Chuyện văn chương

28/2
11:42 AM 2019

VĂN CHƯƠNG GIÚP CON NGƯỜI THẤY KIẾP NHÂN SINH CŨNG “NHẸ BỒNG”

(Trò chuyện giữa nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa Tạp chí VNQĐ và PGS.TS Phan Huy Dũng). Nhắc đến khoa Văn trường Vinh là nhiều thế hệ người học vinh dự tự hào nhắc đến nhà giáo Phan Huy Dũng, như một biểu hiện sinh động của đức - tài. Người yêu văn chương còn biết đến ông với tư cách là một nhà thơ cách tân, một nhà nghiên cứu phê bình tâm huyết, trách nhiệm.

Một ngày đầu xuân 2019, VNQĐ hữu duyên trò chuyện cùng ông. Từ điểm nhìn của một người ở xa “trung tâm”, ông mang đến cho bạn đọc tạp chí vài câu chuyện mở xung quanh đời sống văn chương Việt hôm nay.

Cũng lâu lâu rồi ít thấy ông công bố bài nghiên cứu phê bình của mình trên các báo, tạp chí, chỉ thấy ông đăng thơ lên trang facebook cá nhân. Thơ ông cô nén đến tối giản, cực hạn, ám gợi kiểu haiku, Đường thi, nhưng lại thể hiện một tâm thế rất trực chiến, một tâm thức rất hiện thời. Có vẻ như ông làm thơ chơi chơi, chứ không có ý định trở thành một tác giả thơ chính danh, chuyên nghiệp?
+ Tôi là một nhà giáo, một giảng viên. Công việc chủ yếu là dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Dĩ nhiên, không thể giảng dạy mà không có nghiên cứu. Nhưng do hoàn cảnh đặc thù ở một số trường đại học, như ở trường tôi, điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đó là lí do những bài nghiên cứu phê bình văn học của tôi xuất hiện khá thưa thớt. Điều này làm tôi thật sự bứt rứt. Trong bối cảnh bận bịu khá nhiều việc linh tinh, tôi trở lại làm thơ sau gần hai mươi năm gián đoạn, vì làm một bài thơ không cần tốn quá nhiều thì giờ và vì tôi muốn, dù thế nào, mình cũng phải làm được một việc có ý nghĩa (trước hết và chủ yếu là đối với bản thân). Thơ tôi không đăng ở đâu hết ngoài facebook cá nhân, mà số lượng đưa lên cũng khá ít so với cái đã viết. Trong sự làm thơ, tôi cũng đặt ra lộ trình riêng, cố gắng không lặp lại mình cũng như không giẫm bóng người khác. Hiện tại, tôi không đăng thơ nữa, vẫn viết nhưng chỉ để tự cải tạo tư duy của mình. Sự thực, tôi làm thơ chỉ để có thêm cơ hội học hỏi, để tạo điều kiện cho mình thâm nhập tốt hơn vào sáng tác của các tác giả thơ đương đại giàu tinh thần cách tân mà tôi quan tâm. Khi tích lũy kinh nghiệm và kiến thức đến một mức nào đó tự thấy chấp nhận được, tôi sẽ thận trọng quay lại với việc phê bình, trước hết là phê bình thơ - lĩnh vực mà tôi ưa thích nhưng đành phải “quên” trong một thời gian dài.


Ông vừa nói bản thân có đặt ra lộ trình sáng tác riêng, làm tôi nhớ đến nhiều ý kiến gần đây, mà gần nhất là của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng người cầm bút phải biết quy hoạch con đường viết lách của mình, nếu cứ chơi kiểu ăn may ngẫu hứng thì không thể thành tác giả chuyên nghiệp, tầm cỡ được. Đúng là như vậy. Tuy nhiên, văn chương quý hồ tinh bất quý hồ đa, và nhiều khi như là thứ “lộc trời”, bất khả cưỡng cũng bất khả cầu, như trường hợp tiểu thuyết của Bảo Ninh hay truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn…
+ Tôi nghĩ hai chữ “phải biết” ở đây chỉ có thể hàm chứa ý mong mỏi, không thể có sắc thái mệnh lệnh. Sáng tác là chuyện tự do, người viết không muốn ép mình thì thôi chứ ai ép được họ? Nếu người thực sự có cao vọng về văn chương, không cần đợi ai nhắc, họ tự biết đề ra kế hoạch viết hay chiến lược viết cho mình, như kiểu H. Balzac hay L. Tolstoy ngày xưa. Còn với người chỉ cho văn chương là hoạt động mang tính chất tài tử, thì câu chuyện quy hoạch “con đường viết lách” khá xa lạ, thậm chí nực cười. Muốn thì vô cùng, nhưng biết “trời” có cho không? Nhưng nói đi thì cũng cần phải nói lại. Ở những người có ý thức nghề nghiệp nghiêm túc, người ta vẫn muốn cái viết sau phải thể hiện được một điều gì đó mới hơn, khác hơn cái viết trước. Do vậy, chuyện “quy hoạch” sẽ đến với họ như một nhu cầu tự nhiên, gắn với những cân nhắc trong cách tổ chức từng tác phẩm cụ thể, với quyết định về thời điểm sẽ công bố chúng hay với mục tiêu sáng tác cho từng chặng đường văn… Với nhà tiểu thuyết, do quy mô và dung lượng của những gì họ viết ra, tự mỗi tác phẩm có thể trở thành một cái mốc riêng (tương đối) trong đời văn của họ. Nhưng với tác giả truyện ngắn hay tác giả thơ, nhiều trường hợp họ quyết định ra sách mới chỉ vì thấy số tác phẩm đã “đầy đầy”. Vì vậy, không ít lần cái mới in chỉ khác cái in trước đó ở nhan đề, còn phần ruột thì cứ na ná như nhau, xét theo góc độ tìm tòi ngôn ngữ mới hay cách tư duy nghệ thuật mới. Nói đến đây, tôi lại thấy đồng cảm với những ý kiến thể hiện thái độ “sốt ruột” có trách nhiệm với cả nền văn học. Đành rằng chẳng có gì sai khi ta nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa” hay tài năng là thứ “lộc trời”, nhưng trong nhiều trường hợp, việc viện dẫn châm ngôn hay nhận thức này có gì đó giống với việc biện bạch cho kiểu hoạt động cầu may, đoản hơi, được thì được, không được thì thôi, thiếu sự soi sáng, dẫn đường của khát vọng lớn.


Năm 2018 như tôi thấy là năm nở rộ của đầu sách nghiên cứu phê bình văn học, từ hàn lâm tinh hoa đến phổ thông đại chúng, từ của người già đến của người trẻ, từ của người cũ đến của người mới, từ của người trong nước đến của người ở hải ngoại…, và quan trọng là có nhiều cuốn rất “nặng kí”. Vậy mà thấy nhiều người kêu là “mất mùa”, rồi giải thưởng 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đều để trống hạng mục lí luận phê bình…
+ Tôi không mấy quan tâm đến luận điểm “mất mùa” được tung ra định kì, vào những dịp người ta công bố các giải thưởng văn học. Làm như thể ta từng có lúc “được mùa” lắm, trong khi thực ra tình hình trước nay không thay đổi nhiều! Được hay mất tùy góc độ tiếp cận vấn đề, tùy vào sự khảo sát kĩ lưỡng về đối tượng. Việc không có tên loại đầu sách nghiên cứu phê bình trong danh mục tác phẩm được giải thưởng, thường chẳng phản ánh được đúng thực tế hoạt động của lĩnh vực này, mà chỉ phản ánh quan điểm hay tiêu chí chấm giải của ban giám khảo mà thôi. Có không ít người vẫn hoạt động thầm lặng, ra những cuốn sách thật sự hay, bổ ích mà vì lí do này khác, họ không muốn tham dự giải.


Vâng, nhưng thường các giải là không phải do tác giả tự tiến cử/ tham dự. Nếu chọn một cây bút nghiên cứu phê bình văn học ấn tượng, thuyết phục nhất hiện nay, ông chọn ai?
+ Tôi nghĩ ngay đến tác giả PGS.TS La Khắc Hòa (Lã Nguyên) với những công trình nghiên cứu chuyên sâu, những bài phê bình thấm đẫm tinh thần học thuật, giàu tính lí thuyết và chứa đựng rất nhiều gợi mở của ông, như Lí luận văn học Nga hậu Xô viếtPhê bình kí hiệu học - đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ. Tất nhiên, tôi còn muốn nêu tên một số cây bút nghiên cứu phê bình khác nữa để biểu lộ sự kính trọng của mình, nhưng vì anh chỉ yêu cầu chọn một, nên thôi.


Ở Vinh ông có nhiều bạn không? Bất lợi và lợi thế của một người làm văn chương khi định cư xa “trung tâm” như ông là gì?
+ Thực ra thì bạn nhiều hay không cũng tùy cách nhìn. Tôi có quan hệ tốt với đồng nghiệp. Họ là bạn tôi. Tôi cũng thường gặp gỡ, tụ bạ với một số nhà báo hay những người làm công tác văn hóa. Họ cũng là bạn tốt. Nhưng ở đây, chắc anh muốn hỏi bạn văn chương, và qua đó muốn biết không khí sinh hoạt văn chương ở tỉnh lẻ? Sự thực, tôi không nghĩ tôi là người làm văn chương, dù vẫn tham gia (ít thôi) một số sinh hoạt văn chương hiu hắt, nghèo nàn “tại chỗ”. Giảng dạy ở trường đại học, dù tại khoa có tên gọi Sư phạm Ngữ văn, theo tôi, không hẳn, không phải là “làm văn chương” mà là thiên về “làm giáo dục”. Công việc đó mang một tính chất khác, có nội dung và yêu cầu sản phẩm khác. Sáng tác hay viết phê bình là chuyện sở thích, ai có điều kiện thì “làm” và công bố thôi. Nói thế cũng đủ thấy tính chất không chuyên của chúng tôi trong công việc sáng tác hay phê bình (hiểu theo nghĩa: không bắt buộc phải trình sản phẩm thuộc loại này theo đòi hỏi của công việc đang đảm nhận). Đó chính là điểm “bất lợi” lớn nhất mà chúng tôi gặp phải khi thường được/ bị so sánh với những người chuyên làm văn học, nhất là chuyên làm văn học ở “trung tâm” (tôi nói điều này không nhằm biện minh cho phẩm chất có thể còn non yếu của những thứ mình viết ra - điều này khôi hài, vô nghĩa - mà muốn lưu ý tới một trạng thái làm việc khác mà nhiều bạn văn chương của chúng tôi có thể chưa để ý tới). Còn việc tiếp cận, cập nhật thông tin văn học thì không thành vấn đề, do ưu thế của thời đại internet. Chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được giấy mời tham gia các hội thảo khoa học tại “trung tâm”. Không trực tiếp đến được các cuộc tọa đàm, ra mắt sách, gặp gỡ… thì cũng không sao. Chúng tôi vẫn biết được những diễn biến lớn qua các bài tường thuật trên báo chí, mạng xã hội. Ít “giao lưu” theo kiểu thường thấy đôi khi lại là một cơ hội để chúng tôi đọc kĩ tác phẩm (nghiên cứu phê bình hay sáng tác). Những đánh giá (nếu có) của chúng tôi thường dựa vào sở đọc và sự nghiền ngẫm riêng, không phải là kết quả của việc nghe ngóng và “truyền đạt” lại những thông tin từ người khác hay từ một “nguồn chính” nào đó. Không bị nhiễu thông tin (lặt vặt, phù phiếm) và không rơi vào tình trạng bè phái hay “cánh hẩu” trong đánh giá, phải chăng, có thể xem đó là một “lợi thế”?


Từ sở đọc và sự nghiền ngẫm riêng của một người xa “trung tâm”, ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện xung quanh đời sống văn chương ở ta gần đây?
+ Là một giảng viên phải dạy nhiều môn học, không phải là một người “làm văn học” đúng nghĩa nên tôi không có điều kiện theo dõi, bao quát được mọi động thái của đời sống văn học nói chung, đời sống văn học Việt Nam gần đây nói riêng. Tuy nhiên, do có sự “chịu khó” nhất định, tôi cũng đã đọc, hiểu được một số điều (ít ỏi). Tôi thấy chẳng có gì phải bi quan với văn học nước nhà cả, vì suy cho cùng, xét tổng thể, trước nay nó vẫn cứ một đường “đi ngang”, chẳng lên nhiều mà cũng chẳng xuống nhiều. Về mảng sách nghiên cứu lí luận, tôi nhận thấy những nỗ lực lớn nhằm vận dụng các lí thuyết hiện đại vào đánh giá văn học: tự sự học, kí hiệu học, lí thuyết tiếp nhận, lí thuyết diễn ngôn, lí thuyết trung tâm - ngoại biên, phê bình sinh thái, phê bình nữ quyền… Vận dụng thì đang mỗi người mỗi phách, do việc nắm bắt tổng thể về từng lí thuyết ở một vài trường hợp còn hạn chế, nhưng dù sao nó cũng giúp cho giới nghiên cứu dần thoát khỏi hệ hình tư duy cũ và tiêu chuẩn đánh giá không còn phù hợp. Ít nhất thì nó cũng tạo ra được những đề tài mới để “đội ngũ” học viên cao học và nghiên cứu sinh có cái để làm, để họ… lấy bằng và sau đó, để in chuyên luận. Tôi không có cơ hội tiếp cận nhiều với mảng sách phê bình, ngoại trừ những bài được đăng trên các trang mạng. Căn cứ vào những cuốn mình có, tôi thấy tầm “quét sóng” của các nhà phê bình tạm gọi là chuyên nghiệp khá rộng. Ít có sáng tác đáng chú ý nào bị bỏ qua, có điều, hình như một số tác giả thấy bằng lòng với những bài mang tính chất khen chê thuần túy, chưa nêu được những vấn đề chung, thiết yếu của sáng tác từ/ qua phân tích một trường hợp cụ thể (không nhất thiết phải xuất sắc mới được). Vả lại, tư tưởng, lí thuyết phê bình cũng không được thể hiện thật rõ. Đối với mảng sáng tác, tôi không cho là văn xuôi gần đây đã có đột phá gì so với trước về kĩ thuật viết, nhưng tôi nhận thấy tư cách trí thức - công dân của các nhà văn ngày càng được chú ý bộc lộ. Thái độ “vô can” hình như đã được nhận thức là một ứng xử không phù hợp, dù ai cũng biết, văn chương có cách tiếp cận vấn đề và cách thể hiện riêng. Trên internet, mạng xã hội, sáng tác kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều hơn và đây là một điều đòi hỏi ta phải nghĩ lại về nhận định được “tái bản” nhiều lần, rằng nhà văn ngày nay yếu về ý thức công dân, trốn tránh trách nhiệm công dân, không như các nhà văn thuộc mấy thế hệ trước, thời chống Pháp, chống Mĩ. Sự thực, nhiều khi người ta đã hiểu khái niệm ý thức công dân theo sự ràng buộc của quan niệm chính trị và quan niệm nghệ thuật cũ kĩ và không chịu, không dám nhìn ra một thực tế là hiện nay nội dung biểu lộ và cách biểu lộ ý thức công dân rất khác trước. Về thơ, tôi vẫn được đọc không ít tập hay, bài hay của các tác giả còn trẻ hoặc không còn trẻ (nhưng chưa già). Tôi dùng facebook để có thể tiếp cận thơ họ và thú vị nhận ra cách ứng xử hay mức độ nhạy cảm của họ trước các vấn đề của đời sống, của giao tiếp nghệ thuật. Từ góc độ quan sát này, tôi sẽ quyết định mình sẽ “theo” hay không “theo” một tác giả nào đó. Có rất nhiều lối viết đa dạng đã xuất hiện, gần như chưa được phân tích, định danh một cách thấu đáo. Đây có lẽ là một vấn đề mà phê bình thơ cần chú ý, để có thể hỗ trợ cho người đọc hiện nay, đánh bạt đi ở họ những định kiến với các tìm tòi mới hay sự ám ảnh của câu hỏi đại loại “đây mà là thơ à?” vốn thể hiện một nhận thức khép kín về những khả tính của thơ.

 

“Chọn lối thơ kiệm lời, sắc hình, chặt tứ, lắm chỗ lắm lúc ngỡ cằn, ngỡ cặn, song, bao giờ móng nền của mỗi tiếng thơ Phan Huy Dũng vẫn là những xáo động tâm tư. Kết hợp những yếu tố giễu nhại để gia tăng vị chua chát cho tiếng nói trữ tình, anh cũng xài các chiêu chữ hậu hiện đại cho thơ thoát tính monotone quen cũ. Có lẽ, anh đang muốn tìm một ngôn ngữ mới, một giọng điệu mới cho tiếng nói trữ tình hôm nay”.
                                                                                                             (Nhà phê bình CHU VĂN SƠN)

 

Khoa Văn trường Vinh là một địa chỉ đỏ trên bản đồ các trung tâm, cơ sở đào tạo ngành khoa học văn chương của cả nước, nơi đó gắn với tên tuổi những nhà giáo, học giả thuộc thế hệ vàng một thời vang bóng; một số nhà giáo, chuyên gia đầu ngành văn học hiện nay cũng xuất thân từ cái nôi này. Nghe đâu khoa Văn trường Vinh đã bị xoá tên để trở thành một trong nhiều ngành đào tạo của Viện Sư phạm Xã hội hay gì đấy. Tách nhập đôi khi là lựa chọn bắt buộc của lịch sử, nhưng là một người gắn bó quá sâu sắc với ngôi nhà khoa Văn này, hẳn ông không khỏi cảm khái trước việc tên của học hiệu bị xoá trắng?

+ Anh dùng lại cách diễn đạt “khoa Văn trường Vinh bị xóa tên” mà nhiều người đã dùng, với nhiều luyến tiếc và xót xa. Tôi rất cảm thông với cách diễn đạt ấy vì thấy nó có những cơ sở nhất định, đặc biệt ở phương diện tình cảm gắn bó. Nhưng tôi nghĩ bản chất vấn đề không hoàn toàn như vậy. Không ai có thể xóa được một lịch sử đáng nhớ và đủ gan tước đoạt quyền tồn tại chính đáng của một thực thể đang “sống vui, sống khỏe”. Trong bối cảnh hiện nay, tái cơ cấu là việc không thể không nghĩ đến, để tiếp tục tồn tại và phát triển, có điều người lãnh đạo phải chọn được mô hình thích hợp. Mô hình mới đã thích hợp chưa, câu trả lời sẽ có trong những ngày tháng trước mắt, không lâu đâu. Sự cảm khái trước thực tế hiện nay của khoa Văn/ khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh xưa vốn có ở rất nhiều người (mà tôi là một) đã được một tác giả ẩn danh thể hiện xúc động và rất hay trong bài Văn tế khoa Ngữ văn Đại học Vinh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội thời gian qua. Quyết định đã được ban hành từ tháng 6 năm 2018 và khoa Ngữ văn trước đây hiện đang cố gắng thích nghi với tư cách tồn tại mới của mình là một ngành đào tạo của Viện Sư phạm Xã hội. Vấn đề bây giờ là phải làm gì để xứng đáng với sự tồn tại vẻ vang của “tổ chức tiền thân”. Cái tên rất quan trọng, nhất là khi nó đã trở thành một phần không thể phai mờ của kí ức, nhưng tôi nghĩ, còn quan trọng hơn là thực chất hoạt động hiện nay và phía trước của tổ chức kế thừa.


Là một người từng học văn, rồi dạy văn phổ thông, tôi thấy môn văn trong nhà trường hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Xung quanh câu chuyện dạy văn học văn, trên một số diễn đàn thời gian gần đây nổi lên nhiều ý kiến đáng chú ý, rồi mới đây tại Hội thảo “Nhà văn với nhà trường” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, câu chuyện môn văn trong nhà trường được bàn thảo khá sôi nổi. Nếu được toàn quyền quyết định chương trình sách giáo khoa Ngữ văn THPT mới, ông sẽ triển khai hiện thực hoá những ý tưởng khả dĩ nào?
+ Tôi thấy rằng, những ý kiến trúng vấn đề gần đây cũng không khác xa bao nhiêu những điều chúng tôi đã thấy, đã biết. Bởi chuyện này thì có gì mới đâu. Chỉ là mỗi người thêm vào một dẫn chứng mới, khác để khẳng định điều cốt lõi mà bao người trong ngành, trong cuộc đã nhận ra từ lâu. Chính vì vậy mà người ta mới đòi đổi mới. Sự “đòi” này đã xuất hiện từ những năm 80 của thế kỉ trước và bây giờ vẫn tiếp tục được đẩy tới. Tuy nhiên, triết lí của đổi mới phải được xem là điều đáng quan tâm nhất. Tiếp đó là chiến lược, kế hoạch v.v. Hiện tại, tôi cho rằng việc xuất hiện quá nhiều dự án đổi mới giáo dục đang làm rối thêm vấn đề (thực ra, đây không chỉ là chuyện riêng của các dự án giáo dục mà là chuyện chung của nhiều dự án khác ở nhiều ngành khác, trong bối cảnh lợi ích nhóm đang hoành hành dữ dội). Giáo viên phải xoay như đèn cù, hao tổn quá nhiều sức lực, trí lực mà không vực nổi chất lượng dạy học văn lên được. Cho phép tôi ngờ vực một số “điểm sáng” thường vẫn được tuyên truyền, quảng cáo trên báo chí, dù tôi hết sức chia sẻ, cảm thông với nỗ lực của nhiều người tử tế, tâm huyết, từ cán bộ quản lí giáo dục đến giáo viên và học sinh. Cuối câu hỏi, anh đã đưa ra một giả định thật… thú vị. Tôi không thể không mỉm cười vì biết rằng trong xã hội ta, chẳng ai có toàn quyền quyết định cái gì cả, từ việc lớn đến việc… hơi lớn là chương trình và sách giáo khoa. Chúng ta đang ở trong một mạng lưới lùng nhùng. Ai cũng gần như hốt hoảng thấy mình phải “hành động” vì không hành động không được, theo phản ứng dây chuyền “dùi đánh đục, đục đánh khăng”. Khi cái “tâm” rối loạn thì hành động không tránh khỏi rối loạn. Tôi chưa nhìn thấy một con đường sáng, dù nhiều người trong chúng ta không ngớt nói về cuộc cách mạng công nghệ 4.0.


Là người rất cảnh giác, hoài nghi những gì được thiêng hoá, huyền thoại hoá, nhưng tôi lại hoàn toàn bị thuyết phục về sức thuyết phục, sức ảnh hưởng của ông đối với nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh may mắn hữu duyên được học tập, nghiên cứu, gần gũi với nhà giáo Phan Huy Dũng; nhắc đến khoa Văn trường Vinh là người ta vinh dự tự hào nhắc đến ông, như một biểu hiện sinh động của đức - tài. Ông có thể chia sẻ một vài phương châm, bí quyết sống cũng như làm nhà giáo của mình?
+ Thực sự tôi không mấy quan tâm những lời biểu dương, khen ngợi dành cho mình. Tôi tự biết mình là ai và luôn thấy thẹn vì mình đã được/ bị đặt vào một vị trí quá tầm. Nếu trong một xã hội “sòng phẳng”, hẳn vị trí thích hợp nhất đối với tôi là một giáo viên THPT. Ở chỗ đứng ấy, tôi nghĩ mình sẽ thấy yên ổn với lương tâm hơn và sẽ làm được nhiều việc có ích hơn. Nhưng biết làm sao, sự đời sắp đặt vậy thì phải chịu vậy, dù tôi tuyệt đối không làm cái việc chen chân đáng ngờ. Trong phạm vi chi phối của mình, tôi chỉ cố gắng khích lệ sự tử tế và lương thiện, thấy rác thì cố nhặt lên vứt đi, dù biết rác nhiều, quét, nhặt không xuể. Chính vì vậy, tôi luôn thấy mình cực nhọc - cực nhọc cả với những chuyện mà người khác thấy không có vấn đề gì phải bận tâm, vì “thiên hạ thế cả mà”. Do bị chìm vào quá nhiều việc linh tinh trong một môi trường cũng khá “linh tinh”, tôi đã không có được một tư cách chuyên gia đúng nghĩa trong lĩnh vực hoạt động của mình, như cần phải có. Phần lớn những người khen tôi không hiểu được, chia sẻ được cái mặc cảm sâu xa này của tôi. Dù sao, tôi cũng đã không nề hà giúp đỡ học sinh hay đồng nghiệp của mình trong khả năng có thể, không cần thủ giữ cái gì riêng cho mình để hòng “xác lập vị trí”, hỗ trợ cho sự “thể hiện”, khoe mẽ.


Nhiều người không/ ít đọc sách nói chung, sách văn học nói riêng nhưng họ vẫn có vẻ rất thành đạt, tử tế. Vậy, theo ông, có nên “giải thiêng” văn chương không, nếu “giải” thì “giải” như thế nào cho công bằng, thoả đáng?
+ Theo tôi, trong các tiêu chí để xác định sự thành đạt - tử tế của một con người, không thể thiếu tiêu chí về đọc, trong đó có đọc văn học. Lúc nào đó, một người “tưởng là thành đạt” có thể nghĩ mình không cần biết gì về văn học cũng không sao. Nhưng tôi tin, nếu họ “tử tế” thật sự, họ sẽ tự thấy đó là một khiếm khuyết cần phải bù đắp, bằng một cách thích hợp, phù hợp với điều kiện sống và làm việc của họ. Sự cần thiết của văn chương đối với đời sống của con người là điều đã được khẳng định từ xưa, có lẽ không cần phải xét lại. Những câu hỏi kiểu “thơ văn cần thiết cho ai?” sự thực chắc không biểu lộ thái độ nghi ngờ về lẽ tồn tại (mang tính tuyệt đối) của văn chương, mà thể hiện sự dằn vặt về nỗi văn chương chưa làm được điều đáng phải làm. Dằn vặt để thêm nỗ lực sáng tạo với định hướng phục vụ con người (không hiểu theo nghĩa thực dụng) chứ không phải để vứt bỏ văn chương. Tất nhiên, luận điểm nêu trên thường vẫn bị một số người bất tài và bất thiện sử dụng để huênh hoang, tự sướng. Chính hiện tượng này mới cần được “giải thiêng”, thậm chí “bóc mẽ”. Cũng trên vấn đề này, cần có cái nhìn lí tính hơn, không nên ngoắc vào văn chương quá nhiều sứ mệnh. Văn chương rất cần, nhưng nó không phải là tất cả cuộc đời. Nên cảnh giác với những kiểu trao sứ mệnh lớn lao cho văn chương, vì lúc đó văn chương đang thực sự bị lợi dụng. Một khi bị lợi dụng, văn chương không còn là văn chương, nó bị “rớt giá” một cách khủng khiếp. Bây giờ phải nghe đi nghe lại mấy cái mệnh đề như “văn chương có chức năng nhân đạo hóa con người” hay “văn chương chân chính luôn hướng thiện”… tôi rất dị ứng, vì tôi ngửi thấy mùi a dua và sự toan tính (các kiểu) trong đó. Với trường hợp này, cần chỉ ra những động cơ phát ngôn khác nhau nấp sau những mệnh đề được viện dẫn vốn vô tội và khá có lí.


Văn chương giúp người ta nhìn sâu hơn vào đời, sống sâu hơn với đời. Nhưng hình như người trót đời thì chán đời, người ảo ngộ về đời thì yêu đời. Khả năng hoá giải lí tưởng nhất của văn chương là gì, theo ông?
+ Tôi cho rằng đừng quá tin phát ngôn vào một lúc nào đó của ai đó rằng họ chán đời hay yêu đời. Bản thân hai từ đó không thể ôm hết những “nội dung” mà người nói muốn diễn tả. Trong chán đời vẫn có yêu và trong yêu đời vẫn có chán, thậm chí rất chán. Thấy đời đáng chán hay đáng yêu, suy cho cùng, hai thái độ đó cũng chỉ xuất phát từ một nhận thức giống nhau về cái gọi là “tồn tại”, với cái nhìn cạn, hẹp. Từ “đáng thương” có thể được được dùng cho cả hai “chủ thể” này. Điều rất quý mà văn chương có thể làm được là giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ, thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, sau khi nó đã phơi trải dưới mắt ta toàn bộ cái mà ta thường vẫn gọi là sự phức tạp của con người, của cuộc đời.


Trân trọng cảm ơn ông. Chúc ông luôn có được cái tâm thế sống an nhiên, tự chủ này, để lại đồng hành nhiều hơn cùng văn chương.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *