NHÀ VĂN - TÁC PHẨM: NHÀ THƠ HUY CẬN
Nhà thơ Huy Cận (nguồn: Internet)
HUY CẬN
(1919-2005)
Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31 - 5- 1919 tại xã Ân Phú, huyện Dương Sơn, Hà Tĩnh, mất ngày 9 - 2 - 2005 tại Hà Nội. Trước khi mất ông sống tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Trước cách mạng tháng Tám, Huy Cận đi học (Tú tài, Cao đẳng Nông Lâm...) và hoạt động Văn học. Từ đầu năm 1942, vừa học Nông Lâm vừa tham gia hoạt động bí mật và làm thơ, viết văn. Cuối tháng 7-1945, tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) và vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Là Bộ trưởng Canh nông và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm Thời. Từ 5-11 năm 1946 là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ. Trong kháng chiến chống Pháp là Thứ trưởng Bộ Canh nông (12-1946 đến 7-1947) rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế (1947-1949). Từ 1949 đến 1955: Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ. Từ 1955 đến 1984: Thứ trưởng Bộ Văn hoá; Từ tháng 9-1984: Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà thơ còn là Đại biểu Quốc hội khoá 1, 2 và 7,8. Nhà thơ Huy Cận còn là ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO từ 1978-1983, đồng Chủ tịch Hội đồng văn học Á Phi 1962 tại Cairo, đồng Chủ tịch Hội đồng Văn hóa thế gới 1968 ở Lahabana, ủy viên Hội đồng Pháp ngữ 1985-2000. Năm 2001 được bầu làm Viện sỹ Viện hàn lâm Thơ thế giới. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I-1996).
Tác phẩm:
THƠ: Lửa thiêng (1940); Vũ trụ ca (1942); Trời mỗi ngày lại sáng (1958); Đất nở hoa (1960); Bài thơ của đời (1963); Hai bàn tay em (1967); Phù Đổng Thiên Vương (1968); Những năm 60 (1968); Cô gái Mèo (1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (1973); Chiến trường gần chiến trường xa (1973); Những người mẹ, những người vợ (1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975); Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (1976); Ngôi nhà giữa nắng (1978); Hạt lại gieo (1984); Tuyển tập Huy Cận tập I (1986); Chim làm ra gió (1991); Tào Phùng (1993); Thơ tình Huy Cận (1994); Marées de la Mer orientale Paris (1994); Tuyển tập Huy Cận II (1995); Thiên việt lương việt lãng (Bắc Kinh, 1959); Messages stellaires et terrestres (Canada, 1996); Thơ Huy Cận (1996).
VĂN: Tâm sự gái già (1940); Kinh cầu tự (1942); Suy nghĩ về nghệ thuật (1980 - 1982); Culture et politique république socialiste du Việt Nam. Paris (1985); Một cuộc cách mạng trong thi ca (chủ biên cùng Hà Minh Đức, 1993); Suy nghĩ về bản sắc dân tộc (1994); Các vùng văn hoá Việt Nam (chủ biên cùng Đinh Gia Khán, 1995); Culture Vietnamienne (traditionnelle et contemporaine, 1997).
THƠ HUY CẬN
BUỒN ĐÊM MƯA
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...
Tương tư hướng lạc phương mờ...
Trở nghiêng gối nặng hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...
TRÀNG GIANG
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
H.C
Tặng Trần Khánh Giư
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
NGẬM NGÙI
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
ĐI GIỮA ĐƯỜNG THƠM
Tặng Thạch Lam
Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm...
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng.
Đất thêu nắng, bóng tre, rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu:
Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?
Không biết nữa - Có chút gì làm ngợp
Trong không khí... hương với màu hoà hợp...
Một buổi trưa không biết ở nơi nào,
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
Buổi trưa này xưa kia ta đã đi,
Phải cùng chăng? Lòng nhớ rõ làm chi!
Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng,
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng,
Trí vô tư cho da thở hương tình,
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình.
Như sắp nói, nhưng mà không - khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ...
Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng...
Tri bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
"Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu".
Chân đang bước bỗng e dè dừng lại
- Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại....
ĐẢO
Những đảo mù khơi ai viếng thăm!
Chim con mòn mỏi cánh giam cầm
Rêu vàng nở gượng đôi hoa gió,
Không hạt phương xa đến gởi mầm
Chỉ có nghìn năm triều sóng động
Mai chiều trải lại nếp vô biên
Mây phiêu lưu cũng không ngừng bóng,
Cát nổi đòi cơn trận tủi phiền.
Tôi nhớ bân quơ những chiếc hồn
Muôn trùng biển rộng, đảo con con.
Thuyền không giao nối đây qua đó,
Vạn thuở chờ mong một cánh buồm.
1940
GẶP CHỊ ĐIÊN
Chủ nhật qua tôi gặp một người điên
|
CẨM THẠCH- HƯƠNG TRẦM
Hỡi em yêu, hỡi em thương
Thân em cẩm thạch tẩm hương rừng trầm
Mưa trời ướt lá lâm thâm
Tương tư ngày tháng ướt dầm hồn anh
Em yêu: tượng ngọc vân xanh
Anh yêu gốc cội, yêu cành đung đựa
Yêu đôi trái chín đang mùa,
Yêu vòm biển động triều khua nhịp đời
Là cây anh mọc đất tươi,
Là sao anh mọc đỉnh trời vô biên,
Là tình yêu dại, yêu điên
Yêu em da diết triền miên tháng ngày
ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
DIỆU ƠI, DIỆU ĐÃ VỀ YÊN TỊNH
Diệu ơi, Diệu đã về yên tịnh
Cận hãy còn đây trăm xốn xang,
Cận mới về thăm quê Nghệ Tĩnh
Gặp tuần trăng sáng ngẩn ngơ trăng.
Cận ra Thanh Hoa nằm bên biển
Biển lại dồn xao không phút ngưng.
Diệu đã đi xa về tới bến
Cận đang biển động sóng lừng dâng.
"Hồi kí song đôi" đang viết dở
Hai chương tuổi nhỏ chép xong rồi
Đời ta, trang khép, còn trang mở
Cận viết đầy trang, tay mới xuôi.
Biển lớn băng qua, ấy biển đời
Biển vào vũ trụ, ánh sao mời
Diệu dò thế giới bên kia trước
Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi.
Sầm Sơn sáng 27-7-1986
ANH ĐẦU THAI VÀO ĐỜI EM MỖI SÁNG
Anh đầu thai vào đời anh mỗi sáng
Đời tinh khôi theo hướng mắt em nhìn
Anh đi trên bờ của biển em sâu thẳm
Và anh trở về sâu thẳm của hồn anh,
Theo làn sóng em; vận mệnh đôi ta
Là hai đợt sóng giao hoà
Trên biển lớn.
Liệu hai ta có đổ xuống lúc cập bờ?
Anh dựa vào bờ em chiều lặn
Anh tự nhận mình trong gương em xán lạn
Để yêu em tận cội, tận nguồn
Để óc toàn em: hoa hồng và gai nhọn.
Anh đầu thai vào đời em mỗi sáng
Em là bình minh, em là rạng đông
Là chân trời lùi xa mãi mãi
Và chiếc đồng hồ cố định đời anh
Đánh những giờ số mệnh.
Em là hương vị của ngày, hương vị của đêm
Hương vị nhựa nồng và trái ngọt
Mà anh hít thở để làm êm đói khát
Của hồn anh nung chảy khát thèm.
CHIÊM BAO THỈNH THOẢNG EM VỀ
Chiêm bao thỉnh thoảng em về
Mắt còn toả mộng cuồng mê thuở đầu.
Gặp nhau không ngợ ngàng nhau
Má xuân trời cũ đọng màu ráng xưa
Chiêm bao yêu muộn nhớ thừa
Là nơi họp mặt ngày đưa tiễn rồi
Thân dù sông núi xa xôi
Giấc mơ qua lại lứa đôi tự tình
Yêu nhau nhớ dáng tưởng hình
Chiêm bao em có một mình chăng em?
Đời buồn lạnh gối đêm đêm
Biệt li gì mộng! Nhớ tìm thăm nhau
CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG
Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra.
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?
Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.
Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.
Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.
Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.
Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.
Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.
27-12-1960