Giá có thể vo viên mà cất giấu/ tiếng thở dài nơi ký ức thẳm đen/ giá có thể giũ mình như giũ áo/ một lần về quỳ dưới gót sen em (Giá có thể... - Cao Xuân Sơn)
Gửi thư    Bản in

Văn thi sỹ tiền chiến Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Vỹ - 22-11-2011 01:22:16 AM

VanVN.Net - Hồi hãy còn là một sinh viên bé nhỏ, tôi đã coi Nguyễn Văn Vĩnh như bậc Đại Nhân, siêu quần bạt tụy, tài trí vô song. Chỉ vì tôi đã đọc hết của ông bản dịch bộ sách LES MISÉRABLES của VICTOR HUGO. Trước đó, tôi đã đọc vài bản dịch Chinh Phụ Ngâm ra tiếng Pháp, bài Le Lac ra tiếng Việt, tôi đã không được thỏa mãn. Từ khi đọc mấy bài Fables de La Fontaine của Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra Việt ngữ, và bộ sách dịch “Những kẻ khốn nạn” của ông rất là vĩ đại, thì mỗi lần chỉ thấy cái tên của ông tôi đã cúi đầu khâm phục rồi.

Văn thi sỹ tiền chiến Nguyễn Văn Vĩnh

Vào khoảng năm 1930, báo L’Annam Nouveau của ông bằng Pháp văn ra đời. Tôi mua ngay từ số 1, cũng như các bạn trẻ ham học hồi đó. Dù là sinh viên nghèo, chúng tôi cũng rán mua cho được, mỗi tuần hai kì, các số báo L’Annam Nouveau cho đến khi nó tự đóng cửa, vì ông Vĩnh bị vỡ nợ.

Mê Việt văn của ông, thích cả Pháp văn của ông, tôi chỉ ao ước được gặp ông một lần, được hầu chuyện với ông, dù trong một tiếng đồng hồ. Một buổi chiều vào khoảng ba giờ, một người bạn cùng tôi đang đi trên vỉa hè phố Hàng Gai, bỗng người bạn bảo tôi:

- Ông Nguyễn Văn Vĩnh kìa, mày!

- Đâu?

Người bạn chỉ tôi một ông to béo, mặc âu phục trắng đội mũ trắng bự giống như cái “mũ thuộc địa” (casque colonmial của Tây hồi đó), ngồi trên chiếc xe môtô kềnh càng, nổ bình bịch và kêu rầm rầm, từ hàng Bông chạy thẳng xuống hàng Gai. Chúng tôi đứng lại ngó ông. Lúc ông chạy vụt ngang qua chúng tôi, tôi cúi đầu chào. Ông không trông thấy. Nhưng tôi vui sướng vô cùng. Tôi đã thấy mặt nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh.

Trong ba năm còn là cậu sinh viên nhỏ bé, tôi chỉ thấy ông Nguyễn Văn Vĩnh có một lần đó thôi. Nhưng hình ảnh của ông nhà văn to lớn kia đã in sâu vào trong trí nhớ của tôi, và mỗi khi tôi nghĩ đến ông, hay đọc một bài báo, một quyển sách của ông, thì, lạ quá, tôi cứ nghe tiếng xe môtô nổ bình bịch và chạy rầm rầm bên tai tôi.

Cho đến bây giờ, tôi ngồi chép lại kí ức này, tôi vẫn còn thấy bóng dáng ông Nguyễn Văn Vĩnh ngồi trên chiếc xe môtô sơn màu đỏ, chạy vụt qua trước mắt tôi thật nhanh, và kêu ầm ầm như một chiếc mô tô bay trong Hội chợ.

Trong những câu chuyện giữa sinh viên Cao đẳng Hà Nội, người ta thường nói đến ông Nguyễn Văn Vĩnh luôn. Một vài anh cho tôi biết rằng ông có một người vợ bé là cô Đầm lai rất đẹp và còn trẻ tuổi. Bà cả thì là người Bắc, rất hiền lành. Nhà ông là cái biệt thự có tường cây cao xung quanh phủ đầy hoa antigone, và có cổng sắt, trên hồ Văn chương cạnh Đền thờ Khổng Tử. Tôi đã đi ngang qua đó nhiều lần, và hằng ước mong làm sao có cơ hội may mắn được gặp ông một lần, để xem tường tận gương mặt của ông và nghe ông nói chuyện.

Cơ hội ấy đã đến. Tôi cầm tập thơ mỏng manh vừa mới xuất bản đến tòa báo L’Annam Nouveau ở cạnh Bờ Hồ Hoàn Kiếm, một dãy nhà một tầng, quét vôi trắng. Buổi sáng, tôi biết ông bận nhiều việc, tôi đợi đến buổi chiều. Tôi rón rén bước vào phòng thơ kí. Bốn năm ông và cô ngồi làm sổ sách, đánh máy, không ai để ý đến cậu nhãi con ngơ ngác, như con nai đi lạc bước trong rừng chiều.

Bỗng một chàng con trai dong dỏng cao hơn tôi, nhưng trạc tuổi với tôi, từ ngoài cửa đi vào. Chàng tủm tỉm cười hỏi rất nhã nhặn:

- “Vu” hỏi gì đấy?[1]

 Tôi thấy cái miệng chàng như móm, nhưng đôi mắt rất lanh lợi.

Tôi bảo:

- Tôi muốn xin vào yết kiến ông… Directeur.

Chàng nhanh nhảu trả lời:

- “Vu” chờ một tí nhé. Để tôi vào xem thầy tôi có bận việc lắm không đã nhé… À… mà, xin lỗi, “vu” hỏi ông cụ có việc gì?

- Dạ… tôi muốn đem tặng ông cụ tập thơ nho nhỏ đây, mới xuất bản.

Nói xong, tôi trao “Tập thơ đầu” cho chàng ta. Chàng xem qua bìa, lật qua mấy trang trong, rồi tủm tỉm cười, cười mím chặt môi, để cái miệng như móm vậy!

- “Vu” cứ vào với tôi.

Tôi đi theo chàng, trong lòng hồi hộp, không biết chàng này là ai mà coi bộ đi vào văn phòng riêng của ông Chủ nhiệm có vẻ tự nhiên như thế.

Một căn phòng rộng rãi, mát mẻ, có một dãy cửa kiếng ngó ra ngoài đường. Ông Nguyễn Văn Vĩnh to như ông Hộ pháp, mặc áo sơ mi thật trắng, tay dài, đeo cà vạt đen, ngồi chăm chú viết. Nghe tiếng giày chúng tôi vào, ông ngưng bút, ngoảnh mặt ngó ra. Chàng trẻ tuổi đến gần:

- Thưa thầy, có một chàng thi sĩ…

Ông Nguyễn Văn Vĩnh ngó tôi, thốt ra một tiếng Pháp:

- Ah!

Ông lại cười, tiếng nói rang rảng:

- Vous êtes poètè?

(Anh là thi sĩ hả ?)

Tôi mỉm cười đáp:

- Non, monsieur le Directeur.

(Dạ, thưa ông chủ nhiệm, không phải.)

Chàng kia bỏ tôi ở lại một mình với ông Nguyễn Văn Vĩnh, chàng đi ra ngoài.

Ông cầm quyển thơ mong manh, bé nhỏ, lật coi từng tờ. Ông chú ý đến thơ Pháp nhiều hơn là thơ Việt. Rồi ông vui vẻ nói chuyện.

Tôi cảm thấy vinh hạnh được ông Nguyễn Văn Vĩnh bảo ngồi chiếc ghế đối diện, và được ông tiếp chuyện độ vài chục phút. Ông chỉ nói tiếng Pháp, thỉnh thoảng mới châm vào vài câu tiếng Việt thôi.

Ông hứa sẽ viết bài giới thiệu quyển thơ, và khuyến khích vài lời. Tôi vô cùng cảm động.

Tôi đứng dậy chào cáo biệt. Ra ngoài, tôi lại chạm trán anh chàng lúc nãy. Anh tự giới thiệu là Nguyễn Nhược Pháp, con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Từ đó, hai đứa chúng tôi quen nhau và dần dần trở nên đôi bạn thân. Do nơi Nhược Pháp mà sau đó tôi lại quen với Huy Thông.

*

Hai ba lần, Nguyễn Nhược Pháp đưa tôi đến tòa soạn L’Annam Nouveau, tại đây tôi thường được hân hạnh hầu chuyện ông Vĩnh. Ông thích nói về chính trị vì lúc bấy giờ ông chủ trương chế độ “Administration directe” (thực trị), đối lập với ông Phạm Quỳnh, lãnh tụ phe “Bảo Hoàng”, chủ trương củng cố uy quyền Bảo Đại. Khác hẳn với Phạm Quỳnh mà cử chỉ, thái độ, ngôn ngữ đều ra vẻ học giả quí phái, lại kiêu căng, tự đắc, Nguyễn Văn Vĩnh rất là bình dân, giản dị, không khiêm tốn một cách giả dối mà cũng không kiêu kì trịch thượng. Nói thẳng thắn điều gì cần phải nói, quan niệm thế nào thì nói ra thế ấy, không cần văn chương bóng bẩy, không dè dặt, rào trước đón sau, không quanh co khúc khuỷu, không nham hiểm. Đó là những đức tính của Nguyễn Văn Vĩnh mà người đương thời đều mến phục. Nguyễn Văn Vĩnh rất trung trực, không nịnh ai mà cũng không ưa ai nịnh mình, không tùy thời, chỉ tùy mình. Ông chủ trương lẽ phải của ông, không có lí lẽ nào khác đánh đổ được ông.

Là người rất yêu nước, yêu dân, một nhà ái quốc chân chính, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện đời sống dân chủ riêng trong phạm vi của ông giữa thời kì phong kiến thối nát của chế độ thuộc địa và quân quyền.

Ông chủ trương “trực trị” tức là chống lại quyết liệt chế độ thuộc địa và bảo hộ của Pháp. Chính sách trực trị của ông gần như chủ trương Comonwealth của Ấn Độ đối với Anh. Ông đả kích quân chủ, coi Bảo Đại như đứa con nít khờ khạo để cho Tây vò đầu sai khiến. Hầu hết các lớp sinh viên Cao đẳng và trí thức giác ngộ ở Bắc Hà đều hưởng ứng Nguyễn Văn Vĩnh.

Bọn thanh niên chúng tôi thời bấy giờ – tôi nói đại đa số sinh viên cao Đẳng và Văn Thi sĩ mới ra đời – đều phục Nguyễn Văn Vĩnh như ông thầy, hơn nữa, như nhà lãnh tụ. Ông hoạt động công khai, không thích làm “Hội Kín”. Chúng tôi càng phục ông khi biết ông được chính phủ Pháp tặng Huy chương Légion d’Honneur, một Huy chương vinh dự nhất của Pháp, nhưng ông khước từ.

*

Có lần, tôi muốn chơi nghịch, chọc ông Vĩnh mà không cho ông biết. Tôi mượn cái tên Lệ Chi của một người bạn gái thân yêu để kí một loạt bài về phụ nữ, bằng Pháp văn, trong tờ báo Pháp L’Ami du Peuple Indochinois của Giáo sư Michel. Tôi “công kích” một bài của ông Vĩnh trong L’Annam Nouveau, nhan đề là “Nos enfants chantent, nos enfants jouent” (Trẻ em hát, trẻ em chơi), ông giảng nghĩa ra Pháp văn một bài hát:

“Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa đứt cương, v.v…”

Với bút hiệu Lệ Chi, tôi cãi lại, cho rằng ông Nguyễn Văn Vĩnh giảng sai. Thực tình, tôi nghịch ngợm, giả làm một nữ sinh viên để bắt bẻ ông chơi, xem ông bảo sao, chứ đâu dám cãi bướng với ông! Vì vậy mà có cuộc “bút chiến” giữa ông Nguyễn Văn Vĩnh và “Cô Lệ Chi”, khá sôi nổi hồi tháng 7-1935. Độc giả hai tờ báo chắc là tủm tỉm cười, theo dõi cuộc bút chiến lí thú kéo dài gần một tháng. “Lệ Chi” là cô gái nghịch ngợm, ranh mãnh, nhí nha nhí nhảnh, còn Nguyễn Văn Vĩnh tuy là già nhưng cái giọng châm biếm vẫn còn hăng, quyết liệt mà không đổ quạu. Rốt cuộc, ông viết như sau đây:

“Nếu cô Lệ Chi mới đỗ Tiến sĩ Vật lí học ở Pháp về[2],  chắc cô cũng chưa có chồng và chưa có con. Tôi khuyên cô nên có con đi đã rồi hãy nói chuyện với tôi về cách trẻ em hát và trẻ em chơi. Tôi thì tôi đã có chút ít kinh nghiệm về trẻ con bởi tôi là một đứa trẻ con đã già”.

Tôi còn nhớ mãi câu của ông là “je suis un vieil enfant” (Tôi là một đứa trẻ con già)!

Tôi phục câu ấy quá. Sau đó Nguyễn Nhược Pháp cười bảo ông bố: “Cô Lệ Chi là N.V. đấy, thầy ạ!”. Ông Vĩnh cười hà hà: “Thế mà thầy cứ tưởng là có cô Lệ Chi thật!”.

Tết năm ấy, tôi đến mừng tuổi ông Nguyễn Văn Vĩnh. Với bàn tay hộ pháp, ông tươi cười vỗ mạnh trên vai tôi:

- Chúc cô Lệ Chi đầu năm đẻ con trai, cuối năm đẻ con gái nhé!

Tôi mắc cỡ đỏ mặt, nếu không có Nguyễn Nhược Pháp trong nhà chạy ra, tay bắt mặt mừng, thì có lẽ tôi đã té xỉu trong hai cánh tay lực lưỡng của ông già duyên dáng ấy.

*

Hôm được tin Nguyễn Văn Vĩnh chết ở bên Lào, ngày 2-5-1936, tôi ngồi nơi bàn viết ở Khâm Thiên nhớ đến cụ, bỗng dưng hai dòng nước mắt trào ra.

Tội nghiệp cụ Vĩnh! Trong lúc, kẻ biết xu thời đang ngất ngưởng cân đai ở Huế, vênh váo bên ngai rồng, thì một bác văn hào lỗi lạc, một nhà ái quốc trung trực và liêm khiết, bị quẫn bách về tài chánh, đã vỡ nợ, theo ông Ameédèe Clémenti[3] sang xứ Lào để tìm vàng, đi phiêu lưu mạo hiểm trong rừng thiêng nước độc, rồi chết trên một giường bệnh, vì bệnh sốt rét rừng, xa vợ, xa con, xa quê hương xứ sở, trong túi không có một đồng xu!

Quan tài của cụ Nguyễn Văn Vĩnh được đưa xe lửa từ Lào về đến ga Thường Tín, ở phía Nam Hà Nội, cách thủ đô khá xa. Tất cả các giới sĩ, nông, công, thương ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều tự động kéo nhau đi, sắp hàng tư, hàng năm, có đến mấy chục ngàn người, đi bộ gần cây số, để đón rước linh cữu của bậc văn hào.

Linh cữu đến ga Hàng Cỏ- Hà Nội giữa một biển người im lặng, ai nấy đều cúi đầu, rưng rưng nước mắt. Linh cữu được đưa vào đặt tại Hội quán (Hội Tam Điển - Loge de Franmaconerie), đường Gambetta, nơi đây có ông Lê Thăng, Tiến sĩ Luật khoa, cộng sự viên báo L’Annam Nouveau ông Phạm Huy Lực, Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc Kì, và hai người Pháp hội viên Hội Tam Điển, đứng túc trực đêm ngày.  

Hôm đám tang Nguyễn Văn Vĩnh, một số anh em làng Văn nhóm tại Tòa soạn báo Phương Đông của Lan Khai, thảo luận về việc đưa đám. Có mặt trong buổi họp: Trương Tửu, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, tôi và TchyA. Anh em muốn tôi làm bài điếu văn vì tôi chơi thân với Nguyễn Nhược Pháp, con của ông. Tôi từ chối:

- Các anh muốn làm điếu văn thì làm. Các anh muốn đọc mấy bài điếu văn để ca ngợi ông Vĩnh cũng được. Riêng tôi, tôi chỉ mong được vinh dự khiêng quan tài của Nguyễn Văn Vĩnh.

Sau cùng, chúng tôi đồng ý theo đề nghị của Lan Khai giao việc soạn bài điếu văn cho Trương Tửu. Rất tiếc, bài của Tửu thật cảm động nhưng lúc đọc xong anh bỏ vào túi áo rồi sau thất lạc đâu mất, tìm mãi không ra. Tôi nghi rằng đi đám ma về, Tửu vứt áo cho tiệm thợ giặt và bài văn điếu Nguyễn Văn Vĩnh đã tiêu tan trong bọt xà bông.

 

Sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

Trước hết, tôi muốn nói đến sáng kiến “cải cách chữ quốc ngữ” của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông là người đầu tiên đề xướng một cải cách hợp lí hơn cả, như chữ F thay cho dấu huyền, chữ W thay sấu sắc, v.v… Sự cải cách của ông rất tiện lợi trong thời kì mà máy đánh chữ sản xuất ở Pháp và thông dụng ở Việt Nam chưa có clavier Quốc ngữ.

Nhưng sau xem chừng ít có người hưởng ứng nên Nguyễn Văn Vĩnh bỏ trôi luôn… Ông đâu có ngờ rằng vài chục năm sau khi ông chết, Bưu điện Việt Nam áp dụng hệ thống “Quốc ngữ cải cách của Nguyễn Văn Vĩnh” trong các điện tín.

Sau ông Vĩnh, còn nhiều người khác cũng đề xướng những phương pháp cải cách chữ Quốc ngữ, khác hơn của ông, như Vi Huyền Đắc và Edmond Chodzko. Ông sau này là người Tiệp Khắc nhập tịch dân Pháp, làm thông ngôn có tuyên thệ tại Tòa án Pháp ở Hải Phòng, và rất thông thạo tiếng Việt, viết cả văn Việt.

Tuy nhiên, chỉ có “Quốc ngữ cải cách” của Nguyễn Văn Vĩnh là giản dị hơn. Nhưng sở dĩ dư luận chung của quảng đại quần chúng không sẵn sàng chấp nhận và không sốt sắng hưởng ứng, là vì người ta cho rằng 5 dấu … và những âm như Ke, Kê, Ki, Qu, Ph v.v… là những đặc điểm của vần quốc ngữ, đã có từ lâu và không trở ngại gì cho việc học và viết tiếng Việt Nam.

Sau cùng, Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhận thấy rằng mỗi ngôn ngữ và ký âm của mỗi giống dân đều có những đặc tính riêng biệt, tiêu biểu cho sắc thái ngôn ngữ của giống dân ấy, và sự sửa đổi sẽ làm cho xáo trộn vô ích, nên ông không tha thiết tuyên truyền cho “Quốc ngữ cải cách” của ông nữa. Tất cả các tác phẩm của ông đều viết theo quốc ngữ chính thức.

*

Nguyễn Văn Vĩnh viết rất nhiều trong mục xã thuyết bằng Việt văn và Pháp văn trong Đông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân văn, L’Annam Nouveau, về đủ các đề tài, chính trị, văn hóa, học thuật, kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, ông dịch nhiều hơn là sáng tác. Sự nghiệp lớn lao nhất của ông là dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Pháp văn (dịch và chú giải), và dịch bộ truyện Les Misérables của Victor Hugo ra Việt văn.

Ảnh hưởng và uy tín của Nguyễn Văn Vĩnh mạnh mẽ nhất trong giới trí thức Việt và Pháp thời bấy giờ, là do hai bộ sách dịch này. Người Pháp hiểu được Truyện Kiều là nhờ bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Sau Nguyễn Văn Vĩnh, mới có René Crayssac, Công sứ Pháp ở Vĩnh Yên, dịch quyển Kiều ra bằng thơ Pháp, thơ Alexadrins, 12 chữ, dựa theo bản dịch bằng văn xuôi của Nguyễn Văn Vĩnh.

Điều đó, tôi thấy ít nhà văn học sử đều để ý đến.

Bản dịch bộ truyện Les Misérables rất công phu. Nguyễn Văn Vĩnh hãnh diện với công trình này nhiều hơn với bản dịch truyện Kiều. Ông có giãi bày “tâm sự” với chúng tôi: “Dịch quốc ngữ ra tiếng Pháp dễ hơn dịch tiếng Pháp ra Quốc ngữ”. Nhiều khi ông mất hằng nửa tiếng đồng hồ để tìm ra một câu Việt diễn tả đúng với câu Pháp văn của Victor Hugo. Có những lúc dịch được, ông khoái lắm. Có những lúc ông không thỏa mãn, đành dịch gượng bằng một câu dài thòng, hoặc một câu ngắn ngủn.

Một hôm, ông ngồi uống trà với hai thằng trẻ: Nguyễn Nhược Pháp, con ông, và tôi. Trong câu chuyện về sách dịch, tôi nửa muốn học hỏi, nửa muốn bắt bí ông chơi, tôi bảo:

- Thưa cụ, nếu bây giờ phải tái bản bộ sách dịch Les Misérables, cụ có sửa lại cái tên sách không?

- Sao lại phải sửa?

- Thưa cụ, tên sách Những kẻ khốn nạn, sợ có nhiều độc giả hiểu lầm.

Nguyễn Nhược Pháp mím môi cười, và gật đầu đồng ý với tôi. Cụ Vĩnh cũng cười, khôi hài:

- Le misérable, c’est Victor Hugo! (Kẻ khốn nạn chính là Victor Hugo!).

Cụ cười hà hà, rồi nói tiếp, cũng bằng tiếng Pháp:

- Il a inventé ce mot misérable, qui m’a donné de bien gros fils à retordre… Oui…! J’ai été très embêté en cherchant un mot annamite éqnivalent pour le traduire. Enfin, j’ai adopté “Những Kẻ Khốn Nạn”, faute de mieux.

(Ông ta đặt ra chữ khốn nạn ấy, làm cho tôi bối rối như tơ vò… Thật thế! Tôi rất bực mình khi tìm một từ tiếng Việt tương đương để dịch chữ Misérables. Sau cùng tôi đành dùng chữ “Những Kẻ Khốn Nạn”, không tìm được chữ nào hay hơn).

Nguyễn Nhược Pháp mím môi bảo:

- Giá thầy[4] dùng chữ “Những Kẻ Khốn Khổ” thì thầy đỡ bực mình.

Cụ Vĩnh lại cười, ngó đứa con trai:

- Ah, maintenant, le misérable, c’est toi! Tu ne m’as dit ca avant!

(À, bây giờ Kẻ Khốn Nạn là mày! Sao trước kia mày không nói cái đó với tao?)

Pháp phớt tỉnh trả lời:

- Con được đọc bộ dịch Les Misérables của thầy 3 ngày sau khi xuất bản!

Sau cùng, ông Nguyễn Văn Vĩnh nhìn nhận rằng: nên để “Những Kẻ Khốn Khổ” hay là “Những Kẻ Khốn Cùng” thì đúng hơn. Cụ cũng không hiểu tại sao cụ không dùng chữ “khốn khổ”.

Cụ muốn lấy rượu đãi cho hai thằng bé con ranh mãnh nhưng chúng tôi không biết uống rượu. Nguyễn Nhược Pháp chìa tay xin “thầy” tiền đủ mua hai vé xi nê. Cụ Vĩnh móc túi quần, không có tiền, chạy vào nhà trong, hỏi bà cụ và đem ra cho chúng tôi 20 đồng[5].

 

Phạm Quỳnh

Một hôm, bọn học sinh chúng tôi, được các giáo sư cho biết là chiều thứ bảy ông Phạm Quỳnh sẽ diễn thuyết tại giảng đường của trường Cao đẳng, chúng tôi nô nức đợi đến chiều ấy để nghe.

Ông chủ nhiệm tạp chí Nam Phong sẽ diễn thuyết bằng tiếng Pháp, về một đề tài rất hấp dẫn:

Le Paysan Tonkinois à Travers le Parler populaire (Người dân quê Bắc Việt, xét qua ca dao bình dân).

Kể ra chúng tôi đọc tạp chí Nam Phong đã lâu lắm rồi. Riêng tôi, tôi đã được đọc nó thỉnh thoảng một đôi quyển, của Thầy tôi mượn ở đâu về, vì thời bấy giờ tạp chí Nam Phong ít có bán ở các tiệm sách. Hầu hết độc giả Nam Phong là những quan lại, hoặc một số “trí thức thượng lưu” và “trung lưu” mua năm. Khuynh hướng chính trị gác hẳn ra một bên, chỉ đứng về phía văn học mà thôi thì chúng tôi, tất cả thanh niên trí thức lúc bấy giờ, đều phục cái tài cao học rộng của ông Phạm Quỳnh.

Chữ Pháp, ông viết rất trôi chảy, với một lối hành văn rất bóng bẩy văn hoa, vừa giản dị, khúc chiết, vừa dồi dào ý tưởng.

Việt văn của ông cũng thế. Câu văn rất được săn sóc, điêu luyện theo như hành văn Pháp, rất thận trọng trong việc dùng chữ. Ông đưa đẩy ngòi bút dịu dàng, chững chạc, không dây dưa rườm rà, hoặc nặng nề theo kiểu một số nhà Nho, như ông cử Dương Bá Trạc hay ông Lê Dư, cũng không cứng rắn và đôi khi quá giản dị, thực tế, như cú pháp của ông Nguyễn Văn Vĩnh.

Văn của Phạm Quỳnh là lối văn quí phái, “lối văn hàn lâm viện” như người Pháp nói.

Không thể nào không nhìn nhận rằng thời bấy giờ, ai đọc văn của Phạm Quỳnh cũng đều phải phục văn tài của ông.

Nhất là tụi thanh niên chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi cuốc bộ trên vỉa hè phố Hàng Da, thấy ông Phạm Quỳnh ngồi chễm chệ trên chiếc xe kéo nhà, sơn màu gạch bóng loáng, từ trong cổng nhà ông đi ra, hoặc đi đâu về.

Đi xe kéo nhà như thế, là sang nhất lúc bấy giờ. Ông mặc quốc phục Việt, áo dài the đoạn, hoặc Satin. Không bao giờ Phạm Quỳnh mặc Âu phục, chân luôn luôn mang giày Escarpin (một kiểu giày của những người trưởng giả thời ấy), đầu chít khăn đóng, mắt đeo kính trắng. Vì điệu bộ quí phái ra vẻ bệ vệ của ông mà đám thanh niên trí thức chế nhạo ông, đặt cho ông cái biệt hiệu là “Kính trắng tiên sinh”. Tiếng Bắc kính, tức là kiếng trong tiếng Nam.

Phạm Quỳnh rất là tự cao tự đắc. Tôi có thể nói vô tư rằng ông là nhà văn sĩ kiêu ngạo nhất thời Tiền chiến, nhưng bề ngoài ông lại làm ra vẻ rất khiêm tốn, - cái khiêm tốn giả dối, tính toán, của những người thiếu thành thật tự nhiên, của những kẻ dùng nó làm mách lời khôn khéo để tự tăng cao địa vị của mình.

Kẻ chép hồi ức này đã có dịp ngồi nói chuyện trong nửa giờ đồng hồ với ông Phạm Quỳnh, tại nơi bàn giấy của ông ở Huế, lúc ông làm Thượng thư Bộ Học, năm 1936, dưới thời Bảo Đại. Cái làm cho nó chú ý nhất trên gương mặt của nhà học giả quan liêu ấy là cặp mắt của ông. Nó nhận thấy dưới đôi kính trắng gọng vàng kia một cặp mắt rất là ranh mãnh, quỉ quái. Tất cả cá tính của Phạm Quỳnh đều ánh ngời trong cặp mắt tinh ranh xảo quyệt ấy. Ông ít khi tự nhận là nhà văn, mà chỉ thích người ta gọi là nhà học giả, - chính ông tự gán cho ông cái danh hiệu là Clerc. Tuy ông vẫn có nụ cười và giọng nói khiêm tốn, nhưng cái vẻ khiêm tốn giả tạo không sao che lấp được tư cách chân chính của ông, là tư cách của một kẻ giả dối và rất kiêu căng, muốn trưng bày cái phong độ của người “quân tử” theo “triết học Khổng giáo”.

*

Hôm chiều thứ bảy ấy, ông Phạm Quỳnh diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại giảng đường Cao đẳng Đông Dương ở Hà Nội, đường Bobillot, sinh viên đến nghe rất đông. Ở từng dưới, là các dãy ghế danh dự, có ông Thống sứ Bắc Kỳ chủ tọa, với tất cả các nhân vật cao cấp Pháp Việt ở Hà Nội, đa số là Tây và Đầm. Còn chúng tôi là sinh viên thì chen nhau đứng chật bao lơn từng trên, - theo tiếng thông dụng các rạp hát lúc bấy giờ gọi là trên “chuồng gà” (poulailler). Tôi đứng với một đám nam sinh và nữ sinh trường Thuốc và Sư phạm, phía bên trái. Có một cô bạn cứ ho từng cơn, khiến chúng tôi rất bực mình.

Sau lời giới thiệu của viên Giám đốc Học Chánh Bắc Kỳ, ông Phạm Quỳnh từ phía sau giảng đường ung dung bước ra diễn đàn. Ông rất bình tĩnh, thong thả, bệ vệ.

Lúc bấy giờ không có micro, nhưng Phạm Quỳnh cất tiếng nói rõ ràng, chững chạc, êm ái. Chúng tôi ở trên “chuồng gà” nghe rất rõ. Đứng nói mấy lời cảm ơn các quan khách, rồi ông thong thả ngồi xuống ghế, trước chiếc bàn gỗ gụ lớn, trải tấm khăn nhung xanh màu da trời.

Ông đủng đỉnh gỡ cặp kiếng trắng gọng bạc để xuống bàn, lấy cặp kiếng trắng gọng vàng đeo vào, và rút trong túi áo ra một xấp giấy đánh máy.

Ông cất tiếng nói. Ông không chúi mũi xuống giấy như nhiều diễn giả khác đọc như đọc bài văn tế. Ông cũng không nói lung tung lộn xộn như một số diễn giả khác không theo một dự thảo hoạch định trước. Ông đã viết sẵn bài thuyết trình, rồi theo đó mà nói, thỉnh thoảng mới ngó vào giấy, nói rất tự nhiên, rất lưu loát, văn hoa. Chúng tôi đứng trên chuồng gà im phăng phắc, nghe mê. Trừ cô bạn cứ ho sù sụ, làm át cả tiếng nói của diễn giả. Tất cả đều phục ông Phạm Quỳnh có tài hùng biện, hoạt bát, duyên dáng mà vẫn nghiêm nghị. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe một người Việt Nam diễn thuyết trước công chúng tri thức Việt Pháp trên 500 người, bằng tiếng Pháp lưu loát hấp dẫn như thế. Hôm ấy, ông Phạm Quỳnh đã gây được lòng khâm phục hoàn toàn của toàn thể thính giả Pháp và Việt.

Tôi ra về thỏa mãn. Từ đó về sau, cũng như hầu hết các bạn trẻ sinh viên, tôi đã đọc tất cả các sách của Phạm Quỳnh xuất bản. Tác phẩm của ông đều là những bài ông đã viết đăng trong Nam Phong, và gom góp in ra thành sách. Dù nghèo túng đến đâu, chúng tôi cũng ráng để dành tiền mua sách của Phạm Quỳnh. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều trong các sách của ông. Chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng nhiều trong lối hành văn và cách diễn đạt tư tưởng của bậc văn sĩ tài hoa ấy.

Bởi sách học trong nhà trường không dạy cho chúng tôi hiểu biết thêm mấy tí về các môn học thuật cao siêu của Đông Tây, nên chúng tôi đã noi theo gương của ông Phạm Quỳnh mà tìm cách tự học thêm với các sách cổ kim Âu Á. Nhận thấy ông Phạm Quỳnh đã trở nên nhà học giả hiểu rộng biết nhiều, tư tưởng và học thuật uyên thâm, nên bọn trẻ sinh viên của thế hệ chúng tôi đã say mê văn hóa, và theo vết chân của bậc tiền bối mà lo tự học, để làm giàu cho trí óc.

Về phương diện thuần túy học thuật và văn hóa, chúng tôi đều biết ơn ông Phạm Quỳnh, cũng như ông Nguyễn Văn Vĩnh vậy.

*

Năm 1936, có dịp đi Huế, kẻ tiện sĩ này có đến thăm ông Phạm Quỳnh, Thượng Thư Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Nói đến yết kiến ông, nhưng sự thực là có mục đích hỏi ông tại sao ông lại sửa đổi chương trình giáo dục ở các lớp sơ học, làm đình trệ bước tiến của thế hệ thiếu niên mới.

Tôi đi lang thang vô thành nội, tìm đến cửa Hòa Bình. Tôi ái ngại bước vô cửa, gặp một người lính lệ, liền đưa danh thiếp. Chỉ e ông Thượng thư kiêu hãnh không tiếp mình.

Nhưng ông cho mời vô. Ông mặc xa tanh đen, đeo thẻ ngà tòn ten trên ngực, chân vẫn mang đôi giày escarpin đen, mắt vẫn đeo đôi kính trắng gọng vàng. Và ông vẫn nói tiếng Pháp.

Nghe ông thuyết một hồi hâu, tôi có cảm tưởng rằng vị học giả này làm đại thần bên cạnh nhà vua, hình như không muốn cho thanh niên Việt Nam học giỏi như ông. Ông công kích những người học giỏi, du học ở ngoại quốc về, như Nguyễn Mạnh Tường, Lê Văn Kim. Ông muốn có một nền Quốc học thu hẹp trong phạm vi Annam mà thôi. Ông muốn đem cái học Tống Nho, với mớ đạo lí Khổng Tử, Mạnh Tử, mà áp dụng theo môn học thuật đời nhà Tống, để đào tạo một lớp Tống Nho Việt Nam, dung hòa với một ít học thuyết Descartes… Ông muốn kéo thanh niên trí thức Việt Nam giật lùi lại vài ba thế kỉ, không cần tiến lên theo trào lưu văn hóa Âu châu. Tôi hoàn toàn không đồng ý với ông về chủ trương phản tiến bộ ấy.

Tuy  vậy, khi tôi nghe Phạm Quỳnh bị giết ở Huế, tôi thật bùi ngùi cho số phận của con người tài ba lỗi lạc. Tôi quen nhiều với người rể của ông là Tôn Thất Bình, chủ bút báo La Patrie Annamite và giáo sư trường Thăng Long. Tôi quen biết con trai của ông là Phạm Bích, cử nhân luật, năm 1948 khi ông làm Bí thư của Bảo Đại, ở Đà Lạt. Hai người này đáng mến, mặc dầu không biết tí gì về văn học cả, nhưng người con trai khác của ông là Phạm Giao thì chỉ là một tay ăn chơi không được tích sự gì. Phạm Quỳnh chính là đúng vào câu châm ngôn “Cha làm thầy mà con bán sách”.

Nếu ông Phạm Quỳnh đừng xen vào chính trị, đừng hãnh diện làm kẻ tôi tớ của chính sách thuộc địa Pháp, nếu Phạm Quỳnh đem hết trí thông minh lớn lao và tài văn nghệ rất hoạt bát của ông để phụng sự hoàn toàn cho Văn học Việt Nam, thì chắc là ông đã để lại một sự nghiệp văn hóa vĩ đại vô kể, và thanh danh của ông đâu còn bị một vết nhơ?

Thật đáng tiếc thay!

 

So sánh Nguyễn Văn Vĩnh với Phạm Quỳnh

Giới trí thức Hà Nội Tiền chiến thường so sánh hai nhân vật này, vì họ hoàn toàn trái ngược nhau. Trên bình diện chính trị, ông Phạm Quỳnh chủ trương Bảo Hoàng, yêu cầu chính phủ thuộc địa áp dụng đúng đắn Hiệp ước Patenôtre (1884), trao trả quyền hành chánh cho Bảo Đại ở cả Trung và Bắc Kì, theo một hiến pháp do Phạm Quỳnh soạn thảo, và được các báo Pháp đương thời gọi là “Constituion Pham Quynh”.

Nguyễn Văn Vĩnh, trái lại, đòi thực hành cho Trung Bắc Kì một chính sách mà ông gọi là Administration Directe (trực trị), nghĩa là dẹp bỏ ngôi vua, để Pháp trực tiếp cai trị với sự tham gia hành chánh trực tiếp của nhân dân do Thượng, Hạ Nghị Viện của nhân dân bầu cử.

Dĩ nhiên, người Pháp theo Phạm Quỳnh.

Cuộc “Bắc tuần” ra Hà Nội của Bảo Đại và, kế sau đó vài năm, của Nam Phương Hoàng hậu, đồng thời sự ban chức rất lố bịch cho viên Thống sứ Pháp làm “Khâm sai Đại thần”, đại diện uy quyền Bảo Đại ở Bắc Kì, chính là để khởi điểm cho chính sách Bảo Hoàng của Phạm Quỳnh.

Chủ trương “trực trị” của Nguyễn Văn Vĩnh bị Phạm Quỳnh đả kích kịch liệt trong các bài xã thuyết của ông đăng trong nhật báo Pháp France-Indochine ở Hà Nội. Để “an ủi” Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo L’Annam Nouveau, Chính phủ Pháp tặng ông Bắc Đẩu Bội Tinh (Légion D’Honneur) là huy chương cao quý nhất của Pháp, nhưng ông Vĩnh không nhận.

Vụ huy chương này hoàn toàn giữ kín, dư luận dân chúng không hay biết gì, nhưng các giới trí thức và cách mạng ở Hà Nội đều biết rõ, và sự khí khái của ông Nguyễn Văn Vĩnh cương quyết từ khước “Légion D’Honneur” của Pháp, được các giới ấy, nhất là giới trí thức thanh niên nhiệt liệt hoan nghênh.

Uy tín của Nguyễn Văn Vĩnh càng được tăng cao từ vụ này.

Về phương diện thuần túy văn học, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh cũng hoàn toàn trái ngược nhau.

Nam Phong Tạp chí, nguyên là do tiền trợ cấp của Chính phủ thuộc địa Pháp, và người sáng lập là Giám đốc Chánh trị vụ của Phủ Toàn quyền Đông Dương, tức cũng như Tổng Giám đốc Mật thám Phủ Toàn quyền.

Phạm Quỳnh có một lối văn Hàn lâm (style académique) rất văn hoa, nhưng chững chạc, nghiêm nghị, bệ vệ, văn Pháp cũng như văn Việt; khác hẳn lối văn giản dị thiết thực hoàn toàn bình dân của Nguyễn Văn Vĩnh, văn Pháp cũng như văn Việt của ông Chủ nhiệm L’Annam Nouveau và cựu Chủ bút Trung Bắc Tân văn, Đông Dương Tạp chí, thật là lưu loát, và thường châm biếm, đúng với truyền thống hài hước của tinh thần dân tộc Việt Nam. Văn Phạm Quỳnh có rất ít điểm hài hước hóm hỉnh đó.

Thanh niên Tiền chiến ưa tìm học hỏi nơi tri thức uyên thâm và văn chương hoa mĩ của Phạm Quỳnh, gác ngoài lập trường chính trị của ông, cũng như họ thích những kinh nghiệm về văn hóa tổng hợp, khoáng đạt, cởi mở, bình dân của Nguyễn Văn Vĩnh cho đến nếp sống cá nhân, gia đình, xã hội của hai người cũng cách biệt nhau xa.

Phạm Quỳnh đeo kính trắng gọng vàng, ngồi chiếc xe kéo nhà quí phái, đi đứng thong dong, nói cười mực thước, chỉ giao thiệp với hạng thượng lưu, vì vậy mà các giới thanh niên trí thức Hà Nội gọi ông là “Kính trắng Tiên sinh” và “Học phiệt”.

Trái lại, Nguyễn Văn Vĩnh thích mặc sơ mi, quần “short”, cỡi xe môtô, giao du với đủ các giới, nói to, cười lớn, ưa đánh tổ tôm, săn bắn và có óc phiêu lưu.

Ông Vĩnh có hai vợ, một bà Bắc, một bà Đầm lai, cả hai đều phải lo giúp đỡ ông, và gia đình ông tuy thuộc về giới thượng lưu nhưng luôn luôn túng thiếu.

Công việc kinh doanh của ông về sách báo, xuất bản, rất là rộng lớn mà phương diện tài chánh lại không được dồi dào.

Phạm Quỳnh, trái lại, được sung túc, ra vẻ danh gia thế phiệt, đại trưởng giả.

Kết cuộc số phận, hai ông đều là nạn nhân của hai thái cực: Phạm Quỳnh ra làm quan, lên bực Đại thần được tín dụng bên cạnh ngai vàng, quyền cao chức cả tột bực, để rồi, sau cùng, bị chết thê thảm… Nguyễn Văn Vĩnh bị phá sản, vì sự nghiệp văn chương rủ một người bạn Pháp, cũng có óc phiêu lưu văn nghệ như ông, đi qua Lào để tìm mỏ vàng! Sau cùng, ông chết ở Lào vì bệnh sốt rét rừng, xa quê hương, gia đình, bạn hữu, như một “bôhêmiên” bất cần định mạng.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882–1936) sinh ngày 15 tháng 6 năm 1882 tại nhà số 46, phố Hàng Giấy, Hà Nội. Nhưng quê gốc của ông là làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Vì quá nghèo, cha mẹ ông phải bỏ làng quê ra ở nhờ nhà bà nghè Đại Gia (tức ông nghè Phạm Huy Hổ) ở phố Hàng Giấy kiếm sống, và rồi sinh ông tại đây. Là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam đầu thế kỷ 20. Khi viết, ông ký nhiều bút hiệu: Tân Nam Tử, Quan Thành, Tông Gia, Lang Gia, Mũi Tẹt Tử, Đào Thị Loan.

 

Văn thi sĩ tiền chiến. “Chứng dẫn một thời đại” của Nguyễn Vỹ. NXB Văn học, 2007.

(Nguồn: Nguyệt san Văn Chương Ngày nay số 4)

 


[1] Vu (vous) anh theo tiếng Pháp.

 

[2] Lúc bấy giờ ở Hà Nội có một cô sinh viên đỗ bằng Tiến sĩ Vật lí học ở Pháp mới về. Ông Nguyễn Văn Vĩnh đoán chừng “Lệ Chi” là cô Tiến sĩ ấy.

[3] Người Pháp, chủ nhiệm báo L’Argus Indochinois, thân Việt, chống Pháp, kẻ thù của chính phủ thuộc địa, bạn thân của ô. Vĩnh.

[4] Nguyễn Nhược Pháp gọi ông Vĩnh bằng “thầy”.

[5] Theo thời giá bây giờ là 2.000 đồng.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn