GÓC KHUẤT VỤ ÁN TẠI SỐ 9 NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP HÀ NỘI: BIẾN ĐẤT CÔNG SẢN THÀNH TÀI SẢN RIÊNG CỦA BÀ NGUYỄN THỊ NHỊ
(2 Văn bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp bà Nhị hợp thức hóa nhà đất công sản thành nhà đất tự quản để mua theo NĐ61/CP)
Việc gia đình bà Nhị đưa ra các văn bản mua nhà theo Nghị Định 61/CP,Giấy CNQSHNƠ, QSDĐ và Giấy phép xây dựng đã được “hợp thức hóa”, được tòa án lấy làm căn cứ “đè lên nguồn gốc đất công sản” của Hội Nhà văn Việt Nam. Góc khuất của việc bán nhà trái Nghị định 61/CP và việc cấp sổ đỏ cho gia đình bà Nhị trái quy định,chưa được công lý làm sáng tỏ, phiên tòa không tâm phục khẩu phục. Hội Nhà văn Việt Nam đã kháng cáo toàn bộ bản án số 03/2018/HCST, đề nghị TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm. Dư luận mong chờ một bản án công lý sáng tỏ luật pháp được nghiêm minh trả lại đất công sản cho Hội Nhà văn Việt Nam...
Nguồn gốc đất công sản rõ ràng ngôi nhà bình yên của Hội Nhà văn Việt Nam
Nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng TP Hà Nội là cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, ngôi nhà ấm áp, bình yên của giới văn chương cả nước. Trước năm 1990 tòa biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu, do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đầu tư xây dựng và quản lý, đây là nhà ở của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát (nhiệm kỳ 1982-1989), Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhiệm kỳ 1983-1988).
Biệt thự bao gồm một nhà chính 3 tầng, một dãy nhà phụ cấp 4 và sân vườn, tổng diện tích rộng 700m2. Năm 1990, sau khi cố Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát mất năm 1989 tại TP Hồ Chí Minh, toàn bộ căn biệt thự và khu đất 700m2 của số 9 Nguyễn Đình Chiểu được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý và sử dụng làm Trụ sở cơ quan Hội, tại Văn bản 3379.QT do ông Nguyễn Quỳnh, Cục trưởng Cục quản trị 1 ký ngày 15/10/1990 ghi rõ:
“Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã đồng ý giao Hội Nhà văn Việt Nam ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đầu tư xây dựng và quản lý (Công văn số 1131-QT ngày 14 tháng 4 năm 1990). Nay Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng chuyển giao quyền sử dụng và quản lý ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cùng toàn bộ sân vườn tổng diện tích khu vực 700m2 cho Hội Nhà văn Việt Nam…”
Biến tài sản công sang nhà tự quản để được mua nhà theo Nghị định 61/ CP
Trong Công văn số 3379.QT chuyển quyền sử dụng ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu cho Hội Nhà văn Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng không hề nhắc tới việc Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Quyết định số 84/QĐ-MTTW bố trí để bà Nguyễn Thị Nhị đến ở tại căn hộ có tổng cộng diện tích 30m2 tại biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu (theo bà Nhị đề nghị và được Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đồng ý vì bà Nhị là nhân viên cấp dưỡng “… để tiện việc phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát”).
Khi tiếp quản khối công sản này, tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn một số nhân viên từng phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát lưu cư lại tại khu nhà phía sau.
Năm 1990, Hội Nhà văn Việt Nam lập Dự án xây dựng thư viện và nhà bảo tàng 5 tầng ở phía sau căn biệt thự. Dự án được Nhà nước phê duyệt và cấp kinh phí. Để giải phóng mặt bằng, Hội Nhà văn đã đền bù cho một số nhân viên nói trên đi nơi khác. Riêng bà Nhị dứt khoát ở lại, không nhận tiền đền bù cũng như nhà ở. Lý do bà Nhị đưa ra là từ năm 1984, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã đồng ý.
Theo quy định của pháp luật thì biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu là công sản của Nhà nước do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng quản lý, giao cho Chủ tịch Nguyễn Tấn Phát ở khi ông còn công tác, khi ông mất gia đình ông đã trả lại biệt thự này cho Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Ông Huỳnh Tấn Phát không thể lấy tài sản công sản để cho bà Nguyễn Thị Nhị ở trên đất công sản như lý do bà Nhị đưa ra. Bản chất của Quyết định số 84/QĐ-MTTW là bố trí cho bà Nhị đến ở tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu để tiện cho việc phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, không phải là quyết dịnh phân nhà vì Mặt trận tổ quốc không phải là cơ quan quản lý khối tài sản này để có quyền phân nhà ở cho cán bộ nhân viên. Việc các cơ quan phân nhà cho cán bộ nhân viên thuộc nhà tự quản, trong trường hợp này biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu là công sản và không được phép phân nhà cho cán bộ nhân viên. Bà Nguyễn Thị Nhị khi không phục vụ Chủ tịch Nguyễn Tấn Phát nữa thì không có lý do gì để ở lại nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, mà phải chuyển ra khỏi biệt thự này, như những nhận viên lái xe phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã chuyển ra khỏi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu.
Để tiến hành thi công công trình, Hội Nhà văn Việt Nam đã thu xếp xây một căn hộ cấp 4, gồm 20m2 nhà ở và 6m2 diện tích phụ ở phần sân phía đường Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh tòa nhà chính để chuyển gia đình bà Nhị ra đó ở. Đây là giải pháp tạm thời mang ý nghĩa nhân văn trong khi Hội Nhà văn chưa tìm gia phương án di chuyển gia đình bà Nhị ra khỏi số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Văn bản thỏa thuận ngày 5/10/1991 không thể là quyết định phân nhà cho bà Nguyễn Thị Nhị theo quy định của pháp luật, không thể lấy biên bản thỏa thuận này làm căn cứ để bà Nhị được 26m2 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Vì những căn cứ trên năm 2002, bà Nhị làm đơn xin phép Hội Nhà văn Việt Nam (cơ quan đang quản lý khối công sản tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu) cho thay mặt ngói bằng mái bằng. Hội Nhà văn đồng ý để bà Nhị sửa chữa chống dột.
Như vậy sau năm 1990, khuôn viên số 9 Nguyễn Đình Chiểu đã được giao cho Hội Nhà văn quản lý thì gia đình bà Nhị ở tại khuôn viên này thuộc hiện lưu cư như Văn bản số 15726/BTC-QLCS ngày 18/11/2010 của Bộ Tài Chính gửi Hội Nhà văn Việt Nam nêu rõ: “Cơ sở nhà đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng đang quản lý, sử dụng hiện còn bà Nguyễn Thị Nhị lưu cư (do trước đây Hội Nhà văn tạm bố trí 1gian nhà cấp 4 diện tích 26m2 trong khuôn viên này) là cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Bộ Tài Chính đề nghị Hội Nhà văn phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, thực hiện di dời hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà đát tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà trưng có trách nhiệm hỗ trợ chi phí di dời cho bà Nhị theo quy định của pháp luật hiện hành".
Thế nhưng khi Hội Nhà văn và quận Hai Bà Trưng chưa kịp phối hợp để di chuyển hộ bà Nhị ra khỏi số 9 Nguyễn Đình Chiểu, thì trước đó 3 năm, ngày 11/7/2007, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Văn bản số 2314/MTTW-BTT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và Nhà đất Ban 61/CP, để gia đình bà Nhị được mua nhà đất công sản biến thành nhà ở tư nhân.
Văn bản 2314 nêu : “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phân cho bà Nguyễn một diện tích 30m2(chính 16m2, phụ 14m2) là nhà cấp 4 mái ngói tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu theo Quyết định phân nhà số 84/QĐ-MTTQ ngày 15/2/1984”.
Lật lại hồ sơ Quyết định số 84/QĐ/MTTW không có nội dung nào là Quyết định phân nhà mà chỉ có Quyết định V/v bố trí chỗ ở cho cán bộ và nhân viên.
Theo quy định của pháp luật, biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu là công sản thuộc quản lý của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Mặt trận Tổ quốc không có thẩm quyền phân nhà ở cho cán bộ nhân viên. Nội dung Văn bản 2314 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là không chuẩn xác, nhầm lẫn khái niệm giữa phân nhà với việc bố trí nhà ở cho cán bộ nhân viên, nhầm lẫn công sản Nhà nước với tài sản nhà ở tự quản do các cơ quan tự xây dựng. Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc đã biến việc bố trí nhà ở, thành việc phân nhà, biến tài sản công sản thành tài sản của các tổ chức và cá nhân theo dạng tự quản, để đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và Nhà đất Ban 61/CP, tạo điều kiện giúp đỡ để gia đình bà Nhị được hợp thức hóa và mua nhà theo Nghị định 61/CP của Thủ tướng Chính phủ, để gia đình bà Nhị được mua nhà đất công sản biến thành nhà ở tư nhân. Soi chiếu Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994, tại Khoản 1 và 3 Điều 5, thì biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu thuộc quy hoạch xây dựng trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam không được bán theo Nghị định 61/CP.
Nếu như Mặt trận tổ quốc Việt Nam không phải là cơ quan chuyên môn quản lý đất đai nhà ở có sự nhầm lẫn về pháp luật thì Sở Tài nguyên và Môi trường và Nhà đất, là cơ quan chuyên môn quản lý đất đai nhà ở, chẳng nhẽ cũng không thuộc luật hay vì lý do gì mà đã bán nhà trái luật cho gia đình bà Nhị?
Đó là câu hỏi cần có lời giải đáp tại phiên tòa phúc thẩm mà công lý sẽ được làm sáng tỏ. Đó chính là mấu chốt là gốc khuất của bản án số 03/2018/HCST và là tiền đề để kéo theo việc cấp số đỏ hợp thức hóa sai phạm biến đất đai công sản thành tài sản của cá nhân. (Còn nữa)
Trần Thị Thực
Nguồn: Báo Người cao tuổi