Chuyện văn chương

30/10
3:11 PM 2016

VĂN CHƯƠNG, TÔI ĐÃ BƯỚC VÀO VÀ TÔI ĐANG THẤY

VĂN THÀNH LÊ (Bà Rịa – Vũng Tàu)-Tham luận Hội nghị viết văn trẻ

                                                    Một số đại biểu dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ IX

1.

Tôi thích cách nghĩ của nhà văn Nguyễn Bình Phương, rằng: “Xét cho cùng, bản chất văn học là kí ức chứ không phải là đoán định tương lai. Nói cách khác, văn học là cái còn đọng lại trong con mắt nhắm.” Theo đó, viết văn, đích thị là cuộc trở về bến cũ trong tâm hồn mỗi người một cách tinh túy nhất. Tất nhiên, những pha lội ngược dòng quăng lưới vào kí ức, gần và xa này, thành hay bại, được nhiều hay ít, còn tùy mỗi người.

Tôi đến với văn chương vô cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê, thích nghịch đất bờ ao, chơi khăng, đánh đáo, nhảy dây, trốn tìm. Ngoài ra, tôi nghịch thêm với chữ. Từ những câu vè ngây ngô thuở ban đầu đến những bài thơ, đoạn văn ngắn được in báo. Từ truyện ngắn ở các báo dành cho học sinh, sinh viên đến truyện ngắn đăng tải ở các báo lớn hơn, chuyên sâu văn chương hơn. Từ tập truyện đầu tay non tơ vụng dại đến những tập truyện sau. Tôi tự thấy mình đã khác với chính mình của “ngày hôm qua”. Đấy là cả câu chuyện dài. Có những người tài hoa, ngay lần đụng bút đầu tiên đã thành văn, xuất hiện là long lanh, lấp lánh, văn chương tỏa ra theo bề mặt chữ. Tôi không có được may mắn ấy. Tôi chỉ có một chút “điếc không sợ súng” và một chút kiên trì, cần mẫn. Hành trình đi tới ấy của tôi luôn mang những màu sắc lùi về sắp đặt lại các mảnh rời nơi kí ức.

Sau mỗi cuốn sách được xuất bản, tôi càng nhận ra: Chữ nghĩa ấy, văn chương ấy, cánh cửa bước vào thì rộng, thì không quá khó. Vui chơi thoáng chốc thôi, thì nhẹ nhàng lắm, giản đơn lắm. Nhưng để đi tiếp, đi đường dài, để sống chết dấn bước, thật không dễ dàng gì. Hoang mang. Thậm chí có thời đoạn bế tắc. Đi vào “cái còn đọng lại trong con mắt nhắm” nhiều lúc như người nhắm mắt đi trên xa lộ, hồi hộp và run rẩy. Nhưng, chính sự còn hoang mang và run rẩy mới khiến tôi viết tiếp được. Khi đã hết hoang mang và run rẩy, chắc tôi sẽ toàn tâm cho việc khác chứ không phải viết văn.

2.

Người viết, bao giờ cũng có thế hệ của mình.

Vẫn biết viết là chuyện sáng tạo của mỗi cá nhân. Nhưng cá nhân không thể và không nên tách mình khỏi thế hệ. Thế hệ là bệ đỡ của mỗi cá nhân. Đồng thời cá nhân quần tụ làm nên thế hệ. Cá nhân lớn dẫn dắt cả thế hệ. Chúng ta đã có thế hệ văn học trước 1945, thế hệ văn học kháng chiến chống Pháp, thế hệ văn học kháng chiến chống Mĩ, thế hệ văn học miền Nam trước 1975, thế hệ văn học hậu chiến, văn học sau đổi mới. Hay theo cách tính đương đại hơn, cứ 10 năm một, với thế hệ 5x, 6x, 7x, 8x, 9x. Hội nghị đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX này là diễn đàn của thế hệ 8x và 9x.

Nhìn lên phía trước, gần chúng tôi nhất là thế hệ 7x, đã định hình đội ngũ, xác quyết đường văn với những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Gia Thế, Trần Thiện Khanh… Còn thế hệ 8x, 9x? Dường như mới nhấp nhô ra ràng, vẫn đang ở khúc lần mò tìm đường đi cho mình. Chúng tôi có Trịnh Sơn, Đinh Phương, Nhã Thuyên, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Vũ Trường Giang, Du Nguyên, Lữ Thị Mai, Cao Nguyệt Nguyên, Minh Moon, Hồ Huy Sơn, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Dương Quỳnh, Hoàng Công Danh, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh, Hoàng Thụy Anh v.v…

Các tác giả 8x, 9x ra sách ào ào. Có người “dắt lưng” đến năm, mười đầu sách. Chẳng biết thế hệ trước nhìn xuống chúng tôi thế nào. Cá nhân tôi thấy tất cả mới là khởi động. Văn chương ngày nay, dễ đấy mà khó đấy. Dễ trong việc công bố tác phẩm, dễ trong việc tìm đường đến với người đọc. Nhưng cùng với nó là khó. Khó bởi sự nhiễu của truyền thông thái quá dẫn đến vàng thau lẫn lộn. Khó bởi lối sống công nghiệp, ồn ào trôi đi hằng ngày. Mà văn chương đích thực thì không thể vội, không thể là món ăn nhanh, trước đây là vậy, và bây giờ vẫn vậy.

Tất nhiên, có một số người viết trẻ đang hồ hỡi và lầm tưởng khi xem thứ văn – ăn – nhanh của mình là văn học. Đâu đó hình thành thứ công thức để thành tác giả của giới trẻ, tác giả bestseller, là: ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê phim bộ Đài Loan, đi kèm các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz. Chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ, hình ảnh người viết được đẩy lên nhanh đến chóng mặt như bây giờ. Có thể chỉ sau một cuốn sách tản mạn, ghi chép cảm xúc vụn vặt. Có thể chỉ sau vài ngày hội sách. Tất nhiên, ai cũng hiểu, cái gì đến nhanh cũng có thể sẽ qua nhanh. Mọi sự ồn ào đều mang trong mình những hạt mầm của tĩnh mịch cô liêu. Dẫu nhìn ở góc độ phát triển, đấy là tự nhiên, là cần thiết. Văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn. Nhưng rõ ràng, lấy điều này để đo sức khỏe của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết phục.

3.

Có lẽ, văn chương càng thật sự là văn chương, càng không phải của số đông. Dù ở thời đại này không thể phủ định sự cần thiết của truyền thông thì văn chương vẫn không đứng về phía ồn ào. Nói thế không phải để đề cao vị trí người viết. Thực tế vậy. Văn chương khác thể thao. Văn chương khác showbiz. Kể cả trong các loại hình nghệ thuật, văn học là gốc, là thứ khó đi đến đám đông nhất. Một tác phẩm văn học khác một ca khúc, khác một vở kịch, một bộ phim. Vậy mà, tôi có cảm giác, hình như nhiều người trẻ đang lấy lượng độc giả dễ dãi để đo văn chương, và lấy điều đó bảo chứng cho trang văn của mình.

Viết cho độc giả hay viết cho mình? Đấy là câu hỏi mà không ít người viết tự vấn bản thân. Riêng tôi, tôi viết cho tôi, cho nhận thức của tôi, rồi mới đến cho người đọc. Những trang viết đi ra từ ẩn ức của cá nhân. Tôi giải bài toán ẩn ức của tôi chứ không phải bài toán viết thế này thì sách bán được bao nhiêu, viết thế kia sẽ bao nhiều người đọc. Có lẽ, đấy là cái khó của văn chương và cũng là hấp lực của văn chương.

Chủ đề của Hội nghị là: Nhà văn trẻ đồng hành cùng đất nước. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Vậy thì, với người viết, hay đi đến tận cùng bản thân mình, sẽ gặp quê hương đất nước ở đấy, giản dị vậy thôi. Tôi nghĩ vậy!

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *