Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tự thuật của Nguyễn Đình Thi

(Đôi nét về cuộc đời và tác phẩm)

Nguyễn Thanh Huyền ghi - 24-11-2011 03:45:57 AM

VanVN.Net - Quê nội tôi ở làng Vũ Thạch, huyện Thọ Xương, Hà Nội cũ. Nhưng tuổi nhỏ của tôi lại gắn với một vùng cao Bắc Lào, tại Phong Saly, giáp Trung Quốc và cũng không xa Mianma. Vì cha tôi hồi bấy giờ làm trưởng trạm bưu điện ở đó. Thời Pháp thuộc, Phong Saly được gọi là đạo quan binh thứ 5 của Đông Dương. Dân địa phương là người Phù Nọi, sống còn khá cổ sơ và theo đạo Phật.

Người Việt Nam ở nơi xa xôi ấy chỉ có lính khố đỏ trên đồn binh và tù khổ sai đưa lên làm đường. Tôi còn nhớ chiều chiều, khi trên đồi thổi tò te thì hàng dài tù khổ sai từ phía núi đi về, chân bị xiềng, bước xủng xoẻng. Tôi lớn lên ở nơi núi rừng đó. Những lần vui nhất là chạy theo các bà Phù Nọi, tới một vách đồi có thứ đất đỏ khô bùi, lũ trẻ chúng tôi nhặt đất mà ăn cùng với các bà. Và những lần chạy theo bóng áo cà sa vàng của các ông sư, nghe tiếng cồng chiêng hiền hậu ngân dài theo đám rước… Phương tiện đi lại chủ yếu là ngựa, ngoài ra người ta chỉ đi bộ. Mỗi lần bà mẹ tôi có việc về nước, phải đi ngựa mất một tháng về Lào Cai, sau đó đi xe lửa về xuôi. Tôi sống như những trẻ con dân tộc thiểu số, sông suối, rừng núi – đó là những hình ảnh đã thấm vào lòng mình từ nhỏ…

Năm tôi lên 6 tuổi, cha tôi được đổi về nước làm ở bưu điện Hà Nội. Gia đình tôi tìm chỗ ở thuê khá vất vả. Lúc ở khu Bạch Mai, khi Nhà Rượu rồi về Hàng Đậu. Tôi được cắp sách đến trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, gần hồ Trúc Bạch, nay là trường Việt Nam – Cuba. Mấy năm ấy, tôi trở thành chú bé Hà Nội. Đất quen thuộc của tôi là những bãi cát ở gầm cầu sông Hồng, những ngõ phố từ bờ sông qua Hàng Tre, Ô Quan Chưởng, rồi Cửa Đông, Cửa Bắc… Khu phố cũ Hà Nội ấy, sau này khi tôi viết tiểu thuyết, đã là nơi ở của anh Tư trong truyện.

Ở Hà Nội được mấy năm, cha tôi lại phải đổi xuống Hải Phòng, rồi mấy năm sau lại đổi vào Chợ Lớn, Nam Kỳ. Nhưng mẹ tôi không chịu mang đàn con lếch thếch đi theo nữa. Bà ở lại Hải Phòng, làm bánh kẹo, lấy tiền nuôi con. Tôi học nốt ba năm tiểu học và bốn năm Thành chung ở trường Bonnan, nay là trường Ngô Quyền. Những năm ấy tôi được biết Hải Phòng, và tôi cũng được thấy những cuộc đình công của công nhân. Tôi đã được ra Quảng Yên, Hòn Gai, Uông Bí, Đông Triều, được thấy sông Bạch Đằng, núi Yên Tử, vùng biển Đồ Sơn, Cát Hải… Hai mắt như bắt đầu nhìn thấy đất nước….

Rồi Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, năm ấy tôi 15 tuổi. Ngoài việc học ở trường, tôi đã tìm đọc những sách triết lý, tôn giáo, chính trị. Có mấy anh bạn học và bạn hướng đạo cùng chí hướng, chúng tôi bàn nhau đi tìm cách mạng. Một anh bạn hướng đạo lớn tuổi, anh Vũ Quý, đã tìm gặp được cán bộ Đảng và đã đưa cho tôi đọc những cuốn sách về chủ nghĩa Mác do Đảng Cộng sản Pháp xuất bản. Đậu xong bằng Thành chung, tôi lên Hà Nội học trường Bưởi. Tôi tìm liên lạc được với cán bộ của Thành ủy, được đọc tuyên ngôn của Việt Minh, và bắt đầu hoạt động trong học sinh, quyên góp ủng hộ du kích Bắc Sơn, rải truyền đơn, dán áp phích… Đầu năm 1942, trong ngày kỷ niệm Lênin, tôi bị mật thám đến bắt ngay trong trường.

Tôi bị tra và bị giam mấy tháng ở Sở Mật thám Hà Nội. Mấy tháng ấy là một lớp vỡ lòng cho tôi vào đời. Sau tôi được tha nhưng cố nhiên là bị đuổi học và phải vào Chợ Lớn với cha tôi.

Tôi vào Chợ Lớn, lần đầu tiên được thấy miền Nam. Hồi đó từ Chợ Lớn ra Sài Gòn còn là cánh đồng rộng. Tôi miệt mài tự học, để đi thi tú tài với tư cách là thí sinh tự do.

Cha tôi được đổi ra Bắc, lên Ba Vì, Sơn Tây. Tôi cũng trở ra Bắc và thi đậu. Nhưng biết làm gì để học tiếp và kiếm sống đây? Thế là mùa hè năm ấy ở Hải Phòng, tôi cặm cụi viết cuốn triết học phổ thông về Kant và gửi cầu may lên Nhà xuất bản Tân Việt ở Hà Nội. Không ngờ ít bữa sau, tôi được Nhà xuất bản gửi thư mời lên gặp. Cuốn về Kant được in, tôi cũng vừa 18 tuổi.

Tôi lên Hà Nội sống, vừa viết sách, vừa học hết tú tài rồi lên đại học. tôi cũng bắt đầu viết báo, trên tạp chí Tri tân. Mấy cuốn sách triết học của tôi được in liền trong khoảng hai năm, có lẽ được chú ý phần nào là cuốn sách Descartes, và cuốn giới thiệu sự hình thành của phép biện chứng mà tôi đặt tên là Siêu hình học để lọt qua kiểm duyệt. Và đến cuối năm 1943, khi Hà Nội mấy lần bị bom Mỹ, thì có cán bộ Đảng đến tìm tôi để tổ chức nhóm Văn hóa cứu quốc.

Mấy năm ấy tôi đã sống bằng nghề viết sách báo. Cuối năm 1944, tôi viết bài Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích thì mới là lần đầu “động đến” lĩnh vực văn học. Và phải đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1951, tôi mới có tác phẩm văn học đầu tiên được in, đó là cuốn Xung kích. Như vậy là mất chín năm từ khi bắt đầu cầm bút, con đường tôi đi vào văn học nó chật vật như vậy đấy.

Rồi tôi tham gia hoạt động trong tổ chức Văn hóa cứu quốc. Văn hóa cứu quốc tổ chức thành từng nhóm bí mật, tôi ở một nhóm với anh Vũ Quốc Uy, anh Nguyễn Hữu Đang, trực tiếp với anh Lê Quang Đạo – bí thư Thành ủy Hà Nội bấy giờ. Tôi cũng có liên lạc với anh Nguyễn Huy Tưởng, anh Nguyễn Công Mỹ ở Hải Phòng và phía khác, tôi liên lạc với nhóm anh Dương Đức Hiền ở Tổng hội sinh viên, giúp riêng anh Hiền trong việc lập ra Đảng Dân chủ.

Chúng tôi viết bài cho các báo bí mật của Việt Minh, tìm cách ra sách báo công khai, khéo đưa ra các tác phẩm chống tư tưởng phát xít, kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc.

Khoảng giữa năm 1944, do bị lộ từ một cơ sở ở Nam Định, các anh Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Hữu Đang và tôi bị bắt cùng một ngày ở Hà Nội. Chúng tôi bị hỏi cung và giam mấy tháng ở Sở mật thám Nam Định rồi bị đưa ra tòa. Chúng tôi cãi là những người viết sách báo, mỗi trang, mỗi dòng đều đã qua kiểm duyệt, nên tòa không kết án được.

Nhưng rồi Nhật đảo chính Pháp. Bọn mật thám Nhật tới bắt tôi tại nhà. Đã có chút kinh nghiệm, tôi chạy vào bí mật từ trước. Anh Vũ Quý tìm gặp tôi, nhờ tôi cùng với Văn Cao làm tờ báo bí mật Độc lập giúp cho Đảng Dân chủ trong những ngày tiền khởi nghĩa. Những ngày ấy ở miền Bắc xảy ra nạn đói. Những hồi còi báo động máy bay, bọn Nhật vây ráp rồi bắt bớ. Nhưng cờ đỏ sao vàng luôn xuất hiện. Hồi đó anh Văn Cao đã viết bài Tiến quân ca và tôi cũng viết bài hát Diệt phát xít.

Sau Cách mạng tháng Tám, tôi làm việc ở Hội Văn hóa cứu quốc, viết báo, tạp chí, và cũng chưa có sáng tác gì. Thật ra, đến những ngày kháng chiến rời Hà Nội lên rừng núi, tôi mới chuyển hẳn con đường sáng tác, thoạt đầu làm bài hát Người Hà Nội rồi làm thơ và bắt đầu viết truyện.

Năm 1948, tôi viết truyện ngắn Tháng bảy, tả lại một ngày ở Hà Nội tháng bảy tiền khởi nghĩa. Truyện ngắn này là điểm bắt đầu về sau này thành tiểu thuyết Vỡ bờ. Những năm 1948, 1949, tôi có đi với một số đồng chí bộ đội. Và tôi có viết mấy truyện ngắn: Bên bờ sông Lô, Cái áo trắng, Mùa mưa, Đại đội trưởng Còm. Nhưng đều không in được. Hồi đó tôi đang bị phê bình về thơ không vần, về tình cảm buồn, “tiểu tư sản” trong thơ. Còn về tiểu thuyết thì có Xung kích. Đầu năm 1951, tôi dự chiến dịch Trung du ở Vĩnh Yên, lại về đơn vị đã quen là tiểu đoàn Lũng Vài. Chiến dịch ấy khá ác liệt. Tôi thầm nhủ là lần này phải viết một cái gì đó cho bằng được. Tôi cố gắng đi sát với bộ đội. Với cuốn sổ tay và cây bút, tôi vừa đi vừa chạy và vừa ghi. Và trong các trận đánh nằm bò sát bên dây thép gai tôi cũng ghi giữa đêm tối trong tiếng nổ tứ bề. Chiến dịch kết thúc, tôi được gọi lên Bộ Tư lệnh. Các anh ở Cục Tác chiến nói cho tôi nghe diễn biến toàn diện của các trận đánh để tôi viết báo cho kịp thời. Sau đó tôi lại tìm về tiểu đoàn Lũng Vài, ở với đơn vị mấy tuần, hỏi chuyện anh em. Hết đợt tập luyện ấy, tôi tìm về một xóm quen ở chân núi Tam Đảo, đến ở nhờ nhà một người dân và viết suốt ngày đêm, trong khoảng ba tuần thì xong bản thảo đầu. Nghỉ ít hôm tôi lại đi và tìm thấy cái lán bỏ hoang bên một bờ suối. Tôi ở đó độ mười ngày giữa rừng, viết lại bản thảo lần thứ hai. Viết xong vừa kịp đến một hội nghị do Ban Tuyên huấn Trung ương triệu tập, tôi đem bản thảo tới, đọc cho bạn bè, rồi đưa anh Xuân Thủy, anh Tố Hữu đọc duyệt. Hai anh cho chấm khuyên, và đồng ý cho in. Tôi đem bản thảo về cơ quan văn nghệ, sửa lại bản thảo lần cuối cùng rồi nộp. Tôi nhớ là sách in xong rất nhanh, và nhà in gửi tặng tôi một cuốn, trên giấy bản thủ công, trang đầu có chữ ký của tất cả anh chị em đã sắp chữ và tham gia vào việc in. Ít lâu sau, theo sự phân công, tôi vào hẳn bộ đội, nhận chức trách Chính trị viên phó tiểu đoàn, công tác tại Trung đoàn 102 tức Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, cho đến hết trận Điện Biên Phủ.

Cuối năm 1953, trước khi Điện Biên Phủ, tôi đã viết rất nhanh một truyện hơn 80 trang, và đã đặt tên truyện ấy là Vỡ bờ. Cho đến năm 1958, tôi mới thực sự bắt tay vào cuốn tiểu thuyết đã dần hình thành trong đầu óc. Vì bận nhiều công việc nên tôi luôn phải cố viết trong thời gian bị cắt xén. Năm 1960, tôi được nghỉ một năm liền và đã viết xong tập I. Năm 1955, tôi đã được xem một vở rối ở Liên Xô. Vở múa rối này lại phỏng theo một vở kịch cổ nước Ý. Nội dung là sự đấu tranh quanh co phức tạp giữa cái thật và cái giả. Năm 1961, tôi đã viết một cách khá phóng khoáng Con nai đen. Vở kịch diễn được ít buổi thì phải ngừng.

Năm 1972, tôi mới trở lại với kịch, và viết vở Hoa và Ngần nói về cuộc đời hai người phụ nữ, là bạn thân, trong cuộc sống thường ngày ở Hà Nội những năm đánh nhau với máy bay Mỹ, đất nước còn chia cắt và trong xã hội còn những tàn tích phong kiến. Vở này đã được tổng diễn tập trong thời gian tôi đi chiến trường miền Nam, nhưng không được ra mắt công chúng. Chị Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ cho in vở kịch khi tôi đang ở xa.

Sau giải phóng miền Nam, tôi bị ốm nhiều. Nằm bệnh viện kéo dài, tôi viết kịch, tôi cảm thấy kịch cho phép tôi nói được những vấn đề tôi suy nghĩ mấy chục năm. Từ năm 1977 tôi viết liền mấy vở Giấc mơ, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Tiếng Sóng. Rừng trúc là vở kịch nêu vấn đề con người với quyền lực; Nguyễn Trãi ở Đông Quan nói về con đường xã hội và con đường tư tưởng của người trí thức Việt Nam. Tiếng sóng là câu hỏi khi một con người bỗng nhìn rõ sự thật của đời mình thì sẽ thế nào.

Tôi vẫn cố gắng viết tiếp. Tôi muốn tìm một câu trả lời về ý nghĩa kiếp sống của con người, và thấy phải tìm trong cội nguồn cuộc sống và cách nghĩ của dân tộc. Tôi viết ba vở kịch ngắn về truyện cổ tích Việt Nam, mỗi vở chỉ có hai, ba vai. Còn về văn xuôi thì khi đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, miền Nam bước vào cuộc chiến đấu trực tiếp, tôi phải tạm ngừng viết Vỡ bờ để viết hai cuốn Vào lửaMặt trận trên cao. Sau đó, ở nơi cơ quan sơ tán và ở Hà Nội, giữa những trận ném bom, tôi viết tiếp tập II Vỡ bờ. Năm 1968 thì xong bản thảo. Vậy là vừa 20 năm, kể từ lúc có ý định đầu tiên. Năm 1970, tập II Vỡ bờ ra mắt bạn đọc.

Thơ cũng là một thể tài tôi yêu thích. Còn nếu hỏi bài thơ nào tôi ưng ý nhất thì rất khó nói. Mỗi bài thơ cũng như một đứa con của mình, mỗi đứa mình thương nó một cách. Tôi làm thơ không đều và không nhiều, có những năm viết dồn dập được năm, bảy bài, có những năm lại bẵng hẳn đi. Có bài viết rất nhanh, viết xong là thôi, có bài lại cứ phải sửa đi sửa lại mãi, hàng chục năm sau còn sửa. Vừa qua báo chí có nhắc lại cuộc phê bình thơ tôi ở Việt Bắc năm 1949. Hồi đó tôi có gặp khó khăn, những bài trong tập Người chiến sỹ làm trong kháng chiến thắng lợi, mới được in thành sách. Và do tôi hay sửa thơ, cũng có bạn qua đó phân tích có phần suy luận. Ví dụ trong bài Đường núi viết năm 1948, bài thơ không vần đó bị phê bình, trong có câu “Ta nghe ta hát một mình”, sau này in lại, tôi đã sửa thành “Đâu đây tiếng suối rì rào”. Có bạn cho là tôi ngại bị phê bình mà sửa. Nhưng thật ra tôi thấy cái ý “ta hát một mình” đã có trong thơ cổ, tôi không muốn lặp lại nữa.

Từ năm 1977 trở đi tôi tập trung vào viết kịch nhiều hơn. Lúc đó tôi ngoài 50 thổi rồi, sức yếu, chỉ còn khoảng 45-46kg thôi nên không còn đủ sức viết ngày viết đêm nữa. Giờ ngẫm lại tôi thấy việc viết kịch của tôi còn gặp nhiều khó khăn hơn thơ: mấy vở viết ra đều bị cấm diễn. Vở kịch Con nai đen phỏng theo câu truyện cổ nước Ý. Tôi cũng viết ba vở kịch ngắn dựa theo ba truyện cổ tích: Người đàn bà hóa đá (Truyện Tô Thị) Cái bóng trên tường (Truyện vợ chàng Trương) và Trương Chi. Tôi viết rất gay go, như cán vào đá, trong ba năm. Liền mạch, tôi viết vở kịch vui Hòn cuội, một truyện “cổ tích” do tôi đặt ra, cũng như người nghệ sỹ cười vẫy cuộc đời trên trái đất.

Gần đây, nhờ có công cuộc đổi mới, khi in tuyển tập của tôi, về phần kịch đã in được đầy đủ các vở kể trên.

Đến nay, tôi vẫn rất bị thu hút vào đề tài lịch sử. Trải qua chiến tranh, cách mạng, chúng ta đã hiểu cha ông, dân tộc hơn. Đi vào cuộc chiến tranh, ấn tượng rất sâu trong tôi là về người phụ nữ ở chiến trường. Những hình ảnh ấy làm nên sự lớn lao của dân tộc và cũng có cả sự vất vả nữa. Và cũng vì vậy, nhân vật phụ nữ là nhân vật tôi để nhiều tâm huyết. Trong tác phẩm Vỡ bờ, các nhân vật phụ nữ chứa đựng nhiều sự rung động do xuất phát từ hoàn cảnh gia đình của tôi. Hồi tôi mới 4, 5 tuổi, tôi cứ thẩn thơ nhìn theo bóng mẹ trên ngựa, bé dần theo con đường từ Lào về nước. Lúc đó, tôi biết rằng mấy tháng nữa mẹ mới trở lại với tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên được dáng mẹ thuở nào. Và tôi đã viết “Bóng ngựa trắng nhỏ dần trên đỉnh núi” – đó là bóng dáng mẹ tôi đấy.

Trong dân gian, người phụ nữ kết tinh rất nhiều đức tính tốt đẹp. Thường ngày họ là người gánh vác công việc sinh nhai, lúc cần thiết, họ cầm đòn gánh đánh giặc và rồi sau đó, họ lại là người làm đẹp cho đời. Gần đây khi xem tiết mục múa những người phụ nữ lên đồng, tôi rất thích ba dáng: dáng chèo đò, dáng cưỡi ngựa múa gươm và dáng hái, tung hoa cho mọi người. Ba dáng ấy cũng là những hình ảnh kết tinh các đức tính của người phụ nữ nước ta.

Nước mình là đất nước đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Do vậy, cũng xuất hiện nhiều vị tướng đầy sáng tạo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có chuyện ông Giáp lo sốt vó về gạo cho chiến sỹ (Ngày nào ông cũng theo dõi biểu đồ chở gạo lên Điện Biên). Chuyện đó làm tôi liên tưởng đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang trung và các vị tướng cầm quân ngày xưa. Để thành một người dùng binh giỏi, các ông ấy phải rất hiểu đời sống nhân dân và thông thạo cả địa lý nước mình. Họ phải biết đâu có núi, đâu có sông và chỗ nào trên sông thì có đò… Thiên tài của dân tộc mình được thể hiện rất nhiều trong thơ ca, trong quân sự.

Nếu viết về đề tài lịch sử, có lẽ tôi sẽ dùng thể kịch. Vì nếu viết tiểu thuyết, có cái thuận là đời sống nhân dân cho đến vừa qua vẫn không khác ngày xưa lắm nhưng nhiều thứ phải tả tỷ mỷ như ăn mặc, sinh hoạt… lại hiếm tư liệu quá. Viết kịch thì không cần tỷ mỷ thế, chỉ cần tích cách con người nổi lên thôi.

Nếu viết tiểu thuyết, tôi lại thích viết về con người trí thức ở xã hội hiện đại. Nếu có còn sức mà viết được thì đó là điều rất may mắn. Theo tôi, chân dung người trí thức hiện nay là điều mà rất nhiều người đang tìm kiếm.

Ở nước mình tiểu thuyết dài còn rất ít. Có vài nhà văn từng viết tiểu thuyết dài là Nguyên Hồng, Võ Huy Tâm, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Văn, Nguyễn Văn Bổng,… Viết tiểu thuyết dài đòi hỏi bức tranh đời sống lớn, nhiều nhân vật, nhiều cảnh sống. Thế hệ chúng tôi muốn mở con đường cho tiểu thuyết dài. Cũng vì một lẽ rằng chúng tôi cay cú bởi thua các nước khác trong lĩnh vực này. Trong tác phẩm Vỡ bờ của tôi, tôi thích việc “xây dựng” được một xã hội có nhiều thế hệ già, trẻ, lớn, bé… Tôi nghĩ rằng trong tiểu thuyết cũng cần phải có ít nhất ba thế hệ. Nhiều nhân vật, nhiều cuộc đời tạo thành những đường dây làm nên sự vận động của xã hội. Xét cho cùng tiểu thuyết là sự vận động của xã hội thông qua những thân phận của con người hay ngược lại, những con người trong sự vận động của xã hội. (Về mặt xã hội, Vỡ bờ là chuyện của mấy gia đình. Muốn hiểu về xã hội phải đi vào từng gia đình). Trong tiểu thuyết, phải có bi, có hài, đủ nỗi vui buồn của đời người thì tác phẩm mới không tẻ.

Về thơ, tôi cho rằng thơ là tinh thần của sự vật, của cuộc sống, cái khó trong thơ là không thể bỏ đi một chữ nào nhưng lại phải rất giản dị, tự nhiên, không gò ép. Tôi nhớ hồi gần Tết năm 1995, tôi viết bài thơ Hoa vàng. Đó là những tâm sự của tôi khi đã đến ngưỡng cửa của “cõi bên kia” khác với trong kinh Thánh, kinh Phật. Trước mắt tôi lúc ấy, bông hoa vàng ấy vẫn sống, vẫn tỏa hương, nó như mỉm cười trước những thứ triết lý ở đời. Còn bài thơ Dòng sông vẫn rì rào tôi viết năm 1995 là những suy nghĩ của tôi trải qua những năm tháng trong chiến tranh và cách mạng.

Những năm gần đây, đã có tuổi, và ít thời gian, tôi vẫn viết thơ đều. Thơ tưởng dễ nhưng lại là rất khó vì nó kiệm lời. Cũng có thể nói rằng, các bài thơ tôi viết là chìa khóa cho các vấn đề mà các tác phẩm văn xuôi của tôi đề cập đến.

Mỗi thể loại đề có cái khó, cái hay riêng. Có điều người viết phải biết về cái mình viết, phải có cách nhìn nó và phải có “ánh sáng” của riêng mình. Cuối cùng, để có được tác phẩm hay thì điều mình muốn nói đến nói phải làm mình day dứt đến nỗi buộc mình phải cầm bút viết. Nếu cứ cố “nặn” ra để viết thì không bao giờ có thể viết hay được. Tuy vậy, muốn viết tốt thì lại không được lười. Công việc viết nó như là kiến tha mồi, như người đẩy xe bò, như là người gánh gồng, đi bộ, cứ từng bước, từng bước… chứ không như đi ô tô hay xe đạp được. Đó thực sự là việc lao động vất vả, phải huy động toàn lực khả năng, trí tuệ. Và ở đó, nhà văn phải đối diện với chính mình, không thể tự lừa dối mình được. Nếu vốn liếng ít, sự việc được thổi lên như bong bóng xà phòng thì anh ta sẽ không có thể đứng lâu dài. Và sau quá trình lao động cật lực ấy, tác phẩm văn học sẽ ra đời. Tác phẩm văn học là vật phẩm nhưng lại mang tinh thần con người đã thổi, nhào nặn vào trong vật chất. Khi viết văn phải biết sử dụng ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ lại phải biết dùng cả vật chất và tinh thần của nó. Chẳng hạn trong thơ, yếu tố thanh – điệu là rất quan trọng.

Tiếng Việt là ngôn ngữ có tính tượng thanh và tính nhạc. Nhà văn phải biết tận dụng một cách linh hoạt yếu tố vật chất ấy vì nó có tính truyền cảm rất lớn. Đồng thời phải sử dụng hết phần nghĩa của ngôn ngữ, trong đó phải biết sáng tạo thêm nữa. Nghĩa là phải dùng những từ có tính chất gợi mở, không giới hạn. Nếu bỏ phần nghĩa tức là bỏ kinh nghiệm sống, bỏ hết phần tinh thần và như vậy sẽ rất bất lợi. Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi.

Với tôi, tôi không thích viết về những người có tính cách kỳ lạ mà chỉ viết được về những nhân vật có tính cách bình thường. Do đó, nếu viết không hay thì sẽ nhạt, nếu viết hay được thì giá trị của tác phẩm sẽ lớn hơn. Tất nhiên là phải có được tính cách, đó cũng là cái tạng của mỗi nhà văn.

Cũng cần phải nói thêm rằng, hồi xưa tôi ít đọc Thơ mới, tôi thích triết học hơn. Khi đọc thơ hiện đại của thế giới, tôi thấy nó có cách viết rất tự nhiên và thế là tôi cầm bút viết những dòng thơ không vần như trôi theo dòng tình cảm tự nhiên nó đến.

Bây giờ, qua tuổi thất thập rồi, tôi cứ tiếc là mình có ít thời gian để viết quá. Trong khi đó nghề viết đòi hỏi phải có thời gian tập trung cao độ. Vậy mà thời gian của tôi luôn bị đứt đoạn vì các công việc khác. Về đề tài chống thực dân Pháp, tôi muốn viết một tiểu thuyết dài mà chưa ai làm được. Cũng có thể sức mình chỉ có thế. Nhà văn thực ra cần có điều kiện tiếp xúc với xã hội nhưng cũng cần một không gian tinh thần để sống và viết trong không gian ấy.

Dẫu sao tôi vẫn khẳng định rằng làm văn là một hạnh phúc lớn vì mình có sáng tác, được sáng tạo. Hạnh phúc nhất của tác giả là thấy tác phẩm của mình tác động tốt vào trong xã hội, chứ không phải là tiền bạc hay tiếng tăm. Tình cảm của bạn đọc, nhất là bạn đọc mà mình không quen biết, lắm khi là những phần thưởng lớn đối với tôi. Tôi còn nhớ có lần đi trên đường Trường Sơn khói lửa, tôi gặp một nữ thanh niên xung phong xin chép bài thơ Nhớ của tôi. Tôi đã thật xúc động và điều này đã thực sự an ủi tôi, giúp tôi có sức viết.

3-1996

Rút từ: Nguyễn Đình Thi – Chim phượng bay từ núi. Chuyên luận, trò chuyện, ghi chép của Hà Minh Đức. NXB Văn học, 2011.

(Nguồn: Nguyệt san Văn Chương Ngày Nay số 4)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn