Thời sự văn học nghệ thuật

26/2
8:40 AM 2019

LỄ PHÁT ĐỘNG HAI CUỘC THI VỀ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU

Hướng tới lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du ( 1820- 2020), Hội Kiều học Việt Năm, Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân phối hợp tổ chức hai cuộc thi với mục đích tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du và động viên khích lệ bạn đọc thuộc Truyện Kiều trong cả nước.

                                       Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi

LỄ PHÁT ĐỘNG HAI CUỘC THI VỀ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU

       Hướng tới lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du ( 1820- 2020), Hội Kiều học Việt Năm, Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân phối hợp tổ chức hai cuộc thi với mục đích tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du và động viên khích lệ bạn đọc thuộc Truyện Kiều trong cả nước.

     Sau một thời gian chuẩn bị, sáng 24 tháng 2 năm 2019, tại Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra Lễ phát động hai cuộc thi này. Về dự buổi lễ có Giáo sư Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam: nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Hà Văn Thạch – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh; TS.Võ Hồng Hải -  Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hải Nam – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân …cùng nhiều nhà văn, nhà Kiều học, cán bộ ủy ban tỉnh, huyện, và khoảng 500 giáo viên, học sinh cùng những người yêu Truyện Kiều khắp nơi tụ về. Mặc dù trời lất phất mưa bay, nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trọng thể, vui vẻ và hiệu quả..  Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hải Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Vương Trọng…và nhiều đại biểu khác đã phát biểu, nói về ý nghĩa và quá trình tiến hành hai cuộc thi, cũng như tin tưởng vào sự thành công sẽ diễn ra trong lễ tổng kết vào dịp lễ kỷ niệm 200 năm mất của Đại thi hào ngày 10 tháng 8 năm 2020( theo Âm lịch).

                                               GS Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học VN phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi 

Sau đây là nội dung, hình thức và thể lệ của hai cuộc thi mà Thạc sĩ Nguyễn Hằng Thanh - Chánh Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam thay mặt Ban Tổ chức công bố trong buổi lễ đó. (PV).

                              I. CUỘC THI “SÁNG TÁC VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU”
1. Nội dung bài dự thi :
      Tái hiện lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du - người có trái tim lớn thương cảm mọi kiếp người - đặc biệt là những cuộc đời bất hạnh, người sở hữu tài năng xuất chúng về thơ ca - đồng thời qua cuộc thi thể hiện được lòng cảm phục, biết ơn, tự hào và thương tiếc của hậu thế đối với Đại thi hào.
2. Hình thức thể loại:
     
Ban Tổ chức chỉ nhận các bài dự thi được sáng tác theo thể Văn tế, tức là bài viết gồm hầu hết các cặp câu biền ngẫu và gieo một vần trắc từ đầu đến cuối bài. Người dự thi có thể tham khảo bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và “Văn tế Phan Chu Trinh” của Phan Bội Châu… để hiểu thêm đặc trưng của thể văn này. 
3. Đối tượng người dự thi: 
      
Mọi người Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, tuổi tác, định cư trong nước hoặc nước ngoài đều có thể tham gia dự thi. Bài dự thi không dài quá 50 cặp biền ngẫu (khoảng 100 câu), gửi theo địa chỉ email: kieuhocvietnam@gmail.com 
        Nếu không gửi qua địa chỉ email thì có thể gửi qua bưu điện, giấy dùng một mặt, đánh máy hoặc chữ viết rõ ràng, theo địa chỉ: Hội Kiều học Việt Nam, 14 Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội. Mỗi người chỉ gửi một bài, nếu chưa vừa ý với bài đã gửi trước, thì có thể thay bằng bài sau.
4. Thời gian nhận bài dự thi: 
        Từ ngày 15/ 02 /2019 đến ngày 15 / 7/ 2020.
5. Quyền lợi người dự thi:
       
Bản quyền luôn thuộc về tác giả. Trong thời gian dự thi, tác giả không tự động gửi đăng báo, cũng như in sách. Ban Tổ chức cuộc thi sẽ gửi số bài có chất lượng cho các báo đăng, đài phát… Nhuận bút thuộc về tác giả. Ngoài số tiền giải thưởng, một số bài xuất sắc nhất sẽ được nhuận sắc và khắc vào bia đá, dựng ở các khu di tích Đại thi hào.
       Những bài có chất lượng cao sẽ được chọn in trong TUYỂN TẬP VĂN TẾ VỀ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU sẽ xuất bản trước tháng 9 năm 2020.
       Ban Giám khảo sẽ được thành lập vào thời gian cuối cuộc thi.
       Ban Tổ chức mong muốn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các quý vị.
                     II - CUỘC THI “BẠN ĐỌC THUỘC KIỀU”
     
Nhằm quảng bá, tôn vinh kiệt tác Truyện Kiều, đồng thời khuyến khích phong trào đọc thuộc Truyện Kiều, nắm được số lượng và tôn vinh những người đã thuộc toàn bộ Truyện Kiều, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội VHNT tỉnh Hà Tĩnh cùng UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức “Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều” cho mọi công dân Việt Nam và Kiều bào nước ngoài, và cả những người nước ngoài yêu mến Truyện Kiều.
1. Cách thức tổ chức:
      Trong thời gian diễn ra cuộc thi từ 15/02/2019 đến 15/7/2020, bạn đọc nào cảm thấy mình thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều thì đăng ký với Ban Tổ chức (qua email, điện thoại hoặc thư) để Ban Tổ chức sắp xếp thời gian thẩm định. Để thẩm định, Ban Tổ chức cử ra ít nhất là ba thành viên, tùy theo điều kiện, có thể thẩm định tại nơi ở của bạn đọc, hoặc mời bạn đọc về một địa điểm nào đó, kể cả cơ quan Hội Kiều học Việt Nam. Nếu qua thẩm định, Ban Tổ chức thấy chính xác bạn đã thuộc Kiều thì coi như bạn đã trúng giải. Bạn đọc nào nếu không qua được thẩm định lần thứ nhất, sau ít nhất ba tháng, có thể đăng ký để được thẩm định lại thêm một lần nữa.
2. Quyền lợi của người trúng giải.:
      - Người trúng giải sẽ được nhận BẰNG TÔN VINH BẠN ĐỌC THUỘC KIỀU do Ban Tổ chức trao tặng.
      - Người trúng giải sẽ được nhận một khoản tiền thưởng (Sẽ công bố sau).
      - Người trúng giải sẽ được mời về tham dự “Cuộc hội ngộ và giao lưu những người thuộc Kiều” tổ chức tại quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và tham dự Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Người vào tháng 9 năm 2020.
        Chúng tôi mong muốn đông đảo bạn đọc tham gia cuộc thi này và hy vọng có nhiều người trúng giải.

                                                                                                                             Tháng 2 năm 2019
                                               BAN TỔ CHỨC HAI CUỘC THI VỀ NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU.

 

LỜI KHAI MẠC LỄ PHÁT ĐỘNG HAI CUỘC THI: SÁNG TÁC VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

BẠN ĐỌC THUỘC KIỀU (*)

 

                 GS. Phong Lê

(Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam)

 

Chưa thật hết không khí Tết, ở thời điểm hôm nay, nếu không nói là hãy còn dài, cả đất nước lên đường về quê ăn Tết (một cụm từ quá quen thuộc của dân tộc), về quê - nơi có bàn thờ gia tiên; nơi có ông bà bố mẹ, anh em nội ngoại xa gần, cùng chung dòng họ, cùng chung huyết thống… Như vậy Tết là ngày thiêng. Và giỗ chạp cũng là ngày thiêng. Một chút so sánh nhỏ về phương diện tâm linh giữa Đông và Tây. Phương Tây, quan trọng là ngày sinh. Phương Đông, trong đó có Việt Nam, quan trọng là ngày giỗ. Sau Tết cho mỗi công dân Việt trở về quê hương chăm sóc bàn thờ gia tiên, dòng họ, ngày 10 tháng 3 Âm lịch sắp tới, đối với cả nước sẽ là ngày giỗ Tổ Vua Hùng gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng một bọc trăm trứng, một truyền thuyết sống mãi trong tâm thức mọi công dân Việt sau nhiều nghìn năm lịch sử.

Tôi nói như vậy, nhân bầu không khí Tết cổ truyền hôm nay, 20 tháng Giêng Kỷ Hợi - 2019, bởi, với dân tộc Việt nói chung và người xứ Nghệ nói riêng, chỉ còn hơn một năm rưỡi nữa sẽ là ngày giỗ Nguyễn Du, vào 10 tháng 8 năm Canh Tý, tức 26 tháng 9 năm 2020. Một Lễ giỗ 200 năm chẵn của Đại thi hào dân tộc, đồng thời là Danh nhân văn hóa thế giới, với hai lần được nhân loại tôn vinh, nhân kỷ niệm 200 năm sinh, vào năm 1965; và 250 năm sinh - năm 2015.

Tôi nói năm sinh của Nguyễn Du - chứ không phải ngày sinh. Bởi ngày sinh của Nguyễn Du, qua các thư tịch xưa để lại là chưa thật được xác định.

*

*    *

Trong thư tịch, cho đến các từ điển mới nhất đều ghi ngày sinh của Nguyễn Du là 3-1-1766, với một dấu hỏi nghi vấn (?) ở phía sau. Còn ngày mất là 10 tháng 8 năm Canh Thìn, tức 16-9-1820.

Tục giỗ chạp gắn với ngày mất ở Việt Nam ta thường là theo Âm lịch; ngày mất được tiến hành bởi  một lễ tang theo phong tục, và sau đó là lễ cúng cho 3 ngày, 49 ngày, 1 năm (giỗ đầu), và 3 năm (mãn tang và cải táng) có từ rất xưa trong tập quán lễ nghi của người Việt. Đó là ngày thiêng, rất thiêng. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. “Cái quan định luận”… Còn sinh nhật - ngày sinh cùng với một lễ thọ, phải có tuổi từ bốn, năm mươi trở lên như một lễ trọng thì hình như mới có sau này, do tiếp nhận ảnh hưởng phương Tây, rồi dần dần trở thành một phong tục mới, trước hết ở đô thị.

Một lễ sinh nhật rất khoa trương, tốn kém, khiến ngân sách Nam triều kiệt quệ, đó là “tứ tuần đại khánh” của vua Khải Định (1884-1925), vào tháng 9-1924; nhưng vẫn rất kém thua lễ tang của chính đức Vua kéo dài từ 6-11-1925 đến 31-1-1926 (1).

Trở lại Nguyễn Du. Trong suốt 55 năm hưởng dương, lễ sinh nhật Nguyễn Du nếu có chắc chỉ là trong gia đình. Phải đến 1965, vào tối 25 tháng 11, tại Nhà Hát lớn Hà Nội mới có kỷ niệm 200 năm năm sinh - một sinh nhật rất to do Hội đồng Hòa bình Thế giới đề xuất; và tiếp đó là năm 2015, vào tối 5 tháng 12 tại Quảng trường Tp Hà Tĩnh là kỷ niệm 250 năm sinh do tổ chức UNESCO tôn vinh. Hai lần kỷ niệm năm sinh (tôi nhấn mạnh năm sinh, chứ không phải ngày sinh) là hai lần Nguyễn Du ra đại lộ văn minh nhân loại, đem lại niềm tự hào cho non sông Việt, dân tộc Việt, văn chương và ngôn ngữ Việt.

Ngày mất của Nguyễn Du là 10-8 năm Canh Thìn, chiếu theo lịch Tây là 16-9-1820. Đám tang Đại thi hào chắc cũng có nhiều rắc rối bởi ông mất vì dịch tả. Không biết từ sau 1820, cho đến khi hình thành Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Nghi Xuân, năm 1962, ngoài gia đình, gia tộc có ai, hoặc đơn vị nào làm giỗ Nguyễn Du không? Chỉ biết phải đến ngày 10 tháng 8 năm Giáp Tý, tức 8-9-1924 mới có một cuộc giỗ lớn do Hội Khai trí tiến đức ở Hà Nội tổ chức cho Nguyễn Du, nhân 104 năm ngày mất (theo Âm lịch) của Đại thi hào, chẵn 100 năm sau ngày thi hài được cải táng rồi chuyển về quê Tiên Điền. Trong ngày giỗ ấy có bài đọc về tiểu sử của sử gia Trần Trọng Kim; bài diễn văn bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp của học giả Phạm Quỳnh; một màn diễn của nghệ nhân dựa trên văn bản bài hát nói của nhà Nho Nguyễn Đôn Phục cùng một bài văn khắc lên bia do học giả Bùi Kỷ soạn… Và thật sự in dấu ấn, kèm theo tranh luận gay gắt là câu tổng kết của Phạm Quỳnh trong bài diễn văn: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” (Nam Phong số 86; 8/1924). Đây là câu rồi sẽ có một sự sống rất đặc biệt, giữa hai phía khen - chê; nhưng cuối cùng vẫn là sự chứa đựng một chân lý về giá trị bất tuyệt, bất hủ của Truyện Kiều.

Tất nhiên, một khẳng định về giá trị của Truyện Kiều và Nguyễn Du không chờ đến 1924, với đúc kết của Phạm Quỳnh. Sức sống Truyện Kiều và thiên tài Nguyễn Du đã được khẳng định từ rất lâu - hàng trăm năm về trước, có thể là được bắt đầu từ bài Tựa Truyện Kiều của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, viết vào tháng hai - năm Minh Mệnh nguyên niên - tức 1820, là năm Nguyễn Du qua đời: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. So với câu của Phạm Quỳnh thì câu của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết trước đó 104 năm cũng có một giá trị tổng kết không kém; hơn thế còn giúp ta giải thích những căn rễ sâu xa của giá trị đó, ở hai phía con mắttấm lòng tác giả. Như vậy là ở hai thời điểm - năm 1820 và 1924, trong khoảng cách 104 năm, chúng ta có hai tổng kết tuyệt vời về Nguyễn Du, một gắn với năm mất và hai - nhân ngày mất của Đại thi hào…

*

*    *

Trở lại với Lễ giỗ Nguyễn Du lần thứ nhất, ở quy mô Quốc gia do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức ở Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm Giáp Tý, tức 8-9-1924, phải  92 năm sau, mới đến được Lễ giỗ lần thứ 196 của Nguyễn Du do Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Xuân tổ chức ở Khu Lưu niệm Nguyễn Du vào ngày 10-8 năm Bính Thân, tức 10-9-2016. Và hôm nay, trong phối hợp giữa Hội Kiều học Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam với UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Nghi Xuân, chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho Lễ giỗ lớn Kỷ niệm 200 năm mất của Đại thi hào vào ngày 10-8 năm Canh Tý, tức 21-9-2020, bằng hai cuộc thi lớn. Đó là Cuộc thi Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du và cuộc thi Bạn đọc thuộc Kiều; một dành cho Nguyễn Du, một dành cho Truyện Kiều, tác phẩm làm rạng danh Nguyễn Du và rạng danh văn hóa Việt, văn chương Việt.

Hai trăm năm đã qua là 200 năm với biết bao biến động, thay đổi, trong hành trình, trong vận mệnh, trong số phận của mọi người dân Việt, nhưng có một hằng số không thay đổi trong tâm thức, tâm linh của người dân Việt. Đó là sự sống và sức sống vĩnh cửu của các giá trị tinh thần mà Nguyễn Du đem lại được kết tinh trong Truyện Kiều. Với cuộc thi Văn tế, các thế hệ hậu sinh là chúng ta lại có dịp ôn lại và mở rộng thêm, đi sâu thêm vào thân thế, hành trạng, sự nghiệp của Nguyễn Du. Với cuộc thi Bạn đọc thuộc Kiều, chúng ta mong ngót 100 triệu công dân Việt hôm nay sẽ có dịp tiếp cận và thấm sâu hơn những giá trị nhân văn và nghệ thuật bất hủ trong 3254 câu Truyện Kiều, nó là kết tinh tài năng, tâm huyết, trí tuệ một người con vĩ đại của non sông Việt và quê hương Hà Tĩnh.

Hy vọng với số lượng phong phú các bài Văn tế gửi dự thi và số lượng người tham gia đọc thuộc Kiều sẽ không kém đông đảo, thuộc nhiều giới nghề nghiệp, nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội tham dự, sẽ có một kết quả thật viên mãn tròn đầy; nói cách khác, một kết thúc có hậu, như mong muốn của chúng ta và như chính Nguyễn Du đã gửi gắm trong Truyện Kiều. Và như chính Nguyễn Du, một biểu tượng đột xuất và trọn vẹn về cái hậu của một đời văn, một đời người trên một đỉnh cao tuyệt đối trước và sau ông chưa ai sánh được.

Xin cho phép tôi thay mặt Ban Tổ chức chính thức phát động hai Cuộc thi Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn DuBạn đọc thuộc Kiều tính từ thời điểm hôm nay đến tháng Bảy - năm 2020./.

 

 

        Nghi Xuân 24 - 2 - 2019

         Tức 20 - Giêng Kỷ Hợi

 

 

Top of Form

 

 

 

* Tổ chức tại Khu di tích Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, vào sáng ngày 24 tháng 2 năm 2019, tức 20 tháng Giêng Kỷ Hợi, nhằm hướng tới Đại lễ giỗ 200 năm Đại thi hào Nguyễn Du (1820 – 2020).

1 Sách Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng; Nxb.Thanh niên; 2001; tr.389.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *