VanVN.Net - Đến với thơ là đến với thế giới của cõi bí mật, của cõi mộng, của sự xúc cảm, của sự liên tưởng... Vì thế, con đường thơ ca không hề bằng phẳng và nó luôn chối bỏ sự lặp lại đơn điệu. Khi nhà thơ lặp lại chính mình, anh ta sẽ bị đào thải. Là nghệ sĩ, anh ta cần có cách riêng để chiếm lĩnh thế giới thi ca. Nếu ở "Khúc biến tấu xương rồng"[1], Trần Quang Đạo chú trọng tính ám ảnh của các hình ảnh siêu thực thì với tập "Những giấc mơ cắt dán"[2], nhà thơ lại đi từ những hình ảnh của giấc mơ để hóa giải những cơn mộng của đời, của thơ. Sự chập đôi, phối kết giữa hình ảnh hư và thực trở thành nét trội trong tập thơ này.
Đặt nhan đề cho tập thơ "Những giấc mơ cắt đán", Trần Quang Đạo thông báo với người đọc những ám ảnh giấc mơ trong thơ mình. Con đường giấc mơ khai mở thế giới thực. Vin vào đó, người đọc nhận được tín hiệu của cõi thực trong cõi mộng. Hay nói như Freud, "giấc mơ là con đường vương giả để đạt đến sự hiểu biết những cơ chế của vô thức và để chứng tỏ một cách không thể nào bác được, rằng vô thức có thật"[3]. Nghĩa là, mỗi giấc mơ đều có ý nghĩa riêng. Bằng cách thức ấy, Trần Quang Đạo dẫn dụ người đọc vào mê cung hư-thực. Cái hư-thực hòa quyện, thỏa hiệp một cách tinh tế. Trong cái hư có cái thực. Trong cái thực có cái hư. Đi giữa hai ngưỡng ấy, giấc mơ của Trần Quang Đạo vừa thực mà cũng vừa ảo. Nhờ đó, nhà thơ mới “cài đặt” một cách khéo léo cái ý, cái tứ mà mình gửi gắm trong đó. Vậy, để tiếp nhận và giải mã "Những giấc mơ cắt dán", người tiếp nhận cần lý giải các tầng ý nghĩa của giấc mơ mới nắm bắt được chiều sâu của một bút lực đang độ sung sức.
"Nội hàm của những liên tưởng"
Trong sáng tạo nghệ thuật, cơ chế liên tưởng là một trong những cái đích mà bất kì một người nghệ sĩ nào cũng phải kiếm tìm. Sự liên tưởng càng cao, thơ càng nhiều ám dụ. Đi vào giấc mơ là biện pháp khá hữu hiệu trong việc phát huy năng lực liên tưởng ở người sáng tạo và người tiếp nhận. Cõi mộng, cõi mơ trở thành cú hích để Trần Quang Đạo "tưởng tượng ba chiều". Bài thơ "Bóng tóc" là một ví dụ điển hình để người đọc nhập cuộc vào thế giới mộng. Bóng tóc là hình ảnh hoán dụ, lấy bộ phận để chỉ toàn thể. Bóng tóc chỉ người con gái với vẻ đẹp giản dị hương quê "thoảng mùi hương sả hương chanh" không thể nào phai ngay cả trong giấc mơ của nhà thơ. Nhưng bóng tóc cũng mang tính ẩn dụ. Bóng tóc ấy chính là bản tính của người thơ:
Đè vào tôi cơn mê bóng tóc
một màu đêm
như nước trôi nhờ gió
hình như không về phía ban mai
...
Hình như bóng tóc mệt lả
không còn đè lên tôi
tự dứt về trời
sao lại quấn vào cổ tôi như thòng lọng?
(Bóng tóc)
Từ giấc mơ bóng tóc, nhà thơ mở ra hai cuộc hành trình: hành trình bóng đi tìm chủ nhân đối xứng với hành trình tôi đi tìm bóng của chính mình. Bởi thế, hình ảnh bóng tóc còn là sợi thòng lọng vô hình thít vào cổ nhà thơ. Để cất lên tiếng nói riêng cho mình, nhà thơ phải lao khổ vượt qua sợi dây ấy, tiếp cận cái đẹp và đem đến cho người đọc những bất ngờ. Có một tương đồng gì đấy hay sự gặp gỡ ngoài ý muốn giữa Trần Quang Đạo và Hoàng Vũ Thuật: không nguôi nghỉ/ dòng thác/ đen/ bóng tối đổ xuống đồng mùa gieo vãi/ ràn rụa và/ ma lực…bóng tối mang mùi hương giăng/ bẫy/ những rãnh tối/ đường cày lật ngược/ hoảng sợ/ chạm vào ánh sáng (Tóc – Hoàng Vũ Thuật) khi khai thác vẻ đẹp của biểu tượng muôn thuở này. Đấy là sự gặp gỡ trong vô thức của những tâm hồn đồng cảm sáng tạo. Sự gặp này, nó không hề mang tính nhàm chán, trái lại nó tăng thêm chiều rộng của hình tượng, hình ảnh.
Không gian ba chiều tương ứng với ba tham số: cao, rộng, dài. Trong thơ Trần Quang Đạo, không gian ấy ảo hóa bằng những màu sắc đen, trắng, hồng:
Nhắm mắt
một không gian ba chiều hiển hiện
đen đen đen
trắng trắng trắng
hồng hồng hồng
trộn lẫn hỗn mang xoay tốc gió
(Tưởng tượng 3 chiều)
Có những giấc mơ phủ màu đen: "từng sợi đêm bó tôi liệm cùng kỉ niệm/ rồi trôi trong mênh mông đen" (Sâu hút trong đêm); có những giấc mơ màu trắng: "tôi cào dấu trăng mang về bón gốc măng/ mong hóa thành bùa" (Những dấu chân); có những giấc mơ màu hồng: "Những đám mây nâng anh lên không/ những chiếc dù vô định/ bay bổng ước mơ thi nhân thành kính/ cuộc đời phía dưới ngổn ngang// Anh bay theo lối riêng mình" (Thương tích). Ở đây, các giấc mơ đã mở ra chiều thứ tư của không gian: đó là chiều không-thời gian. Đêm vừa là không gian vừa là thời gian. Dấu trăng vừa định vị không gian vừa lan tỏa trong chiều hư ảo của thời gian. Đám mây vừa là chiều kích của thời gian nhưng cũng là không gian thơ của nhà thơ. Những giấc mơ màu ấy ẩn chứa nhãn quan triết lý của nhà thơ về cuộc đời. Cái hư-thực ở cuộc đời nhập nhằng, chuyển hóa như cách nói của ông: "những đồng tiền có mệnh giá ngất ngưỡng/ cầm trên tay/ mình như kẻ hóa gian" (Những đồng tiền).
Vạn vật trong vũ trụ luôn luân chuyển theo quy luật của dòng chảy: ''Tất cả các dòng sông đều chảy" (tên một tiểu thuyết của Nancy Cato). Từ dòng chảy nước, nhà thơ liên tưởng đến dòng chảy đời:
Chảy như là thân phận
dù đang đứng im đang tạm dừng ở một ga xép tẻ buồn
chảy để thành tiếng
để hiển diện và tự phụ sự cường tráng sự vuốt ve mềm mại để được ngợi ca
(Chảy)
Chảy không chỉ để hòa mình với đất trời mà còn để khẳng định thân phận mình. Cây, lá, bài hát, con cò, mây... chảy để làm nên bản nhạc mùa xuân nhờ sự phối hợp các nghịch âm giữa chúng. Nhưng còn con người thì sao? Nhà thơ bật lên câu hỏi đầy hoài nghi, trầm lắng: "Còn con người sinh ra làm thân phận nào? Sao ta cứ chảy mà lại không như nước?" (Chảy). Trước cuộc sống "thời hiện đại với những lấp liếm lí do sấp ngửa/ tôi nấn ná cuộc vui giăng lưới nỗi buồn/ bạn bè ngổn ngang chưa xác tín tấm lòng thật giả" (Bài thơ viết bằng nước mắt 1) rất cần những hành động thiết thực. Hành động "xếp dọn đời mình" của nhà thơ nghe phi lý nhưng rất có lý và cần thiết. Cần loại bỏ những tạp chất, những bản nháp để khởi thủy những mầm sống của ngày mới: "Có những ngày rỗi rãi/ ngồi xếp dọn lại đời/ loại bỏ những bản nháp trong hành trang ngày một đầy thêm tạp chất/ ngày một thêm tự ghét mình" (Xếp dọn đời mình). Nhưng tâm hồn con người làm sao có thể sắp xếp, cắt dán? Trần Quang Đạo lật lại vấn đề bằng cách sắp đặt những chuỗi giả định "nếu... sẽ" vào cuộc đối thoại giữa thiên nhiên và con người: "Nhưng rồi đêm xuống. Tôi không còn nhìn rõ hình dáng bên ngoài thiếu nữ. Lá như nói nhỏ vào tai tôi "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Gió thì thào thêm "cái đẹp nằm trong mắt kẻ si tình". Mặt hồ hắt sáng: "người ta trọng vẻ đẹp tâm hồn". Đêm triết lí và tôi thua cuộc/ Vì làm sao cắt dán được tâm hồn? (Cắt dán). Thua cuộc nhưng đấy là cuộc thua bản lĩnh.
Trần Quang Đạo cho rằng "Anh đang nhìn bằng con mắt thứ ba...", nhưng khi trượt vào giấc mơ, ông lại bị thôi thúc bởi con mắt thứ tư. Con mắt thứ tư là con mắt của cõi lòng nhà thơ. Để có con mắt thứ tư này, nhà thơ phải là một người nghệ sĩ thứ thiệt với nghề, với đời. Trần Quang Đạo là nghệ sĩ thứ thiệt ấy, khi ông nhìn bằng cái tâm của người thơ: "Thế mà giật mình bất chợt/ khi trên đường một người mù đi qua/ con mắt - ẩn số - nằm ở đầu gậy trúc/ mọc vào anh một con mắt thứ tư!" (Con mắt thứ tư). Con mắt thứ ba để khép em vào thế giới tình yêu nhưng chưa đủ. Con mắt thứ tư mở ra cái nhìn nhân bản trong tâm hồn nhà thơ. Con mắt thứ tư ấy là con mắt của cõi thiền. Con mắt của sự giác ngộ.
Và từ điểm nhìn ấy, nhà thơ mở rộng lòng mình ra mọi hướng.
"Tiếng gọi mưa trắng đồng xiên ngang"
Những kỉ niệm đã qua về người thân, gia đình, bạn bè, quê hương... là nguồn xúc cảm không bao giờ vơi cạn đối với mỗi con người. Ở tập thơ này, lộ trình trở về của Trần Quang Đạo được thực thi bằng chuyến tàu kỉ niệm, đẩy chúng ta vào cõi mộng, cõi mơ. Với cuộc sống này, nhà thơ quên "vị ngọt của thời khắc hiện tại" (Gide), thoát khỏi hiện tại dấn thân vào con đường của hồi tưởng. Mà sự hồi tưởng vốn dĩ không có giới hạn, không đo đếm bằng chiều kích nào, bởi lẽ nó hình thành do sự liên kết một cách vô thức trong thế giới nội tâm của tác giả. Nói như Nerval: "Giấc mơ là cuộc sống thứ hai". Có được chìa khóa để mở cánh cửa cuộc sống thứ hai này, người đọc mới thấu thị được tâm hồn của người thơ.
Sinh ra và lớn lên ở miền trung, những hình ảnh thân quen, dân dã của quê hương ăn sâu vào trong tâm khảm của nhà thơ: rơm rạ, lá chuối, cánh cò, măng nứa, rau lang... Đặc biệt, hình ảnh miếng trầu không chỉ là biểu tượng của quê hương mà còn là biểu tượng của tình cảm, của tình thương khi nhà thơ phác thảo chân dung bà gắn liền với miếng trầu:
Cháu lớn lên từ tay bà têm
như miếng trầu biết ủ hồn gió
như hương vỏ ngoài vườn biết đỏ
quệt lên vách nhà mình sưởi ấm được mùa đông
(Bà ơi)
Hòa phối nỗi nhớ bà với biểu tượng truyền thống của dân tộc, Trần Quang Đạo không những vẽ nên một bức tranh ngọt ngào, giản dị mang đậm phong vị quê kiểng mà còn chuyển tải được tình cảm sâu nặng của mình đối với bà. Nhà thơ chưa một lần gặp ông nội nhưng qua những câu chuyện của mọi người, nhà thơ đã tạc nên bức tranh về ông bằng gam màu của lòng yêu thương, kính trọng: "Ông sống trong cháu bằng sự tưởng tượng/ khuôn mặt di hậu từ cha với vầng trán vời cao/ từ cái cười hết môi/ từ nết hiền khóe mắt/ từ dáng đi thanh thản nhẹ nhàng" (Hình dung). Đối với mẹ, tình cảm yêu thương của nhà thơ lại bắt nguồn từ những chi tiết bình dị trong sinh hoạt hàng ngày: chuyện mẹ đi máy bay, chuyện con bù nhìn... Chuyến bay mà mẹ đi rất đặc biệt. Đó là chuyến bay chở cả tình thương, cả hồn quê. Mẹ trở thành linh hồn quê hương:
Mẹ đi máy bay
trầu cau ấm một khoang ngồi
mùi rơm rạ lót trong kẽ tay còn phảng phất
lòng mang đầy ca dao
(Mẹ đi máy bay)
Không chỉ dành tình cảm với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng mà nhà thơ còn dành hết tình yêu của mình cho miền quê nhiệt đới gió mùa dù mình có "nhà ở phố", đang ở trên đất nước Nga, Mĩ, Viên Chăn... Chốn "vọng quê" ấy, những cánh đồng bát ngát như bay lên cùng những cánh cò tạo thành bản nhạc – giai điệu mùa xuân:
Vỗ trong nắng rồi đậu vào chân ruộng
tìm tép tôm không còn sợ bóng người
phổ lên cánh đồng từng nốt nhạc
gọi đàn thành giai điệu mùa xuân
(Những cánh cò trên đồng sớm)
Những động từ: vỗ, đậu, phổ - tự thân đã gợi những chuyển động lên xuống như nốt trầm nốt bổng của âm nhạc. Nhờ sự liên tưởng này, bức tranh làng quê trở nên sống động hơn, đầy ân tình hơn. Nó là nguồn chảy không bao giờ nguôi trong kí ức và là điểm tựa tâm hồn của của nhà thơ: "con thắp trầm hương lòng mình cháy sáng/ uốn câu thành tâm vọng quê" (Vọng quê) .
Có thể nói, hoài niệm về quê hương thường trực trở đi trở lại như một bản nhạc êm ái của giấc mơ không bao giờ cạn cảm xúc. Dù có đổi làm thân phận khác, che dấu dưới một con người khác, tâm hồn của nhà thơ luôn đau đáu: "tôi mộng du tự do thấy mình thân phận khác/ còn hồn đang để lại quê nhà" (Giá trị). Trần Quang Đạo không chỉ mượn giấc mơ để phát huy hiệu quả của liên tưởng mà nhà thơ còn mượn giấc mơ để chuyển tải nỗi nhớ quay quắt về một miền quê đầy kỉ niệm. Như vậy, giấc mơ đã phá vỡ tính khuôn mẫu của thế giới hiện thực, xoáy sâu vào thế giới tâm hồn, thế giới kì ảo, đưa Trần Quang Đạo trở về với thế giới chưa bị vướng tục, lung linh của tuổi thơ.
Trên cơ sở học thuyết của Freud, Liễu Trương đã luận giải: "Lời nói nhịu (cách biểu đạt bị méo mó và ẩn giấu cái chủ tâm bị kìm nén) là sự phối hợp của hai chủ tâm: một chủ tâm có ý thức và một chủ tâm bị kìm nén, và vì bị kìm nén nên chủ tâm này biểu đạt bằng cách làm méo mó chủ tâm kia. Thông thường chủ tâm có ý thức chuyển tải một thông điệp đáng được chấp nhận. Chủ tâm bị kìm nén nhằm nói lên một tư duy mà người nói không chấp nhận một cách có ý thức. Điều nói ra che giấu điều bị kìm nén, nhưng điều bị kìm nén vẫn thoát ra. Cho nên người ta có thể nói trong trường hợp này có sự thỏa hiệp, sự thỏa hiệp giữa vô thức và ý thức: Sự kìm nén bất thành phân nửa và thành công phân nửa"[4]. Khi ý thức và vô thức song hành, thơ đem đến nhiều yếu tố phi lí. Cái phi lí trong "Những giấc mơ cắt dán" là những kết hợp thực-ảo bằng những giấc mơ. Cho nên, tính vô thức, ám ảnh về quá khứ, về người xưa, về hồn quê không chỉ thể hiện qua giấc mơ mà nó còn lan tỏa trong câu chữ. Những câu thơ lắp ghép, cắt dán tạo tính ngẫu hứng dư ba. Nếu cho đó là những câu thơ được viết trong vô thức sáng tạo của người nghệ sĩ cũng đúng. Nhưng ở đó còn là những câu thơ đầy trăn trở, đầy ý thức của nhà thơ. Đằng sau những con chữ vô thức là mạch chảy của ý thức sáng tạo. Người đọc muốn lẩy được cái nhụy thơm ấy phải phát huy tính đồng sáng tạo với tác giả. Thử điểm xiết một số câu thơ hay, lạ như: "con bống rỉa tháng ngày in vết thời gian"; "nghe lá chuối vườn khuya trở giấc giữa trời"; "bóng người sôi trong màn nắng chang chang"; "hàng cột đèn thức khan bấm chân xuống cát"... Đặc biệt, nhà thơ còn sử dụng phép so sánh khá linh hoạt. So sánh trên cơ sở mở rộng ý nghĩa cái được so sánh. Cái được so sánh làm cho lát cắt của giấc mơ thêm phần hư ảo: "Cháu lớn lên từ tay bà têm/ như miếng trầu biết ủ hồn ngọn gió" (Bà ơi); "bởi dấu trăng trên bến sông ngày một phập phồng/ như đang thở lời sóng vỗ" (Những dấu chân); "Trong khối vuông căn phòng/ như ai xắn một miếng đêm chồng lên một miếng đêm vừa đắp" (Sâu hút trong đêm)... Bên cạnh đó, thủ pháp đối lập cũng được nhà thơ sử dụng khá hiệu quả. Nếu "Khúc biến tấu xương rồng" khai thác đối lập để mở rộng hình tượng thơ (theo nhận xét của Hoàng Vũ Thuật) thì ở "Những giấc mơ cắt dán" đối lập để triết luận trước cuộc sống. Được mất của thơ cũng giống như được mất của số phận lá phiếu: "Có thể bước lên bục vinh quang có thể hạ màn/ quy luật cuộc chơi đã trở thành cuộc chơi quy luật/ thơ viết trong lúc chờ kiểm phiếu/ - Nam mô a di đà" (Thơ viết lúc chờ kiểm phiếu). Câu trả lời "Nam mô a di đà" bộc bạch rõ sự đoạn tuyệt của nhà thơ với những thứ thơ ra lò khi chưa đạt đến độ cần. Trong bài thơ "Tranh tường", tranh của con thực như tâm hồn của con; tranh của cha lại ảo vì chất liệu phối màu của nó là: những nỗi thao thức, nếp nhăn kỉ niệm, những vết mảnh bom giặc...: "Con cứ vẽ đi. Vẽ lên nơi lăn sơn xong vừa ráo gió. Cha không la mắng đâu. Vì cha đã từng tự do vẽ những hình hài dị kì lên mọi thứ. Cha cũng từng tự vẽ lên đời mình bằng tường thơ. Không tự bôi bẩn. chỉ có dập xóa và thêm bớt. Mai sau theo gió lên trời!". Ở đây, sự đối lập trở thành bài giảng cho con về cuộc đời và cũng là tuyên ngôn của nhà thơ về thơ ca. Một số bài, Trần Quang Đạo còn sử dụng hình thức kết hợp giữa thơ và văn xuôi tạo nên sự lạ. Bài thơ kết thúc nhưng nhà thơ vẫn phụ trợ bằng đoạn văn xuôi (có dạng kể, có dạng đối thoại). Thủ thuật này đưa người đọc vào cõi mơ, ngay sau đó dẫn người trở về không gian của đời thường. Nhờ thế, không gian hư-thực không còn có khoảng cách. Chúng tồn tại song song và quy chiếu lẫn nhau, như "Xếp dọn đời mình", "Trước người xưa", "Tưởng tượng ba chiều"...
"Những giấc mơ cắt dán" đa dạng về dòng chảy. Mỗi dòng chảy là một thanh âm riêng của Trần Quang Đạo: "có những giọt rơi từ cao/ khi xuống lưng chừng đã thành muối mặn// có những giọt chảy vào trong/ thành a xít bào mềm nỗi đau nhân thế// có những dòng chảy ngược lên trời/ như dấu hỏi// có những giọt mang độ sôi/ bỏng trái tim đồng loại// có những giọt.../ - A men! (Bài thơ viết bằng nước mắt 2). Thanh âm nào cũng được viết bằng chính tâm hồn thao thiết với đời, với người. Vì vậy, dẫu còn một số thanh âm đang độ kết tinh, nhưng với tập thơ này, Trần Quang Đạo đã khẳng định được hành trình thơ của mình trước không gian vô hạn của thơ ca bằng sự đào sâu vào những lát cắt của giấc mơ. Những lát cắt ấy cũng chính là những lát cắt từ một tâm hồn mặn mà với thơ.
Đồng Hới, ngày 11-5-2011
--------------------------
[1]. Trần Quang Đạo, Khúc biến tấu xương rồng, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2004.
[2]. Trần Quang Đạo, Những giấc mơ cắt dán, NXB Văn học, Hà Nội, 2009.
[3]. Liễu Trương, Phân tâm học và phê bình văn học, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2011, tr 41.
[4]. Liễu Trương, sđd, tr 49-50.
VanVN.Net - Đến với thơ là đến với thế giới của cõi bí mật, của cõi mộng, của sự xúc cảm, của sự liên tưởng... Vì thế, con đường thơ ca không hề bằng phẳng và nó luôn chối bỏ sự lặp lại đơn điệu. Khi nhà thơ lặp lại chính mình, anh ta sẽ bị đào thải. Là nghệ sĩ, anh ta cần có cách riêng để chiếm lĩnh thế giới thi ca. Nếu ở "Khúc biến tấu xương rồng"[1], Trần Quang Đạo chú trọng tính ám ảnh của các hình ảnh siêu thực thì với tập "Những giấc mơ cắt dán"[2], nhà thơ lại đi từ những hình ảnh của giấc mơ để hóa giải những cơn mộng của đời, của thơ. Sự chập đôi, phối kết giữa hình ảnh hư và thực trở thành nét trội trong tập thơ này.
Đặt nhan đề cho tập thơ "Những giấc mơ cắt đán", Trần Quang Đạo thông báo với người đọc những ám ảnh giấc mơ trong thơ mình. Con đường giấc mơ khai mở thế giới thực. Vin vào đó, người đọc nhận được tín hiệu của cõi thực trong cõi mộng. Hay nói như Freud, "giấc mơ là con đường vương giả để đạt đến sự hiểu biết những cơ chế của vô thức và để chứng tỏ một cách không thể nào bác được, rằng vô thức có thật"[3]. Nghĩa là, mỗi giấc mơ đều có ý nghĩa riêng. Bằng cách thức ấy, Trần Quang Đạo dẫn dụ người đọc vào mê cung hư-thực. Cái hư-thực hòa quyện, thỏa hiệp một cách tinh tế. Trong cái hư có cái thực. Trong cái thực có cái hư. Đi giữa hai ngưỡng ấy, giấc mơ của Trần Quang Đạo vừa thực mà cũng vừa ảo. Nhờ đó, nhà thơ mới “cài đặt” một cách khéo léo cái ý, cái tứ mà mình gửi gắm trong đó. Vậy, để tiếp nhận và giải mã "Những giấc mơ cắt dán", người tiếp nhận cần lý giải các tầng ý nghĩa của giấc mơ mới nắm bắt được chiều sâu của một bút lực đang độ sung sức.
"Nội hàm của những liên tưởng"
Trong sáng tạo nghệ thuật, cơ chế liên tưởng là một trong những cái đích mà bất kì một người nghệ sĩ nào cũng phải kiếm tìm. Sự liên tưởng càng cao, thơ càng nhiều ám dụ. Đi vào giấc mơ là biện pháp khá hữu hiệu trong việc phát huy năng lực liên tưởng ở người sáng tạo và người tiếp nhận. Cõi mộng, cõi mơ trở thành cú hích để Trần Quang Đạo "tưởng tượng ba chiều". Bài thơ "Bóng tóc" là một ví dụ điển hình để người đọc nhập cuộc vào thế giới mộng. Bóng tóc là hình ảnh hoán dụ, lấy bộ phận để chỉ toàn thể. Bóng tóc chỉ người con gái với vẻ đẹp giản dị hương quê "thoảng mùi hương sả hương chanh" không thể nào phai ngay cả trong giấc mơ của nhà thơ. Nhưng bóng tóc cũng mang tính ẩn dụ. Bóng tóc ấy chính là bản tính của người thơ:
Đè vào tôi cơn mê bóng tóc
một màu đêm
như nước trôi nhờ gió
hình như không về phía ban mai
...
Hình như bóng tóc mệt lả
không còn đè lên tôi
tự dứt về trời
sao lại quấn vào cổ tôi như thòng lọng?
(Bóng tóc)
Từ giấc mơ bóng tóc, nhà thơ mở ra hai cuộc hành trình: hành trình bóng đi tìm chủ nhân đối xứng với hành trình tôi đi tìm bóng của chính mình. Bởi thế, hình ảnh bóng tóc còn là sợi thòng lọng vô hình thít vào cổ nhà thơ. Để cất lên tiếng nói riêng cho mình, nhà thơ phải lao khổ vượt qua sợi dây ấy, tiếp cận cái đẹp và đem đến cho người đọc những bất ngờ. Có một tương đồng gì đấy hay sự gặp gỡ ngoài ý muốn giữa Trần Quang Đạo và Hoàng Vũ Thuật: không nguôi nghỉ/ dòng thác/ đen/ bóng tối đổ xuống đồng mùa gieo vãi/ ràn rụa và/ ma lực…bóng tối mang mùi hương giăng/ bẫy/ những rãnh tối/ đường cày lật ngược/ hoảng sợ/ chạm vào ánh sáng (Tóc – Hoàng Vũ Thuật) khi khai thác vẻ đẹp của biểu tượng muôn thuở này. Đấy là sự gặp gỡ trong vô thức của những tâm hồn đồng cảm sáng tạo. Sự gặp này, nó không hề mang tính nhàm chán, trái lại nó tăng thêm chiều rộng của hình tượng, hình ảnh.
Không gian ba chiều tương ứng với ba tham số: cao, rộng, dài. Trong thơ Trần Quang Đạo, không gian ấy ảo hóa bằng những màu sắc đen, trắng, hồng:
Nhắm mắt
một không gian ba chiều hiển hiện
đen đen đen
trắng trắng trắng
hồng hồng hồng
trộn lẫn hỗn mang xoay tốc gió
(Tưởng tượng 3 chiều)
Có những giấc mơ phủ màu đen: "từng sợi đêm bó tôi liệm cùng kỉ niệm/ rồi trôi trong mênh mông đen" (Sâu hút trong đêm); có những giấc mơ màu trắng: "tôi cào dấu trăng mang về bón gốc măng/ mong hóa thành bùa" (Những dấu chân); có những giấc mơ màu hồng: "Những đám mây nâng anh lên không/ những chiếc dù vô định/ bay bổng ước mơ thi nhân thành kính/ cuộc đời phía dưới ngổn ngang// Anh bay theo lối riêng mình" (Thương tích). Ở đây, các giấc mơ đã mở ra chiều thứ tư của không gian: đó là chiều không-thời gian. Đêm vừa là không gian vừa là thời gian. Dấu trăng vừa định vị không gian vừa lan tỏa trong chiều hư ảo của thời gian. Đám mây vừa là chiều kích của thời gian nhưng cũng là không gian thơ của nhà thơ. Những giấc mơ màu ấy ẩn chứa nhãn quan triết lý của nhà thơ về cuộc đời. Cái hư-thực ở cuộc đời nhập nhằng, chuyển hóa như cách nói của ông: "những đồng tiền có mệnh giá ngất ngưỡng/ cầm trên tay/ mình như kẻ hóa gian" (Những đồng tiền).
Vạn vật trong vũ trụ luôn luân chuyển theo quy luật của dòng chảy: ''Tất cả các dòng sông đều chảy" (tên một tiểu thuyết của Nancy Cato). Từ dòng chảy nước, nhà thơ liên tưởng đến dòng chảy đời:
Chảy như là thân phận
dù đang đứng im đang tạm dừng ở một ga xép tẻ buồn
chảy để thành tiếng
để hiển diện và tự phụ sự cường tráng sự vuốt ve mềm mại để được ngợi ca
(Chảy)
Chảy không chỉ để hòa mình với đất trời mà còn để khẳng định thân phận mình. Cây, lá, bài hát, con cò, mây... chảy để làm nên bản nhạc mùa xuân nhờ sự phối hợp các nghịch âm giữa chúng. Nhưng còn con người thì sao? Nhà thơ bật lên câu hỏi đầy hoài nghi, trầm lắng: "Còn con người sinh ra làm thân phận nào? Sao ta cứ chảy mà lại không như nước?" (Chảy). Trước cuộc sống "thời hiện đại với những lấp liếm lí do sấp ngửa/ tôi nấn ná cuộc vui giăng lưới nỗi buồn/ bạn bè ngổn ngang chưa xác tín tấm lòng thật giả" (Bài thơ viết bằng nước mắt 1) rất cần những hành động thiết thực. Hành động "xếp dọn đời mình" của nhà thơ nghe phi lý nhưng rất có lý và cần thiết. Cần loại bỏ những tạp chất, những bản nháp để khởi thủy những mầm sống của ngày mới: "Có những ngày rỗi rãi/ ngồi xếp dọn lại đời/ loại bỏ những bản nháp trong hành trang ngày một đầy thêm tạp chất/ ngày một thêm tự ghét mình" (Xếp dọn đời mình). Nhưng tâm hồn con người làm sao có thể sắp xếp, cắt dán? Trần Quang Đạo lật lại vấn đề bằng cách sắp đặt những chuỗi giả định "nếu... sẽ" vào cuộc đối thoại giữa thiên nhiên và con người: "Nhưng rồi đêm xuống. Tôi không còn nhìn rõ hình dáng bên ngoài thiếu nữ. Lá như nói nhỏ vào tai tôi "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Gió thì thào thêm "cái đẹp nằm trong mắt kẻ si tình". Mặt hồ hắt sáng: "người ta trọng vẻ đẹp tâm hồn". Đêm triết lí và tôi thua cuộc/ Vì làm sao cắt dán được tâm hồn? (Cắt dán). Thua cuộc nhưng đấy là cuộc thua bản lĩnh.
Trần Quang Đạo cho rằng "Anh đang nhìn bằng con mắt thứ ba...", nhưng khi trượt vào giấc mơ, ông lại bị thôi thúc bởi con mắt thứ tư. Con mắt thứ tư là con mắt của cõi lòng nhà thơ. Để có con mắt thứ tư này, nhà thơ phải là một người nghệ sĩ thứ thiệt với nghề, với đời. Trần Quang Đạo là nghệ sĩ thứ thiệt ấy, khi ông nhìn bằng cái tâm của người thơ: "Thế mà giật mình bất chợt/ khi trên đường một người mù đi qua/ con mắt - ẩn số - nằm ở đầu gậy trúc/ mọc vào anh một con mắt thứ tư!" (Con mắt thứ tư). Con mắt thứ ba để khép em vào thế giới tình yêu nhưng chưa đủ. Con mắt thứ tư mở ra cái nhìn nhân bản trong tâm hồn nhà thơ. Con mắt thứ tư ấy là con mắt của cõi thiền. Con mắt của sự giác ngộ.
Và từ điểm nhìn ấy, nhà thơ mở rộng lòng mình ra mọi hướng.
"Tiếng gọi mưa trắng đồng xiên ngang"
Những kỉ niệm đã qua về người thân, gia đình, bạn bè, quê hương... là nguồn xúc cảm không bao giờ vơi cạn đối với mỗi con người. Ở tập thơ này, lộ trình trở về của Trần Quang Đạo được thực thi bằng chuyến tàu kỉ niệm, đẩy chúng ta vào cõi mộng, cõi mơ. Với cuộc sống này, nhà thơ quên "vị ngọt của thời khắc hiện tại" (Gide), thoát khỏi hiện tại dấn thân vào con đường của hồi tưởng. Mà sự hồi tưởng vốn dĩ không có giới hạn, không đo đếm bằng chiều kích nào, bởi lẽ nó hình thành do sự liên kết một cách vô thức trong thế giới nội tâm của tác giả. Nói như Nerval: "Giấc mơ là cuộc sống thứ hai". Có được chìa khóa để mở cánh cửa cuộc sống thứ hai này, người đọc mới thấu thị được tâm hồn của người thơ.
Sinh ra và lớn lên ở miền trung, những hình ảnh thân quen, dân dã của quê hương ăn sâu vào trong tâm khảm của nhà thơ: rơm rạ, lá chuối, cánh cò, măng nứa, rau lang... Đặc biệt, hình ảnh miếng trầu không chỉ là biểu tượng của quê hương mà còn là biểu tượng của tình cảm, của tình thương khi nhà thơ phác thảo chân dung bà gắn liền với miếng trầu:
Cháu lớn lên từ tay bà têm
như miếng trầu biết ủ hồn gió
như hương vỏ ngoài vườn biết đỏ
quệt lên vách nhà mình sưởi ấm được mùa đông
(Bà ơi)
Hòa phối nỗi nhớ bà với biểu tượng truyền thống của dân tộc, Trần Quang Đạo không những vẽ nên một bức tranh ngọt ngào, giản dị mang đậm phong vị quê kiểng mà còn chuyển tải được tình cảm sâu nặng của mình đối với bà. Nhà thơ chưa một lần gặp ông nội nhưng qua những câu chuyện của mọi người, nhà thơ đã tạc nên bức tranh về ông bằng gam màu của lòng yêu thương, kính trọng: "Ông sống trong cháu bằng sự tưởng tượng/ khuôn mặt di hậu từ cha với vầng trán vời cao/ từ cái cười hết môi/ từ nết hiền khóe mắt/ từ dáng đi thanh thản nhẹ nhàng" (Hình dung). Đối với mẹ, tình cảm yêu thương của nhà thơ lại bắt nguồn từ những chi tiết bình dị trong sinh hoạt hàng ngày: chuyện mẹ đi máy bay, chuyện con bù nhìn... Chuyến bay mà mẹ đi rất đặc biệt. Đó là chuyến bay chở cả tình thương, cả hồn quê. Mẹ trở thành linh hồn quê hương:
Mẹ đi máy bay
trầu cau ấm một khoang ngồi
mùi rơm rạ lót trong kẽ tay còn phảng phất
lòng mang đầy ca dao
(Mẹ đi máy bay)
Không chỉ dành tình cảm với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng mà nhà thơ còn dành hết tình yêu của mình cho miền quê nhiệt đới gió mùa dù mình có "nhà ở phố", đang ở trên đất nước Nga, Mĩ, Viên Chăn... Chốn "vọng quê" ấy, những cánh đồng bát ngát như bay lên cùng những cánh cò tạo thành bản nhạc – giai điệu mùa xuân:
Vỗ trong nắng rồi đậu vào chân ruộng
tìm tép tôm không còn sợ bóng người
phổ lên cánh đồng từng nốt nhạc
gọi đàn thành giai điệu mùa xuân
(Những cánh cò trên đồng sớm)
Những động từ: vỗ, đậu, phổ - tự thân đã gợi những chuyển động lên xuống như nốt trầm nốt bổng của âm nhạc. Nhờ sự liên tưởng này, bức tranh làng quê trở nên sống động hơn, đầy ân tình hơn. Nó là nguồn chảy không bao giờ nguôi trong kí ức và là điểm tựa tâm hồn của của nhà thơ: "con thắp trầm hương lòng mình cháy sáng/ uốn câu thành tâm vọng quê" (Vọng quê) .
Có thể nói, hoài niệm về quê hương thường trực trở đi trở lại như một bản nhạc êm ái của giấc mơ không bao giờ cạn cảm xúc. Dù có đổi làm thân phận khác, che dấu dưới một con người khác, tâm hồn của nhà thơ luôn đau đáu: "tôi mộng du tự do thấy mình thân phận khác/ còn hồn đang để lại quê nhà" (Giá trị). Trần Quang Đạo không chỉ mượn giấc mơ để phát huy hiệu quả của liên tưởng mà nhà thơ còn mượn giấc mơ để chuyển tải nỗi nhớ quay quắt về một miền quê đầy kỉ niệm. Như vậy, giấc mơ đã phá vỡ tính khuôn mẫu của thế giới hiện thực, xoáy sâu vào thế giới tâm hồn, thế giới kì ảo, đưa Trần Quang Đạo trở về với thế giới chưa bị vướng tục, lung linh của tuổi thơ.
Trên cơ sở học thuyết của Freud, Liễu Trương đã luận giải: "Lời nói nhịu (cách biểu đạt bị méo mó và ẩn giấu cái chủ tâm bị kìm nén) là sự phối hợp của hai chủ tâm: một chủ tâm có ý thức và một chủ tâm bị kìm nén, và vì bị kìm nén nên chủ tâm này biểu đạt bằng cách làm méo mó chủ tâm kia. Thông thường chủ tâm có ý thức chuyển tải một thông điệp đáng được chấp nhận. Chủ tâm bị kìm nén nhằm nói lên một tư duy mà người nói không chấp nhận một cách có ý thức. Điều nói ra che giấu điều bị kìm nén, nhưng điều bị kìm nén vẫn thoát ra. Cho nên người ta có thể nói trong trường hợp này có sự thỏa hiệp, sự thỏa hiệp giữa vô thức và ý thức: Sự kìm nén bất thành phân nửa và thành công phân nửa"[4]. Khi ý thức và vô thức song hành, thơ đem đến nhiều yếu tố phi lí. Cái phi lí trong "Những giấc mơ cắt dán" là những kết hợp thực-ảo bằng những giấc mơ. Cho nên, tính vô thức, ám ảnh về quá khứ, về người xưa, về hồn quê không chỉ thể hiện qua giấc mơ mà nó còn lan tỏa trong câu chữ. Những câu thơ lắp ghép, cắt dán tạo tính ngẫu hứng dư ba. Nếu cho đó là những câu thơ được viết trong vô thức sáng tạo của người nghệ sĩ cũng đúng. Nhưng ở đó còn là những câu thơ đầy trăn trở, đầy ý thức của nhà thơ. Đằng sau những con chữ vô thức là mạch chảy của ý thức sáng tạo. Người đọc muốn lẩy được cái nhụy thơm ấy phải phát huy tính đồng sáng tạo với tác giả. Thử điểm xiết một số câu thơ hay, lạ như: "con bống rỉa tháng ngày in vết thời gian"; "nghe lá chuối vườn khuya trở giấc giữa trời"; "bóng người sôi trong màn nắng chang chang"; "hàng cột đèn thức khan bấm chân xuống cát"... Đặc biệt, nhà thơ còn sử dụng phép so sánh khá linh hoạt. So sánh trên cơ sở mở rộng ý nghĩa cái được so sánh. Cái được so sánh làm cho lát cắt của giấc mơ thêm phần hư ảo: "Cháu lớn lên từ tay bà têm/ như miếng trầu biết ủ hồn ngọn gió" (Bà ơi); "bởi dấu trăng trên bến sông ngày một phập phồng/ như đang thở lời sóng vỗ" (Những dấu chân); "Trong khối vuông căn phòng/ như ai xắn một miếng đêm chồng lên một miếng đêm vừa đắp" (Sâu hút trong đêm)... Bên cạnh đó, thủ pháp đối lập cũng được nhà thơ sử dụng khá hiệu quả. Nếu "Khúc biến tấu xương rồng" khai thác đối lập để mở rộng hình tượng thơ (theo nhận xét của Hoàng Vũ Thuật) thì ở "Những giấc mơ cắt dán" đối lập để triết luận trước cuộc sống. Được mất của thơ cũng giống như được mất của số phận lá phiếu: "Có thể bước lên bục vinh quang có thể hạ màn/ quy luật cuộc chơi đã trở thành cuộc chơi quy luật/ thơ viết trong lúc chờ kiểm phiếu/ - Nam mô a di đà" (Thơ viết lúc chờ kiểm phiếu). Câu trả lời "Nam mô a di đà" bộc bạch rõ sự đoạn tuyệt của nhà thơ với những thứ thơ ra lò khi chưa đạt đến độ cần. Trong bài thơ "Tranh tường", tranh của con thực như tâm hồn của con; tranh của cha lại ảo vì chất liệu phối màu của nó là: những nỗi thao thức, nếp nhăn kỉ niệm, những vết mảnh bom giặc...: "Con cứ vẽ đi. Vẽ lên nơi lăn sơn xong vừa ráo gió. Cha không la mắng đâu. Vì cha đã từng tự do vẽ những hình hài dị kì lên mọi thứ. Cha cũng từng tự vẽ lên đời mình bằng tường thơ. Không tự bôi bẩn. chỉ có dập xóa và thêm bớt. Mai sau theo gió lên trời!". Ở đây, sự đối lập trở thành bài giảng cho con về cuộc đời và cũng là tuyên ngôn của nhà thơ về thơ ca. Một số bài, Trần Quang Đạo còn sử dụng hình thức kết hợp giữa thơ và văn xuôi tạo nên sự lạ. Bài thơ kết thúc nhưng nhà thơ vẫn phụ trợ bằng đoạn văn xuôi (có dạng kể, có dạng đối thoại). Thủ thuật này đưa người đọc vào cõi mơ, ngay sau đó dẫn người trở về không gian của đời thường. Nhờ thế, không gian hư-thực không còn có khoảng cách. Chúng tồn tại song song và quy chiếu lẫn nhau, như "Xếp dọn đời mình", "Trước người xưa", "Tưởng tượng ba chiều"...
"Những giấc mơ cắt dán" đa dạng về dòng chảy. Mỗi dòng chảy là một thanh âm riêng của Trần Quang Đạo: "có những giọt rơi từ cao/ khi xuống lưng chừng đã thành muối mặn// có những giọt chảy vào trong/ thành a xít bào mềm nỗi đau nhân thế// có những dòng chảy ngược lên trời/ như dấu hỏi// có những giọt mang độ sôi/ bỏng trái tim đồng loại// có những giọt.../ - A men! (Bài thơ viết bằng nước mắt 2). Thanh âm nào cũng được viết bằng chính tâm hồn thao thiết với đời, với người. Vì vậy, dẫu còn một số thanh âm đang độ kết tinh, nhưng với tập thơ này, Trần Quang Đạo đã khẳng định được hành trình thơ của mình trước không gian vô hạn của thơ ca bằng sự đào sâu vào những lát cắt của giấc mơ. Những lát cắt ấy cũng chính là những lát cắt từ một tâm hồn mặn mà với thơ.
Đồng Hới, ngày 11-5-2011
--------------------------
[1]. Trần Quang Đạo, Khúc biến tấu xương rồng, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2004.
[2]. Trần Quang Đạo, Những giấc mơ cắt dán, NXB Văn học, Hà Nội, 2009.
[3]. Liễu Trương, Phân tâm học và phê bình văn học, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2011, tr 41.
[4]. Liễu Trương, sđd, tr 49-50.
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn