Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Gửi thư    Bản in

Một số phận, một phù hoa

(Đọc Cõi tạm phù hoa của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Nxb Thuận Hóa, 2011)

Hùng Phiên - 16-08-2011 10:34:39 AM

VanVN.Net - Như một Lãng Thanh ở xứ Bắc, Nguyễn Xuân Hoàng của miền Trung là tài hoa bạc mệnh; văn và đời của anh để lại bao ngưỡng vọng và tiếc nuối cho người ở lại... Cõi tạm phù hoa có thể là tập sách riêng cuối cùng của Hoàng, cuốn sách vừa được bạn bè góp in. Đầy đặn 360 trang sách với chân dung “người buồn trước tuổi” đằm đặm trên bìa đen trắng.

Sau Hồn mai (2007) cũng với ngần ấy trang tùy bút do bè bạn góp tay in, lần này là Cõi tạm phù hoa với 20 truyện ngắn, 17 bài thơ, 9 chương của cuốn Bút ký chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sắp hoàn thành (Mà cũng coi đã hoàn thành. Hoàn thành cả một đời văn ngồn ngộn ơn đời) và 8 bài viết của bạn bè về Hoàng. Mới đó mà đã 5 năm, nhà văn của rao rát miền Trung này rời cõi tạm ở tuổi 40 (1966 - 2006).

Nguyễn Xuân Hoàng là người con Quảng Ngãi, thành danh tại Huế. ở đất Thần kinh, dân văn nghệ thường lưu truyền “Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la, cả bọn kinh”. Thế nhưng được bạn tương kính như Nguyễn Xuân Hoàng thì không nhiều. Vượt qua bao mè nheo cuộc sống, họ vẫn đăm đắm cái tình với Hoàng. Năm năm, hai cuốn sách tấm lòng đặt trên bàn thờ Hoàng, mà lại in đẹp và trang trọng lắm. Hỏi trong cõi tạm này, ai bằng...

Không hẳn là tiếc nuối, mà thực chất là bởi Hoàng đẹp. Đẹp từ dáng vóc, nhân cách đến tài năng. Và cả sự đối đãi quá đẹp, quá hậu hĩ của Hoàng với đời, với mỗi người anh gặp... Nhiều khi tôi băn khoăn: không hiểu Hoàng lấy đâu ra năng lượng để sống và làm việc gấp nhiều như thế? Có lần Hoàng đã trả lời: nhờ... cỏ! Nhưng rồi Hoàng phải đi sớm vì chăng nỗi thương yêu và nỗi buồn đã quá sức bình sinh...

Về tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng, nhiều anh em ở Huế đã từng kỳ vọng anh có thể sẽ là người xứng đáng mà sau này nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trao lại “ấn tín” của thể loại này chứ không ai khác… Vậy mà, Hoàng ra đi quá sớm... Còn trong truyện ngắn, chất duy mỹ, ôm níu con người của Hoàng lại làm người đọc bất ngờ từ một hướng khác. Truyện ngắn Nguyễn Xuân Hoàng là những nhát cắt ma mị, kết tinh tâm thức của người văn sớm thấu lẽ đời. Vẫn lối nói rủ rỉ cúi thấp xuống phù sinh, truyện ngắn Hoàng luôn có sức cám dỗ mãnh liệt bất kỳ người nào lỡ đọc đôi dòng đầu tiên. Cách dựng truyện của anh thoải mái đến nỗi không còn ai nhận ra ấy là bịa. Lối viết không quá câu nệ vào cốt truyện nhưng sâu xoáy hút hồn bằng nhạc cảm, làm tôi liên tưởng đến bút pháp Pautopxki.

Một hình bóng Nguyễn Du (trong Tri huyện Phù Dung) “Nguyễn yêu cái đẹp còn hơn cả sinh mệnh mình”. Một cô gái câm đành nghề bán hoa luôn đau đáu tình cật ruột (trong Cây liễu bên bờ sông vắng) “chỉ thích nghe lời của cỏ cây”. Một cách cắt nghĩa tình yêu (trong Quân bài trắng) có câu sấm “Một người tốt không thể thiếu tham vọng”... Làm ai lỡ đọc cứ mãi bị ma ám. Nhiều bạn văn công nhận, Hoàng đã tự họa chính xác chân dung mình “một nghệ sĩ bẩm sinh, là người duy mỹ đến tận cùng” (trong Quê cha). Lôi cuốn một cách êm dịu riết róng, mỗi truyện ngắn  của Nguyễn Xuân Hoàng đã nhi nhiên để lại một thông điệp. 

Rồi khi làm thơ (thường thì Hoàng làm thơ để hát mỗi khi uống rượu với bạn bầu), tài hoa nơi anh lại lấp lánh một cõi lạ. Những bài thơ thương tật/ trên chiếc bàn thương tật/ làm chi/ nếu đời anh không thương tật (Câu chuyện về thơ). Tôi đợi bóng quạ mang về đêm tàn/ tôi khát đôi môi em ngày tôi còn sống/ tôi nhớ đắng ngắt miệng môi tôi/ ngày tôi yêu em (Cho một tương lai). Đôi khi tâm hồn tôi phiêu lãng thiên đường/ kể cho thân xác nghe câu chuyện về địa ngục / đôi khi thiên thần gãy cánh/ thân xác kể cho tâm hồn nghe câu chuyện thiên đường (Câu chuyện thiên đường)...  

Viết tập ký về Trịnh Công Sơn, mỗi câu mỗi chữ của Hoàng ánh lên niềm hạnh ngộ. Dòng đầu thiên bút ký, Hoàng viết “Ngày 28-2-1939, cậu bé Trịnh Công Sơn ra đời tại Buôn Ma Thuột...” (chương 1: Ngày của tin buồn); dòng cuối thiên bút ký, anh viết “Bậc thức giả ấy vẫn tiếp tục hành giả, giúp con người thấy rõ gương mặt tình yêu, những hóa thân như có phép chỉ xuất hiện khi ai đó chợt nhận ra những giấc mơ đời hư ảo” (chương 9: Bậc á thánh của siêu hình). Thế là trọn vẹn, có dẫu còn dang dở nhưng đó vẫn là một trong những cuốn sách về Trịnh thành công nhất. Cũng phải thôi, chân tài gặp nhau, như nhà văn Lê Huỳnh Lâm đã viết: “Có sự gắn kết nào đó gần như là định mệnh giữa hai con người... Ngày Sơn mất (1-4-2001), Hoàng đi suốt đêm, đi như một bóng ma, cứ bước mà không biết về đâu. Bước chân Hoàng lan man thầm lặng rơi cùng những giọt lệ héo khô theo những giai điệu của Sơn...” (Có một dòng sông đã qua đời). Chẳng biết 5 năm sau, Hoàng mất, Sơn có lệ rơi...        

Cõi tạm phù hoa là tấm lòng của bè bạn, và đó cũng thêm một lý do để toàn chân hơn một nội lực và một tâm hồn Nguyễn Xuân Hoàng...

(Nguồn Văn nghệ)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...