Chuyện văn chương

16/5
4:18 PM 2019

MỘT ĐỜI LÍNH- MỘT NGHIỆP THƠ

Đỗ Ngọc Yên-Nhà thơ Lê Văn Vọng đến với văn chương khá sớm. Ngay từ bài thơ đầu tiên được in năm 1969, cái tên Lê Văn Vọng đã được nhiều người chú ý. Ông từng xuất bản các tập thơ: Cánh rừng và ngọn gió (in chung, 1982); Đến với tình yêu (1984); Mía ngọt cho ai (2004); Cơn lốc xanh (trường ca, 2002); Văn xuôi: Nợ trần gian, Có một người con gái, Đêm trắng, Thung lũng cánh diều, Năm tháng chưa xa, Hạt mưa xuân (2009).

                                                     Nhà thơ Lê Văn Vọng

Ông từng đoạt các giải thưởng văn chương cao quý như: Giải nhất Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm 1976-1977 cho tập thơ Người của hôm nay. Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2000- 2005) cho tập thơ Mía ngọt cho ai,...

 

Tập sách Lê Văn Vọng - Thơ giống như một cuốn hồi ức bằng thơ của một người lính chiến trường thời chống Mỹ, cứu nước. Năm 1975, ông từ chiến khu miền Đông Nam Bộ, trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Nay trở về với cuộc sống đời thương cũng nghiệt ngã và bất trắc không kém. Dù không còn bom rơi đạn nổ, những cuộc hành quân xuyên ngày đêm hay những cơn sốt rừng dai dẳng, nhưng vẫn còn đó những đêm thức trắng với nhiều nỗi niềm đau đáu, sẻ chia mà người thơ đành chong mắt, nuốt nghẹn vào trong như là minh chứng cho một sự lực bất tòng tâm. Nó lại vừa như một thiên ký sự, ghi chép về những vùng đất mà ông từng đi qua khắp trên mọi miền của Tổ quốc Việt Nam hay là những cảnh huống và con người từng gặp với ít nhiều ấn tượng, cảm xúc, khiến ông phải viết về họ.

Hai chủ đề xuyên suốt tập sách là tình đồng chí, đồng đội, những người lính trong cuộc trường chinh vào những năm tháng chống Mỹ, cứu nước hào hùng, nhưng cũng không kém phần bi thương của cả dân tộc để giành độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ và tình cảm với quê hương, đất nước, gia đình, người thân, bạn hữu làm Lê Văn Vọng phải đau đáu, bận tâm suốt đời.

Có thể nói ở thế hệ nhà thơ chống Mỹ, cứu nước như Lê Văn Vọng, dường như ai cũng mang trong mình hai nguồn mạch ấy, như dòng cảm hứng chủ đạo, làm điểm tựa chính cho tinh thần chiến đấu với khát vọng sống cho quê hương, đất nước và cũng là cú hích đầy mãnh lực trong quá trình sáng tạo thơ ca. Có chăng chỉ là khác nhau ở ngôn ngữ thể hiện và giọng điệu thơ. Vì thế, các thế hệ nhà thơ chống Mỹ đã làm nên một dàn đồng ca hết sức phong phú và đa dạng về phong cách, vừa hào sảng như những bản hùng ca, vừa bay bổng, lãng mạn như những bản tình ca của một thời đạn bom và cả những ngày hòa bình.

Ngay sau cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa mới kết thúc thắng lợi, năm 1975, thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Bắc và Tây Nam do chính người mới giúp chúng ta đánh Mỹ hôm nào, giờ đem quân xâm lược Việt Nam lại bắt đầu. Những người lính đánh Mỹ của thế hệ ông chưa kịp nghỉ ngơi đã buộc phải xốc lại đội ngũ để bước vào một trận chiến mới, ngoài mong đợi: Những người lính chưa kịp thay áo trận/ Lại bước vào trận đánh chẳng hề mong/ Sự phản bội còn nguy hơn gươm súng/ Không thể đứng yên khi kẻ cướp đốt làng.

Dù là vậy, những người lính không thể vì bất cứ lý do gì mà đứng nhìn kẻ cướp đốt làng và cướp đất: Những người lính chúng tôi/ Sẵn sàng chết cho vẹn toàn Tổ Quốc/ Sẽ quyết tử để giữ từng tấc đất/ Đất nước ơi yêu Người đến cạn lòng. (Tổ quốc và người lính). 

Đây vừa là tâm nguyện riêng của người lính Lê Văn Vọng, nhưng cũng là tâm nguyện chung của cả một thế hệ đã không tiếc máu xương, quyết giành cho được độc lập tự do cho Tổ Quốc. Và hơn thế nó còn là tâm nguyện của hàng triệu người con đất Việt khi Tổ Quốc bị xâm lăng giày xéo.

Bài thơ không dài cũng không mới về ngôn ngữ thể hiện, giọng điệu hay cấu tứ, nhưng nó đã nói được cái mà hàng triệu người cần nói một cách chân thực nhất và đầy xúc động, nên đã đến thẳng được trái tim người đọc. Nhiều khi một bài thơ hay chỉ cần như một mũi tên bắn thẳng vào hàng triệu trái tim đang ngủ yên, buộc nó phải tỉnh thức, đứng dậy cầm súng trước vận mệnh của Tổ Quốc đang lâm nguy.

Ba tư cách: công dân, người lính chiến và nhà thơ ở Lê Văn Vọng dường như chỉ là một. Đấy là nghĩa tình với đồng đội và trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân. Chiến dịch 81 ngày đêm quyết tử ở thành cổ Quảng Trị, dù đã lùi xa 33 năm (1972-2005) và mảnh đất này nói riêng và cả nước nói chung đã có hòa bình, cuộc sống mới dần hồi sinh, nhưng khi trở lại thăm thành cổ, Lê Văn Vọng đã vượt lên trên tư cách một người lữ hành đến để chiêm ngưỡng chiến công mà những người lính năm xưa đã lập nên nơi đây. Đến để nói lời hoa mỹ, ngắm trời Quảng Trị, đi tìm kiếm niềm vui hay mua danh bán lợi,... điều ấy, ông đã khẳng định dứt khoát rằng: Không!/ Tôi đến đây để đừng bao giờ quên mùa hè 1972 Thành Cổ/ Những đoàn binh ra đi không trở về/ Những chàng trai đem tuổi xuân nhóm lửa/ Cháy suốt 81 ngày đêm Quảng Trị ơi!/…/ Tôi đến đây để đừng bao giờ làm kẻ vong ân/ Và người hèn nhát (Trước thành cổ Quảng Trị).

Tình cảm và suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào máu thịt của phần đông các thế hệ những người lính chiến Việt Nam qua các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay, như một mặc định, cho dù lúc này, lúc khác, người nọ, người kia có khi thay lòng, đổi dạ, chuyển hướng hay lầm lạc, nhất là khi cuộc sống có hòa bình và sung túc hơn về vật chất, cũng không thể nào xóa nổi mặc định ấy.

Đành rằng trong chiến tranh, chuyện gì cũng đều có thể xảy ra, thắng có mà bại cũng có, được có mà mất mát cũng không hề là nhỏ. Vấn đề là hậu thế có đủ tầm độ và bản lĩnh để công bằng với tiền bối hay không. Với một bài thơ không dài, cũng không phải là mới, lạ, nhưng Lê Văn Vọng với tư cách là người đã từng vượt thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và may mắn còn sống sót, trở về đã nói được nhiều điều mà những người có chung số phận như ông, được sống sót cần phải khẳng định một cách chắc chắn với những người đã vĩnh viễn, nằm lại cùng cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị nói riêng và trên khắp các chiến trường Nam-Bắc Việt Nam nói chung trong những năm tháng đánh Mỹ rằng, chúng tôi không và không bao giờ là những kẻ vong ơn, bội nghĩa.

Tập sách gồm khoảng 130 bài, thì đã có khoảng 25 bài, chiếm khoảng gần 20% số bài viết trực tiếp hay liên quan đến người lính, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng như: Chiếc áo màu xanh, Chuyện người Tư lệnh, Tết ở Trường Sa, Nhớ bạn, Chiều sân ga, Tìm con, Đường Hồ Chí Minh, Để ngày mai anh về, Với rừng, Viếng mộ, Tổ quốc và người lính, Con đường rừng năm ấy, Những người lính và ngày 30-4,... với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhiều trăn trở, nghĩ suy của người lính từ cuộc chiến trở về. Những bài thơ viết về mảng đề tài này có thể khác nhau về cấu tứ, những khoảnh khắc tâm trạng cụ thể, những góc nhìn đa chiều, nhưng giọng điệu và ngôn ngữ thể hiện vẫn chỉ là một phong cách thơ của Lê Văn Vọng không trộn lẫn với bất kỳ ai: lặng lẽ mà giản dị, chân thật, ôn tồn mà không kém phần riết róng, kể chuyện đời thường mà vẫn đầy ắp những triết lý nhân sinh.

Để có thể cân đo, đong đếm tầm độ và bản lĩnh của một phong cách thơ, có khi phải đọc nhiều bài, nhiều tập, thậm chí là cả một đời thơ, nhưng tựu chung điều ấy lại chỉ đọng lại ở một, hai bài hoặc một hai câu, mà giới lý luận- phê bình thường gọi là điểm nhấn, điểm sáng trong thơ, là đủ. Nếu đúng là như vậy thì chỉ cần đọc hai bài Tổ Quốc và người lính và Trước thành cổ Quảng Trị của tập sách này, ta có thể hình dung ra những nét chính về tầm độ và bản lĩnh thơ của Lê Văn Vọng.

*

Ở mảng chủ đề viết về quê hương, đất nước, tình phụ, mẫu tử, người thân, bạn bè và những người, những cảnh vật ngẫu nhiên nhà thơ bắt gặp có phổ diện rất rộng, bao quát phần lớn tập sách. Với một giọng thơ nhu mì, thủ thỉ như là tâm sự giữa hai người với nhau hay giữa người sống và người đã khuất, nhưng phía sau những tâm sự ấy người đọc vẫn có thể cảm nhận được sự chất chứa nghĩa đời, tình người, nhất là đối với các bậc sinh thành ra mình, cùng những đứa con yêu mình dứt ruột đẻ ra và với nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Với quê hương, nhà thơ Lê Văn Vọng có những bài viết trực tiếp đầy cảm kích như: Sông Yên, Sông Yên và tôi, Vùng quê yêu thương, Làng tôi,... Chỉ cần từng ấy bài thôi cũng đủ để người đọc thấu tỏ được tình nghĩa sâu nặng của ông đối với vùng quê nghèo Hải Châu: Tôi với làng từng đã bao phen/ Uống cạn chén thề lách qua khe cửa hẹp/ Của đạn bom, mất mùa bão xát/ Của nỗi đau trần thế những mái nghèo... Đấy chính là cái làng nằm cạnh sông Yên, mặt hướng ra biển Đông, lưng tựa vào cánh đồng của Lê Văn Vọng. Vì thế mà làng với ông trở thành đôi bạn tâm giao, tri kỷ: Tôi có làng, làng cũng có tôi/ Hai số phận không rời nhau nửa bước/ Tôi đi xa, gói làng trong tâm thức/ Bóng đa còm, tỏa kín giấc mơ đêm... (Làng tôi).     

Đấy còn là một vùng quê ngoại thuộc xã Công Liêm, huyện Nông Cống nghèo đến mức như không thể nghèo hơn được nữa, nhất là trong những ngày giáp hạt thời bao cấp, sau chiến tranh chống Mỹ vào giữa cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng nhà thơ vẫn một đời gắn bó máu thịt, thủy chung: Bát cơm mẹ tôi ăn/ Sắn khoai chèn hạt gạo/ Như nuốt vào giông bão/ Mẹ vì con một đời/.../ Cho tôi về Công Liêm/ Tháng, năm này để nhớ/ Để lòng càng gắn bó/ Với mảnh đất quê nghèo. (Vùng quê yêu thương).

Nghĩ đến người cha quá cố mỗi khi đông về, gió buốt, tâm tưởng nhà thơ lại hướng về chỗ yên nghỉ của người cha ngoài cồn quê rất chân thật và đầy xúc động: Thưa cha/ Hà Nội đêm nay trở gió/ Trời âm u, không khí lạnh tràn về/ Con bỗng thấy lòng mình đau nhói/ Nơi cha nằm tê tái góc cồn quê...

Với người mẹ đã đi xa cách đây hai mươi năm về trước cũng là ngần ấy thời gian hình bóng mẹ với tấm lưng còng phải chống gậy, những cơn ho thấu đêm trường lạnh giá hay tiếng thổi lửa của người già mỏng như gió thoảng lo nấu cho con bát cơm độn khoai sắn ở vùng quê nghèo tỉnh Thanh, nghe sao buốt đến tậm tâm can: Mẹ ra đi thế mà đã hai mươi năm/ Hai mươi năm con không được nhìn tấm lưng còng của mẹ/ Con không được nghe tiếng mẹ ho đêm trường lạnh giá/ Hai mươi năm con không được nghe tiếng gậy mẹ chống trên nền nhà/ Hai mươi con không được nghe tiếng mẹ thổi lửa mỏng như gió thoảng/ Nấu cho con bát cơm độn đầy khoai sắn khi con về/ Con không được nhìn dáng mẹ ngồi giã trầu bằng cái vỏ đạn 20 li...

Dẫu chiến tranh dần lùi xa, nhưng với người lính luôn phải xa nhà vì nhiệm vụ, nhiều lúc nỗi nhớ vợ, thương con còn khó vượt qua hơn là ghềnh thác, hiểm nguy: Lại qua nhà, bố không thể ghé thăm con/ Đường còn xa, mưa rừng và đói rét/ Biết gian khổ nhưng còn dễ vượt/ Hơn cái dốc nhớ con cao ngất trong lòng. (Nhớ con).

Vâng! Mọi dốc nhớ đều cao, nhưng dốc nhớ con thường cao nhất và cũng khó vượt nhất. Đấy là tâm sự rất thật của cá nhân nhà thơ Lê Văn Vọng trong khoảnh khắc người cha nhớ về đứa con thân yêu của mình, mà không thể về thăm được. Nhưng âu cũng là tâm sự chung của những người lính nhớ con trong khi đang làm nhiệm vụ nên đành phải chia xa, dù đấy là thời chiến hay thời bình…

*

Gia tài thơ của Lê Văn Vọng có thể không đồ sộ, hoành tráng như một số người, cũng không mạnh bạo cách tân theo xu hướng hiện đại như những ai đấy mà một thời được coi là hot trên thi đàn Việt. Nhưng bù lại điều đó, thơ Lê Văn Vọng đã in dấu ấn trong lòng bạn đọc gần nửa thế kỷ nay bởi một hồn thơ mang đậm dấu ấn cá nhân trong quá trình tạo tác nên sự cộng hưởng thống thiết và sâu nặng giữa cái tôi cá nhân nghệ sĩ với cái ta của Tổ quốc và nhân dân bằng một giọng thơ mộc mạc, chân tình nhưng không kém phần chất chứa những suy tư về thế thái, nhân tình của lòng người và lẽ đời.

Một đời lính - Một nghiệp thơ có được một khối tài sản tinh thần như nhà thơ Lê Văn Vọng quả là đáng trân quý xiết bao, bởi với không ít người nó vẫn là điều mơ ước và cố gắng cả đời mà đâu phải ai cũng có được./.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2019

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *