Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Đảng tịch và tuổi đảng của các nhà văn Trung Quốc

(Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn và Đinh Linh)

Vũ Phong Tạo (dịch và giới thiệu) - 29-11-2011 05:58:27 PM

VanVN.Net - Tạp chí Trung Quốc “Đảng sử bác lãm”, số 11 năm 2003, đã đăng tải bài của Đậu Ứng Thái, cung cấp những tư liệu quý về Đảng tịch, tuổi đảng của ba nhà văn nổi tiếng Trung Quốc: Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn và Đinh Linh. Chúng tôi xin dịch và giới thiệu tư liệu quý trên để bạn đọc tham khảo.

Ngôi sao sáng trên văn đàn Quách Mạt Nhược từ trần, Vu Lập Quần trịnh trọng đề xuất một yêu cầu cụ thể với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc/ Đặng Tiểu Bình chỉ thị: “Nhất định phải nhanh nhất làm rõ thời gian vào Đảng của cụ Quách…”/ Đặng Dĩnh Siêu đề xuất hai chứng cứ.


Nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà biên kịch, nhà khảo cổ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Quách Mạt Nhược bị bệnh nặng từ trần tại Bệnh viện Bắc Kinh, ngày 12 tháng 6 năm 1978, hưởng thọ 86 tuổi.

Câu thơ lừng danh “Vui lớn không thể quên, đập tan ‘lũ bốn tên’ ” của Quách Mạt Nhược mà mọi người đều thuộc lòng vẫn như văng vẳng bên tai, không ai ngờ được rằng, ngôi sao sáng khổng lồ trên văn đàn một thời, đã đột nhiên tắt lịm đúng vào thời kỳ mới khắc phục động loạn, ổn định chính trị.

Đúng vào ngày Quách Mạt Nhược bệnh nặng từ trần, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bèn thành lập Ban lễ tang do Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình đứng đầu, phụ trách truy điệu trọng thể người chiến sĩ vô sản tiên phong đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng và văn hoá Trung Quốc này.

Buổi chiều hôm ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cử Ô Lan Phu trực tiếp đến nhà của Quách Mạt Nhược ở Hậu Hải (Bắc Kinh), thăm hỏi an ủi bà Vu Lập Quần, phu nhân của ông, đồng thời hỏi xem có yêu cầu cụ thể gì về tang lễ của Quách Mạt Nhược không. Nghe câu hỏi của Ô Lan Phu, cuối cùng bà Vu Lập Quần trịnh trọng đề xuất với Trung ương Đảng một vấn đề mà bà đã suy nghĩ đắn đo nhiều ngày. Thỉnh cầu của bà là: Trong lời điếu cụ Quách của Trung ương, nhất định phải xác nhận thời gian vào Đảng chân chính của Quách Mạt Nhược.

Mọi người đều biết, sinh thời Quách Mạt Nhược đã từng là Đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 9 và Uỷ viên Trung ương khoá 10, 11. Nhiều năm qua, Quách Mạt Nhược đều xuất hiện với thân phận nhà văn và nhà sử học trong Đảng. Đã như vậy, thì tại vì sao sau khi cụ Quách ốm nặng từ trần, bà Vu Lập Quần bỗng nhiên đề xuất vấn đề tuổi đảng của ông với Trung ương?

Câu chuyện cần bắt đầu nói từ thời kỳ “Đại nhảy vọt”.

Tháng 9 năm 1958, trên “Nhân Dân nhật báo”, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từng đăng tải một tin chấn phấn lòng người: “Nhà thơ nổi tiếng Quách Mạt Nhược vào Đảng!”

Theo tin này, thì nhiều quần chúng bình thường không hiểu biết quá trình cách mạng của Quách Mạt Nhược, rất dễ sẽ cho rằng đây là lần đầu tiên vào Đảng của Quách Mạt Nhược, người đang làm Phó chủ tịch Mặt trận dân tộc trung ương (toàn quốc chính hiệp).

Tuy nhiên, là một người đã cùng Quách Mạt Nhược đi qua cuộc đời cam go mấy chục năm, bà Vu Lập Quần thừa biết ngay từ thời kỳ đầu của cách mạng Trung Quốc,  Quách Mạt Nhược đã từng là một thành viên trong tổ chức này. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Xương nổi tiếng thế giới, ông trở thành trợ thủ đắc lực của Chu Ân Lai, Chu Đức   và Hạ Long. Vu Lập Quần đề cập với Ô Lan Phu, chính là kinh lịch đặc thù của Quách Mạt Nhược trong thời kỳ lịch sử này.

Bà nói: “Khi cụ Quách còn sống, chỉ có sự kiện này trở thành sự tiếc nuối cuối cùng của cuộc đời cụ. Nhưng, sinh thời cụ chưa từng nhắc đến với bất cứ người nào, hiện tại cụ đã qua đời, tôi cần báo cáo với Đảng, đồng thời xin Trung ương Đảng suy nghĩ cân nhắc xác nhận vấn đề thời gian vào Đảng của cụ Quách.”

Tình hình mà bà Vu Lập Quần nói đến là: Khi cuộc khởi nghĩa Nam Xương nổ ra năm 1927, Quách Mạt Nhược là một trong những người tham gia khi ấy. Sau khi cuộc khởi nghĩa vũ trang thất bại, trên đường hành quân Quách Mạt Nhược đã được Lý Nhất Mạnh giới thiệu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào thời kỳ ấy rất nhiều đồng chí lão thành trong Đảng đều biết rất rõ. Song, khi cuộc đại cách mạng thất bại, không lâu sau Quách Mạt Nhược đã rời khỏi Thượng Hải đi sang Nhật Bản. Theo một số đồng chí không biết rõ chân tướng sự thật, thì Quách Mạt Nhược đã tự động ly khai khỏi Đảng.  Trên báo năm 1958 đăng in Quách Mạt Nhược lại vào Đảng, thì cả nước đều biết, nên một số người nhầm lẫn cho rằng Quách Mạt Nhược khi ấy mới vào Đảng. Sự thực lại không phải như vậy.

 Theo tôi (tác giả Đậu Ứng Thái-ND) đã biết, khi ấy trước khi Quách Mạt Nhược đi sang Nhật Bản, Chu Ân Lai đã từng thay mặt tổ chức Đảng tìm ông nói chuyện một lần. Chu Ân Lai nói với Quách Mạt Nhược: Cử ông đi sang Nhật Bản chuẩn bị tích trữ lực lượng  là Trung ương Đảng nghiên cứu quyết định, cũng tức là nói, do Đảng cử Quách Mạt Nhược đi sang Nhật Bản. Đồng thời, Chu Ân Lai còn nói lại mấy lần phải bảo lưu Đảng tịch. Cho nên phải nói Quách Mạt Nhược thực sự không phải là tự động ly khai Đảng.

Bà Vu Lập Quần còn nói với Ô Lan Phu: Sinh thời Quách Mạt Nhược chưa từng  tính toán đến chuyện của cá nhân, cho nên nhiều năm qua, ông chưa từng chịu nhắc đến vấn đề thời gian vào Đảng của mình. Tôi mong Trung ương Đảng có thể cân nhắc suy nghĩ đến vấn đề này.

Ô Lan Phu lập tức phản ánh ý kiến của bà Vu Lập Quần với Trung ương Đảng và Ban Lễ tang Quách Mạt Nhược. Trung ương rất coi trọng vấn đề Vu Lập Quần phản ánh, lập tức cử người chuyên trách tiến hành điều tra thời gian vào Đảng của Quách Mạt Nhược.

Trong hồ sơ tư liệu của Quách Mạt Nhược, xác thực tìm thấy chứng minh ông đã gia nhập tổ chức đảng sau cuộc khởi nghĩa Nam Xương năm 1027. Tuy nhiên, về tình hình sau khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến Quách Mạt Nhược từ Nhật Bản trở về Tổ quốc, khi ấy có khôi phục quan hệ với tổ chức đảng hay không, do năm tháng quá lâu, nhất thời lại không tìm thấy chứng minh văn tự có thể để tham khảo; Mà những đồng chí lão thành trong Đảng như Chu Ân Lai, v.v… khi ấy công tác bên Quách Mạt Nhược, thì tuyệt đại đa số đều đã từ trần. Nếu như không có những chứng cứ đanh thép về phương diện này, thì thời gian vào Đảng của ông viết trong Lời điếu Quách Mạt Nhược nhất thời rất khó nhận định, mà điều này lại rõ ràng quan hệ đến sự đánh giá cuối cùng đối với một chiến sĩ lão thành đã cống hiến tinh thần sức lực suốt đời cho cách mạng Trung Quốc. Cho nên, Đặng Tiểu Bình lập tức chỉ thị: “Nhất định phải nhanh nhất làm   sáng tỏ thời gian vào Đảng của cụ Quách Mạt Nhược, để đưa ra sự đánh giá công bằng đối với ông ấy.”

Điều may mắn là, bà Đặng Dĩnh Siêu, một đồng chí lão thành am hiểu Quách Mạt Nhược hoạt động trong thời gian kháng chiến, vẫn còn mạnh khoẻ. Theo hồi ức của bà, tình hình Quách Mạt Nhược sau khi từ Nhật Bản về nước có khôi phục sinh hoạt với tỏ chức đảng hay không, đã nhanh chóng có được chứng cứ khiến mọi người tin phục.

Chứng cứ thứ nhất mà bà Đặng Dĩnh Siêu nêu ra là: Năm 1938, thời kỳ Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu ở Vũ Hán, đã từng cùng Quách Mạt Nhược tham gia họp tổ Đảng. Khi ấy Quách Mạt Nhược và phu nhân Vu Lập Quần vừa đến Vũ Hán không lâu, trên danh nghĩa làm Trưởng phòng 3 Ban Chính trị Hội đồng quân sự Chính phủ Quốc Dân (quân hàm Trung tướng), nhưng trong tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chu Ân Lai lãnh đạo, Quách Mạt Nhược đã khôi phục sinh hoạt tổ chức của Đảng. Nhưng, Đảng tịch của Quách Mạt Nhược tuy đã khôi phục, song do hoàn cảnh chính trị bấy giờ bức    bách, Chu Ân Lai kiến nghị Quách Mạt Nhược tiếp tục giữ thân phận đặc thù đảng viên bí mật. Suy nghĩ cân nhắc xuất phát từ lợi ích tối cao của đảng, Quách Mạt Nhược trung thành chấp hành quyết nghị của tổ chức đảng. Vì thế, trong một thời gian khá dài, Quách Mạt Nhược nhẫn nại chịu đựng sự nghi ngờ và hiểu lầm về nhiều mặt, từ nhiều  phía. Cho đến sau khi toàn quốc giải phóng, Quách Mạt Nhược mới chính thức đề xuất yêu cầu với Trung ương Đảng, công khai thân phận chân thực của ông ta trong Đảng. Như vậy nên mới có bản tin đăng trên báo năm 1958 Quách Mạt Nhược “lại vào Đảng”.

Chứng cứ thứ hai mà Đặng Dĩnh Siêu nêu ra là: Mùa thu năm 1938, khi Vu Lập Quần gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, người giới thiệu bà vào Đảng chính là Đặng Dĩnh Siêu và Quách Mạt Nhược. Nếu như sau khi từ Nhật Bản về nước chưa khôi phục Đảng tịch, thì đương nhiên ông ấy không có tư cách giới thiệu Vu Lập Quân vào Đảng. Mà chứng cứ Đặng Dĩnh Siêu và Quách Mạt Nhược giới thiệu Vu Lập Quần vào Đảng Cộng sản, lập tức tìm thấy ngay từ trong hồ sơ của Vu Lập Quần.

Từ đó cho thấy, chứng cứ Quách Mạt Nhược gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc là đầy đủ, những chứng cứ của Đặng Dĩnh Siêu có thể làm rõ vấn đề này. Căn cứ  vào những sự thực lịch sử không thể nghi ngờ ấy, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thừa nhận thời gian vào Đảng của Quách Mạt Nhược là năm 1927.

Ba ngày sau, trong Lễ tang long trọng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc truy điệu Quách Mạt Nhược, trong lời điếu của Đặng Tiểu Bình thay mặt Trung ương Đảng đã nói như thế này: “Năm 1927, đồng chí Quách Mạt Nhược tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Xương, tháng 8 cùng năm gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Điếu văn đã đánh giá rất cao cuộc đời của Quách Mạt Nhược: “Kế tiếp Lỗ Tấn, đồng chí Quách Mạt Nhược là một ngọn cờ rực rỡ trên mặt trận văn hoá nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự chỉ dẫn của tư tưởng Mao Trạch Đông.”

Tỉnh lại sau hôn mê, Mao Thuẫn khẩu thuật một lá thư trịnh trọng đề xuất với Trung ương Đảng nguyện vọng vào Đảng / Trước sau Mao Thuẫn xuất hiện với thân phận nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng, kỳ thực là một Đảng viên Cộng sản lão       thành / Trong lễ truy điệu, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định khôi phục đảng tịch của nhà văn, tuổi đảng tính từ năm 1921.


Mao Thuẫn cũng là một trong những đảng viên sớm nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi còn sống, Mao Thuẫn trước sau xuất hiện với thân phận nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng. Sau khi thành lập nước Trung Quốc mới, vô luận là Bộ trưởng Văn hoá đầu tiên của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, hay là nhà văn và nhà thư pháp kiệt xuất nhất đương đại, trước sau ông đều sử dụng bút danh “Mao Thuẫn” đã dùng khi xuất bản tiểu thuyết “Nửa đêm” trước giải phóng, rất ít người còn dùng tên khai sinh “Thẩm Nhạn Băng” của ông. Cũng rất ít người hiểu rõ nhà văn bậc thầy này ngay từ thập niên 20 của thế kỷ 20 đã từng là một đảng viên kiệt xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Buổi chiều một ngày trong tháng 3 năm 1981, sau khi hôn mê nhiều ngày, Mao Thuẫn bỗng nhiên tỉnh lại, nhớ lại một chuyện quan trọng nhất chưa nói ra. Thế là ông    nói miệng, do Vĩ Thao, con trai ông chấp bút, trước giường bệnh viết cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc một bức thư quan trọng. Trong bức thư ấy, Mao Thuẫn dùng hơi thở cuối cùng trịnh trọng đề xuất với Trung ương Đảng nguyện vọng vào Đảng của ông.

Trong giây phút đặc biệt lúc ấy, Mao Thuẫn hốt nhiên đề xuất vấn đề trịnh trọng như thế, thì ngay đến con trai và thư ký vô cùng am hiểu cả cuộc đời cam go của ông, cùng đều cảm thấy kinh ngạc và không thể  tưởng tượng được.

Không có ai am hiểu hơn Vĩ Thao về bước đường đời của phụ thân. Anh đã biết phụ thân trước khi khi sử dụng bút danh “Mao Thuẫn”, trước khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 1 tháng 7 năm 1921, tại Thượng Hải, phụ thân đã bí mật gia nhập tổ dự bị của Đảng Cộng sản Trung Quốc – Nhóm Cộng sản chủ nghĩa Thượng Hải, không lâu sau thì đã chuyển thành Đảng viên Cộng sản.

Bắt đầu từ khi ấy, trong tình hình cực kỳ gian khổ, Mao Thuẫn đã thường xuyên tham gia hoạt động bímật vô cùng nguy hiểm. Ông đã từng làm liên lạc viên giữa tổ chức Đảng bí mật Thượng Hải và cơ quan trực thuộc trung ương, đã thường xuyên bôn ba tại vùng mà con mắt cú vọ của đặc vụ địch có thể nhòm ngó đến. Ông và hàng loạt nhà hoạt động trong Đảng nổi tiếng như Chu Ân Lai, đã quen thân ngay từ trong thời kỳ ấy. Cho nên những người như Chu Ân Lai đều có thể chứng minh: Mao Thuẫn là một trong những đảng viên trong thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sự quen biết giữa Mao Trạch Đông và Mao Thuẫn, cũng tại thời kỳ này.

Tháng 1 năm 1926, khi ấy Mao Thuẫn là đại biểu của Đảng ở Thượng Hải đến Quảng Châu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng Quốc dân. Tại đó, ông đã gặp Mao Trạch Đông đang đảm nhiệm Quyền trưởng ban Ban Tuyên truyền trong Đảng Quốc dân sau khi cải tổ. Cũng ở trong Hội nghị lần ấy, Mao Thuẫn và Mao Trạch Đông đã cùng khởi thảo “Đề cương tuyên truyền”, một văn kiện quan trọng của Đại hội, ngay từ đó đã kết giao tình bạn cách mạng với Mao Trạch Đông trên nửa thế kỷ.

Năm 1927, chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Mao Thuẫn tới Vũ Hán chủ trì “Hán Khẩu quốc dân nhật báo”. Ông đã lợi dụng tờ báo này tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin. Mùa hè cùng năm, trong hoàn cảnh khủng bố trắng của tập đoàn Tưởng Giới Thạch-Uông Tinh Vệ, Mao Thuẫn rút ra khỏi Vũ Hán, không lâu sau nhận được mệnh lệnh của Đảng: Hoả tốc tiến đến Nam Xương, tỉnh Giang Tây tham gia khởi nghĩa vũ trang. Không ngờ được rằng, khi ông đến Cửu Giang, thì đã là ngày 23 tháng 7 rồi. Xe lửa đi đến Nam Xương khi ấy vì Quốc Dân đảng phá hoại nên đã bị gián đoạn từ lâu, Mao Thuẫn đang bị khó khăn tại Cửu Giang, thế là mất cơ hội đi tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Xương.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Xương thất bại, Mao Thuẫn vẫn hy vọng nhanh chóng tìm thấy tổ chức Đảng. Tuy nhiên, do giữa mùa hè viêm nhiệt, bệnh truyền nhiễm hoành hành, ông bị bệnh tả nghiêm trọng, ốm liệt ở trên núi Lư Sơn. Chờ đến khi bệnh chuyển biến khá lên lại đi Nam Xương tìm tổ chức cách mạng, ông mới phát hiện những tướng lĩnh khởi nghĩa Chu Ân Lai, Chu Đức, Hạ Long, v.v…đã không biết đi đâu rồi. Năm 1928, sau khi mất liên lạc với tổ chức Đảng, Mao Thuẫn đi sang Nhật Bản, tiến hành sáng tác văn học, năm 1930 trở về tổ quốc tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1937 sau khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, Mao Thuẫn từ Thượng Hải đến Trường Sa. Tháng 2 năm sau, cuối cùng ông đã đến Vũ Hán, đại bản doanh thời chiến, đã gặp lại Chu Ân Lai sau nhiều năm mất liên lạc. Qua giới thiệu của Chu Ân Lai, Mao Thuẫn bắt đầu ở Hán Khẩu trù bị sáng lập nội san của “Trận địa Văn nghệ” của Trung ương Đảng.

Năm 1940, Mao Thuẫn đã đến thánh địa cách mạng Diên An. Tại đây, ông và Mao Trạch Đông lại gặp nhau lần nữa. Trong hai lần đàm thoại ở trong hầm tại Vườn Táo, Mao Thuẫn đều đề đạt ý muốn với Mao Trạch Đông mong nhanh chóng được khôi phục quan hệ với tổ chức Đảng.

Mao Trạch Đông nói ngay với ông: “Về việc anh muốn khôi phục quan hệ với tổ chức Đảng, chúng tôi rất hoan nghênh. Nhưng, vấn đề này tốt nhất anh nên bàn trước với đồng chí Ân Lai.”

Chu Ân Lai thận trọng lắng nghe quãng đường quanh co khúc khuỷu của Mao Thuẫn sau khi mất liên hệ với Đảng, đồng thời cũng thông hiểu tâm tình bức xúc của Mao Thuẫn trước sau tìm Đảng. Song, xuất phát từ suy nghĩ về đại cục, Chu Ân Lai kiến nghị Mao Thuẫn tốt nhất tạm thời tiếp tục công tác tại Trùng Khánh với thân phận nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng. Mao Thuẫn tiếp thụ kiến nghị của Chu Ân Lai, và mùa thu năm ấy trở về Trùng Khánh.

Sau khi sự biến Hoản Nam xẩy ra, tình hình Trùng Khánh cũng thay đổi ngày càng không lợi cho sự sinh tồn của nhân sĩ dân chủ, Chu Ân Lai lại khuyên Mao Thuẫn theo một số nhân sĩ đến Hương Cảng, đến đấy lãnh đạo công tác chi viện cứu quốc và quyên góp kháng Nhật. Thế là, Mao Thuẫn bí mật đi Hương Cảng. Bắt đầu từ đó, ông thường xuyên hoạt động giữa Hương Cảng và Quảng Châu.

Sau khi giải phóng toàn quốc, Mao Thuẫn từ Hương Cảng trở về Bắc Kinh, Chu Ân Lai trực tiếp giới thiệu tên ông ra làm Bộ trưởng Bộ văn hoá nhiệm kỳ đầu tiên sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Con trai con gái của Mao Thuẫn vô cùng hiểu rõ tâm tình bức thiết của ông suốt đời đi theo chủ nghĩa cộng sản, khát vọng khôi phục Đảng tịch. Ngay từ khi Mao Thuẫn đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng văn hoá không lâu, người nhà của ông đã nhiều lần đốc  thúc ông đề xuất yêu cầu khôi phục Đảng tịch với Trung ương Đảng.

Nhưng, trước sau Mao Thuẫn lại nói: “Khi Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn dân thu phục giang sơn, cha tuy không phải là một thành viên của Đảng, nhưng cũng đã cùng làm rồi. Ngày nay Đảng Cộng sản cuối cùng đã giành được quyền lãnh đạo, có uy tín vinh dự cao cả trong quần chúng nhân dân, bây giờ cha đề xuất khôi phục quan hệ với tổ chức, thì khác chi là đòi chia hưởng vinh dự của Đảng Cộng sản. Cha không thể làm như vậy!”

Từ trong lời nói gan ruột ấy của Mao Thuẫn,  không khó nhìn ra hoài bão cao thượng của một người chiến sĩ cộng sản lão thành đã dấn thân làm cách mạng ngay từ thời kỳ đầu.

Vĩ Thao cúi mình trước giường bệnh, nhìn phụ thân 85 tuổi, mạch máu chảy yếu như sợi tơ, hỏi: “Bố ơi! Tại sao vào lúc này, bố lại nêu ra việc vào Đảng?”

Gương mặt Mao Thuẫn nở nụ cười. Ông nói: “Từ trước đến nay cha luôn luôn có khát vọng khôi phục quan hệ với tổ chức, nhưng cha chưa muốn làm như thế. Bây giờ cha sắp xa rời nhân thế, vào lúc này, cha viết một bức thư, chính là nói với Đảng, rằng lý tưởng đi theo chủ nghĩa cộng sản từ xa xưa của cha bất biến đến chết, tâm nguyện làm một đảng viên cộng sản của cha cũng bất biến đến chết…”

Ngày 27 tháng 3 năm 1981, Mao Thuẫn ốm nặng từ trần tại Bắc Kinh.

Sau khi qua đời, người nhà của ông mang bức di thư ông đọc cho viết trong giây phút cuối đời của ông, trịnh trọng trao cho Trung ương Đảng.

Sau khi tiến hành thảo luận di thư của Mao Thuẫn, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho công khai công bố di thư trên “Nhân dân nhật báo”.

Đồng thời, trong Lễ truy điệu Mao Thuẫn, Trung ương Đảng chính thức tuyên bố: Căn cứ theo di thư của đồng chí Mao Thuẫn, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định khôi phục Đảng tịch của ông, tuổi đảng tính từ năm 1021.

Nữ nhà văn Đinh Linh sau “Cách mạng văn hoá” về đến Bắc Kinh, việc thứ nhấ là thỉnh cầu tổ chức đảng cấp trên khôi phục đảng tịch của bà / Năm 80 tuổi, đảng tịch gián đoạn trên 20 năm đã được khôi phục, Đinh Linh rưng rưng nước mắt viết một bức thư dài cho Trung ương Đảng…


Nữ nhà văn nổi tiếng Đinh Linh, ngay từ năm 1930 đã tham gia Liên minh nhà văn cánh Tả, sau đó tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1937, sau khi ra khỏi nhà tù, Đinh Linh đã vượt qua biết bao hiểm nguy di chuyển đến thánh địa cách mạng  Diên An. Khi ấy, sự có mặt của Đinh Linh đã khiến cho Trung ương Đảng do Mao Trạch Đông đứng đầu cảm thấy vui mừng. Mùa xuân năm 1938, Đinh Linh ra tiền tuyến núi   Thái Hành, Mao Trạch Đông chẳng những cầm bút đề thơ, mà còn đánh giá rất cao đảng tính kiên cường của bà.

Thế mà, sau khi toàn quốc giải phóng, thì Đinh Linh lại lần lượt bị hai lần phê   phán vào năm 1955 và nă 1957,  bị sai lầm quy kết chụp mũ là thành viên chủ yếu của “Tập đoàn nhỏ chống Đảng Đinh Linh, Trần Xí Hà” và “Tập đoàn phái hữu Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong”, đồng thời bị khai trừ đảng tịch.

Không lâu sau, Đinh Linh bị đưa xuống cơ sở, đến vùng Bắc Đại Hoang xa xôi nơi bên ải tiến hành cải tạo lao động. Trong thời gian “Cách mạng văn hoá”, sự phê phán của “Bè lũ bốn tên” đối với Đinh Linh không ngừng thăng cấp, sau đó giam bà vào trong nhà tù. Cho mãi đến Tết nguyên đán năm 1979, nữ nhà văn bị bức hại trên 20 năm mới được trở về Bắc Kinh chữa bệnh.

Sau khi trở về Bắc Kinh, Đinh Linh cư trú tại chiêu đãi sở của Ban Tổ chức Trung ương. Tuy công tác chưa bố trí, song tâm tình của bà cũng sốt ruột giống như năm 1926 lần thứ nhất bà từ Hồ Nam đến Bắc Kinh. Ngày thứ hai sau khi đến chiêu đãi sở của Ban Tổ chức Trung ương, bà bèn viết cho Đảng đoàn Hội Nhà văn Trung Quốc bản “Thỉnh cầu của tôi”, thỉnh cầu nhanh chóng khôi phục đảng tịch của bà đã bị gián đoạn trên 20 năm. Đối với nữ nhà văn trên nửa đời người trải qua mưa gió cam go, không có gì quan trọng bằng việc nhanh chóng khôi phục quan hệ với tổ chức của mình. Nhưng điều làm cho Đinh Linh thất vọng lớn là thư bà viết cho Hội Nhà văn còn lâu mới được trọng thị bằng bà gửi tiểu thuyết và tản văn cho các toà soạn báo, tạp chí. Điều này càng làm bàĐinh Linh thật sự cảm thấy đau đầu và vô cùng khó hiểu.

Sau này Đinh  Linh mới hiểu được, sự tình tuy đã qua đi trên 20 năm, nhưng vị lãnh đạo đã từng chủ trì tiến hành phê phán bà tại Bắc Kinh năm 1955 vẫn còn ở đó, mặc dầu bản thân ông ta cũng bị đả kích mạnh trong “Cách mạng văn hoá”. Ông ta vẫn canh cánh trong lòng “Vấn đề chống Đảng” của Đinh Linh.

Đinh Linh không cam tâm để vấn đề của mình cứ kéo dài mơ mơ hồ hồ như thế. Sau khi viết thư một lần nữa cho Hội Nhà văn vẫn như ném đá xuống biển cả, bà lại trực tiếp viết thư báo cáo cho lãnh đạo Ban Tuyên truyền Trung ương.

Sau đó không lâu, trên “Nhân Dân nhật báo”, Uỷ ban Mặt trận dân tộc trung ương (Toàn quốc chính hiệp) công bố Đinh Linh là uỷ viên mới bầu bổ sung. Điều này không còn nghi ngờ gì nữa đã hé lộ ý hướng sửa sai minh oan cho Đinh Linh của Trung ương Đảng.

Điều đặc biệt khiến cho nữ nhà văn phấn khởi là, “Bắc Kinh nhật báo” ra ngày 1 tháng 7 năm ấy, còn đặc biệt đăng tải một bài hồi ức về Đảng lãnh đạo “Liên minh nhà văn cánh Tả” tại Thượng Hải mà toà soạn báo đặt bà viết.

Tất cả những động thái đó, đều khiến cho bà cảm thấy tổ chức đảng cấp trên đâu có đóng chặt mọi cánh cổng đối với bà.

Tháng 10 năm 1979, Đại hội Văn nghệ đầu tiên triệu tập tại Bắc Kinh, sau khi đập tan “bè lũ bốn tên”. Nữ nhà văn Đinh Linh được bầu là đại biểu đại hội văn nghệ.

Trước đại hội, bà kiên trì phải tham dự Đại hội văn nghệ lần này với thân phận nhà văn đảng viên, và một lần nữa viết thư cho Ban Bí thư Trung ương Đảng, cuối cùng nhận được chỉ thị quan trọng của Hồ Kiều Mộc.

Căn cứ vào chỉ thị này, “Văn phòng phúc tra” của Hội Nhà văn Trung Quốc khởi thảo một văn bản “Ý kiến cải chính phúc tra về vấn đề phái hữu của Đinh Linh”, minh xác chỉ ra: 

“Đầu tháng 6 năm 1957, Ban Tuyên truyền Trung ương và Lãnh đạo Đảng đoàn Hội Nhà văn Trung Quốc đã tuyên bố trong Hội nghị mở rộng Đảng đoàn Hội Nhà văn Trung Quốc rằng: Không có chuyện Tập đoàn chống Đảng Đinh (Linh), Trần (Xí Hà), gỡ mũ chống đảng cho Đinh (Linh), Trần (Xí Hà).” “Triệt tiêu ‘Kết luận chính trị về phần tử phái hữu Đinh Linh’ của nhóm lãnh đạo chỉnh phong của Hội Nhà văn Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 1958; Đồng thời triệt tiêu ‘Nghị quyết về khai trừ Đảng tịch phần tử phái hữu Đinh Linh’ của Liên chi Hội Nhà văn Trung Quốc, năm 1958…”

Sau khi bản Báo cáo này trình báo lên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hồ Kiều Mộc hết sức thận trọng, trước khi ký tên phát hành công văn còn mong các đồng chí lão thành đã từng công tác tại Hội Nhà văn Trung Quốc và Ban Tuyên truyền Trung ương cùng đọc, để cuối cùng phê chuẩn in gửi cho toàn đảng.

Điều khiến người ta không ngờ tới là, vẫn là vị đồng chí lão thành năm xưa tổ chức phê phán và định tội đối với Đinh Linh, sau khi xem văn kiện này, vẫn giữ thái độ im lặng. Có lẽ chính do nguyên nhân này, mà văn kiện vốn rất nhanh có thể in hàng loạt gửi cho toàn đảng, lại một lần nữa bị ngâm trong ngắn kéo dài dài.

Mặc dầu vấn đề đảng tịch tạm thời chưa được giải quyết, Đinh Linh ở vào nghịch cảnh vẫn giữ được tín nhiệm và quan hệ với Đảng.

Khi trả lời phỏng vấn của báo chí, bà nói như thế này: “Năm 1958 tôi bị khai trừ đảng tịch, từ lâu đã không phải là đảng viên rồi, song tôi vẫn yêu cầu mình rèn luyện theo tiêu chuẩn của đảng viên cộng sản. Tôi cố gắng rèn mình nhìn nhận vấn đề, đối xử với người và việc, đối xử với công tác theo tiêu chuẩn của một đảng viên.”

Tháng 8 năm 1984, Hạ Kính Chi khi ấy chủ trì công tác Ban Tuyên truyền Trung ương cầm bản “Thông tri về khôi phục danh dự cho đồng chí Đinh Linh” do Hội Nhà văn báo cáo đã bị chìm xuồng trên 4 năm và vừa được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê chuẩn, hồ hởi chạy đến chỗ ở mới của Đinh Linh, thì khi ấy nữ nhà văn tuổi hạc da mồi rưng rưng nước mắt - Nguyện vọng hoài bão lớn nhất cuối đời bà, cuối cùng đã được thực hiện!

Vấn đề đảng tịch đã được giải quyết, từ đáy lòng bà Đinh Linh cảm thấy vô cùng phấn khởi. Ngày hôm ấy, dàn dụa nước mắt mừng vui, bà viết cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc một bức thư dài:

Trung ương Đảng kính yêu!

Các đồng chí thân yêu!

Kính chào các đồng chí!

Từ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba đến nay, các đồng chí nhận trọng trách trước tình hình rất nguy nan, nhiệm vụ nặng nề, công việc     hành chính bận rộn. Vì thế, ngày thường tôi không dám quấy rầy các đồng chí, làm mất thời gian của các đồng chí. Nhưng, bây giờ tôi phải viết bức thư này, phải cởi mở tấm     lòng với các đồng chí, nói ra những tình cảm đã chôn sâu tại đáy lòng tôi, khuấy động trong huyết quản tôi. Tôi muốn hô to: “Tôi cảm ơn Đảng, Cảm ơn Trung ương Đảng!”

Tôi viết văn chương đã 60 năm rồi, nhưng, đến hôm nay tôi mới lần đầu tiên cảm thấy văn tự của tôi chưa đủ dùng, từ trong đầu óc tôi chưa tìm được chữ thích hợp nhất để biểu đạt tình cảm hiện tại một cách chuẩn xác, một cách đầy đủ. Tình càm này như mây bay gió thổi. Nếu không nói lên, không kêu lên, thì tôi không có cách nào kìm nén tâm tình thâm trầm mà lại sôi sục của tôi. …

Bây giờ, tôi xin thề với Đảng: Đinh Linh, vĩnh viễn là một chiến sĩ trung thực thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc, vĩnh viễn là một chiến sĩ trung thực bình thường của đảng. Tôi tuổi đời không nhỏ nữa, có chút bệnh tật, nhưng thân thể vẫn còn tàm tạm, tinh thần nghị lực cũng coi như dồi dào, đầu óc vẫn chưa hồ đồ. Quyết tâm tiếp tục cống hiến cuộc đời còn lại cho Đảng. Chí này còn lớn.

Xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ, sống lâu!

Tháng 8 năm 1984

Đinh Linh

Hai năm sau khi bức thư này gửi đi, sinh mệnh của nữ nhà văn Đinh Linh lừng danh một thời đã tiến vào thời đoạn đếm ngược.

10 giờ 45 phút ngày 4 tháng 3 năm 1986, Đinh Linh đã đi hết đường đời 82 năm của bà, đã từ biệt nhân gian, tại Bệnh viện Hiệp Hoà Bắc Kinh.

(Theo tạp chí “Đảng sử bác lãm”, TQ, số 11-2003)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Thư giãn  

Chùm truyện cười 2012

VanVN.Net – Nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012, dịch giả Lê Bá Thự muốn gửi tặng độc giả VanVN.Net chùm truyện cười, góp thêm niềm ui vào không khí Tết đang tràn về mỗi ngôi nhà, thay lời chúc một năm ...

Tư liệu  

Thơ mới Nhật Bản

VanVN.Net - Vì sao thơ Pháp được dịch nhiều ở Nhật Bản? Vì khi bắt đầu hiện đại hóa văn học Nhật Bản, nước Pháp và văn học Pháp là giấc mơ của các họa sĩ, nhà thơ, trí thức Nhật ...