Chân dung văn

16/11
4:02 PM 2019

TRỰC GIÁC MẠNH MẼ VÀ TƯƠI TỐT CỦA THANH TÙNG

Hữu Thỉnh-Cho đến tận hôm nay mỗi khi nhớ về những bạn thơ cùng lứa ở Hải Phòng, tôi hay nhớ đến những câu thơ đặc sắc nhất của họ. Những câu thơ như một thứ tem nhãn cá thể giúp ta nhận ra cái đặc sản tâm hồn với những dấu ấn không trộn lẫn, rồi sẽ làm nên một diện mạo, giúp họ đủ sức đứng riêng ra một chỗ.

Đó là Thi Hoàng với Đám mây màu thiếu nữ, trôi ngang mình hai ta; Những buổi chiều không biết cất vào đâu. Đó là Đào Cảng với Đôi guốc xếp hàng đôi. Ngủ gà trên bậc cửa. Đó là Nguyễn Tùng Linh với Đêm như con ngựa hoang lồng ngoài ngõ. Và, Thanh Tùng Cha đã làm ra những chiếc đinh ốc, những chiếc bù loong và cả những con tàu, nhưng hôm nay cha mới sinh ra một con người. Mỗi người hay một kiểu. Thanh Tùng hay về chất cảm và tầm nghĩ. Và câu thơ cũng có cái gì ngổn ngang, bề bộn như cuộc đời anh. Anh đã hai lần được giải thưởng của Tổng công đoàn. Anh ít gặp may mắn trong cuộc sống. Cái may mắn nhất đối với anh là được tạo hóa ban phú cho một trực giác vạm vỡ và tươi tốt làm cho anh vừa trẻ trung vừa nồng cháy dễ ngả vào số phận của bao người. Nhân nói về trực giác, tôi muốn dẫn một câu nói rất có giá trị tham khảo của nhà triết học Henri Bergson (1859-1941) người Pháp "Trực giác đi theo đúng hướng của sự sống". Trước đó từ thế kỷ thứ XIII, John Donscotus đã tuyên bố "Ý nghĩ trực giác có trước ý nghĩ trừu tượng". Với trực giác đó, Thanh Tùng vừa được bồi đắp vừa được dẫn đường để tránh những hiểm họa lớn nhất của một người làm thơ, đó là nhạt, dễ dãi, kể lể và vịnh. 

Description: http://admin.baovannghe.com.vn/cdn/uploadv2/web/1/1/news/2019/11/14/09/19/1573697977_infonet_vieng_nhac_si_thanh_tung_002_1.jpgNhà thơ Thanh Tùng thuộc lớp nhà thơ chống Mỹ, ông đã từng đoạt các giải thưởng: Giải thưởng văn học về đề tài công nhân, Hội Nhà văn và Tổng Công đoàn Việt Nam; Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng; Giải thưởng cuộc thi thơ báo Người Hà nội, kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô (1954-1994)… Bài thơ Thời hoa đỏ” của ông đã ra đời và được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên đã đưa tên tuổi Thanh Tùng đến với công chúng cả nước.  Các tác phẩm chính đã xuất bản gồm có: Con sông chảy từ lòng thành phốCửa sông (Tập thơ in chung cùng Thi Hoàng); Gió và chân trờiThời hoa đỏ… Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ được phổ nhạc, được công chúng yêu thích: Thời hoa đỏ – nhạc Nguyễn Đình Bảng; Người vềHà Nội ngày trở vềMùa thu giấu em – nhạc Phú Quang…

Tại Hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sau đánh giá về những đóng góp của nhà thơ Thanh Tùng đã nhấn mạnh, Thanh Tùng đủ tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đặt tên đường mang tên nhà thơ Thanh Tùng.

Cũng trong dịp này, ban tổ chức ra mắt tuyển thơ Thanh Tùng - Còn đây một thời hoa đỏ (Nxb Hội Nhà văn, 2019) dày hơn 260 trang giới thiệu đến độc giả hơn 150 bài thơ của nhà thơ Thanh Tùng, cùng phần phụ lục Thanh Tùng với bạn bè.

Người xưa nói, trong phép tắc làm thơ, "Ý không trọng bằng lời, lời không trọng bằng câu, câu không trọng bằng cách". Và khi đã tìm thấy cái cách rồi thì đồng thời ta lại tìm ra cái đẹp của câu, cái hay của lời, cái mới của ý. Thanh Tùng rất chú ý đến cách, và khi tìm ra được cách của mình thì anh hoàn toàn tự do và luôn làm chủ được cảm xúc. Thử hỏi, có gì mới, trong công việc của anh thợ xây? Thuở trước, các cụ đã có câu: "Để yên là đất cất lên là nhà" sâu sắc đến không thể hay hơn được. Gần lại, Nguyễn Bính rất sớm có một trường ca Xây nhà máy. Hoàng Vân nổi tiếng với ca khúc Bài ca xây dựng: "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau". Thế mà, đến lượt Thanh Tùng, anh vẫn có một cách nói hoàn toàn mới, theo hướng kỳ vĩ hóa.

Nếu tìm anh em hay lên đây

Nơi mỗi sáng anh đặt viên gạch

Gọi mặt trời thức dậy

Nơi mỗi chiều viên gạch

Còn như một mảnh mặt trời

Chưa chịu lặn trên tay

(Lên cao)

Một cách nói gián tiếp, nhưng lại rất trực tiếp tôn cao tầm vóc của người thợ. Và công việc của người thợ xây ở đây không còn là công việc xây một cái nhà cụ thể nào nữa, mà xây lên cả một vũ trụ (Viên gạch, còn như một mảnh mặt trời chưa chịu lặn trên tay)

Cũng viên gạch ấy, nhưng khi chiến tranh phá hoại của Mỹ đổ xuống thì cách cảm, cách nghĩ lại thay đổi hoàn toàn:

Tôi cầm viên gạch vỡ trên tay

Thấy bao nhiêu bão táp

Bỗng tôi tin một điều có thật

Nếu tôi đập viên gạch vỡ

Một dòng máu tươi sẽ túa ra thắm đỏ

Như tự trái tim người hôm ấy... Hoàng Thao

(Viên gạch ở Hoàng Thao)

Như các nhà thơ khác, Thanh Tùng cũng có tuyên ngôn cho mình, một tuyên ngôn của một cách sống và cho một hồn thơ:

Biển gọi tôi thành sóng

Tiếng chúng ta say lên chất ngất

Hủy bỏ tận cùng im lặng

Cho tôi là biển kéo dài

Chẳng lo tan hoang chỉ sợ mình khép lại

Không quẩn quanh róc rách dưới bình yên

(Trước biển)

Chọn một cách sống "Không quẩn quanh róc rách dưới bình yên" cho mình thì những vênh lệch, những trắc trở, kể cả những phản phúc đón đường sẽ là chuyện khó tránh. Thanh Tùng không phải không biết đến điều đó. Nhưng là một nhà thơ đích thực, anh không thể tiêu phí sinh lực vào chuyện thúc thủ mà trả hết mình cho đời sống. Có thế, mới có thể cảm thấy:

Ôi đất mẹ ta sinh bốn bề bủa sóng

Bữa ta ra đời bãi sú cựa mình ru

Cánh hải âu đùm về hơi gió mặn

Con tàu vào còi rúc ấm vành môi

Trong câu thơ thứ ba, chỉ một chữ đùm, rất quê, mà hàm chứa bao nhiêu hơi ấm, tần tảo, một cách hô ứng hài hòa với "đất mẹ ta sinh" ở câu thứ nhất. Một sáng tạo làm bật sáng cả câu thơ, dựa trên một tình cảm thực. Đọc Thanh Tùng, ta bắt gặp biết bao lần cái nồng nàn vồ vập sự sống như thế. Và rất nhiều đột ngột, khó đoán định trước. Anh tâm sự:

Cái nghề bốc vác của tôi

Trong cơn mơ còn thấy những giọt mồ hôi cười

Tôi sợ nó và tôi yêu nó

Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con

Một lời tâm sự thành thực và cảm động. Những giọt mồ hôi cười, biến lao động không còn là một gánh nặng. Nhưng đấy chưa phải là những năm tháng khó khăn nhất của đời anh. Rồi ra, anh còn phải nhiều lần tự chứng minh trong những thử thách đau đớn và khắc nghiệt hơn nữa. Nhưng sự thật có phũ phàng đến mấy cũng không thể làm hao hụt nội lực cường tráng và trực giác mạnh mẽ ở nơi anh. Thanh Tùng là một người phải vật lộn với đời sống cực nhọc nhất trong số các nhà thơ. Giáo viên thể dục. Thợ xây. Thợ sắt. Bốc vác kho bến cảng. Áp tải hàng đường dài. Về hưu một cục trong lúc sức khỏe còn dư thừa, nghèo đói theo sát từng bữa. Hơn thế, hôn nhân, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Với một hoàn cảnh như thế để giữ cho tâm hồn luôn thanh thản, tươi tốt để không mất đi sự khoan dung và niềm tin với cuộc sống như Thanh Tùng, thật là một nhân cách đáng kính trọng. Đó là một con người có đủ nghị lực vượt qua nỗi bất hạnh của chính mình, giữ mãi hơi ấm và sự sung mãn của hồn thơ. Chính vì thế anh mới có những câu thơ tươi rói và xúc động, kiểu như: 

- Những cây buồm

Lặng lẽ giấc mơ nâu                                        

- Mặt sông của tôi

Như mặt trái dưa bổ ra mát rượi đất trời

(Vàng đen)

- Ai cắn vào trái mận

Mà ngọt nửa không gian

- Ta nhẹ nhàng đến có thể bay lên

Với đôi cánh bông hoa vừa mới rụng                              

(Một thoáng Sapa)

Cái bút pháp nồng nàn và luôn luôn đột biến ấy của Thanh Tùng sẽ còn làm nên vẻ đẹp của rất nhiều bài thơ khác. Nhưng đến khi nói về những gì thiêng liêng nhất, thì thơ anh lại có sự chuyển hóa theo một hướng khác. Đó là sự giản dị và cô đọng tối đa. Trong đời, Thanh Tùng được cử đi nước ngoài duy nhất một lần, nhưng lại là một chuyến đi sang nhất. Đó là chuyến đi Hy Lạp cùng với Anh Ngọc. Hành trình của họ toàn toàn diễn ra trên một chiếc tàu thủy hạng nhất, cập bến nhiều quốc gia với nhiệm vụ duy nhất là đọc thơ và tiếp xúc với công chúng. Trước khi xa Tổ quốc, Thanh Tùng viết:

Như thuỷ thủ sắp ra khơi kiểm tra phần nước ngọt

Tôi hát thầm bài Tiến quân ca

(Lần đầu ra nước ngoài)

và đến khi trở về:

Đồng hồ của tôi thay đổi đã mấy lần

Giờ sắp được lấy lại múi giờ Tổ quốc

Thật là một giọng thơ biến hóa khác hẳn. Bao nhiêu người đi nước ngoài trong đó có nhiều nhà thơ nữa thường vặn kim đồng hồ lấy lại đúng múi giờ mỗi lần đến một quốc gia khác. Nhưng chưa có ai, chưa có nhà thơ nào đưa được chi tiết ấy vào thơ. Một chi tiết nhỏ, thậm chí rất nhỏ, với Thanh Tùng lại nói lên được một tình cảm lớn. Tình yêu Tổ quốc cụ thể biết bao. Và đến khi mẹ mất, nỗi đau đớn, đến mức tưởng không có lời nào diễn đạt được, thì Thanh Tùng vẫn có một cách nói riêng, bắt gặp nỗi đau chung của mọi người.

Con vẫn quen coi thường đau khổ

Nhưng lần này gục ngã mẹ ơi

Không đứng lên được nữa rồi

Những giọt nước mắt móc vào nhau thành sợi xích

(Sám hối)

 Sự thành thực hết mình là con đường ngắn nhất đến với người khác. Chính vì thế, ở đầu bài viết, tôi nói thơ Thanh Tùng dễ ngả vào số phận của nhiều người. Trong những năm chống Mỹ, Thanh Tùng như người đi tiên phong. Anh viết thoải mái, phóng túng, không bị vần điệu và lối kể lể kéo đi. Thơ anh thật khoáng đạt, giàu phát hiện, đầy những ngẫu nhiên, đem đến một chiếu sâu nội cảm, phức hợp, trở thành một sinh mệnh, một thực thể thẩm mỹ có sức lan tỏa rộng. Anh rất coi trọng và đầu tư vào cấu trúc, và dựng tứ thơ. Đấy là hiện đại, chứ sao? Bởi như người ta nói, cấu trúc là trí tuệ.

Ngày khai trường                      

Cha mua cho con đủ thứ

Nhưng cha quên mua cho con một đôi nạng mới

Hai năm qua từ khi con bị bom

Chiếc nạng cũ chẳng cùng con lớn lên, cha ạ

Một câu chuyện bi thương, nếu phải viết bằng văn xuôi có thể dựng nên một cái truyện ngắn và cũng phải tốn đến mấy trang giấy. Còn làm thơ, người non tay có thể phải vòng vèo qua bao nhiêu dẫn dụ. Thanh Tùng tước bỏ hết, chỉ tập trung dựng lên một cái trục chính, giản dị, hàm xúc, đụng đến tận cùng đau đớn. Mà viết cứ như không. Tài năng thực sự là ở đó. Bản năng có sự mách bảo lạ thường. Vì là người có trực cảm mạnh mẽ, viết về cái gì anh cũng đều tìm ra một góc phát hiện độc đáo. Chẳng hạn viết về trẻ em. Người ta thường nói muốn viết hay về trẻ em, không phải chỉ thuộc mà phải hóa thân thành trẻ em. Thanh Tùng không làm theo lời khuyên đó. Anh trước sau sắm vai người lớn, hơn nữa, một người lớn lặn đến tận đáy của phong trần. Anh viết về trẻ em nhưng lại dành cho người lớn. Chính vì thế, anh cảm thấy trẻ em là nơi trú ngụ an toàn nhất. Anh thú nhận "Đến với trẻ em tôi mới thật yên bình". Một câu cô đặc vừa là lời tự thú, vừa hạnh phúc vừa xót xa; vừa nói được cái thế giới trong sáng thiên thần của các em lại vừa nói về những trận bão đời, bão người mà anh phải trải qua.  Trong tâm trạng đó, anh đẩy cảm xúc lên:

Không đứa trẻ nào không phải con tôi

Tôi chỉ gửi mọi nhà âu yếm hộ

(Trẻ em)                     

Một cái kết thật bất ngờ, rất hoàn hảo, làm bệ phóng đẩy bài thơ lên cao. Còn với những đứa con của mình? Trong cảnh dứt lìa, anh xem chúng là bạn để thở than, và vẫn là những đứa con để cả đời mình hy sinh cho chúng, và cũng là nỗi khát khao lớn nhất để chờ đợi. Bài thơ trần trụi, đớn đau nghẹn ứa, không còn câu không còn chữ không còn lời, chỉ còn vò xé trong nước mắt:

Mẹ các con chẳng còn yêu cha                   

Các con đã đi xa theo mẹ

Cha cứ tưởng các con chỉ vừa ra chơi ngoài chợ

Cha vẫn mở, các con ơi, đôi cánh cửa

Trong cả ngày lẫn đêm

Trong cả mùa xuân lẫn mùa đông

Và giữa hai cánh cửa kia

Treo trái tim cha trĩu nặng nỗi mong chờ

(Đợi)

Thanh Tùng có những câu thơ như ám vào đời mình.

- Gió cũ động liên hồi lên mặt trống

Của bầu trời và của trái tim

(Chuyển mùa)                              

Bây giờ tôi đi giật lùi

Tình yêu ở phía sau tôi

(Bây giờ)

Sau cuồng si là lo lắng tận cùng

(Tự thuật I)

 Con người ấy, với cách sống sẵn sàng vét những đồng tiền cuối cùng trong mỗi cuộc chơi, hẳn sẽ biến mình thành một cơn bão trong tình yêu hoặc biến tình yêu thành một cơn bão. Cái con người mới chỉ một thoáng nhìn của người khác giới mà sẵn sàng "liều mình như một chú gấu con" lại là người vô cùng thành thực khi nói về những bi kịch trong góc khuất, cả nỗi trắng tay trong xấp ngửa của cuộc đời, thì những chấn động của chàng có thể lây sang cả trời đất.

Ngày ấy em đâu biết

Con đường nào cũng dẫn đến em

Lá bàng nào cũng thành mảnh thơ tình

Tôi viết vào, gió lại xóa đi ngay

Em nào đọc nổi

Mảnh hồn tôi run mãi ở trên cao

Theo dõi mảng thơ tình của anh, tôi thấy rất ít, hầu như không có bài nào ngọt ngào, hạnh phúc cho trọn vẹn, mà hầu hết lại là những tan vỡ, bất hạnh, tiếc nuối, khổ đau, và nỗi chia xa, cay đắng đến mức nhà thơ phải thốt lên:

Ôi tình yêu như lưỡi câu tự nuốt

Rồi tự mình cứ lơ lửng treo lên

                                                  (Tình yêu)

Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến những câu thơ nhức buốt của nhà thơ Mỹ da đen Langston Hughes (1902-1967) mà tôi đã thuộc lòng khi còn ngồi trên ghế nhà trường:

Hãy bảo anh em hãy bảo anh

Gì đã khiến tình yêu đau đớn thế

Nó túm anh nó bẻ vụn anh ra

Thế mà anh vẫn còn phải yêu trở lại

Hai nhà thơ ở hai chân trời khác nhau, thuộc hai thế hệ khác nhau, cách viết cũng khác nhau, nhưng sao nỗi đau trong tình yêu lại gần nhau đến thế. Hay nhất, kết tinh đẹp đẽ nhất mảng thơ tình của Thanh Tùng là bài Thời hoa đỏ. Bài thơ được viết trong lúc hạnh phúc còn nồng đượm, đắm say. Có đắm say, nồng đượm mới có thể viết về người vợ thao thiết như là một người tình. Cái khó nhất, làm cho hạnh phúc bền lâu là luôn luôn xem vợ còn là một người tình. Đối với họ, hôn nhân, không đồng nghĩa với sự kết thúc một giai đoạn, mà nó chỉ là điểm nhấn quan trọng nhất trong một tiến trình. Nếu chỉ xem vợ là vợ thôi có nghĩa là cái đẹp đã được chiếm hữu hoàn toàn, không còn khát khao, không cần theo đuổi nữa. Như vậy, thì dễ dẫn đến cẩu thả, sơ khoáng, thô bạo, và chính những cái đó sẽ đuổi tình yêu bay mất. Thanh Tùng yêu vợ như yêu người yêu của mình, yêu cả cái quá khứ của người tình, cái quá khứ về một thời yêu đương tha thiết nhưng "trong câu thơ của em anh không có mặt, anh không buồn mà chỉ tiếc". Bài thơ trộn lẫn quá khứ với hiện tại, nồng nàn và xót xa, khoan dung và tiếc nuối. Người vợ ở đây đáng yêu bao nhiêu thì người chồng càng đáng yêu gấp bội. Bởi ngầm trong hạnh phúc đã có sự hy sinh, người vợ càng hát về thời hoa đỏ trẻ trung bao nhiêu càng làm rớm máu người chồng bấy nhiêu. Thanh Tùng ở Thời hoa đỏ có cái cao thượng và đủ sự tinh tế để làm yên lòng người vợ và người tình của mình mà cho rằng "Hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ", có nghĩa là lỗi của tuổi trẻ, lỗi của thời gian. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự vắng mặt của người chồng trong một thời yêu đương tha thiết của người vợ vẫn như một mũi kim nhói đau thường trực. Cái vết xước của trái tim không sao lành sẹo được. Người vợ ở đây vô tình quá, chị càng say sưa hát về những ngày hoàng kim của mình, thì vết xước trong tim người chồng càng rớm máu để đến mức "anh biết mình vô nghĩa đi bên em". Tình ở đây không phải không say đắm nhưng đang bị cái ngày xưa tước đoạt. Cả anh và em đều thành thực, nhưng câu thơ cứ day dứt như báo hiệu một điều gì bất an. Đây là bài thơ tình lạ nhất trong những bài thơ lạ. Lạ ở nội dung, ở tình cảm, ở nhịp điệu, và lạ nhất là ở cấu tứ. Tình cảm thì của thực tại, nhưng âm hưởng bao trùm lại thuộc về quá khứ. Trong tập thơ Còn đây một thời hoa đỏ, tôi đếm được mấy chục chữ ngày xưa, tình xưa, ngày cũ, phía sau. Bài thơ Thời hoa đỏ có 47 câu thì có tới 31 câu nhắc lại. Riêng câu thơ "hoa như mưa rơi rơi" được nhắc lại tới bốn lần. Nó như một giai điệu chính của cả bài thơ. Cứ mỗi lần được nhắc lại thì ý thơ lại chuyển sang một tầng vỉa khác, một sắc độ khác, cũ mà rất mới, đã mà như chưa.

Như một đoán định, rồi hai người tình ấy chia tay! Hạnh phúc đổ vỡ. Nhưng cái cao thượng của người chồng, một hình tượng thẩm mỹ trung tâm của bài thơ thì ngày càng trọn vẹn. Vì anh vẫn yêu nàng, vẫn theo đuổi nàng, bảo vệ nàng, anh đứng ra cãi lại mọi dị nghị cho nàng:

Nếu bảo anh không cãi nổi cho em

Đó là điều ngu ngốc

Ngay cả khi em đã phản anh rồi

Anh vẫn luôn luôn là thầy cãi của em

Một thầy cãi tuyệt vời đến thế

Dấu chẳng dễ dàng đâu

Khi chính anh phải tự hủy mình

Hai lần hy sinh và cũng là hai lần cao thượng.

Còn đây một thời hoa đó là một tập thơ hay, một tập thơ giúp ta nhớ lại một đời thơ của Thanh Tùng. Một tập thơ là một căn cứ vững chắc để khẳng định Thanh Tùng là một nhà thơ hàng đầu trong lớp các nhà thơ chống Mỹ. Anh đóng góp một phong cách riêng, độc đáo, mới mẻ, đi tiên phong cho một hướng đổi mới thơ đúng đắn và có thành tựu. Tôi rất mừng cho anh khi bắt đầu cuộc Nam hành với không ít níu kéo, éo le, nhưng thơ anh vẫn sung sức, trẻ trung, nồng nhiệt như ngày nào. Và nhất là tâm hồn anh đang ấm lại:

Ta lại về được thời hoa dại

Trút bỏ những gì vàng vọt

Lại đâm lên những búp non cây

Giữa vùng xanh rười rượi

Câu hát lại cất lên dù vết thương vừa kín

Cả lũ chim kia đến dạy ta vui

Giọt buồn rơi vào ấm đất

Cho ngày mai mọc từ hôm nay./.                 

Hà Nội 6/11/2019

Nguồn Văn nghệ số 46/2019

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *