VĂN HỌC VÀ LỊCH SỬ: TỪ NHIỀU ĐIỂM NHÌN
Tọa đàm do TS. Phạm Duy Nghĩa, PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy và TS. Phan Tuấn Anh điều hành. Dưới đây là ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà văn tại buổi toạ đàm được chọn lọc và tổng hợp lại, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu khai mạc): Thời gian qua, văn học của chúng ta phát triển khá rầm rộ, ồ ạt. Nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách, nhiều quan niệm cùng xuất hiện, tạo thành một bức tranh phong phú, nhiều màu sắc. Trong bức tranh đó nổi lên một vệt rất đáng chú ý, đó là hiện tượng các nhà văn viết về đề tài lịch sử.
Việc nhà văn viết về đề tài lịch sử không phải mới, nó đã có truyền thống từ lâu, lúc đậm lúc nhạt, nhưng cũng khá là bền bỉ. Ta từng có dòng họ Ngô gia văn phái với Hoàng Lê nhất thống chí, từng có các tác giả như Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi... Lùi lại chút nữa có: Hà Ân, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thế Quang, Bùi Việt Sỹ, Nguyễn Quang Thân… Gần đây có các nhà văn thế hệ trẻ như: Lưu Sơn Minh, Uông Triều, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyệt Chu, Trần Quỳnh Nga, Đinh Phương, Dương Hằng…
Tất nhiên không phải những tác phẩm viết về đề tài lịch sử đều được công chúng đón nhận hài hòa. Có tác phẩm được đón nhận và công nhận ngay. Nhưng cũng có những tác phẩm làm cuộn sóng trong dư luận bạn đọc, như các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, của Nguyễn Quang Thân, của Bùi Việt Sỹ… Nói như thế để thấy rằng đề tài lịch sử không phải dễ dàng, nó có những áp lực, có những lằn ranh nhất định, đòi hỏi phải có sự xử lí khéo léo, linh hoạt. Tôi cho rằng, sự xung đột giữa quyền sáng tạo của nhà văn với quyền bảo lưu bản chất của đối tượng lịch sử, là một trong những ví dụ điển hình cho khó khăn của mảng đề tài này.
Với tư cách là người sáng tác, là nhà nghiên cứu, là người giảng dạy, chúng ta thử cùng nhau đi tìm diện mạo của xu hướng văn học trên, xem bản chất của nó là gì, cái gì nó đạt được, cái gì là ưu điểm, là thành tựu cần phát huy, cái gì là hạn chế cần cảnh báo.
Cuộc tọa đàm này, theo tôi, trước hết là để tạo ra sự cảm thông, thấu hiểu nhau giữa người sáng tác với người nghiên cứu và người giảng dạy. Từ sự thấu hiểu đó có thể chúng ta sẽ điều chỉnh những sáng tác của mình cho cẩn trọng hơn, có thể chúng ta sẽ tiếp cận tác phẩm văn học chính xác với bản chất của nó hơn. Thứ hai là, qua những cuộc tọa đàm như thế này, khi đã hiểu rõ bản chất, thế mạnh cũng như hạn chế của đề tài này, rồi mỗi chúng ta sẽ có quyền mơ mộng rằng, đến lúc nào đó, văn học của chúng ta xuất hiện những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của lịch sử dân tộc mình.
TS. Phạm Duy Nghĩa (Trưởng ban Lí luận phê bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội - đề dẫn): Có thể nói chưa bao giờ trong văn học nước ta, các tác phẩm văn xuôi viết về lịch sử lại nở rộ như hiện nay. Và có thể nói, từ đầu thời kì Đổi mới đến nay, viết về lịch sử là một trong những vấn đề được quan tâm nhất, được bàn luận nhiều nhất trong đời sống văn học. Cách đây gần hai mươi năm, cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tuyển chọn đã tập hợp nhiều bài viết xung đột gay gắt với nhau về quan điểm xung quanh các truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp. Từ đó đến nay, đề tài lịch sử vẫn liên tục xuất hiện, ở cả truyện ngắn và tiểu thuyết, là sự lựa chọn của nhà văn tuổi cao, tuổi trung và cả những người viết trẻ, tạo ra trong dư luận nhiều phản ứng trái chiều. Tháng 9/2012, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Sáng tác văn học về đề tài lịch sử, và tháng 12 năm ấy, Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, có sự đóng góp của hơn 60 tham luận, bài viết. Như vậy, phải coi sự phát triển của văn xuôi viết về lịch sử là một thành tựu của nền văn học, vấn đề này cũng đã được bàn nhiều, tuy nhiên chưa phải đã khép lại. Vì sao văn xuôi viết về lịch sử lại nở rộ như vậy, xu hướng vận động và tương lai của nó thế nào, thành công và hạn chế của nó ra sao, đặc biệt mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật, giữa quá khứ và đời sống đương đại... là những vấn đề mà trong cuộc tọa đàm hôm nay, chúng ta có thể bàn sâu, bàn tiếp bằng cách nhìn và kinh nghiệm của chúng ta.
PGS.TS. Nguyễn Thành (Trưởng Khoa Ngữ văn - Đại học Khoa học Huế): Vì sao văn xuôi viết về lịch sử hiện nay lại nở rộ với nhiều phong cách, xu hướng, lối viết như vậy? Câu hỏi này cần phải được trả lời trên cơ sở hình dung về bối cảnh lịch sử xã hội và văn học, văn hoá Việt Nam từ sau Đổi mới. Theo tôi, sự nở rộ của văn học viết về lịch sử xuất phát từ nhu cầu chiêm ngưỡng lại quá khứ, lí giải quá khứ hoặc làm sáng rõ hơn những góc khuất, những thiếu khuyết của lịch sử. Một điều dễ nhận thấy là không khí hoà bình với các nhu cầu của đời sống thế sự, quá trình dân chủ hoá đã thúc đẩy con người tiến đến các khả năng mới trong chiếm lĩnh hiện thực và thể hiện nghệ thuật. Lịch sử như thế trở thành chất liệu, thành đối tượng của văn chương, bình đẳng với các đề tài khác. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn cần phải ý thức về giới hạn của hư cấu. Một trong những giới hạn của hư cấu chính là tâm thức cộng đồng. Một khi, hư cấu tưởng tượng vượt qua ngưỡng tâm thức cộng đồng, rất có thể nó sẽ bị phê phán hay tẩy chay.
PGS.TS. Hoàng Văn Hiển (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Huế): Là một người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, tôi nhận thấy sáng tạo văn học đề tài lịch sử góp phần khắc phục tình trạng thờ ơ với bộ môn sử trong nhà trường hiện nay, góp phần làm cho thanh thiếu niên biết yêu lịch sử của cha ông, đất nước. Nhưng nếu trước kia nhiều tác phẩm có xu hướng thần thánh hóa các nhân vật lịch sử là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, huyền thoại tôn giáo... thì từ 1986 đến nay, với mục đích kéo tiền nhân lại gần với hậu thế, nhiều tác phẩm lại có xu hướng đời thường hóa các nhân vật này. Lịch sử là khoa học, văn học là nghệ thuật, hư cấu lịch sử dù sáng tạo đến đâu cũng phải đặt nhân vật, sự kiện vào bối cảnh cụ thể của nó. Nghĩa là, nhà văn cần ý thức rõ khía cạnh “bảo lưu” của lịch sử trong văn chương. Không thể hư cấu những điều phi logic hay trái với quy luật lịch sử xã hội trong hoàn cảnh cụ thể mà nó sinh ra.
TS. Phạm Duy Nghĩa: Luận bàn văn học viết về lịch sử, người ta thường gặp phải sự đối đầu giữa các quan điểm, một bên là đòi hỏi sự trung thành với sự thật lịch sử, một bên lại đòi hỏi quyền tự do hư cấu, tự do sáng tạo của nhà văn. Cần phải giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? Ai cũng biết nhà văn có quyền hư cấu, nhưng hư cấu trong sáng tạo về đề tài lịch sử có giới hạn hay không, nếu có thì giới hạn đó là gì? Xin được hỏi nhà phê bình, TS. Phan Tuấn Anh.
TS. Phan Tuấn Anh (Đại học Khoa học Huế): Nhiều người hay nhắc lại câu nói nổi tiếng của A.Dumas: “Lịch sử là gì? Đó chỉ là cái đinh để tôi treo các bức họa của tôi thôi”. Một quan điểm rõ ràng đứng về phía hư cấu lịch sử, xem những sự kiện, nhân vật lịch sử, diễn ngôn sử học và sự thật lịch sử chỉ là cái cớ cho nhà văn sáng tạo nên tác phẩm của mình. GS.TS. Trần Đình Sử trong một nhận định của mình cũng bày tỏ sự ủng hộ tính hư cấu của văn học về đề tài lịch sử: “Sự thật lịch sử là một khái niệm ẩn dụ, mang tính chủ quan”. Về giới hạn của hư cấu lịch sử, có lẽ quan điểm của Hoàng Quốc Hải cần phải được nhắc lại: “Biên độ hư cấu đến mức nào? Đáp: Không giới hạn”. Tuy nhiên, là những nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình, chúng ta hiểu và tự xác lập được giới hạn trong thực hành viết của riêng mình. Một trong những giới hạn mà nhà văn cần lưu ý chính là những cấm kị (taboo) trong tâm thức cộng đồng. Trong văn học đương đại, xu hướng tự do sáng tạo đã mở ra những hướng phát triển mới trong tư duy lịch sử và tư duy văn chương, gắn với hệ hình hiện đại, hậu hiện đại, giải cấu trúc. Có thể nhận thấy một số quan niệm đang ngày càng phổ biến như: sử học là một diễn ngôn, sử học có tính nghệ thuật, lịch sử luôn có tính hiện tại, sử học nhìn từ quan điểm cá nhân,… Tuy nhiên, tự do sáng tạo, hư cấu lịch sử hoàn toàn không phải muốn như thế nào cũng được. Nó không cổ vũ cho những tưởng tượng tuỳ tiện.
Buổi tọa đàm diễn ra ngày 15/5 tại Trường Đại học Khoa học Huế - Ảnh: PV |
PGS.TS. Hỏa Diệu Thuý (Đại học Hồng Đức): Được biết TS. Nguyễn Văn Hùng là một chuyên gia nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử, xin anh nêu nhận định khái quát về sự vận động, phát triển, đổi mới tư duy và phương thức tự sự lịch sử của các nhà văn Việt Nam viết về lịch sử qua các giai đoạn (từ thời kì trung đại đến nay). Anh có thể nhận định sự khác biệt, đổi mới giữa tác phẩm văn học viết về lịch sử của các nhà văn thế hệ trước và các nhà văn hiện nay?
TS. Nguyễn Văn Hùng (Đại học Khoa học Huế): Lịch sử vận động và phát triển của văn học viết về đề tài lịch sử đã trải qua nhiều giai đoạn với khá nhiều thăng trầm. Theo tôi, Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết về đề tài lịch sử. Trước đó, có thể có những tác phẩm khác nhưng thường nghiêng về khía cạnh ngọc phả hoặc dã sử. Qua thời trung đại, đến cận hiện đại, chúng ta có khá nhiều tác phẩm viết về lịch sử, như tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt,… Thời kì 1954 - 1975, trượt tiếp đến 1986, chúng ta ít có tác phẩm viết về lịch sử. Nguyên nhân chính là do văn chương phải tham gia vào nhiệm vụ chính trị cao cả của đất nước. Từ sau 1986, văn học viết về đề tài lịch sử mới nở rộ. Sự khác biệt trong việc viết về lịch sử của các thế hệ, các thời kì chính là ở quan niệm về lịch sử, về lịch sử trong văn chương, khả năng chiếm lĩnh và thể hiện lịch sử qua các hình thức nghệ thuật. Có thể thấy, trước 1986, văn học viết về lịch sử có chung một hệ hình thẩm mĩ. Cảm thức chủ đạo là chiêm bái, ngưỡng vọng. Diễn ngôn chính là diễn ngôn dân tộc. Sau 1986, bên cạnh cảm thức dân tộc - chiêm bái, còn có những khuynh hướng mới, diễn ngôn đời tư - thế sự, diễn ngôn thân xác - tính dục, giải thiêng,… Chủ thể của diễn ngôn cũng có sự dịch chuyển. Đó là diễn ngôn của cái tôi, của cá nhân, bình đẳng với diễn ngôn dân tộc,… Có khá nhiều sự thay đổi trong nghệ thuật tự sự lịch sử trong văn chương đương đại, từ ngôn ngữ đến giọng điệu, điểm nhìn, phương thức tự sự, cách thức tiếp cận đề tài lịch sử. Một điểm nữa, đọc văn học viết về lịch sử cũng đã khác nhau qua các thời kì.
TS. Phạm Duy Nghĩa: Khi bàn về văn học về đề tài lịch sử, có thể nói giải thiêng là vấn đề được tranh cãi, bàn luận và tạo ra các ý kiến trái chiều nhiều nhất từ trước đến nay. Cách đây hai tháng, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã dành cả một chương trình để nói về vấn đề này. Xin TS. Nguyễn Văn Hùng trao đổi thêm về vấn đề giải thiêng trong tác phẩm viết về lịch sử.
TS. Nguyễn Văn Hùng: Giải thiêng, theo tôi là quá trình làm mất đi tính thiêng của đối tượng. Vấn đề ở đây là mục đích của sự giải thiêng ấy. Tôi quan sát thấy có hai xu hướng giải thiêng hiện nay: tích cực và tiêu cực. Hướng tích cực, đó là quá trình đưa vĩ nhân gần lại với cuộc đời, tiếp cận đối tượng ở chiều kích đời thường, khiến nhân vật trở nên đa diện, chân thực và sống động hơn. Tuy nhiên, hướng tiêu cực lại lợi dụng cơ chế giải thiêng để đả kích, châm biếm, hạ bệ thần tượng.
TS. Phan Tuấn Anh: Chúng ta đã phân tích về những thành công và đổi mới của văn học viết về đề tài lịch sử, nhưng để cho toàn diện và biện chứng, xin mời nhà nghiên cứu Phan Trọng Hoàng Linh chia sẻ thêm về những hạn chế của mảng văn học này.
Nhà nghiên cứu Phan Trọng Hoàng Linh (Đại học Khoa học Huế): Câu hỏi có vẻ hơi lớn và bao quát so với khả năng quan sát của tôi. Tuy nhiên, từ góc độ một người nghiên cứu, tôi nhận thấy dường như các nhà văn viết về đề tài lịch sử chưa có được sự chuẩn bị thật kĩ lưỡng cho thực hành viết của mình. Việc các nhà phê bình hay báo chí chỉ ra những lỗi thuộc về kiến thức lịch sử hay logic đời sống, niên đại trong các tác phẩm lịch sử nói lên điều đó. Vấn đề này, có thể khiến người đọc mất niềm tin vào tác giả. Nhưng, cũng nên công bằng và thiện chí khi đánh giá. Không phải cứ phát hiện ra lỗi trong tác phẩm là chúng ta quy kết hay hạ thấp, phủ nhận tác giả, tác phẩm. Điều cần thiết hơn chính là việc chúng ta có đủ thiện chí để đọc ra giá trị cốt lõi, chính yếu trong tác phẩm của nhà văn đó. Lịch sử không phải là các sự kiện đã đông cứng, nó luôn chuyển động, vì thế nó luôn ở tình thế có khả năng và cần được diễn giải. Việc phê phán một cách nặng nề những sai lầm trong tác phẩm văn học viết về lịch sử, nhất là khi những chi tiết đó quá vụn vặt, rõ ràng không phải là điều có lợi cho sự phát triển của văn chương.
PGS.TS. Hoả Diệu Thuý: Là tác giả của tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương, xin nhà văn Phùng Văn Khai cho biết những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài liệu khi viết tác phẩm có đề tài lịch sử?
Nhà văn Phùng Văn Khai (Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội): Có thể nói, khó khăn nhất của việc viết về lịch sử là tìm kiếm, tiếp cận tư liệu. Lịch sử - quá khứ đôi lúc tỏ ra khắc nghiệt với (không chỉ) nhà văn khi ẩn giấu những điều rất khó nắm bắt, khó hình dung, chưa nói việc có thể xác thực hoặc kiểm chứng. Nhà văn bắt đầu từ đâu, viết cái gì, hư cấu thế nào, hư cấu đến đâu,… đều là những thử thách không hề dễ vượt qua. Là người viết tiểu thuyết lịch sử, tôi hiểu điều đó. Do vậy, trong khả năng cao nhất của mình, nhà văn cần cố gắng để yếu tố lịch sử mà mình tiếp cận, sử dụng đem lại cho cộng đồng đọc những giá trị hữu ích, cả về tri thức lịch sử và hàm lượng nghệ thuật, thẩm mĩ. Như thế, một câu chuyện được đặt ra chính là ý thức, tư cách công dân, nhà văn - nghệ sĩ trong việc tiếp cận, thể hiện nghệ thuật về đề tài lịch sử. Một điều quan trọng nữa, dù viết thế nào, giá trị nhân văn cốt lõi vẫn là điều cuối cùng mà văn chương hướng đến. Cuộc sống đang mở ra các cơ hội cho nhà văn, nhưng sự thực, văn chương của chúng ta đang thiếu những nhân vật có thể song hành cùng với lịch sử.
TS. Phan Tuấn Anh: Là một người nghiên cứu lịch sử, một nhà văn trẻ có cảm hứng đặc biệt với lịch sử, Lê Vũ Trường Giang có thể bày tỏ một số suy nghĩ của mình về vấn đề này từ kinh nghiệm của cá nhân?
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Tạp chí Sông Hương): Là một người học lịch sử, trước hết, tôi đi tìm câu trả lời cho mình về các hiện diện lịch sử trên mảnh đất mà mình sinh sống. Lịch sử là giấc mơ về/ của sự thật, chúng ta chỉ mong có thể sở hữu hay chạm được đến sự thật lịch sử. Trong quan niệm hiện đại, lịch sử là câu chuyện của cá nhân - tân lịch sử, lấy cái tiểu tự sự để nói cái đại tự sự. Do đó, nội lực của nhà văn rất quan trọng - tri thức và tài năng của nhà văn quyết định đến sự thành công của tác phẩm.
PGS.TS. Hoả Diệu Thuý: Là tác giả của tiểu thuyết Sương mù tháng giêng và một số tác phẩm có đề tài lịch sử khác, theo nhà văn Uông Triều, cái khó nhất của người viết truyện lịch sử là gì?
Nhà văn Uông Triều (Tạp chí Văn nghệ Quân đội): Có lẽ chúng ta cần bắt đầu câu chuyện bằng việc trả lời câu hỏi: Tại sao văn học trở về với đề tài lịch sử? Phải chăng, sự trở lại này thoát thai từ những nhu cầu về chủ quyền đất nước, tinh thần dân tộc, cảm hứng dân tộc? Cũng có thể, hướng đi này xuất hiện do sự bão hòa các đề tài hiện đại. Tuy vậy, rõ ràng chúng ta chưa có tác phẩm hay viết về lịch sử. Mặt khác, khi hư cấu lịch sử, tác giả phải chịu búa rìu của dư luận. Có rất nhiều “vòng kim cô” đối với nhà văn. Không những thế, đôi khi giới hạn lại do chính nhà văn tự tạo ra cho mình. Viết về lịch sử, tư liệu rất quan trọng, nhưng lại cũng chính là cái vòng kim cô trên đầu nhà văn. Do vậy, những vấn đề có càng ít tư liệu lại càng là cơ hội cho nhà văn. Cái khó nhất của nhà văn viết về lịch sử là việc lựa chọn đối tượng - sự kiện - nhân vật để bắt đầu câu chuyện của mình. Cùng với đó, việc luôn bị giám sát bởi tri thức - sự thật lịch sử từ cộng đồng cũng tạo ra nhiều khó khăn. Nhà văn viết về lịch sử phải rất dũng cảm.
TS. Phan Tuấn Anh: Chúng ta đã lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu xoay quanh các vấn đề liên quan giữa văn học và lịch sử của Việt Nam. Là nhà nghiên cứu về văn học Trung Quốc, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy có thể cho biết đôi nét về đề tài lịch sử ở nền văn học này?
TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy (Đại học Sư phạm Huế): Các tác phẩm văn học viết về lịch sử của Trung Quốc nhiều, lớn, và nhà văn lại chính là sử gia. Tiểu thuyết bị xem thường trong quan niệm của xã hội trung đại Trung Hoa. Vì thế, để nâng tầm vóc của tiểu thuyết, người ta đã đưa một thể loại rất được trọng vọng là lịch sử vào tiểu thuyết. Tuy nhiên, trong tiếp nhận tác phẩm viết về đề tài lịch sử, người ta quá chú ý đến lịch sử mà bỏ qua mất những vấn đề khác của tiểu thuyết. Ở Việt Nam chưa có sự phân biệt các loại tiểu thuyết lịch sử, dã sử, tiểu thuyết có đề tài lịch sử, viết về lịch sử, tân lịch sử,…
PGS.TS. Hỏa Diệu Thuý: Với tư cách là người phụ trách văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, xin nhà văn Đỗ Tiến Thụy cho ý kiến đánh giá về các truyện ngắn có đề tài lịch sử trên tạp chí những năm qua.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Trưởng ban Văn xuôi - Tạp chí Văn nghệ Quân đội): Lịch sử là tư liệu để nhà văn xây dựng những câu chuyện của hiện tại. Do vậy, tôi quan niệm, viết về lịch sử chính là việc ứng xử với chất liệu, thể hiện tài năng, tầm vóc của người sáng tác. Theo dõi các tác phẩm viết về lịch sử gửi về Văn nghệ Quân đội, tôi nhận thấy mảng sáng tác này cũng khá phong phú, ở đó có cả khuynh hướng trung thành với lịch sử (phi hư cấu) và cả hư cấu lịch sử. Tuy nhiên, các nhà văn của ta chưa biết sử dụng, khai thác để hướng đến các giá trị thẩm mĩ. Lịch sử là tư liệu từ quá khứ, nhà văn viết về lịch sử như là người thổi hồn vào tư liệu. Mặc dù vậy, có nhà văn dựa trên rất ít tư liệu nhưng vẫn tạo nên những tác phẩm có giá trị. Điều đó nói lên một sự thật, không phải là vấn đề, sự kiện lịch sử nào, nhiều hay ít, mà là tài năng của người sáng tạo, người thổi hồn vào sự kiện đó.
TS. Phạm Duy Nghĩa: Cuộc tọa đàm với chủ đề Văn học và Lịch sử của chúng ta đã diễn ra một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, chúng ta không có tham vọng đề cập và giải quyết được mọi vấn đề, tuy nhiên, những vấn đề chính yếu của mối liên hệ giữa văn chương và lịch sử đã được bàn thảo và bước đầu có những điểm được nhận diện. Trong quá trình tọa đàm, những vấn đề lí thuyết được trình bày từ phía các nhà nghiên cứu đã được làm sáng rõ hơn bằng kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn. Thay mặt ban tổ chức, xin trân trọng cảm ơn các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình đã tham dự và đóng góp cho buổi tọa đàm.
K.T
Nguồn: Văn nghệ Quân đội