hiểu ý đồng thanh bảo đây là lúc anh Thủ phải lĩnh trách nhiệm đứng mũi chịu sào lo toan toàn bộ công việc lớn nhỏ của Công ty, đề nghị anh thay mặt công ty quyết định mọi việc liên quan đến Giám đốc.
Thủ bước theo bà bác sĩ, chừng mười phút sau lại quay ra để hội ý với hai người đợi bên ngoài:
- Kết quả chiếu chụp cắt lớp cũng như các xét nghiệm lâm sàng cho biết trong não của anh Cường có một mảnh kim loại nhỏ, do nhiều nguyên nhân tổng hợp mà vết mổ cũ bị sưng tấy do viêm nhiễm, ổ viêm nhiễm lan cả vào nơi mảnh kim loại nằm. Tình trạng này phải được xử lý ngay bằng cách mổ sọ gắp mảnh kim loại ra, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong tức thì. Muốn vậy cần có lời cam kết và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền và trách nhiệm đối với bênh nhân.
Cả hai trưởng phòng đều nói:
- Trong tình hình khẩn cấp này, đề nghị anh Thủ thay mặt gia đình và Công ty ký cam kết ngay, có làm sao cả ba chúng ta cùng chịu trách nhiệm!
Thủ yên tâm quay vào xuất trình giấy tờ tùy thân của mình với bác sĩ trưởng khoa rồi ký giấy cam kết. Ngay lập tức Cường được chuyển đến phòng đại phẫu phía trong.
Hai tiếng sau, ông bác sĩ trưởng khoa bước ra thông báo cho ba người vẫn ngồi đợi bên ngoài hành lang, tình trạng nguy kịch của bệnh nhân đã qua khỏi, mảnh kim loại đã được gắp ra, hy vọng với một thể trạng khỏe mạnh vốn có, bệnh nhân sẽ không có những diễn biến phức tạp hậu phẫu, nếu không có gì thay đổi, mười ngày sau Công ty có thể cử đại diện vào thăm, bây giờ mọi người cứ về, có vấn đề gì bệnh viện sẽ liên lạc kịp thời.
Những ngày tiếp theo, tất cả mọi người trong Công ty ai cũng như ai đều nín thở theo dõi tinh hình sức khỏe của giám đốc. Họ lo lắng một phần vì vấn đề việc làm và sinh kế, nói dại, chẳng may Giám đốc có mệnh hệ nào thì tất cả lại sẩy đàn tan nghé, lại đầu đường xó chợ buôn bán trao tay. Nhưng họ lo lắng và xót xa nhiều phần vì cho đến lúc này họ mới hiểu hết tâm đức và nhân cách sống của Giám đốc mình. Bức thư giống như một bản di chúc được mọi người phô tô chuyền tay nhau đọc đến thuộc lòng và luôn ướt đẫm nước mắt các cô gái. Trong lòng mình, ai cũng một lòng cầu nguyện cho sức khỏe và mọi sự tốt lành đến với Giám đốc. Chiếc ban thờ nhỏ đặt ở một nơi trang trọng nhưng kín đáo trong văn phòng, lúc nào cũng đầy ắp hoa tươi quả ngọt và ngạt ngào hương khói.
Lòng dạ Ngọc Hoa những ngày này lại ngổn ngang những nghĩ suy riêng biệt. Một linh cảm thầm kín như mách bảo với cô rằng Giám đốc Cường sẽ qua khỏi cơn nguy biến, sức khỏe anh sẽ hồi phục nhanh chóng và không lâu nữa anh lại trở về lãnh đạo Công ty. Có một sức mạnh siêu nhiên nào đó dìu dắt chỉ dẫn khiến cho đức tin trong cô trở nên vững chắc hơn bao giờ hết. Những cảm giác lo âu, u ám về một cái chết hay tình trạng tàn phế đến với anh đã không còn ám ảnh cô, thay vào đó lại là một nỗi trăn trở mới, tuy mới thoáng xuất hiện nhưng đã làm cho cô luôn phải bận tâm. Khi anh khỏe mạnh trở về làm việc, mình sẽ phải đối xử với anh thế nào đây? Tại sao lại như thế nhỉ. Hơn một năm làm việc ở SYC mà sao khoảng cách giữa anh với ta lại cứ như vẫn xa vời vợi. Có phải vì ta với niềm kiêu hãnh của học thức, sắc đẹp và truyền thống gia đình, và anh với niềm tự hào về sự thành đạt giầu có của một người ít học xuất thân lam lũ, có phải vì niềm kiêu hãnh và sự tự hào hình thành từ hai phía, đã tạo nên hai lực đẩy, tiếc rằng lại là những lực đẩy trái chiều, đã khiến cho hai người cứ dần tách xa nhau ra? Nếu sự lý giải này là đúng với bản chất sự việc, thì rồi đây ta phải làm những gì để có thể xóa đi đám mây mù lạnh giá ngăn cách giữa ta với người đàn ông tài đức vẹn toàn kia?...
Vào buổi sáng ngày thứ mười kể từ hôm Giám đốc đi cấp cứu, Phó giám đốc Thủ nhận được tin báo của bệnh viện là tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Huỳnh Minh Cường đã tạm ổn định, bệnh nhân đã được chuyển về phòng hậu phẫu săn sóc, công ty có thể cử đại diện vào thăm.
Một đoàn cán bộ và nhân viên hơn chục người do Phó giám đốc Thủ dẫn đầu mang hoa tới bệnh viện. Tất cả đều muốn vào thăm, nhưng nhân viên trực phòng chỉ cho phép một người và quy định thời gian vào thăm không được quá 15 phút. Trước tình hình đó, Thủ quyết định cử Ngọc Hoa đại diện vào thăm Giám đốc. Nhân viên trực phòng trao cho cô tấm áo choàng trắng, chiếc mũ vải trắng và đôi dép nỉ cũng màu trắng yêu cầu mặc vào, rồi dặn đi dặn lại là hạn chế hỏi để bệnh nhân không phải trả lời nhiều, chỉ nên nói tóm tắt, ngắn gọn những điều đơn giản và dễ hiểu.
Căn phòng rộng chỉ có một chiếc giường, tất cả đều một màu trắng toát. Không khí ấm dịu một mùi thanh khiết. Phía trên đầu giường treo lủng lẳng các loại chai lọ và các thứ ống nhựa loằng ngoằng nối với các loại máy móc xung quanh. Giám đốc nằm đấy, đầu cuốn kín băng trắng, khuôn mặt hốc hác bất động, nhưng cặp mắt mở to như biểu cảm sự trông chờ những người thân yêu. Ngọc Hoa ôm bó hoa từ từ bước lại cạnh giường. Cặp mắt Cường ánh lên niềm hân hoan tin cậy và miệng nở một nụ cười hiền từ cởi mở, những biểu hiện ứng xử mà cô chưa bao giờ nhận được trước đó. Ngắm nhìn khuôn mặt tiều tụy xác xơ, lại được đón nhận những tình cảm nồng ấm anh dành cho mình, những xúc động trái chiều cùng lúc ùa vào đầu óc khiến lòng dạ cô bỗng thấy xốn xang thổn thức và nước mắt cứ thế trào ra lăn dài trên má. Cô không nói được câu nào, lúng túng đặt bó hoa lên tấm chăn đắp ở khoảng bụng anh rồi hai tay nhẹ nhàng cầm lấy một bàn tay anh, bàn tay lạnh giá và khô ráp nhiều vết chai sần. Anh đưa bàn tay kia nắm lấy tay cô âu yếm bóp nhẹ và cố gắng nói thành lời:
- Ngọc Hoa… vào thăm anh à… em… khỏe không?
Nhớ lời nhân viên trực phòng không được để anh hỏi nhiều, nói nhiều, Ngọc Hoa cố nén cảm xúc, lấy lại sự cứng cỏi trả lời một mạch:
- Thưa anh, rất đông anh chị em đến thăm anh nhưng không được vào, tất cả đều đang đứng ngoài kia đợi chờ tin tức của anh. Mọi người đều chuyển lời em hỏi thăm và chúc sức khỏe anh. Em thật vô cùng hạnh phúc khi thấy sức khỏe của anh đã dần được hồi phục. Mọi người ở nhà ai cũng cầu mong cho anh mau chóng khỏe mạnh để trở về lãnh đạo công ty. Thưa anh, công việc ở nhà mọi thứ đều tốt đẹp cả. Phó giám đốc Thủ là một người tài giỏi và vững vàng trong chỉ đạo và ra quyết định nên mọi việc đều trôi chẩy. Em mong rằng anh có thể yên tâm dưỡng bệnh và nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian này, bởi vì ở nhà anh đã có một trợ thủ đắc lực và những cán bộ cấp dưới có trách nhiệm, rất kính trọng anh và vô cùng yêu thương gắn bó với Công ty SYC của chúng ta.
Trong khi Hoa nói thì hai bàn tay Cường vẫn nhẹ nhàng xoa bóp bàn tay cô. Và đợi khi Hoa dừng lại thì anh lại chậm chạp cố gắng nói tiếp:
- Anh cảm ơn em rất nhiều vì những tình cảm của em cũng như những thông tin quý báu về mọi người… Cho anh gửi lời hỏi thăm và cảm ơn chân thành tới tất cả…
Ngọc Hoa không để cho Cường nói tiếp:
- Em sẽ chuyển lời của anh ngay, chắc rằng mọi người sẽ sung sướng và hạnh phúc lắm. Thưa anh, cho em hỏi một câu ngắn nữa, sức khỏe anh bây giờ đã ổn, chúng em có phải điện về Việt Nam thưa chuyện để hai bác biết và yên tâm không ạ?
- Chưa cần đâu em, đợi khi anh khỏe hẳn anh sẽ báo sau, hoặc cũng có thể lúc ấy anh sẽ về thăm các cụ. Dặn anh Thủ nhớ không cho bố mẹ anh biết tin và vững vàng điều hành Công ty cho tốt.
- Em sẽ báo cáo với anh Thủ đúng như thế, mong anh yên tâm chữa bệnh mau chóng khỏe mạnh về với chúng em.
Nhân viên trực phòng bước vào nhắc nhở đã hết giờ thăm bệnh nhân. Khuôn mặt Cường lúc này trở nên rạng rỡ tràn đầy sức sống. Anh nhìn Ngọc Hoa bằng ánh mắt dịu dàng và hàm chứa sự biết ơn. Hai bàn tay anh vẫn nắm lấy đôi bàn tay Ngọc Hoa, bỗng nhiên anh nhẹ nhàng đưa lên miệng hôn nhẹ lên đôi bàn tay nhỏ nhắn ấy. Cô cứ để yên như thế và nhìn anh bằng cặp mắt trìu mến thiết tha. Lần thứ hai được nhắc nhở hết giờ, Cường nhẹ nhàng buông tay và xúc động nói với Ngọc Hoa:
- Anh biết ơn em nhiều lắm.
Ngọc Hoa cũng xúc động không kém:
- Em ngày đêm cầu nguyện cho anh chóng khỏe mạnh. Anh cố gắng nhé anh!
21. Gặp lại
Một tháng sau Cường được xuất viện trong tình trạng các vết thương đã ổn định và sức khỏe phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên bác sĩ vẫn căn dặn, nếu có điều kiện thì nên nghỉ ngơi một thời gian rồi hãy quay trở lại làm việc với chế độ 4 giờ mỗi ngày.
Ngày anh trở về là một ngày hội của Công ty. Phó giám đốc Thủ cho mở một tiệc ngọt đứng trong văn phòng. Tất cả cán bộ nhân viên văn phòng SYC và Đôm Việt đều có mặt. Phòng họp, nơi diễn ra bữa tiệc, ngập tràn hoa tươi và những gương mặt rạng rỡ. Bà Xônhia đã chuyển đi làm việc ở Sở Thuế Matxkơva và một số bạn hàng người Nga khác cũng có mặt đông đủ.
Sau những lời chúc mừng của mọi người và lời cảm ơn của Cường, tiếng sampanh nổ ròn rã hoà lẫn tiếng reo mừng Hura. Những ly rượu cao cổ sủi bọt trắng xốp và những tiếng chạm cốc xen lẫn tiếng mời cạn chén Đakanxa rộn rã nổi lên. Cường cầm ly đi khắp phòng chạm cốc từng người. Khi đứng trước Ngọc Hoa mà lúc này cô mặc một chiếc áo dài màu trắng như trong ngày cưới, anh nâng ly nói nhỏ:
- Anh xin được nâng ly tỏ lòng biết ơn đặc biệt tới em, cô chủ giữ tay hòm chìa khóa của SYC - Ngập ngừng giây lát anh nói tiếp - Hôm nay em đẹp quá Ngọc Hoa ạ, anh xin chúc mừng em!
Ngọc hoa bẽn lẽn cúi xuống:
- Em xin cảm ơn anh!
Hai chiếc ly được nâng lên và khẽ keng vào nhau rồi cả hai cùng đưa lên miệng. Từ đầu bữa tiệc Cường chỉ nâng ly chúc mọi người, nhớ lời dặn bác sĩ anh không dám uống dù chỉ là một ngụm nhỏ, nhưng lúc này anh nhìn Ngọc Hoa như muốn bảo đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất, rồi nghiêng ly uống một hơi dài. Ngọc Hoa cũng đã uống được một ngụm nhỏ, thấy vậy vội đưa tay ngăn Cường lại, ly rượu đã cạn một nửa:
- Xin anh đừng uống tiếp nữa anh!
Cường dừng lại không uống nữa nhưng ly rượu dở dang vẫn cứ xoay tròn trên mấy đầu ngón tay như phân vân muốn nói, phải làm gì với chỗ còn lại này đây? Ngay lúc đó tất cả mọi người bỗng đồng thanh hô to:
- Ngọc Hoa uống nốt. Ngọc Hoa uống nốt…!
Trước những tiếng hô không dứt giống như có một sức ép vô hình, cảm thấy có phần lúng túng, cô ngập ngừng giơ tay đón lấy ly rượu từ tay Cường. Những tiếng hô lại vang lên giục giã:
- Ngọc Hoa uống nốt. Ngọc Hoa uống nốt…!
Một chút men sampanh đã ngấm trong người và những tiếng reo vui khích lệ khiến Ngọc Hoa thấy người nhẹ bẫng, cô nâng ly rượu dở dang lên miệng, ngiêng ngiêng nhìn Cường như có ý xin phép rồi từ từ uống cạn.
Tiếng vỗ tay hoan hô rào rào nổi lên, rồi tiếp ngay sau đấy, lại vẫn là những tiếng hô nhưng với nội dung khác và nhịp điệu có phần mạnh hơn:
- Cường hôn cảm ơn. Cường hôn cảm ơn…!
Được tiếng reo hò khích lệ, Cường bước lên như muốn được thể hiện bản lĩnh đàn ông trước người đẹp, anh cúi xuống nói nhỏ như chỉ đủ cho Ngọc Hoa nghe thấy:
- Anh xin phép em!
Rồi Cường dang hai tay nhẹ nhàng ôm gọn lấy Ngọc Hoa, trong khi đó hai tay hai ly, cô chỉ biết đứng buông xuôi để anh hôn lên mặt, lên má và cuối cùng là một nụ hôn dài lên môi. Hai hơi thở nồng ấm truyền sang nhau, trong phút giây ngắn ngủi dường như cả hai đều cảm thấy sự nồng nàn tiếc nuối khi hai cơ thể phải tách nhau ra. Nhưng chỉ cần như thế, tiếng hoan hô vang dậy căn phòng đã kéo dài tưởng chừng như không bao giờ ngớt.
Trước khi tiệc rượu kết thúc, Cường một lần nữa đứng lên nói lời cảm ơn, và nhân dịp này, anh muốn được gửi tới mọi người một món quà nhỏ để tỏ lòng biết ơn vô hạn của mình. Hai cô gái mỗi người bê một khay phong bao lì xì màu đỏ rực rỡ đi tới từ hai phía. Các cô dừng lại trước mặt từng người tươi cười mời nhận quà. Từng người, từng người một tự cầm lên một chiếc phong bao, mà sau này ai cũng ngạc nhiên vì trong đó đều được gấp ngay ngắn 5 tờ 100 Đôla Mỹ.
Sau bữa tiệc gặp mặt, Cường quyết định bàn giao công việc điều hành Công ty cho Thủ trong vòng hai tháng, để mình đi nghỉ dưỡng ở khu nghỉ Krưm thuộc nước Cộng hoà Ukraina.
Tối hôm trước khi bay đi Ukraina, Cường đã mời Ngọc Hoa đi ăn tối ở một nhà hàng trung tâm thành phố. Ở đây sau bữa ăn, trong lúc ngồi uống cà phê, với niềm xúc động chân thành và mạnh mẽ, Cường đã nắm chặt đôi bàn tay Ngọc Hoa và muốn nói lên những lời nóng bỏng từ trái tim mình nhưng anh không thể. Cái khoảng cách cuối cùng bước tới tình yêu sao bỗng trở nên mênh mông thế. Bao nhiêu dũng khí dồn lại anh cũng chỉ dám đưa đôi bàn tay nhỏ nhắn thơm tho người thiếu nữ áp lên mặt lên môi mình. Ngọc Hoa cứ để yên trong đôi tay anh nóng bỏng. Hai người ngồi như thế rất lâu. Cuối cùng Cường cũng vượt qua được chính mình để thổ lộ ra tiếng nói của trái tim:
- Cho phép anh được bầy tỏ tình cảm của mình rằng anh đã rất yêu em, và trong những ngày này anh đã nhận ra rằng anh không thể không nói lên điều đó. Xin em đừng nói câu gì vào lúc này. Anh sợ rằng sức lực mình không chịu đựng nổi câu trả lời của em.
Và Ngọc Hoa đã không nói câu gì, cô chỉ từ từ cúi xuống hôn thật lâu lên đôi bàn tay chai sần và cứng như thép của anh.
…
Như người ta vẫn hay nói, cái gì phải đến thì cũng sẽ đến! Tình yêu của đôi trai gái này cũng vậy, nhưng khác với nhiều mối tình khác, khi nói lời yêu nhau Cường Hoa lại không được ngồi bên nhau mà họ phải nhờ đến làn sóng vô tuyến để thổ lộ tình yêu của mình. Trong những ngày tháng xa cách đã nhiều lần Cường nói với người yêu là anh muốn trở về Mát sớm, nhưng cô đã ra sức khuyên nhủ thuyết phục để anh yên tâm ở lại an dưỡng. Cô bảo, đối với anh lúc này, sức khỏe là tất cả! Cho đến những ngày sắp sửa trở về thì chính Ngọc Hoa lại nói là cô sẽ xuống Krưm để đón anh về.
Vào một ngày ấm áp đầu xuân, khi tuyết đã tan chẩy hết trên các con đường và cây cối trong vườn bắt đầu trổ ra những mầm lá biếc xanh nõn nà, Cường đáp xe lên sân bay quốc tế Ximphêrôpôn để đón Ngọc Hoa.
Họ ôm ghì lấy nhau ở cửa sân bay như thể không có người nào xung quanh mình nữa. Họ dìu nhau về khách sạn và sống bên nhau trong những ngày trăng mật ngọt ngào tuyệt đỉnh. Họ nói với nhau những câu chuyện lộn xộn, ngớ ngẩn trong sự sắp đặt trật tự và khúc chiết mà chỉ có tình yêu mới làm nổi. Họ bảo chúng ta là những thiên thần đang say sưa bay lượn trên chốn thiên đường, trong khi chính họ lại đang là những nhà doanh nghiệp mà cuộc sống thương trường của họ luôn chịu sức ép mất còn của những trận đánh chiến trường. Họ thầm thì bên nhau rằng họ chẳng cần gì hết trên cõi đời này mà chỉ cần có nhau, được ở bên nhau suốt đời, trong khi hàng ngày hàng giờ họ phải đăm chiêu theo dõi từng bước đi lang thang trôi giạt, của những đồng tiền mồ hôi xương máu trên mọi nẻo đường chiến trận…
Trở về Matxkơva, sau một tuần lao vào công việc để nắm lại tình hình kinh doanh, họ tuyên bố với mọi người là nửa tháng nữa họ sẽ tổ chức đám cưới ngay tại Matxkơva, trước khi bay về Việt Nam báo cáo với bố mẹ hai bên và tổ chức đám cưới chính thức tại quê nhà!
Và họ đã làm được tất cả những việc như họ đã tuyên bố.
*
Từ sân bay Nội Bài, ô tô đưa hai người về thẳng nhà Ngọc Hoa ở một con phố trung tâm Hà Nội. Nhà Hoa chỉ có mẹ và em trai sống trên tầng hai của một ngôi biệt thự cổ. Hoa chạy lên gác gọi mẹ. Lúc hai mẹ con bước xuống đường thì đã thấy Cường với chú lái xe đứng bên một đống ba bốn thùng hàng với mấy chiếc va ly cỡ đại. Hoa giới thiệu mẹ với Cường rồi giới thiệu với mẹ, Cường là Giám đốc Công ty nơi cô làm việc.
Sắp xếp gọn gàng đâu đấy mẹ Hoa bảo hai người ngồi nghỉ ngơi ở sa lông để bà vào pha trà, nhưng Hoa bảo mẹ cứ ngồi trò chuyện để cô vào bếp.
Ngắm nhìn người phụ nữ đã ngoại sáu mươi Cường tự nhủ thầm, có vẻ như thời gian đã bất lực, hoặc cũng có thể là không nỡ làm tàn phai đi một nhan sắc đằm thắm thế này. Lúc này trong lòng anh bỗng rộn lên một niềm hạnh phúc và tự hào thầm kín, vợ mình mới giống bà làm sao! Bà nhìn Cường bằng ánh mắt hiền hậu và thiện cảm:
- Cháu sang Nga đã lâu chưa?
- Thưa bác, cháu sang được gần chục năm rồi ạ.
- Thế học xong rồi ở lại luôn à?
- Không ạ, cháu sang xuất khẩu lao động, khi Liên Xô sụp đổ mới ở lại làm ăn đến bây giờ.
- Gia đình bố mẹ anh em vẫn còn ở Việt Nam đấy chứ?
- Vâng thưa bác, bố mẹ cháu chỉ có mình cháu và vẫn ở dưới Kiến Bình, Thái Ninh.
Bà mẹ bỗng kêu lên khe khẽ:
- Kiến Bình, Thái Ninh! Xã nào thế?
- Xã Song Yên ạ. Chắc bác biết quê cháu?
Bà định hỏi thêm nữa nhưng bỗng đổi ý chối từ:
- Không, bác không biết Song Yên. Hồi chiến tranh phá hoại bác sơ tán ở Kiến Trung, chắc là còn xa Song Yên. Thế bố mẹ về hưu hay làm ruộng dưới quê?
- Mẹ cháu làm thuốc nam, còn bố cháu mới được tiêu chuẩn hưu.
- Mới hưu chắc ông còn trẻ?
- Không ạ, bố cháu năm nay đã ngót nghét tám mươi rồi ạ.
Bà lại thêm một lần ngạc nhiên trước câu chuyện
của Cường:
- Tám mươi mới được tiêu chuẩn hưu là thế nào?
Cường vẫn cứ thật thà như đếm:
- Bố cháu hoạt động cách mạng từ hồi tiền khởi nghĩa chẳng may lại bị cách mạng bắt đi tù mất mười lăm năm, rồi tiếp tục bị quản thúc ở quê nhà mãi gần đây mới được minh oan, được cấp giấy chứng nhận lão thành cách mạng, đến lúc ấy mới được tiêu chuẩn hưu!
Có tiếng rên khe khẽ từ phía bà chủ:
- Chao ôi! Sao lại oan nghiệt thế ư? - Im lặng một lúc bà hỏi tiếp - Thế hồi cách mạng ông nhà hoạt động gì cháu?
- Hồi ấy bố cháu viết báo, rồi cách mạng thành công làm Thứ trưởng Chính phủ Lâm thời…
Chỉ cần chú ý một chút chắc Cường đã nhận ra thái độ bất thường của người đối diện. Khuôn mặt đẹp phúc hậu của bà bỗng trở nên thảng thốt ngơ ngác và hai tay bà ôm ngực như đang trong cơn khó thở. Vừa hay lúc đó Ngọc Hoa bê ra một khay cam vắt rồi đặt cốc nước trước mặt từng người. Nét mặt cô rạng rỡ thoáng chút hóm hỉnh:
- Hai mẹ con đã phỏng vấn nhau những gì rồi, có cần cán bộ phiên dịch nữa không đây?
Thấy hai người cùng im lặng, Hoa hiểu bây giờ là lúc không phải chuyện nói đùa nên cô làm động tác tự tay khuấy nước cam trong cốc cho từng người rồi trở lại với thái độ nghiêm trang:
- Thưa mẹ, lần này chúng con về đột xuất nên không kịp báo trước thời gian, nhưng tất cả mọi công việc thì con đã thường xuyên Fax về để báo cáo và xin ý kiến mẹ. Thưa mẹ, đây là anh Cường, là Giám đốc Công ty nơi con làm việc nhưng cũng là chồng của con. Còn đây là mẹ, mẹ Kiều Oanh của chúng mình, mẹ là bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai về hưu được sáu năm rồi.
Ngọc Hoa dừng lại như có ý im lặng đợi chờ.
Bà Kiều Oanh nhìn con gái rồi quay sang nhìn Cường, bà nhìn kỹ càng như cố tìm một nét quen thuộc nào đấy trên khuôn mặt người con trai. Vẫn giọng nói hiền hậu nhưng bây giờ lại thoáng một chút gì đó cứng rắn và có phần trách cứ:
- Ngọc Hoa giới thiệu cháu là chồng của nó và bác cũng được biết điều này trước đây nửa tháng. Hôm nay gặp cháu không khỏi không thấy bất ngờ nên chưa biết xưng hô như thế nào cho phải đây?
Cường đưa mắt nhìn Ngọc Hoa, cặp mắt đẹp nheo nheo nhìn anh đầy khích lệ và anh thấy mình vững tâm hẳn lên:
- Thưa bác, hoàn cảnh làm ăn của chúng cháu đường sá xa xôi, phương tiện liên lạc chậm chạp cách bức nên đến bây giờ chúng cháu mới gặp mặt được gia đình hai bên để báo cáo, như thế là không phải đạo, cháu mong được bác tha thứ. Chúng cháu về nước kỳ này trước nhất là để xin phép bố mẹ hai bên cho phép cháu với em Ngọc Hoa được đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới ở trong nước. Về mặt pháp lý cũng như phong tục thì chưa, nhưng về mặt tình cảm thì cháu và Ngọc Hoa đã nặng lòng như vợ chồng. Hôm nay được gặp bác lần đầu, xin phép cho con được gọi bác là mẹ, gọi Ngọc Hoa là vợ, và con cũng xin được lạy mẹ ba lạy để tỏ lòng biết ơn mẹ đã sinh ra Ngọc Hoa cho con có diễm phúc được làm chồng của em.
Bài diễn văn ra mắt của nhà doanh nhân trẻ có lẽ không đến nỗi tồi, nên khi thấy Cường đứng lên cúi đầu và mới lạy được cái thứ nhất thì bà Kiều Oanh đã bật cười vội giơ tay cản lại:
- Thôi nào, làm gì mà phải lạy với lục thế này. Ngồi xuống đi con!
Đợi cho Cường yên vị chỗ ngồi, bà mới vui vẻ tiếp tục câu chuyện:
- Mẹ biết bây giờ là thời buổi tân tiến con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy, nhưng lễ nghi được cái gì thì cố mà lễ nghi, nhất là những tập tục cổ truyền đẹp đẽ. Mẹ hỏi thật, chuyện đại sự thế này bố mẹ trong quê đã biết gì chưa?
- Thưa mẹ, con đã viết thư báo cáo chi tiết mọi việc và bố mẹ con đã viết thư trả lời là ở nhà sẽ chuẩn bị mọi thứ đúng như kế hoạch vợ chồng con dự định.
- Thế định khi nào thì về quê, khi nào thì đăng ký?
- Chúng con định mai sẽ xin phép mẹ về quê, vừa là thăm viếng gia đình họ hàng làng xóm, vừa là làm thủ tục đăng ký kết hôn, vì con vẫn là hộ khẩu nông thôn, thế với làm dưới đó quen biết cũng dễ dàng hơn. Đợi khi có đăng ký kết hôn thì kế hoạch cưới xin thế nào chúng con sẽ thưa với mẹ sau.
- Đăng ký trên này cũng dễ, để mẹ gọi điện sang Ủy ban quận xem cần những gì đã nào.
Bà đứng dậy bước tới chiếc bàn nhỏ góc nhà quay số điện thoại nói chuyện, lúc sau quay lại nói tiếp:
- Thôi thế này đi, mai hai con về quê thăm gia đình mấy ngày, hôm nào ra đây chỉ cần mang theo một bản xác nhận của xã là chưa lấy vợ lần nào và hiện nay chưa có vợ, có xác nhận rồi mẹ nhờ mấy cô Ủy ban chỉ hai ngày là có giấy đăng ký kết hôn của quận ngay.
Trò chuyện hồi lâu rồi bà Kiều Oanh bảo Ngọc Hoa dẫn Cường vào phòng thờ thắp hương kính báo công việc trước vong linh bố và ông bà tổ tiên, bà còn dặn tiếp:
- Xong rồi hai con ra chuẩn bị cơm nước nhé, em Biên Cương cũng sắp đi học về, mẹ phải vào phòng nghỉ một lúc, huyết áp xem ra lại tăng lên rồi!
Bà Kiều Oanh vào phòng riêng đóng cửa lại rồi lên giường nằm nghỉ. Câu chuyện của chàng rể tương lai bất ngờ đánh thức những ký ức đã chôn chặt trong trái tim bà. Cũng may mà lúc nãy bà không hỏi rõ tên của bố Cường, nhưng tuổi tác ấy, quê quán ấy, nghề nghiệp ấy, chức vụ ấy, tù tội như thế, trở về quản thúc như thế… không còn nghi ngờ gì nữa, đây đúng là con trai của Hoàng Hữu Nguyên, người đàn ông đầu đời của bà mà cả một cuộc đời bà luôn yêu thương kính trọng, luôn tin tưởng, ngưỡng mộ và tôn sùng như một tín ngưỡng đời mình. Tình yêu bà dành cho anh không một chút tì vết, không một mảy may nghi ngờ. Thế mà nay, khi bước vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời thì sự thật phơi bầy lại không phải như vậy, và thế là tất cả đã sụp đổ trong lòng bà. Cường năm nay 38, tức là nó được sinh ra khoảng hai năm sau ngày anh đi kháng chiến trở về, thời kỳ mà tình yêu của hai người đang nồng thắm chín chắn nhất và đang chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Anh đã phản bội! Một nỗi tủi hờn cay đắng dâng trào trong trái tim mệt mỏi. Nước mắt nửa thương nửa giận chẩy tràn trên gối, rồi bà thiếp đi lúc nào không biết.
Lúc con gái vào mời mẹ ra ăn cơm, bà bảo cứ ra trước, bà muốn trang điểm nhẹ đôi chút và thay bộ quần áo đẹp đẽ trang nhã, bà cứ hình dung, hình ảnh của mình sẽ tái hiện trong con mắt anh thông qua cái nhìn của chính con trai anh.
Trong lúc ngồi ăn cơm, có lúc bà tự nhủ, khuôn mặt của Cường không có một chút nào giống bố, cũng đẹp trai lắm, nhưng không thấy có khí chất tinh anh thâm thúy của một triết nhân, không có sự chậm rãi ung dung của một đạo sĩ. Rồi một tia sáng lóe lên như chớp giật trong suy nghĩ, mà sao nó lại mang họ khác bố nhỉ? Huỳnh Minh Cường, Hoàng Hữu Nguyên, tuy rằng trong tiếng Việt, Huỳnh với Hoàng cũng chỉ là một gốc, nhưng dẫu sao nó vẫn cứ hai họ. Bà định để lúc nào sẽ hỏi riêng con gái cho rõ ngọn ngành. Bà tự nhủ, đây là một việc hệ trọng của con gái, và rồi cũng… cũng hệ trọng với cả mình!
Cuối cùng thì bà cũng được giải tỏa cõi lòng sau khi Ngọc Hoa kể chi tiết về cuộc đời của Cường và mối nhân duyên của hai ông bà Nguyên Lan. Bà Kiều Oanh không nói thêm câu gì với con gái, bà không khóc bởi có lẽ nước mắt đã chẩy hết vào trong, mà chỉ thở dài như muốn than vãn về một điều ai oán của chốn nhân gian: “Đời là bể khổ, tình là dây oan!”.
22. Giũ chiếu đứng dậy
Cái tin thằng Cường con nhà miền Nam dẫn cô người yêu đẹp như tiên sa cá lặn từ nước Nga về thăm bố mẹ, phút chốc loang ra như làn sóng điện ngập tràn cả cái làng Sòi nhỏ bé. Mấy bà đi làm đồng về ngồi ăn ngô nướng ở gốc đa đầu làng kháo nhau, chẳng biết nó giầu đến đâu mà quà bánh khắp làng. Nghe nói kỳ này về nó còn biếu xã một cái phong bì tiền to như cái mả thằng ăn mày, chẳng biết là bao nhiêu mà bảo là để chữa lại cái lớp mẫu giáo của thôn. Khiếp chửa! Cả cái Trường Song Yên chỗ ông bố dượng nó gác cổng cũng thế, ông lão đã nghỉ làm được hai năm nhưng nghe đâu nó vẫn còn cho nhà trường cả một bộ máy micô to tướng để mít tinh hội họp sân trường. Nhưng vẫn chưa hết đâu nhé, nhà cô Thà Hiệu trưởng với cái nhà ông Hổ râu bạc mà tiếng nói cứ ùng oàng như tiếng ca nông, mỗi nhà còn được biếu một cái ti vi màu mới i xì, mà lại của Nhật hẳn hoi, mở thùng ra còn thơm mùi hộp xốp. Chẳng hiểu ân nghĩa những gì mà sâu nặng với nhau thế không biết?
Nhà ông bà Nguyên mấy hôm nay khách khứa ra vào đông vui chẳng kém cái ngày Cường chuẩn bị lên đường nhập ngũ năm nào. Thăm hỏi để mừng cho ông bà, mừng cho Cường đã qua khỏi được thời bĩ cực. Nhưng nhiều người, nhất là cánh thanh niên, sang thăm cũng còn có ý là để mục sở thị cô bạn gái Cường, xem cô ta đẹp đến đâu mà thiên hạ đồn đại cứ hoắng cả lên. Được gặp rồi, được ngồi nói chuyện rồi, các vị ra về đều khẳng định, đẹp! lại khéo nữa, gái Tây mà giản dị khiêm tốn đáo để. Cái thằng vớ vỉn thế mà đâm ra tốt số, tưởng đã hai chấm xuống ruộng từ lâu, thế mà cuối cùng lại ăn kết xe điều. Bây giờ thì cả tổng cả huyện này chẳng ai bằng nó!
Ông bà Nguyên cũng thế, ngay từ cái buổi chiều đầu tiên gặp mặt cũng đã nhận ra ngay cái nết thơm thảo dễ gần của cô con dâu tương lai, họ mừng lắm và mãn nguyện lắm. Cuối cùng thì con trai họ cũng đã có bạn gái, mà lại còn là một cô bạn gái xinh đẹp nết na học thức hẳn hoi. Thằng bé thế mà cũng gớm thật, tẩm ngẩm tầm ngầm tưởng chậm hóa ra chậm chắc! Nhưng mừng thì cũng biết mừng vậy, còn trong lòng bà Lan vẫn có điều canh cánh khôn nguôi. Cũng chỉ mới là bạn gái, liệu rồi có đi được đến kết quả cuối cùng không đây. Chán vạn đôi yêu nhau dăm bẩy năm thề non hẹn biển chỉ đùng một cái lại đã chia tay. Cô này đã xinh đẹp khuê các lại học hành chữ nghĩa giỏi giang, liệu con trai mình có nhận ra đó là cái yếu chết người của nó không đây?
Tối hôm ấy ăn cơm xong, mọi người còn đang ngồi trò chuyện uống nước thì bà Lan đã đứng dậy đi vào chái phòng. Bà thay chiếc chiếu mới, lồng đôi áo gối mới và chiếc chăn mới trên giường của ông bà vẫn nằm mọi khi, còn những đồ cũ đó bà đưa sang chiếc phản ở gian ngoài. Xong xuôi mọi việc mới quay lại bàn uống nước. Bà căn dặn mọi người:
- Đêm nay trời vẫn còn lạnh, bác với Ngọc Hoa ngủ trong chái phòng cho ấm, để hai bố con nhà Cường ngủ ở gian ngoài. Chăn màn tôi đã chuẩn bị cả rồi, cả nhà cứ ngồi chơi lúc nào buồn ngủ thì cứ thế lên giường cho tiện.
Cường kéo mẹ ngồi xuống ghế:
- Thì mẹ cứ ngồi uống nước đã nào, con có dám ngủ tranh con dâu của mẹ đâu mà mẹ đã vội xí phần. Nào mẹ ngồi xuống đây con kể chuyện cổ tích cho nghe cái đã!
Bà Lan ngồi xuống cạnh con trai, trước mặt là cô con dâu tương lai, kế bên là ông chồng. Bà ngồi yên không nói câu nào như muốn được tận hưởng cái không khí ấm cúng gia đình sum họp mong ước bấy lâu. Với bà lúc này chỉ mong được nghe, lời nói của ai đối với bà cũng đều hay, đều đẹp, đều đem đến cho bà những niềm hạnh phúc tràn trề và hứa hẹn những tương lai tươi sáng. Và bây giờ bà lại tiếp tục ngồi yên để xem thằng con dứt ruột đẻ ra kể những chuyện gì mà nó bảo là cổ tích.
- Trước hết con xin được thưa với bố mẹ thế này, chúng con về nước lần này việc quan trọng đầu tiên là xin phép bố mẹ hai bên cho chúng con được làm thủ tục đăng ký kết hôn để rồi tổ chức lễ cưới chính thức. Con nói là xin làm lễ cưới chính thức, vì ở bên kia chúng con đã tổ chức lễ cưới trước bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp trước khi về đây. Bởi thế từ đấy Ngọc Hoa đã là vợ con, đã là con dâu của bố mẹ, nên con xin đề nghị từ giây phút này bố mẹ và vợ con bắt đầu xưng hô với nhau là bố con và mẹ con - cảm thấy không khí có vẻ nghiêm trang và có phần căng thẳng, Cường liền chuyển giọng - Quý vị có đồng ý như thế không nào, nếu đồng ý thì xin cho một tràng vỗ tay thật to, và cũng là để thông cảm cho việc làm mang tính chất tiền trảm hậu tấu của chúng tôi!
Không khí gia đình đúng là thấy nhẹ nhõm hẳn ra. Bà Lan đưa tay qua bàn tươi cười nắm tay con dâu, hai mẹ con cùng run run gọi mẹ gọi con ríu rít. Ông Nguyên ngồi cạnh cũng quay ngang nắm tay con dâu xúc động nói:
- Bố mẹ mong chờ giây phút này đã lâu, bố mẹ thấy hạnh phúc và mãn nguyện vô cùng, đúng như con trai vừa nói, đây là một câu chuyện cổ tích của nhà mình. Bố mẹ chào mừng con dâu yêu quý và chúc các con hạnh phúc gắn bó bên nhau suốt đời.
Ngọc Hoa nép mình bên vai ông và ngước mắt rưng rưng:
- Con xin cảm ơn bố mẹ đã yêu thương vun đắp hạnh phúc cho chúng con. Con thật hãnh diện và hạnh phúc được làm con của bố mẹ, làm dâu của gia đình mình.
Cường ngồi bên kia chen sang:
- Gì nữa chứ nhỉ?
Ngọc Hoa mỉm cười hạnh phúc:
- Và làm vợ của anh Cường nữa ạ!
Đợi cho không khí vui vẻ ồn ào lắng xuống, Cường quay lại dáng vẻ trịnh trọng nói tiếp:
- Thưa bố mẹ, đấy mới là phần thứ nhất câu chuyện cổ tích, bây giờ con xin kể tiếp phần hai.
Vợ chồng con sang đó học tập làm ăn đều đã gần chục năm cả rồi, không hẹn mà gặp, nay chúng con đã thành vợ thành chồng, cả hai đều thống nhất với nhau là sự nghiệp làm ăn kiếm tiền chẳng biết đến bao giờ mới có thể dừng lại khi ta không chủ động tự dừng lại trước. Bởi thế sau khi tổ chức cưới xin, ổn định gia đình, vợ chồng con dự tính sẽ chuyển một phần vốn về nước để tổ chức kinh doanh. Công việc kinh doanh trong nước rồi đây sẽ do Ngọc Hoa trực tiếp quản lý. Phần con thì vẫn phải khi đi khi về vì cơ sở bên kia vẫn còn phát triển tốt. Kinh doanh gì trong nước? Đây quả là một câu hỏi không dễ trả lời, chúng con sẽ phải dành thời gian tìm hiểu kỹ càng rồi mới quyết định. Nhưng làm gì thì làm vẫn chỉ có thể chọn Hà Nội để lập trụ sở vì đây sẽ là địa bàn hoạt động chính của chúng con. Không thể chọn Sài Gòn, mặc dù Sài Gòn dễ làm ăn hơn, vì nếu ở Sài Gòn thì Ngọc Hoa không được gần mẹ Kiều Oanh. Cũng không thể đặt trụ sở ở làng Sòi hoặc Nam Bình cho gần bố mẹ, vì chưa biết sẽ kinh doanh gì ở những nơi ấy cả. Nếu mọi việc diễn ra đúng như dự kiến thì đến lúc ấy chắc là chúng con sẽ phải đón bố mẹ lên sống trên Hà Nội. Con xin thay mặt cho vợ con tóm tắt lại phần hai câu chuyện cổ tích của nhà mình để bố mẹ biết và có lời chỉ bảo.
Ngừng lời và nhìn vào bố như có ý mời bố nói, nhưng ông Nguyên lại nháy mắt về phía bà Lan như muốn nhắc con là để mẹ nói trước. Cường hiểu ý liền quay sang mẹ:
- Con quên mất là nhà mình vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, mẹ quyết định thế nào là chuẩn thế ấy, bố con chỉ còn có việc ô kê, con xin ý kiến mẹ.
Giống như bị bỏ bom chỉ định phát biểu ở cuộc họp hợp tác xã, bà Lan lúng túng mất một lúc rồi mới ngập ngừng nên lời:
- Mẹ thì chẳng biết nói gì, cả đời chỉ một điều mong mỏi nuôi dạy cho con khôn lớn nên người. Nhờ ơn Phật tổ phù hộ độ trì, nhờ vào phúc ấm tổ tiên mà con đã trưởng thành bằng anh bằng em, bằng bạn bằng bè, lại có được người vợ xinh đẹp thảo hiền, được như thế là bố mẹ thấy cuộc đời mãn nguyện lắm rồi. Nay các con tính chuyện về nước làm ăn để được gần cha mẹ hai bên, tấm lòng hiếu đễ như thế bố mẹ hằng mong đợi biết bao năm tháng, được như thế thật chẳng còn dám mong ước gì nữa. Bố mẹ ngày đêm cầu khấn để các con hạnh phúc, công việc hanh thông, sớm có con cho ông bà có cháu bầu bạn.
Bà Lan vừa nói xong thì Cường đã vội quay sang ôm chầm lấy mẹ, Ngọc Hoa cũng đứng dậy bước sang, bà Lan vội đứng lên đón tay con dâu, cả ba người ôm chặt lấy nhau giữa tiếng nói oang oang như lệnh vỡ của Cường:
- Thế này mà mẹ bảo không biết nói gì, con thấy hay chẳng kém gì mấy ông tuyên giáo - Rồi anh chuyển giọng trầm hẳn xuống tỏ vẻ trịnh trọng - Về nước kỳ này thế nào tôi cũng đề nghị chuyển đồng chí Hương Lan lên công tác trên ấy!
Những tiếng reo cười hân hoan, như chỉ có thể bắt nguồn từ những cõi lòng thênh thang mãn nguyện, nở rộ như ngô rang khắp mấy gian nhà.
Những ngày tiếp theo là cả một núi công việc đến với gia đình ông bà Nguyên, đến với vợ chồng Cường Hoa. Nhưng nhờ vào mối quan hệ tốt lành của ông bà với làng xóm, với chính quyền sở tại, lại có chiếc ô tô Cường thuê để sẵn ở nhà chạy việc, và cũng phải nói là còn nhờ vào cái túi tiền lúc nào cũng ăm ắp, mà cái núi công việc ấy đã được giải quyết gọn ghẽ đâu vào đấy. Nhưng rồi trước cái sự gọn ghẽ công lên việc xuống thì trong cõi lòng vốn đã tĩnh lặng bấy nay của ông Nguyên, bỗng lại cuộn lên như một con sóng cồn. Ấy là vào sáng hôm sau, trong lúc trò chuyện riêng với con dâu, ông đã vô cùng sửng sốt khi được biết Ngọc Hoa lại chính là con gái của mẹ Kiều Oanh, người phụ nữ đầu đời của ông, và Nguyễn Đức Hậu, người giám thị những năm đầu ông ở tù rồi sau này được chuyển công tác về Bộ và lên đến chức thiếu tướng công an trước lúc nghỉ hưu, còn nay thì đã qua đời!
Nghĩ về Kiều Oanh ông lại bỗng chạnh lòng cho rằng mình đã có gì không phải với người vợ hiền thục hôm nay. Mối tình đầu đời tuy đã chôn chặt trong ký ức, nhưng không phải là nó đã chết hẳn trong lòng. Thảng hoặc đôi lần trong những đêm mất ngủ, nằm bên cạnh người vợ đang thiêm thiếp giấc nồng, yên lành và cậy tin như trong giấc ngủ trẻ thơ, ông lại tự vấn, nếu như ngày ấy ta đã không khăng khăng dứt áo ra đi, mà ở lại một lòng gắn bó với Kiều Oanh, thì không biết cuộc đời liệu có rẽ sang những hướng nào khác? Và ông giật mình thảng thốt, cho dù có rẽ ngả nào thì đời ông chắc chắn cũng không có được người phụ nữ này, người mà trong tâm hồn ông luôn rạng ngời ánh hào quang của đức thánh cứu thế, người đã đem đến cho ông sự tái sinh trong những thời khắc bĩ cực nhất cuộc đời, giống như nước nguồn đã kịp tràn về tiếp sức cho con sông cạn dòng được sống lại, tiếp tục vươn dài ra đến tận biển khơi. Trong dòng suy tưởng trái chiều về hai người phụ nữ thánh thiện cuộc đời mình, ông nghĩ rằng chẳng nên bao giờ để họ biết về nhau dù chỉ trong tâm tưởng hay ý niệm. Điều đó là không cần thiết bởi nó sẽ chẳng đem đến sự tốt lành hơn cho bất cứ một ai. Suy nghĩ vậy nên trong rất nhiều câu chuyện về gia đình, về cuộc đời mình đôi lần kể với vợ con, ông không khi nào nhắc tới gia đình Vĩnh Phát, gia đình có người con gái mà chỉ một chút cam chịu nhún nhường nữa thôi, thì nàng đã gắn bó với cuộc đời của ông.
Nhưng cuộc đời ông mới thật lắm nỗi éo le! Người con gái của Kiều Oanh, cháu ngoại của gia đình Vĩnh Phát nay bỗng nhiên xuất hiện và trở thành con dâu của vợ chồng ông. Trong cái khoảnh khắc bất ngờ không thể tưởng tượng ấy, ông đã cố giấu đi sự bất thường của mình trước mặt con dâu, nhưng lại hình dung ngay ra cái sự lúng túng khó xử khi gặp lại Kiều Oanh, gặp lại ngôi nhà đầy ắp những kỷ niệm vui buồn thời trai trẻ. Sẽ phải cư xử thế nào cho phải với người xưa, với người nay, với con cái họ hàng? Sau một khoảnh khắc nghĩ suy cân nhắc, ông quyết định sẽ kể lại cho mọi người biết về mối quan hệ ân tình của hai gia đình Trương Ký Vĩnh Phát, nhưng sẽ không nói về mối quan hệ riêng của hai người. Lúc này ông mới tự nhủ lòng, Kiều Oanh có thể đã có lý khi bức thư gửi ông trong lần Vĩnh Lộc về Sòi thăm ông năm nào có đoạn viết: “…người hạnh phúc là người có một góc ký ức giấu kín trong tim...”.
Ông bình thản bảo con dâu đi mời mẹ và chồng đến để ông kể cho nghe một câu chuyện cổ tích khác của gia đình.
Khi câu chuyện hợp tan của hai gia đình kể xong thì mọi người đều lặng đi, một không khí vấn vương nhuốm màu hoài niệm trộn lẫn buồn vui bao trùm tất thảy, hồi lâu bỗng nghe tiếng khóc thổn thức của Ngọc Hoa, giọng cô như lạc đi trong niềm xúc động:
- Bố mẹ ơi, thế thì mối nhân duyên hai vợ chồng con có được hẳn là do đã có sự sắp xếp của số phận, có sự định ước của tiền nhân ông bà hai bên. Chúng con là thế hệ con cháu, những người được thừa hưởng phúc lộc của mối quan hệ ân tình ấy, xin hứa với bố mẹ sẽ một lòng ăn ở nhân nghĩa thủy chung để xứng đáng với truyền thống của hai gia đình.
Cường cũng chia sẻ với vợ:
- Mấy hôm nữa chúng mình lên Hà Nội cho mẹ Kiều Oanh biết tin, chắc mẹ sẽ phải ngạc nhiên và xúc động lắm!
Những diễn biến sự việc sau đấy dù có không kể thì ai cũng có thể hình dung ra nỗi trần ai vất vả, bởi trong đời người ai mà chẳng một lần từng gặp. Xin giấy xác nhận ở xã, lên Hà Nội lấy giấy đăng ký kết hôn, định ngày ăn hỏi và ngày cưới, in thiếp cưới, tiếp đến là đoàn nhà trai ở quê lên ăn hỏi, xin dâu, rồi đám cưới tổ chức ở quê, sau đó là tiệc cưới tổ chức ở khách sạn trên Hà Nội… việc này tiếp nối việc kia, dồn dập không ngừng không nghỉ. Nhưng nhờ vào tài tháo vát của Cường cũng như sự giúp đỡ của anh em con cháu họ hàng và bạn bè hai bên mà mọi việc dù ở Song Yên hay trên Hà Nội đều cứ chạy ve ve, suôn sẻ đâu vào đấy.
Và rồi cái chuỗi những sự việc liên hoàn cấp tập và dài lê thế ấy, đã được kết thúc một cách đầy ấn tượng bởi hai cái đám cưới. Một ở Sòi theo phong cách cổ truyền dân tộc, dựng rạp, giết lợn, mổ bò, cỗ bàn ăn đủ ba ngày. Và một ở Hà Nội theo phong cách cổ điển châu Âu, ô tô đón dâu là chiếc xe Citroen màu đen đít vuông 15 mã lực được sản xuất năm 1938 trước thế chiến thứ hai, tiệc cưới tổ chức trong gian đại sảnh khách sạn 5 sao không thắp đèn mà chỉ đốt nến, dàn nhạc thính phòng chơi toàn bài cổ điển cùng các ca sĩ hàng đầu góp vui mỗi người chỉ đúng một bài cho khách thòm thèm… Biết bao tiếng khen và lời bình phẩm ở cả hai nơi cứ rộn lên trong những ngày hôn lễ, rồi còn kéo dài mãi trong suốt thời gian hậu cưới. “Các ông mà khen đám cưới thằng Cường thì có khác nào khen phò mã tốt áo, khen Đinh Thìn thổi sáo, khen kho bạc lắm tiền!”. “Chuyện! Đám cưới đại gia không tổ chức ở Mêtrôpôl mà đi căng bạt vỉa hè như nhà ông ấy a, có mà dở hơi!”…
*
Một ngày cuối thu trên một con phố đẹp khu trung tâm Hà Nội, tại một ngôi nhà ba tầng mới được cải tạo và tân trang, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc bán cổ điển ban đầu của thời Hà Nội tạm chiếm, vào lúc này đã thấy mấy chiếc xe ô tô hạng sang bóng nhoáng đỗ trên vỉa hè và dưới lòng đường trước cửa. Khách khứa ra vào lên xuống nhộn nhịp, và tiếng nhạc phát ra thánh thót êm dịu loang ra tới tận ngoài cổng. Bọn trẻ con hàng xóm chỉ bám hàng rào hoa tigôn nhìn vào mà biết chẳng thiếu điều gì. Chúng bảo nhau hôm nay chủ nhà mới dọn đến vừa tổ chức ăn tân gia, vừa tổ chức mừng thằng cu Tý mới đẻ đầy một tháng tuổi.
Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ. Nghe lỏm thế mà đúng đáo để.
Trong phòng khách lúc này mọi người đã có mặt đông đủ. Ông Nguyên, bà Lan, bà Kiều Oanh ngồi ở hàng sa lông giữa phòng. Đối diện là vợ chồng ông Liêm, vợ chồng ông Chính dưới Nam Bình lên. Tiếp đấy là vợ chồng ông Vĩnh Lộc. Rồi đến lượt các con các cháu quây quần vòng trong vòng ngoài. Tất cả đều là họ hàng thân thuộc hai bên, không có ai là khách ngoài. Trong khi đó tại căn phòng riêng trên gác, nữ chủ nhân Ngọc Hoa đang bận bịu việc trang điểm cho mình và cho cậu con trai mới sinh. Còn đức ông chồng Huỳnh Minh Cường thì đang ở dưới sân trước, anh đi đi lại lại đầy vẻ sốt ruột, thỉnh thoảng lại giơ tay xem đồng hồ lẩm bẩm: “Chẳng biết có chuyện gì nữa không mà chậm thế không biết!”. Lần cuối gọi điện thoại di động thì Luân cho biết xe đã đến Ngọc Hồi nhưng đang bị kẹt. Từ đấy Cường không dám gọi tiếp sợ lái xe sốt ruột ảnh hưởng tay lái. Vừa hay lúc ấy có tiếng ô tô đỗ và tiếng còi pim pim, Cường chạy ra cổng đã thấy Luân đang đứng mở cửa sau xe, người bước xuống đầu tiên là bà giáo Thà, rồi đến cậu Thật con bà, cuối cùng là ông Hổ râu bạc. Cường ra tận nơi đón khách rồi dẫn mọi người vào nhà.
Mới trông thấy khách, ông Nguyên và bà Lan đã vội xin phép mọi người đứng dậy để chạy ra tận nơi chào đón:
- Thật là quý hóa quá, hôm nay bà giáo, chú Hổ và cậu Thật lên được thế này, vợ chồng tôi và các cháu thật vô cùng cảm động và biết ơn. Để mời bà, mời chú, mời cậu vào nhà xơi nước.
Thấy cách đón khách trịnh trọng và chân tình của ông bà Nguyên, biết là khách mời đặc biệt, vợ chồng ông Vĩnh Lộc, vợ chồng ông Liêm vội đứng lên nhường chỗ. Ông Nguyên giới thiệu với mọi người trong gia đình đây là những ân nhân của ông, mà vợ chồng và gia đình ông mãi mãi biết ơn ghi nhớ trong lòng. Rồi ông lần lượt giới thiệu từng người có mặt trong ngày vui gia đình hôm nay. Để mọi người trò chuyện hàn huyên một lúc, Cường mới đứng lên:
- Con xin phép được thưa với bố mẹ họ hàng hai bên, thưa với cô Thà, chú Hổ, hôm nay là ngày vui của gia đình con, mọi người thân đều có mặt đông đủ để mừng ngày đầy tháng cho cu Tý Hữu Trung của chúng con, mừng cho bố mẹ con và gia đình con có được chỗ ở mới. Bây giờ con xin được mời tất cả mọi người đi tham quan nhà cửa một chút rồi sau đó vào dự bữa cơm gia đình đã chuẩn bị ở phòng bên.
Ngôi nhà được xây dựng theo lối nửa biệt thự nửa liền kề. Sân trước sân sau nối thông nhau bởi một hành lang rộng chừng hai mét. Tầng một có phòng khách lớn, tiếp đến là phòng ăn, bếp, khu vệ sinh. Nhà ba mặt thoáng nên phòng nào cũng sáng sủa và thoáng mát khí trời. Tầng hai có bốn phòng lớn nhỏ. Văn phòng làm việc, phòng riêng của hai mẹ con Ngọc Hoa, phòng riêng của Cường và một phòng nhỏ cho người giúp việc. Tầng ba là tầng ông bà Nguyên ở, số phòng và kết cấu giống như tầng hai. Phòng lớn là phòng riêng hai ông bà, một phòng là thư viện, một phòng đặt ban thờ và một phòng làm kho chứa đồ. Sân thượng trên nóc tầng tư rộng chừng 150 mét vuông được thiết kế thành một vườn cây cảnh, có núi giả sơn, có các loại cây cảnh bon sai, có lồng lưới sắt thả chim cảnh các loại, có bể thả cá cảnh, có bãi cỏ nhấp nhô, có ghế đá ngôi nghỉ, có đường đi dạo trải sỏi. Một không gian thiên nhiên sơn thủy hữu tình được thu nhỏ và bê đặt vào đây, như Cường giới thiệu với mọi người là để bố mẹ cháu hàng ngày ngồi ngắm cho đỡ nhớ cảnh đồng quê.
Đi thăm ai cũng trầm trồ khen ngợi về sự chu đáo và tiện nghi đến từng chi tiết sinh hoạt của ngôi nhà, về sự ngăn nắp gọn ghẽ của đồ đạc được bài trí trong từng căn phòng. Vào thăm phòng đặt ban thờ xong, đợi cho mọi người đi ra, bà Kiều Oanh một mình nán lại thắp hương rồi đứng lặng trước ban thờ. Trên ban đặt bốn tấm chân dung của ông bà Lang Chương và ông bà Trương Ký cùng một kích cỡ, cùng một kiểu giá đỡ khung ảnh. Ngắm ảnh ông bà Trương Ký trong giây phút khói hương trầm mặc, bà Kiều Oanh như mường tượng lại cái không gian sống êm đềm tuổi thơ của hơn nửa thế kỷ về trước. Nhớ thương và tiếc nuối, bà cứ để cho nước mắt lăn dài trên má. Hồi lâu bà lấy khăn tay lau mặt rồi chậm rãi bước ra.
Mọi người quay về phòng ăn. Theo sự sắp đặt của Cường, bố Nguyên, mẹ Lan, mẹ Kiều Oanh, cô giáo Thà và chú Hổ cùng ngồi tại bàn ăn chính giữa. Các bàn sau cứ lần lượt cô chú, anh em, con cháu quây quần đông đủ. Đến giờ, Cường chạy lên gác bế con và cùng vợ bước xuống chào mọi người.
Bế trên tay đứa con đẹp như tiên đồng và bên cạnh là người vợ trẻ đẹp như tiên nữ, gương mặt Cường tràn trề hạnh phúc hướng về mọi người:
- Kính thưa mẹ Kiều Oanh, kính thưa mẹ Hương Lan, kính thưa cô giáo Thà, kính thưa bố Nguyên, kính thưa chú Hổ, kính thưa các cô chú, anh em con cháu họ tộc hai bên, như lúc trước con đã báo cáo, hôm nay được ngày lành tháng tốt, những người đã yêu thương đùm bọc gắn bó sẻ chia với gia đình con trong suốt những năm tháng qua, đã có mặt đông đủ ở đây để mừng cho con trai chúng con được đầy tháng tuổi, mừng cho bố mẹ và gia đình chúng con có được nơi ở mới khang trang trên Thủ đô. Con xin được thay mặt cho bố mẹ chúng con, thay mặt cho vợ và cu Tý nhà con nói lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới tất cả mọi người.
Dứt lời Cường liền nhẹ nhàng nâng con trai lên cao giữa tiếng hoan hô reo hò và ánh chớp máy ảnh nhoang nhoáng. Cháu bé được bọc trong chăn mở mắt ngọ ngoạy và ọ ẹ mấy tiếng, được mẹ đứng bên đập nhẹ vào người và nựng mấy tiếng quen thuộc, cháu lại nhắm mắt với giấc ngủ sơ sinh. Cường nói tiếp:
- Nhân dịp này con cũng xin được báo cáo với bố mẹ và họ hàng hai bên một tin vui nữa để mừng cho chúng con, sau bẩy tháng tiến hành làm thủ tục hồ sơ thành lập doanh nghiệp, đầu tháng vừa rồi, chúng con đã nhận được giấy phép thành lập Ngân hàng SYC Bank do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp. Đây là một trong những ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên được cấp phép hoạt động ở Việt Nam, sẽ do Ngọc Hoa trực tiếp làm Chủ tịch hội đồng quản trị, còn chức Tổng giám đốc thì một người bạn cùng góp vốn đảm nhiệm. Thời gian qua và tiếp sau đây nữa, chúng con sẽ hoàn thiện trụ sở ngân hàng, tiến hành trang thiết bị và tuyển dụng đào tạo cán bộ để kịp khai trương hoạt động vào dịp đầu năm mới tới đây. Con xin được nâng cốc chúc mừng sức khỏe mọi người và cũng là để mọi người mừng cho những bước đi đầu tiên của chúng con trên con đường hoạt động kinh doanh trên quê hương vì sự nghiệp ích nước lợi nhà!
Mọi người cùng hướng về phía vợ chồng Cường nâng cao ly rượu sampanh chạm cốc leng keng. Ở bàn ăn trung tâm, ông bà Nguyên và bà Kiều Oanh nhìn nhau ngơ ngác như muốn hỏi ông, bà đã biết chuyện này chưa? Trong điệu bộ kiểu cách thì có thể thấy là chưa ai biết gì về cái tin bất ngờ như sét đánh này. Không ai nói với ai câu gì, bởi lúc đó những người phục vụ đã lần lượt bê những món ăn khai vị đặt lên bàn, và mọi người đều bắt đầu mời nhau cầm đũa.
Tiệc rượu râm ran kéo dài cho tới tám giờ tối mới kết thúc. Những người ở xa như mẹ con bà giáo, ông Hổ và họ hàng ở Nam Bình được ô tô nhà mấy chiếc lần lượt đưa đến khách sạn đã đặt sẵn phòng để nghỉ ngơi. Ông bà Nguyên ra tận đường chia tay mấy vị khách làng Sòi. Ông Nguyên bùi ngùi nắm tay từng người:
- Vợ chồng tôi cũng chỉ ở trên này ít bữa, khi công việc các cháu đã hòm hòm thì lại về Sòi ngay, ở trên này ngày nào nhớ quê ngày ấy!
Rồi ông nhận từ tay Cường từng túi quà để trao tặng cho bà giáo và ông Hổ:
- Một chút quà mọn gọi là tấm lòng tri ân để ông bà với cậu đi đường. Giờ thì cháu Cường sẽ đưa mọi người sang nghỉ tạm bên ấy, sáng mai vợ chồng tôi sẽ sang sớm đón cùng đi tham quan Hà Nội một hôm. Tôi tiếng là ở đây từ bé thế mà thoáng một cái cũng phải bốn mươi năm mới có dịp trở lại!
Ông Hổ râu bạc hai tay nhận túi quà nói với ông Nguyên mà cũng như nói với mọi người:
- Ai chứ bác cho cái gì là em xin nhận chẳng có nề hà khách sáo gì hết. Nhưng mà cũng phải nói thật, nhận quà hôm nay mừng cho bác một phần thì lại mừng cho thằng cháu Cường hai ba phần. Không có bác thì làm sao có ngày hôm nay. Cường! Chú nói thế có đúng không cháu?
Cường cầm hai tay ông Hổ lắc mạnh:
- Chú Hổ chỉ được cái nói đúng! Bố cháu từ trước đến nay luôn là lãnh tụ tối cao vạch đường chỉ lối, lại là chính ủy kiêm tư lệnh của mọi chiến dịch lớn nhỏ trong cuộc đời cháu. Mọi thành công của cháu đều bắt đầu từ bố…
Bà giáo Thà từ nãy vẫn im lặng giờ mới lên tiếng:
- Thế bà Lan đây không có công hay sao mà không thấy ai nhắc đến? Theo tôi thì kết quả này có được là nhờ vào phúc ấm tổ tiên đem lại cho cả ba người, nó giống như cuộc chạy tiếp sức, khởi đầu là các vị tiền nhân, đoạn tiếp theo là ông Nguyên, rồi đến bà, và cuối cùng người đem công quả về tới đích là cháu Cường.
Ông Nguyên hồ hởi ra mặt:
- Ý kiến bà giáo mới thật là lý tình trọn vẹn. Xin thay mặt cho cả nhà một lần nữa đa tạ ân nghĩa của bà giáo, của chú Hổ và cậu Thật.
Cường chợt giật mình nắm tay nói với bà giáo:
- Tí nữa thì con quên mất một chuyện hệ trọng nói với cô. Vợ chồng con đã nói chuyện với em Thật là trong khi đợi lấy bằng tốt nghiệp Đại học Tài chính, nếu em có nguyện vọng thì bất cứ lúc nào Ngân hàng SYC Bank cũng sẵn sàng đón nhận vào làm việc. Cô và em về cứ cân nhắc kỹ, nếu cô đồng ý thì bảo em cứ thế lên làm việc không cần phải thông báo trước cho con nữa đâu.
Bà giáo nắm tay Cường nói lời cảm ơn, rồi lần lượt nắm chặt tay ông bà Nguyên rưng rưng cảm động không nói nên lời, chỉ gật đầu rồi chầm chậm bước vào xe.
Quay vào nhà, lúc này khách khứa đã ra về cả, trong phòng khách chỉ còn ba mẹ con bà Kiều Oanh, Ngọc Hoa và Biên Cương. Ông bà Nguyên với Cường cùng ngồi vào thế là lại đủ sáu người ngồi uống nước bàn chuyện gia đình.
Ông Nguyên lại là người lên tiếng đầu tiên:
- Không biết bà Kiều Oanh nghĩ thế nào chứ tôi thì thấy choáng váng quá khi nghe anh ấy tuyên bố là đã thành lập xong ngân hàng. Việc đại sự thế mà cứ im như thóc ấy!
Bà Kiều Oanh tiếp lời ông thông gia:
- Em cũng giống như ông, lúc nghe con nó nói mà thấy không tin ở tai mình nữa. Cũng không hiểu cổ phần là thế nào, mà sao lại để Ngọc Hoa gánh vác cái chức vụ nặng nề thế? Còn Cường, con không cùng tham gia với vợ con ở đây hay sao, liệu như thế có quá sức cho Ngọc Hoa không? Mẹ thật sự lo lắng về cái công việc mà bố Nguyên con gọi là đại sự rồi đấy!
Cường nở nụ cười hiền trước những lời trách nhẹ nhàng của bố mẹ:
- Con cũng xin được nói rõ hơn để bố mẹ hai bên thông cảm cho thế này. Thứ nhất là thủ tục xin thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam cứ giống như trò ú tim. Nếu như ở bên Nga con thành lập công ty chỉ mất chưa đầy một tháng, nhưng ở đây chúng con chạy không biết bao nhiêu cửa, vòng vèo lễ bái đủ kiểu, ai cũng hứa, cũng nhận phong bì mà vẫn không biết có được hay không. Bởi vậy trong suốt thời gian ấy chúng con không dám nói với ai ngoài mấy anh em góp vốn sáng lập, sợ rằng nói trước bước không qua. Cho mãi đến khi cầm chắc trong tay giấy phép và hợp đồng thuê trụ sở dài hạn, chúng con mới yên trí thở phào.
Khuôn mặt ba vị phụ huynh như thanh thản trở lại sau lời giải thích. Cường lại tiếp tục:
- Còn về công việc của ngân hàng con xin tóm tắt để bố mẹ rõ hơn. Đây là một ngân hang cổ phần tư nhân, nên tất cả vốn hoạt động đều là của tư nhân đóng góp theo tỷ lệ cổ phần. Vợ chồng con góp 60% vốn nên được quyền giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc điều hành. 40% vốn còn lại do 5 người bạn khác góp mỗi người một ít, nên họ chỉ là thành viên hội đồng quản trị. Nhưng điều hành hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực mới mẻ và khó khăn, nên chúng con nhường chức Tổng giám đốc điều hành cho một người bạn thân, tuy vốn góp ít nhất nhưng có nghiệp vụ giỏi. Ngọc Hoa giữ chức Chủ tịch hội đồng là người có quyền hạn cao nhất, và con giữ chức Trưởng ban kiểm soát để nắm khâu giám sát, phát hiện và kiến nghị lên Chủ tịch hội đồng. Như thế là vừa đỡ sức ép công việc hàng ngày cho Ngọc Hoa, vừa chủ động nắm chắc công cụ tai mắt, giúp cho Chủ tịch hội đồng quản trị có đủ thông tin để giám sát công việc điều hành của Tổng giám đốc. Công việc phân công như thế để cho con có thời gian khi đi khi về điều hành Công ty bên Nga.
Bà Lan từ nãy vẫn chỉ ngồi nghe, đến đây mới xen vào nhưng giọng nói vẫn chưa hết vẻ lo âu:
- Cường ơi, con ơi, nghe con nói mẹ cũng hiểu ra đôi phần công việc khó nhọc mà hai con phải thay nhau gánh vác, mẹ cũng thấy yên tâm trong lòng. Nhưng mẹ vẫn còn thấy có điều phấp phỏng chưa yên nên tò mò muốn hỏi, làm ngân hàng thì vốn liếng phải nhiều lắm, các con lấy đâu ra hay lại phải vay mượn thì khổ thân lắm?
Bà Kiều Oanh nhìn bà Lan nói như reo lên:
- Bà nói mới đúng ý em làm sao! Từ lúc nghe con cho biết mở ngân hàng mà em cứ như ngồi trên đống lửa. - rồi bà quay sang phía Cường - Chắc con cũng đã hiểu được nỗi lo lắng của bố mẹ hai bên, nếu vậy thì con có thể nói lại đôi điều để giải tỏa được phần nào không con?
Cường cũng không nghĩ sự việc lại có vẻ trở nên nghiêm trọng đến thế, anh lấy lại tư thế trịnh trọng nói với mọi người:
- Thưa bố mẹ hai bên, câu chuyện kiếm tiền tích lũy để có vốn liếng làm ăn là một câu chuyện dài, ở đây con chỉ xin nói lại như thế này. Khi con sang lao động bên Nga, quanh năm làm ăn cật lực, làm thêm giờ, làm ngày nghỉ, tranh thủ buôn bán chạy chợ, ăn nhịn để dành, gần bốn năm trời cũng chỉ có được chút vốn liếng, nếu về nước có giỏi cũng chỉ đủ mở một cái cửa hàng tạp hóa trên phố huyện. Nhưng may mắn cho con là được làm con bố Nguyên, được bố giáo dục dạy bảo dìu dắt qua bao năm tháng, để con dần có được sự hiểu biết và cái nhìn bao quát tổng hợp về sự vận động và phát triển của mọi sự việc quanh mình. Lại được sống đúng giai đoạn nước Nga đang trăn trở tìm đường bước sang nền kinh tế thị trường, nên con đã học được nhiều điều từ thực tế, mở mang đầu óc được nhiều thứ. Kết quả đó con nghĩ là còn lớn hơn nhiều so với số vốn của một cửa hàng tạp hóa phố huyện đã tích lũy được. Đến khi con được bố mẹ giao cho số vốn 50 cây vàng, số vàng mà do thời cuộc đã bị đắp chiếu trong suốt 50 năm từ thời ông nội Trương Ký, lại đúng vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, con như kẻ may mắn hội được cả ba điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà cho công việc phát triển kinh doanh của mình. Từ số vốn đắp chiếu ban đầu bố mẹ giao cho, con đã mạnh dạn giũ chiếu đứng dậy, lao vào cuộc chiến một mất một còn trên một thương trường bắt đầu tập sự mở cửa nước Nga, cái thương trường mà những người Việt buôn bán lúc đó đã ví, nó giống như một cái thành cổ chứa đầy của cải đã mở sẵn cổng thành, ai nhanh chân cũng đều có thể nhẩy vào bên trong mà lượm hái. Cũng nhờ có thế mà trong khoảng 5 năm kinh doanh bên Nga, con đã có được số vốn tích lũy lớn gấp nhiều lần, đủ sức mở mang công việc kinh doanh mà không phải vay mượn. Con muốn nói tóm tắt như thế để bố mẹ hai bên biết và yên tâm cũng như mừng cho chúng con.
Trong khi nói Cường vẫn không quên quan sát mọi người, đặc biệt là bố Nguyên. Thấy bố tỏ ra chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại gật đầu tỏ ý tán thưởng, Cường lại phấn chấn nói tiếp:
- Khi có ý định chuyển vốn về kinh doanh trong nước, vợ chồng con đã bàn với nhau rất kỹ. Liệu thời cơ đã chín muồi chưa, liệu Nhà nước Việt Nam đã thật sự cho mở cửa chưa, hay là cho mở ra rồi lại đóng sập lại ngay? Nhưng khi thấy trong nước đã ban hành các luật đầu tư nước ngoài, luật doanh nghiệp, công nhận sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…, lại thấy có nhiều người Việt ở nước ngoài đầu tư lớn về Việt Nam thì chúng con thấy yên tâm rất nhiều. Nhưng hôm nay trước mặt bố mẹ hai bên con cũng xin thưa rằng, điều khiến con quyết định đầu tư lớn về nước lại là lời khuyên của bố Nguyên. Bố bảo hơn lúc nào hết việc con đầu tư về nước lúc này là thời cơ thuận lợi nhất, không có gì đáng phải băn khoăn lo ngại nữa. Làm được việc đó vào lúc này cũng còn có nghĩa, đã tiếp tục thực hiện được sự nghiệp dang dở một đời ông nội, cũng lại là thể hiện trên thực tế ý tưởng bình đẳng về lòng yêu nước và tự do sản xuất kinh doanh mà cả một đời bố hằng ấp ủ.
Nhận thấy bố Nguyên đang trong tư thế chống tay lên cằm, đầu hơi cúi xuống như đang suy nghĩ điều gì, Cường vội ngắt mạch đang suy nghĩ để chuyển sang ý khác:
- Sau khi đã quyết định đầu tư thì việc chọn ngành nghề kinh doanh là điều quan trọng nhất. Việc này chúng con đã đi khảo sát tham quan nắm tình hình và cùng nhau trao đổi rất kỹ. Nào là khách sạn, nào là nhà hàng, nào khu nghỉ dưỡng rì dọt, rồi có lúc tính chuyện mở nhà máy may quần áo xuất khẩu, hoặc mở nhà máy sản xuất tơ tằm và dệt lụa như nguyện vọng ông nội ngày xưa, để vừa ích nước vừa lợi nhà, mà lại giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động… Nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng chúng con thấy rằng, mở ngân hàng là hay hơn cả. Mở ngân hàng ích nước lợi nhà, sử dụng và góp phần đào tạo thêm nhiều lao động chất lượng cao cho đất nước. Ngân hàng còn là bà đỡ giúp cho sự ra đời của nhiều doanh nghiệp khác, điều đó càng làm cho lợi ích và ý nghĩa ban đầu được nhân rộng nhanh hơn. Hơn nữa có một điều quan trọng nhất khiến chúng con đi đến quyết định này, vợ con là một chuyên gia tài chính có năng lực, thận trọng sâu sắc. Ngọc Hoa gánh vác trọng trách này thì con hoàn toàn có thể yên tâm, và một lần nữa con mong bố mẹ hai bên cũng có thể hoàn toàn yên tâm về điều đó.
Tất cả những điều tự bạch của Cường tối nay có vẻ đã như một lời giải đáp đầy đủ, đem đến một sự yên tâm thật sự cho hai bà mẹ. Hai bà không nói gì nữa mà chỉ thấy nhìn nhau gật gù mỉm cười, và khuôn mặt trở nên rạng rỡ mãn nguyện như thể không còn gì để nói nữa!
Trong khi đó Ông Nguyên vẫn im lặng trong tư thế trầm ngâm suy nghĩ. Thằng con trai của ông, thật không ngờ nó lại là người hiểu ông đến thế! Những điều nó nói không chỉ là những điều giải tỏa lo lắng cho mọi người, mà thực ra đây còn là một bản tổng kết cô đọng về những diễn biến thăng trầm cuộc đời ông. Giũ chiếu đứng dậy! Chao ôi, nó đã trở thành tri âm tri kỷ với ông từ bao giờ thế không biết? Ông bỗng nhận ra mình là một người hạnh phúc trên đời. Hạnh phúc vì vợ, vì con, vì mái ấm gia đình, cái đó đã đành. Nhưng điều làm cho ông cảm khái hơn cả là những nghĩ suy tâm huyết ruột gan cả một đời mình, về con đường đi lên giầu mạnh hùng cường của đất nước với sự tồn tại bình đẳng và đóng góp của mọi người dân đất Việt, của mọi thành phần kinh tế quốc doanh cũng như tư nhân, dường như đã được chứng thực trong cuộc sống này. Cái kết cục có hậu được chứng thực đó, may mắn thay lại do người con trai tâm phúc tri kỷ trời cho ông, nó đã thể hiện thành công từ những trăn trở ban đầu của ông, giống như là một cuộc chạy tiếp sức đường trường vậy. Trong giây phút sâu lắng cõi lòng ông bỗng chạnh nhớ tới Nguyễn Du, nhà thơ dân tộc ông yêu mến nhất. Thương thay cho Tố Như! Nghĩ suy để viết ra những điều tâm huyết ruột gan đời người mà chỉ lo, liệu ba trăm năm sau có ai hiểu cho lòng mình. Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Đúng lúc ấy thì người giúp việc bế thằng cu Tý đang khóc từ trên gác bước xuống:
- Cô ơi cháu Trung đến giờ ăn cô cho bú được rồi đấy ạ!
Ngọc Hoa đón đứa con đang ngằn ngặt khóc, vừa nựng con, vừa quay đi vạch áo cho con bú. Thằng bé ngừng khóc và tiếng bú tòm tọp phát ra làm mọi người không ai nhịn được cười.
Cường tiến đến sát bên vợ, anh cúi xuống khẽ búng tay lên má con nựng yêu:
- Mau ăn chóng lớn rồi gánh vác công việc cho bố mẹ nhé cu Tý!
Hà Nội, tháng 11 năm 2013