HỘI THẢO “NHÀ VĂN BÙI HIỂN – VĂN VÀ ĐỜI”
Sáng 22-11-2019, tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (9. Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nhà văn Bùi Hiển – Văn và đời”, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển (22-11-1919 / 22-11-2019). Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chủ trì hội thảo.
Nhà văn Bùi Hiển sinh ngày 22/11/1919 tại Nghệ An. Không chỉ là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, nhà văn Bùi Hiển còn tham gia nhiều khóa Ban Chấp hành Hội, đồng thời được cử làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.
Tuy nhiên, ở địa hạt sáng tác văn học, nhắc tới nhà văn Bùi Hiển nhiều người nhớ tới ông là tác giả để lại nhiều dấu ấn của nền văn học hiện đại Việt Nam, với những tác phẩm tiêu biểu như: “Nằm vạ” (truyện, 1941), “Đường vui xứ bạn” (ký, 1962), “Hoa và thép (truyện, 1972), “Bạn bè một thuở” (Hồi ký và tiểu luận, 1999), “Cái bóng cọc” (truyện, 2002)… Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút và tham gia quản lý văn hóa văn nghệ, nhà văn Bùi Hiển để lại 32 đầu sách sáng tác và 9 cuốn sách dịch.
Bùi Hiển là nhà văn sống và viết trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, gắn với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Năm 2001, nhà văn Bùi Hiển vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật. Ông mất ngày 11/3/2009 tại Hà Nội, thọ 90 tuổi.
Nhận xét về ông, nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: “Là một người am hiểu Hán học và Tây học, suốt đời gắn bó với nhân dân, nhà văn Bùi Hiển là tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, đem hết tài năng và tâm huyết nhằm “đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người”.
Tin: TUYÊN HÓA
Ảnh: HỮU ĐỐ