Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Lê Thái Sơn - Thi sỹ của người nghèo khổ

Lê Hoài Nguyên - 15-08-2011 10:32:41 AM

VanVN.Net - Đặt đầu đề cho bài viết này rồi mà cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó, chưa nói hết cái tính cách đa dạng trong con người Sơn. Bởi vì ngoài những bài thơ hay về những người nghèo khổ anh còn có nhiều bài hay khác về trẻ em, về quê hương, về tình yêu, trong đó có vài bài còn rất trẻ trung. Chẳng hạn năm ngoái bẩy người bạn của lớp tôi gồm Dương Kỳ Anh, Khuất Bình Nguyên, Lê Hoài Nguyên, Lâm Quý, Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Thái Sơn, Phạm Khoa Văn làm chung tập thơ Bẩy con đường của số phận, Sơn đưa ra 10 bài, có mấy bài mới như của một chàng trai trẻ đang bắt đầu yêu: Số máy này chỉ một mình em biết, Tin nhắn từ miền 8x...

Nhà thơ Lê Thái Sơn

Sơn có những bài được giải thưởng, được đưa vào sách giáo khoa, vào các tuyển tập thơ, được nhiều người thích. Bên cạnh vẻ mộc mạc, chất phác, thật thà của một đứa con đồng quê xứ Nghệ, Sơn còn có chút lãng tử, phớt đời của một chàng thi sĩ tỉnh thành từ kinh đô trở về.

Thời sinh viên tôi ở với Sơn không lâu, chỉ hai năm nhưng đó là hai năm gian khó của lớp Văn khóa 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhập trường trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, đi bộ sơ tán lên rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên rồi lại sơ tán về đồng bằng, làng La Khê của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Sơn chưa nổi bật về về việc học, về tài năng sáng tác nhưng anh để lại cho tôi ấn tượng về một người bạn hơn tuổi, chững chạc, ít nói, trung thực và thâm trầm. Tôi đi chiến trường, trở về học tiếp rồi ra công tác. Bẵng đi nhiều năm mới gặp lại người bạn cũ. Cuộc đời đã làm nên một Lê Thái Sơn khác hẳn, ngoại hình không thay đổi nhiều lắm nhưng đã là một khối không gian khác, vừa là một nhà thơ, vừa là một nhà quản lý Hội Văn học Nghệ thuật của một tỉnh lớn. Đọc thơ của anh tôi mới hiểu ra trong những năm tháng đó bạn mình đã sống thế nào, hiểu cái gì đã làm nên đời thơ Lê Thái Sơn.

Trước hết phải nói rằng suốt đời Sơn gắn bó với quê hương Nghệ An. Học xong đại học anh về Sở văn hóa tỉnh làm công tác phong trào và sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian. Chắc hẳn hồn dân gian xứ Nghệ là mạch nguồn cho hồn thơ Sơn, nó làm cho thơ Sơn đích thực là thơ của một người con xứ Nghệ. Người bạn cùng quê từ thưở nhỏ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong lời tựa cho tập Tháng Giêng xanh của Sơn có viết: “Tôi thấy con người nhà quê trong anh thật dồi dào, tươi tốt. Hầu như mọi dây rợ tình cảm của anh đều buộc dính với quê làng, và chỉ khẽ chạm vào một sợi dây nào đấy, là cây đàn thơ của anh lại rung lên những cung bậc tràn đầy thương cảm”.

Như ở trên đã nói Sơn có ba mảng thơ chính. Một gia tài đáng kể về thơ viết cho trẻ em. Nhiều bài thơ tình đáng chú ý. Rất nhiều bài viết về những người nghèo và khổ và sự nghèo khổ của mình.

Là một người bạn tôi thấy phần đáng quý nhất của thơ anh lại là sự gắn bó giữa số phận của chàng thi sĩ nghèo khổ với những người nghèo khổ.

Có thể kể ra đây các nhân vật của Sơn, những số phận người nghèo khổ mà những bài viết về họ chiếm quá nửa các tập thơ của anh.

Đến nơi nào anh cũng chú ý đến khung cảnh lam lũ của đám đông. Một Bữa cơm thường ở chợ lao động: úp rổ úp thúng làm bàn, Cán xẻng đòn gánh kê ngang mà ngồi. Cơm chị ăn với rau tôi, Bánh mì bột xúp lẫn hơi... nhà hàng.

Hay khi anh viết về buổi tối ở một làng đãi vàng:

Làng vào đêm

Ngọn đèn nào chập chờn bên canh bạc

Sau một ngày đỏ đen ai cười ai khóc

Nơi bóng cây, bè mảng, bãi sông

Bỗng gấp gáp, bỗng vội vàng tiếng thở.

                      (Viết ở làng đãi vàng)

Có lẽ cảm động nhất là những bài viết về thân phận người nghèo và người khổ. Trước hết Sơn dành lòng thương cảm cho những người phụ nữ và trẻ em. ấy là một người mẹ 70 lưng còng mọi việc đều phải làm trong tư thế ngồi. Chính vì vậy:

Giữa cánh đồng xanh tốt

Cây lúa mẹ tôi lới lên không kịp

Màu xanh cũng màu xanh theo không kịp

Nên thửa ruộng mẹ tôi

Thành một mảnh vá của cánh đồng

Như mảnh vá trên áo mẹ tôi mang.

Trong những câu thơ của chúng ta viết về mẹ mình mà tôi đã đọc hiếm có một câu thơ trần trụi, nhức nhối về sự công bằng đối với người mẹ nông dân Việt Nam như thế.

Sơn có thể viết hay về những người dưới đáy xã hội :

Người đào huyệt:

Chai tay vì cuốc vì vên

ù tai vì trống vì kèn nhạc tang

Mờ mắt vì khói vì nhang

Lơ mơ tin cửa địa đàng đâu đây.

Người bạn đạp xích lô:

Phố nào có mấy quán bia

Có bao ông lớn thường chìa đít xe

Lên xe nào cậu, nào bà

Va ly trẻ, thúng mủng già như nhau

áo đủ mốt, mũ đủ màu

Nước hoa, nước mắm, xăng dầu đều quen.

Câu chuyện của Người đàn bà hót rác mà như một biên niên xã hội bằng hình ảnh rác: Mười năm qua, chị đã đổ bao nhiêu thùng rác, xe rác/ Chị không nhớ nữa/ Mà cũng chẳng nhớ để làm gì/ Chỉ là rác.../ Là lá bánh/ Xương xẩu/ Cọng rau già/ Xơ mít/ Là gà toi/ Chuột chết/ áo quần lạc mốt/ Bê rê, mũ phớt/ Túi xách, giày dép lỗi thời/ Súng nhựa, gươm nhựa trẻ con từng chơi/ (có khi thùng rác như khiêu khich những người hay tiếc của)/ Những thùng rác ngày càng thêm nhiều thứ/ bao cao su ô kê/ ống xi ranh/ kim tiêm chích/ những thư nặc danh nhàu nát/ giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe/ bọn móc túi không dùng được/ chẳng nhớ để làm gì/ chẳng kể để làm gì/ Nhưng đêm nay.../ Khi đi đổ rác/ Chị gặp/ Một bào thai đã rõ hình người...

Lời thơ lạnh lùng, tưng tửng mà làm người ta đau đớn tim gan.

Số phận một người tù: Đường hoàn lương cứ thấp cao bước người.

Người cửu vạn ở vùng biên: Một tôi bầm dập tàu xe, Tục tằn lỗ mãng tai nghe chai rồi. Phạt hèn, xin đểu, nợ tồi, Cắn răng mà chịu những lời răn đe.

Thằng bé bán kem vì bán kem mà trong mắt bạn bè và người đời đã trở nên vô danh: Khi cần chỉ gọi: “Kem ơi !”, Vài tờ bạc lẻ thay lời hỏi han.

Sơn còn viết về người đào vàng, em bé bụi đời, bơm xe, Dưới con mắt của Sơn những người này là những người hiểu định mệnh, an phận, không thù ghét người đời, có lương tri, nhân hậu với đồng loại.

Người thu phí ở chợ quê nghĩ thế này: Liêu xiêu mang túi thu về, Mở ra điểm mặt người quê, chợ làng.

Người đạp xích lô thì: Trăm lần sắm lễ lên chùa, Thật tâm mà khấn như đùa cả trăm. Cúi xin Đức Phật từ tâm, Kiếp sau lại bắt con cầm càng xe.

Người đào huyệt tự tại với triết lý hư vô: Nào thôi cái sự nghèo giàu, Dữ lành chi cũng một màu cờ tang. Hai mét dọc, nửa mét ngang, Vùi cùng đất cát những sang với hèn.

Trong thơ Sơn còn các nhân vật bất hạnh khác như người mẹ có con liệt sĩ không có nấm mồ, có mồ thì không có hài cốt, người ông có cháu chết oan vì bị tiêm nhầm thuốc, người anh đi chiến trường trở về biết chuyện vợ ngoại tình, người mẹ với nỗi đau xa con khi đi bước nữa, ông già nói ngọng bị trẻ làng trêu chọc, em học sinh chết trẻ trước ngày cưới...

Có thể nói rằng trong nền thơ của chúng ta hiếm thấy ở một tác giả có nhiều nhân vật bất hạnh, nghèo khổ như thế, Họ đi vào thơ anh với niềm cảm thông và xót thương. Ta có thể nghĩ rằng họ không cô đơn, vẫn có những vần thơ nhân ái dành cho họ, dành chỗ tồn tại cho họ trong văn học.

Sơn là nhà thơ của những người nghèo khổ. Cái gì làm cho Sơn yêu những người nghèo khổ. Bởi chính Sơn cũng có những năm tháng nghèo nếu không cũng gần như suốt đời nghèo. Cái nghèo cũng luôn luôn dằn vặt Sơn. Anh có một vài bài thơ rất tội nghiệp, bài Điệp khúc số không.

Mở đầu bài anh viêt Tôi cay đắng khi nhìn ra tôi rõ nhất. Anh tự kết tội mình là con số không với bố mẹ rách mặc đói ăn, bất trung với tiên tổ ông bà tết nhất họ đương cúng giỗ, như con số không lăn tít phía trời xa, là con số không với em  trai, em gái khi chúng làm nhà, lấy vợ , lấy chồng, sinh con...

Với vợ và con mình thì:

Tôi là cha, là chồng

Là số không của con và vợ

Con trai lép bụng bơm xe thuê

Con gái rao hàng rong sưng cổ

Vợ teo tóp chìm trong xó chợ

Tôi như người khách trọ lì lợm ở nhà mình.   

Con người tội nghiệp ấy đã có lúc rơi vào khủng hoảng tâm thần, vật vã đau đớn. Vật vã đau đớn vì anh ta không phải là người vô trách nhiệm với những người thân yêu của mình, là người biết tự phán xét mình, biết hổ thẹn vì trách nhiệm, vì sự bất lực của mình.

Đã có lần nước mắt đầm chăn đêm

Đã có lần tôi trừng trừng nhìn mình trong gương giận dữ

Đã có lần tôi từng nói ra những lời tủi hổ

Nhưng

Nước mắt ấy

Cái nhìn ấy

Lời nói ấy

Như là dối trá

Nước mắt ấy ơi đừng chảy nữa

Cái nhìn ấy ơi đừng nhìn thêm

Lời nói ấy ơi đừng nói thêm.        

Tôi trớ trêu thơ phú tràn đêm

Sách báo tràn đêm

Bạn bè đàn đúm tràn đêm

Để cuối cùng thành con số không.

Trong một bài thơ khác Rượu với bạn, Sơn lại có thêm mấy người bạn cố hương nghèo khổ tội nghiệp như mình. Họ uống rượu với ba cái chén sứt quai mẻ vành, mấy quả hồng xanh, một thìa muối ớt ...

... Ba chai cười hát và thơ

Gục đầu vai bạn như chưa một lần

Vong niên đứa đã thành ông

Đứa chưa có vợ đứa không trở về.

... Vỏ chai lăn lóc cả rồi

Chỉ còn mấy đứa bạn ngồi uống nhau.

Năm năm mươi tuổi Sơn viết bài Dấu hỏi tuổi năm mươi. Anh cật vấn mình thật gay gắt:

Mình vẫn chưa thật rõ mình là ai

Nhạt nhạt nắng, mù mù mây vần vũ

Anh có tâm trạng mặc cảm về sự vô tăm tích của văn chương:

Những câu thơ chỉ để bạn bè buồn

Sách viết xong in ra thành giấy loại.

Mặc cảm văn chương còn theo anh suốt đời. Trong bài Ru khi đã về hưu anh lại viết:

Lời ru nào cũng dở dang

Giọng thổ giọng kim, lời trong lời đục.

Bài Hai mươi tư con chữ cái  in chung trong tập thơ bẩy người bạn cùng khóa vẫn còn nguyên sự nhức nhối:

Đã có những đêm

Mơ thấy vật vờ những cây cờ trắng

Lại mơ thấy đăm đăm mấy bà đồng nát

Chợt giật mình tỉnh giấc

Khi thấy

Hai mươi tư con chữ cái kia

Biến thành hai mươi tư viên đạn

Phăm phăm cắm vào ngực.

Niềm tuyệt vọng về nghề văn chương của Sơn thật đau nhưng thật đẹp, thật cao quý. Tôi nghĩ trong văn học của ta cũng ít thôi những người viết tự phán xét mình khắc nghiệt như thế, tự bộc bạch tàn nhẫn số phận đáng thương của mình như thế.

Lê Thái Sơn không phải là con người thất vọng, qua những năm tháng vật lộn với hoàn cảnh sống  cuối cùng anh đã tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Cũng không phải ở văn chương mà là sự trở về với quê hương, là sự vĩnh cửu của thời gian...

Cỏ non rơm rớm

Bao sinh linh trũng mắt qua đêm

Chỉ vì một tích tắc hoàng hôn

Một tích tắc bình mình

Những tích tắc nhạy cảm

Thời gian dành cho anh, cho em, cho tất thảy.

                       (Bên cây trầm tự cháy)

Sau bao nhiêu thăng trầm Sơn đã nhìn ra cái tất nhiên của cuộc đời là sự tương phản, là sự khập khễnh, cả sự phi lý, hư vô bất chấp vùng vẫy tuyệt vọng của các cá nhân và khôn ngoan nhất là ta phải chấp nhận nó.

Vì thế cho nên ở một bài thơ gần đây nhất Ngẫu bút giao thừa Sơn bỗng trở nên trong trẻo với quả khế, quả sung hay mướp đắng, nôn nao một nẻo gió yên lành, rưng rưng với túi hàng âm phủ, trẻ thơ trước những mộ và bia, trước tiên tổ ông bà, trước cháu đích tôn ngặt nghẽo. Anh tìm ra một ý nghĩa khác cho cuộc đời con người:

Cuộc chơi lớn đời ta như vừa mới bắt đầu.

Dù đã nói rằng Sơn đã cố gắng vượt lên thân phận của mình nhưng tôi vẫn cứ bị ám ảnh bởi ý tưởng định mệnh của Sơn. Chỉ những ngày gần đây khi đến thăm bạn tại Bệnh viện Bạch Mai tôi mới giật mình về những câu thơ như là tiền định đầy ám ảnh của anh:

Phận người chiếc lá mỏng tang

Mặt này địa ngục thiên đàng mặt kia

                                     (Phận người)

Mỗi ngày rơi tờ lịch mỏng manh

Để tới một ngày kia

Mãi mãi tay ta không còn chạm lịch

                                  (Mỗi ngày)

Nhìn người thăm viếng nơi này

Đoán kẻ dưới mộ những ngày trần gian.

Tôi nghĩ Sơn cũng như người phu đào huyệt kia lấy chiêm nghiệm đời người là một thú vui cho thân phận mình. Có điều khác hơn là Sơn đã làm cho các thân phận người và thân phận của chính anh tồn tại trên những câu thơ, bài thơ vừa rớm máu, vừa thấm đẫm nước mắt. Sơn đã nói với tôi Anh thanh thản chấp nhận số phận mình.

Làng Mọc 7 – 2011

(Nguồn Văn Nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...