Chân dung văn

19/12
4:21 PM 2019

UÔNG TRIỀU VÀ CUỘC HÀNH HƯƠNG CỦA CHỮ

Chiều ngày 17/12, tọa đàm ra mắt tiểu thuyết Cô độc của nhà văn Uông Triều diễn ra tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tọa đàm với chủ đề Cuộc hành hương của chữ, đã thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đến dự và phát biểu ý kiến.

 

Uông Triều sinh năm 1977, tên thật là Nguyễn Xuân Ban, bút danh Uông Triều gắn với vùng Uông Bí, Đông Triều – Quảng Ninh, quê hương của anh. Từng có 10 năm làm giáo viên ngoại ngữ ở vùng Đông Bắc Việt Nam, nhưng vì đắm đuối với văn chương, chữ nghĩa, Uông Triều rời quê hương lên Hà Nội, gắn bó với nghiệp văn.

Đến nay, Uông Triều đã có hai tập truyện ngắn (Đêm ở Ngọa Vân, Bò hoang phố Cổ), bốn cuốn tiểu thuyết (Tưởng tượng và dấu vết, Người mê, Sương mù tháng Giêng, Cô độc), một tập tản văn, tùy bút về Hà Nội (Hà Nội quán xá phố phường). Có thể nói, Uông Triều là một cây bút giàu nội lực, ham đọc, ham nghĩ và say sưa viết.

Cô độc là cuốn tiểu thuyết mới nhất, vừa ra mắt độc giả cuối năm 2019. Đây là cuốn sách tác giả gửi gắm rất nhiều tâm huyết và hi vọng sẽ tạo nên làn gió mới trong đời sống tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời là một sinh thể ra đời. Người ta vẫn thường nói, tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn. Chính vì thế, quá trình thai nghén, ấp ủ lâu dài cùng những kì vọng lớn lao sẽ là tâm thế chung của các nhà văn. Phát biểu chào mừng các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình và công chúng yêu văn học có mặt tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ sự vui mừng trước thành quả nghệ thuật của các nhà văn, và chào đón những người yêu văn chương đến với Văn nghệ Quân đội. Ông nhấn mạnh: Văn nghệ Quân đội luôn mở rộng cánh cửa với tinh thần trọng thị, sự đàng hoàng và sang trọng nhất dành cho văn chương. Trong tư cách một người đọc, một đồng nghiệp, nhà văn Nguyễn Bình Phương gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến nhà văn Uông Triều và tác phẩm mới của anh.

 

Tại cuộc tọa đàm, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học – Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) có những ý kiến đánh giá cụ thể về tác phẩm. Theo diễn giả, cuộc sống đang quá bề bộn, con người bị cuốn vào quá nhiều thứ lo toan, vì thế, thời gian và tâm thế dành cho văn chương dường như đang bị nhạt dần. Để chuyên tâm cho đọc và viết, để có những cuộc tọa đàm ý nghĩa như Cuộc hành hương của chữ, thực sự là điều khó khăn, cần cố gắng rất nhiều.

Trong phần trình bày của mình, Phạm Xuân Thạch đánh giá Cô độc là tác phẩm làm hoàn thiện phong cách của Uông Triều. Những cuốn tiểu thuyết của Uông Triều, trong cảm nhận và hình dung của Phạm Xuân Thạch, đã mở ra những thế giới nhân văn, dù có u buồn, cô độc, ám ảnh bởi cái chết, nhưng lại luôn đánh động đến đời sống của mỗi chúng ta.

Cũng tại cuộc tọa đàm, trong vai trò diễn giả chính, TS. Mai Anh Tuấn (Chủ nhiệm Bộ môn Viết văn, Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội) đã phân tích khá kĩ lưỡng lớp lang, cấu trúc và giá trị của tiểu thuyết Cô độc. Theo diễn giả, đây là một cuốn tiểu thuyết công phu của Uông Triều. Một trong những điểm rất đáng chú ý của tác phẩm chính là việc tác giả đã đi sâu vào đời sống tâm lí nhân vật, phăn lần ra những ngõ ngách sâu kín, những diễn biến tinh vi của tâm lí con người. Trong bối cảnh nhiều người lo ngại việc các nhà văn có vẻ “xa rời hiện thực”, thì lựa chọn của Uông Triều là một hướng đi can đảm.

 

Có thể, theo Mai Anh Tuấn, người đọc sẽ thấy mệt mỏi, tuy nhiên, đó là hành trình không hề dễ dàng khi ta đến với thế giới tinh thần của kẻ khác, bản thể khác. Chú ý đến nhịp điệu của tiểu thuyết Cô độc, Mai Anh Tuấn cho rằng, nhịp điệu chậm là một điểm nhấn đáng ghi điểm của Uông Triều. Để giữ được nhịp chậm mà không nhàm chán, người viết cần phải có cách kể hấp dẫn, lôi cuốn. Nhịp điệu chậm của Cô độc còn là cách đối thoại với những xu hướng khai thác khía cạnh nhanh, mạnh, gấp, kịch tính của nhiều cách viết, cách biểu hiện nghệ thuật (cũng như đời sống hiện nay).

Bàn về sự cô độc, Mai Anh Tuấn cho rằng, có 3 vấn đề lớn, làm toát lên trạng thái cô độc, đó là: tình trạng từ chối hoặc không thể giao tiếp với người khác (sáng tạo luôn cô độc); tình trạng không chốn dung thân – gia đình, cơ quan, người tình đều không còn là nơi nương náu; sự cô độc của con người trước tự nhiên và ám ảnh cái chết sâu sắc.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến quan trọng khác cũng đã được nêu lên. PGS.TS. La Khắc Hòa đã phân tích cặn kẽ cấu trúc của Cô độc. Theo ông, đó là lối cấu trúc “Song hành đẳng cấu bất đồng hình”. Lí giải cấu trúc này một cách khá thú vị, La Khắc Hòa đi đến kết luận, viết của Uông Triều là một cuộc chơi – chơi cấu trúc. Từ cấu trúc ấy, các vấn đề của thể loại, ngôn ngữ, chủ đề,… lần lượt được triển khai. Ông nhấn mạnh: Cô độc là khi chính mình thấy không phải với mình. Viết là hành trình tìm kiếm mình, để mình là mình, đối lập với cái không phải là mình.

 

Cuộc tọa đàm diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đa chiều đến từ các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình khác. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao những tìm tòi trong cách viết của Uông Triều, nhưng ông bày tỏ rằng tác phẩm còn chưa tới. Nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ thành thực, nhà phê bình đừng đòi hỏi quá nhiều ở nhà văn, anh ta viết từ sự lựa chọn của bản thân và mỗi tác phẩm chỉ là một mảnh rất nhỏ của đời sống. Cô độc của Uông Triều là một tác phẩm mang nhiều kì vọng của tác giả, tuy nhiên, theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, vẫn còn thiếu một yếu tố gì nữa để tác phẩm thực sự thuyết phục được ông.

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam đánh giá rằng, cuốn Cô độc đã chạm được đến những ám ảnh dai dẳng của con người về sự sống và cái chết. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng nhận định, viết văn là quá trình tìm đạo, và đức là điểm cuối cùng của hành trình tìm kiếm ấy. Viết văn hay làm gì chăng nữa, cái đức, cái thiện mĩ vẫn là điều nhà văn nên giữ lấy trong lòng mình và gửi gắm vào trong tác phẩm.

Trong hình thức là một cuộc tọa đàm ra mắt sách, nhưng kì thực, Cuộc hành hương của chữ, với “ngòi nổ” là Cô độc, cử tọa đã có một buổi sinh hoạt học thuật thực sự ý nghĩa. Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã nêu lên nhiều vấn đề quan trọng của văn chương, của nhà văn và hành trình của chữ. Từ cuộc ra mắt sách trang trọng này, công chúng văn học tiếp tục chờ đón những tác phẩm mới của nhà văn Uông Triều trên cuộc hành hương nhọc nhằn và kì diệu của chữ nghĩa.

LÊ PHONG

NGUỒN:VNQD

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *