HÌNH ẢNH BÁC HỒ TRONG THƠ…
Nhà thơ Huy Cận cũng đã từng viết: “Hồ Chí Minh là nghĩa lớn là ngọn cờ - Là hiệu lệnh điểm những giờ chiến đấu – Là tên riêng mà đã hóa tính từ - Là giai điệu dẫn bản đàn hợp tấu”. Vâng tên riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành tính từ, chỉ phẩm chất, chỉ những chuẩn mực về lòng yêu nước, về ý chí vì nước, vì dân, về đặc tính Người, về vẻ đẹp của trí tuệ, tiên tri về khát vọng sao cho “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thường ngày Bác Hồ rất chăm lo những việc cụ thể từ một tấm gương “Người tốt việc tốt” đến một tấm huy hiệu Bác tặng. Nhưng Người lại quên mình với bộ kaki bạc màu, đôi dép cao su vạn dặm đến những đêm thao thức mở đài nghe cho có tiếng người, đến trước lúc ra đi Người thèm nghe một khúc dân ca... Có một tượng đài sống mãi trong lòng dân gió mưa không thể bào mòn được là tượng đài Bác Hồ trong thơ viết về Bác - viết về những phẩm chất tinh hoa, đạo đức và tư tưởng của Người...
Có lẽ mảng thơ ấn tượng và xúc động nhất là những bài thơ viết khi Bác mất ngày 02/9/1969. Đó là ngày quốc tang “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” (Tố Hữu). Từ chiến trường miền Nam nhà thơ Thu Bồn đã có bài thơ dài: “Gửi lòng con đến cùng cha”. Ông viết: “Hành trang Bác chẳng có gì – Một đôi dép mỏng đã lì chông gai – Cho con núi rộng sông dài – Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm”. Nhà thơ chiến sĩ đã nói hộ cho hàng triệu trái tim của những người con miền Nam hướng về Bác với một tấm lòng kính yêu vô hạn, với những tâm tình thiết tha: “Tiếc rằng trước lúc chia ly – Con chưa được thấy dáng đi của Người – Hẳn trong đôi mắt sáng ngời – Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam”. Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi” và một ước nguyện cháy bỏng khao khát của Người là được vào thăm miền Nam. Nhà thơ Việt Phương người được gần gũi Bác Hồ trong công việc thường ngày đã viết bài thơ “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” vừa khái quát với những ý tưởng mang tính triết học sâu sắc, nhân văn, lại vừa cụ thể với bao hình ảnh đời thường xúc động, khắc họa rõ nét hình ảnh Bác Hồ trong những ngày cả nước đau thương tiễn đưa Người: “Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ - Tránh nói chữ to và đi rất nhẹ cả trong vườn – Tim đau hết nỗi đau Người ở chân trời góc bể - Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn”.
Nhà thơ Tố Hữu – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có nhiều bài thơ hay về Bác ngay từ trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc trong một nếp nhà sàn nhỏ ven suối, hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của dân tộc hiện lên thật giản dị: “Bác kêu con đến bên bàn – Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ – Con bồ câu trắng ngây thơ – Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn”. Đây có lẽ là một trong những tấm ảnh bằng thơ ghi lại cận cảnh khoảnh khắc đáng nhớ về Bác Hồ. Có một phát hiện khá tinh tế và đầy tính biểu tượng nhân văn của nhà thơ Tố Hữu khi viết về Người: “Ôi người cha, đôi mắt mẹ hiền sao”. Hai con người, hai tính cách, hai phấm chất cùng chung trong cá thể một con người, thật hiếm có mà chẳng nghịch lý bởi ở bác kết tinh muôn vẻ đẹp cội nguồn của dân tộc và Người là hiện thân của tương lai, của nhân loại. “Bác ơi” là tiếng nấc nghẹn ngào của Tố Hữu: “Bác sống như trời đất của ta – Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa – Tự do cho mỗi đời nô lệ - Sữa để em thơ lụa tặng già”. Và sau này với trường ca “Theo chân Bác” nhà thơ đã viết trọn vẹn những cái mốc thời gian, những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Bác.
Có những nhà thơ suốt đời chỉ viết về một đề tài Bác Hồ như nhà thơ Hải Như mà bài thơ nổi tiếng nhất của ông là: “Chúng cháu canh giấc ngủ Bác Hồ ơi”. Ông viết: “Trong cuộc đời Bác có ngủ yên đâu – Nay Bác ngủ chúng ta canh giấc ngủ”. Và: “Mái tóc Bác lẫn với màu mây trắng – Râu Bác thưa cũng bạc trắng một màu – Ta muốn làm con nhỏ vuốt chòm râu – Từng sợi bạc dãi dầu sương, nắng, gió”. Thiết nghĩ, không có những câu thơ nào có thể bộc bạch hết những tình cảm gần gũi giữa người dân với lãnh tụ như thế. Và có lẽ trên thế giới chỉ có ở Việt Nam mới có một Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc Việt như vậy. Và cũng thật đặc biệt có nhà thơ được mọi người biết đến, được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy lại chỉ nổi tiếng bằng bài thơ duy nhất cuộc đời mình là tác phẩm viết về Bác Hồ như “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ. Người ta có thể quên đi hàng trăm bài thơ khác của ông nhưng với “Đêm nay Bác không ngủ” đã tạc nên một tượng đài thơ về Bác trong lòng mọi người: “Bởi một lẽ thường tình – Bác là Hồ Chí Minh”. Vì thế mà nhà thơ Chủ tịch Hội nhà văn Cu Ba Flexix Pita Rô Đ’righet đã viết bài thơ: “Hồ Chí Minh – Tên người là cả một niềm thơ”. Ông viết: “Bởi vì Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà thơ Hồ Chí Minh – Người nông dân Việt Nam trong sáng Hồ Chí Minh – 79 năm gần trọn cả đời mình tranh đấu – Vì Người đã hy sinh từ bỏ mọi tên – Để chỉ còn là một giọng nói, một hơi thở, một cái nhìn – Để chỉ còn là... có gì đâu khác - Là đất nước, là máu xương Tổ quốc”. Và những câu thơ viết về Bác qua lăng kính của một nhà thơ nước ngoài có cái nhìn chiếu dọi lại lan tỏa qua những từng liên tưởng kép: “Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa – Vì Người chết hai triệu lần năm đói 45 khủng khiếp”. Một tượng đài từ vi mô đến vĩ mô, từ cá thể đến cộng đồng được nhân lên, được tôn kính, được vững chắc bằng nền móng của tình bác ái cao quý mang hơi thở nhân văn của thời đại mà không có nguyên liệu nào xây đắp được bằng cốt cách, đạo đức và lý tưởng cao đẹp của Người . Chế Lan Viên – một nhà thơ triết luận hàng đầu của thi ca Việt Nam đã từng viết về “Người đi tìm hình của nước”. Thì đây chúng ta lại được ông khẳng định qua: “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi” với những tâm tình bộc bạch chia sẻ và cảm thông hết mình: “Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp – Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa – Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép – Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ”. Những dòng thơ đầy tự vấn để tự thức tỉnh mình. Thơ viết về Bác bằng tất cả những rung cảm sâu thẳm xúc động nhất của trái tim nhưng cũng là để phát sáng, để đốn ngộ, để như bây giờ chúng ta: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Không có gì cao, cao siêu, thánh nhân dĩ biệt mà như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Ôi giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào – Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc – Một buổi sáng nhìn lòng ta, ta thấy Bác – Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu”.
Một đề tài khá thành công về Bác Hồ là những bài thơ về Làng Sen quê Bác nơi sinh ra và nuôi dưỡng tuổi thơ của Bác ban đầu để tạo ra phẩm chất, cốt cách, lý tưởng của Người sau này. Đó là một làng quê như bao làng quê nông thôn Việt Nam khác. Là “Quê chung” của mọi người như tứ thơ của nhà thơ Xuân Hoài. Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ “Về thăm nhà Bác” đã cảm nhận thân quen khi nhìn thấy: “Ngõ nhà Bác đỏ hàng hoa râm bụt – Không khác chi hàng râm bụt trước nhà tôi”. Và: “Mái nhà lợp bằng lá mía trắng phau – như mọi mái nhà lợp bằng lá mía”. Những kỷ vật ở đây đều đơn sơ có trong tất thảy mọi ngôi nhà dân bình thường đất Việt. Cũng chiếc chõng tre, cũng cánh võng đay, cũng giếng nước trong, cũng hàng cau vươn thẳng. Hồn quê, hồn nước non, lời ru mộc mạc đã gieo vào Người hồn dân tộc để rồi vượt đại dương qua năm châu bổn bể tìm đường cứu nước. Khi trở về thăm quê nhà sau bấy nhiêu năm xa cách Người vẫn tìm theo lối ngõ quen ngày trước, vẫn gọi tên những người bạn cũ. Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thông trong “Chiều Kim Liên” đã có những phát hiện tinh tế: “Dưới trời trong thắm sắc hoa – Nhủ lòng Bác mới vắng nhà đấy thôi – Vẳng nghe tiếng võng đưa nôi – Tiếng chân Bác khắp đất trời Á, Âu". Từ ngôi nhà mái tranh bình dị ở Làng Sen đến nếp nhà sàn khiêm nhường giữa Thủ đô Hà Nội đều là những hình ảnh gợi bao cảm xúc thi tứ cho các nhà thơ: “Nhà gác đơn sơ một góc vườn – Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn – Giường mây chiếu cói đơn chăn gối – Tủ nhỏ vừa treo nếp áo sờn” (Tố Hữu).
Dọc theo hành trình con đường hoạt động của Bác, thơ viết về Bác như một bảo tàng tâm hồn sống động lạ kỳ lưu giữ và tô thắm thêm những cột mốc son, những địa chỉ đỏ. Nhà thơ Nguyễn Bao đã nhận ra “Ánh lửa từ Pắc Bó”. Ông viết: “Đâu những ngày rau măng và cháo bẹ - Giữa lòng quên cơn sốt rung người – Đêm cạn dần theo bát lá rừng làm thuốc - Bác mải mê vì việc nước ngày mai”. Nhà thơ Đào Ngọc Chung lại đưa ta “Trở lại đồi cây Vật Lại” ghi những cảm xúc của mình khi nhớ về mồng một tết Kỷ Dậu (16/2/1969) Bác Hồ đã về trồng cây tại xã Vật Lại (Ba Vì) “Gốc cây này Bác đã tựa lưng – Dặn con cháu chuyện làm ăn cấy hái – Bác cúi xuống run run bình nước tưới – Sắp chia tay còn xới đất vun trồng”. Để có một “rừng cây của Bác” trong thơ Chính Hữu: “Rừng cây của Bác là lời di chúc – Bác để lại lúc ra đi – Vĩnh viễn xanh rì – Đất nước”. Nhà thơ Tế Hanh đã ghi lại hình ảnh “Bác Hồ thăm Côn Sơn” thăm Nguyễn Trãi. Hai vĩ nhân gặp nhau ở một tấm lòng vì dân vì nước: “Nguyễn Trãi xưa đánh Minh – Bác Hồ nay đánh Mĩ – Hai cuộc đời soi nhau – Giữa núi non hùng vĩ”. Trong con người vĩ đại của Bác luôn luôn thường trực những tình cảm rất đời thường cụ thể. Bác chăm chút đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho dân, từng thùng nước giải khát cho bộ đội trực chiến bằng số tiền nhuận bút dành dụm của mình đến cử chỉ tát nước gàu dai chống hạn trên đồng ruộng đều được các nhà thơ ghi lại bằng những rung cảm chân thật của mình. Tượng đài Bác Hồ lớn lao bắt đầu từ những chi tiết nhỏ như thế. Có một bức ảnh rất đẹp trong thơ viết về Bác mà nhà thơ Vũ Đình Minh đã chụp được trong bài: “Bác về Đền Hùng”: “Dưới mái đền lấm tấm xanh rêu – Bộ đội ngồi quây quần quanh Bác – Bao gạo chéo trên lưng áo bạc – Súng tựa vai mũ lưới nhấp nhô” đây là một khoành khắc giàu tính tạo hình cũng như ở “Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô” nhà thơ Trần Anh Trang đã viết: “Tôi đứng lặng trong miền kỳ ảo – Giữa trùng khơi lại được gặp Người”. Khi: “Hòn đảo xa nhưng lại rất gần – Bác Hồ đến giơ tay chào biển cả”.
Sinh thời Bác Hồ là một người rất yêu thiên nhiên, yêu thơ và Bác cũng là một thi nhân: “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp – Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh – Vần thơ của Bác vần thơ thép – Mà vẫn mênh mông bát ngát tình” (đọc thơ Bác - Hoàng Trung Thông). Trong bài thơ “Suối Lênin” của tác giải Trần Văn Loa sau này được một nhạc sĩ phổ thành bài hát khá nổi tiếng: “Đây suối Lênin” có những hình ảnh gây xúc động lòng người: “Bác làm thơ cho suối – đặt tên là Lênin – Bác uống nước dòng suối - để thành máu nuôi tim”. Trong số các nhà thơ viết thành công về đề tài Bác Hồ thì thần đồng thơ Trần Đăng Khoa có lẽ là tác giả ít tuổi nhất. Bài thơ “Ảnh Bác” viết lúc 8 tuổi, Trần Đăng Khoa đã nhận ra: “Ngày ngày Bác mỉm miệng cười – Bác nhìn các cháu vui chơi trong nhà”. Ở lứa tuổi thiếu niên với tình cảm trong sáng và hồn nhiên mà Khoa đã nghĩ được: “Bác lo bao việc trên đời – Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em”. Vâng, dù Bác đã đi xa thì hình ảnh Bác Hồ, tấm ảnh chân dung của Bác vẫn được treo trang trọng ở vị trí thiêng liêng nhất trong phòng khách của các công sở, của các nhà dân mà như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Trung ương họp giữa ngày rét giá – Con én về bên cửa sổ nhìn sang – Bộ Tư lệnh những mái tóc hoa râm, những mái đầu trắng xóa – Vẫn có Bác ung dung trông xuống dịu dàng”. Bác đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức tâm hồn của Bác vẫn sống mãi trong lòng Việt Nam và cả nhân loại. Thi ca đã tạc nên bức tượng đài bất tử bằng ngôn từ và cao hơn ngôn từ đó là những tình cảm dâng lên Bác Hồ kính yêu...
Nguyễn Ngọc Phú- Hội VHNT Hà Tĩnh