Chân dung văn

5/10
8:54 AM 2019

VẬN DỤNG CÁC LÝ THUYẾT VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY TRONG PHÊ BÌNH, NGHIÊN CỨU TRUYỆN KIỀU

Trịnh Bá Đĩnh-Các lý thuyết lớn như phê bình văn hóa - lịch sử, phê bình phân tâm học, phê bình Macxit, cấu trúc luận, thi pháp học đều đã được vận dụng để phân tích Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong giới phê bình văn học Việt Nam có một định niệm bất thành văn như sau: anh sẽ chưa được thừa nhận là nhà phê bình hạng nhất nếu chưa chứng tỏ khả năng trong phê bình Truyện Kiều.

 

Tiếp nhận lí luận văn học phương Tây ở Việt Nam là một đề tài rộng lớn, cần nhiều cuộc trao đổi, nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu. Bài viết này của tôi giới hạn sự xem xét ở câu chuyện các nhà phê bình, nghiên cứu văn học của chúng ta đã tiếp thu, vận dụng các lí thuyết và phương pháp phê bình, nghiên cứu (từ đây sẽ gọi chung là phê bình) văn học tiếp nhận từ phương Tây để tìm hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Du như thế nào.

Vấn đề khá hẹp, nhưng tôi nghĩ nó là then chốt, phản ánh tập trung thực tế tiếp nhận, lí luận, phê bình văn học phương Tây ở Việt Nam. Lí do là vì Truyện Kiều, tác phẩm ưu tú nhất của văn học Việt Nam, cho đến hiện nay vẫn là “bãi thử” của những phương pháp phê bình mới, là “bộ máy” để “kiểm tra sức khỏe” những vị - khách - lý - thuyết đến từ phương Tây.

Các lý thuyết lớn như phê bình văn hóa - lịch sử, phê bình phân tâm học, phê bình Macxit, cấu trúc luận, thi pháp học đều đã được vận dụng để phân tích Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong giới phê bình văn học Việt Nam có một định niệm bất thành văn như sau: anh sẽ chưa được thừa nhận là nhà phê bình hạng nhất nếu chưa chứng tỏ khả năng trong phê bình Truyện Kiều.


Xin đi vào nội dung chính:
Phê bình văn học hiện đại Việt Nam mới có cách nay khoảng một thế kỷ, các bài khảo cứu về thể loại văn học trên tạp chí Nam Phong (1917-1934) ghi nhận một thời điểm chắc chắn sự có mặt của lý luận phê bình hiện đại. Có thể nói, phê bình văn học Việt Nam ra đời cùng với việc đọc văn học theo lối phương Tây, là sự tiếp cận văn chương theo các lý thuyết văn học của châu Âu thế kỷ XIX. Những cái tên như G.Lanson, H.Taine, S.Beuve, Plekhanov... không xa lạ gì với các nhà phê bình văn học Việt Nam ở đầu thế kỷ XX. Lối viết lịch sử văn học kiểu G.Lanson được các trí thức tây học biết rõ ngay từ trong nhà trường, phê bình tiểu sử của S.Beuve rất được ưa chuộng và được thực hành qua các công trình của Lê Thước, Trần Thanh Mại... Trong số những nhà phê bình vận dụng các lý thuyết phương Tây để phê bình văn học ở giai đoạn trước 1945 đáng chú ý hơn cả là Nguyễn Bách Khoa vì ở ông thể hiện sự hào hứng, mới mẻ, cả sự thô sơ của “thưở ban đầu”. Mỗi cuốn sách chuyên khảo của ông là sự vận dụng một (hay một vài) lý thuyết phê bình phương Tây để phân tích văn học dân tộc: Nguyễn Du và Truyện Kiều dùng phân tâm học của Freud và phê bình văn hóa - lịch sử của H.Taine, Kinh thi Việt Nam được ông phân tích theo quan điểm tâm lí cộng đồng, Tâm lý tư tưởng Nguyễn Công Trứ theo quan điểm Macxit và H.Taine...
Nguyễn Bách Khoa đọc rất nhiều các nhà khoa học phương Tây và vận dụng nhiều lý thuyết vào việc phê bình, không chỉ các lý thuyết văn học mà cả những lý thuyết khoa học khác: tâm lý học, thần kinh học, xã hội học... Đôi lúc số lượng trích dẫn lời của các nhà khoa học “kinh điển” có vẻ như quá mức. Ông định danh cho lối phê bình của mình là “phê bình khoa học” và giải thích rõ: Đó là cách phê bình trước khi tiếp cận đối tượng đã “có sẵn một hệ thống ý tưởng” (tức một lí thuyết). Khi nghiên cứu Nguyễn Du cũng như khi “nghiên cứu bất kỳ một sự trạng văn học nào” cũng vậy. Lối phê bình theo lý thuyết này đối lập với lối phê bình truyền thống: hoặc thiên về cảm thụ chủ quan, hoặc thiên về “phê bình phù phiếm”, như cách nói của ông, tức mô tả tỉ mỉ cái khéo trong việc đặt câu dùng chữ, tả người. Trong số các lý thuyết thì ba lý thuyết sau đây để lại dấu ấn đậm nét hơn cả trong các công trình của Nguyễn Bách Khoa: Thuyết chủng tộc - địa lý của H.Taine, phân tâm học của S.Freud và học thuyết của K.Marx về phân chia giai cấp và văn học phản ánh xã hội. Học thuyết của K.Marx được vận dụng triệt để  trong Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943), hai lý thuyết trên chủ yếu được vận dụng trong công trình Nguyễn Du và Truyện Kiều (1941). Lý giải Truyện Kiều theo phân tâm học Freud, Nguyễn Bách Khoa cho rằng sinh lực, lòng ham sống và khí phách cá nhân của Nguyễn Du do di truyền huyết thống và địa phương tính tạo nên, bị ý thức hệ nho giáo của đẳng cấp nho sĩ mà ông là một thành viên dồn ép vào tiềm thức. Vì vậy, giữa ý thức hệ và tiềm thức luôn xung đột nhau và làm nên “tấn bi kịch của tâm hồn” cũng tức là tâm sự sâu thẳm của Nguyễn Du. Phê bình Truyện Kiều là chỉ ra những biểu hiện của tâm sự sâu thẳm này trong tác phẩm.
Nguyễn Bách Khoa còn lý giải Nguyễn Du và văn chương Truyện Kiều theo quan điểm của nhà phê bình văn học Pháp H.Taine. Trong cuốn La Fontaine và thơ ngụ ngôn của ông (La Fontaine et ses fables), H.Taine cho rằng có thể qua ba yếu tố nòi giống, hoàn cảnh địa lí và thời điểm lịch sử nhà văn sống để lý giải mọi sự bí ẩn của văn chương. Học tập Taine, Nguyễn Bách khoa lý giải rằng chất thơ hào hùng và trữ tình say đắm trong Truyện Kiều có được là do cá tính Nguyễn Du được cấu tạo nên bởi hai yếu tố thuộc huyết thống là chí cương cường của người Nghệ Tĩnh (từ người cha) và tinh thần mẫu hệ của văn hóa Bắc Ninh (từ người mẹ).
Phê bình khoa học của Nguyễn Bách Khoa bị phản ứng dữ dội từ các nhà phê bình theo lối truyền thống, và phê bình ấn tượng, nhất là Hoài Thanh. Bị phê phán mạnh nhất là quan điểm của Nguyễn Bách Khoa cho rằng “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh”, một hội chứng trầm cảm và ảo giác (hysterie). Trong phê bình văn học, Nguyễn Bách Khoa có những phát hiện mới, có ảnh hưởng rộng, nhưng cũng dễ chỉ ra các sai lầm của ông, những sai lầm này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ở việc ông sử dụng lý thuyết phương Tây một cách cứng nhắc, như một bộ công cụ, bộ đồ nghề để làm việc với các hiện tượng văn học Việt Nam, không thấy những giới hạn của mỗi lý thuyết phê bình. Ngoài ra, có lẽ cũng còn do tư tưởng “duy khoa học” quá mức và cảm quan thuộc địa trong phê bình văn học của ông.
Ở thời kì thứ hai của lịch sử phê bình hiện đại Việt Nam (1945-1980) tôi muốn lưu ý đến nhà phê bình Lê Đình Kỵ với công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970). Thời kỳ này ở Miền Bắc, rồi sau 1975 là cả nước, tinh thần chung là chống các “lý thuyết tư sản”, phê bình hoàn toàn theo lý luận mỹ học Macxit được tiếp thu từ Liên xô, đặc biệt là phê bình các phương pháp nghệ thuật: Phương pháp nghệ thuật cổ điển chủ nghĩa, phương pháp nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa, phương pháp hiện thực chủ nghĩa, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa... Theo quan điểm ấy, mỗi tác phẩm được sáng tác theo một phương pháp nghệ thuật nhất định. Truyện Kiều, theo Lê Đình Kỵ, cơ bản là tác phẩm hiện thực chủ nghĩa (realism).
Trong thập kỷ sáu mươi, Lê Đình Kỵ là một hiện tượng trong đời sống lý luận phê bình văn học, người truyền bá tích cực nhất lý thuyết về các phương pháp nghệ thuật. Ông tham gia dịch nhiều sách lí thuyết văn học bằng tiếng Nga, là tác giả của Tập IV, Các phương pháp nghệ thuật, thuộc bộ giáo trình Những nguyên lý lý luận văn học. Năm 1970 Lê Đình Kỵ cho ra mắt chuyên khảo nổi tiếng Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, đỉnh cao nhất trong sự nghiệp phê bình văn học của ông. Là một nhà lý luận văn học, một giáo sư chuyên giảng các khóa trình về phương pháp nghệ  thuật, Lê Đình Kỵ còn (mà có khi trước hết) là một nhà phê bình rất nhạy cảm đối với cái đẹp văn chương và có lối văn uyển chuyển lôi cuốn. Về phương diện này, nhiều chỗ cây bút phê bình Lê Đình Kỵ có thể sánh ngang với Hoài Thanh. Trước một câu thơ tưởng như rất “bình thường”, ông vẫn gọi ra được một ý nghĩa bất ngờ, thú vị. Trong câu thơ của Nguyễn Du nói về việc Thúy Kiều thoát khỏi lầu xanh Tú Bà để về ở với Thúc Sinh: Gót tiên thoắt đã thoát vòng trần ai, nhà phê bình nghe thấy “tiếng reo mừng” của “con người được giải phóng”: Câu thơ tả đêm động phòng hoa chúc của Kim-Kiều trong “màn tái hồi”: Động phòng dìu dặt chén mồi/ Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa, ông thấy “một không khí chua chát bao trùm”, “một cái gì đổ vỡ không phương cứu chữa”. 
Những cảm nhận cực tinh tế như vậy về tâm ý nhân vật, về các thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Du ta có thể gặp khắp nơi trong công trình này. Chúng đã cứu được cuốn sách khỏi sự tầm thường và lãng quên như bao công trình phê bình phương pháp sáng tác thời ấy. Bởi vì lấy cái sơ đồ lý thuyết về văn học hiện thực chủ nghĩa thế kỉ XIX ở phương Tây áp dụng vào một tác phẩm thời trung đại như cách làm của ông ở đây là không thích hợp. Trong công trình vẫn thấy những nguyên tắc đánh giá của chủ nghĩa hiện thực như: miêu tả bức tranh xã hội của thời đại, chi tiết chân thực, hoàn cảnh điển hình và nhân vật điển hình..., cái khung lý thuyết chung thì vẫn thế, nhưng luôn có tình trạng “vượt khung”, vượt khung vì ông say mê cái đẹp nghệ thuật, coi trọng thực tế tác phẩm, ngưỡng mộ thiên tài Nguyễn Du. Lê Đình Kỵ áp dụng lý thuyết nhưng không hoàn toàn lấy tác phẩm làm sự minh họa cho lý thuyết, “không vì lý thuyết mà quên mất thực tiễn” (tác phẩm). Nếu có sự không tương ứng giữa lý thuyết và tác phẩm, không phải bao giờ ông cũng dễ dàng lựa chọn lý thuyết. Vấn đề Truyện Kiều có phải được sáng tác theo phương pháp nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa không đã khiến ông đắn đo rất nhiều. Ông viết hẳn một chương sách rất hay về cái gọi là “Những ràng buộc của mỹ học đương thời” nhằm chỉ ra những “khiếm khuyết” của phương pháp hiện thực chủ nghĩa trong Truyện Kiều. Ở đây những phát hiện về lối nhìn và các nguyên tắc nghệ thuật của văn học cổ điển rất có giá trị. Theo nhà phê bình Huỳnh Như Phương thì về cuối đời ông muốn đổi tên cuốn sách là Truyện Kiều - đỉnh cao nghệ thuật. Điều ấy cho thấy ông muốn từ bỏ cái gọi là “chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều”.
Từ thập kỉ 80 đến nay, cùng với việc “mở cửa”, với phong trào “Đổi mới”, các lý thuyết văn học phương Tây được giới thiệu ở Việt Nam ngày càng nhiều. Một số xu hướng nổi bật: Phê bình ngôn ngữ học, Phê bình sự đọc, phê bình tâm lý học, phê bình thi pháp học. Trong việc tìm hiểu Truyện Kiều lối tiếp cận Ngôn ngữ học và Thi pháp học được vận dụng thành công hơn cả. Đó đều là lối tiếp cận những nguyên tắc tổ chức tác phẩm/văn bản. Văn học phương Đông giàu tính quy phạm và tượng trưng nên là đối tượng thích hợp cho các nghiên cứu theo những hướng lí thuyết này.
Trước hết nói về công trình của Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Phan Ngọc là một nhà bách khoa (hình như là nhà bách khoa cuối cùng của chúng ta) kiểu như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn... Ông vừa là nhà ngôn ngữ học, nhà phê bình văn học, nhà sử học, nhà văn hóa học, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng, dịch giả nổi tiếng thông hiểu nhiều ngôn ngữ và văn học cả phương Đông lẫn phương Tây. Cuốn chuyên khảo về Truyện Kiều được ông viết trên nền tảng một kiến thức tổng hợp, liên ngành, nhưng cốt lõi là lí thuyết cấu trúc. Là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, các lý thuyết ngôn ngữ làm nền tảng cho phê bình văn học thế kỉ XX của các nhà ngôn ngữ học phương Tây như F.de Saussure, R.Jakovson, N.Troubetskoy... không xa lạ gì với ông, hơn nữa ông còn tiếp nhận rất chủ động, có đánh giá. Ông coi các lý thuyết chỉ là những kiến thức như các kiến thức khác cần được đánh giá, nhào nặn lại để hình thành nên một phương pháp riêng thích hợp cho việc nghiên cứu một đối tượng cụ thể. Cuốn chuyên khảo về Truyện Kiều của ông không giống với bất kỳ cuốn chuyên khảo nào trên thế giới. Tuy vậy về cốt lõi nó chịu nhiều ảnh hưởng của thuyết cấu trúc. Mục tiêu của nhà phê bình ở đây là tìm hiểu đặc trưng nghệ thuật riêng biệt mà ông gọi là “phong cách Nguyễn Du”. Phan Ngọc viết “Đặc trưng ấy là tính thống nhất hữu cơ của các bộ phận trong một chỉnh thể, hay nói khác đi, tính cấu trúc của nó. Tính cấu trúc của phong cách biểu lộ ở chỗ chỉ nhìn một bộ phận ta đoán biết được toàn thể... chỉ cái gì mang tính cấu trúc chặt chẽ đến như vậy thì cái đó mới có phong cách”. Những lời như thế hiển nhiên là rất quen thuộc với nhà cấu trúc luận ở bất kỳ đâu trên thế giới. Phan Ngọc cũng phân tích Truyện Kiều theo hai trục đồng đại (synchronie) và lịch đại (diachronie), cũng coi ngôn ngữ như một hệ tín hiệu gồm hai mặt là hình ảnh âm thanh và khái niệm (nghĩa). Từ đó ông không tách tác phẩm ra thành hai phần là nội dung và hình thức để xem xét như cách làm của các nhà phê bình Việt Nam cho tới lúc đó, mà “khi nói đến nội dung thì nói luôn cả cách hình thức hóa nội dung, và ngược lại khi nói đến hình thức thì nói luôn hình thức này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung đã chọn”. Như vậy, nội dung là nội dung được xây dựng theo một hình thức nào đấy, hình thức là hình thức riêng của một nội dung nhất định. Với lý thuyết mà Phan Ngọc gọi là phong cách học này, ông đã có nhiều phát kiến về nghệ thuật Truyện Kiều như: cách tự sự của Nguyễn Du, Truyện Kiều - một tiểu thuyết tâm lý, bố cục theo lối của nghệ thuật kịch... Các nhà phê bình theo cấu trúc luận thường bị phê phán là chỉ bó hẹp vào việc phân tích văn bản, tách văn bản khỏi môi trường mà nó tồn tại, coi văn bản có ý nghĩa tự nó. Phan Ngọc trong công trình này không mắc nhược điểm ấy. Khi phân tích Truyện Kiều, ông luôn đặt văn bản trong cấu trúc văn hóa của thời đại. Nguyễn Du, không cắt đứt văn bản khỏi tiến trình văn học Việt Nam và Đông Á cho đến lúc ấy. Phương pháp cấu trúc và phương pháp lịch sử bổ trợ nhau. Công trình không phải là không có thiếu sót, nhưng tôi vẫn xem đây là một kiểu mẫu của cách vận dụng các lý thuyết phương Tây vào phê bình văn học Việt Nam. 
Công trình tiêu biểu thứ hai là cuốn Thi pháp Truyện Kiều của nhà lý luận, nhà thi pháp học Trần Đình Sử. Năm 1981 bài viết Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Du của Trần Đình Sử đăng trên Tạp chí văn học (số 5) được giới nghiên cứu văn học chú ý và đánh giá cao cách tiếp cận mới mẻ đối với tác phẩm văn học. Đó là tiếp cận thi pháp học hiện đại. Trần Đình Sử có một thời gian khá dài làm Nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Ở thời kỳ đó nghiên cứu và lý thuyết thi pháp học đang được giới ngữ văn học Liên Xô triển khai rộng rãi. Các công trình thi pháp học của M.Bakhtin, M.Likhachev, Meletinski…chắc là có ảnh hưởng đối với quan điểm nghiên cứu của ông: thời gian và không gian nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người, thế giới nghệ thuật của tác phẩm…, các phạm trù đó đã khá phổ biến trong sách nghiên cứu văn học ở Liên Xô những năm 60, 70. Trần Đình Sử đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào việc diễn giải văn học Việt Nam trung đại và hiện đại, nổi bật nhất là công trình phân tích thi pháp Truyện Kiều. Trần Đình Sử phát hiện ra “thời gian gấp gáp trong Truyện Kiều”, “cách kể chuyện của Nguyễn Du”, “mô hình tự sự” của tác phẩm. Công trình soi sáng nhiều phương diện của tác phẩm/văn bản này, phần nào cả các phương thức tồn tại và ảnh hưởng của nó trong văn hóa, văn học dân tộc. Cũng như ở công trình của Phan Ngọc, trong công trình của Trần Đình Sử khi phân tích các phương thức tổ chức văn bản nghệ thuật, nhà nghiên cứu cũng xem xét văn bản trong ngữ cảnh (context) văn hóa mà nó sinh thành, tồn tại.
Để kết thúc bài viết này, từ câu chuyện tiếp cận Truyện Kiều bằng các phương pháp phê bình văn học được tiếp thu từ phương Tây, tôi xin đưa ra hai khuyến cáo sau đây:
1/ Cần thấy giới hạn của các lí thuyết phê bình văn học, nghệ thuật: cho đến nay, mỗi lý thuyết đều nhằm nhấn mạnh vào một yếu tố nào đấy của văn học: hoặc nhà văn (phê bình tiểu sử), hoặc văn bản (cấu trúc luận, phê bình Mới...), hoặc người đọc (lý thuyết tiếp nhận), hoặc vào môi trường ngoài văn bản (lý luận của Taine, lý luận Macxit...). Mỗi lý thuyết có một thế mạnh nhất định, song cũng có giới hạn, còn “một phương pháp tổng hợp còn chưa được tìm ra”, như cách nói của nhà hình thức luận Nga Yu. Tynianov. Chúng ta nên nắm được nhiều lý thuyết để tuỳ từng trường hợp cụ thể, theo những yêu cầu nhất định mà ta sử dụng phương pháp phê bình này hay khác.
2/ Không nên tiếp thu nguyên xi một mô hình lý thuyết nào đấy, rồi sử dụng các nguyên tắc của nó như một bộ công cụ có sẵn để phê bình văn học dân tộc. Cần coi các lý thuyết như các kiến thức, như các mách bảo cho nhận thức, kết hợp với các kiến thức khác và kinh nghiệm để tự thiết lập nên một phương pháp phù hợp nhất với đối tượng và những mục tiêu đặt ra./.

Nguồn Văn nghệ số 40/2019

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *