Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: “Con bò của lão Ngang” – Tô Đức Chiêu

15-08-2011 12:22:20 PM

Thằng này độc địa cắc cớ, nhưng quả thật nó có con gà kì tài! - Lão Ngang thức giấc nghĩ vậy - Thành lệ, lão chỉ ngủ đến tầm này, nhưng cũng còn một lí do nữa là tiếng gà gáy đánh thức lão. Thì đã đành là cúc..cù...cu...cu! Nhưng liền sau đó nó còn hừng hực mấy tiếng từ trong cổ họng, dường như để tỏ ra ta đây mới đáng bậc tài cao trí dũng đánh thức cả làng, cả xóm. Bởi từ tít cuối đường có bờ ao Giáp Đông kia, tới đầu ngõ Cổng Hột này, gà nhà ai mà chả gáy. Cứ như một dàn đồng ca! Nhưng chỉ gà nhà anh cu Tèo này là có tiếng gáy oai linh và vang xa như vậy. Lại còn những tiếng đệm về sau nghe ròn và vui như tiếng cộc cộc, cộc, mổ thóc. Thằng Tèo cao hứng bốc phét thêm rằng gà nhà hắn đáng giá bạc triệu, rằng lão Phó bên Kim Trang sang chơi trả triệu mốt, hắn chẳng những không bán mà còn định đuổi khỏi nhà. Mẹ quân lếu láo! Mới hơn ba chục tuổi đầu. Gà quí nhà mày cũng không bằng cái lông đuôi bò nhà tao, con bò cả vùng bán kính mười mấy cây số có một không hai. Chẳng tin mày cứ đi kiểm tra, ông đặt cược, mày cứ đến tận  Trạm Bóng, xuống tới cả Dốc Bùng, Cầu Râm, rồi vòng về Thọ Chương, phố Phủ, sang tận Bến Trại, Đò Neo xem có con bò giống nào đáng nể như con bò giống nhà ông - ấy là lão Ngang nghĩ thế chứ anh Tèo hơi đâu mà đi xem con bò nào với con bò nào.

Lão Ngang hạ đôi bàn chân khá khẳng khiu xuống. Bao giờ đôi bàn chân ấy cũng đặt đúng vào đôi dép lê to bè, bản quai khá rộng, nằm ngay ngắn chĩa mũi ra phía ngoài. Thói quen từ ngày nhập ngũ những năm đầu thập kỉ sáu mươi thế kỉ trước người ta dạy lão như vậy. Lão đứng lên đúng lúc con bò giống quí giá nhà lão ò lên rõ to, rõ dài. Nhà Tèo cho rằng nhờ có tiếng gà gáy mà bò tỉnh giấc. Láo!- Nói chó cũng không nghe được! - Lão Ngang chửi thầm - Bò nghe được tiếng gà thì cả lò nhà mày đi lộn đầu xuống đất con ạ! Bò của ông tốt giống, tốt má, lại được bồi dưỡng, luyện rèn, trở nên quí giá, chẳng thế mà cả vùng biết tiếng, nhà nào nuôi bò cái muốn có những chú bê đẹp đẽ, khoẻ mạnh, đều đến xin đực ở nhà ông. Mày bảo ông lấy đắt? Không đắt mà được à? Bò giống của ông đâu chỉ ăn cỏ, rau muống, rau khoai, mà còn cám bã, cháo gạo, bột mì, bột cá...Những thứ đó không mua bằng tiền, nhẽ thường lấy đất sét úm ba la biến thành chắc?

Bố quân láo lếu, mất dạy! - lão Ngang chửi đổng thầm trong bụng rồi cắm nước, rửa chén, rửa xuyến, chuẩn bị pha trà. Sáng dậy bao giờ lão cũng phải làm một ấm trà. Lão pha đặc, chè cho đến lưng cái xuyến da lươn nhỏ xíu, đổ nước tráng qua, rồi mới rót nước khác vào. Cái chén hạt mít của lão vàng khè do màu nước chè bám lâu ngày giống như lớp sơn mới phết bằng chổi lông. Lão xếp bằng tròn trên chõng, uống nước như người ta uống rượu. Thằng Tèo hay nói, chè tam tửu tứ. Tam tam cái mả mẹ mày, lão Ngang lẩm bẩm. Hắn lại còn nói, trà ngon không có bạn hiền...Bạn hiền của ta là con bò chứ cái thá nhà mày đâu đáng mặt. Đừng tưởng cứ có tí chữ nghĩa, hay mở được máy vi tính với những internet... nhắng nhắng cuội cuội là bạn hiền của ta được sao.

Lão Ngang uống trà! Cũng không màng gì tới xôi gạo  mới vợ lão vừa đem lên. Bà lẳng lặng đặt đĩa xôi trước mặt lão, chẳng nói chẳng rằng, rồi quay ra với công việc của mình, mặc cho ông chồng hơi hâm hâm nhưng tốt tính, tốt nết, tận hưởng đến tận cùng sự sung sướng với ấm trà chí lư đại cốt. Trời sáng dần. Lão Ngang chẳng việc gì phải vội. Thời gian trong ngày là của lão, và đôi khi cho rằng mình làm ra thời gian, và cái sự này không thể đảo ngược. Lão bảo trời tối, ấy là trời tối! Lão bảo trời sáng, ấy là trời sáng! Cho nên chén trà của lão là thượng thặng mà bà vợ chung sống bao nhiêu năm chưa một lần cắt ngang hay ngăn chặn. ấy vậy mà có tiếng gọi cổng.

- Ông ơi!...

Lão không thèm cất lời.

Tiếng gọi lại chõ vào:

- Ông Ngang ơi!...

Lão tớp xong  một ngụm trà rồi mới đứng lên. Lão ra hè, xuống sân bước về phía cổng, cứ bước một như đang đếm giờ, đếm phút. Con bò vẫn trong chuồng nhìn ra thấy lão ò lên vang cả trời đất.

- Đưa bò cái đến lấy giống hả?

Anh con trai không vâng một tiếng cho gọn mà kể lể dài dòng làm thân:

- Bố cháu bảo rằng...

Lão Ngang không thèm để ý đến cái thói tình nghĩa nhất thời ấy mà cứ tắp lự đi vào nội dung công việc.

- Ba trăm ngàn đồng!

- Nhưng bố cháu bảo...

Lão Ngang không thèm nghe mà lượn quanh con bò cái đang đứng phía sau chàng thanh niên. Đúng lúc ấy gã gà trống nhà Tèo được mở cửa chuồng, vỗ cánh, chớp thời cơ người ta chưa kịp trói buộc gì cả, bay vụt một phát lên nóc chuồng bò nhà lão, cong cần cổ, xếch mé cất tiếng gáy rất chi là trịch thượng. Mẹ mày! Nếu mà bới vào mái rạ nhà ông!- Lão Ngang cảnh cáo và nhặt hòn gạch củ đậu lăm lăm trong tay. Nhưng con gà biết ý nhảy vù xuống mảnh sân con nhà hắn bên bức tường. Lão Ngang ném gạch đi rồi quay về phía chàng trai trẻ:

- Bao nhiêu tuổi?

- Cháu hơn mười chín ạ.

- Học lớp mấy?

- Năm thứ hai ạ!

Ông già trợn mắt nhìn ngắm! - Hơn mười chín gì mà bé tí tẹo - Mà đi học thì chỉ có lớp hai hay lớp  mười hai, chứ năm thứ hai là cái đ... gì? - Lão chằm chằm nhìn và hỏi gằn:

- Quê ở đâu?

- Thanh Giang - Thanh Miện ạ!...Bố cháu bảo...

Chàng thanh niên định nói hết câu nhưng lại bị lão Ngang cắt lời:

- Nó động đực lâu chưa?

- Từ lúc nửa đêm ạ!...Anh nói nhanh - Bố cháu bảo hỏi ông xem nếu không trúng thì ... Sao ạ?

Câu này đã xúc phạm vào lòng cao ngạo của lão, hay nói đúng ra là xúc phạm vào sự oai linh con bò quí giá của lão. Bò giống của lão mà đã nhảy là trúng phóc như đinh đóng cột, cấm quả nào sai quả nào. Mọi việc xơ xểnh có thể xảy ra đều do phía bò cái. Chớm qua thì động đực hay chưa tới thì động đực cũng hỏng. Hoặc là bò cái yếu kém. Hoặc là gia chủ không chịu bảo dưỡng chăm sóc sau khi bò cái đã được nhảy. Hoặc là ăn phải thứ gì đó... Nghĩa là, đặt nghi vấn mọi tong tẹo xảy ra cho bò nhà lão  đều là láo lếu. Thằng cha này, nghĩa là bố cái anh chàng học năm thứ hai mà người bé tí tẹo này, đưa ra câu hỏi như vậy quả chưa biết người, biết của, vàng thau lẫn lộn, chẳng chịu coi ai ra gì. Ta mà lại như thế à? - Đáng ra lão phải nói- Bò của ta mà lại như thế à? Nhưng từ phút nào lão đã phù phép biến hoá bản thân với con bò là một. Thì xúc phạm bò cũng có nghĩa là xúc phạm chính lão. Và không thể tha thứ được! Lão chăm chút con bò tới mức đam  mê như nhà khoa học đam  mê đề tài theo đuổi. Buổi sáng đánh thức bò dậy, ăn uống tề chỉnh, rồi mới cho đi đực. Trưa cho ăn uống và nghỉ ngơi. Chiều thả ra Miễu trên hay Miễu dưới ăn cỏ, nhưng vừa rồi những chỗ đó làng mới chia cho dân làm nhà, thành thử lão phải dắt bò bám theo các bờ vùng, bờ thửa. Mà ngay bờ vùng, bờ thửa giờ đây cũng chẳng còn được lại bao nhiêu. Cả vùng triều trũng bát ngát ven sông từ Bờ Vô, Bờ Hồng, qua Ba Toà, đổ về Cửa Đình, đấu thành liên hoàn vùng hồ ao thả cá, trên bờ trồng nhãn Linh Chi, vải thiều, chuối, và bờ nhà ai là của riêng nhà ấy, làm gì có cỏ. Lão dắt bò theo đường vùng trồng lúa, trồng rau tới tận Quán Dòng, bò no căng lão mới lôi về vùng Cây Thị cho tắm nước sông. Cái giống bò mĩ  miều không thèm nhảy xuống nước như trâu nên lão  mượn cái bình tưới có vòi phun,  múc nước lên, dội mưa từ lưng bò trở xuống, rồi kì cọ. Thế mà bố cái thằng ranh học năm thứ hai này lại dám xấc xược, hỏi những câu cấc lấc về con bò quí giá của lão.

Lão lượn quanh con bò cái từ Thanh Giang sang một lần nữa rồi hằm hừ chẳng nói chẳng rằng đi về phía chuồng bò nhà mình. Chàng thanh niên dắt bò của mình theo liền bị lão ngăn lại, bằng động tác vung tay và bằng lời nói: Không biết gì à? Cho ra ngoài kia! Chàng trai dường như chưa hiểu, hoặc giả chưa yên tâm, định hỏi, thì lão gầm như quát lên: Ngoài kia! Đợi! Thấy mệnh lệnh của mình được thi hành nghiêm chỉnh lão mới quay vào  mở cửa chuồng, tháo gióng cửa, cởi thừng buộc, dong con bò quí như vàng, như bạc ra. Lão lấy bình tưới vòi hoa sen tắm cho bò, rồi cho  ăn cám, ăn cỏ để dành từ chiều hôm trước... Lão vuốt ve, ngắm nghía con bò như nhà điêu khắc ngắm nghía tác phẩm của mình rồi mới từng bước dắt bò ra khỏi cổng. Lúc này, chén trà đặc uống dở không còn làm lão nuối tiếc nữa, sự bực tức cũng bay biến rồi. Phong độ ung dung,  mãn nguyện, bước đi của lão cứ như vị tướng chỉ huy tiến vào vị trí quan sát. Chàng trai học năm thứ hai nhăn mặt một cái bởi vì chưa nhận được câu trả lời do bố ủy thác. Thấy sự việc sắp đến lúc xảy ra, anh ta hỏi:

- Ông ơi!... Bố cháu bảo hỏi ông nếu không trúng thì sao ạ?

Lão Ngang ngẩn người. May đang hí hửng nên lão bỏ qua câu hỏi hỗn láo  mà toe miệng ra cười:

Dắt bò tới đây ta cho lấy giống lại, không phải mất tiền.

Thanh niên lại nói nhanh:

- Nhưng giả dụ lần thứ hai vẫn không trúng ạ... Cháu đã nghe nói có trường hợp xảy ra như thế!

Tức thì lão Ngang đứng khựng,  mặt đỏ bừng. Con bò đúng là ngu dốt, chẳng hiểu biết ý chủ gì cả, ngửa cổ, hếch mõm lên trời ò lên một tiếng vang lừng trời đất. Con bò cái từ Thanh Giang, Thanh Miện sang, chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, chắc do nhìn thấy anh bò đực xứng tầm, xứng mã cũng nhe răng ra mà ò lên một thôi, một hồi như phụ hoạ theo. Rồi chúng nhảy bổ vào nhau làm cái việc nòi giống phải làm. Cơn bực bội của lão Ngang tan biến. Thanh niên học năm thứ hai rốt cuộc vẫn chưa nhận được câu trả lời bố dặn, dứt khoát phải lĩnh hội. Anh ta dường như đã đoán được tính khí kì cục của lão Ngang, vuốt ve thật phẳng ba tờ tiền giấy mệnh giá một trăm ngàn đồng, xếp nếp cẩn thận, dùng hai tay đưa cho lão. Rồi anh cất giọng rành rẽ, rằng những người nuôi bò giống thời nay hiếm lắm, cả vùng chỉ một hai vị. Lại nghe nói bò của ông to khoẻ, phối giống rất tốt, có ngày nó nhảy cho tới năm hay sáu con bò cái mà con nào cũng đẻ ra những chú bê to tướng. Tiến đến, anh cất giọng trịnh trọng:

- Thưa ông! cháu được bố sai dắt bò tới đây, nghe đồn bò nhà ông giống cực tốt, cháu mới phải rong ruổi từ Thanh Giang...

Nỗi bực tức của ông già được khơi lại, giọng ông trờn trợn:

- Thanh Giang cái mả mẹ nhà anh! Ai cho phép anh xấc xược. Bò của ta đã phối giống là trúng phóc một trăm phần trăm, chưa có con nào phải phối lần thứ hai, mà anh dám nói đến lần thứ ba. Láo! Anh nhạo báng ta đấy à? Không có lần thứ hai cho nên không bao giờ có lần thứ ba nghe chưa!

Chàng trai học năm thứ hai đã nhận được một nửa câu trả lời, nhưng vẫn còn một nửa nữa, anh van lạy ông già: Con xin... Con xin ông bớt giận... Có sao con lại dắt bò tới. Đúng! Lão Ngang nói như ra lệnh - Phải cho nhảy lần hai ta không lấy tiền. Còn lần thứ ba thì ta các lại gấp đôi tiền, nghe rõ chưa! Rồi lão kết thúc buổi làm việc bằng tối hậu thư chỉ có một từ: Cút! Lão dắt bò của mình vào trong sân, bồi dưỡng cho nó ít cám ngô, chẳng còn hứng thú gì với chén trà đặc và đĩa xôi để nguội. Lão đi quanh con bò tuyệt hảo và ngắm nghía, lẩm nhẩm một mình: Nhà nước chẳng chịu tổ chức thi hoa hậu bò, nghe nói đâu đó có thi hoa hậu chó, hoa hậu mèo... Nhưng hoa hậu chỉ dùng cho giống cái thì phải, bò nhà lão lại là giống đực, thì đã sao nào? Tèo sang! - Mình biết thế nào hắn cũng sang mà - Lão Ngang nghĩ. Thằng này cũng chỉ hay sang nhà lão chơi vì nhà liền tường, liền giậu, và thích nghe những câu chuyện nghênh ngang, ngật ngưỡng của lão. Tèo lại khéo tán tụng lão bằng cách ca ngợi con bò và không tự ái khi lão đem chuyện con gà trống ra bỡn cợt. Kiểu như : Anh tưởng bò nhà tôi tỉnh giấc là nhờ tiếng gáy của gà nhà anh chắc? Hão huyền! Bò làm sao nghe được tiếng gà. Nhà Tèo vặn lại: Nhưng bố lại bảo gà nhà con gáy được là nhờ tiếng bò nhà bố đánh thức. Con hỏi bố: Gà làm sao nghe được tiếng bò? Lão Ngang trừng mắt, lão không nói vội, cứ để cho nhà Tèo nhâm nhi với câu chất vấn tưởng như dồn được người già bảy mươi năm kinh nghiệm trên đời vào thế bí. Lão đã kịp đổ thêm nước sôi vào xuyến, rót ra hai chén, đếch cần mời, cứ nâng một chén đưa lên môi. Sau hớp trà chí lự lão nhón một miếng xôi, vê vê tròn như quả táo nhỏ, ném nhẹ vào trong mồm, tóp tép nhai. Lúc này lão  mới vừa nhai vừa giảng giải về sự hiểu biết cho chàng hàng xóm trẻ tuổi:

- Thế anh đánh giá tiếng bò với tiếng gà thế nào? Anh đã đi rừng bao giờ chưa hả? Là tôi nói rừng ngày xưa ấy, chứ rừng bây giờ còn quái gì đâu mà bàn. Các loài vật không hiểu tiếng nhau, đúng vậy, nhưng khi hổ gầm thì những hoãng, những nai, những chồn, những cáo... liệu thần hồn. Con bò ở làng chẳng như thế hay sao!

Lão Ngang tự thưởng cho học thuyết cao siêu của mình bằng cách vê vê một hòn xôi nữa đáp đánh lủm vào trong mồm. Nhìn dáng vẻ sung sướng mãn nguyện của lão, anh chàng hàng xóm láng giềng nghĩ: Mình cũng mong về già được như lão. Hai đứa con, một trai, một gái làm ăn phát đạt trên tỉnh và đều có gia đình. Lão ở nhà có lương hưu kha khá, đủ hai vợ chồng sống ung dung. Lão làm việc này việc khác, tỉ như nuôi bò giống, trồng vườn, thả cá, chẳng qua để cho vui và tăng thêm thu nhập. Một dạo, hai đứa con trên tỉnh mang ôtô về đòi rước lão lên, lão tống khứ tất cả và bảo rằng: Tao sinh ra ở đây, sống ở đây, chết cũng ở đây, không đi đâu cả. Khi đứa con gái nước mắt ngắn, nước mắt dài, thì lão quát: Mày tưởng trên thành phố sướng lắm đấy hả. Trên ấy có điện thì ông ở đây cũng có điện. Trên ấy có nước sạch thì ông ở đây cũng có nước sạch. Trên đó chật chội thì ông ở đây rộng rãi. Lại mát mẻ, gió trời rất nhiều, đôi khi ông phải tắt quạt... Suy cho cùng lão phải! Chờ cho lão nhai nốt hòn xôi, chiêu thêm ngụm trà nữa, Tèo mới đưa ý kiến của mình ra bàn:

- Ông này, chúng ta có cuộc sống độc lập của chúng ta. Ông có lương hưu đàng hoàng, con không được như vậy nhưng có tiêu chuẩn thương binh. Làng vẫn là làng, quê thì vẫn mãi mãi là quê. ấy vậy mà mấy thằng bạn ở đơn vị cũ đang rủ con về vùng Chí Linh - Sao Đỏ lập trang trại, ông bảo có nên không?

Lão Ngang gầm gừ:

- Trang trại? Bao nhiêu mét đất mà là trang trại?...

Tèo láu táu:

- Hàng chục héc ta... Nghĩa là mênh mông ông ạ!

Lão Ngang nhăn trán suy nghĩ: Chủ bò giống tỏ ra một mớ trí tuệ đầy ắp trong đầu:

- Một héc ta... gần ba mươi sào bắc bộ... Anh muốn trở thành địa chủ chắc? Tôi đã sống qua những ngày tháng cải cách ruộng đất. Tôi sợ!

Nói xếch mé vẫn là thói quen của nhà Tèo. Mũi anh ta dài ra và vắt vẻo nhô trên cái mồm cũng đang vắt vẻo:

- Sợ đếch gì! Sự đời đổi thay rồi mà. Nghe nói ngày xưa ai nghèo khổ, thành phần bần cố nông chẳng hạn, có giá lắm. Người ta chỉ thích mình là vô sản. Giờ đây như vậy lại là khốn nạn!

Lão già nổi cáu hay nhân đà làm bộ nổi cáu cũng chẳng biết nữa:

- A! Mày bảo ai khốn nạn? Chính mày mới là thằng khốn nạn! Vừa rồi tao có hai con gà mái vừa chớm nhảy ổ đẻ, mày đem nhốt gà trống gọi là vàng, là bạc của mày lại. Khi nào thả ra thì bịt luôn gáo dừa vào đít nó, để nó không thể nào đạp  mái được cho khỏi hao tổn thể lực. Hàng xóm láng giềng mà như thế à?

Tèo lấc cấc, nhưng trong những trường hợp thế này, lại rất biết nhún nhường và lễ độ. Anh ta rạp người xuống như vái lạy ông già, mong ông lượng thứ coi đây là việc đã qua, rồi quay sang tán tỉnh con bò mà khắp vùng trong phạm vi bán kính tới hàng chục cây số không ai có được. Thực ra hai con người này, tuy đối đầu trợn mắt với nhau, nhưng ngoài tình xóm giềng, còn rất phù hợp trong những câu chuyện phiếm. Tưởng Tèo chỉ nói chơi, ai dè hắn đi thật. Hắn ta biền biệt vài ba tháng mới về, lần về nào cũng sang thăm ông già và con bò giống. Gần hai năm trôi qua, một hôm lão Ngang dắt bò ra ngõ định cho nó tới Quán Dòng ăn cỏ thì Tèo nhao từ trong nhà ra cất giọng vồ vập: “Ông! Ông đưa bò đi đâu thế này? Con đang định sang nhà ông và có việc hệ trọng muốn bàn với ông”. Lão Ngang trợn mắt: “Chuyện gì? Để trở thành địa chủ à?” Tèo nhăn nhở: “Ông không ham nhưng chúng con ham! Chúng con muốn kéo ông vào cuộc chơi. Ngày xưa, nói như ông và những người đi trước giàu có, thành phần lớp trên là khốn nạn, nhưng hôm nay người ta đua nhau làm giàu. Nhà nước còn khuyến khích chúng ta làm giàu. Con muốn sang bàn với ông...”. Cái thằng này!... Chỉ đi làm ăn xa một thời gian, gần với chúng bạn, và giao tiếp với nhiều đối tượng giỏi mà hắn nói ra được những câu nghe cũng êm tai. Lần đầu tiên lão già bị Tèo thuyết phục. Lão gọi vợ dắt bò ra Quán Dòng chăn thả và quay vào trong nhà cùng với gã hàng xóm hay ăn nói đâm ba chày củ.

Tèo toe toét:

- Bố ơi! Nói thật với bố, gã gà trống oai hùng của nhà con già nua rồi, hết thời oanh liệt rồi, con giữ sức cho nó vài hôm để rồi thịt, ninh nhừ vẫn ngon đáo để. Con bò nhà bố cũng hết thời rồi, chẳng còn nhảy phốc ngày năm, sáu quả, quả nào cũng đậu được trăm phần trăm, để bố cứ việc đút hủm tiền vào trong túi. Bố có thừa nhận với con không nào? Vả lại quanh vùng bây giờ cũng chẳng còn nhà nào nuôi bò cái nữa. Mấy năm trước bố bảo bán kính những bao nhiêu cây số, nhà nào  muốn bò cái nhà mình đẻ ra những con bê phổng phao đều phải đến với bố, thì giờ đây có ai còn bò cái đâu mà đến? Cái thời bố ngạo nghễ với con bò giống đực đã qua rồi, giờ phải khác đi kia!

Đôi mắt lão Ngang long lên sòng sọc. Mấy lần lão định ngắt lời anh cu Tèo, nhưng rồi loáng thoáng lão thấy thằng này nói khá đúng. Quả là gần đây chỉ hoạ hoằn mới có người dắt bò cái tìm đến lão. Sự ấy làm lão buồn. Mình già rồi thật, nhưng chẳng lẽ thời của mình đã qua. “Thế mày bắt ông phải chết à? Mẹ bố thằng này”. Lão Ngang gầm gừ như doạ nạt. Nhưng cái anh hàng xóm bố lếu bố láo này lại toe cả hai bên mép lên như trêu ngươi lão:

- Con chẳng dám, nhưng đời bắt bố phải chết thật đấy. Cho nên bố phải chia tay con bò giống quí giá thôi. Cũng như con phải chia tay chú gà trống oai linh mà cả vùng bán kính mấy chục cây số...

Ông già cướp lời:

- Anh chửi bới và nhạo báng tôi đấy à? Mẹ bố anh!

- Cả bố lẫn mẹ con đều chết rồi, bố đừng hơi tí lại réo. Con chỉ muốn tốt cho bố. Làng xóm bảo con và bố hâm, nhưng hâm được như bố thì ăn mày có “váy lĩnh”. Còn con thì mặc mẹ cho những lời đàm tếu.

Lão Ngang im lặng. Tèo tấn công tiếp:

- Bố đi với chúng con, chúng con trả công cho bố. Bố vẫn làm nghề này, chăm chút lũ bò sinh nở, sao cho tốt giống, tốt má. Chúng con còn tìm  một kĩ sư chăn nuôi giúp việc. Hắn học đông, học tây, và trí tuệ đầy đầu nhưng vẫn cần người có kinh nghiệm thực tế như bố. Mấy thằng lính rời ngũ chúng con toan tính thành lập một hợp tác xã, gọi là hợp tác xã bò. Chúng nó nghe tin đồn về bố, bắt con phải về làng tìm.

- Thế còn con bò giống của tôi?

- Mang theo! Coi như bố góp cổ phần.

- Rong ruổi từ đây tới Chí Linh- Bến Tắm để nó chết trên đường à?

- Bố ơi! Quả là bố lạc hậu thật rồi. Chúng con sẽ rước bò lên xe hơi, ôtô ấy mà, và có chuyên gia đi kèm.

Gã hàng xóm lơ lửng câu chuyện rồi về. Hôm sau hắn đi mang theo cả con gà một thời oai linh sấm sét. Tuần sau, lão Ngang đang lúc ngồi nhâm nhi thưởng ngoạn chén trà và ngắm con bò giống đã hết thời hùng dũng trên sân, thì có tiếng gọi ngoài cổng: “Ông ơi!” Tiếng gọi lại vọng vào: “Ông ơi!”... Hình như giọng quen quen... Mẹ thằng nào! - Chẳng hiểu sao từ lâu lão có thói quen hay chửi đổng, chửi thầm như vậy, chẳng nhằm vào ai, và cũng chẳng phải tỏ ra tức giận hay vui mừng, mà như câu nói cửa miệng vậy. Lão e hèm đi ra... Không! Chẳng có con bò cái nào cả mà chỉ độc một thanh niên tuấn tú, khuôn mặt lạ lạ quen quen. Thanh niên lễ phép: “Cháu chào ông ạ!” “ừ!” “Anh Tèo bảo cháu tới gặp ông, bàn cho ngã ngũ, và nếu ông chấp nhận thì...”. “Nhưng ... Anh là ai?” “Chẳng lẽ  ông không nhận ra cháu? Cháu người Thanh Giang- Thanh Miện từng dắt bò cái tới xin phối giống...”

- à nhưng mà anh?...

- Cháu là kĩ sư nông nghiệp vừa ra trường, cháu học ngành chăn nuôi, cháu làm cho hợp tác xã bò ở Chí Linh - Bến Tắm. Người ta phái cháu tới... Con bò của ông, cháu nhìn kĩ rồi, chẳng dũng sĩ ngang tàng lẫm liệt như mấy năm về trước, nhưng vẫn còn tốt. Ông làm cố vấn cho hợp tác xã về bò giống, còn cháu là chuyên gia giúp việc cho ông. Phải có thêm một đội ngũ bò đực chứ không chỉ riêng con bò đực này của ông. Cháu sẽ tháp tùng ông tới các xới bò tuyển chọn.

Lão Ngang chớp mắt lia lịa. Chưa bao giờ lão chớp mắt nhiều trong cùng một thời gian như vậy. Lão thấy hay hay. Quả là đời đang có đổi khác, mình lên chức cố vấn kể cũng ghê thật đấy! - Lòng dạ lão khấp khởi - Lại còn anh chàng kĩ sư trẻ này là chuyên gia giúp việc. Lão tỏ ra thích thú đón đợi việc được tới các xới bò tuyển chọn những con đực xứng đáng. Nghề gia truyền nhà lão mà!

- Nhưng... lấy gì để tin anh?

Thanh niên nhanh nhảu:

- Cháu có chứng minh thư.

Lão trợn mắt:

- Minh thư tôi cũng đ... tin. Lỡ giấy tờ giả thì sao? Anh không thấy bọn mất dạy còn làm giả giấy tờ và chữ kí của bao nhiêu ông to  mà báo chí nêu ra đó sao?

Thanh niên cụt hứng, nhăn trán, đang tính kế, thì vợ Tèo hớt hải chạy tới:

- Ông ơi! Ông sang nghe điện thoại.

Lão Ngang ngơ ngác:

- Cái gì?

- Điện thoại. Nhà con mới mắc hôm anh ấy về chơi. Anh ấy đang chờ nói chuyện với ông.

Trên cõi đời này đây là lần đầu tiên lão Ngang nghe điện thoại thì phải. Con cái lão về có máy cầm tay í ới suốt ngày, nhưng đấy là việc của chúng. Rồi chúng đòi đặt điện thoại bàn nhưng lão gạt đi vì lão chẳng biết bấm số và nghe ra làm sao. Lão theo vợ Tèo biến khỏi cổng, quên cả cảnh giác với anh chàng đang đứng trên sân. Một lát lão quay trở lại với vẻ mặt hồ hởi và đầy kiêu hãnh, làm cho chàng trai trẻ ngơ ngác. Giọng lão vui vui như con bò đực nhà lão bỗng nhiên đẻ ra con bê vàng: Thì ra thằng Tèo hàng xóm kia điện về. Anh ở chỗ nó chứ gì? Hắn hỏi ta là anh đã đến chưa? Ta hỏi lại hắn: Ai đến? Hắn bảo: Chàng kĩ sư trẻ người Thanh Giang- Thanh Miện ấy mà. Ta lại căn vặn hắn: Thế tên là gì? Hắn trả lời: Hoàng! Rồi còn gào lên như rót vào tai ta: Kĩ sư Hoàng đấy bố ạ!... Lão cứ thế cà kê một hồi chẳng thèm nghĩ chàng kĩ sư có sốt ruột hay không, rồi nói để cùng nghe chứ không phải là chất vấn ai: Thì ra anh là kĩ sư Hoàng! Mà tôi nhận ra rồi. Đúng là tôi nhận ra rồi!

Kĩ sư đã một lần chạm trán lão khi dắt bò nhà mình tới phối giống nên không lạ gì tính cách của lão. Anh kiên nhẫn và từ tốn hạ thấp giọng: Sao ạ? Ông cho ý kiến thế nào đi chứ ạ? Tự nhiên mồm lão đầy lưỡi làm âm thanh phát ra cứ lập cà lập cập: Thì...ờ...hờ...cũng phải để cho ta bàn chuyện với bà lão nhà ta đã chứ? Rồi như sợ chàng kĩ sư trẻ tức bực bỏ đi, giọng lão trở nên dứt khoát và oai hùng: Mà sao cứ đứng trên sân nói chuyện thế này nhỉ? Phải vào trong nhà chứ, xin mời, đoạn quay đầu gọi vợ: Bà nhà tôi đâu rồi?...Nhà có...kha...khách....a...a... khách! Âm thanh của lão kéo rõ dài. Con bò vẫn đứng trên sân chẳng hiểu ngẫu hứng nỗi gì, ngửa cổ, nhe răng, ò lên một thôi rõ dài. Ngu như bò mà lại!

Ngày 15 tháng 4 năm 2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...